Buổi Hẹn Cuối Cùng

New York vào mùa xuân, theo đúng với tất cả những gì êm ái mà cái từ này chất chứa trong con tim mọi người: những cặp tình nhân dắt tay nhau dạo chơi trong công viên trung tâm, cây cỏ nở hoa, đêm tối dịu dàng và mát mẻ tưởng chừng như không đâu có, nói tóm lại đây là khoảng thời gian trong năm mà tám hay mười triệu người dân New York cảm thấy như sống lại, hồi xuân.

Vậy mà chỉ có mình tôi là không thấy vui thích tí nào. Buồn bã ngồi trong phòng làm việc bé tí xíu trên tận lầu sáu của một cao ốc thương mại và kỹ nghệ, tôi ngắm nhìn tấm thảm thủng lỗ mà nguyền rủa cái ngày tôi nổi cơn ngông quyết định làm thám tử tư. Báo chí tha hồ nói rằng xứ sở này đang hồi làm ăn thịnh vượng còn tôi, cả tuần nay tôi không có lấy một mống khách nào.

Tiếng máy đánh chữ từ căn phòng bên vọng lại . Có trời mà biết Agnès đang đánh cái quỷ gì bên đó. Chắc là cô ta đang làm giúp cho một người hàng xóm, anh chàng Manuel Bolondron Metasieti nào đó đã nhờ cô đánh một bản thảo có tên là “Một người Tây Ban Nha nhìn nước Mỹ”. Tôi đã liếc qua nó vài đoạn và tự hỏi không biết có thằng cha xuất bản nào dám gồng mình nhận in sách? Tôi cũng tự hỏi tại sao tôi thuê Agnès, và rồi tại sao tôi vẫn giữ cô lại? Agnès là một cô gái dễ thương, đủ sức tìm một việc làm nơi khác nhiều lương hơn ở đây. Vậy mà cô vẫn chịu ngồi ở cái văn phòng tồi tàn này từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều để chỉ lãnh một số tiền không đủ bữa ăn trưa.

Tôi thở dài đứng dậy đi đến cái tủ gỗ trong tường mà mối mọt chắc đã đóng đô trong ấy từ thế kỷ nào rồi. Thật đáng ngạc nhiên làm sao là bên trong lại có một chai bourbon có vài phân rượu. Cả một sự khám phá vĩ đại! Tôi cầm chai rượu sắp trở về ghế ngồi thì nghe có tiếng thầm thì vọng lại từ phía phòng Agnès. Và chỉ vài giây sau cô bé dễ thương đã bước qua phòng tôi, dáng ngạc nhiên.

Giọng cô cất lên thật trang trọng:

- Thưa ông Bowman, xin lỗi đã làm rộn ông.

Giọng nói hơi cao vừa đủ để cho vị khách bất ngờ bên kia nghe rõ. Tôi cũng cất tiếng nghiêm chỉnh không kém:

- Có việc gì đó, cô Agnès?

- Bên kia có một người muốn diện kiến ông… Bác sĩ Cole. Ông ấy bảo với tôi rằng có chuyện cần bàn với ông không thể để chậm trễ chút nào.

Và cô bước đến bên tôi hạ giọng:

- Hình như là một khách hàng đấy.

Tôi vội vã cất chai rượu vào hộc bàn, nắn lại cái cà vạt cho ngay ngắn rồi vun vài lá thư trên bàn, ngồi nghiêm chỉnh trên ghế trông thật là trang trọng.

Trước khi bước ra, Agnès còn quay lại nhìn tôi mỉm cười khuyến khích. Cái miệng thật tuyệt và đôi hàm răng như là ngọc ngà. Thêm vào đấy là một thân hình khiến nhà ẩn sĩ cũng nổi lòng ham muốn, và mái tóc vàng kiểu Venise, màu tóc tôi ưa thích.

Một đôi lần tôi nghĩ đến việc rủ cô đi chơi, nhưng chẳng khi nào tôi đủ can đảm cất lời. Tuy không chịu thú nhận nhưng rõ ràng là cô đã khiến tôi trở thành nhút nhát. Cô cất tiếng thầm thì trước khi bước ra:

- Chúc may mắn, cố lên!

Rồi khi đẩy cánh cửa, cô cao giọng:

- Thưa ông, xin mời ông quá bộ…

Một người đàn ông bước vào, một người uy nghiêm, áo quần thật bảnh bao. Thân hình không cao lớn lắm - chỉ chừng một thước sáu lăm, mạnh khỏe và tuổi đã trên năm mươi. Với thái độ đầy tự tin, nụ cười vừa bao dung vừa thân thiện, với cái cằm cương nghị. Ông ta có dáng rõ rệt của một ông thầy thuốc thành công về nghề nghiệp và có quyền cho mình được phép lựa chọn thân chủ. Bàn tay ông đưa ra bắt rất thật tình và mạnh bạo. Thế mà sao tôi vẫn thấy có gì khó ưa ở con người này khi ông ta vừa bước qua cửa.

Ông đến ngồi vào ghế dành cho khách, bắt tréo chân vẫn để quần thẳng nếp rồi nhìn tôi như thấy con vật lạ. Ông ta lên tiếng:

- Tôi là bác sĩ Albert Cole. Chắc ông cũng đã nghe đến tên tôi. Tôi là thầy thuốc tâm thần.

Tôi lấy dáng lịch sự vừa phải tỏ dấu quan tâm tới ông ta. Cole tiếp lời:

- Tôi đã đọc quảng cáo của ông trong một hai tờ báo cho nên tôi quyết định tới đây. Ông Bowman, xin ông cho biết, ông có sẵn sàng giúp tôi điều tra một vụ nho nhỏ không?

Giàu có như tôi trong hiện tại, giá mà có ai mướn bắt cóc cả bộ Chính trị của một nước nào đấy để lấy vài đồng đô la tôi cũng làm ngay không ngần ngại. Tuy nhiên tôi vẫn làm bộ thản nhiên.

- Thưa bác sĩ, cái đó còn tuỳ nơi tính chất của vụ điều tra.

Ông ta gạt ngang một cách cộc lốc:

- Trong nghề của ông đâu có khó khăn đến thế?

Tôi cũng đáp trả lại:

- Thưa bác sĩ, như thế là ông không hiểu gì về nghề nghiệp của tôi cả. Chắc ông đã ngạc nhiên nếu biết rằng nghề thám tử tư của chúng tôi cũng đòi hói một thứ đạo đức nghề nghiệp rất khe khắt, tạm gọi là… cũng như nghề thầy thuốc vậy.

Mặt ông ta đỏ bừng thấy rõ.

- Này ông Bowman, giả như sau khi nghe tôi trình bày rồi ông không chịu nhận lời thì sao? Có gì bảo đảm là câu chuyện chúng ta bàn ở đây hôm nay không tiết lộ ra ngoài?

- Bác sĩ cứ tin ở tôi. Tất nhiên là trừ phi những điều ông nói ra khiến tôi phải dính líu vào một tội phạm nào đó.

Ông ta cất tiếng cười ngạo mạn:

- Tôi là thầy thuốc chứ không phải tay găngxtơ, ông Bowman ạ. Nhưng mà ông chưa trả lời câu hỏi của tôi. Nếu ông không nhận lời làm công việc nhỏ tôi nhờ cậy thì có gì bảo đảm là những điều sẽ kể không tiết lộ ra ngoài?

- Chỉ có lời hứa của tôi thôi, bác sĩ ạ.

Ông ta suy nghĩ thật lâu và từ chối điếu thuốc tôi mời. Cuối cùng ông nói:

- Được rồi. Tôi trông ông có vẻ lương thiện và thông minh…

- Cảm ơn bác sĩ, - tôi nhạo báng trả lời.

Ông ta vẫn không nao núng, tiếp lời:

- Ngoài ra chắc ông sáng suốt hơn tôi trong vấn đề này. Tôi sẽ trình bày hết cho ông và sau đó dù nếu không chịu nhận làm, chắc ông cũng có thể cho tôi một vài lời khuyên. Đồng ý không?

Tôi gật đầu.

- Tuyệt! - Ông ta có vẻ an tâm - Chuyện của tôi có thể tóm tắt chỉ trong vài chữ: Con gái tôi nhận được một bức thư có vẻ như là thư tống tiền. Tất nhiên nó không biết tôi đã theo dõi được chuyện này. Từ ít lâu nay tôi thấy nó đột nhiên thay đổi thái độ. Ngày thường thì nó là một đứa con gái vui vẻ, linh hoạt. Thế mà từ vài tuần lễ nay nó bỗng trở nên ngơ ngáo, cau có, buồn rầu. Hình như nó đang bị một mối lo âu ghê gớm đục khoét tâm hồn.

- Ông có hỏi cô ấy lo lắng điều gì không?

- Có đến năm sáu lần gì đó. Tôi đã nhẹ nhàng hỏi nó có cần gì ở tôi không, tôi có thể làm bất cứ điều gì để giúp đỡ nó không? Lần nào nó cũng lắc đầu bảo để cho nó yên thân. Tôi đợi một tuần qua đi, thấy nó vẫn lầm lì và trầm tư suy nghĩ, tôi lại tiếp tục hỏi. Nó hơi gắt giọng bảo rằng tôi đã chen vào một việc không dính líu gì đến tôi cả.

- Thế cách đối xử giữa ông và con gái trước lúc chuyện ấy xảy ra thì ra sao?

- Thật hoàn hảo, ông Bowman ạ. Tôi cho rằng cha mẹ với con cái trước tiên nên có quan hệ bình đẳng và thông cảm lẫn nhau. Chính trên nền tảng ấy mà tôi đã nuôi dưỡng nó cho đến nay.

- Biết đâu cô ấy có tâm sự với mẹ?

Ông ta mím môi và quay mặt đi như thể cật hỏi của tôi đã làm ông lúng túng. Cuối cùng ông lên tiếng:

- Tôi e rằng trong việc này vợ tôi không giúp ích được gì đâu. Helen thích tôi hơn bà Cole. Nói thẳng ra là giữa mẹ và con gái không có chút thiện cảm nào.

Tôi bắt đầu thấy ra một vài điều của gia đình nọ. Thế thì có chuyện lôi thôi đến với cô bé Cole cũng không lạ tí nào, không phải chuyện đùa là khác Tôi nói:

- Tôi hiểu rõ rồi. Bây giờ ta nói đến bức thư nên chuyện kia. Chắc là ông có mang theo phải không?

Ông ta lục trong túi lấy ra một phong bì trắng mang tên và địa chỉ cô gái. Tôi nhận ra là họ nhà Cole ở Whitegates, nghĩa là một khu rất sang trọng.

Chữ viết trên phong bì không có vẻ gì đặc biệt. Bên trong chỉ có một tờ giấy, vẫn là chữ viết tay và nội dung mới nhìn qua thật không có gì gây thắc mắc:

“Cô Cole thân mến, Theo lời dặn dò mới đây của cô, tôi đã đi tìm hiểu một vài điều liên quan đến vấn đề chúng ta đã bàn. Bay giờ tôi muốn cho cô biết những điều tôi đã tìm hiểu được.

Nếu cô đồng ý thật chúng ta sẽ gặp nhau vào thứ tư tuần sau lúc 21 giờ 30 ở góc đường Broadway và Đường số 4. Tôi tin chắc là chúng ta sẽ thoả thuận được với nhau.

Xin cô chớ quên tiền công trả cho tôi - hai ngàn đô la loại tiền nhỏ. Cũng không nên quên là cô đến một mình.

Trân trọng

Gerald Horn”

Tôi đặt bức thư lên bàn và thầm khen kẻ nào đã viết một tác phẩm thật tuyệt. Tôi hôi:

- Con gái ông có đủ sức kiếm ra số tiền lớn này không? Hai ngàn đô la là khá lớn đối với một người còn sống nhờ vào gia đình.

Bác sĩ Cole giải thích:

- Tôi biết nó không có tiền mặt sẵn nhưng nếu cần thì nó cũng có thể vơ véo đây đó gom góp đủ, ví dụ như phải bán nữ trang đi. Bà ngoại nó khá giàu và có để lại cho nó một số tiền khi nó được hai mươi mốt tuổi. Lâu nay với tiền lãi, tiền thừa hưởng có thể lên đến ba mươi ngàn đô la. Mà Helen thì chỉ một tháng nữa là đủ tuổi rồi.

- Vậy là cô ấy có thể vay mượn đâu đó. Còn chuyện này nữa, bác sĩ, ông có biết gì về người đàn ông, gã tên Horn ấy không? Hắn ta tìm ra bí mật gì mà có thể tống tiến con gái ông được?

- Tôi không thể trả lời bất cứ điều gì trong câu hỏi đó ông Bowman ạ, bởi vì tôi hoàn toàn không biết Helen làm gì. Nó ít đi ra ngoài và không bao giờ đánh bạc. Với lại, nếu đó là một thứ đòi nợ cờ bạc thì nó đã nói với tôi rồi. Không, điểm đáng lo nhất ở chỗ là con tôi không cho biết chuyện gì đã xảy ra.

Mồ hôi ông ta chảy ròng ròng và tôi không lấy làm lạ chút nào. Tôi không mong đổi địa vị của ông ta với cô con gái vừa bước qua tuổi trẻ thơ mà đã sa vào vuốt của những tên tống tiền. Tôi nói:

- Bác sĩ đã nắm trong tay bức thư ấy rồi sao ông không đi thưa cảnh sát?

Ông ta giật mình như là tôi vừa thốt ra một điều ngu dại nhất trên đời.

- Ông nói thật đấy chứ?

- Đúng đấy, bác sĩ ạ. Cảnh sát có đủ khả năng để đối đầu với bọn tống tiền. Họ có đủ phương tiện và trình độ nghiệp vụ để làm việc này. Chỉ trong nháy mắt là xong và ông sẽ đỡ tốn nhiều tiền hơn là nhờ tôi chỉ có một mình.

Ông ta rút khăn tay lau trán và nói với giọng cao ngạo:

- Chúng tôi phải giữ gìn danh tiếng ông Bowman ạ. Nếu chuyện này vỡ lở ra báo chí sẽ ùa vào khai thác rùm beng. Mà đó là điều tôi muốn tránh. Tôi không ngại chuyện tốn tiền. Nói thật tình tôi cũng có thể trả cho tên Horn kia hai ngàn đô la nếu biết chắc rằng hắn không trở lại đòi nữa. Tuy nhiên bọn người như thế lại không bao giờ chịu bằng lòng chỉ nhận tiền cớ một lần thôi.

- Tôi hiểu. Vậy thì bây giờ ông muốn trao cho tôi nhiệm vụ gì đây?

Ông ta đáp với giọng chắc nịch:

- Tôi muốn ông chặn đứng vụ tống tiền này trước khi nó trở nên tệ hại hơn. Hắn muốn bao nhiêu ông trả hết nếu không có cách nào khác, nhưng phải làm thế nào để cho hắn không thể tái diễn trò bỉ ổi kia được.

- Bác sĩ có gợi ý gì cho tôi bắt tay vào việc không?

- Ông Bowman, đó là việc của ông, và chỉ ông biết mà thôi. Chính vì lẽ đó mà tôi mới thuê ông làm việc.

Chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu. Cuối cùng ông ta cất tiếng:

- Vậy là, ông Bowman, chịu hay không?

Tôi mân mê xáo trộn các lá thư để trên bàn ra lối còn suy nghĩ. Không có tay thám tử tư nào xứng đáng với danh hiệu đó lại ừ ngay với khách hàng, bởi vì điều đó chứng tỏ rằng mình đang chết đói tới nơi và có thể chộp bất cứ cơ hội nào đưa tới không cần suy tính gì cả.

Khi tôi ngửng đầu lên thì bác sĩ Cole đã rút tập chi phiếu ra và vặn đầu nắp bút máy. Ông ta hỏi gằn:

- Thế nào ông Bowman?

Tôi nhỏm người đứng lên.

- Đồng ý, thưa bác sĩ.

Ông ta đưa cho tôi một tấm hình của cô con gái, chụp trên một bãi biển ở Miami. Ông cũng cung cấp vài chi tiết về thói quen của cô cùng những nơi cô hay lui tới. Nhưng điều đáng quan tâm nhất là ông ký cho tôi tấm séc 500 đô la trả trước, mỗi ngày tôi được trả 20 đô la chưa tính tiền chi phí.

Ông ta bắt tay từ giã tôi nhưng chỉ nghiêng đầu không nói gì. Riêng Agnès được hưởng một lời chào "Vĩnh biệt cô", chỉ nho nhó ở đầu môi cộng thêm một nụ cười thoáng hiện lên.

Còn lại một mình, tôi đứng dậy ra phía cửa sổ. Xe cộ dưới đường không đông lắm và người đi lại cũng thưa thớt. Vì thế tôi không khó khăn gì mà không nhận ra và chú ý tới một người đàn ông đang nép nơi cửa của một toà nhà bên kia đường. Đó là Joe Wanaker và ai cũng gọi là Joe Nhờn. Hắn cũng là một thám tử tư nhưng tiếng tăm không được sạch lắm. Hắn từng nhúng tay vào nhiều vụ mờ ám và hai ba lần gì đó suýt phải ra hầu toà về tội tống tiền. Hắn đang đứng rình cửa cao ốc nhà tôi. Đã quen tính quen nết hắn rồi cho nên tôi chắc chấn rằng hắn đứng đó không phải là do tình cờ. Thêm nữa cách Joe ba bốn mét lại có một chiếc taxi bẻ cờ chờ sẵn.

Ba bốn mươi giây sau bác sĩ Cole bước ra leo lên chiếc xe Cadillac bóng lộn. Chiếc xe to đùng vừa mở máy là Joe phun cây tăm xỉa răng hắn đang nhằn trong miệng rồi chui vào chiếc taxi chờ sẵn phóng theo.

Tôi từ từ bước về bàn. Nếu Joe dính dấp vào vụ này thì ông khách của tôi tha hồ mà mệt. Và nói thật tình, tôi cũng mệt nữa.

ames Hadley Chase

Buổi hẹn cuối cùng

Dịch giả: Quang Huy


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui