Chương 18
Thường ra về trong vui vẻ.
Khi nãy Thường tưởng Thủy Tiên sẽ giận anh ghê lắm nhưng rốt cuộc cô đã không trách gì anh. Cô chỉ tự trách mình. Thật là một người bạn tốt! Thường hân hoan nghĩ và vừa huýt sáo miệng, anh vừa guồng mạnh xe theo nhịp chân hăm hở.
Đang lao đi, chợt Thường thắng vội xe lạị Anh vừa thoáng thấy một chiếc xe bán bong bóng chạy ngược chiều.
Từ ngày quen biết Tài Khôn, đi ra đường, gặp ai bán bong bóng, Thường cũng ngoảnh cổ nhìn. Điều đó gần như một thói quen. Những người bán bong bóng không ai giống ai. Có khi đó là một cậu bé, có khi là một chàng trai, phần lớn là những người đứng tuổi và rất ít khi là phụ nữ. Trường hợp như Tài Khôn thì quả là hiếm.
Nhưng nếu chỉ nhìn ngắm như thường lệ thì Thường đã không phải thắng xe lại. Đằng này chiếc xe vừa chạy ngang qua anh treo rất nhiều bong bóng, có đến bốn, năm chục quả là ít. Không chịu mang theo bình hơi, thổi sẵn bong bóng ở nhà để được thong thả đạp xe dưới đám mây ngũ sắc lúc nào cũng bềnh bồng và tỏa bóng trên đầu, đó vốn là phong cách lãng mạn đặc biệt của Tài Khôn. Dường như cô là người bán bong bóng độc nhất vô nhị thà thổi sẵn thật nhiều dù bán không hết còn hơn là mang theo bên người những quả bong bóng xẹp lép và nhăn nheo. Tài Khôn từng bảo Thường là cô rất không thích những quả bong bóng lúc chưa thổi. Cô bảo lúc đó chúng chỉ là những túi nhựa không hơn không kém và có lúc cô cảm tưởng chúng là những đứa trẻ ốm o, quặt quẹo, chẳng có một chút sinh khí nào.
Chính vì vậy mà bây giờ, khi bắt gặp một chiếc xe với vô số quả bóng lơ lửng bên trên như thế, Thường không khỏi ngạc nhiên. Nhưng dù sao đấy không thể là Tài Khôn được. Cô từng bảo anh cô chỉ đi bán buổi chiều. Buổi sáng cô phải ở nhà để làm "biết bao nhiêu là thứ". Nhưng như vậy thì người kia là ai. Chẳng lẽ trên trái đất này, ngoài Tài Khôn ra, còn có một kẻ bán dạo mơ mộng không kém?
Cuối cùng, không kềm được tò mò, Thường quay xe lại đuổi theo đám mây bong bóng vừa bay ngoặt vào một con hẻm rộng bên đường.
Chiếc xe bong bóng di chuyển chậm như rùa nên chỉ trong thoáng mắt, Thường đã đuổi tới nơi. Vừa nhìn thoáng qua, Thường bỗng kêu khẽ một tiếng trong cổ họng. Anh như không tin vào mắt mình.
Ngồi trên xe là dáng dấp nhỏ nhắn quen thuộc của Tài Khôn với lối ăn mặc gọn gàng xoàng xĩnh thường ngày. Cô bé đang nhìn bâng quơ hai bên hẻm, chân đạp từng vòng chậm rãi đến lười nhác.
- Tài Khôn! - Thường gọi.
Đám mây vội vã ngừng lại. Tài Khôn ngoái cổ nhìn ra sau. Trông thấy Thường, cô cười toe toét:
- Anh đi đâu đây ?
Thường tiến lại:
- Anh đi học về. Hôm nay anh nghỉ hai tiết sau.
Tài Khôn liếc Thường từ đầu đến chân:
- Chà, anh ăn mặc đàng hoàng trông bảnh ác! Chẳng giống anh thường ngày chút nào!
Thường mỉm cười:
- Em đừng có chọc quê anh! - Rồi Thường nheo mắt, giọng trách móc - Em là chúa xạo đấy nhé!
- Em hả ? - Tài Khôn làm ra vẻ ngơ ngác - Em xạo gì đâu ?
- Em bảo buổi sáng em phải ở nhà giặt đồ, nấu cơm, trông em, sao bây giờ anh lại gặp em ở đây ?
Tài Khôn chẳng lộ vẻ gì lúng túng. Cô đáp, giọng tươi tỉnh:
- À, mấy hôm nay là đặc biệt! Thỉnh thoảng em đi bán thêm chút đỉnh vậy mà!
Thường ái ngại:
- Em vừa hết bệnh, đi bán suốt ngày bệnh lại thì sao ? Bộ em cần tiền lắm hả ?
Tài Khôn dẩu môi:
- Tiền ai mà chẳng cần! Anh hỏi lạ!
Thường gãi đầu, ấp úng:
- Bộ... bộ tiền anh đưa em hôm trước... không đủ sao ?
- Đủ chứ! - Tài Khôn gật đầu mau mắn - Đủ cho nên bây giờ em mới cần!
- Nghĩa là sao ? Đủ sao lại còn cần?
Tài Khôn thản nhiên:
- Sao lại không cần? E m phải kiếm tiền trả anh chứ!
- Trời ơi! - Thường vò đầu - Anh đã nói với em rồi, khi nào có tiền hẵng trả, không có thì để đó, đâu có gấp gáp gì!
Điệu bộ nhăn nhó của Thường khiến Tài Khôn phì cười. Cô láu lỉnh:
- Ai mắc nợ lại chẳng lo trả! Với lại anh cũng đâu có giàu có gì! Nếu gia đình dư dả, anh đi bán kẹo kéo làm chi cho cực!
Thường liếm môi:
- Thì đã đành là vậy. Nhưng...
Tài Khôn không để cho Thường nói hết câu. Cô nhấn mạnh bàn đạp:
- Không có nhưng nhị gì hết! Em đi đây!
Đi một quãng, Tài Khôn bỗng ngoái đầu lại, nói lớn:
- Anh đừng lo! Em chỉ đi bán thêm bữa nay nữa thôi! Hổm rày em đã kiếm đủ tiền trả nợ rồi!
Trước một cô bé nhí nhảnh như vậy, Thường chỉ có cách đực mặt đứng nhìn theo, dở cười dở khóc.