Chẳng mấy chốc, chuyện huynh đệ Tôn gia tranh giành gia sản ngày càng trở nên nghiêm trọng, cuối cùng còn gây ra chết người, nô bộc nhà bọn họ phải bỏ mạng trong cuộc tranh chấp tài sản này.
Kinh Triệu Doãn lại như được đại xá, lấy cớ báo cáo chuyện này với hình bộ rồi chính thức chuyển giao vụ án cho bên đó.
Chuyện ra nông nỗi này cũng đã truyền đến tai bệ hạ, trên triều hắn lại lấy ra nghị sự.
Vốn dĩ chẳng phải chuyện gì to tát, không ngờ Xu Mật Viện đùn đẩy cho hình bộ, hình bộ lại đùn đẩy cho Kinh Triệu Doãn, Kinh Triệu Doãn lúc này chỉ có thể một lưng một mình gánh lỗi lầm.
Quốc tướng cũng ba phải, hắn nói tôn gia trưởng tử làm vậy đều có lý do cả, nếu đã liên quan đến mạng người, vậy thì cứ trừng trị kẻ ra tay hại người theo luật pháp là được, song khối tài sản tranh chấp này phải xử thế nào thì không nói được.
(*Xu Mật Viện: Là tên gọi của cơ quan chính quyền trung ương chịu trách nhiệm về lực lượng quân sự trong thời kỳ phong kiến, từ Ngũ đại thập quốc cho đến đời nhà Nguyên)
Hoàng đế chống cằm lặng yên lắng nghe.
Quốc tướng nói xong, hắn cũng không có bất kỳ phản ứng nào, hệt như người mất hồn.
Hàn vương cúi gằm mặt, giữ dáng vẻ không quan tâm mọi chuyện.
Quốc tướng đợi một lát, sốt ruột lén nhìn sắc mặt hắn: "Bệ hạ?"
Lúc này hoàng đế hoàn mới hồn trở lại: "Hả...ừ!"
Hắn hơi chống người ngồi thẳng dậy, nói với giọng hơi mất kiên nhẫn: "Vậy..."
Tề vương bất chợt từ ngoài đi vào, lớn tiếng tâu: "Phụ hoàng! Nhi thần có lời này muốn nói!"
Nhất Bác đứng cạnh điện hạ, là thân vương đã thành niên, mặc dù không nắm thực quyền, nhưng mỗi khi lên triều hắn vẫn có trách nhiệm bàn chính sự.
Trần vương cũng đứng cạnh hắn, nhìn thấy Tề vương đột ngột trình tấu, hắn kinh ngạc nhìn Ngụy vương, như thể Nhất Bác biết được nguyên nhân của tất cả mọi chuyện.
Nhưng Nhất Bác chỉ nghiêm mặt, lắc đầu thật khẽ, khẽ đến mức không thể phát hiện ra.
Tề vương: "Phụ hoàng, nhi thần cho rằng vụ án của Tôn gia có liên quan đến nền tảng lập quốc, tuyệt đối không thể phán quyết qua quýt như vậy!"
Trong điện ngay tức khắc yên lặng như tờ, quốc tướng không dám ho he gì, vẫn giữ khư khư tư thế khom người với bệ hạ, lão thậm chí còn không dám ngoảnh đầu nhìn Tề vương.
Hoàng đế híp mắt lại, nhìn con trai mình, lát sau mới nói: "Ngũ lang, con nói đi."
Tề vương tiếp lời: "Phụ hoàng, phân chia trưởng thứ là vì phép tắc lịch sự, kính huynh nhường đệ tất cả đều vì đại thể! Tranh chấp giữa huynh đệ Tôn gia, tất sẽ một mất một còn, sao có thể như Quốc tướng nói được!"
Cả cung điện lại rơi vào im lặng.
Giọng Tề Vương như một hồi chuông lớn, nói năng rất hùng hồn, cả cung điện như không ngừng vang vọng câu nói "kính huynh nhường đệ", chấn động khiến Nhất Bác chợt căng thẳng không rõ nguyên do.
Hoàng đế gật đầu: "Được, nếu ngũ lang đã nói như vậy thì......"
Hắn dường như rất mệt mỏi, tùy tiện chỉ vào đám quần thần, gọi Lễ bộ thượng thư: "Lễ pháp thuộc sự quản lý của Lễ bộ, khanh nói trẫm nghe xem."
Lễ bộ thượng thư cũng không dám mở lời, chỉ ấp a ấp úng, lén nhìn sắc mặt Hàn vương.
Nhưng đôi mắt Hàn vương khép hờ làm lơ, như mắt không thấy tai không nghe.
Lễ bộ thượng thư toát mồ hôi hột, chỉ trả lời qua loa: "Xin Bệ hạ thứ tội, vụ án huynh đệ Tôn gia này...Thần vẫn cần phải về tra thêm sách..."
Tề vương vội chen vào: "Phụ hoàng......"
Hoàng đế lập tức ngăn Tề vương đang quyết đuổi cùng diệt tận.
Hắn nhìn Lễ bộ thương thư với ánh mắt sâu xa, rồi lại nhìn Hàn vương, dáng vẻ không còn thờ ơ như trước nữa.
Tên ngốc này ngày thường làm việc gì cũng phải nhìn sắc mặt Hàn vương, hôm nay Hoàng đế đích thân hỏi hắn, hắn lại chỉ chăm chăm vào Hàn vương, quả thực là không coi Hoàng đế ra gì.
Lúc này Hoàng đế cho gọi người tới, rồi cười nói với Lễ bộ thượng thư: "Ái khánh muốn tra 'Lễ ký' hay là tra 'Quy tắc Bắc Lương'? Trẫm lập tức cho người mang đến."
Hắn chầm rãi ra lệnh: "Ái khánh tra ngay tại đây đi."
Lê bộ thượng thư sợ mất hồn mất vía, vội vã quỳ xuống: "Bệ hạ thứ tội!"
Nụ cười trên mặt Hoàng đế tắt lịm: "Ái khanh có tội gì?"
Lễ bộ thượng thư nào dám nói là sai ở đâu, thấp thỏm lo sợ rồi lại liếc nhìn Hàn vương.
Hoàng đế đột nhiên thay đổi sắc mặt, vỗ vào long ỷ, nghiêm nghị quát: "Trẫm đang hỏi ngươi! Ngươi cứ nhìn Hàn vương làm gì?"
Lễ bộ thượng thư sợ hãi, đầu càng cúi xuống thấp hơn, lắp ba lắp bắp: "Thần...thần..."
Sắc mặt Hoàng đế lạnh lùng, thẳng thừng chuyển qua hỏi Hàn vương: "Vậy con nói xem, chuyện này nên phán quyết thế nào?"
Hàn vương bình tĩnh hành lễ, cất cao giọng: "Phụ hoàng thứ tội, nhi thần không quản chuyện kiện tụng nên không dám vọng nghị."
Hoàng đế cười lạnh: "Hay cho câu không dám vọng nghị!"
Đôi mắt hắn sắc bén như chim ưng, lạnh lẽo quét một vòng qua đám quần thần, rồi lại gọi đến Hình bộ thượng thư: "Chuyện kiện tụng thuộc sự quản lý của khanh, khanh nói xem!"
"Thần......"
Hoàng đế chặn lời hắn: "Ngươi còn dám đẩy chuyện này sang cho Kinh Triệu Doãn, thì trẫm sẽ lập tức cho ngươi đi làm Kinh Triệu Doãn!"
Hình bộ thượng thư cũng quỳ rạp xuống, hô lên "Bệ hạ thứ tội", nhưng vẫn không nói chuyện này phải xét xử ra sao.
Hoàng đế đứng dậy, từ trên cao nhìn xuống đám quần thần.
"Được lắm." Hắn chống nạnh, "Một vụ án huynh đệ tranh giành gia sản thôi, mà toàn bộ văn võ bá quan của trẫm không một người nào có thể phán quyết sao!"
Tề vương vẫn tiếp tục chen vào: "Phụ hoàng!"
"Ngươi im miệng! Hoàng đế lườm hắn, "Mồm thì nói kính huynh nhường đệ, đại ca ngươi còn chưa mở lời, kính nhường của ngươi vứt đi đâu rồi?"
Tề vương thoáng chốc mặt đỏ tía tai, khom lưng lui xuống, không dám nói gì nữa.
Hàn vương vẫn lặp lại như cũ: "Phụ hoàng, nhi thần không dám vọng nghị án này."
Hoàng đế lạnh mặt nói: "Ngươi có gì mà không dám?"
Hàn vương trầm mặc một lát, đột nhiên vén áo bào quỳ xuống: "Nhi thần vô đức."
Nhất Bác khẽ chấn động, hắn nói mình vô đức, hoàng gia vô đức, dân chúng mới thất đạo.
Là huynh đệ bọn họ chưa làm gương tốt cho mọi người nên dân chúng mới xảy ra tranh chấp giữa huynh đệ trong nhà.
Hàn vương quỳ, Tề vương không thể nói gì khác chỉ có thể quỳ xuống theo.
Trần Vương cũng nghe ra được huyền cơ trong lời của Hàn vương, không khỏi bất an nhìn sang Ngụy vương ngồi bên cạnh: "Bác ca ca, hay là ta..."
Nhất Bác nhíu chặt mày, hai ngón tay che dấu dưới áo nhẹ lắc cái hốt*, ra hiệu cho hắn tuyệt đối đừng mở miệng.
(*Hốt: Hiểu nôm na là cái thẻ để vào chầu, xưa kia quan lại vào chầu thường ghi những điều mình muốn nói lên cái hốt để khỏi quên, sau này đã thành một quy củ.
"Hốt" cũng đại biểu cho chức vụ cao thấp trong triều dựa vào chất liệu để làm ra nó.)
Thấy vậy, Trần vương cúi đầu, lo lắng nuốt nước bọt, không nói gì cả.
Bên ngoài bỗng nhiên có tiếng hô kéo dài truyền vào: "Lão thần cầu kiến Bệ hạ!"
Nhất Bác lập tức rùng mình, không dám tin vào giọng nói vừa vang lên.
Quan lại trong triều cúi đầu ghé tai nhau xì xào bàn tán, bọn họ đã nhận ra người vừa đến là ai, Hàn vương vẫn quỳ ở đó, không hề có phản ứng gì khác, Tề vuơng thì ngược lại, ánh mắt hắn chợt sáng lên, suýt chút nữa đã đứng phắt dậy: "Văn thái phó!"
Hoàng đế cũng rất bất ngờ, một bóng người gầy gò già yếu nhanh chóng từ ngoài điện tiến vào, trên người mặc áo choàng tím, tay cũng đang cầm thẻ hốt làm bằng ngà voi giống mọi người, không phải Văn thái phó thì còn ai vào đây nữa?
"Bệ hạ!" Văn thái phó bước qua bậc cửa, vừa đi vừa thở hổn hển: "Lão thần..."
Hoàng đế không đợi ông ta nói xong, đã nhanh chóng đi xuống tự mình nghênh đón.
Văn thái phó muốn quỳ xuống hành lễ nhưng Hoàng đế đã đỡ dậy.
"Lão thái phó không cần đa lễ!" Hoàng đế vội ra lệnh, "Mau thưởng ngồi cho Văn thái phó!"
Văn thái phó đã hơn chín mươi tuổi, từ lâu đã không còn giữ thực chức gì nhưng địa vị trong triều cũng không phải tầm thường.
Hoàng đế thưởng ngồi xong, ông ta tạ ơn rồi nghiễm nhiên đặt mông xuống trong cung điện vua chúa.
Lúc này Hoàng đế mới quay về vị trí cũ, lúc đi lướt qua chỗ Hàn vương và Tề vương đang quỳ, hắn lại không nhịn được, khoát tay cho bọn họ đứng dậy.
Hàn vương đã thay đổi thói ngang ngược ngày trước, lúc đứng dậy mắt vẫn rủ xuống, không nhìn Văn thái phó.
Ngược lại, Tề vương mặt hớn ha hớn hở, chỉ sợ người khác không biết hắn là người đã mời Văn thái phó đến.
Hoàng đế: "Sao Thái phó lại tới đây?"
Văn thái phó vái một vái: "Lão thần nghe nói, có vụ án huynh đệ Tôn thị tranh chấp tài sản trong kinh thành, ảnh hưởng đến quần chúng nhân dân, nhiều ngày vẫn chưa định đoạt được......"
Ông ta còn chưa nói xong, Hoàng đế đã nhìn ngay về phía Tề vương.
Nhưng Tề vương đang rất chăm chú nghe Văn thái phó nói, không phát giác ánh mắt lạnh lẽo của Hoàng đế đang hướng về phía mình.
Văn thái phó run rẩy, vừa lấy cái trát trong tay ra vừa nói: "Vụ án này, lão thần có bản khởi tấu."
Lão cố già này một khi đã viết thì văn chương cứ tuôn ra cuồn cuộn, Hoàng đế vừa nghe ông ta nói thế đã cảm thấy nhức đầu, vội vàng giơ tay ngăn lại: "Lão thái phó có gì muốn nói thì cứ trực tiếp trình bày trên điện cho trẫm nghe."
Văn thái phó không chút do dự đáp lại: "Bẩm Bệ hạ, lão thần cho rằng, khác biệt giữa dòng trưởng thứ, chính là gốc rễ của luân lí làm người.
Tiên thánh vương lúc lập quốc định sách, cũng dựa vào duy nhất đạo lý đó.
Đạo này không làm tốt thì tôn tử lấy gì để kế tục chí lớn? Nếu như phá bỏ tiêu chuẩn này thì các thế hệ về sau không tránh khỏi sự suy bại, khó có thể thống lý quân sinh, khiến trên dưới bất hòa, không thể lấy quốc quy để trị.
Tai họa này chính là do đó mà nên!"
Ông ta nói năng rất có khí phách, nói xong còn kích động đứng dậy: "Án này phải dựa vào luật mà phán xét!"
Tề vương lập tức quỳ xuống trước mặt hoàng đế, cất cao giọng: "Phụ hoàng, nhi thần hoàn toàn tán thành!"
Nhất Bác đứng trên điện, đầu hơi cúi xuống, mắt nhìn chăm chăm bàn tay đang cầm hốt, lặng lẽ nghiến chặt răng, trong lòng nghĩ, cái tên ngu xuẩn này.
Hoàng đế không vội bày tỏ thái độ gì, hắn nhìn Văn thái phó, sau đó lại nhìn con trai mình, thậm chí còn cười, bất chợt hỏi: "Ngũ lang gần đây rất thân cận với Văn thái phó nhỉ?"
Tề vương thoáng chốc giật mình, không ngờ Hoàng đế lại nhắc đến chuyện này.
"Nhi thần..." Hắn úp mở "Đã từng đến thỉnh giáo Văn thái phó vài chuyện..."
"Tốt lắm." Hoàng đế gật đầu, giống như rất hài lòng "Ngũ lang hiếu học." Dứt lời, hắn lại nói với Văn thái phó: "Năm đó trẫm không có phúc được Thái phó dạy dỗ, đến bây giờ vẫn luôn cảm thấy tiếc nuối.
Hiện tại, Thái phó chịu dạy cho con trai Trẫm học hành, lòng trẫm được an ủi vô vàn!"
Nhất Bác nghe thấy vậy lập tức siết chặt lòng bàn tay.
Văn thái phó là nguyên lão ba triều, lúc Tiên đế còn sống, ông ta là thầy của lão Ngụy quốc công, cũng là thầy của hắn.
Nhưng năm đó thân là con vợ lẽ, nên không có tư cách đến học Văn thái phó.
Sắc mặt Văn thái phó hơi thay đổi, vội vàng nói: "Bệ hạ, lão thần..."
Hoàng đế khoát tay, bảo ông ta không cần nói gì: "Thái phó tuổi tác đã cao, sao không ngồi xuống đi?"
Văn thái phó thiu thỉu tạ ơn rồi lại ngồi về chỗ cũ.
Hoàng đế nói tiếp: "Trẫm tự biết mình vô đức vô tài, khiến cho trên dưới bất hòa, không cách nào lấy quốc quy để trị, gây nên tai họa..."
Văn thái phó lại hấp tấp đứng dậy, mặt đỏ cả lên: "Lão thần không phải có ý đó..."
"Bệ hạ, thần có lời muốn tâu."
Mọi người đều vô cùng kinh ngạc khi thấy Ngụy vương từ trong đám người bước ra, trên tay cầm trát, cúi đầu hành lễ, nói rất nhanh: " Những gì Thái phó nói là muốn tuân theo lễ nghi phép tắc, nhưng lễ nghi phải dựa trên pháp luật, không thể để lễ nghi thay thế cho pháp luật! Pháp luật đặt ra không có gì ngoài tình cảm, hay sự khác biệt giữa dòng chính thứ, vốn là vì sự ổn định của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Nếu không tuân theo đạo này thì chính là phạm pháp! Nay, nếu dựa vào luật này mà trị, không biết lại xảy ra bao nhiêu chuyện bất hòa giữa huynh đệ trong nhà..."
Ngụy vương nói đến đây cũng quỳ xuống, cất cao giọng: "Thần cho rằng, luật lệ này không thể xóa bỏ.
Cần phải đánh về phía nguyên cáo, khiển trách tôn gia ấu tử, để răn đe dân chúng."
Lúc này đến cả Hàn vương cũng không nhịn được nữa, hắn bất ngờ quay đầu liếc nhìn Ngụy vương, rồi nhanh chóng trở về tư thế cũ.
Đám quan lại lén lút nhìn Ngụy vương, nhưng không ai dám ho he gì.
Văn thái phó cũng hết sức kinh ngạc, trợn tròn mắt nhìn đệ tử bế môn này của mình, không thể tin Ngụy vương có thể nói được lời này.
Ngụy vương là thân phận đích trưởng tôn, từ trước đến nay đó vẫn là chiếc bùa hộ mệnh cuối cùng của hắn.
Tất cả cung dưỡng tôn vinh của Nhất Bác cũng không giống với Hoàng tử.
Đây là những thứ hoàng đế mãi mãi cũng không dám tước đoạt khỏi người hắn.
Thậm chí đồ tế lễ hằng năm hay những lúc phúng viếng liệt tổ liệt tông, hắn cũng đều được xếp trước hoàng trưởng tử là Hàn vương.
Nhất Bác nói xong làm động tác dập đầu, vờ như không thấy những ánh mắt trong điện đang dồn về phía mình.
Chân Văn thái phó như mềm nhũn ra, lão ngã sụp xuống chiếc ghế hoàng thượng thưởng tọa.
Hoàng đế không đáp lại Ngụy vương, mà chỉ nhìn Văn thái phó: "Thái phó không khỏe sao?"
Văn thái phó ngẩng đầu: "Lão thần..."
Hoàng đế không để ông ta nói hết câu: "Thời tiết nóng bức, thái phó không được để bị cảm nắng, mau đi gọi y quan tới xem bệnh cho Thái phó."
Nội thị bên cạnh Hoàng đế nhận lệnh, lập tức đỡ lấy Văn thái phó.
Văn thái phó còn muốn nói gì đó, nhưng hai nội thị một trái một phải đỡ ông ta đứng dậy, không cho ông ta cơ hội nói tiếp.
Nhất Bác vẫn quỳ nguyên tại chỗ, đầu cúi gằm.
Đây là cách duy nhất hoàng đế có thể bảo toàn cho Văn thái phó.
Ông ta già rồi, cũng không còn minh mẫn nữa, nói vài ba câu thôi cũng không đáng để so đo.
Thế nhưng Tề vương vẫn quyết không cam tâm, hắn không dễ gì mới mời được một pho tượng lớn đến, thế nhưng chỉ là pho tượng bùn, hắn vẫn chưa chịu dừng lại: "Phụ hoàng! Nhưng..."
Hoàng đế đột nhiên gọi: "Lục lang!"
Trần vương không ngờ ở đây cũng có phần cho mình, hắn hết sức lo sợ bước ra: "Có nhi thần!"
Hoàng đế hỏi: "Ngũ ca con giờ đã biết đến thỉnh giáo Văn thái phó rồi, Trẫm chợt nhớ ra, đã rất lâu rồi chưa kiểm tra con.
Dạo này đang đọc sách gì rồi?"
Trần vương cúi đầu, kính cẩn nói: "Hồi bẩm phụ hoàng, nhi thần đang đọc đến 'Tả truyền' ạ."
"Tả truyền à, tốt lắm!" Hoàng đế lạnh lùng nói, miệng đáp lời Trần vương nhưng ánh mắt lại đảo qua mấy người con khác, "Vậy chắc con đã đọc qua "Trịnh bá khắc đoạn vu yên"? "
"Trịnh bá khắc đoạn vu yên" chính là phần mở đầu của "Tả truyền", nói về điển cố huynh đệ tự hủy hoại lẫn nhau.
Trần vương sợ hãi, không dám trả lời.
Hoàng đế mất kiên nhẫn, gọi tiếp một gã quan văn: "Lương khanh, con trai trẫm đã đọc qua chưa?"
Người kia là sư phó dạy học cho các hoàng tử, nghe tới đây thì nơm nớp lo sợ quỳ xuống: "Trần vương điện hạ đã từng đọc qua, còn Tề vương...Tề vương..."
Hoàng đế lạnh lùng cười: "Vậy là chưa đọc rồi.
Lục lang, mau đọc "Trịnh bá khắc đoạn vu yên" cho ngũ ca ngươi nghe!"
Tề vương nghe vậy thì hốt hoảng, ngay lập tức quỳ xuống thỉnh tội.
Nhưng Hoàng đế không để ý tới hắn, chỉ đợi Trần vương đọc thuộc lòng.
Trần vương không dám kháng lệnh, đọc vanh vách từng câu từng chữ, lúc đọc đến đoạn "Bất nghĩa, bất nật, hậu tương băng dã"* thì Hoàng đế chợt hô dừng lại.
(*Bất nghĩa, bất nật, hậu tương băng dã: Bất nghĩa với quân vương, bất kính với huynh đệ, người mà không thấu tình đạt lý thì làm việc gì cũng không xong.)
"Bất nghĩa, bất nật nghĩa là gì?"
Trần vương nhìn lướt qua Tề vương, thấp thỏm nói: "Bất nghĩa với quân vương, bất kính với huynh đệ ạ."
Tề vương run lẩy bẩy, cuống quít nói: "Phụ hoàng, nhi thần biết sai rồi!"
Hàn vương vẫn lẳng lặng đứng đó, mặc dù hắn hơi cúi xuống, nhưng khóe môi cuối cùng cũng hiện lên nụ cười nhàn nhạt.
Hoàng đế tiến về phía trước, đỡ Tề vương đứng dậy, nói với hắn lời tình ý sâu xa: "Đại ca ngươi nói đúng, các ngươi là tấm gương của huynh đệ trong toàn thiên hạ.
Các ngươi hòa thuận thì huynh đệ khắp nơi cũng hòa thuận, còn nếu như các ngươi tranh đấu, thì huynh đệ trong thiên hạ cũng không ngừng tranh đấu.
Ngũ lang, ngươi có hiểu không?"
Tề vương lấy tay áo che mặt, nước mắt rơi xuống như mưa.
Hoàng đế ngoảnh mặt đi chỗ khác, nói tiếp: "Lương khanh, trẫm giao con trai trẫm cho ngươi mà ngươi lại dạy thành thế này.
Chẳng trách Tề vương muốn đi tìm Văn thái phó."
Người kia cũng sợ khiếp vía, liên tục dập đầu, Hoàng đế không thèm để ý, vẫy tay lệnh cho hắn lui xuống.
Hoàng đế: "Còn ai có ý kiến gì với vụ án này không?"
Cung điện hoàn toàn rơi vào yên lặng, mới vừa rồi mấy triều thần tỏ thái độ muốn đem gia sản chia cho nhị công tử đều bủn rủn hết chân tay, mồ hôi chảy ròng ròng, không một ai dám ngẩng đầu nhìn Hoàng đế.
Hoàng đế cúi xuống lướt qua đám người phía dưới.
Ngụy vương vẫn quỳ trước mặt hắn, chỉ để lộ ra đoạn gáy, mềm mại, yếu ớt, dường như có thể mặc hắn xâu xé bất cứ lúc nào.
Hoàng đế nhìn một lát, không ai biết hắn đang nghĩ gì.
Sau cùng, hắn có vẻ mệt mỏi khoát tay, một lời định đoạt:
"Vụ án nhà họ Tôn cứ làm theo lời Ngụy vương đi.".