Cá hồi

1.
Ăn kem, chơi điện tử, nghe nhạc và xem phim. Về cơ bản, đây là bốn hoạt động ưa thích của tôi trong mùa hè.
 
Xem phim về cuộc đời của Yves Saint Laurent.
 
Bộ phim này tái hiện lại sự nghiệp kéo dài năm mươi năm của Yves Saint Laurent và cuộc tình với người tình đồng tính của ông, Pierre Bergé.
 
Yves là một thiên tài, nhưng luôn có vẻ khổ sở và buồn bã. Có cảm giác Yves rất giống một đứa trẻ, dễ tổn thương, cũng dễ dàng lạc lối. Dòng máu nghệ thuật chảy trong huyết quản của ông là món quà trời ban, song cũng là nỗi đau mà vận mệnh bắt phải gánh. Cậu thiếu niên Yves năm ấy tiếp nhận sự nghiệp của huyền thoại Christian Dior, nhanh chóng vụt sáng thành một ngôi sao, thế nhưng sau đó gặp đủ biến cố, cuối cùng suýt nữa trắng tay.
 
Yves muốn vẽ, khao khát sáng tạo và đạt được sự tự do tuyệt đối. Trong suốt những năm tháng ấy, người vẫn luôn ở bên Yves là Pierre. Tôi nhớ khi Yves trở ra từ bệnh viện tâm thần đã nói với Pierre rằng, em muốn vẽ, em muốn sự tự do tuyệt đối, anh có hiểu không?
 
Bởi vì Yves muốn, nên Pierre đã bằng lòng.
 
Họ tạo nên một thời đại mới.
 
Yves và Pierre, họ không ngừng âu yếm và thổ lộ lời yêu. Cảm giác được rằng mỗi người đều rất yêu đối phương, nhưng việc có được một tình yêu bất toàn là không thể. Nỗi sầu thảm và đau đớn không cách nào thốt lên thành lời, cuối cùng hoá thành tuyệt vọng và khổ đau chôn sâu trong linh hồn, dằn vặt họ mãi mãi.
 
Thuốc lá và rượu. Họ dùng chúng suốt hơn một tiếng của bộ phim. Không có nước lọc hay thức uống nào khác. Chất kích thích có khả năng khiến cho não bộ hưng phấn, song cũng có thể khiến cho người dùng chúng như bị dìm xuống đáy biển. Trống rỗng và mỏi mệt.
 
Sau khi phản bội lẫn nhau, vẫn không ai mở lời chia tay. Họ níu giữ nhau trong sự im lặng đầy mơ hồ. Pierre nói dù không có mình, Yves vẫn sẽ thành công, bởi cậu là thiên tài. Yves lại nói rằng nếu không có anh, em sẽ không có gì cả. Sau đó Yves nghiện rượu, không ngừng thiết kế và tạo ra những làn sóng gây rúng động giới thời trang.
 
Người ta nhìn Yves như một thiên tài và kỳ vọng quá nhiều ở cậu thanh niên ấy, còn Pierre lại chỉ nhìn nhận việc thiết là là việc mà Yves muốn làm, và bởi vì Yves muốn làm, nên ông mới dốc công nhọc sức như thế. Ấy vậy mà giờ đây Yves lại trở nên sa lầy. Pierre hỏi. Em muốn gì? Em đã được mọi thứ. Giờ lại nghiện rượu. anh không biết em còn muốn gì nữa. 
 
Yves đáp rằng, Em muốn nói với anh rằng em nhớ anh.
 
Chỉ có vậy thôi.
 
Cảnh hai người cùng nhau đi trên con đường không bóng người là cảnh tượng tuyệt đẹp. Cùng với tiếng nhạc, như thể họ đã hoàn toàn thoát ly khỏi thế giới này. Thực ra tôi nghĩ cả hai đều có một ước mong giải thoát riêng, nhưng cuối cùng không ai thực sự được giải thoát. Đó là tất yếu, chẳng cần bàn cãi gì. 
 
Sau đó họ vẫn sẽ cảm thấy vui vẻ và phấn khích, nhưng không thể có được cảm giác hạnh phúc kéo dài. 
 
“Em chỉ được hạnh phúc hai lần trong năm, mùa xuân và mùa thu.”
 
Khi Pierre nói câu này, tôi cảm thấy trái tim mình như run rẩy. Bởi ông hiểu rõ rằng Yves bạc nhược và yếu ớt nhường nào, dù người ta có tung hô Yves Saint Laurent là tượng đài chăng nữa, Yves vẫn chỉ là một người dễ tổn thương và mỏi mệt. Điều khiến Yves cảm thấy thực sự hạnh phúc chỉ có thời trang, bởi ràng buộc từ dòng máu nghệ thuật cuồn cuộn chảy bên dưới hình hài trần gian kia. Mùa xuân và mùa thu, thiết kế và ra mắt các bộ sưu tập. Vì lẽ ấy, một năm ròng, Yves chỉ được hạnh phúc hai lần.
 
Mặc dù họ phản bội lẫn nhau, nhưng sau cuối, dường như vẫn không thể tách rời. Pierre vẫn sánh vai bên Yves đến tận những năm cuối đời của thiên tài thời trang này. Có lẽ họ vẫn yêu nhau cho đến tận lúc đó, hoặc không. Tình yêu liệu có neo chân họ mãi mãi hay không, tôi không biết.
 
Nhưng mà đến giờ tôi vẫn nghĩ, cảnh quay Yves và Pierre cùng đi xe máy trên con đường thênh thang thực sự rất đẹp, bản nhạc cũng rất hay. Nó khiến tôi nghĩ rằng trong khoảnh khắc ấy, họ đã buông bỏ tất cả mà chạy đi cùng nhau. Họ không mang theo gì cả, duy chỉ có tình yêu.
 
2.
 
Tôi vẫn hay bị ngắt ngủ vào buổi đêm. Chuyện thỉnh thoảng đang ngủ mà đột nhiên bật dậy, mở máy và bắt đầu viết lách không ngừng đã là chuyện như cơm bữa. Tôi biết chuyện này không tốt cho sức khoẻ, nhưng không sao ngừng nó lại được. Cuộc sống một mình rất dễ khiến bản thân lâm vào trạng thái tùy tiện, dù đồng hồ sinh học bị đảo lộn, song vẫn không mấy bận tâm.
 
Tôi hút thuốc, nhưng không thường xuyên. Chúng khiến tôi cảm thấy như thể tự sát.
 
Tôi rất sợ mình sẽ nghiện cảm giác này.
 
Lúc đó là mùa hạ. Tôi không ngừng viết rồi lại xoá, đi lại lòng vòng trong nhà, sau đó lại xem bộ phim về Yves Saint Laurent. Cứ xem đi xem lại phân cảnh Yves và Pierre chạy xe trên đường lớn. Tôi rất thích bài hát. Có lúc nó khiến tôi cảm nhận được một loại tự do thanh thản, lại có lúc cảm thấy như thể đó là một sự chạy trốn tuyệt vọng. Mất một lúc để tìm ra tên của nó, “Lighthouse”. Tôi nghe bài hát này liên tục trong một tuần; âm nhạc chảy tràn trong không gian như thuỷ triều, nhấn chìm mọi giác quan. Người con trai hát rằng, mình biết là mình đã từng thấy cậu trước đây.
 
Không hiểu sao mỗi khi nghe thấy những lời này, trước mặt tôi luôn hiện lên khung cảnh Yves và Pierre đi trong không gian ngập nắng. Một ảo ảnh tươi đẹp huyền hoặc. 
 
Tôi nói với Khiêm. Mình muốn giống như Yves, muốn đi tìm ánh sáng mặt trời. 
 
Mình muốn đến Marrakech.
 
3.
 
Mùa xuân đến, tôi bắt đầu trồng cây. Năm nào cũng vậy, tôi sẽ chỉ trồng một chậu hoa duy nhất, sau đó đợi đến khi nó nở hoa thì đem tặng. Tôi không nghĩ rằng mình làm việc này hoàn toàn là vì tình yêu, nhưng đây lại là một phương thức giải toả rất tốt. Có lúc Khiêm tới, hai chúng tôi cùng hút thuốc và nhìn chậu cây xanh duy nhất ngoài ban công. cậu sẽ hỏi tôi vài việc, như là công việc dạo này, những thứ tôi đang viết, sắp tới tôi muốn làm gì. Tôi kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi của cậu, sau đó đón lấy điếu thuốc cậu đưa tới, chạm môi vào phần đầu lọc nơi Khiêm vừa đặt môi. Tôi nói rằng, mình thích hút thuốc cùng với Khiêm. Khi ấy là cuối xuân, đã sắp sang hạ. Tay cậu như mang theo chút hơi tàn xuân cuối, dịu dàng phủ lên tay tôi, khiến linh hồn tôi nhẹ nhàng run rẩy.
 
Khiêm nói, cậu sẽ kết hôn với một cô gái. Sau đó sống cuộc sống của một người bình thường.
 
Tôi mỉm cười. Mình biết.
 
Cậu không hề có ý giấu giếm dự định về tương lai. Tình yêu lúc đó với cậu có lẽ chỉ là liều thuốc an thần tức thời. Kỳ thực mối quan hệ của chúng tôi dù có vẻ thân thiết và tri kỉ, nhưng tôi biết, chẳng qua chỉ là bèo nước gặp nhau mà thôi. Hợp tan là lẽ tất yếu, sau đó mỗi người sẽ phải tiếp tục hành trình của bản thân một mình mà không có người kia.
 
Nhưng mà chúng ta, chúng ta lại thường nặng lòng với những người mà ta đã biết rằng họ sẽ sớm ngày rời đi.
 
4.
 
Sự xuất hiện của Khiêm giống như một ảo giác lúc trưa hè. Không có quá trình, không có dạo đầu. Khi tôi quay người lại, cậu đã ở đó rồi. Đó là một lễ cưới, chúng tôi đều là khách mời. Tôi ra một góc ngoài trời để hút thuốc, Khiêm đến đó, lịch sự hỏi tôi có thể cho cậu mượn bật lửa được không. Giọng con trai phương nam rất dịu dàng, hoặc chính Khiêm đã cho tôi cảm giác ấy. Cậu nói với tôi, mình nhận ra cậu. Lần nọ khi đi mua sách ở Đinh Lễ, mình thấy cuốn sách của cậu, có ảnh chụp trên đó.
 
Vậy à. Tôi rít một hơi thuốc rồi nhả khói ra. Tiêu đề là gì nhỉ. Có lúc mình không thể nhớ nổi. Xin lỗi, trí nhớ mình tệ quá.
 
Là “Dấu vết còn mãi”. Chuyện về người đàn ông đi đến tận cùng thế giới vì muốn quên đi người anh ta yêu. Sau đó anh ta chết một mình trên một ngọn núi tuyết. Mình đã đọc hết. Mình rất thích câu chuyện.
 
Vì sao? Vì nó tuyệt vọng à? Tôi hỏi.
 
Vì đã có lần mình muốn làm như vậy. Khiêm nhoẻn cười. Nụ cười của cậu vô cùng tự nhiên, khiến tôi có cảm giác rằng lời cậu nói khi ấy chẳng phải là nói đùa. Chúng ta vẫn thường vô tình hoặc cố ý tỏ bày nỗi lòng với người chẳng mấy thân quen, đôi khi với niềm tin vô lý rằng sẽ may mắn tìm được người tri kỷ. Tôi cảm thấy Khiêm là người rất ngây thơ. Nhưng chính bởi ngây thơ, nên cậu cũng kiên quyết và biết rõ mục đích sau cuối của mình. Ví dụ như chuyện dù thích con trai nhưng sau này cậu quyết sẽ kết hôn với một cô gái, hay ví dụ như chuyện ngày hôm ấy khi nhắc tới cuốn sách mà tôi vô tình quên tên kia, cậu thẳng thắn nói, mình rất thích cậu, hôm nào đó chúng ta lại gặp nhau nhé? 
 
Được thôi. Tôi dụi tắt điếu thuốc. Trong túi áo tôi luôn có một chiếc bút, tôi dùng nó để viết một dòng địa chỉ lên lòng bàn tay của Khiêm. Ngón tay cậu rất đẹp, nhưng lòng bàn tay lại nhăn nheo, chằng chịt những đường chỉ tay dài ngắn khác nhau. Tôi thầm nghĩ, có lẽ đây là một người có rất nhiều vướng bận trong lòng.
 
Khiêm nói, mình đi tìm cậu được chứ? Được. Tôi bảo. Mình ở nhà suốt ấy mà. Trời nóng lắm, không muốn ra ngoài.
 
Cái nóng mùa hè khiến người ta dễ cảm thấy mỏi mệt, cũng khiến người ta nảy sinh ước muốn trốn chạy. Tôi nhốt mình ở nhà cả ngày, xem phim, ăn vặt, nghe nhạc và viết. Mọi hoạt động kiếm sống đều có thể thực hiện được nếu như có đường truyền internet. Viết bài, nộp bài, lên kế hoạch công việc, nhận lương… thời đại này đã vẽ ra muôn vàn con đường và cách thức sinh tồn. Nhưng hơi ấm lại bị mài mòn.
 
Sang ngày thứ ba, Khiêm xuất hiện trước cửa nhà tôi.
 
Khi tôi ra mở cửa, Khiêm đang xách một túi táo đỏ. Cậu chẳng khác là bao so với lần đầu gặp mặt. Cậu nhoẻn cười, ngoài trời nóng quá. Mình đến đường đột thế này có phiền gì cậu không?
 
Không đâu. Tôi đáp rồi tránh sang một bên để Khiêm đi vào. Cậu nhìn thấy những bản nháp và laptop đang mở trên chiếc bàn thấp giữa nhà, vì vậy bèn hỏi, cậu đang sáng tác à? 
 
Bây giờ thì không. Tôi đáp. Cậu cứ tự nhiên nhé, mình đi gọt táo. 
 
Lúc tôi sắp táo ra đĩa và trở lại phòng khách, Khiêm đang ngồi săm soi chiếc gạt tàn trên bàn. Cậu hỏi tôi, cậu hút thuốc lá trong phòng điều hoà sao? Không. Tôi đáp. Của đêm qua đấy, hôm qua mình ngồi viết ngoài ban công.
 
Chúng tôi nói chuyện. Tất cả diễn ra rất tự nhiên và trôi chảy, như thể chúng tôi đã quen nhau từ cách đây lâu lắm. Chính từ lúc ấy tôi có một dự cảm vô cùng buồn bã, bởi tôi đã cảm thấy thích thú với sự hiện diện của Khiêm, nên chắc chắn tương lai tôi sẽ phải trả giá. Tôi để cậu đọc những bản nháp sắp sửa vứt đi của mình. Khiêm nói, tất cả chúng đều có mùi vị của mùa hạ. Chúng chứa đầy ảo giác về nước mắt và nỗi đau. 
 
Vậy à. Tôi đáp. Những ngày ấy, câu tôi hay nói với Khiêm nhất là “vậy à”.
 
Cậu khiến tôi có cảm giác như đối diện một tấm gương. Vừa muốn soi chiếu thân hình trần trụi của mình, lại vừa muốn che đi cơ thể hằn in những dấu vết xấu xí đó. Tôi muốn cậu hiểu mình, nhưng lại cũng sợ rằng cậu không hiểu. Cái lần thứ hai chúng tôi gặp nhau, trong căn hộ tôi sống, Khiêm xuất hiện như một người bạn đã bị quên lãng trong ký ức của tôi. Cậu bước vào nhà chẳng khác nào cách cậu chậm rãi bước vào cuộc đời tôi, nhẹ nhàng mà cũng quá đỗi vô tình.
 
Tôi còn nhớ cậu đã nói rằng, mình rất thích những gì cậu viết. 
 
Cậu nói rằng, tất cả chúng đều có mùi vị của mùa hạ. Chúng chứa đầy ảo giác về nước mắt và nỗi đau. 
 
5.
 
Năm ấy tôi hai mươi bảy. 
 
Trước khi gặp Khiêm, tôi đã từng yêu rất nhiều người. Nhưng có một người mà tôi nhớ nhất. Trong đêm tối, tôi từng để chân trần chạy hơn năm ki - lô - mét tới sân bay để nói một lời từ biệt với người ấy. Tôi còn nhớ dáng vẻ khi đó của anh. Dáng người anh rất nhỏ, đứng giữa phi trường rộng lớn trông sao mà bơ vơ. Nhưng tôi biết sau dáng vẻ ấy là quyết định và sức mạnh mà mình không thể nào lay chuyển nổi. Anh nói tôi hãy coi như anh đã chết, đừng thăm viếng, cũng đừng nhớ nhung gì anh nữa.
 
Tôi không biết anh đã đi đâu, nhưng chắc chắn đó là một nơi rất xa. Ngay từ cái khoảnh khắc anh quay lưng với tôi trong đêm tối hôm ấy, tôi đã có cảm giác từ nay về sau, chúng tôi hẳn là sẽ xa cách nghìn trùng, không bao giờ gặp lại nhau nữa.
 
Bảy ngày sau khi anh đi, tôi bắt đầu viết tác phẩm đó. “Dấu vết còn mãi”. Chuyện về người đàn ông đi đến tận cùng thế giới vì muốn quên đi người anh ta yêu, sau đó chết một mình trên đỉnh núi tuyết. Trên đường đi, anh ta đã quên rất nhiều thứ. Anh ta quên mất đường về, quên mất hương vị của mùa xuân và mùa hạ. Xung quanh chỉ toàn tuyết là tuyết. Cõi lòng anh bị tuyết lạnh phủ trắng. Anh cảm thấy rất lạnh, nhưng không tìm đâu ra hơi ấm ngoài chiếc áo và những đống lửa tự mình nhóm lên.
 
Khoảnh khắc đặt chân được lên đỉnh núi, anh đã quên đi kí ức cuối cùng. Anh quên mất tên người mình yêu tha thiết, quên mất dáng vẻ của cậu ấy. Anh không có nhà. Bố mẹ anh đều đã mất. Vì vậy anh quyết định ở lại nơi mà ký ức cuối cùng rời bỏ anh, trên ngọn núi tuyết hoang vu đó.
 
Quãng thời gian sáng tác “Dấu vết còn mãi” là quãng thời gian rất chìm đắm. Thỉnh thoảng tôi khóc. Tôi không rõ mình khóc cho nhân vật trong tác phẩm hay khóc vì người tôi yêu cuối cùng cũng đã chết, nhưng tôi lại không sao quên nổi anh. Khi “Dấu vết còn mãi” kết thúc và được gửi đi, tôi mới nhận ra là mình muốn quên nó. Tôi muốn quên đi anh.
 
Tôi gần như đã quên mất, nhưng mà vào ngày hôm ấy, trong bữa tiệc cưới kia, Khiêm lại đến bên và nhoẻn cười với tôi. Cậu bảo tôi rằng cậu rất thích “Dấu vết còn mãi”. Cậu nói rằng cậu đã đọc hết, cậu rất thích câu chuyện, vì đã có lần cậu muốn làm như vậy.
 
Cậu nói với tôi rằng, mình rất thích cậu, mình đi tìm cậu được chứ?
 
Vậy là tôi nhớ lại tất cả. Ước muốn được ve vuốt và được người khác vuốt ve. Sự tuyệt vọng khi đánh mất tình yêu, nỗi đau lìa xa và thời gian đã mất không sao lấy lại được. 
 
Tôi nhớ lại tình yêu.
 
6.
 
Chúng tôi hay xem phim cùng nhau. Có lúc là ở rạp chiếu phim, có lúc là ở nhà Khiêm, đôi lúc là ở nhà tôi. Chúng tôi xem rất nhiều phim, phim tình cảm, phim kinh dị, phim huyễn tưởng. Tôi vẫn không thích ra khỏi nhà, vì thế thời gian ấy phần lớn đều trôi qua trong căn hộ của tôi. Chúng tôi nấu ăn, nghe nhạc, xem phim, tưới nước cho chậu cây ngoài ban công và sáng tác. Tôi vẫn thức khuya và hay bị ngắt ngủ. Thỉnh thoảng Khiêm nằm ôm tôi trong khi tôi đang ngồi viết. Cậu vòng tay qua eo tôi, má áp vào lưng tôi. Tôi cứ nhớ mãi cái tư thế ấy của cậu, giống như con mèo. Có một đêm nọ cậu nói làm như vậy để tôi có cảm giác an toàn. Rồi cậu thiếp đi.
 
Tôi nhớ rất nhiều thứ.
 
Chúng tôi xem bộ phim về cuộc đời của Yves Saint Laurent, cứ xem đi xem lại. Tôi thích nghe nhạc, thích xem cảnh Yves và Pierre cùng nhau đi xe trên con đường rộng thênh thang. Trong những thước phim ấy, ánh nắng ở Marrakech luôn rất rực rỡ. Tôi có ảo giác như chúng đang tràn ra ngoài màn hình và đắm mình vào không khí trong căn phòng u tối của tôi. Vào cái đêm Khiêm nói cậu phải đi, cảm giác ánh nắng chảy tràn ấy lại càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Tất cả diễn ra tự nhiên như việc nó vốn dĩ phải thế, mà quả thực, đúng là sự ra đi của cậu cũng là chuyện tôi đã tiên liệu trước từ lâu.
 
Khiêm nói xin lỗi tôi và mong tôi tha thứ cho cậu. Cậu nói rằng cậu yêu tôi, nhưng cậu không muốn tôi yêu cậu. Cậu hy vọng rằng tôi chưa từng yêu cậu.
 
Khiêm quỳ xuống ôm lấy tôi. Cậu khẩn khoản cầu xin. Mình không muốn trở thành nhân vật trong chuyện của cậu đâu. Cái suy nghĩ mình là người làm cậu đau khiến mình khổ sở. Xin cậu đừng viết bất cứ điều gì về mình. Xin cậu đừng viết bất cứ điều gì về mình.
 
Nhưng mà đêm hôm ấy tôi lại chỉ nói với cậu rằng, mình muốn đi Marrakech.
 
Mình tới Marrakech đây. Cậu không đi cùng mình cũng được. Mình có thể tự đi một mình.
 
7.
 
Tôi không nhớ rõ ngày chúng tôi hôn nhau lần đầu tiên, nhưng tôi nhớ ngày cưới của Khiêm. Đó là ngày mùng năm tháng chín.
 
Vừa lúc mùa hạ đi qua.
 
Tôi nghĩ mình nên oán hận, hoặc là tức giận, nhưng lại chỉ cảm thấy trống rỗng.
 
Tôi tải bài hát đó về máy. “Lighthouse”. Mỗi khi giai điệu ấy được bật lên, tôi lại như nhìn thấy ánh nắng ở Marrakech chảy tràn trong không khí. Chúng sưởi ấm và an ủi tâm hồn tàn tạ của tôi. 
 
Chậu cây ngoài ban công đã héo rũ. Mùa xuân ấy, bởi vì có Khiêm, vậy nên tôi không tặng nó cho ai. Tôi không muốn trao đi ký ức và kỷ niệm. Tôi cũng không muốn viết nữa.
 
Tôi đặt vé máy bay tới Morocco.
 
Trong tin nhắn cuối cùng với Khiêm, tôi viết rằng. Cuối cùng mình cũng đã tới được Marrakech, thấy được ánh sáng mặt trời mà Yves đã tìm thấy khi ấy. Nhưng mình đã quên mất rằng, dù có tìm được đi chăng nữa, ánh mặt trời ấy sẽ không bao giờ là của mình.
 
Cũng như dù đã tìm thấy và gặp gỡ tình yêu, thì đến cuối cùng, tình yêu vẫn bỏ mình mà đi.
 
8.
 
Tôi cứ đi mãi.
 
Sau khi rời khỏi Marrakech, tôi lại về Việt Nam. Tôi đi gần hết các thành phố vùng Tây Bắc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cuộc sống thị trấn và núi non trùng điệp. Sau đó tôi xuống miền Trung, tham gia một đội tình nguyện để giúp đỡ bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Cuối cùng tôi đặt chân tới điểm cuối của Tổ quốc, mũi Cà Mau. Tôi trồng một cái cây ở đó. Nó lớn lên rất khỏe mạnh. 
 
Tôi không hút thuốc nữa, nhưng thói quen thức khuya lại không sao bỏ được. Tôi bắt đầu kết bạn trở lại, ra ngoài nhiều hơn. Tôi thích được nhảy múa dưới ánh nắng mặt trời.
 
Yves Saint Laurent vẫn là bộ phim yêu thích của tôi, nhưng sau này tôi chỉ xem nó khi ở một mình. 
 
Tôi không bao giờ gặp lại Khiêm nữa, cũng không nghe thêm tin tức gì của cậu từ dạo ấy. Nhưng tôi vẫn nhớ ngày nọ khi gặp nhau, tôi cầm tay cậu, nhẹ nhàng viết vào lòng bàn tay địa chỉ của mình. Ngón tay cậu rất đẹp, nhưng lòng bàn tay lại chằng chịt những đường chỉ tay dài ngắn khác nhau. Lúc ấy tôi đã nghĩ rằng, có lẽ đây là một người có rất nhiều vướng bận trong lòng.
 
Tôi nhớ mùa xuân nọ, cậu cùng tôi chăm một cái cây. Chúng tôi đứng ngắm nó ngoài ban công. Tôi đón lấy điếu thuốc của Khiêm đưa lên môi, nói với cậu rằng, mình thích hút thuốc cùng với Khiêm.
 
Chúng tôi hoàn toàn biến mất khỏi thế giới của nhau. Cái còn lại về đối phương, cũng chỉ vỏn vẹn là ký ức.
 
Như khi Yves và Pierre cùng đi xe máy trên con đường thênh thang ấy, cái khoảnh khắc mà họ đã buông bỏ tất cả mà chạy đi cùng nhau. Họ không mang theo gì cả, duy chỉ có tình yêu. 
 
Chúng tôi chia tay đôi ngả. Không mang theo bất kì thứ gì cả, tài sản duy nhất còn lại, chỉ là kỷ niệm.
 
Trong những năm tháng ấy,
tình yêu đã từng
dừng chân nơi đây...
 
Dấu vết còn mãi - hết.

 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui