Chương 14
Hôm sau, Thường đến lớp trong một tâm trạng rối bời. Anh có cảm tưởng cả thế giới đều đã biết mỗi buổi chiều anh vẫn âm thầm đi bán kẹo kéo. Bạn bè trong lớp sẽ nhìn anh bằng ánh mắt thương hại, thậm chí, thậm chí khinh thị và dè bỉu. Biết đâu sẽ chẳng có đứa tinh nghịch trêu anh:
- Ê, Thường kẹo kéo!
Quá quắt hơn, chúng sẽ đem lời rao cổ xưa của nghề bán kẹo kéo ra ngâm ngợi:
- Cô nào thấp thấp lùn lùn
Ăn hào kẹo kéo sẽ đùn lên cao!
Đến lúc đó, hẳn Thường chỉ có cách bỏ học. Nhưng chắc chắn mẹ sẽ không đồng ý. Mẹ xưa nay vốn nghiêm khắc, Thường đâu dám cãi lời. Như vậy, anh sẽ tiếp tục dẫn xác đến lớp để nghe bạn bè chòng ghẹo. Và rồi anh học sẽ chẳng ra ôn gì cả. Mẹ sẽ buồn, sẽ ốm. Rốt cuộc anh chẳng giúp gì được mẹ mà còn làm mẹ khổ sở thêm.
Những ý nghĩ xám xịt đó cứ bám lấy đầu Thường và vẽ lên trong trí anh một tương lai vô cùng u ám. Tự nhiên anh đâm ra giận Thủy Tiên. Nếu hôm qua, cô không lò dò đến trường Phương Nam thì mọi việc đâu đến nỗi. Nếu hôm qua, ừ, nếu hôm qua...
Thường vừa đạp xe vừa nghĩ ngợi. Anh đạp uể oải, lười nhác. Hôm nay Thường cố tình đi trễ. Anh sợ đến sớm, khi lớp chưa vào học, tụi bạn sẽ nhao nhao lên và tha hồ chọc ghẹo. Đến muộn, dù sao cũng an tâm hơn. Có thầy giáo trong lớp, sẽ chẳng ma nào dám hó hé.
Khi vào chỗ ngồi, Thường khẽ liếc chung quanh, nơm nớp chờ một tia nhìn khác lạ. Nhưng anh chẳng thấy gì. Tụi bạn đứa nào đứa nấy đang cắm cúi chép bài. Chỉ có tiếng lật tập sột soạt, ngoài ra, chẳng có tiếng động khả nghi nào khác.
Thường dần dần bình tĩnh trở lại. Không khí yên lặng của lớp học có vẻ như chưa ai hay biết gì. Cũng có thể lũ bạn làm bộ thế thôi, đợi đến lúc ra chơi tụi nó mới bắt đầu khai hỏa.
Dù sao thì cũng mặc! Đằng nào mình cũng phải mài đũng quần trên cái ghế này cho đến hết năm nay! Thường nhún vai lẩm bẩm và thò tay vào ngăn bàn lấy tập ra.
Đang sờ soạng, Thường bỗng chạm tay phải một mảnh giấy. Anh cầm lên và tò mò mở ra xem. Trong đó, vỏn vẹn có một dòng: "T.T. muốn gặp Thường. Ra chơi, T.T. đợi ở căng tin".
Thường thở phào. Nét chữ lạ, nhưng rõ ràng tác giả là Thủy Tiên. Và khi Thủy Tiên đã dám gặp Thường có nghĩa là cô chưa hé răng về bí mật của anh cho bất cứ ai.
Khi nỗi lo bị bạn bè phát giác lắng xuống, lòng Thường lại dấy lên một băn khoăn mới. Anh không hiểu Thủy Tiên định gặp anh để làm gì. Trong lớp, Thủy Tiên là một trong những nữ sinh xinh xắn, thường bị bạn trai trêu chọc. Tuy vậy, Thường chưa bao giờ mở miệng ghẹo cô. Trong học tập, Thủy Tiên không có gì nổi bật, học lực trung bình. Về Thủy Tiên, Thường chỉ biết có chừng đó. Anh hoàn toàn mù tịt về tính tình và cá tính của cô, chỉ biết đại khái đó là một cô gái vui vẻ, thích cười đùa trong lớp, nói chung là dễ ưa. Vậy thôi.
Trước nay, Thường vẫn thỉnh thoảng nói chuyện với Thủy Tiên như bao bạn gái khác. Những câu chuyện qua loa, chẳng đậm đà và chẳng để lại ấn tượng gì. Thủy Tiên thuộc về gia đình khá giả, cách ăn mặc và phục sức của cô nói lên điều đó, dù rằng nhìn thoáng qua bề ngoài trông cô chẳng khác gì các nữ sinh cùng lớp. Đó cũng là lý do khiến từ trong thâm tâm, Thường chưa bao giờ xem Thủy Tiên là một người bạn gần gũi. Từ ngày anh đi bán dạo, khoảng cách đó mặc nhiên tăng lên.
Vậy mà bây giờ Thuỷ Tiên lại đòi gặp anh. Cô muốn nói gì với anh sau cuộc gặp gỡ tai hại kia ? Thương hại, dè bỉu hay khuyên can? Suốt trong hai tiết học đầu, Thường nhấp nhổm như ngồi trên lửa và suy diễn mọi thứ, những chuyện có thể xảy ra và những chuyện thuần tưởng tượng.
Hóa ra Thủy Tiên nói như thế này, sau khi Thường bước vào căng-tin:
- Sáng nay Thủy Tiên thấy Thường có vẻ lo lắm. Nhưng Thường đừng ngại. Thủy Tiên chẳng nói với ai đâu.
Không hiểu sao mỗi khi nghe Thủy Tiên nói với mình bằng cái giọng che chở tế nhị, Thường lại đâm bực bội. Không phải lần đầu tiên Thường rơi vào trạng thái bị kích thích này. Anh hừ mũi, xẳng giọng:
- Thủy Tiên muốn nói cứ nói! Tôi đâu có đi ăn cắp ăn trộm mà phải sợ ai!
Thái độ lạnh lùng của Thường khiến Thủy Tiên đâm bối rối. Sau một thoáng trấn tĩnh, cô chớp mắt nhìn anh, giọng buồn buồn:
- Sao Thường lại giận dỗi với Thủy Tiên? Thường có biết là việc làm của Thường khiến Thủy Tiên suy nghĩ rất nhiều không?
Câu hỏi hàm ý trách cứ của Thủy Tiên làm Thường bỗng ngượng ngập. Tự nhiên anh thấy sự bực dọc của mình thật vô lý và trẻ con. Không biết đối đáp làm sao, Thường đành ngồi lặng thinh.
Thủy Tiên tiếp tục bộc bạch những suy nghĩ của mình:
- Thủy Tiên thấy mình kém Thường xa. Thường vừa vất vả làm thêm phụ gia đình lại vừa học giỏi. Trong khi Thủy Tiên chẳng phải làm gì, chỉ có mỗi việc chơi và học, vậy mà học chẳng khá nổi...
Trước giọng tâm sự của Thủy Tiên, lòng Thường dần dần dịu lại. Hóa ra Thủy Tiên tốt bụng và biết điều hơn mình nghĩ, Thường áy náy nhủ bụng. Và anh khẽ hắng giọng:
- Muốn học giỏi đâu có khó gì! Bây giờ khối chỗ dạy thêm!
- Thì Thủy Tiên vẫn đi học thêm đấy chứ! Mà có giỏi gì đâu!
Thường mỉm cười:
- Hay là tại mình?
Thủy Tiên cũng cười:
- Không phải tại Thủy Tiên đâu! Tại lớp học thôi! Lớp học nào cũng đông quá, nhiều chỗ không hiểu, Thủy Tiên cũng không dám hỏi lại thầy.
- Thủy Tiên mắc cỡ chứ gì?
- Ừ. Ai cũng hiểu, chỉ có mình không hiểu, đứng lên hỏi kỳ thấy mồ!
- Có gì đâu mà kỳ! Đã học thì phải hỏi! Người ta bảo "học hỏi" mà lại!
Thủy Tiên tặc lưỡi:
- Thì Thủy Tiên cũng biết vậy. Nhưng Thủy Tiên vẫn cứ thấy ngài ngại làm sao! Dù sao hỏi bạn bè cũng dễ hơn hỏi thầy cô nhiều!
Không hiểu ý tứ trong câu nói của Thủy Tiên, Thường thản nhiên buột miệng:
- Tất nhiên rồi! Người ta bảo "Học thày không tày học bạn" mà!
Chỉ đợi có vậy, Thủy Tiên mỉm cười nhìn Thường:
- Vậy Thường kèm Thủy Tiên học nghen?
- Tôi ? - Thường sửng sốt.
- Thì Thường chứ sao! Học thày không tày học bạn mà!
Thủy Tiên ranh mãnh nhắc lại câu nói khi nãy khiến Thường đâm lúng túng. Anh chưa kịp trả lời thì Thủy Tiên lại nói tiếp:
- Nếu học với Thường, chẳng mấy chốc Thủy Tiên giỏi lên cho mà coi!
Nghe vậy, Thường phát hoảng:
- Nhưng mà tôi đâu có thì giờ!
- Thì Thường đừng đi bán kẹo kéo nữa! - Thủy Tiên khẽ chớp mắt - Thay vì đi bán, Thường kèm Thủy Tiên học. Học trả học phí đàng hoàng chứ bộ!
Câu cuối cùng, Thủy Tiên cố nói bằng một giọng nửa đùa nửa thật. Cô muốn giúp Thường nhưng lại sợ anh tự ái. Cô tránh nhắc đến chữ "tiền", e sỗ sàng. Gọi "học phí" dù sao nghe cũng êm tai hơn.
Nào ngờ Thường lắc đầu nguầy nguậy:
- Không được đâu!
- Sao lại không được?
Thường nhăn nhó:
- Bạn bè ai lại nói đến chuyện tiền bạc! Nếu tôi kèm cho Thủy Tiên học, cũng chỉ là giúp đỡ nhau thôi!
Rồi Thường phân vân nói thêm:
- Thôi, được rồi! Nếu Thủy Tiên có ý định như vậy, tôi sẽ đến kèm giúp Thủy Tiên vào buổi tối...
- Thế còn buổi chiều ? - Thủy Tiên ngắt lời Thường.
- Thì Thủy Tiên biết rồi đó! - Thường chép miệng - Buổi chiều tôi phải đi làm thêm!
Vừa nói, Thường vừa liếc Thủy Tiên. Anh ngạc nhiên khi thấy Thủy Tiên xịu mặt xuống. Cô chẳng tỏ vẻ gì vui mừng trước sự nhận lời dạy kèm của anh. Môi cô mím lại, ra chiều suy nghĩ. Thật khó hiểu, Thường ngẩn ngơ tự nhủ.
Thường không biết Thủy Tiên chỉ muốn Thường kèm cô học vào buổi chiều. Để anh khỏi phải đi phải đi bán kẹo kéo. Để anh khỏi phải nhọc nhằn mưa nắng kiếm từng trăm bạc lẻ. Tiền thì cô sẽ trả và nếu không nhiều hơn thì cũng không ít hơn khoản thu nhập từ nghề bán dạo của anh. Thế nhưng thiện ý của cô đã không thành.
Thường chỉ nhận kèm cô vào buổi tối, lại dạy không công. Trong khi đó, buổi chiều anh vẫn phải gò lưng đạp xe đi bán. Như vậy thì cô chẳng giúp được gì cho Thường, lại làm anh vất vả thêm.
Thường không thể nào đọc được những ý nghĩ trong đầu Thủy Tiên nên thấy cô trầm ngâm, anh đành ngồi im lặng ngắm những viên đá đang tan dần dưới đáy ly.