Pha không thể bỏ việc nhà Nghị Lại, dù ông bóc lột đầy tớ thái quá. Viện lẽ thuế tăng, ông kiếm thêm được hàng năm trăm đồng lời.
Vợ anh bị cảm, hôm sau nằm đắp chiếu rên hừ hừ suốt ngày. Mà chị ở nhà trọi một mình. Con chị, cái Bống bế về nhà nó. Chỉ khi nào thằng bé đói và khóc, nó mới sang bảo chị cho bú, hoặc mớm cơm mà thôi. Pha đi làm suốt ngày ở ngoài đồng, từ tinh sương đến tận giữa trống hai. Khi ấy anh mới được săn sóc đến bệnh tình vợ. Anh sờ trán và chân tay vợ rồi vội vàng đi hái một vài thứ lá người ta mách đem về đun cho vợ uống.
Một buổi, khi trả xong tiền công người làm. Ông nghị dặn Pha:
- Tao nghe thấy ở làng họ rục rịch kiện lý trưởng và chánh hội về việc thuế. Mày làm ăn với tao không được lôi thôi, ai làm mặc kệ ai nhé.
Pha vâng và hiền lành đi về. Song anh lấy làm mát ruột. Vì từ hôm bị nộp thuế ức, anh vẫn oán thán lý trưởng và chánh hội xưa nay hùa nhau cậy thế quan để áp bức dân, nay thật là đáng tội. Anh đi rảo cẳng về. Vợ anh đã đỡ nóng đôi chút.
Chị thấy chồng, lật chiếu ra, ngồi dậy vừa quấn tóc vừa nói:
- Cậu Dự từ chập tối đến giờ đến hỏi thầy hai ba lượt. Cậu ấy hẹn chốc nữa lại đấy.
Pha ngạc nhiên hỏi:
- Việc gì mà cần thế?
- Cậu ấy nói việc kiện ông lý trưởng và ông chánh hội, và chắc sao ông nghị cũng đã nói cho thầy nó biết rồi.
- Phải, mà ông nghị khuyên tôi đừng dính dáng. Tôi cũng sợ cửa quan lắm rồi.
Chị Pha tức:
- Kiện cho nó chết đi chứ, ngữ ấy thì việc gì mà thương?
- Không, là mình thương mình, chứ thương gì họ?
Lúc ấy, Dự vào, đi với ông lý cựu, phó Năng. Ông phó móc túi lấy cái đơn đưa cho Pha, Pha nhìn vào chữ rồi cười:
- Tôi cứ bảo học, nhưng bận quá, đã mua giấy bút về kia mà chưa lúc nào sờ được đến sách vở.
Dự cầm đơn, nói:
- Đây này, tôi đọc chỗ chính cho anh chị cùng hiểu. "ngày 15 tháng 6 tây, lý trưởng và chánh hội làng chúng tôi cho rao mõ để dân biết ra đình bổ thuế. Khi ra, hai tên ấy không đem sổ nghị định mới và sổ kiến điền cho dân xem, chỉ nói số dân đinh của làng có 328 suất và điền có 145 mẫu. Số tiền tổng cộng đinh là 757 đồng 20, điền là 543 đồng 86. Những người có một hai thước đất ở, đáng lẽ được đóng 1 đồng thì đều phải đóng 2 đồng 250 với ngoại phụ 0 đồng 50, tương tế 0 đồng 03, cộng là 3 đồng 03, nhưng họ lại thu những 3 đồng 33. Người thật vô sản, nghĩa là thật không có một thước đất, cả làng ai cũng biết là khố dây, mới được đóng vào hạng bảy, nhưng số đó rất ít. Thêm ngoại phụ 0 đồng 20, tương tế 0 đồng 30, đáng lẽ 1 đồng 23 một suất, thì lý trưởng và chánh hội bắt đóng đến 1 đồng 60. Thế là mỗi suất sưu hạng bảy bị thu lạm là 0 đồng 37 và các hạng trên mỗi suất 0 đồng 30. Như vậy 328 suất đinh, hai tên mọt ấy đã hà lạm 111 đồng 14. Ruộng làng chúng tôi có mẫu, trong đó có 157 mẫu tha ma, thổ phụ, đền từ, đê đều và sa bồi, với 43 mẫu hàng khu, còn lại thực canh cư là 165 mẫu. 43 mẫu hàng khu thân phụ 56 đồng, trừ với 543 đồng 86 còn lại là 487 đồng 86 là số thuế của 165 mẫu điền phải chịu, tức là mỗi mẫu phải đóng 2 đồng 96. Tính ra thì toàn bộ số ruộng dân, mỗi mẫu bị lạm mất 0 đồng 76, 165 mẫu là 125 đồng 40. Tổng cộng tất cả đinh điền, lý trưởng và chánh hội làng chúng tôi đã lạm được 236 đồng 54. "
Pha trợn tròn mắt để ngạc nhiên về số bạc to lớn. Anh lại nghĩ đến món năm trăm đồng của ông nghị được lợi về thuế năm nay. Vợ anh như khỏe lại, hung hăng nói:
- Đầy, cứ mỗi người vài hào, tưởng nhỏ, không ai chịu bới móc ra, đến lúc tính mới biết nó gần hai trăm rưởi bạc. Làng này dân nghèo, ruộng ít mà họ còn hà lạm được thế, nữa là những làng giàu.
Pha trầm ngâm:
- Ông nghị khuyên chúng tôi đừng dính dáng đến việc này.
Ông phó Năng đáp:
- Cái đó không lạ. Là vì lý trưởng được ông ấy che chở, đâu đã biếu không suất sưu hơn sáu chục bạc.
Chị Pha sửng sốt nhìn chồng:
- Đấy, thế mà bà ấy dám dài mồm kêu là vì phải đóng thuế nặng cho nên giảm công người làm.
Pha cắm mặt không nói gì. Dự tiếp:
- Cho nên, lẽ tất nhiên ông ấy phải bênh vực cho bọn mọt. Một lẽ nữa là xưa nay vẫn chỉ một tay ông ấy khêu ra kiện cáo để dắt mối cho quan. Nay việc này không phải do ông ấy làm, nên không muốn một người khác có công với quan.
Pha hỏi:
- Thế ai đứng đơn kiện?
Phó Năng đáp:
- Chúng ta. Tất cả làng. Đây đã được bảy người ký rồi. Còn hai bác nữa. Ngày xưa, có ông lý cựu biết đấy, tôi cũng đã làm thuế, nhưng tôi chỉ để thu đủ tiền xe pháo và lễ quan, thừa ra được suất thẻ là tốt, chứ không quá khắt khe như các ông ấy bây giờ. Bây giờ quan thì đòi ăn nhiều, mà khi làm thuế, hàng hai mươi người bám vào ăn như ăn cướp của dân, trông chướng mắt không chịu được. Các bác cứ nghe tôi, ký cả vào đơn này, chúng tôi vào quan cho, chúng tôi không sợ. Xưa nay chúng tôi đi lại cửa quan nhiều lần, chúng tôi lạ gì.
Bỗng có tiếng huỳnh huỵch ở ngoài cổng và có ánh sáng đèn điện bấm chiếu loe vào trong nhà.
Lý trưởng, chánh hội, mặt hầm hầm, đi sau có bốn người tuần vác gậy gộc, rầm rộ đi vào. Lý trưởng quát:
- À, các người bàn nhau hội kín. Tuần đâu, trói cả lại cho tao.
Vợ chồng Pha sợ xanh mặt, lại tiếc bát. Thằng bé con khóc thét lên và tiếng chó cắn nổi lên rầm rầm. Lý trưởng trỏ mặt Pha, bảo lũ tuần:
- Hãy trói thằng này lại. Ít lâu nay mày học quốc ngữ để mày làm cộng sản.
Pha cau mặt nhìn người tuần có ý thách. Nhưng Dự sấn lại đứng giữa hai người, nói:
- Khoan, tôi đã hỏi ông lý và ông chánh, chúng tôi có tội gì?
Lý trưởng đáp:
- Tôi đếch biết. Trói chơi đấy.
Lý cựu tức:
- À, các ông coi rẻ người làng thực.
- Tôi mất tiền lễ quan lo ra làm lý trưởng...
Dự tiếp:
- Phải, để giúp ích chứ không phải làm hại dân làng.
Lý trưởng cáu, trỏ vào mặt Dự:
- À, thằng Dự, mày bảo tao làm hại làng?
Dự cười:
- Đáng lẽ ông gọi tôi bằng mày, thì tôi không gọi ông là ông nữa. Nhưng tôi muốn nói bằng tiếng của người có giáo dục. Ông không cần phải hỏi tôi nói ai làm hại làng. Mười người chúng ta đây, trong đó có cả ông nữa, đã thừa hiểu tôi nói ai rồi, đừng có ngu lắm mới không hiểu, phải hỏi lại.
- À, Dự, mày nói xỏ tao.
Lý trưởng xông vào, Dự lùi lại một bước để giữ thế. Pha, lý cựu và phó Năng đều như sắp ra trận. Nhưng chánh hội, từ nãy chưa nói một tiếng, bây giờ mới khè khè bảo:
- Thôi, tôi hãy can hai bên. Đâu, ông lý cho tôi xem đơn kiện nào?
Dứt lời, ông lẩm bẩm đọc rồi xé đơn đi, ôn tồn cười, nói với lý trưởng:
- Ồ, làm quái gì cái vặt này, suýt nữa có phải thành bất bình to không?
Mọi người rất ngạc nhiên, càng không thể dò được bụng dạ của con người nham hiểm. Chánh hội lại tiếp:
- Thôi, tôi xin ông lý bỏ qua. Giá các ông đây muốn kiện chúng tôi, thì hãy hỏi chúng tôi trước. Chúng tôi bảo cho biêt đúng những số lạm thu. Trong đơn này còn thiếu nhiều lắm.
Nói đoạn ông cười hà hà nhìn bên địch bằng đôi mắt đắc thắng.
Dự toan nói lại thì ông giơ tay ngăn:
- Không, chúng tôi không muốn sinh sự với các ông. Mời ông lý cho tuần về. Khuya rồi.
Mọi người càng ngạc nhiên về thái độ nhu nhược của ông chánh hội. Nhưng bọn Pha, Dự biết ông này vốn ghê gớm, thì hẳn ông ta có ý định gì đây. Lý trưởng không chịu về:
- Ông cứ để yên cho tôi trị cho họ một mẻ.
Chánh hội nhìn bên địch:
- Không, tôi xin lỗi các ông hộ ông lý quá say nói liều.
Đoạn, ông kéo áo ông lý về. Ông lý chưa hả giận nhưng vì yếu, nên phải theo ông chánh, và còn ngoái cổ lại nhìn, nhất là Dự. Bọn người ra khỏi, Dự trầm ngâm nói:
- Tất họ nghĩ ra cách báo thù ta.
Lý cựu đáp:
- Không sợ, ở làng, hễ mềm thì họ nắn, mà rắn thì họ buông. Ban nãy, họ thấy mình đứng sát lại để bênh nhau, họ phải sợ.
Pha gật:
- Phải, nếu không họ đã trói tôi rồi.
Anh Pha hiền lành quá, không được, phải cứng cỏi lên.
Pha cảm động:
- Bây giờ tôi hơi dạn rồi.
Dự tiếp:
- Anh phải học để biết đọc. Điều ấy cần nhất cho sự sống, nhất là của dân quê ta. Mình biết thì không ai bắt nạt nổi mình. Mình sẽ được yên để nâng cao đời sống mình lên.
Pha yên lặng, nhìn Dự, thấy em vợ lanh lợi, nói năng hoạt bát thì rất thèm. Nếu không có Dự đứng cản, ắt ban nãy anh đã bị trói. Mà vào địa vị anh, anh quyết không dám quá bạo như Dự mà hăng hái đứng ra ngăn người tuần. Thế mà Dự thắng, chắc Dự đã biết lẽ phải mà không sợ đấy thôi. Bốn người bàn hôm sau làm đơn lại và đi lấy chữ lý nữa. Dự gật:
- Các ông ấy có thể cậy thế mà bỏ tù thân thể từng thằng chúng ta được, chứ không thể bỏ tù được sự công phẫn chung nó ở cả trong lòng chúng ta.
Mọi người sung sướng, cho là phải, rồi kéo nhau ai về nhà nấy. Thức khuya, và vốn mệt sẵn, nên Pha buồn ngủ quá. Anh bèn ngả lưng trên phản, và độ năm phút sau đã ngáy. Nhưng đến đầu trống ba, bỗng có tiếng gọi cổng. Chị Pha gọi chồng dậy mở. Thì anh vừa nâng cổng lên, hai tên tuần đã ập túm lấy anh, trói gô lại và bảo:
- Ông chánh hội cho đến bắt anh.
Thấy tiếng chồng kêu và giãy dụa, chị Pha vội chạy ra, van lạy, nhưng chồng chị đã bị lôi ra đình. Chị quên cả bệnh, vừa theo chồng đi vừa già mồm kêu, nhưng vì sức yếu nên không nói to được. Đến đình, Pha thấy cả bảy người ký tên trong đơn cùng lục tục phải bắt ra đó.
Thì ra ông chánh hội chờ đến lúc đêm thật khuya, mới đi tỉa từng người một thì không sợ bị họp sức chống cự lại. Mà việc làm êm tĩnh đến không ai biết.
Khi tám người bị bắt đến cả trước mặt, ông chánh mới nói:
- Tôi thương lão lý cựu và phó Năng già...
Pha từ nãy vẫn chờ, mà chưa thấy có mặt Dự trong số người bị bắt. Anh hiểu liền vì lẽ gì.
- "... nên tôi không bắt", lời ông chánh. "còn các anh muốn kiện chúng tôi, thì sẽ biết tay chúng tôi. Các anh dựa tạm vào nhau mà ngủ đêm nay, rồi sáng mai ta cùng lên huyện".
Mọi người căm giận, nhất là ở sân đình, thân nhân các người bị trói đứng chờ, ai cũng khóc lóc hoặc tức uất. Nhiều bà nhu nhược vào tận nơi ông chánh đứng mà kêu van khóc lóc xin tha. Nhưng vô ích. Ông chánh rất quả quyết.
Bỗng chị Lữ đến gần chánh hội, lạy van nói:
- Nhà cháu trót dại, nghe các cụ ấy, cụ làm phúc tha cho để mai thầy cháu đi làm.
Nói đoạn, giúi vào tay ông ta một tờ giấy bạc.
Ông chánh hội ngẫm nghĩ, bảo tuần cởi trói cho Lữ. Thấy kế ấy có kết quả, nên dần dần ai cũng bắt chước, và kết cục chỉ còn một mình Pha ở lại. Ông chánh gọi chị Pha:
- Thế nhà chị để yên cho chồng như vậy có phải không?
Chị Pha bối rối. Tiền chị không có thì làm thế nào. Sau cùng chị nghĩ ra được một cách hối lộ. Chị mặc cả hồi lâu, thì ông chánh cũng thi nốt ân cho Pha và dặn:
- Vợ anh nó xin đến ngày mùa anh phải gặt cho tôi mười lăm buổi. Nhớ lấy đấy.