Giai Thoại Ăn:
Càng lớn, Ty Ty càng khoái ăn, nhất là chất ngọt. Có lẽ vì lúc nhỏ thiếu sữa mẹ, nhà có mỗi hũ đường là tài sản đáng giá. Ty Ty thèm lắm, nhưng ngoại nói: "Ăn ngọt nhiều có sạn trong bụng", nên ít cho Ty ăn. Nó mỗi ngày nhìn từng thẻ đường vàng ươm, nước miếng tứa đầy miệng, bèn nghĩ cách... hũ đường biến mất.
Năm đó Ty Ty ba tuổi, có bạn là bé Nu, con cô giáo Bích, bé Mi con cô Nga - nhà hồi xưa bán hàng có cái nhà lầu to nhất bên xóm Hồ. Cả ba sở dĩ quen nhau nhờ Chín Mập. Chín Mập là con thứ chín của bà Hai Cầu Tự, còn là thằng con trai nhất trong chín đứa con, nên nó được cưng chiều lắm. Bà Hai cầu Tự trước G.P. giàu nứt vách, nhưng vì không có con trai nên thường làm phước với xóm giềng, mong trời đấy ngó lại, kẻo mai sau lư hương bát nước lâm cảnh nhang tàn, khói lạnh. Dù gì, ông bà ta có câu "Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô" mà.
Chẳng biết phải trời phật ngó nghĩ không, năm bảy hai, khi ông Chấn bắt đầu chán bầy con gái, đi sớm về trễ, thì bà Hai Gấm, tự là Cầu Tự đẻ được thằng Mập, nhà họ giết bò, mổ heo đãi khắp mấy mấy xóm suốt ba ngày. Hai Gấp tưởng giữ được chồng, té ra hồi G.P. ông Chấn bỏ đi biệt tích, để mình Hai Gấm nuôi chín đứa con. May là con của ăn của để, thêm mấy đứa con đầu lanh lợi khôn ngoan, nên gả đứa rồi vẫn lại qua nhờ cậy được.
Chín Mập mới vô lớp một, tên khai sinh oách lắm: Trần Tử Thiên. Đi học thì thôi , về tới nhà vứt cặp, Chín Mập lè lẹ chạy tới nhà cô Nga, ẵm bé Mi đi chơi, tạt qua nhà cô Bích rủ dì Hoa lé bồng bé Nu. Đi chơi ở đâu? Là tới nhà Ty Ty thôi. Con ranh đó, mới hai tuổi hơn, trò chơi mô cũng rành. Còn học ở đâu, bắt thiệt ngọt kể chuyện trời ơi đất hỡi, chuyện gì cũng hay. Lạ chưa, Ty Ty đợi Chín Mập qua như mọi chiều khác, lúc ngoại bán khoai chưa về. Y chang, Chín Mập cõng bé Mi qua.
- Ty Ty ở nhà buồn không?
- Bé Nu đâu?
- Chút nữa dì Hoa bồng qua.
Chín Mập để Mi xuống bên Ty Ty, lăm lăm mở bao thuốc lòe mắt Ty Ty.
- Chơi tán, Ty Ty.
- Lấy đường cho Ty.
- Ở đâu?
Ty chỉ lên nóc kệ cao. Chín Mập lấy xuống, Ty để ở gần chỗ chơi. Hai đứa chơi tán bao thuốc. Ngay cú tán đầu tiên, Ty không tán bao thuốc lại tán choảng một phát bể hũ đường. Chín Mập la:
- Chết rồi ! Bà ngoại đánh Ty Ty sưng đít cho coi:
Con nhỏ cười híp mắt:
- Đánh nhẹ thôi. Anh Mập, lượm đường cất.
Hồi đó thẩu thủy tinh chẳng quý báu gì, nhưng biểu bà Bốn bỏ tiền mua thẩu lần nữa, chắc còn... lâu. Chín Mập gói đường vô giấy, bỏ lại kệ tủ. Cả hai lại chơi tán. Rồi chơi trốn tìm tới lúc Hoa lé dắt bé Nu qua. Dù mệt rồi, Ty Ty bày trò chơi mới, đánh tù tì, ai thua phải hát. Cả bốn chơi với nhau tới lúc bà Bốn về.
- Ngoại ơi ! Thẩu đường bể rồi.
- Răng bể?
Ty Ty tỉnh bơ:
- Anh Mập thấy kiến đem phơi, làm bể.
Chín Mập trợn mắt, Ty Ty suỵt suỵt, bà Bốn lấy gạo vo, miệng than:
- Cha trời ! Chừ để đường mô đây, chảy nước hết.
Chín Mập hiến kế:
- Mua hũ khác.
- Bốn đồng bạc lận, tiền mô?
- Bỏ bao ni lông, bà Bốn.
- Kiến chui dữ lắm.
Hết cách, Ty Ty thỏ thẻ:
- Nấu chè ăn nhe ngoại, con thèm quá.
Chín Mập, bé Mi, bé Nu đồng vỗ tay, bà Bốn sao nỡ từ chối.
- Ừ, mai mốt rồi nấu.
- Kiến lắm ngoại, nấu bây giờ đi. Mua một lon đậu thôi mà.
Vậy là bà Bốn đi mua đậu, Ty Ty "thó" liền hai miếng đường chia cho bé Mi, bé Nu, thằng Mập. Phần nó nguyên một miếng. Bà ngoại về thấy la, nó nói:
- Một lon đậu mười thẻ đường, ngoại nói mà.
Đúng ý, còn mười thẻ. Hôm đó Ty Ty ăn chè trừ "sắn công cơm". Bữa ăn ngọt "đã" nhất của nó .
Giai Thoại Ngón Cẩu Quyền:
Bạn bè đi học hết, Mi, Nu đến mẫu giáo. Chín Mập học lớp bốn. Mỗi Ty Ty ở nhà... quậy. Bà Bốn là gì có tiền cho Ty Ty đi học, đành đợi vô lớp một thôi.
Trường mẫu giáo Hoa Phượng Đỏ, có chi nhánh trong xóm Hồ, cách nhà Ty Ty con hẻm, nên chiều nào Ty Ty cũng qua đó đợi Nu, Mi học xong đón bạn về.
Cha trời ! Đi học đã thiệt, có cả sân chơi, nào cầu tuột, nào xích đu, ngựa gỗ, v.v... gần tới giờ tan học cổng trường mở tha hồ Ty Ty chơi đủ trò.
Kẻng vang, Ty Ty phóc xuống đón bạn, ngẩn tò te khi thấy Mi khóc, nước mắt nước mũi tùm lum, cô giáo dỗ không nín. Vừa lúc Chín Mập qua (nó có nhiệm vụ thiêng liêng là đón Mi, Nu mỗi chiều).
- Thưa cô, răng Tâm Minh khóc rứa ? - Chín Mập lễ phép hỏi.
Cô giáo kể, vẻ bối rối:
- Bé Hồng cắn nó, cô phạt rồi, nhưng hỏi, cả hai không nói tại sao.
Bé Nu đi ra, rụt rè nói:
- Bạn Hồng xin kẹo, bạn Mi nói để dành cho Ty Ty, bạn Hồng cắn, nói bạn Mi kiết, còn nói con nhà buôn lậu, bạn Mi tức khóc.
Ty Ty trợn mắt:
- Hồng ở xóm Chuối hả?
Mi gật đầu. Ty Ty đùng đùng chạy đi, Chín Mập gọi:
- Ty Ty !
Nó dông tuốt, tới nhà bé Hồng "kênh":
- Răng dám cắn bạn Ty, còn nói buôn lậu?
Người lớn tưởng chuyện con nít, để mặc. Ty Ty chụp bé Hồng, cắn một phát chảy máu, bỏ chạy về, gặp Chín Mập đứng nhà chờ, nó nói:
- Trả thù cho bé Mi rồi.
- Là răng?
- Cắn lại, chảy máu luôn.
Chín Mập kêu trời, dắt Ty ty chạy ù qua hẻm khác:
- Mập làm chi chạy dễ sợ rứa?
- Trời ơi ! Mấy bà xóm Chuối dữ lắm, nhất là bà Cúc, mẹ bé Hồng, không chạy bả giết Ty cho coi.
Ty Ty đứng lại, tỉnh bơ:
- Vậy mình phải triệu tập "quân sĩ" chống lại.
Nó biến mất qua ngách kẹt khác. Chín Mập chạy tìm rồi dành bỏ dở khi nghe bà Hai Cầu Tự mẹ nó cất giọng "thỏ thẻ" cả xóm đều nghe để gọi Chín Mập về ăn cơm.
Mười phút sau, từ trong nhà, Chín Mập nghe rầm rộ, ồn ào ở cả xóm Hồ. Chín Mập hỡi ơi bỏ chén cơm chạy theo qua, để rồi ngơ ngác. Ở khoảng nhà chật hẹp của bà Bốn, đầy đặc con nít tuổi từ năm đến mười, nghĩa là toàn bộ "tinh hoa" của xóm Hồ. Những mầm non tương lai đất nước, trên tay nào là đá, nào gậy, la ó dậy trời, đứng đầu là Ty Ty chống nạnh, vênh váo như gà con vừa nhổ lông đuôi.
- Đả đảo người xóm Chuối, ăn hiếp con nít xóm Hồ.
- Đả đảo ! - Hàng mấy chục cái miệng hô theo Ty Ty .
- Cương quyết đoàn kết một lòng, bảo vệ cư đàn con nít xóm Hồ trước mọi thế lực đen tối.
- Cương quyết !
- Đả đảo thói vu oan, nói xấu của bé Hồng.
- Đả đảo !
- Đả đảo "cẩu quyền" của bé Hồng.
- Đả đảo !
Thanh niên trật tự tới. Sân chơi trường mẫu giáo Hoa Phượng Đỏ thành phiên tòa phán xử. Anh thanh niên phải điều động thêm đồng sự các khu vực khác tới để giữ gìn trật tự. Anh hỏi:
- Ai dám cầm đầu biểu tình đả đảo?
- Ty Ty. - Hàng mấy chục cái miệng hô lên.
Anh thanh niên nhìn Ty Ty nghi ngại. Nó mới lên năm tuổi, anh biết chứ. Răng biết hô đả đảo hè?
- Ty Ty ! Nghe chú hỏi, răng con biết hô đả đảo.
- Dạ, bà ngoại kể. Hồi chống bọn ác ôn, bảo vệ... a... bảo vệ...
- Những người yêu nước, theo C.M.
- Dạ, đúng rứa. Thì nhân dân tập hợp biểu tình hô đả đảo.
Anh thanh niên bậm môi cố nín cười, làm mặt nghiêm nghị:
- Chừ thời C.M. hết bọn ác ôn, ai cho phép con tụ tập... làm loạn.
- Dạ mô có. Là tại người lớn xóm chuối ăn hiếp con nên con nít xóm Hồ "nổi dậy" bảo vệ.
- Đầu đuôi răng nói nghe, chị Cúc.
Cúc kể lể:
- Dạ tui mô biết chi. Tự nhiên cái hắn chạy tới, cắn con Hồng một phát, chảy máu tùm lum, con nhỏ xíu - Chị Cúc xót con chảy nước mắt - Tụi định qua nói phải quấy với bà ngoại hắn...
- Không phải. Cô Cúc kéo cả xóm Chuối qua định "giết" Ty. Bằng chứng ràng ràng - Ty ong óng.
- Con ranh ! - Tức quá, Cúc rủa - Tao có dao búa chi mà giết mi, con tê?
- Là anh Mập nói. Cô sẽ giết Ty, Ty không muốn chết, bỏ bà ngoại mô.
Chín Mập bị kêu ra làm chứng. Hồi nào tới giờ, Chín Mập là tấm gương sáng cho cả cư dân thiếu nhi hai xóm, lời nó nói có trọng lượng lắm.
Trong mười phút, nó trình bày đầu đuôi câu chuyện , cô Nga dắt bé Mi ra, xăn tay áo lên cho bà con thấy vòng băng thù lù, kèm cặp mắt sưng húp, cô nói:
- Không biết ai bày bé Hồng nói bé Mi là giàu mà kiết, buôn lậu, Mi nó có nghe buôn lậu bị tù, nên sợ khóc miết.
Rõ rồi. Dù sao cũng chuyện trẻ con năm tuổi. Anh thanh niên gọi Ty Ty, nghiêm mặt:
- Đả đảo "cẩu quyền" của bé Hồng, sao lại xài "cẩu quyền" với bé Hồng hả ?
- Dạ, để Hồng biết đau mà chừa cắn bậy.
Mấy chú lắc đầu. Một chú nói:
- Thôi, chuyện trẻ con. Bà con giải tán, từ nay cấm tụ tập gây mất an ninh trật tự. Còn bé Hồng, bé Ty, chúng tôi sẽ tới nhà làm việc.
Giai Thoại Làm Bếp:
Có một điều từ lâu, Ty Ty ấm ức mãi mà chưa làm được. Một điều phát xuất từ lòng thương bà nói mà ra. Đó là mỗi buổi sáng, từ bốn giờ, ngoại nó đã dậy luộc khoai. Từ năm biết nói, Ty Ty luôn dậy theo ngoại. Nhìn ngoại nhen lửa, rửa khoai, bắc bếp ra sao mà ngoại nó không hề biết. Đêm qua, nghe ngoại than đau lưng, Ty Ty châm bẩm, sẽ dậy sớm thay ngoại làm tất.
Mới hai giờ sáng, nó bò dậy, rón rén giở mùng chui ra, mò xuống bếp. Đầu tiên là rửa khoai. Dễ ợt. Bê rổ khoai không nổi thì lượm từng bụm bỏ vô thau, lấy bàn chải chù từng củ sạch sẽ. Hà ! Thì ra rửa hết rổ khoai cực thiệt. Mồ hôi túa ra nhiều hơn chơi đánh tán. Hừ! Rồi cũng hết. Xong rồi, tới phần bê nồi lên bếp. Cha! Cái nồi nặng quá. Nó khệ nệ bắc nồi không, làm hệt như bà Bốn, bỏ gạch, úp rá tre, đổ nước vo xấp xỉ tới rá, xong hốt từng củ khoai bỏ dưới, sắn bỏ trên, có lớp có làng hẳn hòi lắm, điều này ngoại thường kể và nó cũng thấy khi ngoại giở nồi cho khoai ra sàn. Xong. Ôi! Bà ngoại ơi! Thì ra ngoại cực khổ tới rứa.
Chễm chệ lấy đòn ngồi, Ty Ty bắt đầu cho củi vô lò, lấy dăm bào rải quanh ở dưới rồi lấy đèn châm lửa. Lạ he! Ngoại nhen lửa , nó cháy hoài, răng mình nhen, nó cháy một tí lại tắt. Ty Ty lại bỏ dăm bào nhen lại. Cháy hết dăm bào, nó lại tắt. Hai ba lần, con nhỏ tức mình đứng lên lấy chai dầu lửa, một tay lem luốc lọ, quẹt mồ hôi, một tay chế dầu vào bếp. Phừng. Lửa bùng cháy rực, cháy cả chỗ chai dầu. Ty Ty hết hồn quăng đại. Cháy sáng rực, len quầng lửa ra khe ván khiến tốp tự vệ đi bên ngoài chú ý:
- Bà Bốn ơi !
Ty Ty không nghe gọi, nó đang bậm môi, trợn mắt, "chiến đấu" với lửa bằng cái bao cát ướt nước hệt như hồi đi xem phòng cháy chữa cháy. Bên ngoài, đám tự vệ leo cửa ngõ, xông vô, đập cửa la lối:
- Bà Bốn ! Bà Bốn ! Cháy nhà kìa !
Cả xóm lao xao thức dậy. Bên trong bà Bốn mở mắt ra nhình hoảng hồn, luýnh quýnh mãi trong mùng không ra được. Bà nổi la làng:
- Cứu ! Cháy nhà !
Ty Ty vẫn đập lửa, bên phải, bên trái, nhảy nhót như khỉ, cái cửa ván ép bung ra trước sức đạp của năm chàng tự vệ. Cả bọn ùa vào. Chỉ năm phút sau, ngọn lửa tắt ngúm. Mười phút tiếp theo, cả xóm rõ ngọn ngành vì sao. Cả xóm lắc đầu nói với bà Bốn:
- Dì Bốn phạt nặng vô, kẻo có ngày cháy nhà, cháy lây cả xóm.
Người người giản tán, bà Bốn ngồi lơ láo trước bếp lửa tanh banh và nồi khoai. Bà không la mắng Ty Ty, chỉ khóc lặng lẽ. Vậy mà con nhỏ sợ khiếp, tự động quỳ gối, khoanh tay, bệu bạo:
- Ty Ty hứa, từ nay không nấu khoai làm cháy nhà nữa.
Bà Bốn ôm cháu, khóc òa:
- Ngoại biết con hiếu thảo, ngoại không trách con, nhưng con còn nhỏ quá, đừng làm ngoại sợ. Hứa đi Ty Ty.
- Con hứa.
Và cho tới lớn, Ty Ty mới được phép làm bếp.
Giai Thoại Siêu Quậy:
Lúc này Ty Ty học lớp sau Kim Đồng rồi, sắp sang lớp bảy, cùng học với Mi và Nu. Chín Mập học lớp mười sắp lên mười một. Chín Mập giờ bớt mập, nhờ đi đá banh hoài, phát triểu chiều cao trông bảnh ra phết. Tụi nó vẫn là bạn thân thiết của nhau. Ty Ty, Tâm Minh (tức Mi), Hồng Diệp (tức bé Nu) toàn là học sinh giỏi đến tiên tiến, dù cóc đi học thêm bất cứ môn học hóc búa nào với thầy cô, vì có ... Chín Mập kèm đủ năm môn chính. Trong ba đứa, Ty Ty học giỏi nhất. Biết sao được. Đi học xong chiều về, đi đổ nước kèm với xấp vé số, có hôm tối thui còn lang thang ở chợ. Chín Mập thương và xót cho Ty Ty lắm, nhưng bé tỉnh bơ, nhơn nhơn hãnh diện vì... có mấy ai đi "làm" kiếm tiền ăn học được như nó.
Vậy đó, và mỗi chiều về Ty Ty đi qua xóm Chuối, hơi dừng bước trước nhà con Hồng ngắm cây ổi nhà nó, nước miếng tứa tràn miệng. Trời ơi ! Giống ổi gì mà ngon quá xá, to bằng cái chén, ngọt lịm giòn rụm. Cây ổi đang thời xung sức, cho đặc trái, lủng lẳng đung đưa trên cành như chọc tức Ty Ty.
Có ba nguyên nhân để Ty Ty tức : Thứ nhất, cây ổi là tài sản của bà nội con Hồng. Bà là chúa thù vặt. Chuyện cẩu quyền gần bảy năm rồi, bà còn ghim trong lòng. Bà ngoại Ty với Ty mua ổi, nhất định không bán. Thứ hai, bà nội con Hồng không có đạo đức, chỉ ham tiền, dân xóm Chuối, xóm Hồ chẳng ai ăn được ổi nhà bà (bán mắc quá mà). Nhà nào có lầu là bà đem tới. Thứ ba, Ty Ty từng được thưởng thức ổi nhà bà do Tâm Minh đem đến lớp. Trời ơi ! Ăn đã luôn. Và bởi vì ngày nào bà nội con Hồng cũng bắc ghế ra cửa ngồi "hát" vì có kẻ nào dám ăn trộm ổi của bà. Thật ra, cả xóm Chuối biết tỏng, chẳng ai dám làm thế, là mấy con dơi thôi. Nhưng đành nghe bà nội on Hồng "cất tiếng ca" một ngày như mọi ngày.
Ty Ty quyết một trận lấy cả vốn lẫn lời khi tay nghe đầy những lời ca mất ổi.
Đêm tháng mười mưa bão, sấm chớp dậy trời, Ty Ty lẳng lặng chui rào "đi thăm xóm Chuối". Chẳng ai biết Ty Ty làm cách gì dỗ được con chó vàng nhà nhỏ Hồng. Chỉ biết, buổi sáng hôm sau, cơn bão đi qua Quảng Nam Đà Nẵng, bầu trời quang đãng. Còn trong nhà nhỏ Hồng nổi cơn bão tố cuồng phong. Bà nội con Hồng khóc gào đến khan tiếng chỉ vì cây ổi không còn một trái dù là bọc lót kỹ càng. Chưa hết, ba nhánh lớn bị gãy tả tơi nằm trên đất.
Trong khi ấy, thiếu niên nhi đồng xóm Chuối, xóm Hồ đi đến trường, cặp đứa nào cũng có ổi. Thật kỳ lạ, miệng chúng nhóp nhép cả ngày. Thế nhưng ai hỏi chuyện cây ổi nhà con Hồng là chúng câm như hến.
Một tháng sau, cây ổi nhà con Hồng chết, chẳng rõ tại sao. Nhà con Hồng một phen chửi bới, khóc lóc. Chín Mập, tức là Thiên, lúc ấy mới mở miệng hỏi Ty Ty :
- Là em hả ?
- Em cái gì ? - Ty lầu bầu nhìn mãi mấy con số trong bài đại số.
- Cây ổi nhà con Hồng.
Tâm Minh, Hồng Diệp len lén nhìn Ty Ty. Tụi nó vì Ty Ty không chịu tới nhà, đành qua nhà Ty Ty để anh Thiên dạy học. Biết sao được, người nghèo tự trọng không dám trèo à.
Ty Ty có thể quậy phá, đánh lộn, duy có một điều không nói dối với anh Mập bao giờ.
- Cây ổi chết đâu phải lỗi tại em.
- Vậy lỗi tại ai ? - Chín Mập gắt khẽ.
- Em hái ổi thôi, liên hoan hai xóm thoát nạn mù chữ tuổi thiếu niên nhi đồng mờ.
- Nó bị gãy...
- Bị thương đâu phải chết.
- Nó chết rồi.
- Một tháng sau mới chết, liên quan gì tới em ?
Chín Mập tức quá, vụt cục phấn ra cửa đứng. Hồng Diệp nháy Ty Ty, nói nhỏ:
- Xin lỗi anh Mập đi. Ảnh không méc đâu.
Ty Ty trợn mắt, Nu nín tịt. Bà Bốn đem đĩa sắn bốc khói để lên bàn, gọi Thiên :
- Chín à ! Ăn khoai cho ấm bụng con.
Thiên "no" lắm rồi, nhưng sợ bà Bốn buồn. Tuổi mười bảy, bà Bốn làm mẹ rồi, năm ba lăm tuổi, có cháu ngoại.Giờ mới bốn sáu mà như ngoài năm mươi. Lam lũ bán khoai, nuôi Ty ăn học, bà Bốn chỉ hy vọng Ty nên người và trông cậy vào Thiên.
Thiên ăn sắn, hỏi bà Bốn :
- Ngoại à ! Sáng sớm ngoại đi mô rứa ?
Bà Bốn khoe :
- Con Tâm ở Mã Tây rủ bà đi bán chợ trời. Mèn ơi ! Mua bán chút xíu lúc tờ mờ, mà bà lời được mười ngàn.
Ty Ty quan tâm ngay :
- Bán giống gì lời lẹ vậy ngoại ?
- Ôi ! Giống gì con Tâm mua thì ngoại mua. Mà phải đi thiệt sớm, mua rồi bán liền tại chỗ, lời liền tay.
Ty Ty phán liền một câu :
- Mai con đi với ngoại.
Thấy Thiên nhăn trán, bà Bốn lắc đầu :
- Lo học cho giỏi đi, chuyện này để ngoại.
Hết buổi học, Thiên về, Ty Ty lò dò đi theo.
Thiên giờ mới rầy :
- Lên lớp bảy rồi, làm đàn chị khối đứa, còn là thiếu niên tiền phong, em đừng quậy nữa được không ?
Khi không có ai, anh Chín Mập la gì Ty Ty cũng làm thinh.
- Hứa với anh đi.
Ty Ty đưa tay lên cao :
- Ty Ty thề từ nay không phá cây ổi nhà con Hồng.
Thiên ngán ngẩm nhìn con bé. Trời ơi ! Mười ba tháng nó biết quậy rồi, chẳng biết khi thành con gái, nó ra sao đây ?