Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Sau một tiếng trống hiệu, bốn cửa của hoàng cung đồng loạt được mở ra. Từng đội nghi lễ lần lượt tiến ra từ bốn cửa, trật tự diễu hành qua từng con phố trong thành Đông Long theo một lộ trình đã được định sẵn. Dẫn đầu mỗi đội lễ nghi là một đội binh lính tinh nhuệ tỏa ra khí thế trang nghiêm mà mạnh mẽ. Tiếng vó ngựa đều đặn vang lên thành nhịp, ánh mắt của mỗi binh sĩ đều nhìn thẳng về phía trước, toát ra sự tin tưởng và thành kính từ tận sâu trong đáy lòng. Tốc độ của đội ngũ này không quá nhanh, khoảng cách trong hàng ngũ vừa phải khiến cho đội ngũ không rời rạc mà lại vẫn tạo ra cảm giác kéo dài không dứt. Áo giáp trên mình mỗi binh sĩ nhẹ nhàng tỏa ra một tầng hào quang mờ nhạt, tạo lên một mối liên kết chặt chẽ giữa cả đoàn đội, khiến cho khí thế của họ như hòa chung làm một. Trong số những binh đoàn trên khắp nước Đại Việt, có một cái tên mà mỗi khi nhắc đến thì tất cả những binh đoàn khác đều phải kính nể, đó là binh đoàn Kim Long. Mà những binh sĩ dẫn đầu đội ngũ diễu hành hôm nay đều là binh sĩ tinh nhuệ nhất của binh đoàn này.

Theo sau đội ngũ binh lính là một đoàn xe lớn, trên từng chiếc xe đều được phủ thảm trắng khiến cho đoàn xe như đang lướt đi trong một trời tuyết đông. Trên xe là từng đội cung nhân đang tấu lên khúc nhạc truyền thống của đất Đại Việt, du dương mà hùng tráng như chính lịch sử mấy ngàn năm oai hùng của dân tộc Việt. Hai bên xe, những cung nữ trang điểm tinh tế nhẹ nhàng rải xuống đường từng cánh hoa thiên ân – loài hoa tượng trưng cho lòng hiếu thảo và biết ơn.

Chờ cho hai đội ngũ đi trước đã tập trung tại bên ngoài cửa Đông, đoàn xe của hoàng thất và các vị quan lớn trong triều mới bắt đầu khởi hành từ hoàng cung. Dẫn đầu đội ngũ là chiếc xe của hoàng đế Lý Hiền Tông. Cả chiếc xe được chế tạo bởi gỗ bạch gụ quý giá vô cùng. Tại vị trí đỉnh mái xe có gắn một viên ngọc quý thi thoảng lại tỏa ra ánh sáng lấp lánh, tương truyền là chính là long châu trên đời hiếm có. Hai bên xe được chạm khắc hoa văn hình rồng tinh xảo mà uy nghi, tỏa ra khí thế của bậc đế vương cao quý. Theo sau chiếc xe của Lý Hiền Tông chính là xe của những người quyền quý nhất Đại Việt, mỗi chiếc xe đều mang một vẻ quý phái riêng biệt, thế nhưng không một chiếc nào có thể bì được với xe của hoàng đế.

*****************************************

Núi Trúc Long.

Hoàng lăng.

Lương Văn đã sớm sai người mở cổng hoàng lăng, đội nghi lễ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng chờ đón đội ngũ của hoàng đế. Đã sắp sang giờ thìn, theo thường lệ thì hoàng đế và những bậc quyền quý cũng đã sắp đến hoàng lăng rồi. Chẳng biết tại sao, trong lòng Lương Văn lúc này lại đè nặng một thứ cảm giác lo lắng và áp lực. Loại áp lực này rất nặng nề, không phải là áp lực của trách nhiệm mà là thứ áp lực khi trong lòng người ta cảm nhận được có sắp có việc không hay xảy ra. Lương Văn mơ hồ cảm thấy được buổi lễ giỗ tổ hôm nay sẽ xuất hiện biến cố khó lường, mà suy nghĩ này cũng chẳng phải là vô cớ.

Lương Văn đã bảo vệ nơi đây ba năm, cũng đã hoàn thành trách nhiệm qua hai lần giỗ tổ. Mặc dù quy mô giỗ tổ của năm nay lớn hơn hẳn so với hai năm trước nên nhiệm vụ bảo vệ được coi trọng hơn cũng là chuyện bình thường, thế nhưng với sự bảo vệ của quân trấn thủ tại hoàng lăng và binh đoàn Kim Long chẳng nhẽ vẫn là chưa đủ? Cớ sao thái tử còn phải điều động thêm một đội ngũ năm mươi tu luyện giả ẩn nấp trong bóng tối để bảo vệ?

“Chẳng lẽ…”

Nghĩ đến đây, trong lòng Lương Văn chợt nảy sinh những suy luận vô cùng đáng sợ. Việc thái tử muốn tăng thêm bảo vệ chỉ có hai lý do. Một là thái tử đã nắm được thông tin chắc chắn về biến cố có thể xảy ra, cho nên đã chuẩn bị trước để ứng phó. Mà một lý do khác chính là thái tử cố ý sắp xếp để tạo ra biến cố. Vậy vì sao thái tử muốn gây ra biến cố? Phải chăng thái tử muốn tạo phản? Điều này dường như không hợp lý, bởi thái tử chắc chắn sẽ được kế thừa ngai vàng, cớ gì phải làm một việc nguy hiểm như vậy? Nếu cách giải thích này đã không hợp lý, vậy chỉ còn một cách giải thích khác là nội bộ triều đình xảy ra tranh đấu, hoàng thất muốn diệt trừ phe có thể đe dọa tới sự bình ổn của đất nước! Việc này cũng chẳng phải điều lạ lùng, trong lịch sử đã có không ít lần xuất hiện những thế lực manh nha tạo phản, chỉ có điều âm mưu của bọn họ đều đã thất bại và hoàng thất họ Lý vẫn bền vững cai trị Đại Việt suốt vài nghìn năm qua. Lương Văn không nghĩ tiếp nữa, bởi những việc này đã nằm ngoài khả năng của hắn. Thôi thì đã ăn cơm vua phải trung với vua, huống chi hoàng đế Đại Việt bao đời nay cũng đã cố gắng tạo cho dân chúng một cuộc sống ấm lo đó thôi.

Đúng lúc này, từ phía xa chợt truyền tới tiếng vó ngựa đều đặn, xen lẫn là tiếng nhạc du dương như gần như xa. Chẳng cần Lương Văn ra lệnh, tất cả binh sĩ canh gác hoàng lăng đều tự động ưỡn ngực thẳng lưng, ánh mắt nhìn thẳng về phía trước chờ đợi đội ngũ tới từ hoàng cung. Trong tầm mắt của họ nhanh chóng xuất hiện bóng dáng của một đội ngũ trật tự tiến lên. Đội lễ nghi đã chuẩn bị sẵn sàng ngay lập tức tấu lên khúc nhạc du dương chào đón đội ngũ của hoàng đế. Những cung nhân xuất phát từ kinh đô lúc này đều đã dừng lại tại dưới chân núi. Trong tiếng nhạc hào hùng mà êm ái, những binh sĩ thuộc binh đoàn Kim Long nhanh chóng tách ra thành hai hàng tạo thành một lối đi cho hoàng đế. Ngay khi Lý Hiền Tông bước vào trong hoàng lăng, một tiếng chuông trầm buồn chợt vang vọng khắp mọi ngóc ngách của núi Trúc Long, báo hiệu nghi lễ giỗ tổ hoàng thất chính thức bắt đầu.

****************************************

“Mọi người sẵn sàng chưa? Lễ giỗ tổ đã bắt đầu rồi đấy, chúng ta cũng chuẩn bị xuất phát thôi.”

Dưới chân núi Trúc Long có một tòa ký túc xá được triều đình chuẩn bị sẵn cho những sĩ tử sẽ tham gia vào lễ giỗ tổ hoàng thất. Lúc này đây, ngay sau khi tiếng chuông hiệu vừa vang lên, trong sân tập trung của tòa ký túc xá chợt vang lên một giọng nói hào hùng. Tất cả sĩ tử đã sớm tập trung tại đây đều hiểu rõ ngày hôm nay bọn họ có thể phải đối mặt với điều gì, ngay sau khi nghe được lời kêu gọi ấy thì tinh thần chợt phấn chấn hẳn lên, đồng thanh hô lớn:

“Sẵn sàng!”

Giọng nói hào hùng kia lại hô lớn:

“Chí nam nhi quyết đền nợ nước!”

“Đền nợ nước!”

Âm thanh hưởng ứng đồng loạt vang lên. Sau đó tất cả những sĩ tử cùng nhau hô lớn:

“Xuất phát!”

“Xuất phát!”

“Xuất phát!”

Âm thanh hào hùng vang vọng khắp cả tòa ký túc, như một lời thề, như một khẩu hiệu cho lý tưởng của những con người tràn ngập nhiệt huyết. Vị quan già chịu trách nhiệm hướng dẫn đoàn sĩ tử là thân tín của Lý Càn Hiếu, lúc này cũng bị khí thế của đoàn sĩ tử lây nhiễm. Ánh mắt ông nhìn những thanh niên tràn đầy lý tưởng và nhiệt huyết ấy bỗng chốc rưng rưng. Nếu dự đoán thật sự xảy ra, trong số những con người này liệu có mấy người sẽ vượt qua được biến cố, liệu còn mấy người có thể tiếp tục phục vụ cho đất nước đã sinh thành ra họ. Ấy thế mà lúc này đây bọn họ nào có ai chùn bước, nào có ai tỏ ra hoảng sợ? Tất cả những sĩ tử ấy, trong lòng họ tràn ngập một niềm nhiệt huyết báo nợ nước cho thỏa chí nam nhi, khiến cho một người đã tuổi xế chiều như ông cũng cảm thấy trong lòng rạo rực. Vị quan già giọng nghẹn ngào cũng hô vang khẩu hiệu như bao sĩ tử trẻ tuổi khác, ông cũng đã quyết rồi, làm thân nam nhi thì bất kể tuổi tác, đối mặt với an nguy của nước nhà thì há phải lo lắng hay sợ hãi điều gì. Nhẩm tính thời gian, vị quan già cất cao giọng ra hiệu cho đám sĩ tử xuất phát.

“Mọi người, hôm nay chúng ta có duyên gặp mặt nhau tại đây, mà có lẽ cũng có phận đồng đội cùng nhau chiến đấu, như vậy đã có thể gọi là bằng hữu, gọi là anh em được rồi.”

Chẳng biết là ai lên tiếng, chỉ thấy trong lời nói tràn ngập một mảnh tình cảm nam nhi hào hùng, những sĩ tử khác vừa nghe được lời ấy thì thì đồng loạt lên tiếng hưởng ứng. Chờ cho mọi người đã dần lắng xuống, người kia mới lại tiếp tục lên tiếng:

“Chúng ta hôm nay nếu thực phải đối mặt với đám ác ma thì chẳng biết ai còn ai mất, thế nhưng chúng ta nhất quyết không sợ, bởi chúng ta là nam nhi Đại Việt, có đúng không nào?”

“Đúng!”

“Rất đúng!”

“Nói hay lắm!”

Tiếng hưởng ứng một lần nữa bùng nổ. Giọng nói kia lần này chẳng chờ cho mọi người yên lặng đã lại lên tiếng:

“Nếu đã có duyên, vậy chẳng bằng chúng ta để lại tên tuổi của mình, hy vọng sau hôm nay những người còn ở lại có thể nhớ đến đám anh em đã trả đủ nợ nước này. Tôi xin tự mình báo tên trước nhé, tôi là Lý Nguyên Kiệt, người trấn Kinh Bắc.”

Có người mở đầu, đoàn sĩ tử liền nối tiếp nhau mà lên tiếng. Hơn bốn trăm cái tên, hơn bốn sĩ tử, hơn bốn trăm con người trong lòng tràn một bầu nhiệt huyết!

“Quân đội trước khi ra trận thường hát một khúc quân ca để nâng cao sĩ khí. Chúng ta hôm nay cũng là người ra trận, nhưng chúng ta cũng là sĩ tử tài hoa, chẳng bằng chúng ta đọc thơ để nâng cao sĩ khí. Vừa hay ở đây tôi có một người bạn rất tài hoa là Nguyễn Phong, chúng ta cùng nhờ cậu ấy đọc một bài thơ nhé.”

“Đúng đấy, Nguyễn Phong, anh đọc một bài thơ cho mọi người thêm tăng thêm sĩ khí đi nào.”

Nguyễn Phong vốn đã xúc động vì hoàn cảnh, nay lại nhận được sự ủng hộ của mọi người thì cũng chẳng chối từ. Hắng giọng một tiếng, trong lòng Nguyễn Phong bất chợt lại hiện lên lời bài thơ của nho tướng Nguyễn Công Trứ khi xưa, há chẳng phải là quá hợp với hoàn cảnh lúc này hay sao:

“Mọi người đã tin tưởng thì tôi cũng xin được đọc một bài thơ mượn lời người xưa vậy: (*)

Thông minh nhất nam tử

Yêu vi thiên hạ kỳ

Trót sinh ra thì phải có chi chi,

Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.

Đố kĩ sá chi con tạo,

Nợ tang bồng quyết trả cho xong.

Đã xông pha bút trận, thì gắng gỏi kiếm cung,

Cho rõ mặt tu mi nam tử.

Trong vũ trụ đã đành phận sự,

Phải có danh mà đối với núi sông.

Đi không, chẳng lẽ về không ?”

Lời thơ trầm trầm vang vọng trong đội ngũ, đoàn sĩ tử từ trong lời thơ mà cảm nhận được một mảnh tâm tình thật hợp với lòng mình. Tự nhiên, bầu không khí chợt trở nên trầm lắng, hàm chứa trong đó là một bầu nhiệt huyết cháy bỏng của thân nam nhi chỉ chờ tuôn trào. Đã đi không, chẳng lẽ lại về không?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui