Bình Minh Và Hoàng Hôn

Ngày ngày cùng nhau đến trường, tan học lại cùng nhau đi về, Kỉ Đình và hai chị em nhà họ Cố dần dà thân thiết với nhau. Thực ra, nếu nói cho chính xác, chỉ có Kỉ Đình với Chỉ Di là gắn bó hơn cả, vì tuy các bậc phụ huynh của hai nhà để ba đứa nhỏ tan học đi về một lượt, để mắt trông nom nhau, thế nhưng chuông báo hết giờ vừa mới vang lên, Chỉ An đã ba chân bốn cẳng chạy mất tăm mất tích, có khi đụng mặt cô bé trên đường hay ở nhà họ Cố, cô cũng dẩu môi bĩu mỏ, không thèm đếm xỉa tí gì đến cậu.
Kỉ Đình cũng đã từng thử tham gia với nhóm của Chỉ An, thế nhưng từ nhỏ bố mẹ cậu đã dạy: đi có dáng đi, ngồi có tướng ngồi, đàng hoàng quy củ, học rộng biết nhiều mới thực là một đứa trẻ ngoan. Thế nên trừ những buổi học chính quy, họ còn sắp xếp kín đặc các buổi học thêm cho cậu, bàn học của cậu lúc nào cũng bày la liệt các loại sách báo bố mẹ đặt cho. Hiếm hoi lắm cậu mới bước ra ngoài cho thoáng khí một chút, làm sao quen được với cái trò ngông cuồng sục sạo khắp nơi mọi chốn trên dãy núi phía sau trường của đám Chỉ An. Lúc mới đầu thấy lạ lẫm hay hay, Kỉ Đình cũng theo chân Chỉ An đi hù dọa các cặp tình nhân lén lút hẹn hò ở những chỗ vắng, rồi làm ná bắn chim, chọi dế, chơi trò giấu rồi tìm kho báu. Chỉ An cũng vui vẻ chơi với “tên đồng bọn” lớn hơn cô mấy tuổi. Thế nhưng Kỉ Đình suy cho cùng vẫn chín chắn biết điều hơn Chỉ An, lại quen làm một đứa trẻ ngoan rồi, những lúc Chỉ An bướng bỉnh đành hanh, hoặc gây ra những trò bậy bạ quá lố, cậu thường không bao giờ tiếp tay làm xằng mà còn đem lời ngăn cản. Tuy thế, mấy lượt cậu chàng người ngợm lấm lem bùn đất về nhà, vẫn cứ bị bố mẹ quở trách gay gắt. Còn Chỉ An thì ghét cậu chàng lắp ba lắp bắp, chân tay lóng ngóng, dần dà, cũng không thèm chơi với cậu nữa.
Chỉ Di với Kỉ Đình thì lại hợp nhau. Kể cũng lạ, cô bé Chỉ Di trước nay vẫn hay khép kín ngượng ngùng, từ bé đến giờ, ngoài Chỉ An ra, cô bé chỉ thích vui vầy bên Kỉ Đình. Cô bé còn vui lòng chia sẻ với vậu về đám cá vàng cưng cùng kinh nghiệm nuôi cá. Dần dần, Kỉ Đình cũng bắt đầu nhận ra được hầu hết các loại cá, hóa ra chúng có biết bao nhiêu chủng loại cùng đủ thứ tên gọi kỳ quái lạ lùng, nào là Mắt Rồng, Đầu Hổ rồi La Hán… Chỉ Di cũng kiên nhẫn nghe cậu kể lể những điển cố cùng truyền thuyết mà cậu biết được từ chỗ bà mẹ dạy Văn hay ở trong sách. Hai đứa trẻ lặng lẽ vẫn thường ở lì trong thư phòng của nhà họ Cố hay nhà họ Kỉ làm bài tập, hoặc đứa nào làm việc đứa nấy, lòng dạ đều cảm thấy thật thoải mái yên ổn.
Kỉ Đình có lúc thầm nghĩ trong lòng, Chỉ Di quả là một cô gái nhỏ khiến người ta phải thương cảm, ngoan ngoãn đáng yêu là thế, vậy mà sức khỏe lại yếu kém, bệnh nặng bệnh nhẹ liên miên, ốm một cái là lại phải ở nhà tĩnh dưỡng. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tính tình cô bé khép kín như vậy. Thành tích học tập của cô bé cũng bị ảnh hưởng, cũng may là chú Cố với dì Uông Phàm không câu nệ chuyện này lắm, đối với hai người họ, điều quan trọng nhất là con gái được mạnh khỏe.
Kỉ Đình là con một, hết thảy tinh lực của hai vị phụ huynh trong nhà đương nhiên đều dồn lên một mình cậu, cũng là phải lẽ. Thế nhưng, một nhà có hai đứa con cùng tuổi như bên Cố Duy Trinh thì trong lòng người lớn đúng là cũng có chuyện nhất bên trọng, nhất bên khinh, suy cho cùng thì trái tim người ta cũng đâu có nằm ở chính giữa. Như Kỉ Đình thấy, thời gian và sự chăm sóc mà hai vợ chồng chú Cố dồn vào Chỉ Di nhiều hơn bao nhiêu so với Chỉ An. Về việc này, mọi người đều có thể lý giải được, sức khỏe Chỉ Di không tốt, đúng là cần quan tâm chăm sóc hơn, còn Chỉ An khỏe như rồng như hổ, càng không có ai kèm cặp, cô bé lại càng hớn hở. Còn về mặt vật chất, nhà họ Cố vẫn gắng sức giữ cho công tâm, chỉ cần một cô con gái có, cô kia nhất định cũng phải có. Điều khiến Kỉ Đình thấy lạ lùng nhất là, người cha Kỉ Bồi Văn của cậu, thường ngày vốn nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười nói lại chỉ yêu chiều một mình Cố Chỉ An, mỗi lần sang nhà họ Cố chơi, ông đều tặng riêng cho Chỉ An một món quà nho nhỏ. Đương nhiên, Chỉ Di cũng nhận được một món quà y hệt, thế nhưng người tinh mắt đều nhận ra, mấy cái súng cao su với lồng chim đan vót trau chuốt ấy đều là thứ đồ chơi chỉ một mình Chỉ An ưa thích. Thi thoảng Kỉ Đình cũng khó tránh khỏi bất bình trong dạ, ông bố lúc nào cũng mặt mày đăm đăm khó khăn trước cậu, thế mà lại rất hay bị những câu nói vô tâm hay mấy hành động nghịch ngợm nho nhỏ của Chỉ An chọc cho cười xòa vui vẻ. Đối với tâm tư của người lớn, Chỉ An trước sau chỉ một thái độ chẳng hề hay biết, thế nhưng lòng ưu ái của Kỉ Bồi Văn cũng làm cô bé cảm thấy có thêm một cái ô che chở, cứ hễ gây chuyện, không dám nói với bố mẹ, cô bé liền nhờ cậy đến bác Kỉ thay mặt xuất đầu lộ diện. Những chuyện nhỏ nhặt không có gì ghê gớm, Kỉ Bồi Văn đều gánh thay cho cô bé, vợ chồng Cố Duy Trinh biết chuyện, cũng chỉ nửa đùa nửa thật trách móc ông bạn thân, rằng cứ đà này thì ông sẽ làm hư Chỉ An, khiến cho cô bé càng thêm ngông cuồng phá phách. Kỉ Bồi Văn chỉ cười ha hả bảo rằng, “Tôi lại cứ ưa mấy cô nhóc có cá tính như thế đấy”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui