Bong Bóng lên trời

Chương 21
Thấm thoắt mà đã một tháng trôi qua, kể từ ngày Thường đi "dạy kèm". Chiều nay, Thường đem "tháng lương" đầu tiên về cho mẹ. Đó là khoản tiền trước nay Thường vẫn gửi nơi chú Kiến. Anh trích ra một ít mua cho bé Nhi một chiếc cặp xách đi học. Anh cũng mua cho chú Kiến một chiếc nón mới thay cho chiếc nón cũ mèm chú vẫn thường đội.
Chú Kiến đón chiếc nón từ tay Thường với vẻ cảm động, miệng trách yêu:
- Cái thằng bày đặt! Chỉ lần này thôi nghen! Lầu sau đừng mua gì cho chú nữa! Hãy đem tiền về cho mẹ!
Thường nắm chặt tay chú Kiến:
- Nếu không nhờ chú, cháu đâu biết làm cách nào giúp đỡ mẹ cháu!
Chú Kiến vỗ vai Thường:
- Thôi, về đi! Đừng nói chuyện tình nghĩa ấm ớ nữa!
Khi Thường bước vào nhà, đặt cặp sách lên bàn, hoan hỉ nói với Nhi:
- Quà cho em nè!
Thì Nhi sáng mắt lên và vội vã chạy bổ lại. Nó ôm cái cặp vào người, thận trọng và âu yếm sờ lên những chiếc khóa đồng sáng lóe, miệng trầm trồ:
- Ôi, chiếc cặp đẹp quá! Ở đâu ra vậy anh?
Thường vui vẻ:
- Anh mua cho em chứ đâu!
- Anh mua ? - Nhi tròn xoe mắt, nhưng rồi chợt nhớ ra, Nhi cười tủm tỉm - Anh mới lãnh lương hả ?
- Ừ, anh mới lãnh lương!
Thường đáp với giọng kiêu hãnh và âu yếm nhìn em. Vẻ mừng rỡ của Nhi khiến Thường cảm thấy nao nao trong dạ. Tội nghiệp, chiếc cặp của Nhi cũ xì, sứt chỉ tuột quai mấy tháng nay nhưng Nhi không dám mở miệng xin mẹ. Biết gia đình khó khăn, mẹ phải vất vả đối phó với cái ăn cái uống, Nhi lầm lũi đi học với chiếc cặp xộc xệch trên tay, quai phải bó lại bằng sợi kẽm.
Ngẫm nghĩ một hồi, Thường khẽ hắng giọng:
- Nhi nè!
- Gì anh?
- Khi nào cần gì, em nói với anh nghen! Kỳ lương sau, anh sẽ mua cho!
Nghe anh hứa hẹn mặt Nhi tươi roi rói. Nhưng rồi không biết nghĩ ngợi thế nào, Nhi lại lắc đầu:
- Thôi, em chẳng cần gì đâu! Anh đưa hết tiền cho mẹ đi!
Bất giác Thường khẽ thở dài. Câu nói của Nhi khiến anh cảm động và càng thương em hơn. Nhi còn nhỏ nhưng biết thương mẹ thương anh, không hay vòi vĩnh như các bạn cùng tuổi. Tuần lễ đầu đi bán, chiều nào Thường cũng để dành đem về cho em một khúc kẹo kéo. Tưởng Thường mua thật, qua đến ngày thứ tư Nhi rụt rè lên tiếng:
- Thôi, em không ăn nữa đâu! Anh đừng mua nữa! Tốn tiền lắm!
Nhưng Thường phớt lờ. Chiều nào anh cũng đem kẹo về cho em. Mấy ngày sau, Nhi lại buột miệng:
- Em đã nói anh đừng mua nữa mà! Em ngán lắm, ăn không nổi nữa đâu!
Nhìn vẻ mặt nhăn nhó của Nhi, Thường không biết Nhi nói thật hay giả vờ. Anh gật gù:
- Nếu em ngán thì anh không mua kẹo kéo nữa! Anh mua kẹo khác!
Nhi lật đật từ chối:
- Thôi, thôi, kẹo khác em cũng không ăn đâu!
Thường nheo mắt:
- Vậy chứ em muốn ăn thứ gì?
Nhi nhe răng sún ra cười:
- Em chẳng ăn gì hết! Thay vì mua kẹo, anh cứ để dành tiền đó cho em. Ít hôm nữa đóng tiền bảo trợ học đường, em khỏi phải xin mẹ!
Bây giờ nhìn vẻ mặt trầm ngâm trước tuổi của Nhi, bất giác Thường nhớ tới câu nói của Nhi hôm nào, lòng anh bỗng dạt dào thương mến. Và Thường tự nhủ, mặc dù Nhi không hé môi, nhưng từ nay về sau anh sẽ quan tâm đến Nhi nhiều hơn, xem Nhi ước muốn những gì, anh sẽ tự động mua quà cho Nhi vào kỳ "lương" tới.
Khác với Nhi, bà Tuệ đón nhận món tiền đầu tiên Thường mang về bằng một vẻ mặt trầm lặng. Trong lòng bà, buồn vui lẫn lộn. Để cho đứa con trai đang tuổi đi học phải đi làm thêm, điều đó làm bà áy náy, cảm thấy, cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với con cái. Nhưng mặt khác, với món tiền đầu tiên kiếm được, Thường đem đến cho bà cảm giác rằng anh đã trưởng thành, đã tỏ rõ vai trò của một người đàn ông trong gia đình và nhất là Thường đã làm tất cả những điều đó với phong cách lặng lẽ nhưng quả quyết, hệt như ông Phong lúc còn sống. Sự so sánh lạc quan đó đã giúp bà Tuệ nhanh chóng xua tan những lợn cợn trong đầu. Bà dịu dàng đặt tay lên vai Thường, trầm giọng, nói ngắn gọn:
- Dù sao con cũng phải lo giữ gìn sức khỏe và cố gắng học tốt!
Thường dạ khẽ.
Như sực nhớ ra, bà Tuệ nói thêm:
- Và dạy tốt nữa!
Thường lại dạ, không nén nổi vui mừng. Khi mẹ đã dặn anh "dạy tốt" có nghĩa mẹ đã mặc nhiên đồng tình với việc làm của anh. Mẹ đã không còn lo lắng nhiều về anh nữa. Trong suốt một tháng qua, vừa đi bán, Thường vừa sắp xếp thời gian để học bài, ôn tập cẩn thận nên kết quả học tập của Thường ở lớp không bị ảnh hưởng gì. Chính mẹ đã nhận thấy điều đó.
Nhưng điều khiến Thường sung sướng nhất, một niềm sung sướng không bờ bến, là kể từ khi có thêm phần đóng góp của Thường, sau nhiều ngày lưỡng lự, bà Tuệ đồng ý nghỉ một buổi dạy thêm trong ngày theo đề nghị khẩn thiết của Thường và Nhi.
Thế là một tuần sau ngày "lãnh lương" của Thường, bà Tuệ chỉ còn dạy một ngày hai buổi sáng và tối thay vì kín đặc cả ba buổi như trước đây. Thường đề nghị mẹ nghỉ dạy buổi tối, chỉ giữ lại buổi chiều nhưng bà Tuệ không chịu. Bà bảo học sinh buổi chiều là học sinh các trường phổ thông đi học thêm, không người này thì người khác nhận dạy, giáo viên thừa chứ không thiếu. Còn các lớp bổ túc ban đêm thù lao thấp, giáo viên ít nên không thể nghỉ dạy được. Hơn nữa, học trò các lớp đêm hầu hết là những người có hoàn cảnh khó khăn, vì lý do nào đó mà thất học hoặc không có điều kiện theo học các trường lớp chính qui, vì vậy bà không đành bỏ họ.
- Những người này họ còn khổ hơn mình, con ạ!
Bà Tuệ ngậm ngùi kết luận. Nghe vậy, Thường mới thôi nằn nì. Anh hiểu mẹ đã chọn lựa đúng, mặc dù so với đi dạy buổi chiều thì đi dạy buổi tối vất vả hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn.
Nhưng dù sao thì việc bà Tuệ thôi xoay tất bật như chong chóng với ba buổi dạy một ngày cũng đã là một bước tiến lớn và là một thay đổi đầy ý nghĩa trong gia đình. Cuộc sống có vẻ như thư thả và bớt nặng nề hơn, ít ra là về mặt tinh thần. Những tiếng ho húng hắng của bà Tuệ giữa canh khuya cũng dường như giảm đi nhiều. Thường nhận thấy thế.
Và trong nỗi hân hoan ngọt ngào đó, Thường chợt nhớ tới những ước mơ hôm nào anh đã cùng Tài Khôn thả theo những quả bóng bay. Như vậy là những mong mỏi thầm kín của anh đã dần dà biến thành sự thật. Còn mộng ước đẹp đẽ của cô bạn nhỏ kia, biết đến bao giờ?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui