Buổi Đầu Của Bình Minh


Mạnh đang dong về kí túc xá trên một cái xe đạp bán tự động mới, quà của chú Thanh. May phước là bãi xe vắng hoe nên không có ai thấy Băng đi chung với nó.
Trước khi ra khỏi hầm, Mạnh dặn Băng:
‘Nè, lúc ở trong đây hay là trong trường cũng vậy. Nếu có gặp tui thì cứ coi tui như người lạ. Không quen không biết, hiểu chưa!’
Băng tròn mắt ngạc nhiên:
‘Ơ, sao phải làm vậy?’
Mạnh thộn mặt dài ra:
‘Tui hổng muốn bị để ý. Được chưa?’
Băng cố nén tiếng cười xuống và gật đầu.
Và y như rằng vừa mới nhắc xong. Ngay lập tức có người đi xuống và thấy tụi nó. Nhưng cũng chẳng phải ai lạ, Mạnh đã gặp chúng một lần. Thằng nhỏ con ra dáng đại ca đi trước, kéo theo sau là ba thằng đồ đệ.
Chẳng có gì khó để nhận ra bốn thằng cô hồn này. Để tránh phiền phức, Mạnh giả vờ không thấy tụi nó và đi lên tiếp.
Thằng nhỏ con nhìn Mạnh ra vẻ khinh khi. Nó dợm bước đi rồi bỗng nhiên dừng lại, cả đám phía sau cũng khựng lại và suýt nữa là xô ngã nó. Nó nạt:
‘Tụi bay làm gì vậy, làm tao sém té rồi nè!’
Nó chạy ngược lên cầu thang và bắt đầu cái trò lưỡi không xương:
‘Í… Chào em, anh là Ngô Huy Anh. Em cho anh làm quen cái!’
Nghe mà nổi da gà, Mạnh ráng ngậm chặt mồm nín cười nhưng lại để lọt một âm thanh nhỏ. Thằng Anh chỉ lên phía trước:
‘Thằng kia là bạn em hả?’
Mạnh ho húng hắng mấy cái, chắp tay ra sau và lia ngón tay qua lại như cần gạt nước.
‘À…không. Mình không quen bạn ấy!’
Và như đã đợi khoảnh khác này rất lâu, thằng đó liền lớn họng:
‘Anh cũng đoán như em vậy đó. Người như em sao lại quen thằng bốn mắt ngu đần đó!’
Mấy thằng đồ đệ của nó cũng hùa vào:
‘Ừa, mày nói phải. Nhìn cái tướng nó đi cũng thấy ghét rồi!’
‘Cần gì nhìn tướng nó đi. Nhìn sơ qua quần áo cũng đủ biết thứ bỏ đi rồi!’
Ngay lập tức, Mạnh hình dung ra mình đang ở giữa một trận hỏa hoạn, lửa cháy phừng phừng. Nó liền bước thật nhanh lên hết cầu thang. Dù gì cũng không làm gì được nên nó đành để mặc Băng đối phó với bốn thằng cô hồn đó.
‘À quên, em tên gì vậy? Có số phone không, cho anh xin?’
Dù gì thì từ trước tới giờ, Mạnh cũng quen với việc nhịn người khác rồi. Nó không muốn chuyện hồi lớp ba lặp lại một lần nữa.
Hồi đó, nó thường xuyên bị một đứa lớp năm bắt nạt. Tuy nhiên, Mạnh lại nhịn không dám đánh trả vì thằng đó to gấp đôi nó. Cho đến một hôm, nó không nhịn nổi nữa, cơn giận bùng phát và nó đã đánh trả lại. Nhà trường mời phụ huynh của cả hai bên đến họp để giải quyết vụ việc. Ba mẹ nó tạm ngừng công việc trên đảo và sốt sắng đến ngay đất liền. Tuy nhiên khi đến nơi họ mới phát hiện nó không sao cả. Người bị sao chính là thằng nhóc lớp năm, xương tay phải của nó đã bị Mạnh bẻ gãy.
Mạnh đã bị khủng hoảng tinh thần khá nặng. Chuyện mấy đứa con nít đánh nhau trong trường là khá bình thường. Nhưng việc nó bẻ gãy tay người khác là chẳng bình thường tí nào. Cho dù là với một zerloss thì nó vẫn là một zerloss khác biệt. Thông thường ở lứa tuổi khi đó thì cách duy nhất phân biệt được nó với con người là phân tích mã gen. Chỉ đến khi trưởng thành, tức là khoảng mười tám tuổi người ta mới phân biệt được một cách dễ dàng. Khi đó các zerloss sẽ như một con nhộng lột xác thành bướm vậy. Sức mạnh của họ lúc đó mới thực sự vượt xa con người.
Mặc dù ba mẹ nó là những nhà phân tích và nghiên cứu gen giỏi nhưng họ vẫn không tìm ra nguyên nhân tại sao nó lại có sự khác biệt đó.
Cũng kể từ sau vụ đó, nó tự đặt ra hai cách giải quyết mỗi khi có ai sinh sự với mình. Một, đã đánh nhau thì hoặc là nó, hoặc là đối phương phải vào nằm nhà thương chứ không thể đánh nhau trầy trụa sơ sơ rồi bỏ qua. Hai là làm theo câu tục ngữ ‘Một điều nhịn là chín điều lành’. Và từ đó tới giờ, nó vẫn luôn chọn cách thứ hai.
‘Ê, Mạnh!’
Mạnh nhìn quanh quất và thấy Đức. Hừm, vậy mà tưởng thằng nào gan to vậy, dám gọi tên nó.
Trong thang máy, Đức khoác vai nó và hí hởn:
‘Ông đi chết ở đâu mà giờ mới thấy mặt vậy!’
Đang lúc bực mình lại gặp thằng này. Mạnh nuốt khối căm hờn xuống và cười khì khì trong bụng. Vậy là kiếm được người để nó trút giận rồi. Nó làm vẻ mặt khinh khỉnh:
‘Ủa, mày là ai vậy? Tao có quen mày hả?’
‘Tui hỏi thiệt đó. Tưởng ông nói ba má ông chết hết rồi nên thôi không về nhà nữa mà lại kí túc xá luôn! Vậy mà tui có thấy mặt ông đâu!’
Mạnh giương bộ mặt hung thần ra dọa:
‘Ờ, ăn với nói. Hay quá ha! Gặp tao thôi đó chứ gặp người khác là..’
Mạnh bất ngờ đưa cùi chỏ lên ngang mặt Đức.
‘Cùi chỏ sang ngang vỡ cả hàm.’
Thằng Đức vừa né được cùi chỏ liền đưa chéo tay ngay chỗ hiểm đỡ cú đạp của Mạnh.
‘Bàn đạp tới trước tuyệt tự luôn.’
Thấy Mạnh nhanh nhẹn hơn trước, Đức khá kinh ngạc:
‘Ghê ta! Mới có mấy tháng không gặp mà tiến bộ dữ!’
Vừa ra khỏi thang máy, Mạnh nhe răng gầm gừ:
‘Làm trò khỉ gì mà giờ mới tới đây vậy hả?’
Như một cái vòi nước bị hư không thể khóa lại, Đức xối xả liên tục:
‘Cái gì mà giờ mới tới. Tui ở nhà chừng có hai tuần rồi thôi tới đây luôn. Ai ngờ tới có thấy ông đâu… Mà nè Mạnh, ông đi đâu vậy? Tui đợi hơn tháng rưỡi luôn đó mà giờ mới thấy mặt ông đó…
Kể lể cho lắm vô. Nghe hoài riết Mạnh cũng thấy chán. Vậy mà thằng Đức chẳng bao giờ chán việc đó.
‘…Trời ơi, ông có biết tui đau lòng cỡ nào khi xa nhà không. Chỉ vì tui tội nghiệp ông mồ côi một thân một mình…’
Cái gì đây? Nghe tới đây là Mạnh bắt đầu thấy quá đáng rồi à nha. Tròng mắt nó từ từ trợn to ra hết cỡ, quai hàm dưới bạnh ra hướng về phía Đức.
‘…không gia đình nên tui mới đành đau lòng làm thằng con bất hiếu bỏ nhà lại thăm ông. Vậy mà khi đến đây ông lại…ông lại…’
Đức khựng lại thấy cái bản mặt hung thần đó. Nó liền phá lên cười sằng sặc. Cười đã rồi nó mới chịu vô chủ đề chính:
‘Mà tui hỏi thiệt đó. Ông đi đâu mà giờ này mới thấy mặt vậy?’
‘Tao theo chú tao học nghề!’
‘Nghề gì vậy, có lương hông?’
‘Thì kĩ sư sinh học đó. Lương tạm đủ sống.’
Đức ra vẻ hiểu biết khá rõ, nó gật gù:
‘À à…’
Mạnh quắc mắt nhìn nó, hơi nghi ngờ:
‘Biết cái gì hông đó mà à với không à?’
‘Biết chứ sao không! Lần trước quên nói với ông. Ba tui là kĩ sư chế tạo thiết bị, dụng cụ ấy người đó xài đó. Bởi vậy tui theo nghề đó cho dễ!’
Cuộc nói chuyện chỉ kết thúc khi Đức nhớ ra là nó không còn ở chung phòng với Mạnh như trước.
Buổi sáng thứ hai, không khí trong lành, gió thổi hiu hiu. Thời tiết dễ chịu nên rất thích hợp để lũ lười ngủ nướng trong kí túc xá. Tuy nhiên lại chẳng có ai làm thế, mọi người đều tập trung cả tại sân trường vì hôm nay là ngày khai trường.
Trường Raisalin là một khối quần thể kiến trúc hiện đại nằm sâu trong rừng. Khu vực rộng nhất là sân trường với diện tích lớn hơn cả sân bóng đá. Khung cảnh trong sân còn đẹp hơn cả ở kí túc xá của chúng với hai hàng cây bang cao to chạy dọc hai bên sân. Chưa kể bên dưới còn trồng thêm mấy mấy bụi cây um tùm. Xen kẽ còn có thêm mấy hòn non bộ với mấy con cá lòng tong bên dưới.
Vài đứa ráng xích cái ghế lại gần chỗ đó ngồi. Vài đứa lượm mấy nhánh cây khô quẫy xuống nước hoặc lụm mấy quả bang chin rục chọi để chọi vào đó. Một số khác thì chỉ muốn ngồi sát vào chỗ bóng râm để tránh ánh nắng.
Cuối sân là một cái hồ lớn với pho tượng làm bằng ngọc thạch xanh biếc đứng án ngữ ngay phía trước. Pho tượng khắc thành hình dáng một nữ chiến binh đứng hùng dũng với hai giáp tay chiến đấu đeo trên tay.
Một sân khấu khổng lồ được dựng ngay bên dưới bức tượng. Buổi lễ khai giảng sắp bắt đầu trong vài phút nữa. Mọi người đều nhanh chóng ngồi vào vị trí dành cho khối lớp của mình. Một vài đứa còn lăng xăng qua lại giữa các hàng, thỉnh thoảng thầy cô lại nhắc chúng mấy câu. Nhưng việc đó hình như không có tác dụng mấy.
Trong lúc chờ đợi lễ khai giảng, việc duy nhất chúng có thể làm lúc này là ‘tám’.
‘Trời ơi, hôm bữa tui nói là đúng mà thấy chưa. Ngày mai người ta bán rồi đó!’
‘Thôi đi má, bữa giờ đi mua sắm đủ thứ làm tui gần hết tiền rồi. Phải tuần sau đi!’
Một đám con gái ngồi chụm đầu với nhau bàn bạc việc mua sắm khá sôi nổi. Nhưng rồi lát sau lại chuyển sang chủ đề ăn uống.
Tuy nhiên, đám này vẫn chưa thu hút bằng tụi con trai ngồi ở tuốt cuối hàng. Chúng tụ tập lại cả bầy. Thỉnh thoảng lại hò hét um sùm.
‘Núp chỗ kia kè, mày ngu quá!’
‘Mày ngu thì có. Vô đó cho nó đập chết tao hả!’
Chúng nó bu lại che kín mít xung quanh nên chẳng ai biết chúng đang giở trò gì cả. Thỉnh thoảng mấy đứa xung quanh lại cố nhoài người chen vào nói. Cái gì mà thu hút thế nhỉ? Rồi bỗng nhiên, một thằng la lên:
‘Mày chết chưa con, chạy với ông hả!’
Cả đám lập tức bâu vào chỗ đó dòm. Mạnh với Đức cũng tò mò nên liền lại đó coi.
‘Ê, tụi bay coi thằng này ngu chưa! Đợi chút…Rồi nè, hết máu rồi còn ráng nhào vô. Tao ột phát là ngáp luôn!’
Câu trả lời là game thủ buổi sáng. Chúng xếp ghế thành vòng tròn, máy chơi game để lên đùi. Khán giả xung quanh thì vừa chơi vừa bàn tán. Công nhận mấy đứa này hay thật, chơi game mọi lúc mọi nơi và được mọi người chú ý.
‘Ê ê. Tao tóm được thằng này rồi nè Luân. Nãy tao bị nó chơi choáng làm sém chết. Kì này đếu tha mày đâu con!’
Thằng Luân liền chỏ đầu qua liếc:
‘Đập nó liền Long!’
Thằng Long nạt lại:
‘Đập con khỉ. Chưa hồi chiêu xong!’
Nhân vật của nó đang đuổi theo sát nút mục tiêu. Thằng địch xem ra sắp ngỏm tới tơi, thanh máu chỉ còn một vệt đỏ nhấp nháy. Nó chạy khá nhanh và sắp cắt đuôi được thằng Long.
Thằng Long lớn tiếng:
‘Mày chết nè con!’
Nó ấn vào nút kĩ năng và rê thẳng vào mục tiêu. Mặt đất nứt ra, phóng thẳng về phía trước. Kẻ địch của nó trắng máu, đổ gục ra chết.
Trong lúc trận chiến đang diễn ra khốc liệt. Một cánh tay chỉ vào chỗ màn hình chỗ thằng Luân và nói với giọng nhẹ nhàng:
‘Kè, một thằng đứng ở đó đó!’
Thằng Luân liền gạt cánh tay đó ra:
‘Biết rồi, mày bỏ tay ra coi. Làm tao hông thấy…’
Rồi thằng Luân định thần lại, đứa nào đứa nấy cũng mặc áo sơ mi ngắn tay mà. Sao cánh tay hồi nãy hình như mặc áo dài tay. Giọng nói lạ đó đe dọa:
‘Giỏi quá ha! Người ta làm lễ tới nơi rồi mà mấy em còn ngồi đây chơi game!’
Cả đám lập tức xách ghế lên bỏ chạy tán loạn về chỗ của mình. Còn đám game thủ thì đứa nào đứa nấy điếng hồn nhanh chóng tắt máy rồi cong *** chạy nạn. Có đứa còn bỏ của chạy lấy người, chỉ nhớ xách theo cái máy chơi game với cái ghế mà quên béng cái cặp. May phước là nó nhớ ra nên quay lại lụm nhanh rồi vọt lẹ.
Người duy nhất không bỏ chạy mà hiên ngang đứng lại chính là ông thầy. Giải tán đám đông xong và đảm bảo rằng đứa nào đứa nấy đã vô chỗ, thầy mới bỏ đi một cách từ từ nhẹ nhàng y như lúc thầy xuất hiện.
Các thầy cô giáo cũng hối hả trở về vị trí của mình tại hàng ghế trên cùng. Bên hông sân khấu, một bà cô đang kiểm tra lại tai nghe và mic trên người mình. Mạnh ngả đầu ra ghế nói với vẻ chán nản:
‘Chuẩn bị tra tấn lỗ tai nữa!’
Mấy đứa xung quanh cũng tỏ vẻ ngán ngẩm. Tụi nó bắt đầu chụm lại thì thào, một đứa đùa:
‘Chắc hôm qua bả nốc nguyên thùng nước ngọt có ga rồi!’
Tụi nó gật đầu đồng ý và cười hinh hích. Một giọng khác bô bô lên:
‘Không phải đâu, nước có ga sao đủ sức. Chắc là uống nước tăng lực!’
‘Ờ…Có lí!’
Rồi chúng bắt đầu liệt kê danh sách các loại nước ngọt ra. Nào là bò húc, rồng đỏ, hổ xanh… Một đứa tỏ vẻ ngạc nhiên:
‘Ê, sao hổng thấy bả cầm phao lên ta?’
Một giọng chen ngang giải thích sang sảng:
‘Tụi bay ngu quá! Phải tay không lên mới oai. Tới chừng lên tới đó, bả chỉ việc ấn nút, mở máy rồi mới đọc nguyên cái sớ táo quân. Chứ bả mà cầm tài liệu lên đọc chắc cũng phải cỡ cuốn từ điển tiếng Anh! Làm vậy ác quá, học sinh nhìn thấy chắc xỉu hết thì còn ai mà nghe bả nói!’
Tiếng vỗ tay lốp bốp vang lên nho nhỏ kèm theo mấy lời khen đại khái như ‘Chí lí!’, ‘Chuẩn không cần chỉnh!’ rồi ‘Nãy giờ anh kết nhất câu này của chú đó nha!’.
Mạnh ngồi nghe lỏm thôi mà thấy tức cười chịu không nổi. Dễ hiểu thôi, đây là vấn đề muôn thuở mà bất kì đứa học sinh nào cũng hiểu. Duy chỉ có những người phát biểu trên bục là không hiểu.
Đây là cái việc khốn khổ mà chúng trải qua suốt mười hai năm trời. Bất kể đó là lễ khai giảng, tổng kết hay chào mừng ngày hội quan trọng nào đó thì bao giờ cũng có một bài diễn văn được đọc trong ngày đó. Nội dung thì na ná nhau và được mọi người thay nhau lên đọc.
Cấu trúc của bài văn đó được tổng kết ngắn gọn là gồm bốn phần: đề, thực, luận, kết.
Đề. Luôn mở đầu bằng câu ‘Kính thưa quí vị…’ gì gì đó bao gồm thầy cô, quan khách và quan trọng nhất là toàn thể học sinh dù cho có đang nghe hay không nghe. Sau đó là giới thiệu mấy vị quan chức tai to mặt lớn ọi người biết dù ọi người có muốn hay không. Cuối cùng là lí do mà mọi người và đặc biệt là các bạn học sinh phải ngồi đây chịu đựng cái bài diễn văn dài lê thê lết thết đó.
Thực. Đại khái là những gì mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua. Một danh sách thành tích các con số dài dòng sẽ được nêu lên. Họ sẽ được thay phiên nhau đọc từ thành tích này tới thành tích kia.
Luận. Là một danh sách dài các thành tích mà trường dự định sẽ thực hiện trong năm nay. Và họ luôn chắc nịch một điều rằng sẽ làm tốt hơn năm ngoái mặc dù khó mà kiểm chứng được điều đó. Nhưng thứ duy nhất có thể kiểm chứng và chắc chắn được là mỗi năm bài diễn văn ngày càng dài hơn và học sinh luôn chịu trận lâu hơn.
Kết. Họ sẽ mời một học sinh nào đó lên phát biểu ý kiến của riêng mình. Hiển nhiên là cầm theo một tờ giấy có nội dung in sẵn, học sinh đó sẽ thay mặt tất cả mọi người, dù mọi người có thích hay không cũng mặc, nói lên đủ thứ lời hay ý đẹp trong tờ giấy. Cuối cùng, buổi lễ sẽ kết thúc với câu ‘Rất cám ơn mọi người vì đã có mặt đầy đủ…’ vì đã tới đây để chịu đựng sự tra tấn này.
Đám học sinh luôn lựa chỗ ngồi tuốt hàng dưới. Vì ngồi ở vị trí đó là an toàn nhất, chúng có thể tha hồ ngủ gật, ăn vặt, nói chuyện, móc *** mũi… mà không lo gì hết. Còn nếu ngồi ở hàng trên cùng thì bắt buộc phải nghe bài diễn văn đó. Vui cũng phải nghe, buồn cũng phải nghe, không vui không buồn cũng phải nghe. Đừng có tưởng diễn giả chỉ lo đọc tờ giấy mà không lo nhìn xung quanh. Dù đọc sung đến cỡ nào cũng sẽ dừng lại ngay nếu phát hiện có ai đó không chú ý đến mình. Vì thế mấy đứa ngồi hàng đầu chỉ cần lơ là một chút là đứt bóng đèn ngay tại chỗ. Bạn sẽ bị mời lên làm khách danh dự và được hỏi một câu hỏi quen thuộc ‘Khi nãy tôi nói gì, em hãy nhắc lại cho tôi và các bạn khác nghe!’. Nếu may mắn trả lời được thì nhiều lắm bạn sẽ bị mắng vài câu và được về chỗ. Còn không, bạn đã cầm chắc một vé đi lao động công ích cho trường.
Sau khi đã kiểm tra kĩ lưỡng thiết bị, người phụ nữ bước lên bục và chuẩn bị phát biểu. Giờ hành quyết đã tới. Cả đám ở dưới liền cầu trời cầu phật cho tụi nó còn toàn mạng về nhà sau buổi lễ ngày hôm nay. Mạnh ngồi nhịn cười đến đau cả ruột.
Mic bật lên và buổi lễ khai giảng chính thức bắt đầu.
‘Chào các em! Các em có buồn ngủ không?’
Xem ra cô đã hỏi đúng câu rồi đấy. Cả sân trường đáp bằng cái giọng chán ngắt và kéo rề rề:
‘Daaạạ…. cooó…’
‘Cô có một cách để mọi người tỉnh ngủ. Đầu tiên hãy cho cô xin một phút im lặng!’
Tiếng ồn trên sân trường được vặn nhỏ xuống đáng kể. Tỏ vẻ khá hài lòng, cô nói tiếp:
‘Rồi, các em hãy nhìn lên!’
Từ trên không, một vật thể tàng hình xuất hiện giữa trời khiến cho cả sân trường đều phải nhìn không thể rời mắt. Mấy cánh tay giơ lên chỉ trỏ kèm theo mấy tiếng xì xào. Nó lượn một vòng, đáp xịch xuống ngay lễ đài rồi hiện hình.
Cửa bên hông bật mở, cả sân trường nín lặng chờ đợi. Phi hành đoàn lần lượt từng người bước ra. Cô dẫn chương trình lập tức lên tiếng lớn đến nỗi đủ sức át đi mọi cơn buồn ngủ:
‘Thưa mọi người, hãy dành một tràng pháo tay cho các sinh viên ngành hàng không!’
Lập tức một cơn bão âm thanh bùng nổ ngay bên dưới sân trường. Tiếng vỗ tay rần rần kèm với tiếng hò hét cổ vũ đột nhiên vang lên ầm ầm làm cho Mạnh suýt nữa té khỏi ghế. Nó có cảm giác như mọi giác quan của nó như vừa được khơi thông.
Có vẻ Mạnh là người duy nhất còn giữ vẻ mơ màng của buổi sáng:
‘Trời đất, bạo động hả!’
Câu nói của nó bị nhận chìm nhanh chóng trong biển âm thanh. Vậy mà hồi nãy cái đám giặc này cứ ra vẻ hết xí quách, rên rỉ ủ rũ rằng buổi lễ này chán ngắt. Còn bây giờ chúng lại sung sức hò hét, vỗ tay om sòm hết công suất.
Thần không sau đó bay lên và biến mất trên trời trả lại kha khá khoảng trống trên lễ đài. Cô hướng dẫn chương trình nhìn lên màn hình lớn và thuyết minh:
‘Là chuyên ngành cung cấp một nguồn lao động dồi dào, đầy đủ kinh nghiệm để bảo đảm các tuyến đường vận chuyển luôn thông suốt và an toàn. Làm việc trong ngành hàng không, bạn luôn sống trong không khí của sự vận động liên tục cho các chuyến bay với nhiều cơ hội tiếp xúc với những khuôn mặt mới đến từ bốn phương trời.’
Một cảng hàng không hiện đại tấp nập hiện ra trên màn hình. Kế đến là các bãi tập lái thực hành của trường.
‘Chuyên khoa hàng không được trang bị đầy đủ các thiết bị tối tân nhất, sân bãi rộng lớn, đầy đủ điều kiện học tập…’
Các phòng học lý thuyết hiện ra, mọi người đều trông có vẻ tập trung nhìn căng thẳng vào mặt bàn. Lướt sơ qua mặt bà là mô hình ba chiều của một thần không cùng cả đống thứ dữ liệu như số, biểu đồ.
Cả đám sinh viên năm nhất khối nghiên cứu sinh học, cụ thể là cái đám mọi rợ ngồi ngay gần chỗ Mạnh, đều làm ra vẻ nôn mửa nghiêm trọng. Ngay cả Mạnh cũng phải đồng ý với chúng. Giờ nó mới hiểu lí do tại sao phi công máy bay lại được trả lương cao như vậy.
‘Đây cũng là chuyên ngành đòi hỏi tính tỉ mỉ, thông minh và khả năng tập trung cao. Mỗi bạn sinh viên đều phải trải qua quá trình học tập vô cùng kĩ lưỡng, khắc nghiệt trước khi trở thành các phi công, giám sát viên, kĩ sư bảo dưỡng thần không ưu tú như hôm nay!’
Cả nhóm sinh viên khoa hàng không bước lên phía trước dạo một vòng chào mọi người. Một tràng pháo tay nữa vang lên ầm ầm ngay bên tai Mạnh. Trời ạ, lũ mọi rợ.
Trong khi cả nhóm ai cũng niềm nở nhìn mọi người một cách tự hào thì có một con nhỏ khá đặc biệt. Con nhỏ đó đứng ngay giữa nhóm nhưng có vẻ hơi khép nép.
Cô MC khoát khoát tay để ổn định lại cả đám:
‘Rồi, rồi! Hạ nhiệt lại đi các em! Bây giờ là tiết mục của các sinh viên ngành công nghệ kĩ thuật!’
Khói bỗng nhiên từ đâu xịt tung tóe mịt mù cả lễ đài và cùng lúc đó tiếng nhạc bắt đầu trỗi dậy. Trong đám khói, nhiều bóng người đồng loạt xuất hiện và bắt đầu nhảy múa. Ánh đèn trên bộ đồ của họ nhấp nháy là lia qua lia lại liên tục theo tiếng nhạc.
Và như thế đồng nghĩa với việc dội bom đợt hai.
‘DEEEEEEEEEEEEEEEEEE…….’
Lần này thì Mạnh phải bịt ngay lỗ tai lại để bảo vệ màng nhĩ. Cả sân trường hò hét còn kinh hơn hồi nãy, chúng đưa tay lên hò hét ầm ầm. Thậm nhí có đứa còn đứng lên nhảy múa theo nhạc.
Điệu này chắc trường sập luôn vì động đất quá. Mạnh đang tưởng tượng cảnh buồn cười trong đầu. Biết đâu ngày mai trên bản tin tivi thông báo tin chi nhánh trung tâm của trường Raisalin bị sập trong ngày khai trường vì khán giả quá phấn khích trước tiết mục khai giảng của nhà trường.
Khói vẫn chưa tan, tuy nhiên các vũ công vẫn múa và phối hợp một cách nhịp nhàng chuẩn xác đến từng chi tiết nhỏ nhất. Khán giả thì vỗ tay ầm ầm như tiếng trống trận hành quân. May là Mạnh đã kịp ăn sáng rồi, nếu không chắc là giờ này đã nằm viện vì vỡ bao tử.
Khi khói tan dần, tất cả mới vỡ lẽ ra những nghệ sĩ đang nhảy múa một cách tài tình trên đó là những người máy. Tuy nhiên, cái chảo dầu sôi ừng ực bên dưới sân trường vẫn không hề giảm nhiệt độ. Thậm chí là nó còn nóng hơn theo từng bước nhảy một của bọn người máy.
Chúng di chuyển đều nhau không sai một chi tiết nhỏ nào. Thậm chí có lúc còn đồng loạt thực hiện những động tác phức tạp và khó khăn đến nỗi nếu là người bình thường thực hiện thì chắc chắn sẽ bị chấn thương.
Những con người máy đồng loạt trượt sang góc trái, trượt sang góc phải sân khấu với các chùm đèn chớp tắt theo nhịp. Rồi chúng đồng loạt đi đều bước ra vị trí trung tâm, đứng quay lưng với khán giả và tất cả ánh đèn trên người chúng đều tắt hết. Ngay lập tức, chúng thực hiện một cú lộn mèo ngược từ sân khấu xuống dưới mặt đất một cách chính xác. Tất cả bọn chúng cùng lúc quay mặt trở lại, giơ tay lên trời với ánh đèn đột ngột sáng phụp lên.
Cả sân vỗ tay ầm ầm tán thưởng. Có đứa còn đập rầm rầm vào lưng ghế của Mạnh. Nó liền quay mặt lại nhìn với bộ mặt đằng đằng sát khí.
Thì ra là thằng Hồng Ngân, kế bên nó là Quốc mập với thằng Kiên ốm nhánh. Thằng Ngân thấy ghê quá nên bỏ tay ra, xin lỗi Mạnh rồi hò hét và đập vào ghế của thằng Quốc. Mạnh quay mặt lên lại và nghe hình như có tiếng thằng Ngân la oai oái ở phía sau.
‘Vâng, xin mời các sinh viên đại diện cho ngành công nghệ kĩ thuật bước lên đây ạ!’
Một nhóm sinh viên ở hàng ghế đầu đứng dậy và rời khỏi hàng ghế khán giả bên dưới. Họ vừa đi lên khán đài vừa vẫy tay trong khi tay kia vẫn còn cầm một bộ điều khiển, trông chúng mỏng lét như cuốn tập vậy.
Cùng lúc đó, lũ người máy cũng di chuyển trở lại lễ đài theo sự điều khiển của họ. Lần này thì chúng không nhảy nhó uyển chuyển linh hoạt như hồi nãy nữa mà di chuyển theo một điệu bộ cứng nhắc. Trông như thể chúng vừa đi đều bước vừa đếm một hai một.
Một cơ sở lắp ráp máy móc, thiết bị tự động hiện ra trên màn ảnh lớn. Cô MC hướng lên đó và bắt đầu giới thiệu:
‘Ngành công nghệ kĩ thuật bao gồm nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau và nhu cầu xã hội vô cùng lớn. Từ những thứ đơn giản mà chúng ta thường sử dụng hằng ngày như xe cộ tự hành cho đến những thứ phức tạp như người máy!’
Trên màn ảnh lúc này là một xưởng lắp ráp máy móc khổng lồ. Trông y như một phòng phẫu thuật dành cho người máy vậy. Người ta kiểm tra rồi tháo các linh kiện bị hư ra, lắp đặt lại các linh kiện mới một cách cẩn thận vào trong thân một người máy khổng lồ.
‘Đây là ngành đòi hỏi sự sáng tạo, khả năng tập trung cao cũng như cần cù với công việc!’
Cô ta hỏi cả nhóm:
‘Cô muốn hỏi các bạn một câu. Mọi người có chắc chắn về chất lượng sản phẩm của mình không?’
Một nam sinh viên thay mặt cả đám trả lời:
‘Dạ, chắc thưa cô!’
Hỏi xong, cô ta gõ gõ tay vào người máy gần nhất kiểm tra và kết luận:
‘Quao! Rất chắc chắn!’
Cả trường ai cũng phá lên cười. Ngay cả nhóm sinh viên đứng trên kia cũng không ngoại lệ.
‘Vâng, một tràng pháo tay cho điệu nhảy người máy đi các bạn!’
Ngay lập tức, âm thanh vỗ tay kèm với vài tiếng đập ghế vang lên dữ dội hưởng ứng.
Mạnh tự hỏi kế đến không biết là tiết mục gì nữa đây. Nó há miệng ngáp một cách chán ngắt. Tự nhiên nó nghe tiếng mọi người xung quanh xì xào. Cái gì đây, không lẽ ngáp cũng có tội.
Có gì đó ở bên ngoài mặt hồ, mọi người đều ngước nhìn ra đó. Xa quá, nó không nhìn rõ được. Tuy nhiên, điều đó không thành vấn đề. Mọi chuyện diễn ra bên ngoài mặt hồ đều được truyền trực tiếp đến màn hình lớn.
Một đàn cá heo to lớn đang lội ào ào trên mặt nước làm bọt trắng và sóng đánh văng tung tóe ra hai bên. Những con cá heo này phủ màu xanh xám trên lưng và màu trắng đục dưới bụng mình. Mắt của chúng mang màu u tối khi lội xuống nước nhưng khi trồi lên lại phản chiếu ánh mặt trời một cách tươi sáng.
Đàn cá hình như chở theo người nào đó trên lưng. Khi đến khá gần bờ, chúng lội sâu xuống dưới và phóng vọt lên trên cao. Những người đang bám trên lưng chúng lập tức buông tay ra, phóng thẳng ra phía trước và tiếp đất an toàn trên bờ.
Trên người họ đều mang một bộ áo bảo vệ che chắn kín mít mà Mạnh đã quá quen. Tất cả đồng loạt tiến vào sân trường. Một vài thứ thiết bị gì đó lập tức bay đến gần họ và sấy khô nước trên người.
Nhưng bây giờ Mạnh lại không để ý rằng tiếng vỗ tay và hoan hô đang nổi lên ầm ầm. Nó chăm chú quan sát tiết mục này kĩ hơn so với hai tiết mục trước. Có lẽ do cùng là kĩ sư sinh học nên ít nhiều gì nó cũng tự hào vì điều đó.
Khi họ bước lên lễ đài, cô dẫn chương trình đề nghị họ:
‘À, các bạn có thể tháo bộ đồ này ra được chưa ạ?’
Đến phần nói chuyện nhàm chán rồi. Mạnh đan hai bàn tay vào nhau, vươn ra cho đỡ mỏi và rồi dựa lưng vào ghế trở lại.
Một cô gái đại diện cả nhóm và bước ra trả lời:
‘Thưa cô được ạ!’
Ê khoan, giọng nói đó rất quen. Chưa kịp dựa lưng vào ghế, Mạnh lập tức nhổm dậy trở lại và dán mắt về phía lễ đài.
Cả sân trường cũng thế, họ đều chăm chú hướng về đó khi thấy một người trong nhóm đó là con gái. Đặc biệt là đám con trai, có đứa vừa định mở miệng ngáp thì ngay lập tức ngậm miệng lại, mở to mắt ếch ra nhìn thao láo.
Lớp áo bảo vệ trên người họ tự tách ra và ráp lại thành cái ba lô sau lưng. Từng người một lộ mặt ra. Và dĩ nhiên giọng nói quen thuộc vừa nãy không ai khác ngoài Băng.
‘Ồ ồ ồ…’
Âm thanh ngạc nhiên đó kéo dài mấy giây rồi mới dứt. Thành tích học tập của Băng được giới thiệu sơ bộ:
‘Vâng, xin giới thiệu bạn Vũ Thiên Băng. Bạn đã có chứng chỉ điều khiển thần không cấp cao nhất và vừa lấy được chứng chỉ đào tạo kĩ sư nghiên cứu sinh vật năm ngoái. Năm nay bạn Băng dự kiến sẽ học thêm lĩnh vực nghiên cứu gen cũng thuộc ngành sinh vật học!’
Mạnh nghĩ kĩ cảm thấy hơi kì lạ. Sao mấy người trước đó cũng giỏi lắm mà không thấy giới thiệu gì cả vậy.
‘Và chưa hết đâu mọi người ạ! Băng là sinh viên đầu tiên lấy được hai chứng chỉ thuộc hai chuyên ngành khác nhau khi bạn chỉ mới có mười tám tuổi!’
Ra là vậy.
Lập tức một tràng pháo tay nổ lên ầm ầm kèm theo thứ âm thanh hò, hú, hét đủ loại của đám con trai. Nghe qua còn tưởng đám thú vật xổng chuồng vậy. Chúng hò hét cổ vũ om sòm đến nỗi dù không muốn nhưng Mạnh vẫn phải nghe:
‘Bạn giỏi quá bạn ơi!’
‘Anh ngưỡng mộ em quá!’
Mạnh nhăn mặt rồi lắc đầu bó tay với đám giặc này. Nó là người duy nhất không nhảy cẫng lên rồi vỗ tay ầm ầm như lũ ngốc này. Đúng là đám khùng, trông chúng vui mừng cứ như là vừa trốn tù ra được vậy.
Cô MC giơ tay ra hiệu cho tụi nó nguội bớt. Cô hỏi Băng:
‘Cô muốn hỏi một câu hơi tế nhị. Nếu không thích thì bạn không cần trả lời!’
‘Bạn có người yêu chưa?’
Băng mỉm cười rồi lắc đầu.
‘Vâng, cô sẽ hiểu câu trả lời là chưa!’
Một đợt hò hét om sòm nổ tung ra tiếp. Giờ thì mọi chuyện đã rõ. Hèn gì chú Thanh bảo nó tốt nhất là nên giả bộ không quen biết gì Băng. Nếu như bọn ngốc này mà biết Mạnh có dây mơ rễ má gì với Băng thì nó cũng đừng hòng có cuộc sống bình yên.
Cô dẫn chương trình mời tất cả bọn họ đi lên và đưa tay ra giới thiệu một lượt:
‘Vâng, một lần nữa cám ơn tiết mục mà các bạn đã mang đến ngày hôm nay!’
Và dàn âm thanh nổi ở dưới lại bật lên ầm ầm mà chả cần cái công tắc nào cả.
‘Buổi lễ khai giảng đến đây là kết thúc. Cám ơn các thầy cô và các bạn học sinh đã đến đây theo dõi!’
Hết rồi sao? Đây là lần đầu tiên Mạnh cảm thấy hơi tiếc nuối khi buổi lễ khai giảng kết thúc sớm như vậy. Nó tưởng buổi lễ phải dài hơn thế nữa chứ.
Tuy nhiên, nếu nó tiếc một thì mấy đứa khác tiếc mười. Chúng la ó om sòm này nọ vì buổi lễ kết thúc sớm quá. Đây đúng là chuyện lạ à nha. Nếu là lúc trước thì tụi nó sẽ than phiền hỏi vì sao buổi lễ lại kéo dài như vậy.
Đức len qua hàng người rướn tới chỗ Mạnh. Nó huyên thuyên:
‘Ê, vậy mà tui tưởng phải lâu hơn chứ!’
‘Ờ! Tao cũng tưởng vậy. Cứ tưởng giống y chang mấy cái trường lúc trước mình học! Mỗi lần khai giảng là hết ông này tới bà nọ lên nói!’
‘Đúng rồi. Khai giảng gì kéo tới hai tiếng. Tụi mình ngồi dưới toàn nói chuyện chứ có nghe gì đâu!’
Mạnh ra vẻ hiểu biết nên them ngay vào:
‘Chứ gì nữa! Mà có gì để nói đâu! Nói đi nói lại cũng cái bài diễn văn đó!’
Rồi nó giơ tay lên làm ra vẻ như đang đọc một xấp giấy dày trước mặt:
‘Ơ… năm ngoái đậu nhiêu, học sinh giỏi nhiêu, khá nhiêu, đạt chỉ tiêu nhiêu, chỉ tiêu năm nay nhiêu… Nói đi nói lại cũng mấy thứ đó, có gì hay ho mà nói! Có khác thì cũng khác số, khác người thôi! Còn cái bài diễn văn đó y như cũ cứ thay qua thay lại đọc thôi, mà có đứa nào thèm nghe đâu mà đọc!’
Đức gật gật đầu:
‘Ừ! Ông nói đúng, có lý. Tui ngồi nghe không mà lúc đứng dậy là lưng mỏi nhừ luôn!’
Cuối cùng, nó đập hai tay vào nhau kết luận:
‘Coi bộ mình được học ở đây là hên đó!’
Mạnh làm bộ nở nụ cười méo xẹo. Đúng rồi, hên với thằng Đức thôi. Còn với Mạnh, cuối tuần phải leo lên xe để về Đá Lửa làm việc tiếp. Không biết có đứa nào trong lớp như nó không ta, năm ngày đi học, hai ngày nghỉ thì lên đảo ở với lũ thú dữ. Có lẽ nó phải sắp xếp cái lịch của mình lại. Mà quên, nó có xài thời khóa biểu bao giờ đâu mà sắp xếp.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui