Amerigo Bonasera có việc ra tòa, Tòa đại hình New York, Phòng 3 để nghe công lý phán xét, trừng trị hai thằng khốn can tội bạo hành, toan cưỡng dâm con gái lão. Ngài chánh án uy nghi, bệ vệ vén áo thụng đen làm như sắp đích thân ra tay trị hai thằng nhãi ranh đang đứng xớ rớ trước Toà. Giọng ngài sang sảng, lạnh tanh:
- Tụi bây hành động như những quân côn đồ tồi tệ nhất. Tụi bây làm như thú dữ ở rừng vậy! Cũng may mà cô bé đáng thương kia chưa bị tụi bây xâm phạm tiết hạnh, bằng không thì mỗi đứa 20 năm chắc…
Cả hai thằng cúi mặt làm như tủi hổ, hối hận. Tóc chúng hớt cao, mặt mũi sáng sủa quá. Nhưng chúng quả là thú vật, thú vật lắm mới dám càn rỡ vậy. Bonasera nghĩ thế, nhưng không hiểu sao lão vẫn mang máng cảm thấy có một cái gì giả trá bên trong vụ xử nầy.
Dưới cặp lông mày chổi xể, đôi mắt sáng lóng lánh của ngài Chánh án khẽ liếc nhìn khuôn mặt bí xị của Bonasera rồi dừng lại trên chồng đơn xin khoan hồng trước mặt. Ngày cau mặt, rồi nhún vai như sắp phải có một quyết định ngược với chính lòng mình.
- Xét vì tụi bây còn nhỏ, chưa có tiền án và con nhà đàng hoàng… Vả lại xét vì luật pháp đặt ra chẳng phải để trả thù nên toà tuyên phạt mỗi đứa 3 năm tù, cho hưởng án treo!
Bốn mươi năm hành nghề chủ xe đàn, chôn người chết đã quen nên Bonasera giận sôi sùng sục vẫn ngậm miệng làm thinh. Con nhỏ xinh đẹp là thế ngày giờ này còn nằm liệt giường, chiếc cằm bể còn kẹp chưa lành mà cả hai thằng khốn, hai con vật lại ra về thong thả. Vậy là toà phường tuồng còn gì? Kìa cha mẹ chúng đang tíu tít bao quanh hai cậu quý tử. Họ sung sướng, họ cười hả hê.
Bonasera nghiến răng nghe nỗi đắng cay trào lên nghẹn họng. Lão đưa chiếc khăn tay trắng lên bụm chặt miệng, ngó hai thằng khốn đi tà tà trở ra. Mặt chúng tươi rói, chúng tỉnh bơ không thèm nhìn lão một phát. Đành đứng trơ ra vậy. Cha mẹ chúng tò tò đi theo: hai cặp vợ chồng Mỹ trạc tuổi lão, bề ngoài Mỹ rặt bẽn lẽn ra mặt nhưng ánh mắt vẫn cứ vênh váo ngầm.
Không nhịn nổi, Bonasera vuột ra khỏi hàng ghế hét toáng lên:”Được rồi! Tụi mày sẽ được khóc như tao. Con cái tụi mày làm khó tao thì tao sẽ cho tụi mày thử nếm mùi đau khổ!”
Thấy vậy mấy ông luật sư đi sau cùng vội đẩy các thân chủ đi tới, đi nhập một với hai thằng con đang chậm bước hẳn lại làm như chúng sẵn sàng đứng ra bảo vệ cha mẹ vậy. Một bố lục sự đồ sộ còn đứng ra chắn lối Bonasera, sợ lão làm hoảng… nhưng có chuyện gì xảy ra đâu?
Bao nhiêu năm lập nghiệp ở đất này, ăn nên làm ra được cũng vì Bonasera một mặt tin tưởng ở công lý, ở trật tự xã hội. Đứng ngơ ngẩn trước toà, căm thù đến toé khói, đầu óc chỉ lởn vởn ý định trả thù, nghĩa là sắm ngay một khẩu súng, bắn bỏ cả hai thằng khốn, nhưng Bonasera cứ phải cắn răng an ủi mụ vợ đang đứng lặng người chưa hiểu chuyện gì:”Thôi vậy là mình bị chúng giỡn mặt rồi! Điệu này đành phải lết tới ông Trùm mới xong… “
Lão quyết định tìm tới cố nhân Corleone, tốn bao nhiêu thì tốn…
Một mình trong căn phòng khách sạn diêm dúa ở Los Angeles, kép Johnny Fontane cũng mượn rượu giải sầu như bất cứ thằng đàn ông nào bị vợ bỏ trên cõi đời này. Nằm bật ngửa trên tấm nệm đó, hắn đưa chay úytki lên uống ừng ực, rồi vớ xô nước đá lạnh tợp vài ngụm đưa cay.
Bốn giờ khuya, rồi men rượu bốc lên, đầu óc hắn chỉ lởn vởn ý định “thịt” con vợ, nếu nó về đây. Nếu nó còn về. Không lẽ giờ này “phôn” về cho con vợ cũ, thăm hỏi mấy đứa con hay phá mấy thằng bạn, gọi dựng nó dậy? Kỳ cục quá. Mình xuống dốc rồi. Chớ hồi đang lên thì nửa đêm chợt nhớ ra “phôn” chơi chơi cho bạn bè mới là tình sâu nghĩa nặng. Chán mớ đời. Hắn mỉm cười chua chát, nhớ ngày nào chỉ nội chuyện lên, xuống của chàng Johnny Fontane cũng làm nhức tim mấy cô đào lớn nhất nước Mỹ.
Mãi mới nghe tiếng khoá mở lách cách. Johnny biết là nó về, nhưng vẫn làm bộ tỉnh bơ nốc rượu. Nó bước vô, nó đứng sững ngay trước mặt, hắn cũng cứ ì ra. Coi, con này còn đẹp quá chớ? Khuôn mặt thiên thần, đôi mắt tím mơ huyền, khổ người mình dây vô cùng cân đối. Trên màn bạc nó càng lộng lẫy, mỹ miều nữa. Trách nào cả triệu anh mê, sẵn sàng bỏ tiền mua vé xinê chỉ cốt để chiêm ngưỡng dung nhan Margot Ashton.
Johnny lè nhè hỏi:”Mày đi đâu về giờ này?” Nó buông một câu:”Đi ngủ với trai”. Giận quá, hắn gạt tung cái bàn, nhảy dựng lên túm cổ. Toan đập thì khựng lại, buông xuôi tay. Con khốn nạn cười ngặt nghẽo, cười phá lên. Đành phải đập. Họng nó la lớn: ”Ê, không đánh vào mặt. Tao đang đóng phim nghe!”
Thế là Johnny cứ bụng mà loi. Nó té ngửa, hắn nhào theo, đè cứng. Nó nghẹt thở, há miệng thở hồng hộc, hơi thở nghe lại thơm thơm nữa! Hắn bèn lựa mấy chỗ thịt non, phơi nắng đỏ hồng ở đùi, ở vai để cứ thế mà giộng túi bụi, giộng ồ ạt như hồi còn nhỏ quen bắt nạt mấy đứa nhỏ đầu đường xó chợ. Cái lối “tẩm quất” này thấm đòn đáo để mà khỏi sợ để lại vết tích, tang chứng như gãy răng, bể miệng.
Nhưng làm sao “tẩm quất” nó mãi được. Johnny chịu. Con khốn nạn biết vậy nên cười hăng hắc, cười thách thức. Lớp váy lụa thêu bên trong lộ ra, nó nằm xoạc cẳng, nằm tô hô ra, miệng la lớn:”Đây này. Mày cứ đánh đi, đánh nữa đi… Mày thì chỉ có thế!”
Chán quá, Johnny lồm cồm bò dậy. Hận lắm nhưng lại đánh không nổi con điếm này chỉ vì nó đẹp quá, đẹp quá đi. Margot cũng vùng dậy theo, nhún một phát là đứng phắt dậy, đứng chống nạnh trước mặt…, rồi đi một đường vũ ưỡn ẹo, nhún nhẩy “chọc quê”.
- Mày đập tao… ăn thua gì! Như con nít vậy… Cái thứ mày thì làm ăn gì? Không bằng một đứa con nít! Vậy mà cũng đàn ông. Bộ mày cũng làm tình cũng như mày “sủa” mấy bài máy nước ấy hả? Còn lâu! Thôi nhé, bái bai Johnny…
Thế là nó biến vào phòng ngủ, khoá cứng cửa lại. Johnny ngồi bệt xuống sàn, chán nản úp mặt vào hai bàn tay, mệt mỏi, nhục nhã đến rã rời người.
Một lúc sau, nhờ chịu đựng thất bại đã quen nên gắng gượng lấy lại tinh thần, Johnny nhấc điện thoại lên, gọi một chiếc tắc xi ra phi trường cấp tốc. Phải bay về New York ngay. Tình hình này nguy ngập quá. Chỉ có một người cứu vãn nổi hắn. Chỉ có một người đủ thế lực đủ sáng suốt thương yêu hắn. Đó là bố già Corleone.
Ông chủ lò bánh Nazorine người mập mạp in hệt một ổ bánh mì Ý. Quần áo bám đầy bột, hắn bực bội cằn nhằn vợ con. Chú làm công Enzo đâm hoảng hồn vì vụ này: bộ đồ tù binh mặc vô rồi, đeo băng tay chữ xanh đàng hoàng rồi mà trễ giờ sang trại tập hợp thì nguy quá! Hắn thuộc đám vài ngàn tù binh Ý được trưng dụng làm thợ để phục vụ kỹ nghệ sản xuất nên lỡ có chuyện lộn xộn phải trở về nghiệp cũ thì đau khổ lắm lắm.
Ông chủ lớn tiếng chất vấn:”Mày tính bêu xấu gia đình tao? Mày biết là hết chiến tranh này mày sớm muộn cũng bị tống cổ về Sicile nên mày cố tình để lại cho con gái tao một cái bầu kỷ niệm chứ gì?”. Cu cậu Enzo người thấp lùn, vạm vỡ vội cuốn quýt đưa tay lên ngực thề:”Thưa ông chủ… Tôi xin thề có Đức Mẹ, tôi không dám lợi dụng lòng tốt của ông chủ. Tôi thương cô chủ thiệt tình, tôi muốn xin cưới hỏi đàng hoàng. Tôi thật không nên không phải, nhưng nếu bị tống về xứ thì chẳng thế nào trở qua được. Đành phải xa Katherine vĩnh viễn”.
Lúc bấy giờ bà chủ mới gắt:”Thôi im đi, đừng vớ vẩn nữa. Anh biết phải làm gì mà? Thằng Enzo cứ việc ở lại, có gì gởi nó qua Long Island với bà con mình”.
Katherine chỉ có khóc. Con bé mập tròn, quê mùa và trông như có ria mép thế kia thì kiếm sao nổi một thằng chồng bảnh như Enzo? Cái thằng lại biết chiều chuộng đúng cách, đúng chỗ nữa! Quay sang phía bố, con bé nức nở:”Ba không có cách gì giữ Enzo thì con sẽ bỏ nhà này đi theo anh ấy. Con về Ý liền…”
Nazorine ngắm con nhỏ. Đúng típ con gái bố. Nó hăng lắm. Có lần rõ ràng, ban ngày ban mặt nó dám âu yếm cạ bàn toạ vào trán thằng Enzo lúc thằng này cúi phía sau lom khom bưng khay bánh chất vô quầy. Vụ này không khéo dàn xếp thì tụi nó dám làm bậy lắm. Đành phải kiếm cách vận động cho nó ở lại, nhập tịch dân Mỹ. Chỉ có một người thu xếp nổi. Bố già Corleone chớ ai?
Ba người nói trên cũng như nhiều người khác đều nhận được thiếp mời của bố già Corleone dự lễ vu quy của cô gái út Costanzia vào thứ Bảy cuối tháng Tám năm 1945. Dù bây giờ nhà cao cửa rộng bên Long Island nhưng một người như Vito Corleone đâu thể quên bạn bè cũ, láng giềng giềng xưa.
Đám cưới linh đình, khách đến đông, ăn uống suốt ngày. Một dịp vui đúng lúc quá. Chiến tranh với Nhật vừa dứt xong, đâu còn nơm nớp sợ tin dữ chợt tới cho đứa con ngoài mặt trận nên ai nấy cùng vui thả dàn. Muốn vui thì còn gì bằng đi đám cưới?
Vì lẽ đó sáng thứ Bảy bạn bè Ông Trùm từ New York kéo rốc sang. Đồ mừng cô dâu là những phong bao màu kem đầy tiền, tiền mặt chớ ngân phiếu thì khỏi. Kèm theo là tấm thiếp ghi rành rẽ tên người mừng, càng tôn kính ông bố bao nhiêu thì tiền mừng cô dâu càng bộn bấy nhiêu.
Ông trùm Vito Corleone típ Mạnh thường quân, ai có chuyện nhờ vả cũng không để cho thất vọng. Không hứa hão, không có lối chối từ “Tôi không đủ sức”. Không cứ bạn bè quen biết mà cũng chẳng cần sau này có thể đền đáp được hay không. Chỉ cần mỗi một thứ, đó là tình bạn, do đích thân đương sự nói lên. Chừng đó thì bất luận giàu nghèo sang hèn, Ông Trùm cũng lưu ý giải quyết giùm kỳ được, san bằng mọi trở ngại cho lúc thành toàn mới thôi.
Vì đức tính đó, Vito Corleone có nhiều bạn và được tôn xưng Ông Trùm, thình thoảng còn có người thân mật gọi Bố Già. Và để tỏ lòng tôn kính thì một món quà nhỏ mọn đủ rồi, đừng nói đến lợi. Một bình rượu chát nhà cất lấy, một giỏ bánh cay tarelles ngày lễ giáng sinh. Cùng lúc đó nếu biết điều thì nên kín đáo tự coi như mình có nợ để ân nhân có quyền cho gọi tới, mỗi khi có chút việc muốn nhờ lại.
Ngày gả con gái là ngày trọng đại, đích thân Ông Trùm ra đón khách tận bậc cửa lớn. Toàn bạn bè quen thân, tin cậy cả, trong số đó thiếu gì kẻ nhờ giúp đõ mà làm nên sự nghiệp, nhân dịp vui mừng này mới dám gọi tiếng bố già thân mật? Giúp đỡ đám cưới toàn là bạn bè tự động chạy tới. Chẳng hạn như khoản rượu, tất cả mọi thứ rượu đã có một ông bạn già bao hết, lại còn xung phong lãnh chân barman. Dọn bàn ghế, bưng thức ăn là đám bạn của mấy đứa con trai. Nấu cỗ là mấy bà bạn trong khi bồ bịch cô dâu lãnh vụ treo đèn kết hoa tưng bừng đầy một khu vươn nửa mẫu.
Đã là khách thì Ông Trùm tiếp đón như nhau hết, tuyệt không có kẻ khinh người trọng. Xưa này vẫn vậy. Đặc biệt hôm nay Ông Trùm lên bộ đồ lớn cắt thật khéo, chạy tới chạy lui lăng xăng nên anh nào không biết dám tưởng bậy là chú rể lắm!
Đứng sau Ông Trùm là hai trong số ba đứa con trai. Đứa lớn tên Santino nhưng trừ ông bố ra ai cũng gọi là Sonny. Cậu cả này bị các bậc cha chú kỵ lắm nhưng bọn trẻ lại khoái. Gốc Ý, mới nhập tịch dân Mỹ có một đời mà vóc dáng được như hắn có thể gọi là lớn con: Sonny cỡ thước tám nhưng nhờ mớ tóc quăn dày cộm trông cao hơn nhiều.
Khuôn mặt hắn đều đặn và rõ nét đa tình, miệng rộng môi dày và cằm lẹm vô một chút nên trông càng dâm.
Mấy bà sồn sồn hông to miệng rộng thấy cậu cả là tha hồ ngắm nhưng đặc biệt trong đám cưới này có ngắm cũng vô ích. Vì dù có mặt vợ hắn và ba đứa con nhỏ, Sonny vẫn ngấp nghé cô bé phù dâu Lucy Mancini đang ngồi đây kia, rực rỡ trong bộ phù dâu màu hồng, mớ tóc đen nhánh cài một vòng hoa. Làm gì cô nàng không biết? Suốt một tuần nay hai đứa nhấm nháy nhau chán chê và sáng hôm diễn tập trước bàn thờ Chúa nàng còn bấm tay chàng một phát. Phù dâu bạo đến thế là cùng.
Đối với em Lucy thì chẳng cần anh Sonny phải hách như ông già. Mạnh khoẻ, gan dạ đủ rồi. Tính hắn rộng rãi, bụng dạ cũng hào sảng chớ đâu phải chỉ giỏi cái khoản kia? So với Ông Trùm thì Sonny thiếu đứt nết khiêm tốn, dễ giận, dễ cáu, quyết định nông nổi. Vì vậy trong công việc làm ăn hắn giúp bố rất đắc lực mà ít ai tin một ngày kia hắn sẽ là người kế vị.
Cậu hai Frederico, gọi tắt là Fred có thể nói là đứa con trai trong mộng của mọi gia đình; y chăm chỉ, có hiếu, bố gọi đến là dạ ngay. Ba mươi tuổi đầu vẫn chưa có vợ, vẫn ở chung với bố mẹ. Không hề cãi lại, dây dưa với cô nào để gây phiền phức cho gia đình. Người tầm thước, mặt mũi không được bảnh trai nhưng cũng phảng phất nét đa tình nghĩa là mái tóc xoăn rậm, cặp môi chì dầy thưỡi ra.
Típ người Fred chẳng phải trời sinh ra để chỉ huy. Hắn mềm quá, thiếu hẳn cái mãnh lực buộc người khác phải tuân lệnh nên chắc chắn việc kế nghiệp chẳng bao giờ đến hắn.
Đứa con trai út trong nhà, cậu ba Michael không đứng cùng hai anh phía sau lưng Ông Già mà ngồi riêng một nơi, ở tuốt một góc vườn. Nhưng có ngồi tách ra vẫn cứ bị thiên hạ chú ý như thường vì cả nhà chỉ có một mình hắn là dám cưỡng lệnh Ông Trùm. Trông hắn không đa tình như hai anh, mái tóc đen láng chớ không xoăn. Da mịn như con gái nên hắn đẹp trai một cách thanh tú. Hồi còn nhỏ Ông Trùm cứ e ngại thằng út quá nhiều nữ tính, mãi đến năm 17 tuổi ông mới yên tâm.
Chủ ý của Michael là tuyệt đối không muốn dính dáng đến việc nhà, không dây dưa vào công việc làm ăn của bố nên ngồi cũng ngồi tách ra một nơi. Bên cạnh hắn là cô bồ cả nhà chỉ nghe nói, mãi hôm nay hắn mới dẫn về. Michael giới thiệu rất chững chạc nhưng xem ra chẳng ai khoái vì nhà này quả không hạp với típ đàn bà con gái Mỹ. Họ chê cô này gầy quá, mặt mũi “trí thức” quá mà cứ chỉ quá luông tuồng. Ngay cái tên nghe cũng lạ tai rồi, đàn bà con gái gì mà tên Kay Adams? Nó Mỹ quá, ngắn ngủn quá… nghe không vô.
Ông Trùm làm như không chịu Michael, điều đó thấy rõ. Chẳng là hồi trước hắn là con cưng trong nhà, sẵn sàng kế nghiệp sau này vì hắn giống bố in hệt ở chỗ ngoài sự khôn ngoan còn có một quyền lực tiềm ẩn, làm như trời sinh ra để làm lãnh tụ, hễ cất tiếng nói là thiên hạ không nghe không xong vậy.
Có điều chiến tranh vừa bùng nổ là cậu ba Michael hăng hái nhảy ngay vô Thủy quân lục chiến, coi lệnh cấm của bố như không có. Ai chớ Ông Trùm đời nào chấp nhận để cho thằng con trai út nhào đầu vô chỗ chết, phục vụ cho những thằng ở đâu đâu và hy sinh lãng nhách như vậy? Lập tức có màn tung tiền ra vận động ngầm, lo lót bác sĩ nhà binh. Vận động đủ mọi mặt, tốn kém kể gì nhưng làm sao cản nổi một gã con trai 21 tuổi khi nó nhất định xung phong?
Sau đó Michael đi tác chiến, đánh trận tùm lum miền Thái bình dương, lên lon Đại úy và bắt nhiều huy chương. Năm 1944, tạp chí Life đi nguyên một phóng sự bằng hình ca ngợi chiến công hiển hách của Đại úy Michael Corleone. Tờ báo một ông bạn đưa cho Ông Trùm coi chứ người nhà đâu dám? Ông bố chỉ nhún vai lẩm bẩm: ”Cái thằng… chỉ hùng cho người ngoài!”
Đầu 1945, sau thời gian nghỉ dưỡng thương, Michael được giải ngũ mà không ngờ chính ông bố đã vận động vụ này. Nhưng về nhà mới có vài tuần thì chẳng cần bàn bạc hỏi ý kiến ai, cậu Út đã mau mau ghi tên học Dartmouth. Để có cớ không phải ở nhà. Phải vụ đám cưới con em gái, Michael mới bò về nhà để luôn thể trình diện vị hôn thê.
Ngồi sóng vai ở tuốt một góc vườn, Kay lấy làm khoái chí nghe chàng kể những mẩu “chuyện vui” về mấy ông khách kỳ dị hiện có mặt trong đám cưới ngày hôm nay. Với cô nàng thì bất kỳ chuyện gì vui lạ, ngồ ngộ đều khoái nghe lắm. Michael càng ham kể…
Sau cùng Kay nhận ra một đám bốn ông khách đang quanh quẩn quanh hũ rượu chát tổ bố. Nàng đoán mấy ông này phải có chuyện bối rối, bứt rứt chớ chẳng đi ăn cưới khơi khơi. Michael khen ngay: ”Em nhận xét tinh lắm. Mấy cha đó chắc có chuyện nan giải, muốn gặp riêng ông già để nhờ vả đấy. Thấy không, ông già đi đến đâu là mắt họ dõi theo theo đến đấy".
Ông Trùm Corleone đang đứng đón khách thì một chiếc Chevy đen ở đâu chạy tới dừng ở vỉa hè bên kia phía ngoài cư xá. Có hai thằng ngồi băng trước. Chúng lấy sổ tay ghi từng số xe một, không cần dấu diếm.
Sonny vội phi báo: ”Cớm, bố ạ!”
Ông Trùm nhún vai: ”Kệ chúng nó… Ngoài lộ thì chúng làm gì tha hồ. Mình đâu có mua hết đất nhà nước?”
Sonny giận đỏ mặt. “Mấy thằng khốn…, không nể nang gì hết!” Nó hăm hở nhảy mấy bậc cửa, chạy băng ngang cư xá tới kế bên chiếc Chevy đen, thò cổ vào toan hùng hổ với mấy thằng lái xe. Thằng cớm phớt tỉnh móc ví chìa tấm thẻ hình sự. Sonny làm thinh lùi lại, nhằm cửa sau xe nhổ một phát nước bọt rồi quay lưng tà tà đi. Hắn cố ý mong cho thằng lái xe chạy theo để lọt vào cư xá là có chầu ăn đòn hội chợ, nhưng đời nào nó mắc mưu.
Vừa bước lên Sonny vừa cằn nhằn: ”Bọn FBI bố ạ! Nó lấy hết số xe”
Vụ FBI cho agiăng tới “đi đám cưới” đã được tiên liệu rồi nên theo lời khuyến cáo của Ông Trùm, bọn đàn em và mấy ông bạn thân nhất bữa nay đều xài xe đi mượn hết. Thằng Sonny nóng giận vô lý thật nhưng xét ra cũng có lợi là chứng minh cho bà con anh em biết chẳng ai mời cớm đến mà e ngại.
Giận thì Ông Trùm không giận vì từ bao lâu rồi ông vẫn chủ trương là trên cõi đời này có nhiều khi bị người ta chửi vào tận mặt cũng vẫn phải nhịn nhục lờ đi với niềm an ủi miễn còn sống được, còn mở mắt ra được thì còn có ngày một thằng hèn yếu nhất có quyền rửa hận một tay thế lực nhất. Nhiều anh phải phục lăn Vito Corleone ở điểm nhịn nhục này.
Ở sân sau ban nhạc bắt đầu chơi. Khách khứa đủ mặt rồi. Ông Trùm Corleone bèn quên béng vụ FBI để hớn hở dẫn hai thằng con trở vô.
Khu vườn rộng đen nghẹt cả trăm người. Ai khoái khiêu vũ thì nhảy lên chiếc bàn gỗ kê cao khỏi mặt đất chung quanh treo đèn kết hoa. Bằng không thì ngồi dài dài khắp vườn vì chỗ nào cũng có bàn, thức ăn thơm ngon chất như núi và rượu chát, thứ nhà làm đặc biệt thì từng hũ lớn 5 lít một.
Bàn danh dự của cô dâu chú rể dĩ nhiên phải cao hơn một chút. Bọn phù dâu phù rể đứng ngồi quây quần quanh cô dâu Connie. Đám cưới tổ chức đặc biệt theo phong tục cổ của người Ý, dĩ nhiên cô dâu chẳng hài lòng chút nào. Nhưng có “nhà quê” cũng phải chịu, phải chìu vì nội cái vụ chọn thằng Carlo Rizzi làm chồng cũng đã nghịch ý ông bố quá sá rồi! Vì đối với gia đình này thì Carlo Rizzi “lai” 50%. Cha nó gốc Sicile thật nhưng mẹ người miền Bắc nên nó có mớ tóc vàng và cặp mắt xanh thế kia. Cha mẹ nó lập nghiệp ở Nevada nhưng cu cậu phải bỏ xứ đi vì có chuyện lộn xộn với pháp luật. Lên New York sống nó gặp Sonny và chớp luôn con em. Trước khi gả con, dĩ nhiên Ông Trùm phải cử một số đàn em tin cẩn đi Nevada để điều tra về gia thế cậu rể tương lai. Thì ra Carlo bị dính vô một vụ súng ống sao đó nên phải trốn chứ thực ra vụ này giải quyết dễ cái một. Nhưng cái hay trong vụ này là Ông Trùm đã đánh hơi ra vụ thầu sòng bạc ở Nevada kiếm ăn rất ngon nên tiện thể sai bọn đàn em đi làm một công hai việc.
Conny Corleone thực ra không đẹp vì thuộc típ con gái thì gầy nhưng lấy chồng ít năm sẽ mập thù lù. Tuy nhiên nhờ còn con gái và nhờ bộ đồ cô dâu trắng muốt, cô bé trông lộng lẫy, xinh đáo để. Ngồi bàn danh dự mà tay nó cứ luồn xuống phía dưới bấm đùi chú rể môi chúm lại hôn gió lia lịa.
Connie chịu thằng Carlo ở khoản nó vừa đẹp trai, vừa lực sĩ. Tay nó, vai nó bắp thịt vun lên, cái lưng làm như căng rách bộ đồ đến nơi. Cứ như điệu nó biểu diễn thì Carlo cưng vợ lắm, chìu vợ lắm, rót rượu nó cũng rót hầu. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là kịch, cặp mắt nó chỉ nhấm nháy ngó chiếc túi lụa trắng con nhỏ đeo một bên vai. Cái túi bây lớn và căng ra như thế kia thì phải biết là bộn tiền phong bì! Dám 10.000 hay 20.000 đô không chừng… Carlo mỉm cười. Bấy nhiêu đó đủ rồi. Giai đoạn đầu mà. Chớp được con nhỏ này thì cả đời cứ nằm dài ra cũng không lo đói.
Trong đám quan khách cũng có một vị trẻ tuổi, “lên cây” rất hách đang bận tâm “nghiên cứu” túi bạc kè kè của Connie. Đó là thằng Paulie Gatto mặt lưỡi cày. Thì ra vì quen nghề “ngánh” nên thấy túi bạc ngon ăn là nó động lòng ngó chơi tưởng tượng đớp cách nào ăn chắc cho đỡ buồn, chớ ở đây thì ông nội nó cũng không dám biểu diễn nghề nghiệp.
Vì Xếp Peter Clemenza của nó đây kia! Xếp đang hăng máu khiêu vũ loạn. Già rồi, có bụng rồi mà Clemenza cứ thấy em nào ngon mắt là ôm bừa, nhảy loạn. Ban nhạc chơi một bản Tarantella siêu bình dân nên cô bác hoan nghênh ầm ĩ, Xếp Clemenza lại có dịp biểu diễn những bước lả lướt vô cùng điệu nghệ, nên dù có sừng sững như một ông hộ pháp cũng không “thất nghiệp” một giây một phút. Các cô khoái đã đành, mấy bà sồn sồn cũng bám lấy Xếp, không cho nghỉ! Rốt cuộc mấy cặp trẻ đành rút lui, nhường sàn nhảy ột mình Xếp quay cuồng. Gặp một bà nhỏ con thì ngực vừa đụng đến cái bụng phệ của Clemenza và hai bên cứ cạ qua cạ lại giữa tiếng rên rỉ của một cây mandoline: hoạt cảnh vừa tục tĩu, dâm đãng lại vừa tức cười nên cử toạ hò reo như sấm.
Rốt cuộc Clemenza mệt bở hơi tai, mồ hôi vã ra, mặt nhợt nhạt đành rút lui và té ngồi trong lòng ghế, đàn em Paulie Gatto vừa kịp thời đưa ra đỡ! Rất mau mắn thằng Gatto bưng ly rượu chát lên tận miệng Xếp, một tay rút chiếc mùi soa lụa lau hầu lia lịa. Cứ uống một hớp rượu là Xếp lại nghỉ mệt một hơi và thở rống như trâu. Vừa lấy lai tí hơi sức là Xếp quay ra sửa lưng thằng đàn em: ” Đây đâu phải chỗ mày đứng làm giám khảo khiêu vũ? Đi cha mày ra ngoài kia, coi xem có gì lộn xộn không nào?". Đàn em Paulie lỉnh gấp.
Ban nhạc cũng nghỉ xả hơi. Lúc bấy giờ thằng Nino Valenti mới nhẩy lên khán đài, vớ lấy một chiếc mandoline rồi chân trái ghếch lên một chiếc ghế, nó vừa vê đàn vừa gân cổ biểu diễn một bản tình ca độc đáo của dân Sicile. Thằng Nino khá đẹp trai nhưng mặt nó say rượu đỏ nhừ. Nó vừa nháy mắt vừa dùng lưỡi điểm lóc chóc những chỗ lời ca tục tĩu nên mấy bà mấy cô ôm bụng cười, còn bọn đàn ông thì khoái chí rống lên phụ hoạ theo từng chập.
Bà Trùm khoái chí bắt nhịp theo như điên nhưng ông Trùm xưa nay đâu có chịu những vụ trai gái lẳng lơ nên lỉnh vào nhà để khỏi phải nghe tiếp. Thấy vậy cậu cả Sonny bèn mắt trước mắt sau xề lại em phù dâu Lucy Mancini. Hắn chỉ ngán có Ông Già và biết dư mụ vợ giờ này còn phải ở dưới bếp sửa lại chiếc bánh cưới. Do đó không biết hắn rỉ tai cái gì mà con nhỏ đứng ngay lên, biến vô trong nhà. Sonny làm bộ đợi vài phút, nói dăm ba câu chuyện bâng quơ rồi theo hút em bé gấp. Vậy mà không dấu được ai vì xét ra em phù dâu Lucy đâu có phải tay vừa? Em Mỹ hoá đến độ vô đại học ba năm là cóc cần tai tiếng nữa. Lucy mấy bữa nay cứ đeo cứng cậu cả Sonny và lả lơi ra mặt vì phù dâu với lại phù rể mà! Mặc dầu thiên hạ thừa biết nhưng em vẫn cứ ngây thơ vén váy cười ngỏn ngoẻn khi leo thang lầu lên phòng tắm. Chỉ một loáng sau đã thấy đàn anh Sonny đưa tay ngoắt rồi
Cái vụ móc ngoéo tưởng là bí mật này có một người biết hết: Đứng trên lầu hé rèm cửa nhìn xuống thì còn cái gì qua mắt nổi Thomas Hagen? Nãy giờ hắn đứng trong phòng Ông Trùm “theo dõi nội vụ” từ đầu đến cuối.
Trên nguyên tắc Hagen là luật sư riêng của nhà này nhưng trên thực tế lại là xử lý thường vụ consigliori tức cố vấn kiêm phụ tá, nghĩa là nhân vật tối quan trọng, chỉ đứng dưới một mình Ông Trùm. Cho nên vừa thấy ổng đi vô là Hagen đã mau mắn có mặt sẵn trong văn phòng. Đâu phải chỉ vì bận đám cưới mà Ông Trùm Corleone buông xuôi hết công việc?
Việc đầu tiên mà Hagen muốn báo cáo gấp là vụ “làm ăn” của cậu cả Sonny nhưng sau khi cân nhắc lợi hại hắn nhăn mặt gác qua một bên. Lờ đi thì hại thật xong cho ông bố biết cái vụ này thì Sonny chỉ có chết. Hắn còn lạ gì tính nết của Bố Già? Ngay trong căn phòng bốn bề toàn sách luật này hắn đã từng phụ tá và cố vấn cho Ông Trùm biết bao nhiêu là vụ điên đầu nên hợp “giơ” quá rồi!
Hagen đi tới bàn bureau, cầm miếng giấy ghi tên những người Ông Trùm bằng lòng tiếp hôm nay. Bố Già vừa bước vô là hắn đưa liền để nghe một lệnh ngắn ngủn: ”Để Bonasera sau cùng nghe”. Hagen vội chạy đi kiếm ông chủ lò bánh mì Nazorine và hướng dẫn vô văn phòng. Thấy Nazorine, Ông Trùm vui mừng đứng lên ôm hôn. Hai thằng chơi với nhau từ thuở bé tí ở quê nhà mà? Sang đất Mỹ hai gia đình còn qua lại thân thiết. Bất cứ lúc nào, nhà Corleone cần đến bánh là có ngay cả xe do ông bạn Nazorine vui vẻ cung cấp. Năm nào cũng vậy, nhiều ít Nazorine cũng đóng niên liễm thật hăng cho nghiệp đoàn làm bánh của Ông Trùm sáng lập từ lâu lắm rồi, vậy mà trừ mấy cái “bông” đường hồi còn chợ đen Nazorine đâu có xin xỏ đòi hỏi gì? Chỗ thân tình như vậy, trung thành như vậy thì Ông Trùm chỉ chờ hỏi đến là giúp đỡ liền.
Đưa mời điếu xì gà Di Nobili và tự tay đưa một ly Strega, Ông Trùm thân mật khoác vai để hai người tâm tình thân mật, khiến Nazorine mạnh miệng hỏi han. Ông chủ lò bánh mang vụ thằng rể tương lai Enzo kể lể. Nó người gốc Sicile, bị quân Mỹ bắt làm tù binh nhưng tạm thời được ở lại làm thợ chuyên môn. Nó mới giúp việc lò bánh và quyến luyến con Katherine. Tụi nó thương nhau quá, nếu thằng này mà bị tống về thì con bé đến chết mất. Và bây giờ chỉ có mình Bố Già Corleone là có thể cứu được chúng.
Hai người đi lại trong phòng, Nazorine kể đến đâu Bố Già Corleone gật gù đến đấy và sau cùng vỗ vai cười mỉm: ”Có vậy thôi ư? Cái vụ này dễ quá mà” Tiếp xúc một ông dân biểu rồi ông dân biểu sẽ đưa nội vụ này ra Hạ viện, nhờ các bồ bịch thông qua một đạo luật nhập tịch đâu vào đấy hết. Có điều phải xì tiền ra, theo thời giá cỡ 2 ngàn đô la chớ mấy? Bảo đảm là xong và chỗ anh em với nhau thì 2 ngàn đô đâu ăn nhằm gì mà đặt cọc hay đưa trước?
Ông chủ lò bánh mì gật đầu gấp, và không ngờ mọi việc lại dễ dàng và Bố Già lại nhân đức đến thế. Lão cám ơn tíu tít, nước mắt rưng rưng khi được đưa ra tận cửa và nghe Ông Trùm xác nhận lại: “Bạn đừng lo nghĩ vớ vẩn nữa. Sẽ có người đến tận nhà bạn lo giùm mọi thủ tục”.
Hagen mỉm cười: ”Khi không được một thằng rể, một chuyên viên giúp việc đắc lực mà lại có người chỉ giùm cho hai ngàn đô xong việc mới trả sau thì cha Nazorine sướng quá còn gì? Vụ này mình giao cho ai thưa bác?”
Ông Trùm cau mày suy nghĩ. Chớ giao cho thằng nhà quê Luteco nghe. Để thằng Fisher làm hay hơn. Nếu cần thì bảo Enzo đổi địa chỉ đi. À chiến tranh chấm dứt tất sẽ có rất nhiều vụ tương tự. Mi nhớ gài sẵn người của mình ở Washington để có áp phe nhập tịch là bắt liền. Mỗi vụ tối thiểu 2 ngàn đô đâu phải đồ bỏ”.
Người thứ hai bước vô là Anthony Coppola. Vụ nhờ vả của nó giản dị hơn nhiều vì nó là chỗ con cháu nhà, xưa kia cha nó cũng làm phu hoả xa với Ông Trùm hồi còn đói khổ. Bây giờ cu cậu cần 5 trăm đô để mở cửa tiệm bánh chiên, mua lò, sắm đồ vặt vãnh mà đào không ra tiền. Nhưng đối với Ông Trùm thì vụ này quá dễ. Người móc túi rút ra mớ bạc nhỏ đếm vừa vặn trên 4 trăm bèn quay sang phía Hagen: ”Mi ượn đỡ 100 đô, sáng thứ hai ra băng lấy tiền nhớ nhắc”. Coppola thấy vì mình mà Bố Già phải ngửa tay đi mượn đã ấp úng ”Dạ 4 trăm cũng đủ rồi” nhưng Ông Trùm vỗ vai âu yếm: ”Cháu thông cảm. Đám cưới tốn quá sá nên bác hết tiền mặt”.
Hagen lấy tiền túi đưa ra 1 trăm cho đủ số, đưa thẳng Coppola ra mà phục lăn lối xử thế khôn khéo của Bố Già. Ra điều vì mình mà một nhân vật cỡ Bố Già phải đi vay trăm bạc để ượn vốn làm ăn thì cu cậu cảm động để đâu cho hết! Có mấy ông triệu phú chịu làm cái việc phiền phức này bao giờ?
Ông Trùm vừa ngước mắt lên là Hagen báo cáo tiếp:
- Cháu không ghi sẵn…, nhưng thằng Luca Brasi nói muốn vô gặp bác. Chắc có chuyện cần.
- Có gì cần đâu?
- Vụ này chắc bác hiểu nó hơn cháu nhưng cháu đoán nó nhận được thiếp mời nên lấy làm cảm động, muốn gặp bác để cám ơn chắc.
Ông Trùm gật đầu ra hiệu đồng ý.
Đúng lúc đó ở ngoài vườn Kay Adams cũng đang hỏi thăm Michael về ông khách lạ có bản mặt thật cô hồn mang tên Luca Brasi. Trước sau cũng phải giải thích cho cô bé vị hôn thê hiểu sơ qua về gia thế mình nhưng Michael áp dụng chiến thuật tiết lộ từ từ để Kay khỏi sửng sốt hết hồn vì cho tới giờ này cô bé vẫn cứ tưởng Ông Già là người làm ăn, tuy hơi khác thường một chút. Rất thản nhiên, Michael giới thiệu Luca Brasi như một hung thần của giới giang hồ miền Đông. Nét độc đáo trong việc làm ăn của nó là giết người khỏi cần ai phụ giúp và một khi nó đã làm thì pháp luật có biết cũng bó tay vì kiếm được bằng chứng sát nhân của Luca Brasi là một việc xưa nay chưa ai làm được. Không hiểu có đúng như vậy không nhưng nó đối với Ông Già thì trung thành lắm.
Kay trợn mắt ngạc nhiên “Bộ Ông Già xài cả những người như vậy sao anh?”
Cái vụ này chẳng thể trả lời trực tiếp nên Michael đành vòng vo:
- Cỡ 15 năm về trước hình như vụ nhập cảng dầu ăn của ông già bị một bọn toan cưỡng đoạt. Chúng mưu sát ổng tới mấy lần và chút xíu nữa là rồi. May nhờ có Luca Brasi. Người ta kể rằng hồi đó hắn hạ một hơi 6 mạng, vỏn vẹn trong 2 tuần. Phe bên kia ngán quá bỏ cuộc luôn.
- Nói vậy ông già bị bọn găng tơ mưu sát sao?
- Ấy là chuyện 15 năm về trước kìa chứ bây giờ đâu có chuyện gì?
Rất hóm hỉnh, Kay hích cho Michael một cú:”Thôi bồ đừng bịa chuyện để tôi rét, tôi né là bồ khỏi phải làm đám cưới chứ gì? Bồ láu quá!”
- Không, anh nói thật đó.
- Nghĩa là Luca Brasi thủ tiêu 6 mạng thật sao?
- Thì người ta đồn đại, báo chí đăng tùm lum vậy… chớ có bằng chứng gì đâu. Nhưng hình như nó còn làm một vụ gì ghê gớm hơn thế, hãi hùng đến nỗi chính ông già cũng không dám nhắc đến. Vụ này thằng Hagen cũng biết, anh có hỏi mấy lần mà lần nào nó cũng gạt đi. Do đó anh chắc nó phải ghê gớm lắm.
Luca Brasi quả thực là người mà quỉ cũng phải chê. Cứ thấy dạng nó là thiên hạ đã hết hồn vì cả khổ người chắc nịch của nó toát ra sự kinh khủng, cái sọ tổ bố, bản mặt lầm lì rất ư là cô hồn. Cặp mắt nâu lờ đờ không sinh khí mà miệng nó tàn ác ở đôi môi mỏng quẹt như hai miếng thịt bò sống gắn vô.
Trong giới giang hồ, Luca Brasi nổi danh hung thần cực kỳ tàn bạo nhưng cả nước biết nó một lòng thần phục Ông Trùm Corleone. Một trung thần hiếm có, một trong những cột trụ chống đỡ dắc lực. Luca Brasi không sợ trời sợ đất, địa ngục thiên đường nó đều coi như không. Không có cảm tình với bất cứ một ai, không ngán một người nào, kể cả Cảnh sát. Nhưng riêng với Ông Trùm thì nó tự quyết định phải yêu, phải sợ và do đó, phải phục vụ hết mình!
Được đưa vào văn phòng, tự nhiên hung thần đâm ra khép nép, kính cẩn trước mặt Ông Trùm. Nó ấp úng mãi mới ngỏ được lời chúc mừng, đại để mong sao Người sớm có cháu bế, cháu trai. Rồi vụng về đưa ra một bao thư lớn mừng cô dâu chú rể, song đích thân Ông Trùm phải nhận ới quý! Nó chỉ muốn có bấy nhiêu mà!
Đứng bên cạnh, Hagen lưu ý cung cách Bố Già tiếp Luca Brasi. Hay thật! Rõ ra là quý mến, từng lời nói cử chỉ đều bộc lộ rõ. Có đều không hề thân mật, làm như đấng quân vương sẵn lòng chấp nhận sự cung kính của một bầy tôi và nó có đích thân đòi đưa đồ mừng tận tay cũng là lẽ tự nhiên vậy.
Một phong dày cộm thế kia thì hiển nhiên phải bộn tiền hơn bất cứ một phong bao nào khác. Luca Brasi đã suy tính cả giờ về vụ phải “đi” cỡ bao nhiêu để hơn hết mọi người và phải đưa tận tay để Bố Già biết cho là nó cung kính hơn ai hết. Biết vậy nên nó có ăn nói vụng về, ngớ ngẩn Ông Trùm cũng vẫn lờ đi.
Hagen nhận thấy rõ bong là được hậu đãi quý hoá như vậy, vẻ mặt cô hồn của Luca Brasi bỗng dưng hiền hậu, ngờ nghệch hẳn đi. Làm như nó khoan khoái lắm, vinh hạnh lắm. Trước khi xin từ biệt nó còn kính cẩn hôn tay Ông Trùm rồi mới theo Hagen đi ra. Mở cửa cho thằng cô hồn này Hagen cũng cẩn thận áp dụng chiến thuật tay mở cửa, miệng nở sẵn nụ cười cảm tình. Vậy mà cái đầu bự của Luca Brasi chỉ sẽ gục gặc và cặp môi thịt thì chỉ khẽ vén lên, đủ để biểu diễn một nụ cười nhạt.
Không riêng gì Hagen, ngay Ông Trùm Corleone đối với Luca Brasi xem ra vẫn cứ “kính nhi viễn chi”. Thấy mặt nó là phải lưu ý, chừng nó đi khuất mới nhẹ nhõm thở ra. Chẳng là Luca Brasi tính nết ngang tàng, như ngựa hoang vậy. Không dễ gì “nắm” được nên dùng nó dễ sợ như phải sử dụng cốt mìn. Sơ sẩy là không xong nhưng vẫn cứ phải dùng… và dùng rất hiệu quả.
Khi cửa đóng lại, Ông Trùm hất hàm hỏi:”Còn một mình Bonasera hả? Nếu vậy đi kiếm thằng Santino (Sonny), biểu nó vô đây trước. Có thể nó có một bài học hữu ích”.
Hagen tất tả trở ra ngoài vườn. Bảo thằng cha Bonasera gắng chờ thêm ít phút rồi hỏi Michael và Kay coi có thấy nó đâu không. Michael lắc đầu là hắn bắt đầu ngại. Thằng Sonny dám lôi con nhỏ vào một xó nào “quất” bừa lắm. Nó đi theo con nhỏ đến nửa giờ còn gì? Sơ sẩy mà đổ bể là mất mặt với gia đình Mancini và con vợ Sonny cũng chẳng hiền gì!
Hắn vừa đi khuất là Kay hỏi ngay:”Ai đấy anh? Anh giới thiệu là anh em… nhưng tên hắn đâu có giống, mà coi chẳng có vẻ người Ý nữa!”
- Vì thằng Tom ở nhà này từ năm nó 12 tuổi mà. Nó mồ côi cha mẹ, và đau mắt tưởng đâu mù luôn. Nó đang sống lang thang thì Sonny bắt gặp và đưa về nhà ở luôn từ hồi đó. Lấy vợ rồi nó cũng không đi đâu hết.
- Nếu vậy thì ông già nhân đức đấy chứ? Có tới 4 mặt con mà còn nuôi thêm thằng con nuôi nữa.
Chẳng buồn giải thích là đối với một gia đình Ý có 4 con chưa phải là nhiều, Michael chỉ cải chính:
- Đâu phải con nuôi? Tom chỉ ở lại, coi nhà này như nhà hắn vậy thôi.
- Ủa, sao không nhận nuôi cho rồi?
- À, tại ông già không muốn. Theo ổng thì bắt con nhà người ta đổi tên họ là hỗn xược. Nhất là đối với những người đã khuất.
Lúc bấy giờ họ nhìn lên thấy Hagen đang đẩy Sonny bước vô căn phòng và đưa tay ngoắt Bonasera. Cô bé Kay ngạc nhiên lắm. Ô hay, sao mấy người này lại kỳ cục vậy? Nhè đúng bữa nhà người ta có đám cưới mà bàn chuyện là ăn!”
Michael lại phải tươi cười giải thích:
- Phong tục xứ Sicile đấy! Đúng truyền thống thì chẳng ai nỡ từ chối ai điều gì trong ngày gả con. Biết vậy nên họ cứ nhè ngày này mà nhờ vả cho chắc ăn.
Lucy Mancini vén cao chiếc váy hồng, tất tả bước lên thang. Cứ tưởng tượng ra khuôn mặt bì bì và đa tình của Sonny giờ này đỏ nhừ vì hơi rượu thì quả thực dễ sợ quá… Nhưng cả tuần nay cô phù dâu chỉ nhắm có bấy nhiêu đó mà? Hồi ở Đại học, Lucy có hai kép thật song anh trước anh sau đều “chạy”, chỉ một tuần lễ du dương là tối đa. Thằng bồ thứ hai còn phê phán:”Đàn bà con gái gì mà… vĩ đại kinh khủng thế” làm nàng hiểu ngay thân phận khác người của mình, không bắt bồ thêm thằng nào nữa trong suốt cả một niên học.
Dịp nghỉ hè được mời làm phù dâu cho bồ Connie, nàng nghe thiếu gì chuyện về kỳ tích của đàn anh Sonny. Hôm chiều chúa nhật, lúc bọn đàn bà con gái quây quần dưới bếp, chính miệng mụ vợ hắn nói ra mà? Mụ Sandra coi mập mạp, tốt tướng, gốc Ý song sang Mỹ từ hồi còn để chỏm. Cao lớn, vú bự như mụ thì lấy chồng 5 năm 3 mặt con là phải.
Sandra doạ dẫm cô em chồng Connie về vụ động phòng kinh khủng.
Mọi người cười ầm lên, riêng Lucy chỉ cảm thấy nhột nhạt cả một khoảng người.
Chính sự nhột nhạt đó làm người nàng bốc lửa lúc bước lên thang lầu. Chừng Sonny ló mặt ra, kéo tuốt nàng qua hành lang, vô một căn phòng trống trơn và đóng sập cửa lại thì Lucy rùng mình, hai chân đứng không nổi. Coi, miệng hắn toàn mùi thuốc lá khét lẹt! Nàng hé môi nín thở vì dưới lớp lụa mát dịu, bàn tay hắn bỗng nóng như lửa, tới chỗ nào là nhột nhạt, khó chịu chỗ ấy.
Tụi nó còn ôm nhau đứng nữa, đứng mãi nếu không có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, thận trọng. Rất lẹ làng, Sonny đẩy Lucy về phía sau, rồi sửa sơ qua quần áo hắn đi vội ra phía cửa nhưng cố ý chắn lối… để cửa có mở ra thì thằng ở ngoài vẫn không vô lọt! Trong lúc Lucy cuống quít vuốt lại xiêm y, mắt nhấp nháy mở ra chờ đợi thì có tiếng Hagen hỏi khẽ:”Sonny, phải mày không?”
Mừng ra mặt, Sonny vừa nháy nó vừa hỏi:”Có chuyện gì đó Tom?”
“Ông Già sai tao kêu mày gấp. Lên buya-rô ngay đi”. Chỉ mới nghe loáng thoáng như vậy đã thấy tiếng chân bước đi xa dần. Sonny chỉ kịp hôn từ biệt em bé một phát là mở cửa hối hả chạy theo.
Còn một mình. Lucy bình tĩnh chải lại mớ tóc, móc lại dây nịt coóc xê, vuốt thẳng nếp váy. Người thì mệt rã rời, nghe ngây ngây ở môi, ở má. Tuy thấy rõ cảm giác vướng víu, nhớp nhúa ở mỗi bước chân đi nhưng không ghé qua phòng tắm mà mở cửa ra tất tả đi một mạch xuống vườn. Thản nhiên như không có chuyện gì, Lucy vừa ghé mông ngồi xuống chỗ cũ đã nghe tiếng Connie trách yêu:”Mày đi đâu về… mà coi lừ đừ như say rượu vậy? Ngồi bên tao này, cấm đi nghe!”
Chú rể Carlo bèn xốc tới, hóm hỉnh bưng ly rượu chát tới mời cô phù dâu nhưng cười cái điệu biết hết… Lucy phớt tỉnh nâng ly uống ngon lành. Cả người chợt run run, nàng kín đáo phóng tầm mắt qua vành ly để kiếm thử hình bóng Sonny nhưng chẳng thấy hắn đâu. Ngoài Sonny ra còn kiếm ai làm chi mất công?
Rất hóm hỉnh, Lucy ghé tai bồ Connie tâm sự:”Mày đừng nên nóng! Ráng đợi vài giờ đồng hồ nữa là biết hết. Thú vị lắm nghe!” Cô dâu phát cười sằng sặc trong khi Lucy ra vẻ đàn chị, rất nghiêm trang ngồi hai tay đặt trên bàn đàng hoàng. Như không hề có chuyện gì xảy ra.
Lúc Bonasera được Hagen đưa vô thì Ông Trùm đang ngồi sau chiếc buyarô rộng thênh thang và Sonny đứng ở cửa sổ nhìn xuống vườn. Trọn ngày hôm nay mới thấy nét mặt bố già thản nhiên, lạnh nhạt là một. Không có vụ ôm hôn, một cái bắt tay cũng không vì nếu bà Trùm và vợ lão nhà đòn đám ma chẳng phải bạn từ hồi con gái thì sức mấy Bonasera được mời đi ăn đám cưới? Mà chính lão Bonasera cũng chẳng thèm chơi, chẳng thèm dây dưa với ông bạn Vito Corleone!
Lão chủ xe đòn nhập đề xéo, rất có chiến thuật sau khi đưa mắt nhìn Hagen và Sonny, rõ ràng không muốn có mặt hai thằng này trong phòng nhưng Ông Trùm vẫn cứ lờ đi.
- Xin ông bạn tha lỗi cho con bé cháu không đến dự lễ cưới để chia vui cùng mẹ đỡ đầu của nó được vì cháu còn nằm bệnh viện.
- Chúng tôi biết. Tội nghiệp con nhỏ… Nếu chúng tôi có thể giúp đỡ cháu phần nào thì ông bạn cứ việc cho biết. Bề nào cũng là con đỡ đầu của bà nhà tôi mà?
Cái vụ này là ăn miếng trả miếng! Ra điều “Vợ tôi là mẹ đỡ đầu của nó nhưng ông bạn đâu thèm cho nó nhận thằng này là cha đỡ đầu!” Khuôn mặt bí xị của Bonasera xám như tro. Lão đành nói huỵch toẹt: ”Tôi có chút chuyện muốn nói riêng với ông bạn được không”. Ông Trùm lắc đầu: ”Không được. Hai thằng này không những là phụ tá mà còn là con cháu trong nhà… tôi không tin chúng thì con biết tin ai? Đuổi chúng ra đâu được?”
Bonasera đành nhắm mắt lại bắt đầu kể lể. Giọng lão đều đều như mọi lần vẫn “Xin thành thật có lời chia buồn cùng tang quyến” vậy.
- Tôi chỉ có một mụn con gái là nó. Tôi tin tưởng ở nước Mỹ nên làm ăn có tiền là nuôi con thật đàng hoàng, như bất cứ người Mỹ nào. Tôi không giữ rịt nó ở trong nhà vì tin là đã giáo huấn nó về danh dự gia đình. Nó có thằng bạn thân, không phải người Ý. Đi xi nê với nhau, đi chơi tối với nhau, mà thằng kia chẳng thèm biết đến vợ chồng tôi là ai. Tôi công nhận tôi sơ xuất chỗ đó. Cách đây 2 tháng một hôm nó lái xe rủ con nhỏ đi chơi cùng một thằng bạn nữa. Chúng cho con nhỏ uống uýtky rồi toan làm hỗn. Dĩ nhiên con nhỏ chống cự. Không chịu là tụi nó đập, như đập một con vật vậy. Khốn nạn, lúc tôi vô nhà thương thì con nhỏ mặt mũi tím bầm, mũi dập hàm bể phải kẹp không biết bao nhiêu chỗ! Thấy tôi con nhỏ cứ nức nở: ”Bố ơi, con có làm gì đâu mà chúng nỡ… làm con thế này? Sao chúng nó hành hạ con vậy này?”. Chao ơi, tôi trả lời nó thế nào được? Tôi đành nhìn con mà ôm mặt khóc!
Bonasera ôm mặt khóc thật. Khóc nức nở, nghẹn ngào không nói nên lời thật, dừ tiếng khóc quả tình chẳng có vẻ khóc bao nhiêu! Tuy nhiên, Ông Trùm vẫn phải có một cử chỉ an ủi để lão kể lể thêm chút nữa. Khuôn mặt Bonasera chảy dài ra, mắt lão đỏ ngầu…
- Tôi khóc vì con nhỏ là cuộc đời tôi. Nó đẹp, hiền hậu, dễ thương biết chừng nào… lại tin người có một. Bây giờ thì nó hết tin ai… và còn đẹp với ai được nữa!
Thế rồi tôi mang nội vụ đi thưa Cảnh sát. Cả hai thằng bị bắt ngay và bị truy tố ra toà, đúng theo luật pháp Mỹ quốc. Tang chứng rành rành, cả hai thằng cùng nhận tội hết. Vậy mà toà xử chúng 3 năm tù, cho hưởng án treo.
Chúng ung dung ra về ngay sau phiên xử. Tôi đứng ngơ ngẩn trước toà còn bị hai thằng súc sinh cười vào mặt nữa. Tôi bèn nói với nhà tôi: ”Việc này phải nhờ đến Ông Trùm mới xong…”
Ông Trùm khẽ cúi đầu thông cảm nỗi đau khổ của lão. Nhưng khi lên tiếng thì tiếng nào cũng gằn giọng, bực bội: ”Biết thế thì ông bạn sao lại đi thưa với Cảnh sát? Tại sao không đến tôi ngay chứ?”
Bonasera không trả lời mà chỉ sụt sịt: ”Bây giờ tôi nhờ ông bạn. Ông bạn muốn thế nào xin cứ cho biết. Bao nhiêu cũng được, miễn xong công việc… “Muốn thế nào, bao nhiêu cũng được. Cái thằng chỉ có tiền, chẳng biết đến tình, chẳng còn biết cái gì nữa. Ông Trùm bèn gằn giọng: ”Ông bạn nhờ cái gì mới được chứ?”
Bonasera liếc nhìn Hagen, Sonny và lắc đầu quầy quậy. Không nỡ lòng, Ông Trùm bèn xích người gần lại chút nữa và chìa tai ra để cho hắn thầm thì. Lão chồm tới, rỉ tai khe khẽ. Người thì thào, người chìa tai ngó mông như linh mục nghe xưng tội vậy. Một lát sau, Bonasera mới ngồi ngay người lại, chờ đợi.
Ông Trùm ngó ngay mặt làm lão đỏ mặt nhưng vẫn cứ giương lên…
“Cái vụ đó làm thế nào được. Ông bạn điên đầu rồi!”. Vậy mà lão còn đề nghị với một phát “Ông bạn muốn bao nhiêu tôi cũng chịu hết”.
Giọng rành rẽ, tỉnh bơ của Bonasera làm Hagen khẽ nhăn mặt, lắc đầu. Thằng Sonny nãy giờ đứng quay lưng nhìn ra cửa sổ cũng phải quay quắt lại ngó sững. Đang ngồi ở sau buya rô. Ông Trùm đứng dậy lên tiếng. Giọng không hề giận dữ mà tiếng nào tiếng đó như búa bổ:
- Ông bạn và tôi, tụi mình biết nhau quá lâu rồi. Nhưng có bao giờ ông bạn thèm hạ cố tới chơi, hay nhờ vả chuyện gì? Mà ông bạn cũng chẳng thèm mời lại nhà chơi, dù chỉ để uống một chén trà. Mà vợ tôi lại là mẹ đỡ đầu của con bé cháu đấy! Xin lỗi, tôi nói đâu có sai? Ông bạn không thèm chơi, không thèm dây dưa… làm gì tôi chẳng biết.
- Tại tính tôi không muốn rắc rối…
- Không, ông bạn nghe tôi nói. Ông bạn sang Mỹ lập nghiệp làm ăn chính chắn như vậy thì giàu có là phải, xứ sở này thiên đường là phải. Ông bạn lương thiện, có sợ gì ai đụng chạm mà cần phải kết bạn? Thằng nào, đụng đến thì đi thưa lính, lôi cổ nó ra toà. Đâu phải nhờ vả đến một thằng Vito Corleone? Đúng lắm! Sự thực tôi cũng có va chạm tự ái đấy nhưng xét lại, tôi cũng chẳng phải hạng nhắm mắt kết giao bừa, nhất là với những kẻ coi mình rẻ rúng. Tôi không thèm có những ông bạn không đáng ra bạn như vậy.
Sợ tái người, Bonasera ôm mặt khóc, rên rỉ:”Khổ thân tôi quá. Đất Mỹ này đãi tôi quá hậu đi. Tôi chỉ muốn yên thân làm ăn đàng hoàng, nuôi con nên người”.
Ông Trùm vỗ tay một phát, gật gù đồng ý:
- Đúng quá! Ông bạn nói nghe hay thiệt. Vậy thì than thở mà chi? Đất Mỹ có pháp luật, ông bạn đã nhờ pháp luật phân xử và pháp luật đã phán xét vậy đó. Còn muốn gì nữa? Thôi thì ông bạn có vô bệnh viện thăm con cháu nhớ mang cho con nhỏ bó hoa, hộp kẹo cho nó khỏi tủi lòng và chính mình cũng hài lòng luôn thể. Xét cho cùng chẳng qua cũng chỉ là chuyện nhỏ nhặt đâu có đáng gì? Bọn con nít làm bậy mà! Chúng còn say rượu và một thằng còn có ông bố làm lớn nữa. Ông bạn Bonasera thân mến, tôi công nhận ông bạn là người lương thiện và dù ông bạn không thèm chơi với… thì một lời ông bạn nói ra tôi vẫn cứ trọn tin, tôi tin hơn ai hết. Vậy chỉ xin ông bạn một lời là… hãy bỏ qua vụ này đi. Đừng bận tâm vì nó, người Mỹ có lối sống vậy đó! Hãy cố quên đi. Quên để tha thứ hết. Cuộc đời này còn thiếu gì chuyện đau khổ?
Bonasera ngồi ngơ ngẩn mất hồn vì những lời quyết liệt, nặng như búa bổ nhưng vẫn cứ gắng gượng năn nỉ: ”Nhờ ông bạn giải quyết dùm”.
- Coi, pháp luật giải quyết rồi mà?
- Giải quyết quái gì! Họ giải quyết cho chúng… chứ chẳng phải cho tôi.
- Đồng ý. Ông bạn muốn giải quyết cách nào?
- Nợ máu trả bằng máu.
- Đâu được? Con nhỏ còn sống thì đòi nợ máu sao ổn?
Bonasera cố vớt vát:
- Thôi thì… ăn miếng trả miếng vậy? Con nhỏ đau đớn thế nào thì bắt chúng đau đớn in hệt vậy! Vậy thì…vậy thì… ông bạn tính bao nhiêu xin cho biết? Xin ông bạn cứ cho biết…
Ông Trùm quay lưng đi. Vậy là hỏng việc rồi, Bonasera ngồi chết dí. Lát sau làm như một người nhân từ thì không nỡ lòng nào đối xử tuyệt tình với một người từng quen biết, nhất là gặp khi hoạn nạn, Ông Trùm thản nhiên quay mặt lại. Mặt Bonasera nhợt nhạt như những cái xác mà lão khâm liệm hàng ngày. Không nỡ làm lão đau khổ nữa, Ông Trùm đành gạn hỏi:
- Sao, ông bạn vẫn còn sợ không muốn kết giao bằng hữu với tôi nên không thèm nhờ vả suông, nhân danh tình bạn chớ gì. Nói thực để ông bạn biết, ông bạn đã ngửa cổ đợi cả tháng để chờ công lý phán xét. Ông bạn chi tiền cho những thằng thầy cãi nó biết trước, biết dư là ông bạn sẽ bị lỡm. Ông bạn trông cậy ở sự phán xét công minh của thằng cha chánh án sẵn sàng bán đứng lương tâm như đĩ bán trôn vậy. Những năm về trước, mỗi khi cần tiền làm ăn ông bạn vác xác chạy lại mấy thằng nhà băng năn nỉ, xin xỏ chúng cho vay với giá cắt cổ mà còn phải chờ lên chờ xuống để chúng “đánh hơi” coi liệu có trả nổi hay không đã. Phải chi hồi đó ông bạn nhớ đến thằng này thì dễ quá! Tiền của tôi sẽ là tiền của ông bạn, chẳng điều kiện quái gì hết. Vụ vừa rồi nếu ông bạn nhờ đến thì ngày giờ hai thằng súc sinh kia chắc chắn sẽ khốn nạn hơn con nhỏ nhiều. Bạn cứ tin đi. Ông bạn làm ăn lương thiện đến như thế mà thằng nào dám đụng tới thì nó sẽ biết tay tôi. Nhưng nếu ông bạn là bạn tôi thì nói thực… cha nó cũng chẳng dám!
Ông Trùm vừa xuống giọng thì Bonasera gật đầu gấp, nói lí nhí trong miệng:
- Dạ xin bác hãy coi tôi như bạn. Chỗ anh em bạn với nhau…
Lúc bấy giờ, Ông Trùm mới thân mật đặt tay lên vai ông bạn mới. “Vậy có phải hay không? Bạn sẽ được thoả nguyện. Rất có thể một ngày kia tôi sẽ có việc nhờ lại bạn, mà ngày đó có thể chẳng bao giờ có. Cứ tạm coi như một món quà nho nhỏ của nhà tôi tặng cho đứa con gái đỡ đầu đi. Được không?”
Bonasera cảm ơn gấp. Tiễn lão ra cửa xong, Hagen quay vô nghe Ông Trùm chỉ thị: ”Giao vụ này cho thằng Clemenza. Bảo nó lựa mấy thằng đàng hoàng chớ đừng xài những quân cứ thấy máu là nổi hung nghe. Thây kệ thằng cha chôn người chết đó nó muốn nghĩ sao thì nghĩ… chớ mình đâu phải bọn giết mướn?”
Quay sang phía cậu cả nãy giờ quay lưng ngó ra ngoài, ông Trùm không khỏi buồn. Thằng Santino này… hết trông cậy. Không chịu nghe thì làm sao nối nghiệp nhà, làm sao chỉ huy nổi? Đành phải lo kiếm sẵn một thằng… chứ sống đời mãi sao?
Phía dưới vườn đột nhiên có tiếng cười nói ầm ầm làm cả 3 người cùng giật mình. Sonny vươn cổ ra ngoài cửa sổ ngó và hí hửng quay phắt vô. Miệng cười toe toét, nó chạy ra mở cửa:”Thằng Johnny, bố à! Con đã nói… thế nào nó cũng về ăn cưới mà?” Hagen cũng chạy ra cửa sổ nhìn xuống:” Đúng rồi! Cháu xuống dẫn nó lên đây nghe bác?”
Ông Trùm lắc đầu:”Khỏi… Nó về ăn cưới thì để bà con mình mừng nó xong xả đã. Mi thấy không… thằng con đỡ đầu của tao coi vậy cũng ngoan đấy chớ?”
Hagen có ý ghen nên buông một câu: ”Hai năm nay mới thấy mặt nó. Chắc cu cậu lại có chuyện gì đó chạy về nhờ vả”. Ông Trùm quắc mắt: ”Ô hay, nó là con đỡ đầu thì không nhờ Bố Già nó thì còn nhờ ai, mi?”
Người thứ nhất thấy Johnny bước vô là cô dâu Connie. Mừng quá sá, nên quên phắt cả chú rể, quên cả thể thống của một cô dâu, nó chạy ào lại ôm cứng lấy “anh Johnny” để cho đàn anh hôn môi âu yếm trong khi bà con reo mừng bu quanh. Đối với họ thì Johnny là bà con nhà, thân thiết đã lâu chớ đâu phải người ngoài?
Connie hối hả cầm tay Johnny kéo lại giới thiệu với Carlo. Rất tinh tế Johnny vừa nhìn chú rể đã biết ngay tẩy cu cậu bèn làm bộ tươi tỉnh tự tay nâng ly lên đòi cụng, còn bắt tay thật chặt cho nó đỡ tủi.
“Ê, Johnny… sủa chơi một bản mừng bà con chớ mày?”. Mới nghe vậy nhà kép lớn nhất nước vội quay phắt lên khán đài ôm cứng Nino Valenti. Ôi, cặp bài trùng ngày nào! Hai đứa đi đâu chẳng có nhau, một cặp song ca đã đành mà đi cua gái cũng còn đi chung dài dai mà?
Cho đến ngày Johnny lên ca đài, nổi tiếng ngang, rồi nhảy một cú một sang Hollywood làm đại danh ca, đại minh tinh. Từ hồi đó lâu lâu cũng có phôn một cú về bồ Nino, hứa hẹn thế nào cũng kiếm cách giới thiệu, dắt díu nhau nhưng có quái gì đâu? Thét rồi quên luôn. Tình cờ gặp lại Nino, nghe giọng lè nhè rượu, thấy miệng nó cười hề hề như ngày nào, Johnny không khỏi cảm động.
Nino Valenti hứng chí dạo một đường mandoline để Johnny bá cổ nó, chân giậm nhịp, miệng la “Bài này đặc biệt tặng cô dâu”. Dĩ nhiên phải là một bản tình ca Sicile, lời ướt át đến tục tĩu nhưng hát đám cưới thì tuyệt.
Giọng Johnny đã lẳng lơ mà Nino còn uốn éo người ra điệu bộ hấp dẫn nên cô dâu Connie đỏ bừng mặt và quý vị cử toạ vỗ tay hoan hô như sấm. Đến điệp khúc là chẳng cần phải mời, bà con cũng dậm chân vỗ tay rầm rập, gân cổ hò rống lên phụ hoạ. Cứ thế mà bis đi bis lại… đến nỗi Johnny phải hét lên, yêu cầu tốp để sửa giọng bắt qua bài khác.
Bà con chịu Johnny hết mình. Vì nó người cùng xứ sở. Vì nó là tài tử vĩ đại, đệ nhất danh ca, cả thế giới biết, bao nhiêu mỹ nhân mê lên mê xuống. Nhưng nó vẫn nhớ đến Bố Già. Ngày cưới con em, nó vẫn đi 5 ngàn cây số về dự. Nó vẫn không quên bà con mình, như Nino Valenti kia kìa. Hồi hai đứa còn nhỏ đi đâu cũng hát cặp với nhau thật tuyệt… có ai ngờ mai sau thằng Johnny Fontane thần tượng của 50 triệu đàn bà con gái?
Johnny cúi xuống xốc nách cô dâu Connie lên rồi nó một bên, Nino một bên, hai thằng gân cổ biểu diễn một màn “ruột”.
Thằng Nino vừa búng vài nốt mandoline là bà con biết ngay chúng sắp biểu diễn… màn đánh võ mồm. Nghĩa là hai thằng bên hò đối đáp thế nào để thằng nào thắng có quyền bế người đẹp. Hai bên đả nhau hăng lắm, thằng sủa qua thằng sủa lại thật găng nhưng dĩ nhiên bữa nay Nino toàn thắng. Johnny cố tình để nó át giọng, nhường cho nó giật mỹ nhân và ca bài chiến thắng oai hùng còn mình thì chỉ phụ theo cho có. Bài ca dứt là 3 đứa ôm nhau hôn, bà con phía dưới lại gào lên “Bis…bis”.
Đứng nghe từ hồi nào không biết Ông Trùm bèn sang sảng lên tiếng trách yêu: ”Bà con mình tệ lắm nghe! Thằng con đỡ đầu của tôi nó nhớ ngày cưới con bé em, nó dám vượt cả 5 ngàn cây số để về chung vui với bà con mình… mà rượu mời đâu không thấy, chỉ bắt nó hát không! Tôi nói có phải không ạ!”
Bà con hoan hô ầm ầm. Cả chục ly rượu tới tấp chia ra làm Johnny luống cuống, cứ mỗi ly làm một hớp cũng phát mệt. Nó chạy lại ôm lấy Bố Già rồi khẽ rỉ tai điều gì mà Ông Trùm dẫn ngay nó đi trở vô.
Thấy mặt Johnny ló vô là Hagen đưa tay bắt. Nó cũng đưa tay ra và mau mắn thăm hỏi nhưng coi bộ mặt vẫn lợt lạt thế nào khiến Hagen không khỏi bực. Có điều hắn hiểu ngay: ”Có thằng phụ tá nào được Ông Trùm tin cậy… mà chẳng bị chúng kỵ đâu?”
Miệng thằng Johnny lém nhém:”Bố à, bữa con nhận được thiệp cưới… bố biết con nghĩ sao không? Con đoán bố hết giận con rồi, phải không? Chứ từ ngày tụi con thôi nhau con “phôn” tới năm lần chứ có ít đâu? Lần nào Tom cũng nói đi khỏi, bố bận, nên con biết ngay là bố giận”.
Tự tay rót ỗi đứa một ly Strega, Ông Trùm gạt đi:”Chuyện đó bỏ! Bây giờ mày còn cần đến bố giúp thiệt à ? Mày giàu đến thế, hách đến thế mà vẫn còn cần bố giúp thiệt sao?”
Vừa cạn ly Johnny đã chìa ra đòi rót nữa rồi liến thoắng ”Đâu có bố? Con đâu có tiền mà hồi này con xuống dốc ấy chứ? Bố nói đúng. Con bỏ vợ con chạy theo con điếm đó, lấy nó làm vợ thiệt bậy hết sức. Bố giận con là đáng lắm”.
Ông Trùm nhún vai: ”Giận gì… Bởi mày là con đỡ đầu nên tao lưu tâm vậy thôi”. Johnny bèn đi tới đi lui kể lể:
- Đúng là con điên đầu vì con điếm đó. Đệ nhất nữ minh tinh Hollywood, nhan sắc thiên thần nhé! Nhưng con không ngờ nó hạ cấp đến thế. Nó ngủ bậy tùm lum, sợ còn trên điếm một bậc! Thằng chuyên viên vẽ mặt cho nó được một chút là nó cho ngủ. Thằng ca mê ra lấy hình coi bộ kha khá nó cũng dắt vô phòng. Đúng như vậy. Thì ra nó cho ngủ cũng như mình sẵn sàng cho bồi puộc poa! Gật một cái là xong!
- Chuyện đó bỏ đi. Còn gia đình, vợ con mày sao?
- … Thì con vẫn nuôi. Con vẫn chu cấp đầy đủ cho Ginny và các cháu, chu cấp nhiều hơn toà dạy nữa kia. Mỗi tuần con thăm một lần.
Con nhớ mấy đứa con nhỏ quá, nhớ thiệt tình! Con đến phát điên lên mất vậy mà con điếm khốn nạn đó cười vào mặt, nó còn chê con ghen là “nhà quê”… Một thằng cả đần, chuyên sủa những bài ca máy nước! Mới tối qua con vừa giộng ột trận nên thân. Không lẽ nó đang đi đóng phim mà đập cho nó bể mặt? Con cứ người nó mà loi thẳng cánh, tẩm quất ột trận ra gì. Vậy mà nó vẫn không tởn, nó chọc quê nữa chứ? Con chán quá bố! Chán hết muốn sống nữa…
Nghe Johnny than thở ông Trùm vẫn thản nhiên. “Mấy cái vụ đó là của mày, việc riêng của mày. Chẳng ai lo dùm mày được. Còn nghề nghiệp, còn giọng ca của mày hồi này sao?”
Mới nhắc có thế Johnny đã đổi hẳn sắc mặt. Đang kể lể cái điệu diễu cợt, phường tuồng nó xị hẳn mặt làm như bị đụng đúng chỗ thương tâm, thấy vậy nó nói như người đứt hơi:”Bố ạ, con phải bỏ nghề. Giọng con mất đứt vì cổ họng khi không nó làm sao đó… mà mấy ông bác sĩ kiếm mãi không ra!”
Sự thú nhận của Johnny làm ông Trùm và Hagen giật mình. Thằng này có bao giờ bi đến thế đâu? Chết đến đít nó vẫn hùng, vẫn nhất chớ ai? Vậy ắt phải có chuyện gì…
Johnny bèn than thở tội: ”Cả hai cuốn phim con đóng đều có hạng, tiền lời vô số kể. Con kể như tài tử lớn của hãng kia mà! Vậy mà bị hãng cho nghỉ cái một mới đau. Chẳng là thằng cha chủ hãng kỵ con ra mặt. Hắn không chịu con là hắn đuổi, khỏi nói năng gì hết!”
Ông Trùm gặng hỏi:
- Nhưng tại sao người ta lại kỵ mi? Phải có một nguyên nhân gì mới đến nỗi thế chứ?
- Thì tính con ưa hát thí cho nghiệp đoàn, bố cũng biết đó. Chính bố cũng không ưa vụ này nhưng… Thế rồi hắn có con bồ nhỏ “giấm” mãi để xài một mình nào ngờ bị con cướp mất. Sự thực con nhỏ chạy theo con và giữa con với nó chỉ có một đêm một! Bố bảo con làm gì khác được? Rồi đến con điếm vợ con nó cũng lên mặt. Trong khi đó thì nhà con và các cháu cũng lờ hẳn con đi, muốn trở về, nó bắt con phải lết chắc? Và đau nhất là tự nhiên con mất giọng. Tình hình như vậy đó thì bố bảo con làm sao bây giờ?
Mặt ông Trùm bỗng dưng lạnh tanh, tuyệt không cảm tình rồi gằn giọng:”Làm sao hả? Mày phải làm lại, làm cho ra người lớn”.
Vừa nói đến “làm cho ra người lớn” Ông Trùm ngồi nhỏm dậy vươn tay qua buya rô nắm đầu Johnny và ghì xuống. “Trời đất ơi, từ hồi nào mày vẫn ở gần tao mà giờ này mày vẫn yếu thế này sao? Mày là thằng bù nhìn khóc lóc, năn nỉ người ta thương hại sao? Mày có thể than van như đàn bà con gái rằng: ”Bố ơi bố bảo con làm sao bây giờ” sao?
Sự hung hãn đột ngột nhưng bên trong chứa đầy vẻ trách móc thân yêu làm Hagen và Sonny cùng phát cười sằng sặc. Còn la lối như vậy là Bố Già còn thương đấy! Sự thực ông Trùm tuy la lối nhưng cũng hài lòng ở chỗ thằng Johnny chẳng phải con mà nó chịu nghe, chịu la mắng hơn 3 thằng con đẻ. Nếu bị nắm đầu, 3 thằng khốn đâu có cười? Chúng nó sẽ phản ứng khác. Thằng Santino chắc sẽ lầm lì cả tuần lễ sau cạy răng không nói. Thằng Fred sẽ năn nỉ lạy van một cách hèn hạ. Còn thằng Michael? Thằng này thì chắc chắn sẽ nhếch miệng cười nhạt rồi lừ lừ ra khỏi nhà. Muốn thấy mặt nó là cả mấy tháng sau kìa! Nhưng Johnny, thằng con đỡ đầu thân yêu này thì có đánh nó, đánh nó vì muốn sửa chữa cho nó thì nó cũng chỉ cười ha hả.
Sau khi hành hạ nó một hồi, ông Trùm bèn cao giọng chất vấn:
- Nó là chủ mày, nó muốn đuổi mày giờ nào cũng được… mà mày nhè cướp con bồ cưng nhất của nó, rồi mày la là tại nó kỵ mày. Mày bỏ vợ cái con cột đi rước một con điếm về làm vợ rồi mày than tụi nó lờ mày đi! Mày đập cho con vợ tồi bại một trận mà còn chừa cái mặt vì nó đẹp quá, nó đang đóng phim nên nó cười vào mặt mày còn ấm ức vì bị nó “chọc quê”. Coi, mày khùng như vậy đó thì còn… đến phát điên cái quái gì kia?
Nồ một hơi cho nó nín khe, Bố Già mới mở cho nó một lối thoát:
- Bây giờ mày có chịu nghe lời tao chỉ bảo không?
- Không được đâu, bố ơi! Con không thể trở về với Ginny theo điều kiện nó muốn đâu. Con phải nhậu, phải đánh bài, phải chơi với bạn bè chớ! Gái đẹp chạy theo thì từ chối sao nổi? Con thú thực vậy. Bây giờ mà chui trở lại cái tròng gia đình thì con chỉ có nước chết!
Có mấy khi Ông Trùm nóng nẩy đâu? Cái thằng ngu quá nên phải chặn ngang, phải gắt lên:
- Ô hay, tao có bảo mày phải lấy lại nó đâu. Cái đó là quyền của mày. Mày còn nhớ mấy đứa nhỏ là tốt lắm. Có con mà không làm cha thì làm người đâu được? Mày phải buộc con đàn bà chấp nhận mày chớ? Tao hỏi ai cấm mày về thăm con mỗi ngày? Ai cấm mày ở chung một nhà? Ai cấm mày không được quyền sống theo sở thích, như mày vừa nói?
Johnny cười phá lên: ”Bố ơi đàn bà con gái đời nay khác! Họ đâu có chấp nhận, nhường nhịn vẫn như mấy bà già xưa! Ngay con Ginny cũng còn…” Không để cho nó nói hết ông Trùm đã móc họng:
- Đúng, họ không chấp nhận vì mày bù nhìn! Mày không phải một thằng chồng chớ có gì lạ? Vì mày chu cấp nhiều hơn toà dạy. Vì mày đập một con đàn bà còn chừa cái mặt cho nó đi đóng phim mà? Mày để cho đàn bà xỏ mũi dẫn đi trong khi cả thiên hạ cùng đồng ý là có dở cách mấy cũng là đàn ông và có bảnh bao nhiêu cũng chỉ là đàn bà. Biết chưa?
Mấy năm nay tao có lưu ý cung cách sống của mày. Với Bố Già thì mày xử sự đúng cách, hiếu thảo đấy. Nhưng với bạn bè cố cựu thì mày đâu thèm gần gũi thằng nào phải không? Mày lên rồi, mày đâu cần chơi với bọn khố rách áo ôm ngày nào cho nhẹ thể? Như thằng hề gì đó… vào nghề nó cũng ngon lành song lúc nó chẳng may xuống dốc, mày có thèm nhìn đến nó bao giờ? Còn thằng Nino đấy, học chung, chơi chung, ca chung với mày hồi bé tí nhé. Mày lên như thế mà nó cứ lẹt đẹt mãi, hùng hục tối ngày với chiếc xe đổ cát thật tội nghiệp. Nhưng nó có kêu ca gì đâu? Nó chẳng hề phiền trách mày! Buồn đời thì nhậu cho quên, thứ Bảy, Chủ nhật ai kêu đi hát kiếm tí tiền còm thì đi. Tại sao mày không kiếm cách nâng đỡ cho nó, một chút xíu thôi? Mày dư sức quá và giọng ca nó cũng đỡ đấy chứ?
Ông Trùm lim dim mắt nghe Johnny lúng túng tìm cách chống chế. Chừng nó cho là tại thằng Nino hơi ca còn yếu, chưa đủ tư cách trở thành nhà nghề, chẳng thế lên sân khấu bắt bạc được thì ông mới quạt lại:
- Có quái gì “yếu”… “chưa đủ tư cách” với lại “chẳng thể”? Nói vậy mày mạnh hả? Như lái xe đổ cát thì mày đủ tư cách không? Láo hết! Ăn thua ở chỗ tình cảm, ở tình bạn đối xử với nhau. Tình bạn trên hết và là tất cả vì… Đã bồ bịch với nhau thì còn cái gì không xong? Nó mạnh hơn công lực và xem xém tình máu mủ, ruột thịt. Thấy không, mày đâu cần đến tao giúp, nếu mày có bạn, chỗ nào cũng có bạn?
Nhưng thôi… hãy cho tao biết tại sao mày hư giọng, không hát được? Vừa rồi mày ca với thằng Nino tao nghe tuyệt đấy chớ?
Hagen nhìn thằng Johnny và phục lăn nghệ thuật vừa tung vừa hứng của Bố Già! Cu cậu vừa bị một mách mất mặt lại có dịp than thở ngay.
- Giọng không hư hẳn nhưng sa sút ghê lắm. Ca một hai bài xong là chịu. Mấy giờ, mấy ngày liền lên không nổi. Nó yếu đến nỗi con không tập được, không vô đĩa được kia mà!
- Vậy là mày vợ con lục đục là một, mất giọng là hai. Còn vụ thứ ba là bị chủ đuổi ngang chớ gì? Bây giờ nói tao nghe cái vụ rắc rối giữa mày và thằng cha chủ hãng coi…
- Thằng cha này không phải chủ hãng phim lớn nhất nước mà thôi. Nó thực sự có cỡ lớn… to đầu lắm lắm. Cố vấn điện ảnh tâm lý chiến của Tổng Thống. Tháng trước nó vớ được độc quyền quay phim bộ tiểu thuyết lớn, ăn khách nhất hiện giờ. Vai chính trong truyện thật tuyệt vời, bắt được là ăn chắc Oscar năm nay và còn lên nhiều nữa. Cả nước đồng ý là vai chính gần như tác giả cấu tạo nên để dành riêng cho con đóng, như “com măng” để sẵn để lăng xê vậy. Nó hạp đến nỗi con chẳng phải diễn xuất mà cứ sống thế nào lập lại in hệt là ô kê rồi. Lại không phải ca hát nữa mới là độc đáo! Tóm lại ai cũng yên chí vai trò ấy là của con, như đo sẵn cho con để con có dịp trổ tài cho xứng danh kịch sĩ lớn vậy.
Nhưng thằng chủ Jack Woltz gạch tên con cái một. Nó giao thằng khác, thằng nào cũng được mới đau! Xin đóng với thù lao tượng trưng, xin đóng thí nó cũng không chịu. Nó bắn tin có tới phim trường quỳ lạy… liếm gót nó chưa chắc nó đã bằng lòng!
Nghe ông con đỡ đầu tả oán kỹ đến thế, Ông Trùm bèn ngoắt tay ra hiệu tốp. Cái thằng con nít, nói được là nói thả dàn chớ công chuyện làm ăn đâu thể có vụ kỵ phi lý, ngớ ngẩn như nó tưởng? Ông Trùm vỗ vai ra lệnh cho Johnny:
- Nghe tao nói đây. Mày sợ xuống dốc quá đâm bi quan láo! Thảo nào người mày mới gầy rạc thế kia. Rượu cho lắm vào, thuốc ăn thuốc ngủ giộng vào! Bây giờ hãy nghe tao về đây ở một tháng, ăn ngủ điều độ, nghỉ ngơi đi. Không ca hát, uống rượu, không gái gì hết. Mày ở chơi với tao, ở chơi cho tao vui vậy thôi. Đúng một tháng thì mày về Hollywood, khỏi nghĩ ngợi gì hết. Mày muốn đóng cái phim đó chớ gì? Thằng cha chủ có cỡ lớn và to đầu của mày sẽ giao vai trò đó ày, chịu không.
Johnny nghe ông Bố Già nói chắc, nói gọn ơ đâm nghi ngờ. Coi, đâu có dễ ăn vậy và làm như ổng có phép lạ không bằng! Nhưng Bố Già nói có sai bao giờ với nó bất cứ điều gì! Nói để đấy và hứa suông càng không nữa! Có vụ gì ổng biểu được mà thành không đâu nào?
Nó ấp úng:
- Thằng cha đó bạn thân của ông Tổng Giám Đốc FBI. Con sợ bố khó thuyết phục nổi. Mà dùng áp lực sợ không xong…
- Ô hay, làm vậy làm chi? Nó là người làm ăn sinh lợi thì tao sẽ đưa lợi ra chứ có gì lạ?
- Cũng không được! Trễ rồi bố à. Giao kèo ký xong hết cả rồi chỉ còn một tuần nữa là khởi sự quay. Chắc chắn không được đâu!
- Thôi được. Mày đi xuống vui chơi với bà con, chúng bạn đi. Mọi việc đã có tao lo hết, khỏi nói nhiều!
Để nó “khỏi nói nhiều”, đích thân Ông Trùm phải kéo tay Johnny, tống nó ra khỏi phòng đề quay sang hỏi Hagen:
- Còn việc gì cần không?
- Còn vụ thằng Sollozzo. Có lẽ bác phải cho nó gặp nội tuần này, chứ bắt nó đợi hoài e không tiện.
- À, đám cưới xong thì mi muốn hẹn nó lúc nào chẳng được.
Ông Trùm nói giản dị có vậy nhưng Hagen đoán ngay chỗ tâm cơ tính toán. Trước hết, chắc chắn ông sẽ từ chối đề nghị của nó. Sau nữa ổng biết rằng từ chối là thế nào cũng sanh chuyện nên mới lần lứa hẹn cho qua ngày gả con Connie đã, Hagen bèn thử mở đường: ”Có cần bảo Clemenza cử vài thằng tới nhà mình không à?” Ông Trùm gạt phắt:
- Ủa, chi vậy? Tao muốn hẹn nó sang ngày gả con Connie là vì không muốn có chuyện phải suy nghĩ lôi thôi trong những ngày có con sắp về nhà chồng đó thôi. Vả lại cũng phải có thời giờ điều tra đích xác coi nó đề nghị cái gì chớ? Bây giờ thì biết rồi. Chuyện đó bẩn không thể dính vô!
- Nghĩa là mình từ chối? Nhưng theo cháu nghĩ… sao bác không mang ra bàn với bộ tham mưu mình coi đã?
- Mi thấy nên bàn? Ừ thì bàn… nhưng phải làm xong vụ Hollywood cho thằng Johnny cái đã. Mai mi đi Los Angeles gặp thằng cha chủ hãng phim. Trở về hãy hẹn thằng Sollozzo và mình họp hội nghị “gia đình” trước! Nào, còn việc gì nữa?
- Dạ, còn vụ bệnh viện vừa gọi dây nói cho hay bệnh tình Abbandando nguy kịch. Sợ khó thoát đêm nay.
Genco Abbandando mới chính thức là consigliori của nhà Corleone. Hắn bị ung thư nặng, nằm bệnh viện gần 1 năm nay nên Hagen mới được cử tạm thời thay thế. Từ xử lý thường vụ lên chính thức đâu phải dễ dàng, Hagen muốn lắm, nhưng vai trò consigliori đâu được giao ột kẻ không 100% máu Sicile? Ở với gia đình Corleone từ năm 12 tuổi, hoàn toàn là con cháu mà Hagen mới được cử tạm thời vào tổ chức cố vấn kiêm phụ tá đã gặp bao nhiêu chống đối ngầm rồi. Vả lại mới 35 tuổi mà consigliori thì non quá, non choẹt!
- Này, chừng nào rước dâu?
- Dạ, còn vài phút là cắt bánh cưới. Cỡ nửa giờ nữa là rước dâu. Hagen chợt nhớ ra chú rể Carlo nên rụt rè đề nghị:
- Thằng chồng con Connie có nên giao cho nó một công việc gì kha khá một chút trong những vụ làm ăn của mình không?
Tự nhiên Ông Trùm giận dữ đập tay đánh “chát” một phát trên mặt bàn làm Hagen giật nẩy mình… Mấy tiếng “Không… không bao giờ cả!” nghe quyết liệt dữ dội quá. Ông nhấn mạnh từng chữ:
- Nhớ là không bao giờ! Cho nó một chân thì đơ đỡ một chút cho chúng có đủ tiền sống vậy thôi. Còn mọi việc nhà này tuyệt đối không thể cho nó hay biết gì hết. Mi nhớ chưa? Phải dặn mấy thằng con tao… dặn cả Clemenza nữa.
Bây giờ mi biểu cả 3 đứa phải sửa soạn cùng tao vô nhà thương để nhìn mặt Genco lần chót. Thằng Fred lái xe và bảo Johnny là tao muốn cả nó đi nữa. Còn mi thì sửa soạn đi Los Angeles ngay, khuya nay đi. Vô nhà thương thăm không kịp thời giờ sửa soạn đâu. Ở nhà sửa soạn, đợi tao về là đi mới vừa. Xong cả chưa?
- Dạ, chừng khách về hết thì Fred đánh xe ra là vừa. Có ông Thượng nghị sĩ vừa mới phôn tới xin lỗi không đến dự lễ cưới được. Chắc e ngại tai mắt… nhưng ổng có cho người thân tín mang đồ mừng đến.
- Vậy càng hay. Đồ mừng khá không, mi?
- Dạ, đồ đạc quý lắm… Thứ đồ cổ như vậy thì tụi nó bán vứt đi cũng phải được trên một ngàn đô! Ổng còn nói phải đích thân đi chọn mãi mới có món ưng ý như vậy. Cái đó mới là quý nhất!
Chưa thấy tận mắt món cổ vật nhưng nghe giọng hí hửng của Hagen, Ông Trùm vô cùng hể hả. Một ông Thượng nghị sĩ mà phải mất công đi chọn đồ mừng đám cưới lại phải cho người thân tín đem lại tận nhà đâu phải là chuyện chơi? Huống hồ giá trị của món đồ thì “tụi nó có bán vứt đi cũng phải trên một ngàn đô!”.
Tình bạn quý hoá của ông bạn Thượng nghị sĩ cũng như cung cách kính mến của thằng người nhà Luca Brasi là thứ mà Ông Trùm chịu nhất xưa nay. Họ còn nhớ đến, con gởi đồ mừng tất nhiên là còn trông cậy, còn nhờ nhau được nhiều thứ. Đó là thế mạnh của Vito Corleone.
Lúc Johnny Fontane xuất hiện là Kay nhận ra ngay bèn trách yêu Michael: ”Ô hay, gia đình anh có quen với Johnny hả? Em biết vậy thì lấy anh từ khuya rồi.
- Có muốn giới thiệu không?
- Để khi khác! Anh biết không, em mê Johnny từ 3 năm nay lận! Có Johnny trình diễn ở Capitol thì thế nào cũng phải đi nghe.
Thấy Johnny từ khán đài nhảy xuống ôm hôn Ông Trùm rồi cũng đi theo vô trong, Kay bèn móc họng:
- Không lẽ một tài tử lớn, một đại danh ca cỡ Johnny mà cũng phải chọn bữa nay để tới nhờ vả ông Già?
- Còn hỏi! Nó là con đỡ đầu của ông mà! Không có ổng… sức mấy mà nó là đại danh ca!
- Vậy nữa? Lại một chuyện lạ nữa chắc? Kể nghe coi?
Dù lắc đầu quầy quậy “Vụ này chẳng thể kể được” nhưng thấy con bé nài nỉ quá không thể từ chối rồi, Michael bèn đủng đỉnh kể lại câu chuyện của 8 năm về trước, sau khi rào đón trước rằng hồi đó Ông Già hăng hơn bây giờ nhiều, vả lại thằng Johnny là con đỡ đầu nên ổng mới phải bênh vực nó hết mình.
Hồi đó Johnny mới bước vào địa hạt ca nhạc, tên tuổi bắt đầu nổi, nhất là trên làn sóng điện. Hát cho ban Les Halley hắn được hoan nghênh quá sá, tiền cát xê tăng vùn vụt. Bao nhiêu nơi cầu cạnh nhưng hắn kẹt giao kèo 5 năm với bầu Halley nên không những đã không tự do bay nhảy được mà đi hát ngoài bao nhiêu thì cát xê cũng chạy gần trọn vào túi ông bầu.
Vì thằng con đỡ đầu, Bố Già phải đứng ra đích thân “thu xếp” vụ hủy giao kèo và đồng ý chung 20 ngàn đô la tiền chuộc. Bầu Halley không chịu. Không thể xé giao kèo nhưng từ nay hắn chỉ ăn 50% hoa hồng thôi. Thấy hay hay, Bố Già bèn “tăng giá” 20 ngàn đô la, không chịu thì 10 ngàn vậy? Bầu Halley chỉ quen đớp cát xê nghệ sĩ chứ đâu hiểu nổi ý nghĩa vụ “tăng giá” độc đáo của giới giang hồ? Bèn từ chối…
Hôm sau, Bố Già trở lại để “bàn” tiếp chuyện xé công tra với ông bầu, nhưng cùng đi theo có cố vấn Genco và có cả “chú em” Luca Brasi. Chỉ có 4 người trong phòng với nhau. Bố Già chìa ra tấm séc 10 ngàn đô có đóng dấu bảo chứng của nhà băng đàng hoàng và tờ thoả thuận hủy bỏ giao kèo cho danh ca Johnny Fontane. Ở chỗ thái dương ông bầu bỗng có một họng súng lạnh ngắt kê vô, cùng lúc đó có tiếng Bố Già rỉ rả:
“Một là cho xin ông bầu một chữ ký vào chỗ để trắng trong tờ thoả thuận này. Hai là một tí óc của ông bầu sẽ văng ra đúng vào chỗ trống đó. Một hay hai thì ngã ngũ trong một phút thôi”.
Chữ ký của ông bầu Halley bèn thòi ra ngay. Đổi lấy tấm séc 10 ngàn và để khẩu súng đi chỗ khác chơi!
Nhờ vậy Johnny Fontane mới có cơ hội làm nên sự nghiệp. Một sự nghiệp lẫy lừng cả nước biết, phim hốt bạc, đĩa bán số triệu! Lên đến tột đỉnh vinh quang thì Johnny bỏ 1 vợ 2 con để bắt một nữ minh tinh tóc vàng lớn nhất thế giới.
Nào ngờ cô đào lớn còn… hơn điếm một bậc! Johnny ghen tức giải khuây bằng rượu, cờ bạc và đàn bà. Đến nỗi giọng ca mất, dĩa ế ẩm và hãng phim cho nghỉ ngang. Đó là lý do hắn chạy về cầu cứu Bố Già!
-Nghĩa là Bố Già lại phải sắp ra tay nữa, sắp cứu người hoạn nạn nữa. Nghĩ vậy, Kay bèn khen một phát:
- Này anh, như anh kể thì ông già chỉ chuyên giúp người không? Vậy thì ổng tốt quá trời quá đất còn gì? Có điều là phải nhìn nhận những biện pháp “cứu nhân độ thế” của ổng không hợp hiến lắm nghe!
- Em phải hiểu là ổng thi ân cái điệu mấy bố thám hiểm Bắc cực lo đói đấy! Rải rác dọc đường có thừa tí thực phẩm nào thì họ cứ vùi đại vào mấy cái hang hốc giữa khoảng băng tuyết mênh mông, rồi đói rã ruột? Nhưng đừng tưởng bở vội! Mấy người được ổng cứu giúp biết đâu chừng một ngày kia bị ổng ghé vô đòi nợ ơn nghĩa lại không khóc thét lên: ”Biết thế bố bảo cũng cóc dám nhờ vả!”
Mãi đến sập tối chiếc bánh cưới mới được mang ra cho bà con chiêm ngưỡng. Tự tay ông chủ lò Nazorine o bế, nó lộng lẫy quá, kem phết nhiều quá và ngon quá nên cô dâu trước khi lên xe hoa còn thưởng thức cố năm bảy miếng. Ông Trùm thân mật tiễn khách, kín đáo xác nhận chiếc xe FBI đã đi từ nãy giờ rồi, bà con về khỏi lo!
Chỉ còn một chiếc Cadillac đen tổ bố do thằng Fred lái đậu đằng trước. Ông Trùm nhanh nhẹn lên chiếm băng trước, nhường cho Sonny, Michael và Johnny ngồi đằng sau.
Quay xuống hỏi thăm Michael “Con nhỏ về một mình hay có người đưa”. Nó trả lời Hagen lo xong rồi. Ít ra cũng phải vậy chớ!
Xa lộ đi vô trung tâm Manhattan lúc bấy giờ vắng hoe. Xăng nhớt hồi đó còn phải mua bông mà! Cỡ hơn nửa giờ sau chiếc Cadillac ngừng trước y viện Pháp. Dọc đường Bố Già có hỏi Michael học hành ra sao nó cũng chỉ gật gù là được.
Sonny hỏi vọng lên:
- Johnny nói bố hứa giúp nó thu xếp vụ cha chủ hãng phim. Để con đi sang
Hollywood lo giùm nó nghe bố?
- Khỏi… Khuya nay Hagen đi đủ rồi. Việc đó có gì khó khăn đâu?
- Johnny sợ không xong quá! Nên con mới đề nghị để con đi!
Nó vừa nói vừa cười, khiến Ông Trùm phải quay lại để hỏi tận mặt Johnny:
- Coi, mày không tin là Bố làm được ày? Xưa nay Bố có nói cái gì mà không làm đâu? Bộ tao nói giỡn chơi hả?
- Đâu có! Con đâu dám không tin Bố? Có điều thằng cha chủ con có cỡ thiệt tình. Tiền bạc nó coi không ra gì hết mà thế lực thì nó có thừa. Nó lại hận con lắm lắm nên con không hiểu Bố sẽ thu xếp cách nào mà được việc cho con vậy thôi!
- Nhưng tao nói mày sẽ có là mày sẽ có. Bố Già mà hứa bậy với mày sao, Johnny? Hỏi Michael coi phải vậy không?
Dĩ nhiên Michael gật đầu. Đúng vậy, xưa nay bố nói có là có thiệt. Lúc mấy cha con đi vào cổng nhà thương, Ông Trùm để ấy đứa kia đi lên trước, một mình nắm tay nói riêng với nó: ”Chừng học hành xong… bố sẽ có việc nhờ mày. Một việc mà mày sẽ khoái…” Michael gật đầu ừ hử. Biết tính nết nó. Bố Già phải gài thêm:
- Dĩ nhiên không bao giờ bố ép mày làm bất cứ việc gì! Mày lớn rồi, mày có quyền tự lập chớ? Nhưng đặc biệt lần này bố muốn vậy. Vả lại con cái học hành xong thì ít ra cũng phải tới nơi cho bố mẹ hay một tiếng chứ?
Bên trong bệnh viện hành lang gạch men trắng muốt. Vợ con Genco đủ mặt. Bà mẹ và 3 cô gái lớn cùng mặc đồ đen trông in hệt đàn quạ, thấy Ông Trùm vừa ló ra khỏi thang máy là chạy ùa cả lại. Mẹ mập mạp, con mũm mĩm trông ngộ đáo để.
Bà mẹ reo lên: ”Trời đất… Ngày hôm nay nhà có đám mà Ông Trùm cũng đến thăm bố cháu… thật quý hoá quá!” Mụ vừa nói vừa bệu bạo, mếu máo làm Ông Trùm phải gạt đi: ”Bậy nào… Genco và tôi tình nghĩa anh em hai mươi năm chớ ít gì!”
Vậy là mụ chưa biết ông chồng trở bệnh, khó qua khỏi đêm nay. Genco Abbandando bị ung thư nằm đây ngót năm, vợ con đi lại nuôi nấng đã thành nếp, quen quá rồi nên chắc mụ tưởng đâu đêm nay cũng như mọi lần đây! Mụ chùi nước mắt ấp úng:
- Để mời Ông Trùm vô thăm bố cháu. Khốn nạn, bố cháu cứ nhắc đến hoài, cứ một hai đòi đi ăn cưới đằng Ông Trùm làm bác sĩ phải cấm đấy ạ! Bố cháu biểu vậy thì thế nào Ông Trùm cũng đến, nội ngày hôm nay. Tôi đâu dám tin… vậy mà có thật. Ra bọn đàn bà tụi tôi đâu hiểu nổi thân tình của các ông với nhau. Thấy Ông Trùm, bố cháu phải mừng lắm!
Bác sĩ và y tá bước ra. Bác sĩ trông còn trẻ nhưng chững chạc oai nghiêm ra mặt, rõ cấp chỉ huy, rõ ra týp suốt đời giàu sang phú quý. Nghe một cô con bệnh nhân rụt rè hỏi có vô thăm được không, ông bác sĩ trố mắt ngó cả bọn…
Bấy nhiêu người vô thăm? Họ không biết con bệnh trong phòng sắp chết đến nơi và sẽ chết đau khổ, chết thương tâm thế nào chắc? Chứng kiến đâu được… tốt hơn là để con bệnh đi một mình! Nhưng không nỡ từ chối nên đành phải trả lời: ”Vài ba người thân… thì được”.
Bác sĩ không hiểu sao vợ con bệnh nhân bữa nay lại quay sang giành quyền quyết định ột lão già thấp lùn, bệ vệ mặc bộ đồ lớn cắt rất chững chạc. Lão thong thả cất tiếng, nghe kỹ mới biết pha chút giọng Ý:
- Xin bác sĩ cho biết… có phải bữa nay hoàn toàn tuyệt vọng, bệnh sắp “đi” trong một chốc lát phải không ạ? Dạ, nếu thế thì khỏi phải phiền đến bác sĩ nữa, giờ đến phần chúng tôi lo. Chúng tôi sẽ có mặt bên cạnh an ủi, sẽ vuốt mắt hắn. Sẽ lo liệu tang ma chôn cất người chết và trong nom cho người sống…
Nghe Ông Trùm nói sát sạt như vậy, mụ vợ Genco choáng người, thút thít khóc. Bác sĩ nhún vai. Khó lòng giải thích ấy người này hiểu… nhưng lão già nói vậy mà hợp lý đấy chớ? Bây giờ đâu cần thầy cần thuốc gì nữa? Tốt hơn là để cho họ thu xếp với nhau. Bác sĩ gật đầu: ”Nếu vậy cũng được. Để chờ cô y tá vào dọn sơ qua cái đã. Nhiệm vụ của tôi đến đây là hết”.
Lát sau cô y tá trở ra, mở rộng cửa cho cả bọn bước vô phòng bệnh sau khi khẽ dặn: ”Người bệnh đang mê sảng, tránh xúc động đấy. Trừ bà vợ thì mấy ông mấy cô thăm vài phút rồi ra ngay dùm!”
Lúc đi trở ra đụng đầu “thần tượng” Johnny Fontane, cô y tá mở tròn mắt ngạc nhiên rồi ngó sững, ngó “mết” rõ. Johnny đáp lệ bằng nụ cười rất tình, ra cái điều “khi khác nghe em”. Hắn còn phải theo Bố Già vô thăm bệnh chớ?
Bệnh nhân Genco vật vã với cái chết lâu quá nên phút lâm chung nằm miết trên giường, thân hình chỉ còn xương bọc da. Đến mớ tóc mới đây còn đen mượt mà cũng xuống màu coi rối nùi, bẩn mắt lạ! Ông Trùm cúi xuống thăm hỏi:
- Genco bạn… Tôi đến thăm bạn đây. Có cả ba thằng cháu và Johnny nữa. Nó từ Hollywood sang đây!
Người bệnh cảm động đưa mắt ngó Ông Trùm… để mấy thằng con trai ông bạn nắm bàn tay gầy guộc. Vợ con hắn tíu tít bu quanh kẻ cúi hôn má, người vuốt ve tay. Ông Trùm thương cảm nắm tay, luôn miệng an ủi: ”Genco… ráng lên chút nữa thôi cho qua khỏi. Mình còn về thăm quê hương với nhau mà? Hai đứa mình sẽ về làng, ra cái quán rượu đó chơi với nhau vài ván banh chớ?”
Genco lắc đầu, đưa tay ra hiệu ọi người né ra hết, để bàn tay xương xẩu nắm cứng lấy Ông Trùm. Hắn muốn nói điều gì đây. Vito Corleone bèn cuối xuống, ghé tai nghe rồi vớ tay lấy chiếc ghế ngồi cho gần gụi. Giọng Genco tiếng được tiếng mất, ấm ớ toàn nói chuyện ngày xưa. Mặt thẫn thờ, con mắt dại hẳn, hắn thở dài não nuột.
Ông Trùm cúi đầu xuống, ghé tai sát nữa cho Genco nói đỡ mệt. Mọi người kinh ngạc thấy ổng lắc đầu quầy quậy rồi nước mắt dàn dụa, chảy dài trên gò má. Genco cất cao giọng rồi tận lực cất cao đầu lên, ú ớ: ”Bố Già”…”Bố Già”…Cứu tôi với, đừng để tôi chết…nghe bạn? Tôi chết đến nơi rồi, chết từ xương chết ra, chết từ khúc ruột đây! Ráng cứu tôi nghe bạn, tội nghiệp con vợ tôi. Tụi mình chơi với nhau từ nhỏ ở quê nhà mà bạn nỡ để tôi chết bỏ vợ bỏ con sao? Tụi mình với nhau mà?”
Không nghe tiếng Ông Trùm trả lời, Genco vụt nói lớn:
- Bạn… hôm nay là ngày bạn gả con mà?… Bạn từ chối… bạn không cứu tôi thật sao? Tôi chết… tôi sợ chết quá. Sợ tội lỗi quá!
Ông Trùm đột nhiên nghiêm giọng, không để nó nói sảng nữa: “Coi, tôi làm thế nào được… mà bảo từ chối? Đó là quyền của Thượng đế tối cao. Nhưng có tôi đây bạn đừng sợ chết. Chết thì có quái gì mà sợ? Tội lỗi cũng khỏi sợ. Sẽ có người cầu nguyện cho linh hồn bạn hàng ngày thì bao nhiêu tội cũng chẳng sợ!”
Khuôn mặt hốc hác của Genco bỗng sáng lên một cách láu lỉnh: ”Nói vậy bạn đã lo xong giùm tôi cái vụ đó thiệt sao?”
Giọng Ông Trùm lạnh tanh, không còn gì là âu yếm nữa:
- Thôi bạn nghỉ đi. Đừng nói sảng nữa, Genco!
Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ làm Genco thất vọng, chán nản buông người xuống niệm, lặng đi một lúc.
Cô y tá quay trở lại, thẳng thắn mời tất cả trở ra cho người bệnh nghỉ ngơi. Ông Trùm vừa dợm đứng dậy Genco đã đưa tay ra giữ lại: ”Bạn ở lại, ở lại với tôi đi. Biết đâu chừng có bạn bên cạnh… Thần chết chừa tôi ra, tôi qua khỏi chăng? Bạn dư sức nói dùm tôi một tiếng, can thiệp thẳng cho tôi mà! Tôi biết bạn thừa thế lực!"
Như sợ mất lòng ông bạn cứu tinh, Genco cố nhếch một nụ cười làm bộ nửa đùa nửa thực. Nhưng tay nó vẫn bám cứng Ông Trùm không chịu rời. “Bạn đừng đi, đừng bỏ tôi một mình. Bạn để tôi nắm tay, rồi có gì mình sát cánh chơi lại Thần chết mình cũng chơi, như mình từng chơi và từng hạ biết bao nhiêu thằng, phải không? Miễn bạn đừng bỏ tôi, tội nghiệp!”
Biết sao bây giờ, Ông Trùm bèn ra hiệu ọi người đi ra hết. Hai tay nâng bàn tay khô đét của Genco, ấp lấy rõ chặt rồi ngồi một mình lựa lời an ủi, cho hắn yên lòng trước giờ lâm chung. Làm như ngồi sẵn đấy để Thần Chết xông tới là can thiệp tức khắc, không cho đoạt mạng thằng em thân thiết.
Với cô dâu Connie thì ngày cưới diễn ra như vậy là đẹp rồi. Chú rể Carlo chơi vai trò tròn trịa, chững chạc đấy chứ! Lại có phần hăng hái, nhờ túi “phong bao” cô dâu kè kè cặp nách. Mở ra đếm có trên 20 ngàn đô la tiền mặt chớ đâu ít? Có điều kỳ cục là con nhỏ chịu hiến dâng đời con gái quá dễ đi mà giật được túi bạc của nó thật gay go. Phải đập cho thâm tím mặt mũi nó mới chịu nạp nguyên con.
Em bé phù dâu Lucy Mancini thì cứ ở nhà gác máy chờ anh Sonny phôn tới hẹn hò. Mãi không thấy đành thử kêu lại nhà nhưng vừa nghe tiếng đàn bà trả lời là cúp máy gấp. Tôi vạ gì “Lạy ông tôi ở bụi này”, khi bà con hầu hết không lạ gì hai đứa cùng vắng mặt một lúc, cặp nhau nửa giờ đồng hồ? Mấy cái miệng ưa tọc mạch không xì xào cam đoan là cậu cả nhà Corleone đã “quất” con bé phù dâu rồi.
Phần ông chủ xe đòn Bonasera thì đêm hôm đi ăn cưới về nằm mơ một trận kinh khủng quá. Rõ ràng Ông Trùm Corleone mặc đồ baseball, đeo găng đội kết đàng hoàng đứng trên xe hùng hục thảy mấy cái xác đạn ghim lỗ chỗ như tổ ong xuống trước nhà cho hắn nhận. Lại còn tỉnh bơ dặn: ”Thủ tiêu gấp đi. Đừng hé môi nghe”. Ôi chao, hắn la om sòm, xuất hạn đầy mình, sợ điếng cả người làm mụ vợ lay gọi mãi mới hoàn hồn!
Về phần Kay Adams thì tối hôm đó, do sự cắt cử của Hagen, đích thân xếp Clemenza phải đưa về. Chiếc xe de luxe, đồ sộ Kay ngồi lọt thỏm trên băng trước, một mình Clemenza ngồi sau và Paulie lái vùn vụt. Ba người chuyện trò vui đáo để, dù hai thầy trò Clemenza đối xử quá cung kính. Tụi nó xài ngôn ngữ thật giang hồ nhưng có một điều Kay nhận ra ngay là cả hai cùng rất kính nể, quý mến Michael, dù theo lời Clemenza thì cậu út hoàn toàn không muốn dính dáng đến công việc làm ăn của Bố Già. Ngay Bố Già cũng nhìn nhận hắn xuất sắc hơn hẳn hai anh, mai sau chắc chắn sẽ nối nghiệp nhà kia mà!
Làm như rất ngây thơ, Kay hỏi lại:
- Việc nhà? Nhưng việc gì mới được chứ?
Đang chăm chú lái xe, Paulie liếc sang cô bé một phát. Từ băng sau xếp Clemenza bèn ồ ồ sủa vọng lên, làm như vô cùng ngạc nhiên: “Ô hay, thế Michael chưa nói cho cô biết sao? Ông già độc quyền nhập cảng dầu ăn từ Ý qua, phân phát toàn thị trường Mỹ quốc mà? Hết chiến tranh là phát đạt lắm, chỉ việc ngồi mà quơ bạc. Một thằng con khôn ngoan như Michael thì giúp bố được nhiều việc lắm chớ?”
Về tới khách sạn Kay tưởng đâu từ giã là vừa. Nào ngờ nói thế nào thì nói, Clemenza vẫn nhất định đòi phải đưa tận nơi.
“Ông già biểu đưa về tận nhà là tụi này phải thấy tận mắt cô vô nhà đàng hoàng rồi có về mới dám về. Xin cảm phiền!”
Chừng Kay lấy chìa khoá ở quầy Quản lý, bước vô thang máy và đóng cửa lại thì Clemenza mới vẫy tay chào từ giã. Quái lạ, mặt hắn hớn hở như vừa làm xong một việc tốt đẹp thiệt tình, chẳng kịch chút nào.
Nhưng thang máy vừa lên khuất, xếp Clemenza đã tới đứng sừng sững trước quầy quản lý “Cô nhỏ vừa rồi ghi tên gì ở sổ đó bồ?” Thằng cha thư ký giữ sổ sách còn giương mắt ngó thì Clemenza đã mau mắn búng ra một tờ giấy bạc xanh xanh cuộn tròn lại rất khéo. Cu cậu chớp vội bỏ túi và mở sổ lẹ lẹ: ”Đâu phải cô? Ông bà Michael Corleone mà?”
Trở lại xe, Paulie khen: ”Cô bé ngoan đấy chứ?” Xếp Clemenza ậm ừ: ”Đồng ý là ngoan… nhưng bị cậu út “quất” rồi, tin tao đi! À, sáng mai phải đến tao sớm nghe. Hagen dặn có công chuyện cần lại gấp đó!”
Mãi khuya lắm cố vấn Thomas Hagen mới sửa soạn xong để lên xe ra phi trường. Nhưng lên máy bay đi Los Angeles thì mau lắm, chuyến sớm nhất, chỗ tốt nhất, nhờ tấm vé ưu tiên một mà một ông bạn cấp tướng ở Lầu Năm Góc biếu để xài chơi.
Quả là mệt nhọc điên đầu suốt ngày nhưng đối với Hagen thì ngày cưới Connie quả là đại cát. Mãi 3 giờ khuya ông Genco Abbandando mới chịu nhắm mắt và vừa ở bệnh viện về, Ông Trùm đã nghiêm nghị cho biết kể từ nay vai trò consigliori của nhà Corleone chính thức về tay Thomas Hagen. Nghĩa là giàu sang quyền thế cầm chắc trong tay!
Cử Tom Hagen làm cố vấn kiêm phụ tá là Ông Trùm Vito Corleone quả đã dám đặc biệt phá lệ, gạt sang một bên cả một truyền thống ngàn năm. Vì dù có được nuôi như con cháu nhà ngay từ hồi còn nhỏ, Tom vẫn bị kể là người ngoài. Nó đâu có máu Sicile 100% mà chức vụ consigliori đòi hỏi điều kiện huyết thống! Phải là dân chính cống gốc Sicile, phải lớn lên trong khuôn khổ của luật omerta nghĩa là im lặng khi cần đến, không nghe, không thấy, không biết gì hết.
Theo nguyên tắc tổ chức Mafia thì ông Trùm là bộ phận đầu não, là người chủ trương đại cuộc. Từ ông Trùm hiệu lệnh được truyền xuống các bộ phận hành sự ít ra cũng qua ba cấp, ba lớp lót. Chẳng có cách nào bới lông tìm vết để “gài” được ông Trùm, chỉ trừ khi thằng consigliori phản bội, một điều chưa từng có!
Chẳng hạn tầm thường như vụ của lão Bonasera. Đích thân ông Trùm ra lệnh phải cho hai thằng súc sinh nếm mùi đau khổ tới cỡ nào. Nhưng lệnh chỉ là lệnh miệng ột mình Hagen. Rồi Hagen ủy nhiệm lại cho xếp Clemenza, cũng chẳng ai nghe được. Xếp Clemenza sẽ trao cho đàn em Pauline sắp đặt chi tiết, tính kế hoạch và chịu trách nhiệm chọn người đi sai đi đấm đá. Những “chuyên viên” này thì thiên lôi Pauline chỉ đâu đánh đấy, không hề thắc mắc đánh ai, đánh ở đâu, tại sao đánh. Nhưng đánh tới cỡ nào thì phải triệt để đúng chỉ thị!
Như vậy thì nội vụ có đổ bể cũng khó lòng phăng tới ông Trùm. Khó lắm. Nhưng vẫn có thể bị. Có điều chưa ông Trùm nào bị vị lẽ giản dị là trong sợi dây xích thì chỉ cần thiếu một mắt xích là vô phương buộc tội. Mà thủ tiêu một mắt xích quá dễ!
Vai trò của consigliori vô cùng phức tạp. Cố vấn kiêm phụ tá là nguyên tắc. Còn bạn đồng hành tin cẩn, còn suy nghĩ thay cho ông Trùm. Đi xe thì đích thân làm tài xế, dự “hội nghị” thì vừa làm bí thư gom hồ sơ, vừa là bồi mang đồ ăn thức uống và đốt thuốc. Biết hết những gì ông Trùm biết, nên chỉ một mình hắn là “phá” được ông Trùm và cả tổ chức. Chỉ ngán có một mình hắn phản bội, nhưng chuyện đó chưa hề xảy ra! Cứ một mực trung thành thì consigliori sẽ có hết. Giàu sang quyền thế và…hạnh phúc nữa. Có chết hay “kẹt”, vợ con chắc chắn có người lo chu đáo.
Có những vụ consigliori phải đại diện cho thủ lãnh để đứng ra thu xếp một vụ…nhưng lại chẳng thể công khai để gây phiền phức sau này. Hagen đã lãnh nhiệm vụ thay mặt ngầm cho ông Trùm trong chuyến đi Hollywood thương thuyết và biết dư rằng chức consigliori còn hay mất, nghĩa là đời hắn lên hương hay xuống dốc cũng do vụ này định đoạt.
Nếu tính chuyện làm ăn thuần túy thì vụ thu xếp cho Johnny Fontane đâu có ăn chung gì, đâu có nghĩa gì so với vụ sắp đặt đối phó với thằng Sollozzo thứ Sáu này? Nhưng Bố Già khác một thằng consigliori thì phải biết đủ mọi cung cách làm ăn, dù lớn, dù nhỏ.
Ngồi trên máy bay Hagen nghe rối ruột, phải kiếm một ly Martini uống chơi. Nếu cần phải “biết mình biết người” thì hắn không lạ gì con người “đối phương”: tính nết lão Jack Woltz thì đố ai thuyết phục nổi? Nhưng Ông Trùm cũng chẳng nói chơi bao giờ và đã hứa là thế nào cũng có cách thu xếp cho thằng con đỡ đầu. Giữa hai thế đối đầu như vậy thì vai trò của Hagen chỉ hoàn toàn có tính cách trung gian, tiếp xúc.
Hắn bình tĩnh mổ xẻ sự kiện. Jack Woltz là một trong 3 chủ nhân lớn nhất Hollywood, phim trường lớn nhất và nhiều đào kép cừ nhất. Hắn có chân trong Ủy ban Tư vấn Bạch cung về điện ảnh tâm lý chiến thực… nhưng đúng nghĩa thì chỉ là một tay sản xuất phim tuyên truyền cho chính phủ chớ có gì? Hắn có vô Bạch cung dự tiệc hay mời ông Tổng FBI về nhà ăn nhậu? Nghe thì ghê gớm lắm nhưng chẳng qua chỉ là vấn đề giao tế. Thế lực thực sự, chẳng hạn hậu thuẫn chánh trị, đảng phái thì Jack Woltz lấy đâu ra? Người lập dị như hắn kết nạp được ai? Nhiều quyền hành, thích sai phái cái điệu làm cha người ta thì chỉ tổ nhiều kẻ thù!
Nói vậy nhưng chơi Jack Woltz thì khó quá. Hãy cứ biết vậy, Hagen lấy mớ giấy tờ ra coi cho khỏi mất công suy nghĩ nhức đầu nhưng mệt mỏi quá, đọc không vô bèn gọi thêm ly Martini nữa để nhâm nhi xả hơi, gợi nhớ chuyện đời…
Cho đến bây giờ Hagen vẫn hài lòng là đi đúng đường và ngay từ ngày vào đời chỉ có “lên” không. Được như thế này là phúc đức quá rồi, không mong muốn gì hơn. Ba mươi lăm tuổi, cao ráo, dong dỏng. Rất nhanh nhảu và trông bề ngoài chẳng có gì đặc biệt. Hành nghề luật sư có 3 năm thực tập rất cừ. Ở gia đình Corleone hắn lo nhiều việc khác, quan trọng hơn luật nhiều!
Tom Hagen nhớ lại hồi 11 tuổi cùng học cùng chơi với một thằng bạn tên Sonny, chơi thân lắm. Hai đứa bằng tuổi nhau mà! Năm đó bà mẹ hắn khi không đau mắt nặng đến loà luôn rồi tạ thế. Ông bố bợm nhậu càng say sưa tối ngày. Ông có nghề thợ mộc, chịu làm ăn lắm, lương thiện không ai bằng nhưng chỉ vì ma men mà tan nát gia đình sau cùng cũng tàn đời trong đói khổ, bỏ lại hai đứa con một trai một gái.
Con bé em được một gia đình nhận nuôi nhưng thằng Tom thì đành lang thang đầu đường xó chợ. Hội Dục Anh thời đó đâu thèm nuôi những thằng ranh mới nứt mắt ra đã dám “bỏ hội” đi hoang mà cho người kiếm nó về? Lối xóm thấy nó là chạy, chỉ sợ lây chứng đau mắt ghê gớm mà Tom “thừa hưởng” của bà mẹ lòa.
Giữa lúc đang cầu bơ cầu bất thì trời run rủi nó gặp bồ Sonny. Thương bạn quá, Sonny lôi nó về nhà, dõng dọc yêu cầu cha mẹ nó cơm ăn nhà ở. Có ngay! Ôi, có bao giờ Tom quên nổi hương vị ngọt béo của dĩa spaghetti đánh sốt cà chua nóng sốt và sự êm ấm của chiếc giường sắt ngả ra cho nằm đỡ tối hôm ấy?
Thế rồi chẳng nói chẳng rằng, Bố Già Corleone cho thằng nhỏ ở lại luôn. Nó đau mắt nặng thì đích thân đưa đi bác sĩ nhãn khoa chữa bằng hết. Nuôi ăn học đàng hoàng, hết Trung học lên Đại học, coi như con cái trong nhà nhưng tuyệt đối không “bố mẹ nuôi” gì hết! Không yêu thương như con đẻ thật nhưng quý mến hơn tụi nó nhiều… có bao giờ buộc nó phải làm một cái gì theo ý mình đâu? Ngay hồi học hết Trung học cũng để cho nó muốn theo ngành nào tùy thích. Cu cậu chọn luật chỉ vì nhớ mang máng Bố già có nói một câu “Một trăm thằng cướp có súng “làm ăn” đâu có lại một thằng luật sư xách chiếc cặp táp ranh con!”
Hagen nhớ lại hồi học xong trung học cả hai anh em thằng Sonny cùng năn nỉ xin bố cho thôi học để làm việc nhà, Ông Trùm đành chấp thuận dù rất buồn. Chỉ thằng Michael tiếp tục lên Đại học. Vụ Trân Châu Cảng bùng nổ là nó đăng ngay Thủy Quân Lục Chiến.
Năm thi ra trường Luật, Hagen lấy vợ, một con nhỏ nữ sinh viên gốc Ý, người bên New Jersey. Hồi đó con gái học Đại học hiếm lắm… Dĩ nhiên là Ông Bà Trùm cưới cho, làm đám cưới ở nhà chớ còn ở đâu nữa? Nó muốn mở văn phòng thì sẽ có văn phòng. Bố Già còn hứa “lãnh mối” giùm, hứa cho nhiều áp phe địa ốc là đằng khác!
Ôi, còn gì hứa hẹn hơn nữa nào? Vậy mà thằng Hagen trầm ngâm suy nghĩ rồi lắc đầu: ”không… Bác cho cháu… làm với Bác cơ!”. Ngạc nhiên lắm nhưng rất hài lòng. Ông Trùm gặng hỏi: ”Mi biết làm với Bác là… làm những gì chớ?”
Hagen gật đầu. Sự thực hắn cũng biết, nhưng chỉ biết đại khái, biết phần nào. Hắn đâu ngờ thế lực Bố Già mạnh đến thế? Cho đến 10 năm nay, lúc được cử tạm làm consigliori thay thế Genco.
Hồi đó, Hagen đã nói thẳng: ”Cháu muốn làm với Bác… như thằng Sonny, thằng Fred”. Nghĩa là hoàn toàn như một đứa con, Bố bảo sao làm vậy. Ôi, lớn lên trong nhà này… làm con cháu đã bao năm mãi đến lúc bây giờ Hagen mới thấy Bố Già tỏ vẻ xúc động, biểu lộ tình cảm với nó là lần thứ nhứt. Bố Già ôm lấy hắn và từ đó trở đi coi Hagen còn hơn con đẻ, dù không xưng Bố và lâu lâu còn nhắc chừng: ”Mi không được quên ông già bà già mi đó!”
Ôi, công đức sinh thành thì phận làm con thì sao quên được? Quên sao được, dù mẹ là một bà mẹ đầu óc khù khờ như trẻ lên mười, tứ thời bệnh hoạn rề rề, đau khổ đến độ hết biết thương yêu con cái là gì! Còn cha? Một ông bố chỉ biết có rượu nên nghĩ tới chỉ thấy hận.
Ôi, cả một tuổi thơ kinh hoàng! Thấy gương mẹ mù loà đến chết còn nhục thằng Tom hết hồn, đinh ninh mắt nó đau thế này thì mù chắc: đời nó rồi đây cũng đến chống gậy đi ăn mày! Bố chết thì nó bắt đầu đi lang thang ngủ đường ngủ chợ và sắp đi ăn mày thực nếu tình cờ không run rủi thằng Sonny bắt gặp nó.
Thế rồi đời nó như lật qua một trang mới toanh, tưởng đâu phép lạ! Sống trong tình thương mến của gia đình Corleone, no ấm yên vui là thế mà bao nhiêu năm sau Hagen vẫn còn bị ám ảnh bởi những giấc mơ hãi hùng, khủng khiếp. Nó là một thằng mù, chống gậy trắng lọc cọc khắp các ngả đường xin ăn. Con cái nó cũng mù loà, cũng lọc cọc chống gậy theo cha đi hành khất. Nó hoảng sợ hét ầm và y như rằng lúc đó khuôn mặt Bố Già bao giờ cũng hiện ra, xua bằng hết những cơn ác mộng. Biết bao nhiêu lần rồi!
Hồi đó, Bố già tiếng là chấp nhận nhưng đâu cho phép nó làm “công việc nhà” liền? Phải ra hành nghề Luật sư 3 năm lấy kinh nghiệm đã, trút bỏ bằng hết mặc cảm “chỉ có thể làm cho người nhà” cái đã. Rồi phải gài nó vô một văn phòng toàn những luật sư thượng thặng, chuyên giải quyết những vụ án Đại hình, học tập thêm 2 năm cho thật lão luyện. Nghề nhà cần bấy nhiêu đó mà?
Sau đó, Tom mới bắt đầu làm việc nhà, chỉ giải quyết công việc nhà. Coi, thấm thoát 6 năm trời… nó có sơ xuất một điều gì để Ông Trùm phải cảnh cáo, dạy bảo đâu? Nặng lời cũng chưa hề có nữa!
Vậy mà lúc Hagen được cử xử lý thường vụ consigliori mấy gia đình Mafia khác đâu có chịu? Họ chê bọn nhà Corleone “lai căng” chất Ái Nhĩ Lan. Họ gọi cánh Ái Nhĩ Lan! Sự chụp mũ đó làm Tom bật cười nhưng cùng lúc đó cũng cho thấy rõ ràng chớ có chàng màng, mơ mộng làm Trùm mà hố nặng. Thân phận nó thì consigliori là hết cỡ, là quá đáng lắm rồi! Sự thật thì Hagen được địa vị này cũng… ngàn đời không quên, có đâu dám có ý nghĩ trèo đèo, phạm thượng với chính những người đã cứu vớt, cưu mang nó còn hơn ruột thịt!
Lúc đáp xuống phi trường Los Angeles trời còn tối mò. Hagen kiếm phòng lữ quán, tắm rửa, cạo râu cho tỉnh táo, chờ sáng. Kêu điểm tâm lên tận phòng, hắn vừa ăn vừa đọc báo lai rai đợi đúng 10 giờ sáng mới y hẹn tới gặp Jack Woltz. Không ngờ lão ô kê chịu gặp mau mắn vậy!
Chẳng là tuân lệnh Ông Trùm, trước khi lên máy bay Hagen đã phôn tới Billy Goff nhờ đánh tiếng trước với ông chủ hãng phim. Ở Hollywood thì Billy đâu phải tay vừa? Thủ lãnh nghiệp đoàn công nhân điện ảnh, thợ thuyền các phim trường có đình công hay không cũng ở một tay nó! Ông chủ Jack Woltz có lớn thật như còn làm ăn thì đâu có muốn sinh chuyện lôi thôi? Ông Billy đã có lời giới thiệu rằng nếu không chìu ý ông bạn từ New York sang thì công nhân phim trường dám đình công lắm đấy!
Theo lời thủ lãnh nghiệp đoàn Billy thì thằng cha chủ có vẻ cóc ngán lắm nên đề nghị nếu có phải đình công thì hãy để đàn anh đích thân tiếp xúc với Ông Trùm cái đã, nhưng Hagen gạt đi ngay: ”Khỏi cần, nếu cần thì Ông Trùm sẽ cho biết ý kiến ngay!”
Đã mang danh cố vấn thì Hagen còn lạ quái gì mối tương quan tốt đẹp giữa Bố già với đủ mặt lãnh tụ lao động toàn quốc. Thằng Billy Goff cỡ gì mà đòi tiếp xúc? Chỉ bảo sao nghe vậy… vì phạm vi ảnh hưởng của gia đình Corleone chưa lan sang đến Hollywood thực nhưng thiếu gì thằng thủ lãnh công nhân ở đây cũng như trên toàn quốc còn thiếu Bố Già một chút nợ tình?
Gặp gỡ có chuyện làm ăn mà nó cho cái hẹn gặp 10 giờ sáng là yếu rồi. Rõ ràng thằng cha Jack Woltz cóc muốn chơi, cóc muốn nghe, cóc muốn bàn gì hết. Mười giờ sáng thì có cần gì cứ nói ra rồi cút. Nếu muốn bàn bạc thì nó đã lùi lại vài giờ để nếu chưa trò chuyện xong thì “Mời bạn ở lại dùng bữa trưa để ta vừa ăn nhậu vừa thảo luận với nhau cho tiện”.
Rõ ràng là Jack Woltz cóc coi “Sứ giả” Hagen ra gì vì một là thằng Billy chưa đủ tư cách làm áp lực nó, hai là nó đã cho cu cậu ăn đớp ngập mặt nên khó nói.
Nhưng không lẽ nó không biết Hagen là người của ai và người đó thế lực cỡ nào? Kể ra Ông Trùm giữ kín tiếng trong việc làm ăn cũng có lợi thật. Nhưng kín quá, kín đến độ thiên hạ không biết đến tên tuổi, uy danh… như trường hợp này thì coi bộ bất lợi trông thấy!
Hagen suy luận quả không sai. Quả nhiên nó cho đợi cỡ nửa giờ đồng hồ mới thèm tiếp kiến. Biết vậy nhưng Hagen từ cứ phớt tỉnh, vả lại “ngồi chơi” ở phòng đợi của ông chủ lớn cũng khoẻ lắm chớ? Mát mẻ, êm ái, lịch sự và ôi chao, trước mặt Hagen sao lại có một bé gái xinh đẹp, dễ thương đến thế? Nó ngồi trên tấm nệm màu mận, con nhà ai kháu khỉnh lạ. Xiêm y lộng lẫy, chững chạc cứ như người lớn vậy!
Thật tuyệt vời, Hagen ngó sững mái tóc vàng óng ả. Đôi mắt xanh lơ tinh anh, môi mòng mọng tươi như trái dâu đỏ. Nhưng con mụ đi theo nó, đúng là hai mẹ con, mới khoằm khoặm, dễ ghét làm sao. Chỉ muốn đấm vào mặt. Rõ ra mẹ cú, con tiên!
Đợi mãi, đợi mãi mới có một mụ thư ký mập tròn hướng dẫn đi quanh co tới văn phòng ông chủ. Hagen mỉm cười đi theo. Chà, hãng phim có khác: người làm chững chạc, trang trí tiện nghi ngoại hạng. Đông đảo mỹ nhân quá, chắc mấy em đến Hollywood thử thời vận nhưng đóng phim không ra gì nên mới bị nhét vào làm văn phòng cho thơm tho cuộc đời đây. Không bị đá đít ra vỉa hè là đẹp rồi!
Jack Woltz dễ nhận ra quá, báo điện ảnh đăng hình hoài mà? Người lão đồ sộ vạm vỡ. Có bụng nhưng bộ đồ cắt tuyệt vời che đi hay quá!
Còn cuộc đời hắn? Mười tuổi đi vác két la de, đẩy xe cút kít kiếm ăn ở vỉa hè New York. Hai mươi tuổi giúp bố ăn chận, rút rỉa nghiệp đoàn thợ may. Ba mươi bỏ New York sang miền Tây tìm mỏ kền và thử nhào vô điện ảnh. Năm 48 tuổi thì hắn nghiễm nhiên làm vua Hollywood nhưng ăn nói vẫn cứ hàng tôm hàng cá và làm tình vẫn khoẻ như hùm giữa bầy nai tơ là các em đào non, đào thịt vô cùng đông đảo.
Từ năm 50 trở đi, Jack Woltz “làm lại con người”. Học ăn học nói cho ra dáng trí thức, mướn bồi Ănglê và quản gia Ănglê chính cống để học làm sang, từ bộ y phục cho đến tác phong sao cho đúng mốt trưởng giả. Lão ly dị vợ, lấy một em đệ nhất đào văm. Qua năm 60 trở đi thì cả nước biết Jack Woltz sưu tầm tranh quý, làm cố vấn điện ảnh cho Tổng Thống và sáng lập viên cơ sở Jack Woltz, tốn kém cả chục triệu đô la chỉ cốt để nghệ thuật hoá điện ảnh. Và có rể quý tộc Anh, có dâu công chúa Ý…
Gần đây nhất thì báo nào chẳng có tin ông Chủ hãng phim Jack Woltz đâm mê ngựa đua, nội năm ngoái dám bỏ ra một lúc 10 triệu đô la để lập tàu ngựa đua J.W.? Hùng nhất là người dám chi 600 ngàn đô la để chớp bằng được chú ngựa đua siêu vô địch rặt giống Ănglê tên Khartoum. Và ngông ở chỗ bắt Khartoum nghỉ đua hẳn để chỉ phục vụ đặc biệt cho những chị ngựa cái lò J.W.!
Kể ra ông chủ tiếp Hagen cũng nhã nhặn. Khuôn mặt rám nắng vô cùng tốt lái và được săn sóc từ lỗ chân lông đã dúm dó lại để o bế một nụ cười xã giao. Coi, có đốt cả kho bạc cũng chẳng cướp được tuổi trời nên da mặt người có tô vẽ cách nào cũng cứ có lớp… như đèn xếp vậy ! Nhưng phải nhìn nhận rằng lão cử động nhanh lẹ, sung sức và giống hệt Bố Già Vito Corleone ở dáng dấp chỉ huy nghĩa là thoạt trông cũng biết là sếp xòng rồi.
Hagen vô đề tức khắc, tự giới thiệu là người mà bạn ông Johnny Fontane cử tới để xin ông chủ ột đặc ân là để cho Johnny sắm vai chính trong cuốn phim chiến tranh khởi quay đầu tuần sau. Nhân vật đó dĩ nhiên là có thế lực lắm nhưng nếu ông chủ ra ơn cho lần này thì sẽ muôn đời không quên, thế nào cũng có phen đền đáp.
Khuôn mặt nhăn nheo tỉnh bơ hỏi lại:
- Ông bạn thế lực đó sẽ đền đáp tôi? Đền đáp cách nào xin cho biết…
Làm gì không biết lão hỏi xỏ… nhưng Hagen cũng phớt lờ đi giải thích:
- Chẳng hạn như quý hãng sắp có đình công thì ông bạn của Johnny cam kết sẽ vô hiệu hoá dùm tức khắc. Quý hãng có ông kép “cây tiền cây bạc” vừa từ “cua” cần sa nhảy lên bắt bằng bạch phiến… thì nếu ông chủ muốn, sẽ có người chặn đứng hắn lại được không? Những vụ phiền phức như vậy ông chủ chỉ phôn một cú cho tôi là xong hết.
Coi, lão chăm chú nghe giải thích cái điệu nghe con nít la làng rồi thình lình giộng một câu thật đúng ngôn ngữ giang hồ:
- Ra ông bạn tính áp lực kẻ hèn này đấy?
- Chẳng dám ! Tôi chỉ có ý xin ông chủ ra ơn một lần, ột người bạn. Làm ơn dĩ nhiên chỉ có lợi chớ có hai sao được?
Giọng Hagen ngọt ngào như vậy đó. Nhưng vẫn làm Jack Woltz nổi sùng, nhăn mặt nhíu mày, rồi quắc mắt lên làm như lão sắp nhảy chồm qua buya rô vậy ! Lão gằn từng tiếng:
- Nói vắn tắt thế này này… tôi đ éo cần biết anh là ai và thằng củ c… nào sai anh lại…, nhưng thằng Johnny Fontane thì cho nó de đi, khỏi đóng gì hết! Mấy thằng Bàn Tay Đen kia là cái thá gì kìa? Cho anh hay điều này. Nếu tôi cho ông bạn tôi hay là anh tới đây toan làm áp lực thôi thì anh cũng đã khó sống rồi! Chắc anh có nghe tên Edgar Hoover chớ?
Ôi chao, không ngờ một đấng chủ nhân ông cỡ Jack Woltz mà có thể tầm thường đến thế! Thế mà cũng cầm đầu cả một cơ sở cả trăm triệu, thế mà cũng Vua Điện ảnh! Nếu Hollywood chỉ rặt những cỡ chủ hạng bét này thì bấy lâu nay Bố Già nhà mình cứ nuôi dưỡng ý định tung tiền, nhảy xổ vào địa hạt này để bắt bạc là phải!
Mới đụng có thế mà một tay to đầu như lão đã nổi giận sao? Thì ra lâu nay không ngờ đã luyện được bí quyết chịu đựng của Bố Già! Lão cáu giận, lão văng tục bừa bãi mà Hagen có cảm thấy gì đâu nào?
Chủ trương ruột của Bố Già cừ thật: “Chớ doạ dẫm, chớ nổi giận”. Đối phương có chửi bới, hăm he cứ ráng chịu để từ từ nói chuyện phải quấy. Một lần nữa Hagen lại hình dung lại tấm gương nhịn nhục của Bố Già ngày nào: giữa bàn hội bị một thằng thứ dữ ông ổng mạt sát, chửi bới tận mặt. Vậy mà ông cứ tươi tỉnh cố gắng thuyết phục cho đến cùng. Tám giờ đồng hồ nhẫn nhục có phải ít đâu?
Chừng coi bộ hết đường thuyết phục. Bố Già mới chán nản đưa hai tay lên than van với đông đủ cử toạ : “Vậy là hết thuốc. Ông bạn của chúng ta hết nói chuyện phải quấy được rồi! Nói xong là lạnh lùng rời bàn hội đi ra làm ông thứ dữ xanh mặt. Lập tức mấy ông sứ giả được cử ra mời ông vô trở lại để nói chuyện phải quấy. Dĩ nhiên công việc bữa đó giàn xếp xong. Có điều hai tháng sau ông thứ dữ ăn no đạn chì, gục trên ghế hớt tóc.
Nhớ lại vụ “phải quấy” đó, Hagen bình tĩnh hỏi lại:
- Xin đừng quên nghề tôi là luật sư ! Một con nhà luật mà… áp lực? Mà lại buông lời hăm doạ ai sao? Tôi chỉ đưa ra một đề nghị xin ông vui lòng chấp thuận và chúng tôi sẽ có cách đền ơn xứng đáng. Một việc quá dễ dàng đối với ông và sau đó chỉ có lợi… phải không nào?
Johnny nói chính ông xác nhận hắn đóng vai đó thì tuyệt. Bằng không tôi đã chẳng dám dựa đề nghị vô lý, ông thấy chớ? Vả lại nếu ông e ngại hắn đóng dở, phim có thể thất bại khiến hãng lỗ lã thì ông bạn hắn nghĩa là thân chủ tôi, sẵn sàng đầu tư trọn phim. Chúng tôi cũng đồng ý ông đã nói không là không, chẳng ai ép buộc được. Chẳng ai dám! Chúng tôi cũng biết chỗ quen biết giữa ông và ngài Tổng giám đốc FBI chớ? Đó là một sự kiện dễ nể thiệt…
Nãy giờ Jack Woltz loay hoay nghịch cây viết lông trên buya rô. Lão có nghe gì? Nhưng vừa đá động đến đầu tư nghĩa là có hơi tiền là lập tức lão buông cây bút ra để hù một câu : “Chi phí cuốn phim tạm ấn định 5 triệu đô la đấy, ông bạn”!
Hagen làm bộ huýt gió se sẽ một lát ra điều thán phục nhưng thong thả tiếp : “Bằng ấy thì thân chủ tôi có thể đầu tư lắm”!
Lúc này lão mới ngả người ra sau ghế ngó Hagen và có vẻ lưu tâm đến chớ không hờ hững như nãy giờ. Lão thông thả đặt câu hỏi:
- Ông bạn là luật sư? Xin lỗi tôi không nghe nói nhưng mấy luật sư có danh ở New York tôi đều biết hết. Vậy xin hỏi ông bạn là ai?
- Tôi là luật sư, từng có nhiều hoạt động trong ngành tổ hợp công ty. Tôi được làm mướn vụ này… nhưng xét ra chẳng muốn làm mất thời giờ thêm của ông nữa. Vậy xin tạm biệt.
Dứt lời là Hagen đứng dậy chìa tay ra. Đi vài ba chục thước ra phía cửa mới quay lại nói rất nhỏ nhẹ : “Theo tôi nhận xét thì ông có lẽ đã gặp qua nhiều ca nói lớn lối mà thực lực chẳng có gì. Lần này thì ngược lại đấy! Xin ông vui lòng hỏi qua ông bạn chung của chúng ta. Có gì hay xin phôn lại tôi ở khách sạn”.
Thấy lão ta tần ngần, Hagen tiếp:
- Xin thưa thực để ông biết là có những vụ thân chủ tôi làm mà quý hữu Hoover có muốn can thiệp cũng không đi đến đâu. Xin ông cảm phiền vì sự thật là vậy. Có điều nãy giờ tôi chưa kịp nói là tôi thành thực hâm mộ mấy cuốn phim mà quý hãng thực hiện. Mong quý hãng cứ tiếp tục đường lối ấy thì xứ sở này có phận nhờ nhiều!
Mới hé sơ sơ vậy đã có ép phê ngay. Vào xế chiều Hagen đã nhận được 1 cú phôn từ hãng phim cho hay cỡ một giờ nữa sẽ có xe lại đón tới chơi biệt xá của ông chủ. Xe đi cũng phải mất 3 giờ nhưng trên xe có bar rượu, có đồ nguội dọn sẵn.
Như vậy là Jack Woltz đã đáp máy bay về nhà trước. Không hiểu sao, hắn không mời đi cùng chuyến cho tiện việc? Cô thư ký hãng phim cho hay: “Xin ông mang hành lý theo để sáng mai ông chủ tôi cho xe đưa ông ra thẳng phi trường về New York cho đỡ mất công”.
Hagen gật đầu ngay. Vậy là lão đã điều tra kỹ lắm và biết cả thời khoá biểu đi về của “sứ giả” rồi. Mau thật! Bây giờ hẳn lão biết rõ gốc tích “ông thân chủ”, nghĩa là không lạ gì thế lực của Ông Trùm nữa. Có vậy mới có vụ mời mọc đặc biệt thế này sau lần hội kiến ban sáng. Hắn mời về nhà chơi để làm gì nếu chẳng phải để thương thuyết đàng hoàng, đứng đắn? Vậy thì thế nào cũng phải đi đến một kết quả, hay dở còn tùy…
Biệt xá của ông chủ hãng phim có khác. Trông cứ như xem quay phim vậy. Kiểu nhà là kiểu “đồn điền”, đứng chơ vơ giữa một khoảng rộng mênh mông có hàng rào, tàu ngựa, đồng cỏ…
Trước nhà thì hàng rào hay luống hoa, bồn cỏ cũng cắt xén chi li, kỹ càng như được sửa sắc đẹp vậy! Ông chủ Jack Woltz đứng đón khách trước vòm cửa, bên trong nhà điều hoà không khí. Lão đi xăng đan nhẹ, quần màu cứt ngựa và áo sơ mi lụa xanh để hở cổ thật trẻ trung, nhàn hạ… nhưng đâm tức cười vì quá mâu thuẫn với làn da mặt “đèn xếp”.
Lão đưa mời Hagen một ly Martini tổ bố và nâng một ly cụng thân mật, trái ngược hẳn hồi sáng. Lại còn quàng vai đưa đi chơi “Chưa cơm tối đâu”… Mình ra tàu ngựa chơi. Vừa đi lão vừa cho biết:
- Xin lỗi về cái vụ hồi sáng nghe Tom! Lẽ ra bạn phải cho biết ngay thân chủ của bạn là Vito Corleone chớ? Làm tôi cứ tưởng đâu Johnny mướn một thằng thầy cãi hạng bét nào lại nồ tôi chớ? Tôi không chịu cái lối nồ như vậy mà cũng chẳng thích mua thù chuốc oán. Mà thôi, để vụ đó bàn sau bữa cơm. Bây giờ mình dạo chơi mà?
Xét phương diện chủ nhân thừa tiếp khách quý thì Jack Woltz thật khỏi chê. Lão thủng thỉnh nói chuyện ngựa đua, tổ chức sản xuất thế nào cho ngon nhất nước nghe thật hay. Chuồng ngựa nào cũng kỵ hoả, vệ sinh tối đa lại mướn thám tử tư canh gác ngày đêm. Đến một chuồng đặc biệt, vách có gắn bảng đồng sáng loáng chữ Khartoum.
Hagen có biết gì về ngựa đua đâu nhưng phải công nhận ngay nó là một con vật tuyệt đẹp. Sắc lông một màu đen láng bóng, láng nhẫy trừ một ô quả trám trắng toát là cái đầu bự và cặp mắt như hai trái táo lớn, tròn xoe. Da nó căng lên như lụa khiến Jack Woltz cứ mân mê như con nít:
- Nói về ngựa đua thì nó vô địch: nó nhất thế giới nghe bạn. Sáu trăm ngàn đô la mua tận bên Ănglê nghe! Vua chúa Nga có lẽ cũng không dám chơi một con ngựa ngần ấy tiền. Nhưng về tay tôi, tôi thì không cho đua nữa. Chỉ để đúc giống đặc biệt cho chuồng ngựa nhà. Cam đoan ngựa lò J.W sẽ nhất nước…
Lão vừa nói vừa vuốt ve bờm ngựa, vỗ về nó hết mực thương yêu rồi se sẽ gọi tên “Khartoum, Khartoum”. Con vật biết ý chủ, khe khẽ rùng mình trả lời làm cho lão hí hửng, phát cười ha hả:
- Xin nói là năm mươi tuổi tôi mới học cưỡi ngựa lần thứ nhất nhưng mê ngựa, cưỡi ngựa ngon lành đến như tôi là nhất. Tôi dám có máu kỵ sĩ Côdắc trong người lắm. Biết đâu chừng bà cụ tổ mấy đời của tôi ở bên Nga chẳng bị một đấng Côdắc nào hãm hiếp nên dòng máu mới lưu truyền đến thằng cháu chắt mấy đời này? Bạn thử coi cái gậy của nó có ngon không kìa? Phải chi mình có một cái… cỡ đó thì đỡ khổ lắm nghe!
Bữa cơm tối diễn ra thật trưởng giả. Hai người ăn mà ba thằng bồi đứng hầu, thêm ông quản gia Anh chầu chực sai phái. Khăn bàn cũng thêu chỉ vàng, còn nói muỗng nĩa, dĩa chén?
Nhưng thức ăn thì tồi quá! Dân độc thân mấy thằng cần ăn ngon đâu? Đợi mãi mà không thấy lão nói gì, đến lúc ăn xong mỗi đứa một điếu xì gà Havane tổ bố thì Hagen đành phải hỏi : “Thế nào? Johnny liệu có được… hay không?”
Jack Woltz nghiêm giọng trả lời:
- Câu trả lời là không. Tôi không thể làm được. Dù có muốn gài cho Johnny vô cũng không kịp nữa rồi. Giao kèo đã ký xong hết và chỉ tuần sau là khởi sự quay mà?
- Ông Woltz…, cái vụ “trễ” đó đâu có nghĩa lý gì? Mình là xếp sòng thì muốn cái quái gì chẳng được, huống hồ cái việc nhỏ mọn đó? Ông chỉ việc ra lệnh là rồi! Hay ông không tin là thân chủ tôi thủ tín, nghĩa là nói sao làm vậy.
- Đâu có, tin lắm chớ? Tôi biết là hãng tôi sắp có đình công đến nơi! Cứ như giọng lưỡi thằng Goff, thằng chó đẻ đó… bạn có thể ngờ mỗi năm tôi phải cúng cho nó đúng một trăm nghìn đô không? Tôi cũng biết bạn có thể cúp bạch phiến cho thằng kép “cây tiền” của hãng tôi hoặc đầu tư cả cuốn phim dễ như chơi… Có điều không được là không được. Vì tôi hận thằng Fontane. Bạn nói dùm ông xếp bạn trừ dùm cái vụ thằng chó đẻ này thì cái gì tôi cũng chịu hết, bất cứ cái gì!
Coi, nếu vậy lão mời mình tới đây làm gì ất công thêm? Chắc phải có một cái gì đề nghị chớ? Hagen bèn giải thích lý do phải cầu cạnh năn nỉ. Chỉ vì Johnny là con đỡ đầu. Đứa con hờ từ thuở lọt lòng thật nhưng cha nó qua đời rồi thì Bố Già càng phải nâng đỡ nó. Cha đỡ đầu mà?
Jack Woltz gật gù, thông cảm lắm nhưng vẫn nhún vai:
- Tôi không muốn mất lòng xếp bạn nhưng vụ này thật không thể được. Tiện có bạn đây xin hỏi thẳng về vụ can thiệp đình công. Tốn cỡ bao nhiêu nào? Tiền mặt. Chi ngay bây giờ?
Có vậy chớ! Có vậy lão mới chịu khó tốn thì giờ, sau khi đã nhất quyết từ chối vụ Johnny chớ?
Rõ ràng lão không muốn có chuyện rắc rối nhưng lão cóc ngán Vito Corleone. Lão ỷ quen biết lớn, thế lực mạnh, tiền bạc đông nên… chẳng có gì để ngán một thằng ở đâu đâu như vậy. Xét ra lão có lý. Nếu có đình công thì đình công, lão gồng mình chịu… thì Ông Trùm còn làm gì được? Tuy nhiên có một sự kiện lão chưa biết là tính nết Bố Già. Rắc rối ở chỗ đó…
Hagen nhẫn nhục giải thích:
- Về cái vụ đình công thì xếp tôi có hứa sẽ thu xếp dùm nhân danh tình bạn, nếu ông bạn ra ơn cho Johnny. Chớ đâu có đe doạ gì mà ông bạn xoay ra sang chuyện tiền… mà hỏi tốn kém bao nhiêu? Vậy là ông bạn hiểu lầm, ông bạn đánh giá tôi quá thấp. Ông bạn lầm thực rồi!
Hình như Jack Woltz chỉ đợi có vậy để la lớn : - Phải, tôi lầm! Chớ không phải lề lối xưa nay của mấy thằng Mafia nói ngọt mà bóp cổ chết người? Xin nói rõ lần chót này: thằng Johnny Fontane cừ lắm, nó chơi vai đó thật tuyệt, nó sẽ lên ghê lắm. Nhưng tôi đá đít nó, tôi không thí cho nó và tôi sẽ tống cổ nó ra khỏi Hollywood nữa kìa. Vì tôi hận nó, tôi phải chơi cho nó mạt luôn. Vì nó chơi ngang. Nó chơi qua mặt tôi. Tôi có một con đào 5 năm nay ra sức nuôi nấng, đào tạo tốn hết bao nhiêu công phu, tiền bạc để lăng xê một phát là đại tài tử. Cả trăm ngàn đô la đầu tư vô nó, với bao nhiêu hy vọng. Dĩ nhiên chẳng phải vì nhân đức, vì nghệ thuật khơi khơi… phải nói ngay như vậy! Con nhỏ đẹp lắm mà lại không thể tưởng tượng, ngon chưa từng thấy trên cõi đời này mà nghệ thuật chìu đàn ông của nó thì khỏi nói.
Vậy mà thằng chó đẻ òn ỉ, tán tỉnh thế nào mà con nhỏ chạy theo nó, cho tôi de luôn. Nó còn liệng bỏ tất cả chỉ cốt để thằng già xấu mặt! Anh bạn nghĩ coi… một thằng địa vị tôi mà xấu mặt thì có chịu đời nổi không?
Ôi, một chủ nhân như ông Jack Woltz lại cay cú để cho tình cảm xen vô chuyện làm ăn quan trọng như vậy. Chỉ vỉ chuyện đàn bà con gái? Xưa nay với những típ người như Vito Corleone, Thomas Hagen thì có đẹp như tiên cũng chẳng có kí lô nào trong công chuyện làm ăn. Hoàn toàn là việc tư, việc cá nhân…
Dù sao cũng phải thử thách lần chót. Hagen bèn xác nhận ông chủ Jack Woltz căm hận vậy là đúng lắm, đá đít thằng Johnny cũng vừa nhưng ác một nỗi nó lại là con đỡ đầu của Ông Trùm nên đã hứa là không thể không giúp nó, dù phải cầu cạnh, dù phải năn nỉ. Nhưng Woltz đứng phắt lên, gạt ngang:
- Thôi, nói vậy quá đủ. Có đời nào thằng này chịu thua quân điếm đàng, trộm cắp! Cho anh bạn hay tôi chỉ nhấc cái tê lê phôn này lên là đêm nay anh bạn có chầu nằm khám. Và tôi chẳng còn là thằng bầu ban nhạc hồi đó mà hòng Corleone chơi dữ, đúng thế. Tôi biết chớ? Nếu cần thì tôi cũng dám chơi Ông Trùm, chơi không biết đằng nào mà đỡ kìa. Nếu cần thì có cả thế lực Bạch Cung cũng chưa biết chừng…
Lão càng hùng hổ Hagen càng lì. Coi, vậy mà cũng chủ nhân ông, cố vấn tổng thống, vua điện ảnh! Một nhân vật có cỡ mà chỉ có bấy nhiêu đó thì Bố Già nhảy sang Hollywood làm ăn gấp là phải. Lão già đầu rồi mà chẳng biết lợi hại quái gì, chỉ nhắm mắt để tình cảm chi phối.
Vậy từ biệt là vừa. Rất tươi tỉnh, Hagen đứng lên: “Xin cảm ơn ông chủ đã vui lòng thừa tiếp tối nay. Ông chủ chịu phiền ượn xe đi phi trường liền bây giờ thì hay quá. Tôi ở lại đêm không được vì tính nết ông xếp tôi kỳ cục lắm. Làm việc gì không xong là phải cho hay liền.
Lúc đứng đợi xe ở cửa lớn đèn chiếu sáng choang. Hagen nhác thấy 2 bóng người đang bước lên chiếc xe du lịch mui kín chờ sẵn. Hai mẹ con con nhỏ mới lớn hồi sáng còn tuyệt vời, ngây thơ là thế mà bây giờ sao ủ rũ, đau khổ vậy? Mặt nó nhợt nhạt, đôi mắt thẫn thờ, chân bước có mấy bước ra xe mà run lập cập, run lẩy bẩy… lết không muốn nổi? Mẹ nó phải cặp kè đi sát một bên, xốc nách đỡ nó lên xe và ghé tai thì thầm. Trước khi lên xe mụ còn ngoái cổ lại liếc nhanh về phía Hagen, đôi mắt mụ sáng lên độc ác lạ!
Hagen nhớ ngay ra tại sao hồi chiều Woltz không mời đi chung máy bay cho tiện mà phải cho xe hơi đi đón sau. Phải dành chỗ ẹ con mụ này và Hagen phải đến trễ vài giờ đồng hồ để ông chủ hãng phim còn có đủ thời gian “làm thịt” con nhỏ chớ? Ôi, cả một sự bẩn thỉu nhơ nhớp là cái xã hội điện ảnh Hollywood, thế giới đặc biệt của những con người như Johnny Fontane, như Jack Woltz!
Nếu cần phải đánh đấm thì xưa nay Paulie Gatto kỵ lối đánh ào ào, đánh bừa làm ẩu. Phải đánh có kế hoạch đàng hoàng, đánh cho chắc ăn. Dù đánh dằn mặt cũng vậy. Sơ sẩy “sai một ly đi một dặm” thì sao?
Khuya nay nó ngồi nhấm nhí ly lade, kín đáo liếc chừng coi hai thằng súc sinh gạ gẫm mấy con chiêu đãi tới cỡ nào rồi. Hồ sơ lý lịch của hai đứa nó đã nắm trong tay. Thằng Jerry Wagner, thằng Kevin Moonan cùng 20 tuổi, đẹp trai, to con, mặt mũi sáng sủa ra dáng con nhà.
Tụi nó nghỉ hè về nhà chơi, cỡ 2 tuần nữa là vô làng Đại học hết. Nhờ quen biết thần thế, nhờ con ghi danh ở Phân khoa nào đó nên còn được hoãn dịch. Thứ học để trốn lính chớ sinh viên quái gì! Bản án treo còn sờ sờ đó mà đã vô bar ăn nhậu, tán gái là láo, láo quá rồi!
Paulie Gatto hầm những thứ con ông cháu cha… trốn lính này lắm. Dù chính nó… nó cũng né quân dịch! Hai mươi sáu tuổi, khoẻ như voi, không vợ con, không học hành gì hết mà hoãn dịch vì lý do sức khoẻ mới ngon. Có y chứng mắc bệnh thần kinh, từng phải chạy điện nhiều lần, bác sĩ nhà nước ký và đóng dấu thì còn lính tráng khổ nào?
Dĩ nhiên bệnh láo nhưng giấy thiệt. Do xếp Clemenza vận động… nhưng phải cỡ thế nào các đàn anh mới thu xếp cho chớ? Phải có chiến công, phải lấy mạng một thằng lập đầu danh trạng chớ bộ giỡn?
Xếp Clemenza đã giao vụ này và cho chỉ thị rõ: “Làm gấp, làm ngay ở New York… chớ tụi nó sắp vô trường là bỏ luôn”. Phải có lý do gì xếp mới kỹ như vậy. Khuya nay tụi nó cặp hai con điếm ra về cùng một lượt thì lại hỏng ăn nữa!
May quá, tự tay Paulie nghe một con cười sằng sặc, õng ẹo : “Thôi cho em xin đi… anh Jerry! Lên xe về với anh để anh mần như con nhỏ bữa đó hả? Bọn này biết quá mà?”
Chúng cười ầm lên. Vậy là các con sắp có chầu lãnh đủ, ngay khuya nay, ngay trước bar này! Paulie ung dung bước ra khỏi quá, nhìn trước nhìn sau. Tuyệt quá… Mười hai giờ hơn rồi, chỉ còn một bar nữa sáng đèn. Phố xá tối thui thế này chơi mới chắc! Xe tuần tiễu thì xếp đã cho đi tuần ở khu khác rồi. Có ra đi ô cấp cứu nó cũng bò lại rất chậm. Tha hồ thừa thì giờ… cứ tà tà “làm” rồi vù cũng còn kịp chán.
Paulie thủng thỉnh bước tới, dựa lưng vô chiếc Chevy đen đậu sẵn lề đường, bên trong ngồi chồm chỗm 2 thằng hộ pháp. “Tụi nó ra là làm liền. Đúng y tao dặn”.
Chỉ vắn tắt vậy thôi.
Có hình ảnh “nghiên cứu” đàng hoàng, giờ giấc chúng ưa chơi, địa điểm chúng bắt gái… mọi chi tiết đều thuộc lòng mà cặp hộ pháp cũng là thứ tuyển lựa đặc biệt. Chúng chỉ cần biết mặt “hàng họ” là đủ. Phần còn lại là nghề mà?
Nãy giờ hai thằng cao lớn dềnh dàng vậy mà có ai thấy đâu? Chúng ngồi kín lắm và sắp đặt đúng như đàn anh Paulie căn dặn:
Đỉnh đầu, sau ót để ra ngoài. Tuyệt đối cấm đụng, ngoài ra tha hồ. Cam đoan không chết. Chỉ nát người, mặt mũi hết nhìn ra và nằm nhà thương 30 ngày sắp lên. Ba mươi mốt cũng được nhưng kém một ngày thì cặp hộ pháp lại xin mời về nhiệm sở cũ, tối ngày lái xe vận tải mệt thấy mẹ!
Nhiệm sở hiện tại của chúng là chuyên viên đấm đá. Cựu võ sĩ hạng nặng, chúng được cậu cả Sonny cất nhắc để thằng nào vay nợ lười trả góp, trễ hẹn là dượt như hồi còn mang găng dượt bao cát vậy. Nhờ vậy cất nhắc mà ngày giờ này vợ con no đủ, khỏi phải vác xác lên đài cho chúng đập dài dài nên công ơn để đâu cho hết? Có việc sai đi là vô cùng hể hả, đấm đúng, đấm đàng hoàng lắm!
Hai cậu con ông cháu cha đụng cặp hung thần quả thực là xui. Coi, đang bực bội vì em không chịu đi còn giễu… nhè vừa bước ra khỏi quán lại có thằng ranh con chọc quê! “Ô hay, đẹp trai mà bị mấy em đá hả”. Thì cậu Jerry, cậu Kevin cùng lồng lộn lên. Phải xông lại đập cho hả giận, nhất là thằng ranh con mặt lưỡi cày vừa sủa bậy trông ngon ăn quá.
Nó có một mình thì nó nát xương. Hai cậu bèn chia hai bên, cười hề hề xích tới. Thằng cấu cổ, thằng dang thẳng cánh… nhưng chưa đập được một cú đã hết hồn vi bị hai thằng to con quá đứng phía sau, hết cục cựa. Đàn anh Paulie xỏ đồ nghề vô tay mặt, biểu diễn quả đấm đồng trang bị mấy hàng gai 2 ly cho cậu Jerry coi chơi. Mỗi tuần nó đến võ đường dượt 3 lần, đập có thằng giữ thì còn gì là mặt mũi? Chát… chát… chát… là xong phần mặt. Thằng hộ pháp bèn ra cho đàn anh vung tay quạt. Bịch… bịch… Nó buông ra là cậu nằm một đống, trước sau vừa vặn 6 giây.
Hai đứa quay sang cậu Kevin. Khốn nạn, vuột chạy không nổi mà hả họng la thì cánh tay hộ pháp đằng sau xiết cứng quá.
Paulie tà tà leo lên chiếc Chevy mở máy ngồi đó để mặc chú nhỏ cho hai ông hộ pháp quần đích đáng, quần “pát xê” nhau kiểu đánh banh. Phải công nhận hai thằng này chơi tỉnh, chơi đẹp. Không túi bụi, ào ào mà buông từng cú đích đáng, có nơi có chỗ đàng hoàng… không đi đâu mà vội! Tụi nó đâu có đấm bằng tay? Quạng là quạng bằng cả sức người lao theo nên bung ra một đòn là có thịt rách và xương gãy, đứng ngoài nghe cũng thấy.
Cỡ năm bảy giây sau thì Kevin được buông tha. Nằm nhũn ra, mặt mũi bầy hầy. Cậu Jerry ngất ngư, cố lóp ngóp bò bốn chân bèn được một thằng câu cổ lên. Nó vặn tréo tay và giộng một đá đúng gốc xương sống thế nào mà cu cậu hộc một phát như đánh thức hàng phố vậy. Có ánh đèn thật!
Hai thằng bảo nhau lẹ tay. Một thằng cưỡi lưng, mỗi tay xoắn một bên tóc để nâng bản mặt cậu lên, chìa ra cho đồng nghiệp dượt hai tay, chơi chày máy. Một hai… ba bốn… Nếu đàn anh Paulie không sủa “Đủ rồi… Biến tụi mày…” có lẽ nó đếm đến sáng chắc? Cửa xe mở sẵn, hai ông hộ pháp chỉ việc nhào lên và Paulie nhận lút ga xăng là chiếc Chevy lồng lên biến mất hút.
Lúc bấy giờ mới có bóng người dám ló ra trước cửa quán. Tụi nó chơi thấy ghê, chớ có dây dưa vào! Có thằng nào sắc mắc ghi số xe cũng chỉ mất công! Bảng số xe láo, xe ăn cắp và đất New York này kể Chevy đen thì có khoảng một trăm ngàn chiếc chớ đâu ít?