Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa

Họa sĩ Pháp Monet đến London và vẽ tu viện Westminster. Monet vẽ trong một ngày sương mù bình thường ở London. Trong bức tranh của Monet những đường nét gô-tích của tu viện chỉ hơi mờ mờ chọc thủng màn sương. Bức tranh được vẽ một cách điêu luyện.

Khi tranh được trưng bày, nó làm cho dân London xôn xao. Người ta sửng sốt thấy sương mù trong tranh Monet được vẽ bằng màu đỏ thắm, trong khi ai cũng biết rằng sương mù có màu xám.

Sự ngang ngược của Monet lúc đầu làm người ta công phẫn. Nhưng những người công phẫn kia bước ra phố, nhìn kỹ sương mù và lần đầu tiên họ nhận thấy nó quả nó có màu đỏ thắm thực.

Lập tức người ta tìm cách giải thích điều đó. Rồi người ta đồng ý với nhau rằng sắc đỏ của sương mù phụ thuộc vào độ dày đặc của khói. Ngoài ra những ngôi nhà gạch đỏ ở London đã làm cho sương mù có màu như thế.

Dù sao mặc lòng, Monet đã thắng. Sau khi có bức tranh của ông, mọi người bắt đầu thấy sương mù London giống sương mù mà họa sĩ đã thấy. Đến nỗi người ta đặt biệt hiệu cho Monet là "người sáng tạo ra sương mù London".

Nếu nói đến những thí dụ trong đời tôi, thì lần đầu tiên tôi được thấy tất cả cái đa dạng về màu sắc trong một ngày mưa ở Nga là sau khi xem bức "Trên sự yên tĩnh đời đời" của Levitan.

Trước đó tôi thấy trời mưa chỉ có độc một màu đáng ngán. Cả cái buồn lúc trời mưa, theo tôi nghĩ hồi đó, là do mưa vùi dập mọi màu sắc và phủ vẩn đục lên mặt đất.

Nhưng Levitan lại nhìn thấy trong cái đáng ngán ấy một sắc thái cao cả, một sắc thái uy nghi nữa là khác. Và ông tìm thấy trong cái đáng ngán ấy rất nhiều màu trinh trắng. Từ đó trời mưa thôi không đè nặng lên tôi nữa. Ngược lại, tôi còn thích trời mưa vì cái không khí trong sạch của nó, vì cái lạnh, khi má ta nóng rực, vì mặt nước gợn lăn tăn màu thiếc trắng trên sông, vì sự chuyển động nặng nề của những đám mây. Và sau hết, tôi thích mưa còn vì khi mưa xuống mình mới biết quý những của cải bình dị trên thế gian: căn nhà gỗ ấm áp, ngọn lửa trong lò sưởi, tiếng ấm samovar reo, ổ rơm khô phủ vải gai trên sàn, tiếng mưa rơi trên mái đưa ta vào giấc ngủ và trạng thái giấc mơ màng êm ả. Hầu như mỗi nghệ sĩ, dù anh ta ở thời đại nào và thuộc trường phái nào, cũng đều mở ra cho ta thấy những nét mới của thực tại.

Tôi có cái may mắn được thăm nhà triển lãm hội họa Dresden vài lần. Ngoài "Đức Mẹ Sistin" của Raphael, ở đó còn có rất nhiều tranh của các bậc thầy cổ xưa, trước tranh của họ mà dừng lại thì thực nguy hiểm. Những bức tranh ấy không buông tha ta. Ta có thể nhìn chúng hàng giờ, có khi hàng ngày và nhìn chúng càng lâu thì nỗi xúc động khó hiểu trong tâm hồn ta càng lớn. Nỗi xúc động ấy dâng cao đến mức con người khó mà cầm được nước mắt.

Tại sao lại có những giọt nước mắt không rơi ấy? Vì rằng trong những bức tranh kia có cả cái toàn thiện, toàn mỹ của tinh thần và quyền lực của thiên tài, là cái buộc ta phải hướng về sự trong sạch, sức mạnh và cái cao thượng trong những nguyện vọng của mình.

Trong việc thưởng ngoạn cái tuyệt mỹ, xuất hiện nỗi lo lắng báo trước sự tẩy rửa nội tâm của chúng ta. Hình như tất cả cái mát mẻ của những cơn mưa, những làn gió, hơi thở của đất đai khai hoa, bầu trời nửa đêm và những giọt nước mắt chảy ra vì tình yêu đều nhập vào trái tim biết ơn của chúng ta và vĩnh viễn chiếm lĩnh nó.

Hình như những người theo chủ nghĩa ấn tượng làm cho ánh sáng mặt trời mạnh thêm. Họ vẽ ngoài trời và, đôi khi, có lẽ họ đã cố ý làm cho màu sắc đậm thêm. Cái đó làm đất đai trong những bức tranh của họ xuất hiện trong một ánh sáng hân hoan.

Đất đai trở thành đất đai ngày hội. Trong việc đó không có gì là tội lỗi, bởi vì không có tội lỗi trong tất cả những gì đem lại thêm cho con người dù chỉ là chút ít niềm vui.

Chủ nghĩa ấn tượng là của chúng ta, cũng như tất cả những di sản giàu có khác của quá khứ. Bỏ nó đi có nghĩa là ta tự đẩy ta đến chỗ hẹp hòi có ý thức. Chúng ta không hề vứt bỏ "Đức Mẹ Sistin" của Raphael mặc dầu bức tranh ấy đã được sáng tác theo đề tài tôn giáo. Chúng ta không ngu ngốc đến nỗi không còn biết đâu là ranh giới giữa thiên tài của hội họa với tôn giáo.

Tôi không nghĩ rằng có thể có một người xô-viết nào đó vì ngợi khen "Đức Mẹ Sistin" mà bỗng chốc trở thành con chiên của đạo Chúa. Cái vô lý của ý nghĩ đó rất rõ. Tại sao chúng ta lại đi quan tâm nghiêm túc đến những ý nghĩ tức cười khi vấn đề động chạm đến những nhà ấn tượng chủ nghĩa. Picasso, người luôn nghĩ cách đổi mới, có gì nguy hiểm cho chúng ta? Và những nhà ấn tượng chủ nghĩa Matisse, Van Gogh hoặc Gauguin? Tiện đây cũng xin nói rằng Gauguin là người đã đứng vào cuộc đấu tranh chống chính quyền thực dân Pháp vì nền độc lập của nhân dân Tahiti.

Chuyện đó có gì xấu và nguy hiểm? Những bộ óc đố kỵ hoặc cơ hội nào dám nghĩ rằng cần phải sổ toẹt lớp họa sĩ xuất sắc và tài năng ra khỏi nền văn hóa của nhân loại và nền văn hóa của chúng ta nói riêng?

Sau cuộc gặp gỡ trên tàu với ông bạn họa sĩ, tôi tới Leningrađ. Trước mắt tôi lại mở ra cái quần thể trang trọng của những quảng trường và những tòa nhà cân đối trong thành phố.

Tôi ngắm nghía chúng rất lâu, cố tìm ra điều bí mật trong kiến trúc của chúng. Bí mật đó là ở chỗ những tòa nhà cho ta ấn tượng về cái hùng vĩ mà trong thực tế chúng lại chẳng lấy gì làm lớn cho lắm. Một trong những công trình tuyệt mỹ là nhà bộ Tổng tham mưu kéo một vòng cung đều đặn trước điện Mùa Đông chiều cao không quá một tòa nhà bốn tầng. Thế mà nó còn hùng vĩ hơn bất cứ tòa nhà chọc trời nào ở Moskva.

Lời giải câu đố rất đơn giản. Cái hùng vĩ của những tòa nhà sở dĩ mà có là do sự cân xứng, những tỷ lệ ăn nhịp với nhau và một số nhỏ vật trang hoàng: những viền cửa gỗ, những xoáy ốc trang trí và phù điêu.

Nếu ta nhìn kỹ những tòa nhà ấy, ta sẽ hiểu rằng óc thẩm mỹ tốt trước hết chính là ý thức chừng mực.

Tôi tin rằng những định luật trên về cái cân xứng giữa các phần, sự loại bỏ tất cả những cái thừa không cần thiết; một số ít vật trang hoàng, cái giản đơn, trong đó mỗi đường nét nổi lên rõ ràng và cho ta một khoái cảm - tất cả những cái đó có liên quan ít nhiều đến cả văn xuôi.

Nhà văn đã yêu cái toàn thiện toàn mỹ của những hình thức kiến trúc cổ điển không bao giờ để cho lối bố cục vụng về và nặng chịch có mặt trong văn mình. Nhà văn đó sẽ đạt tới sự cân xứng của các phần và sự nghiêm khắc của bức vẽ bằng lời. Nhà văn đó sẽ tránh sự thừa của những vật trang hoàng và loãng văn xuôi - tức là thứ bút pháp mà người ta gọi là bút pháp trang trí.

Bố cục của một tác phẩm văn xuôi phải đạt tới mức không thể bỏ đi hoặc thêm vào một chút gì mà không làm hỏng đi ý nghĩa của câu chuyện và dòng đi hợp quy luật của các sự kiện.

Bao giờ cũng vậy, tôi dùng hầu hết thời gian ở Leningrađ vào việc xem viện bảo tàng Nga và viện bảo tàng Ermitazh.

Bóng tối yếu ớt với ánh sáng mạ thẫm màu trong những gian trưng bày ở Ermitazh, đối với tôi thật là thiêng liêng. Tôi bước vào Ermitazh như bước vào kho thiên tài của nhân loại.

Trong viện bảo tàng Ermitazh, lần đầu tiên, khi còn là một thanh niên, tôi đã cảm thấy hạnh phúc làm người. Và hiểu rằng con người có thể trở nên vĩ đại và tốt đẹp.

Lúc đầu tôi cứ bị lạc giữa cái đám diễu hành lộng lẫy của các họa sĩ. Tôi chóng mặt vì màu sắc quá nhiều và dày đặc, và để nghỉ ngơi, tôi bỏ ra gian trưng bày tượng.

Tôi ngồi ở đó rất lâu. Và càng nhìn những bức tượng của những nhà nặn tượng vô danh Hy Lạp hoặc tượng những người đàn bà tủm tỉm cười của Canova tôi càng hiểu rõ thêm rằng tất cả những tác phẩm điêu khắc nọ chính là lời kêu gọi con người đi tới cái tuyệt mỹ và nó là điềm báo trước buổi bình minh trong sáng nhất của nhân loại. Lúc đó thi ca sẽ ngự trị trên những trái tim, và chế độ xã hội - chế độ mà chúng ta đang vượt qua những năm lao động, lo lắng và căng thẳng trong tâm hồn để đi tới - sẽ được xây dựng trên cái đẹp của chính nghĩa, cái đẹp của trí tuệ và trái tim, của những quan hệ giữa người với người và của thân thể con người.

Đường ta đi sẽ dẫn tới một thời đại hoàng kim. Thời đại đó sẽ đến. Tất nhiên, đáng giận là chúng ta không được sống đến ngày ấy. Nhưng chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc khi ngọn gió thời đại đó đã reo vang quanh ta và bắt tim ta đập mạnh thêm.

Chả thế mà Heine đã tới viện bảo tàng Le Louvre ngồi hàng giờ bên tượng thần Vệ nữ ở Milos mà khóc.

Ông khóc gì? Khóc cho cái toàn thiện toàn mỹ của con người bị nhục mạ. Khóc vì con đường đi tới cái toàn thiện toàn mỹ ấy thật là cực nhọc và xa lắc đối với cả ông, với Heine, người đã hiến cho mọi người chất độc và ánh sáng của trí óc mình, người đã không thể đi tới - tất nhiên - miền đất hứa mà trái tim sôi nổi suốt đời vẫy gọi ông tới đó.

Sức mạnh của nghệ thuật điêu khắc là ở chỗ đó, cái sức mạnh mà nếu thiếu hơi ấm bên trong của nó thì không thể có nghệ thuật tiên tiến, nhất là nghệ thuật của đất nước chúng ta. Cũng như vậy, không thể có một nền văn xuôi vững chắc.

Trước khi nói đến ảnh hưởng của thi ca đối với văn xuôi, tôi muốn nói vài lời về âm nhạc, hơn nữa âm nhạc và thi ca thường gắn kết chặt chẽ với nhau.

Đề tài cuộc nói chuyện ngắn ngủi về âm nhạc buộc phải giới hạn trong cái mà chúng ta gọi là tiết tấu và nhạc tính của văn xuôi.

Trong văn xuôi chân chính bao giờ cũng có tiết tấu của nó.

Trước hết tiết tấu của văn xuôi đòi hỏi sự sắp đặt các từ sao cho người đọc có thể tiếp nhận câu văn nhẹ nhàng, không căng thẳng, tiếp nhận được ngay tức khắc. Chekhov đã nói về điều đó khi viết thư cho Gorky "Văn phải được xếp gọn (vào trong ý thức người đọc) ngay lập tức, trong một giây".

Không thể để cho người đọc phải ngừng lại trên tác phẩm để khôi phục sự chuyển động của các từ, sự chuyển động thích ứng với tính chất đoạn này hay đoạn khác trong văn.

Nói chung nhà văn cần phải giữ người đọc trong tình trạng chú ý không rời, dẫn người đọc theo mình và không được để trong văn bài của mình còn có những chỗ tối nghĩa và lủng củng làm cho người đọc vì vấp phải những chỗ đó mà vượt ra ngoài quyền lực của nhà văn.

Nhiệm vụ của nhà văn và tác dụng của văn xuôi là ở chỗ giữ được người đọc trong tình trạng chú ý không rời ấy, lôi cuốn người đọc, sao cho người đọc cảm nghĩ giống nhà văn, cùng với nhà văn.

Tôi nghĩ rằng không bao giờ tiết tấu của văn xuôi lại có thể đạt được bằng con đường nhân tạo. Tiết tấu của văn xuôi phụ thuộc vào tài năng, vào cảm năng ngôn ngữ, vào "thính giác tốt của nhà văn". Cái thính giác tốt ấy trong một mức độ nào đó là cái rất gần với tai nhạc.

Nhưng cái làm cho ngôn ngữ của người viết văn xuôi phong phú nhiều hơn hết là sự hiểu biết thi ca.

Thi ca có một đặc tính kỳ lạ. Nó trả lại cho chữ cái tươi mát trinh bạch ban đầu. Những từ tơi tả nhất mà chúng ta đã "nói cạn" đến cùng đã mất sạch tính hình tượng đối với ta, chi còn lại một cái vỏ, những từ ấy trong thi ca lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương!

Giải thích cái đó ra sao, tôi không biết. Tôi cho rằng từ tái sinh trong hai trường hợp.

Một là, khi nào người ta trả lại cho nó sức mạnh ngữ âm (âm thanh). Mà làm việc đó trong thi ca thì dễ hơn trong văn xuôi nhiều. Vì thế trong bài hát và trong tình ca các từ tác động đến chúng ta mạnh hơn trong lời nói thường.

Hai là, cả đến những từ đã tơi tả, nếu được đặt vào đội ngũ âm nhạc êm ái trong một bài thơ thì hình như nó được no nê âm điệu du dương của câu thơ và bắt đầu vang vang trong sự hài hòa cùng với những từ khác.

Và cuối cùng là thi ca phong phú phép điệp vận. Đó là một trong những tính chất quý báu của nó. Văn xuôi cũng được quyền có điệp vận.

Nhưng cái chính không phải ở chỗ đó.

Cái chính là ở chỗ khi văn xuôi đạt tới mức toàn thiện toàn mỹ thì về bản chất nó đã là thơ đích thực rồi.

Chekhov cho rằng truyện "Taman" của Lermontov và "Con gái viên đại úy" của Pushkin chứng minh mối liên lạc máu mủ giữa văn xuôi với thơ Nga đầy nhựa sống.

Prishvin đã có lần viết về mình (trong một bức thư riêng) rằng ông là "nhà thơ bị đóng đanh trên cây thập tự của văn xuôi".

Lev Tolstoy viết: "Tôi không bao giờ hiểu đâu là ranh giới giữa văn và thơ". Ông đặt ra câu hỏi sau với sự nóng nảy hiếm có ở ông trong "Nhật Ký Tuổi Xuân".

"Vì sao thơ và văn, hạnh phúc và khổ đau, lại gắn bó chặt chẽ với nhau đến thế? Phải sống như thế nào đây? Cố gắng để bất thần gắn thơ và văn lại với nhau hay là thích thú cái này, bỏ mặc cái kia?. Trong ước mơ, có mặt cao hơn thực tại. Trong thực tại, có mặt cao hơn ước mơ. Hạnh phúc đầy đủ là sự nối liền hai cái lại với nhau".

Trong lời nói đó của Tolstoy, mặc dầu được phát biểu một cách hấp tấp, đã thể hiện một ý nghĩ đúng đắn: hiện tượng cao hơn hết, có sức thuyết phục hơn hết, hạnh phúc chân chính chỉ có thể là sự hòa hợp hữu cơ giữa thơ và văn, hay nói một cách chính xác hơn, là văn tràn đầy nội dung thơ, nhựa sống dồi dào của thơ, cái không khí trong sáng nhất, cái quyền lực bắt người ta say mê của nó.

Trong trường hợp này tôi không ngại dùng chữ "làm người ta say mê" (nói cách khác - "bắt làm nô lệ"). Bởi vì thơ bắt làm nô lệ, làm cho mê mẩn và bằng một cách kín đáo, nhưng với sức mạnh không gì sánh nổi thơ nâng cao con người, đưa nó tới gần trạng thái khi con người thực sự trở thành vật tô điểm cho trái đất. Hoặc nói một cách hồn nhiên nhưng chân thành như tổ tiên chúng ta, thành "chiếc mũ triều thiên của sự sáng tạo".

Vlađimir Ođoevsky có phần đúng khi nói rằng "thi ca là điềm báo trước một thực trạng khi nhân loại thôi không đạt tới nữa và bắt đầu sử dụng cái đã đạt được".


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui