Bột Mì Vĩnh Cửu

Kho vàng

Fris, trong bộ com-lê chật căng mua ở thành phố chẳng hợp tí nào với khổ người to béo vạm vỡ của gã, vừa ra tỉnh về đang khoe khoang với Ludwig những thứ hàng mới sắm. Căn phòng nhỏ bé của gã trông giống như một cửa hàng bán đủ thứ linh tinh.

- Đây, cậu ngồi xuống chiếc ghế này mà xem.

Ludwig ngắm nghía chiếc ghế bành đệm nhung vừa cao vừa hẹp làm bằng một thứ kim loại bóng nhoáng, rồi ngồi xuống.

Fris loay hoay làm gì đó ở phía sau, bỗng chiếc ghế tụt hẫng xuống. Ludwig hốt hoảng túm lấy hai tay dựa, hai chân chỏng lên trời. Fris và vợ con gã phá lên cười.

- Ngộ nghĩnh chưa! Cái ghế này tuy đắt nhưng thú lắm.

Thì ra đó là chiếc ghế của hiệu chữa răng.

Ludwig bò ra khỏi ghế và tiếp tục ngắm nghía:

- Thế còn cái gì đây? Bóng bi-a à? Cậu mua làm gì.

- Để cho cháu nó chơi thay bóng cao su. Cậu xem, chúng nhẵn bóng, đến tớ cũng mê nữa là. Còn cái kèn đồng này, cậu xem xem.

Fris chìa chiếc kèn đồng to tướng ra:

- Thấy chưa, cứ là bóng nhoáng lên? Mạ vàng mà lại. Tất nhiên tớ còn mua quà cho bà xã nhà tớ nữa: ô này, nhung may váy này, áo lông cáo này.

Ludwig xem chiếc kèn:

- Cậu biết thổi à?

- Tớ sẽ học thổi.

- Cậu mua kèn, còn mình thì mua dương cầm. Con gái mình sẽ học đàn. Món ấy hơn đứt kèn đồng của cậu rồi.

- Dương cầm thì ăn thua gì? Tớ còn để một cái này ở ngoài bến tàu cơ. Tớ sẽ làm cho tất cả các cậu phải lác mắt. Cậu có muốn thì ta đi xem.

Ludwig đồng ý, thế là cả hai kéo nhau đi và luôn mồm khoác lác với nhau về các thứ đồ mới sắm.

Ngoài bến, dân đánh cá tụ tập khá đông. Họ đã bỏ nghề chài lưới để ra đây làm nghề phe phẩy từ lâu, từ ngày cái làng chài bé nhỏ của họ bỗng dưng thành “chiếc túi vàng”. Fris ranh ma hơn cả. Hắn là kẻ đầu tiên nghĩ ra rằng, một khi “bột mì” được giá đến thế thì có thế sống bằng cá thịt, còn “bột” nuôi được cứ đem bán hết để kiếm lời. Gần đây gã bán “bột” cho bọn tay chân của Rodenstock với giá cắt cổ nên trở thành giầu sụ, vượt xa những kẻ cùng làng.

- Thế nào, cậu có món gì thì cho cánh này xem đi! - Mọi người vừa nói vừa tò mò ghen tị ngắm chiếc hòm to tướng. Được mấy người đánh cá tự nguyện giúp một tay, Fris mở hòm lôi ra một chiếc mô-tô có thuyền mới tinh. Món này thì cả làng chưa từng thấy bao giờ thật. Ai nấy à lên một tiếng thán phục. Cái tay Fris này mới ghê chứ! Đúng là hắn làm cho cả làng phải lác mắt. Fris loay hoay bên cạnh chiếc mô-tô, đổ dầu vào, bôi trơn mỡ rồi xoay xoay đạp đạp.

- Cậu làm thế nào mà học lái nhanh thế? Biết đi rồi cơ à?

Máy đã nổ. Fris nhảy lên xe và phóng đi mươi mét. Nhưng đến chỗ cát dày, bánh xe chỉ quay tít tại chỗ. Chiếc mô-tô rú máy rồi sững lại. Đám đông khoái trá tiếp đón thất bại ấy bằng những lời nhận xét đấy mỉa mai. Fris ra sức đạp mãi nhưng máy vẫn không nổ lại.

- Không sao, tớ sẽ thuê tài xế là đâu vào đấy ngay. - Nói rồi gã ì ạch đẩy xe lên khỏi bến.


Ludwig đi đằng sau, mắt dán vào chiếc mô-tô bóng lộn. Lòng hắn sôi lên vì ghen tị. Hắn căm ghét Fris, cái thằng Fris đã cùng hắn trải qua bao hiểm nguy ghê gớm ngoài biển khơi.

Không, chừng nào Ludwig chưa sắm được chiếc xe như thế này thì hắn không thể ăn ngon ngủ yên được. Muốn thế chỉ cần xoáy một cục “bột” lớn là xong. Thằng cha Fris này có “bột” đây. Chính nó đã chẳng hênh hoang là gì.

Ludwig biết Fris cất của báu ấy ở đâu. Tối nay, chắc thằng cha lại rượu chè say mèm và sẽ ngủ như chết... Đêm nay...

Ludwig không chờ được đến đêm. Khi trong cửa sổ các nhà người ta vừa tắt hết ánh đèn, Ludwig đã lần đến sát nhà Fris. Con chó sủa ầm lên nhưng lại im ngay vì nhận ra người quen. Ludwig chờ một lát rồi thận trọng ấn vỡ mặt kính cửa sổ. Kính vỡ rơi loảng xoảng nhưng không thấy ai tỉnh dậy. Ludwig bèn chui qua cửa sổ vào nhà và lần mò trong bóng tối tiến về phía chiếc tủ gỗ sồi mới tinh, nơi Fris cất món “bột” quý giá.

Cửa tủ kẹt một tiếng to. Ludwig lặng người đi. Buồng bên có tiếng người trở mình làm giường kêu cót két, người ấy lẩm bẩm nói mê rồi lại ngáy luôn. Ludwig lôi ra một chiếc bình nhỏ rồi thủ báu vật ấy vào người và bắt đầu bò tới cửa sổ. Trong lúc mò mẫm, hắn chạm mạnh tay vào chiếc kèn đồng.

Chiếc kèn rơi xuống gây ra một tiếng động khủng khiếp. Fris tỉnh dậy và vội nhảy ra khỏi buồng ngủ:

- Ai đấy?

Thân hình Ludwig hiện lên trên ô cửa sổ lúc ấy có ánh trăng rọi vào.

“Kẻ trộm!” - Nhanh như chớp Fris đoán ra và liền nổi cơn thịnh nộ. Gã nhìn quanh. Trên bàn có mấy quả bóng bi-a. Fris chộp ngay lấy một quả và giận dữ choảng thẳng vào đầu tên trộm. Ludwig ngã vật xuống và rơi ngay vào chiếc ghế chữa răng. Vợ Fris cũng đã hốt hoảng choàng dậy thắp đèn và chạy lại. Fris xem xét tên trộm.

- Ludwig? - Gã kinh ngạc thốt lên khi soi đến vết thương to tướng trên đầu tên trộm. Quả bóng bi-a đập vào sọ mạnh đến nỗi bập sâu tới một nửa, và giữa đám máu thịt nhầy nhụa trông nó hệt như một chiếc mắt khổng lồ.

Người vợ khóc òa lên. Fris đâm lúng túng. Hắn đã giết người rồi! Chuyện gì sẽ xảy ra đây. Nhưng hắn trấn tĩnh lại ngay.

- Em gào lên thế đủ rồi đấy - Hắn bảo vợ - Tôi chẳng làm gì nên tội cả. Kẻ cướp mò vào nhà tấn công tôi thì tôi phải tự vệ thôi. Em hãy nói với mọi người như thế, hiểu chưa? Tôi sẽ chẳng việc gì cả.

Cái chết của Ludwig làm cả làng chài xôn xao. Nhưng mọi người đứng về phía Fris. Mỗi người phải bảo vệ quyền sở hữu của mình chứ. Thậm chí hắn cũng chẳng bị bắt nữa và vụ án được chấm dứt. Cuộc sống lại trôi qua một cách bình thường. Maiev cùng với bọn tay chân mua vét “bột mì” khá trôi chảy. Nhưng phải gấp rút hơn nữa trong khi những cánh lái buôn khác chưa kéo đến đây. Mấy nhân vật khả nghi đã xuất hiện trong làng. Maiev đã lôi kéo được chúng về phía mình sau khi hứa trả một món tiền lớn. Chỉ có mỗi một tay mới đến Maiev phải bám sát thôi. Tay này không chịu điều đình gì hết. Không tài nào mua chuộc được gã. Maiev không lúc nào dám rời mắt khỏi tay đó. Gã đã mua được hơn một trăm gam “bột” và rõ rãng đang cố chuồn khỏi làng với món bột đó mà không ai thấy. Nhưng Maiev đã bám theo gã như một cái bóng.

Tối hôm ấy hai người gặp nhau trên bờ biển, gần cây đèn biển cũ nát hiện giờ vắng lặng không một bóng người.

- Ông theo dõi tôi phải không? - người lạ hỏi.

- Phải, - Maiev đáp - và sẽ còn theo gót ông cho tới khi nào ông đồng ý nhận đề nghị của tôi. Tôi sẽ không để ông đi khỏi đảo này, và ông không thể mang thoát một gam “bột” nào về tới đất liền đâu.

Người bao mua chắc cũng chẳng phải tay nhát gan. Gã nheo mắt khinh bỉ và vừa thò tay vào túi vừa nói:

- Ông dọa tôi hả? Vô ích thôi. Tôi biết tự vệ chứ.

Maiev đã hiểu cử chỉ của người bao mua nên nhảy xổ vào gã. Ngay lúc ấy người kia rút súng lục ra. Nhưng Maiev đã khôn khéo đánh bật khẩu súng văng ra khỏi tay đối phương. Cuộc vật lộn ác liệt bắt đầu. Hai đứa lăn lộn trên cát, quật nhau tới tấp. Maiev khôn ngoan hơn, nhưng người bao mua khỏe hơn. Chẳng biết cuối cùng ai sẽ thắng ai. Maiev đã thấm mệt. Tình cờ hắn nhìn thấy khẩu súng lục văng ra lúc nãy nằm gần bên cạnh. Sau hai vòng lăn lật với đối phương, Maiev đã tới sát chỗ khẩu súng. Nhưng rõ ràng người kia hiểu rõ ý đồ của Maiev nên cũng với tay về phía đó. Hai người lại vật lộn, tay chân dũi cát thành một hố sâu. Cuối cùng Maiev bằng tay trái vặn cổ đối phương, còn tay phải chộp được khẩu súng. Song đối phương đã kịp bóp chặt tay hắn. Lúc ấy Maiev cố sức gập cổ tay, hướng nòng súng vào đầu kẻ thù và bóp cò. Một tiếng nổ vang lên, chìm đi giữa bao cồn cát, trong tiếng sóng vỗ gió gào. Cuộc vật lộn đã chấm dứt. Một lần nữa máu người lại đổ. Maiev nhìn quanh. Vẫn vắng tanh vằng ngắt không một bóng người. Chỉ có đàn hải âu hốt hoảng kêu lên và bay là là phía trên một người sống với một xác chết. Maiev hất xác chết lên lưng, cõng vào trong lòng cây đèn biển. lôi lên gác trên rồi quẳng xuống đúng cái chỗ ngày xưa đã có thời lão Hans giấu vật báu - “bột mì vĩnh cửu” của lão.

Địch thủ ngoan cố nhất thế là đã thanh toán xong. Nhưng những tên khác có thể sẽ đến thay thằng này. Maiev liền điện cho Rodenstock đề nghị áp dụng những biện pháp đặc biệt để thúc đẩy việc mua vét “bột”.

Khi Rodenstock đọc bức điện cho Krisman nghe, tên này nói:

- Tôi đã nghĩ cả rồi. Ngài cứ việc gọi tôi là thằng đụt nếu những biện pháp mà tôi sắp tung ra không hút hết số “bột mì” dự trữ khỏi nanh vuốt lũ dân đánh cá ấy. Tất cả bọn nó sẽ phải tự tay đem nộp cho ta, và chúng ta sẽ càng giàu thêm cho mà coi.


Và tại làng chài nọ bỗng dưng sôi lên một sức sống mới kỳ lạ, hệt như có phép thần. Từng đoàn tàu biển chở đầy gỗ và những hòm lớn cập bến.

Chẳng mấy chốc những tòa nhà lắp ghép đã mọc lên như nấm quanh làng.

Những tấm biển quảng cáo sặc sỡ treo la liệt khắp nơi: “Quán rượu”, “Rạp chiếu bóng”, “Tiệm khiêu vũ”, và trước ngôi nhà đồ sộ nhất là tấm biển: “Sòng bạc”. Cuộc sống của đám dân chài biến thành ngày hội linh đình không bao giờ dứt. Các bà vợ đua nhau đi xem chiếu bóng, say sưa với những bộ phim về cảnh ăn chơi xa xỉ và đàng điếm, - chính Krisman tự tay chọn phim, - còn các ông chồng thì lúc nào cũng la cà say sưa trong các quán rượu, sòng bạc. Sự đam mê đã đầu độc nặng nề bản tính chất phác của những người đánh cá; họ đắm mình vào ăn chơi đến quên hết mọi việc.

Nhiều người đã tiêu phí hết số tiền ky cóp được hồi buôn lậu nhưng vẫn tiếp tục chè chén cờ bạc, nên đã phải ném lên sòng bạc đến đồng “ngoại tệ” cuối cùng, tức là những cục “bột” quý như vàng. Chắc sẽ chẳng còn xa nữa cái ngày mà vì đam mê cờ bạc, những người đánh cá sẽ phải đặt nốt vào bàn cục “bột” thiêng liêng cuối cùng mà họ vẫn giữ gìn như một vật báu.

Tuy nhiên các kế hoạch của Maiev đã bị tan thành mây khói vì một sự xoay chuyển hết sức bất ngờ.

Một buổi tối mùa xuân tối trời ba người đánh cá trẻ tuổi tiến lại gần chân cây đèn biển bỏ hoang. Họ đã làm công nhân mấy năm ở các nhà máy tại thành phố Essence, nhưng nạn thất nghiệp vừa qua đã buộc họ phải về làng tiếp tục làm nghề chài lưới.

- Chúng mình ghé vào đây đi. - Người nhiều tuổi nhất trong bọn họ tên là Johan vừa nói vừa chỉ tay về phía chiếc cửa cây đèn biển bị gió làm vỡ nát, nói với các bạn.

Cả ba bước vào rồi theo Johan leo lên tầng trên.

- Hình như có mùi súc vật chết các cậu ạ. - Oscar khịt khịt mũi nói.

- Chắc là một chú mèo chạy rông nào nghẻo đấy thôi. - Robert đáp.

- Mình sẽ chỉ cho các cậu thấy xác con mèo ấy ngay bây giờ đây. - Johan nói và bật diêm.

Trong ánh lửa chập chờn yếu ớt của que diêm, các bạn của Johan nhìn thấy trên đống rác một xác người mặc com-lê đang thối rữa.

Họ bất giác thốt lên kinh ngạc.

- Đây là xác một gã lái buôn bị Maiev giết - Johan giải thích - Mình đã chứng kiến cảnh đó. Nhưng vấn đề không phải chuyện cái xác này. Bớt đi một tên buôn lậu cũng chẳng thiệt hại gì cho lắm. Mình muốn bàn với các cậu chuyện khác kia. Ta ra bờ biển đi, ở đây khó thở lắm. - Và khi cả ba ra tới dải cát ven bờ biển, Johan nói tiếp - Các cậu đã thấy xác chết rồi đấy. Nhưng chắc chắn đó không phải là chuyện đổ máu đầu tiên và cuối cùng.ở làng ta đâu.

Các cậu thử nghĩ xem chuyện gì đang xảy ra. Hình như mọi người phát rồ lên rồi. Nào giết người, nào trộm cướp, nào rượu chè, cờ bạc, dâm đãng... Bọn Maiev đã làm hư hỏng hết các cụ nhà ta rồi. Chúng biến họ thành dân đầu cơ buôn lậu và cờ bạc ráo cả.

- Đúng thế. Đã đến lúc chấm dứt các trò xấu xa bỉ ôi ấy rồi. - Oscar nói.

- Tất nhiên đã đến lúc rồi - Johan tán thành - Nhưng có điều còn quan trọng hơn những trò xấu xa kia. Đó là “bột mì vĩnh cửu”, cái món đã gây ra tất cả những cảnh bê bối nói trên. Bè lũ Maiev và tay chân của hắn đổ xô về đây nhằm mục đích gì? Chúng gây nên cảnh rượu chè cờ bạc, ăn chơi trụy lạc để làm gì?

- Để chiếm lấy “bột” làm giàu cho chúng. - Robert đáp.

- Đúng thế. Để chúng làm giàu trên xương máu công nhân, phải nói thêm như vậy. Trong khi đó, nếu “bột mì vĩnh cửu” trở thành tài sản của thợ thuyền thì nó có thể làm công cụ đắc lực trong cuộc đấu tranh của họ chồng bọn tư bản.

- Thôi, chúng tớ hiểu ý cậu rồi! - Oscar vừa nói vừa đứng dậy.

- Chúng mình phải nắm lấy “bột mì vĩnh cửu”, càng thu về được nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhưng làm cách nào bây giờ?


- Tất cả vấn đề là ở chỗ đó - Johan đáp - Chúng ta quá nghèo nên không thể cạnh tranh nổi với bọn Maiev trong việc mua vét “bột mì”.

- Thuyết phục, giải thích cho bà con ta hiểu chăng?

- Không ăn thua đâu. Muộn mất rồi. Tiền bạc và sự đam mê đã làm hỏng con người. Bà con dân chài ta không tỉnh ngộ ngay được đâu.

- Hay ta bí mật đoạt lấy “bột”? - Robert đề nghị.

Johan nhún vai:

- Kể ra vì một sự nghiệp lớn mà phải bí mật đoạt lấy cũng chẳng sao, nhưng làm thế phỏng được là bao? Các cụ nhà mình giữ “bột” hơn giữ vàng. Vì “bột” mà anh em chém giết lẫn nhau. Mình đã nghĩ ra kế này có thể giúp ta đạt được mục đích. - Johan quay người lại nhìn con đường dẫn vào làng.

Trên đường không một bóng người - Bây giờ tên Maiev sẽ phải tới đây - Johan nói - Mình đã hẹn nó ra đây gặp mặt sau khi hứa sẽ giúp đỡ nó... tổ chức một toán cướp để lột tiền và chiếm tất cả số “bột mì” còn lại ở nhà dân chài. Nghĩa là làm một cú đủ thanh toán chuyện mua vét “bột mì”, khỏi phải bày trò cờ bạc rượu chè lâu la ra! Maiev hình như chưa hoàn toàn tin mình, nhưng nó có vẻ thích kế hoạch ấy.

Oscar nói:

- Nghĩa là cậu định nhận vũ khí của thằng cha Maiev, nhờ chúng tớ giúp súc đi ăn cướp “bột mì” của bà con trong làng, rồi đem phân phát cho những người thất nghiệp, làm cho gã gian thương ấy chưng hửng chứ gì?

- Không hoàn toàn như thế - Johan đáp. Rồi một lần nữa quay đầu nhìn đường vào làng, anh ta nói - Kìa, có lẽ nó đang ra đấy. Các cậu hãy tạm lánh vào trong cây đèn biển và nghe những điều mình sẽ nói với nó nhé. Có thể mình sẽ cần đến sự giúp đỡ của các cậu đấy.

Oscar và Robert ẩn vào trong lòng cây đèn biển. Johan châm tẩu thuốc rồi vừa thở từng đám khói dài vừa bình thản chờ Maiev đến.

Tiếng bước chân Maiev đã tới gần sau lưng Johan, nhưng anh ta vẫn nhìn ra biển, làm ra vẻ đang tập trung suy tính điều gì.

- Chào anh Johan? Anh nghĩ gì mà trầm ngâm thế? - Maiev gọi.

Johan uể oải đứng lên:

- Ồ, ngài đầu cơ đấy à? Xin chào ngài?

Maiev nghiêng đầu và cau mày lại. Hắn không thích Johan chào hỏi như vậy.

“Bọn này thật tục tằn thô lỗ!” - Maiev nghĩ bụng, nhưng vẫn lịch sự hỏi lại:

- Thế nào, công việc của chúng ta ra sao?

- Trôi chảy lắm - Johan trả lời - Xác tên lái buôn mà ngài giết chết đã thối hoăng lên rồi.

Mặt Maiev lập tức biến sắc.

- Xác chết à? Tôi giết ư? Lái buôn nào?... Anh nói gì vậy, anh bạn thân mến?

- Thì tôi nói chuyện ấy đầy - Johan chỉ tay về phía cây đèn biển - Về cái xác đang thối rữa trong kia kìa. Đừng có ngoan cố nữa, ngài Maiev ạ. Tôi đã chứng kiến việc giết người của ngài. Ngài không nhìn thấy tôi đâu, nhưng tôi thì nhìn rõ lắm. Tình cờ lúc ấy tôi đang lang thang giữa các cồn cát mà.

- Anh định đưa tôi vào bẫy phải không? - Maiev hỏi và cảm thầy đầu gối mình run bắn lên - Định tố giác chăng? Anh định đòi tôi trả bao nhiêu tiền để im lặng nào?

- Chà, cuối cùng thì ngài cũng đã đoán ra! Tôi muốn nhiều lắm, ngài giết người ạ. Đừng có nhăn nhó như thế và hãy dỏng tai lên mà nghe. Một là ngài phải giao hết cho tôi số “bột” mà ngài đã thu về, không được sót một gam. Tôi sẽ tự tay lục soát phòng ở của ngài để ngài khỏi giấu diếm.

- Thế thì quá lắm...

- Hai là, - Johan nói, không thèm đếm xỉa gì đến lời Maiev - ngài phải đóng cửa ngay lập tức tất cả các nhà để giải trí của ngài lại. Ba là phải trả lại cho dân làng toàn bộ số tiền mà họ thua bạc. Hãy chờ đó, chưa hết đâu. Và bốn là ngài phải cùng tất cả đồng bọn cuốn xéo khỏi làng này sớm chừng nào hay chừng ấy. Cho ngài ba giây để suy nghĩ.


Vốn là một quân nhân, Maiev đã quen với những hành động kiên quyết. Hắn thậm chí cũng chả cần đến ba giây đã kịp nhảy bổ vào Johan và quật nhào anh. Maiev đánh ngã được địch thủ, định bỏ chạy. Nhưng ngay lúc đã nằm sóng xoài trên mặt đất, Johan vẫn còn kịp ngáng chân hắn. Maiev ngã nhào xuống. Hai phút sau Johan đã ngồi đè lên hắn. Maiev chống cự kịch liệt.

Nhưng Oscar và Robert đã chạy vội ra giúp Johan.

Nhìn thấy họ, Maiev nghiến răng tức giận:

- Xin hàng, - Hắn nói giọng khàn khàn - buông tay tôi ra, các ông bẻ gãy tay tôi bây giờ, quỷ thật.

- Oscar, khám người nó xem!

Oscar lôi từ trong túi Maiev ra hai khẩu súng lục.

- Ái chà! Có một đơn vị pháo binh hẳn hoi? Không còn gì trong túi nó nữa chứ, Oscar? Thôi, bây giờ có thể buông tay nó ra được rồi. Cái gì cũng phải làm cho đúng lúc chứ. Ngài định nhận điều kiện của chúng tôi, hay muốn nằm bên cạnh kẻ cạnh tranh đáng kính của ngài trong cây đèn biển kia thì bảo? - Johan hỏi.

- Tôi xin... nhận. - Maiev hổn hển trả lời.

- Thế thì đưa chúng tôi về nhà ngài.

Bị Johan, Oscar và Robert kèm sát hai bên, Maiev uể oải lê bước trên đường. Hắn ở một ngôi nhà nhỏ đứng riêng ngoài rìa làng. Ba người đánh cá trẻ tuổi khám xét kỹ lưỡng và lấy đi tất cả những thứ đã quy ước là “bột” và tiền.

Cuối cùng, khi họ hứa sẽ tiễn chân hắn ra tàu thủy rồi kéo nhau đi thì đã quá nửa đêm từ lâu.

Maiev gục đầu xuống bàn mệt lử. Hắn cứ ngồi như thể mấy phút liền. Sau đó bỗng nhiên hắn ngẩng đầu lên, đấm xuống bàn và thét lớn:

- Mình ngu quá, trời ơi!...

Trấn tĩnh lại đôi chút, hắn bắt đầu viết một bức điện gửi cho Rodenstock, nhưng nghĩ mãi vẫn chưa biết nên viết thế nào. Bỗng có tiếng gõ cửa.

“Chẳng lẽ bọn kẻ cướp ấy lại mò đến hay sao?” - Maiev bụng bảo dạ.

- Ai đấy?

- Có điện khẩn.

Tin rằng đúng là giọng người đưa thư, Maiev ra mở cửa, nhận điện và bóc ra xem. Đó là điện của Rodenstock gửi cho hắn.

“Đóng cửa sòng bạc và tiệm ăn chơi giải trí. Đình chỉ mọi việc. Về ngay”.

Maiev không tài nào hiểu được vì sao lại có bức điện như thế, nhưng nó đến mới đúng lúc làm sao. Bây giờ thì hắn có thể thực hiện đúng yêu cầu của Johan mà không làm mất quyền lợi cửa các ông chủ hắn.

Sớm hôm sau, Maiev bắt tay ngay vào việc.

Những ánh đèn vui vẻ trong các quán rượu phụt tắt, rạp chiếu bóng và các tiệm khiêu vũ đóng cửa im ỉm, “sòng bạc” hoàn toàn vắng lặng. Dân đánh cá bị mất hết chỗ giải trí liền sôi máu lên, suýt đánh đập Maiev đòi hỏi hắn phải mở cửa sòng bạc. Thậm chí họ còn định dùng vũ lực chiếm “sòng bạc”, nhưng té ra linh hồn của ngôi nhà đó là sòng bạc đã được chở ra bến và xếp xuống tàu từ hồi đêm. Mấy tay cờ bạc có được an ủi đôi chút khi được món tiền mà họ thua bạc nay được Johan trả lại. Những người dân chài đi đi lại lại, cau có và im lặng y như sau một cơn say túy lúy. Những trò đánh lộn, trộm cắp và say rượu bét nhè đã giảm đi ít nhiều. Người ta lang thang khắp làng mà chẳng có chủ đích, lờ đờ nhìn nhau không biết làm gì và nói chuyện gì. Thỉnh thoáng họ có tươi tỉnh lên đôi chút khi nhắc đến những đêm vui điên loạn. Nhưng lúc câu chuyện bị ngắt quãng thì những ánh mát lại trở nên ám đạm và chỉ còn thấy những cái miệng ngáp dài. Chẳng ai nghĩ đến công ăn việc làm. Ai cũng mong chờ ngày cơn sốt vàng trở lại để lại được đấu cơ buôn lậu, đánh bạc và ăn chơi đàng điếm. Nhưng ngày tháng trôi qua, tình hình vẫn chưa biến chuyển gì. Chỉ có gió xuân mát mẻ là cứ lồng lộng thổi qua làng làm tỉnh dần những cái đầu đang u mê.

Maiev đến Berlin được biết một tin sốt dẻo. Nhà hóa học mà Krisman mời giúp đã xác định được thành phần “bột mì vĩnh cửu” và chế được thứ “bột” đó bằng phương pháp nhân tạo.

- Bây giờ thì chúng ta chẳng cần gì đến cả lão Broie lẫn bọn dân chài nữa - Rodenstock nói - Chúng ta sẽ tự chế ra “bột mì vĩnh cửu”.

- Ta cũng chẳng còn lo sợ bọn cạnh tranh nữa, - Krisman nói thêm - cứ để cho chúng nó mua sẻn từng gam “bột” và ngồi chờ bột nở. Ta sẽ sản xuất hàng tấn một và sẽ giết chết bọn cạnh tranh.

Thế là công ty cổ phần chuyên bán và xuất khẩu “bột mì vĩnh cửu” bắt đầu hoạt động.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận