Hiện tại đã là 8 giờ 40.
Ánh đèn vàng nhạt trải dài khắp con đường, xe cộ vẫn ngược xuôi giữa lòng thành phố. Bầu trời đêm thật lung linh huyền ảo, với một màu đen thăm thẳm vời vợi lấp lánh anh sao bao phủ khắp nhân gian cứ tựa như một dải lụa kim tuyến uyển chuyển mềm mại được ai đó căng ra che lấp màu thanh thiên vốn có.
Không khí về đêm càng trong lành, dễ chịu. Từng cơn gió mát mơn man mái tóc tôi, đùa nghịch với những hàng cây trồng dọc theo những tuyến đường kiểu mẫu khiến bọn chúng lay động tạo nên những âm thanh xào xạc nghe thật vui tai. Bỗng dưng tôi cồn cào đói bụng, chắc là do ban nãy tôi ăn cơm hơi ít nên giờ này cái dạ dày mới biểu tình như vậy.
Lớp học học thêm tối nay chỉ vỏn vẹn đúng 3 người, số còn lại trốn biệt tăm biệt tích. Thầy Tạo nổi trận lôi đình đòi đuổi luôn tụi nó, nhưng nhờ lớp trưởng Đặng Mạnh Hải ngồi năn nỉ ỉ ôi nên thầy mới tạm bỏ qua. Nhưng cũng nhờ thế mà tôi khỏi đụng độ bạn Đoàn Khánh Thiên, đỡ phải bị hắn giở trò ma quỷ. Kiểu sống trong lo sợ này từ đây cho tới hết năm học chắc chắn tôi sẽ bị nhồi máu cơ tim vì hắn mất thôi!
Tôi dừng xe tấp vào quán hủ tiếu ven đường, ăn cho no bụng rồi về nhà sau cũng được. Vừa mới đặt mông ngồi xuống chưa kịp làm gì cả thì đã có tiếng gọi:
- Ê! Kim Cương!
Giật mình nhìn quanh, tôi đã nhìn phải kẻ không nên nhìn. Nếu như tôi giả điên khiêng tủ lạnh được thì tôi đã làm từ lâu! Người vừa gọi tôi không ai khác đó chính là Đoàn Khánh Thiên – cơn ác mộng kinh điển của tôi từ khi tôi bước vào B4. Vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo tới. Phải chi nhắc tiền nhắc bạc cũng như vậy thì tuyệt thật là vời! Ôi trời đất ơi, sao mà xui hết chỗ nói luôn, đi ăn cũng gặp “người quen”.
Khánh Thiên cười híp mắt, tiếp theo bưng vội tô hoành thánh cùng ly trà đá “bay” sang bàn tôi ngồi cho tình thương mến thương. Lúc này tôi chỉ muốn hầm hố đứng dậy, lật bàn và hét lên: “Đây là hành động của sự chà đạp!”. Nhưng tiếc thay, lực bất tòng tâm, tôi vẫn là không thể!
Dì chủ quán thấy có khách đến (là tôi) thì liền nhanh chân từ quầy đi đến. Dáng người dì cao gầy, khuôn mặt nhuốm màu sương gió cùng với đôi mắt có vài nếp nhăn. Nhưng điều tôi chú ý là nụ cười của dì rất tươi, nhìn vào cảm thấy rất thoải mái. Dì niềm nở xã giao:
- Con là bạn của bé Thiên hả? Có học hung lớp với Văn Minh không con? Dì là mẹ của Văn Minh nè! Rất vui khi được con đến quán ủng hộ.
Rồi dì xoay vào trong nói vọng vào:
- Minh ơi rửa chén xong thì ra đây, có bạn đến chơi nè!
Tôi nhất thời ngớ người, thì ra đây là nhà của Mai Văn Minh. Vậy mà trước giờ đi ngang cả chục lần tôi cũng chẳng thèm để ý. Đúng là trái đất tròn!
Tôi “dạ” một tiếng rồi mỉm cười. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng mà.
- Con ăn gì?
Tôi vừa định mở mồm nói “con ăn” thì Khánh Thiên đã nhanh nhảu cắt ngang:
-Bạn ăn hoành thánh đi! Hoành thánh quán dì Nga bán ngon cực luôn! Ăn đi, ăn đi mà!
Không đợi tôi đồng ý hắn quay sang dì Nga nói luôn:
- Một tô hoành thánh nha dì Nga.
Tôi gật đầu xác nhận. Không lẽ bây giờ lại nổi nóng gây gỗ với hắn? Như vậy thì quá mất hình tượng với người khác. Hơn nữa nghe hắn quảng cáo món đề cử bằng hai từ “ngon cực” làm dạ dày tôi cũng nhộn nhạo theo. Dì Nga rời đi thì Văn Minh từ trong nhà nhanh chân chạy ra, có vẻ như đã làm xong công việc. Kéo ghế ngồi cạnh Khánh Thiên, cậu mở lời:
- Cám ơn hai bạn đã ghé quán nhà Minh nghen! Tại Minh rửa chén mới rồi nên tiếp chuyện với hai bạn hơi trễ, xin lỗi nha.
- Lỗi phải gì ở đây? Xong việc mới ngồi tám được chứ. Vớ va vớ vẩn à – Khánh Thiên vỗ vai Văn Minh, thoải mái nói.
Ngừng lại bưng ly trà đá lên uống một hơi dài, hắn nhìn tôi:
- Ủa mà bà Cương đi đâu nữa đêm nữa hôm vậy?
Tên này không biết xem đồng hồ chắc? Chưa tới 9 giờ nữa mà hắn bảo nữa đêm nữa hôm cái gì!
- Tui đi học thêm Lý. Tại đói bụng nên ghé đại quán nào đó tìm đồ ăn lót dạ, ai ngờ lại gặp bạn với Văn Minh. Mà bạn cúp học á Thiên, thầy Tạo la quá trời la luôn, báo hại bọn có đi học phải ngồi nghe thay mấy bạn! – Tôi cười cười trả lời, sẵn đó mở rộng nội dung câu chuyện.
Khánh Thiên vỗ đùi kêu lên:
- Chết, tui quên mất tiêu!
- Minh không đi học thêm hả? – Tôi lại chuyển hướng sang Văn Minh.
Trước câu hỏi của tôi, cậu gãi gãi đầu, tầm mắt dời sang phía dì Nga rồi trả lời:
- Minh phụ mẹ bán buôn sao mà đi được!
- Ba Minh đâu? – Tôi vẫn vô tư hỏi, không hề để ý đến ánh mắt kì lạ nhìn tôi như thể bảo tôi nên dừng lại của Khánh Thiên.
Hàng mi khẽ cụp xuống, Văn Minh nhỏ giọng nói:
- Ba Minh mất lâu rồi.
- Xin lỗi Minh! – Tôi vội vàng xin lỗi vì cảm giác tội lỗi đột xuất dâng tràn trong lòng. Tôi đã hỏi chuyện không nên hỏi, và điều đó đã vô tình khơi lại nỗi buồn vốn dĩ đã ngủ yên của Văn Minh. Khánh Thiên nhăn nhó như khỉ ăn gừng, đưa tay cốc đầu tôi một cái, làu bàu trách móc:
- Bà đúng là vô ý vô tứ!
Gì chứ? Tôi nào cố tình làm thế? Cái tên này đúng là ác ôn, dám ra tay đánh con gái! Cái vụ mà hắn trả thù khiến tôi đo đất hai lượt liên tiếp giờ dư âm vẫn còn đây này. Đồ vũ phu chết tiệt!
Minh thấy vậy liền xua tay:
- Không sao! Không sao mà! Chuyện qua lâu Minh hết buồn rồi, Cương đừng có xin lỗi!
Cùng lúc đó, dì Nga đặt tô hoành thánh nóng hổi nghi ngút khói xuống bàn, giọng hồ hởi:
-Đồ ăn tới rồi đây! Các con nãy giờ nói chuyện gì thế?
- Dạ bàn về chuyện trường lớp đó dì! – Khánh Thiên nhanh nhảu trả lời, trưng ra nụ cười nghiêng thùng đổ nước như thường lệ.
Ngồi cạnh Văn Minh, dì Nga vui vẻ hỏi:
-Thằng Minh đi học có quậy phá không tụi con?
Việc đó thì ngoại trừ ấn tượng đầu năm suýt tàn sát lẫn nhau với Huỳnh Văn Tài Nguyên thì đến giờ tôi chưa thấy cậu ta có động tịnh gì gọi là muốn khởi binh làm loạn cả. Tóm lại một chữ: Ngoan. Nhưng phần trả lời thì tôi dành cho Khánh Thiên, vì tôi còn phải ăn nữa. Tôi đói muốn rã ruột luôn mà nãy giờ phải nuốt không khí để cầm hơi đây này!
- Không dì ơi, nó học hành chăm chỉ, hòa nhã với bạn bè lắm! Dì đừng có lo!
- Con nói vậy là dì mừng! Chứ hồi năm lớp 8, nó quậy tới nỗi ở lại lớp luôn. Nhớ năm đó cô giáo mời phụ huynh vào làm việc, nó mướn bà bán hủ tiếu vào họp giùm. Rồi tới lần sau cô giáo mời tiếp, nó lại mướn ông chạy xe ôm vào họp thay. Tới chừng mà cô giáo phát hiện ra, cô cấm không được kêu bà bán hủ tiếu với ông chạy xe ôm vào họp nữa. Vậy là nó trả lời: “Cha mẹ em không thể đi được.” Cô giận dữ hỏi tại sao thì nó nói: “Vì mẹ em bán hủ tiếu, cha em chạy xe ôm.” Dì nghe cô giáo mắng vốn mà vừa buồn cười vừa tức giận.
Ba người chúng tôi bật cười vui vẻ lẫn người kể và người nghe. Chỉ riêng Văn Minh là mặt mày đỏ ửng lên, níu áo mẹ mà lí nhí trong nỗi ngượng ngùng:
- Mẹ thật là…
Qua buổi gặp gỡ vô tình lần này, tôi mới biết thì ra tôi vẫn còn may mắn lắm, còn đủ cả ba má, anh em, còn đủ điều kiện để học hành. Thế là suốt đêm tôi cứ như vậy nằm trằn trọc nghĩ ngợi, mắt mở thau láu nhìn ánh trăng vàng treo lơ lửng giữa bầu trời ngoài kia.
Một đêm thật dài...