Cá Voi Và Hồ Nước

Em nói hôm nay sinh nhật em, mười lăm tháng Giêng âm lịch, tết Nguyên tiêu.

“Mẹ em đang xem hoa đăng, bỗng dưng sinh em luôn đấy,” em nói.

“Có phải hoa đăng xấu quá, nên mẹ em bị kích thích không?” tôi hỏi.

“Còn lâu ấy nhé.” Em dẩu môi lên. “Mẹ em bảo hoa đăng năm ấy đẹp lắm, vì vậy em mới không kìm lòng được muốn thò đầu ra xem.”

Em bật cười, ánh mắt lấp lánh, giống như hoa đăng.

Thì ra vì năm em ra đời hoa đăng đẹp vô cùng, thế nên mắt em cũng đẹp vô cùng.

“Em muốn đi xem hoa đăng không?”

“Muốn lắm. Nhưng đi đâu xem đây?”

“Đài Bắc với Cao Hùng đều có hội hoa đăng đấy?”

“Thôi chẳng đi đâu. Nghe nói lễ hội người đông chật cứng ấy.”

Em thở dài, nhắm đôi mắt lại.

Vậy cũng tốt, bởi chỉ khi nào em nhắm mắt lại, hoa đăng ở Đài Bắc và Cao Hùng mới rực rỡ được thôi.

Hoa đăng phương xa đang lấp lánh, trong lễ hội người đông chen chúc.

Cứ để cho hoa đăng lấp lánh nữa đi, cứ để dòng người tiếp tục đổ tràn về lễ hội nữa đi.

Họ vĩnh viễn không thể nào biết được…

Đôi mắt em, mới là ngọn hoa đăng đẹp nhất đảo Đài Loan.

-----------

“Đến lượt bạn kìa.”

“Ờ?”

“Tự giới thiệu ấy.”

“Chào bạn.” Tôi định thần lại, thử hắng giọng. “Mình tên là Thái Húc Bình.”ù

“Nữa đi chứ?”

“Còn gì nữa?”

“Nếu mình là Người đẹp số 6, thì bạn cũng nên tự giới thiệu là anh chàng đẹp trai bắt được tú cầu của Người đẹp số 6 chứ.”

“Mình là người có liêm sỉ, không dám nói mình đẹp trai.”

Nàng chỉ cười cười, không nói câu gì khách sáo, chắc là cũng đồng ý với liêm sỉ của tôi.

“Thế mình tự nhận là Người đẹp số 6, liệu có phải là vô liêm sỉ không nhỉ?”

“Chuyện này hoàn toàn khác.” Tôi vung mạnh tay. “Bạn đúng là người đẹp, hơn nữa còn được chứng minh bằng kết quả phiếu bầu, đây là sự thực khách quan, chính bản thân bạn cũng không thể phủ nhận.”

“Bạn nghĩ thế thật à?”

“Đương nhiên.”

“Thế sao bạn không bầu cho mình một phiếu?”

“Hả?” Tôi tái mặt. “Sao bạn biết?”

“Thi thoảng mình có những dự cảm không thể giải thích được, thông thường những dự cảm này đều rất chuẩn xác.”

“Thật không?”

“Ừ,” nàng nói, “mình không thể gọi năng lực này ra, nhưng nó sẽ thình lình xuất hiện.”

“Thình lình xuất hiện?”

“Thình với lình là anh em song sinh, khi chúng ở cạnh nhau, người ta sẽ nói thình lình xuất hiện rồi,” nàng nói. “Đây chính là thình lình xuất hiện.”

“Ờ…”

“Mình nói chuyện kỳ quặc lắm phải không?”

Tôi do dự một thoáng, rồi vẫn quyết định gật gật đầu.

“Hôm nay gió lớn thật.” Nàng nghiêng mặt nhìn những thân cây đang lắc dữ dội bên vỉa đường.

“Phải đấy.” Tôi cũng quay mặt nhìn những đoá hoa nước bắn lên tung toé trên phố. “Mưa cũng to thật.”

“Ừm,” nàng chỉ đáp một tiếng.

“Ờ,” tôi cũng đáp lại một tiếng.

“Chúng ta chịu khổ chịu sở đến đây để bàn chuyện mưa gió à?” Nàng cười cười.

“Ấy chết, ngại quá.” Tay trái tôi đẩy cửa ra rồi giữ lại, nhích người nhường đường. “Mời bạn.”

Nàng cảm ơn một tiếng, để ô vào thùng đựng ô cạnh cửa, bước vào bên trong.

Tôi đi vào theo, buông tay trái, ngăn mưa gió lại bên ngoài.

Trong nhà hàng ngập tràn thứ ánh sáng màu vàng nhạt, so với không gian tối tăm bên ngoài, nơi này đúng là một thế giới khác.

Nàng cũng cầm một cái phiếu ăn giống tôi, hai chúng tôi cùng đưa phiếu ăn cho cô nhân viên phục vụ.

“Xin mời.” Cô phục vụ nở một nụ cười thần bí. “Tôi còn tưởng hai bạn không đến cơ đấy.”

Cô dẫn chúng tôi đến chiếc bàn kê sát cửa sổ góc trong cùng, khăn trải bàn màu tím nhạt thêu đầy hoa nhỏ màu trắng, trên bàn còn bày lọ hoa màu xanh thẫm cắm một đoá hồng phấn.

“Ô, hoa này là thật đấy.” Tôi ngồi xuống rồi đưa tay sờ sờ cánh hoa hồng.

Nàng đột nhiên bật cười thành tiếng, tôi cảm thấy có thể mình đã làm chuyện gì hoặc nói điều gì ngu ngốc, vành tai nóng bừng lên.

Cô phục vụ bưng ra một món đồ trông như cái bể cá nhỏ hình cầu đặt lên bàn, mặt bên ngoài là thuỷ tinh ngũ sắc.

Trong cái âu ngũ sắc ấy, nước ngập một nửa, trên mặt nước có mấy cánh hoa màu đỏ.

Viên nến bọc vỏ nhựa trong màu xanh lam nổi dập dềnh trên mặt nước, chầm chậm trôi lững lờ trong âu.

Ánh nến vàng yếu ớt chiếu xuyên qua lớp thuỷ tinh ngũ sắc, hắt lên gương mặt nàng.

Tôi nhìn ánh sáng và bóng nước lấp loá trên gương mặt ấy, đột nhiên cảm thấy thật khó tin:

Sao mình không bỏ phiếu cho nàng nhỉ?

“Rất xin lỗi bạn,” tôi nói. “Mình không bầu cho bạn, đừng để bụng nhé.”

“Mình không để bụng,” nàng nói. “Chỉ là rất thất vọng thôi.”

“Thật sự rất xin lỗi. Tại mình có mắt như mù.”

“Mình đùa đấy, đừng để bụng chuyện này nữa.” Nàng khẽ cười. “Mới đầu hội trưởng Hội Sinh viên bảo mình tham gia dự tuyển, mình từ chối mãi không được, đành chọn bừa một tấm ảnh đưa ra, cũng không ngờ lại được chọn.”

“Những lời này không nên do bạn nói ra mới phải.”

“Ý?” Nàng rất ngạc nhiên. “Tại sao thế?”

“Người ta sẽ nghĩ rằng, nhất định là bạn tự thấy mình rất đẹp, không thể nào không lọt vào TOP 10, nên mới chọn bừa một tấm ảnh mà gửi đi dự tuyển.”

“Mình đâu có nghĩ thế.”

“Nhưng thông thường người ta vẫn cho rằng người đẹp rất kiêu ngạo, vì vậy sẽ đánh giá lời nói cử chỉ của bạn dựa trên tiền đề là, bạn nhất định rất kiêu ngạo.”

“Nếu mình xưa nay đều rất khiêm tốn thì sao?”

“Đặt trên tiền đề rằng người đẹp nhất định rất kiêu ngạo, khiêm tốn sẽ chỉ được hiểu là cố ý làm bộ làm tịch.”

“Bạn thì nghĩ sao?”

“Bạn có kiêu ngạo không?”

“Không,” nàng nói, “mình chỉ là một cô bé lạc đường giữa cõi trần thế này mà thôi.”

“Vậy thì chỉ vì không thể từ chối yêu cầu của hội trưởng Hội Sinh viên, bạn mới chọn bừa một tấm ảnh tham gia cho xong chuyện.”

“Chính là vậy đấy.” Nàng nhoẻn miệng cười.i

Người phục vụ mang ra hai ly rượu khai vị màu cam đặt lên bàn, mỉm cười quay đi.

“Thật không ngờ một cô gái được gọi là người đẹp như mình, mà cảnh ngộ lại bi thảm thế.” Nàng cúi đầu nhấp môi một chút rượu khai vị. “Làm sao đây? Cuộc đời mình vẫn còn dài lắm, lẽ nào cứ bị hiểu lầm mãi vậy sao?”

“Bạn đùa đúng không?”

“Ừ,” nàng cười cười, “người đẹp không được đùa à?”

“Được chứ.” Tôi cũng cười theo.

“Vậy chúng ta cạn ly vì điều gì nhỉ?” Nàng nâng ly rượu lên.

“Hoà bình thế giới.” Tôi cũng nâng ly. “Mấy cô thi hoa hậu thế giới thông thường đều nói vậy.”

“Thế thì vì hoà bình thế giới đi.”

Chúng tôi cụng ly, “keng” một tiếng, cả hai cùng cười.

Cô phục vụ lại đi tới, mang xúp và sa lát nhẹ nhàng đặt lên bàn, điệu bộ rất cẩn trọng.

“Hai người nhìn hợp nhau lắm,” trước lúc đi, cô phục vụ quay đầu lại nói.

“Cảm ơn,” Người đẹp số 6 nói, “đó là vinh hạnh của tôi.”

“Không.” Tôi giật thót mình, vỗ thật mạnh vào ngực mấy cái. “Là vinh hạnh của tôi mới đúng.”

“Nói được trước.” Người đẹp số 6 cười cười.

Cô phục vụ quay đi với nụ cười hài lòng trên môi, còn tôi thì len lén xoa xoa chỗ ngực đau nhói.

Bữa cơm này thực ra không phải do nhà hàng chiêu đãi, mà là Hội Sinh viên đã đặt chỗ, trả tiền trước rồi.

Thập đại mỹ nữ tuỳ theo số phiếu nhiều hay ít, mà đẳng cấp nhà hàng cũng có khác biệt.

“Đôi của bạn số 2 ấy, ăn buffet kiểu Âu ở khách sạn Đài Nam đấy nhé,” nàng kể.

“Bạn hối hận chưa?”

“Hối hận?”

“Ừ,” tôi gật gật đầu, “bạn nên hối hận vì đã không nghiêm túc chọn một tấm ảnh đẹp nhất.”

“Thế thì bạn cũng phải hối hận.”

“Hối hận cái gì?”

“Lẽ ra bạn nên bắt tú cầu của bạn số 1, chứ không phải số 6.”

“Không,” tôi nói, “mình rất hoan hỉ.”

“Cảm ơn.” Nàng cười rất vui vẻ.

“Không biết đôi số 1 ăn gì nhỉ?” tôi nói. “Nhưng mà thời tiết này có ăn ngon mấy cũng thế.”

“Nghe nói thời gian của mỗi đôi đều khác nhau,” nàng nói. “Mình quen bạn số 2, họ ăn với nhau từ hôm kia cơ.”

“Hôm kia trời trong nắng ấm, quang đãng lắm.”

“Phải đấy.”

“Tại sao chúng ta lại ăn tối với nhau vào một ngày mưa gió bão bùng, mây đen mù mịt thế này?”

“Bạn hối hận chưa?”

“Không,” tôi cười cười, “mình rất hoan hỉ.”

“Cảm ơn.” Nàng lại cười.

Vốn tưởng rằng những cô được gọi là “người đẹp” ít nhiều cũng có bệnh tiểu thư, nhưng Người đẹp số 6 dường như hoàn toàn không phải vậy. Nàng rất thoải mái, không kiêu ngạo, không dùng khoé mắt nhìn người ta, đầu cũng không ngẩng cao vời vợi.

Tôi bỗng sực nhận ra, sự căng thẳng và bất an của mình, đều đã bị ngăn lại bên ngoài cùng mưa gió.

Tuy cứ như đang ở trong một giấc mơ, nhưng tôi có cảm giác tất thảy mọi thứ trước mắt đều rất chân thực, kể cả giọng nói, nụ cười, ánh mắt của nàng, thậm chí cả bột hạt tiêu nàng rắc lên bát súp.

Có lẽ sự tồn tại của nàng rất chân thực mà nổi bật, lại đầy sức sống, nên tôi cũng cảm thấy mình thực sự tồn tại trong không gian này trong thời khắc này.

Lần này cô phục vụ mang ra một cái giỏ tre nhỏ đựng bánh mì, đồng thời dọn bát xúp và sa lát đi.

“Bánh mì hãy ăn lúc còn nóng ấy,” cô phục vụ nói. “Ăn xong có thể gọi nữa.”

“Còn có thể gọi thêm bánh mì?” Tôi hơi ngạc nhiên.

“Đương nhiên,” cô phục vụ mỉm cười, “chẳng lẽ lại gọi mì tôm?”

Sau đó cô quay người đi, Người đẹp số 6 phì cười, tôi thì ngẩn ra.

“Ngon thật đấy.” Nàng cắn một miếng bánh mì, tấm tắc khen.

Bánh mì đúng là rất ngon, vỏ giòn, ruột mềm, thơm mùi tỏi, nướng vừa khéo.

“Bạn có thấy mình tham ăn không?” nàng hỏi.

“Không đâu,” tôi lắc đầu, “tại sao lại hỏi thế?”

“Vì mình muốn gọi thêm bánh mì.” Nàng cười cười.

Tôi ngẩng đầu lên, vừa khéo chạm vào ánh mắt cô phục vụ, vẫn chưa mở miệng hay vẫy tay ra hiệu gì, cô đã tức khắc quay người đi vào bếp, sau đó bưng ra một giỏ bánh mì nữa bước tới.

“Tôi biết hai bạn nhất định sẽ gọi nữa mà.” Cô phục vụ tỏ vẻ rất đắc ý.

“Chẳng lẽ cô ấy cũng có dự cảm thình lình?” sau khi cô phục vụ đi khỏi, tôi mới nói.

“Đó chỉ là suy luận, không phải dự cảm,” Người đẹp số 6 đáp. “Cô ấy rất tự tin với món bánh mì, vì thế cho rằng chúng ta ăn xong sẽ gọi thêm. Còn mình ấy à, thì đúng là có dự cảm thình lình đấy.”

“Thế bây giờ bạn có dự cảm không?”

“Vừa nãy thấy bạn thì dự cảm có xuất hiện một lần, lần sau chẳng biết là lúc nào nữa.” Nàng khẽ lắc đầu.

“Tiếc thật. Mình vẫn muốn được lĩnh giáo dự cảm thình lình xuất hiện của bạn lần nữa.”

“Ồ…” nàng cúi đầu nhắm mắt một lúc, rồi mở mắt ngẩng đầu lên nói: “Món chính sẽ ra trong ba phút tới.”

“Đó chỉ là suy luận thôi mà.”

“Đúng thế.” Nàng cười cười, nụ cười rất rạng rỡ.

Quả nhiên ba phút sau cô phục vụ mang ra hai khay sắt màu đen, bên trên còn đậy nắp.

Sau khi mở nắp, khay thức ăn phát ra những tiếng xì xì xèo xèo, bốn bề xung quanh như cũng ồn ào hẳn lên.

“Đây là bít tết Thiếu Uý đặc biệt của nhà hàng chúng tôi,” cô phục vụ nói. “Mời thưởng thức.”

“Tại sao gọi là bít tết Thiếu Uý vậy?” Người đẹp số 6 hỏi.

“Có một câu chuyện,” cô phục vụ nói. “Ba sĩ quan cùng vào nhà hàng dùng bữa, ông chủ yêu cầu họ dựa vào quân hàm của mình để chọn món ăn. Sĩ quan đầu tiên nói: tôi ăn bít tết Thiếu Uý. Sĩ quan thứ hai nói: tôi chọn hamburger Thượng Tá. Người thứ ba nói: vậy tôi đành gọi canh thôi.”

“Hở,” tôi lấy làm tò mò, “hết rồi à?”

“Ừm,” cô phục vụ gật gật đầu, “vì người sĩ quan thứ ba là trung tướng.”

“Canh Trung Tướng?” tôi hỏi.

“Đúng vậy.”

Cô phục vụ dọn hai cái giỏ tre và nắp đậy, mỉm cười quay người bước đi.

“Cô ấy trả lời câu hỏi của mình chưa vậy?” Người đẹp số 6 hỏi.

“Chưa. Chỉ kể một câu chuyện thôi.”

“Chắc là chuyện cười nhỉ?”

“Chuyện cười à?” tôi nói. “Nhưng chẳng thấy buồn cười gì cả.”

“Con chó béo đến mấy thì vẫn là con chó, không thể nào gọi nó là con lợn được.”

“Bạn nói đúng, đó là chuyện cười.”

Tôi bật cười, cảm thấy Người đẹp số 6 có vẻ đáng yêu đến lạ.

Tôi cúi đầu nhìn món bít tết đặt trước mặt, miếng thịt to quá, trong đầu vừa loé lên câu hỏi không hiểu nàng có ăn hết được không, thì đã nghe nàng cất tiếng: “Yên tâm, mình ăn hết được.”

“Hả?” Tôi hơi giật mình. “Thế thì tốt quá.”

“Nếu bạn ăn không hết, mình có thể hộ bạn.”

“Vậy thì không ổn rồi.”

“Thế bắt đầu đi chứ.” Nàng cầm dao dĩa lên.

“Xin mời.” Tôi cũng cầm dao dĩa lên.

Điểm khác biệt lớn nhất khi ăn bít tết so với ăn bánh mì hoặc xúp là, cần phải để ý đến dáng ăn của mình, cũng như tránh để ngộ thương người khác. Vì vậy chúng tôi không hẹn mà cùng ngậm miệng lại, thậm chí cả dao dĩa trong tay cũng trở nên dịu dàng, không cắt xoẹt ra một miếng thịt, mà chỉ nhè nhẹ cứa một lát nhỏ.

Tôi bắt đầu lo lắng không hiểu ăn đến bao giờ mới hết được món bít tết này.

Có lẽ tại chúng tôi yên lặng quá, loáng thoáng còn nghe thấy tiếng rung lắc dữ dội của cây cối ngoài cửa sổ.

Bầu không khí có vẻ hơi là lạ, giống như không khí chiến tranh lạnh của đôi tình nhân đang say đắm nồng nàn; cũng tựa hồ như không khí buổi thương lượng tiền cấp dưỡng của cặp vợ chồng đang chuẩn bị ly hôn.

“Mình thường có cảm giác mình đang tìm kiếm thứ gì đó.” Nàng đột nhiên phá vỡ sự im lặng ấy. “Nhưng chẳng rõ đó rốt cuộc là thứ gì nữa.”

Nhất thời, tôi cũng không biết nên đáp lại nàng thế nào, bèn dừng dao dĩa, ngước mắt nhìn chăm chú.

“Mình tìm chuyện để nói thôi mà.” Nàng cười cười. “Bạn đừng căng thẳng thế.”

“À,” tôi cũng cười, “thực ra mình cũng đang tìm kiếm…”

“Vậy sao?” nàng nói. “Bạn tìm kiếm gì?”

“Hôm nay lúc tìm một đôi tất mới trước khi ra ngoài, mình mới ngộ ra rằng, đời người là một cuộc tìm kiếm dai dẳng không bao giờ dứt.”

Nàng bật cười khúc khích, hình như bị sặc, vội cầm ly nước lên nhấp một ngụm.

“Bạn không sao chứ?”

“Ưm,” nàng gật gật đầu, “bạn vẫn thường nói chuyện kiểu ấy à?”

“Chắc là thế.”

“Nếu vậy thì, mình quên mất một chuyện cực kỳ quan trọng rồi.”

“Chuyện gì thế?”

“Rất vui được quen bạn,” nàng nâng ly, “Thái Húc Bình.”

“Mình cũng vậy. Người đẹp số 6…” Tôi cũng nâng ly. “À không, bạn Ông Huệ Đình chứ.”

“Cái biệt danh Người đẹp số 6 này cũng hay phết, mỗi tội hai chữ ‘người đẹp’ mình với không tới thôi.”

“Bạn hoàn toàn xứng đáng mà,” tôi nói.

“Mình lấy làm hổ thẹn.”

“Bạn không nên thẹn với lòng.”

“Không, mình thẹn không dám nhận.”

“Thôi không thẹn thùng gì nữa.”

“Hở?”

“Xin lỗi, mình không nghĩ ra câu gì nữa.” Tôi gãi gãi đầu. “Tóm lại là mình nói thực lòng đấy.”

“Thế thì mình đành phải lén lút chấp nhận thôi,” nàng thấp giọng nói, “bạn cũng chỉ được lén lút gọi thế thôi nhé.”

“Được,” tôi gật gật đầu, “mình sẽ lén lút gọi.”

Lời đã mở, tay cắt thịt bò cũng dễ dàng hơn nhiều, đẩy ra kéo vào là được một miếng nhỏ.

Miếng bít tết trước mặt mỗi lúc một nhỏ, những thông tin tôi biết về Người đẹp số 6 mỗi lúc một nhiều.

Người đẹp số 6 là người Đài Bắc, học năm thứ ba khoa Thiết kế Công nghiệp, cùng khoá với tôi.

Học kỳ này nàng vừa dọn ra khỏi ký túc, thuê chung một căn hộ với hai cô bé khoá dưới, hằng ngày đạp xe đi học.

Nàng là hội viên Câu lạc bộ nghe nhìn, vì có thể xem rất nhiều phim, nghe rất nhiều đĩa nhạc.

“Bình thường ngoài đọc sách, xem phim, nghe nhạc ra, chẳng có sở thích đặc biệt gì khác,” nàng nói.

“Giờ bạn có thêm danh hiệu người đẹp rồi, tính sao đây?”

“Tính sao đây là sao?” nàng hỏi.

“Bạn không cần luyện tập cho quen với các sở thích phù hợp với thân phận người đẹp à, kiểu như chơi đàn tranh, hát thanh nhạc, múa ballet chẳng hạn?”

“Không cần.” Nàng bật cười. “Bạn thì sao?”

“Trước mắt mình cũng chẳng có sở thích gì đặc biệt, nhưng sau này e rằng sẽ có thêm một cái.”

“Sở thích gì?”

“Trời bão ra ngoài hóng gió, rồi kiếm một nhà hàng ăn tối.”

“Sở thích này hay đấy,” nàng nói. “Nhớ hẹn mình đi cùng nhé.”

“Cái đó thì chắc chắn rồi.”

“À này,” nàng đột nhiên sực nhớ ra điều gì đó, “quà của bạn là gì thế?”

“Quà?”

“Thì món quà hôm ném tú cầu ấy.”

“Cậu ta vẫn chưa bóc, nên không biết.”

“Cậu ta?” Nàng lấy làm nghi hoặc. “Bạn có thói quen dùng ngôi thứ ba để tự chỉ mình à?”

“À… à… chỉ là chưa bóc thôi.” Tôi bất cẩn nói hớ một câu, hơi thở lập tức trở nên gấp gáp.

“Lâu như thế mà vẫn chưa bóc, bạn cũng nhịn được à,” nàng nói. “Quà của mình là đồ mỹ phẩm.”

“Bạn cần gì thứ đó,” tôi nói. “Mấy cái đó với bạn chỉ có thể gọi là thêu hoa trên gấm, không khéo lại còn chẳng thêu lên được ấy chứ, vì gấm của bạn đã rất rực rỡ rồi.”

“Cảm ơn,” nàng có vẻ hơi thẹn thùng, “bạn quá khen rồi.”

Thực ra tôi chẳng rõ Lại Đức Nhân đã bóc quà hay chưa nữa, nhưng đằng nào thì cũng chẳng biết món quà đó là gì.

Chuyện không bắt được tú cầu cứ làm tôi áy náy mãi không yên, cho dù giờ có muốn nói thật ra với nàng, thì cũng lỡ mất thời cơ rồi.

Với cá tính của nàng, có lẽ biết sự thật rồi cũng chỉ cười cười cho qua, chưa chắc đã để bụng.

Nhưng tôi không dám mạo hiểm, lỡ chẳng may nàng lại để bụng thì sao.

Tôi lấy làm xấu hổ vì sự hèn nhát của mình, không dám nhìn thẳng vào nàng, nửa vô tình nửa cố ý hơi nghiêng đầu ra phía cửa sổ, phảng phất như lại nghe thấy tiếng cây cối bên ngoài rung lắc dữ dội.

“Không sao đâu.” Cô phục vụ mang thức uống và đồ tráng miệng tới, đặt xuống bàn rồi nói:

“Đợi khi mưa tạnh trời sẽ xanh.”

“Hả?” Tôi bất giác ngoảnh lại. “Nghĩa là sao?”

“Chờ lúc mây tan thấy trăng vàng,” cô phục vụ lại nói.

“Lợi hại quá.” Người đẹp số 6 vỗ tay.

“Cảm ơn.” Cô phục vụ thu dọn khay sắt, nhoẻn miệng mỉm cười, đoạn xoay người bước đi.

Tôi nhìn theo bóng lưng cô, ngẩn ra không nói được tiếng nào.

“Nè,” nàng khẽ gọi tôi một tiếng, “cà phê nóng của bạn sắp nguội hết rồi.”

“Ờ,” tôi định thần lại, “thực ra tại những lời cô ấy vừa nói làm xung quanh đều lạnh ngắt đấy.”

“Hì,” nàng nói, “may mà mình gọi cà phê đá.”

“Bạn quả là liệu sự như thần.”

Nàng uống cà phê bằng ống hút, khoé miệng hơi nhếch lên lộ ra nụ cười.

“Không ngờ mưa dai như vậy, sắp ngập đến nơi rồi.” Nàng nghiêng mặt nhìn mưa gió ngoài cửa sổ. “Trận mưa này không biết đến lúc nào mới giống tên mình được nhỉ.”

“Nghĩa là sao?”

“Tạnh ấy [4].” 

“Hả?”

“Bạn cũng phải phụ hoạ theo đi chứ, mình đợi cơ hội có thể lấy tên mình ra nói đùa kiểu này lâu lắm rồi đấy.”

“Ờ…” Tôi vỗ tay mấy cái, “Bạn còn lợi hại hơn cô phục vụ kia ấy chứ.”

“Cảm ơn.” Nàng cúi thấp đầu, như một diễn viên đang cúi chào khán giả trên sân khấu.

Hình như đến lúc này, tôi mới không còn cảm thấy Người đẹp số 6 xa lạ nữa, thậm chí còn có cảm giác thân thuộc.

Đáng tiếc đã chín rưỡi rồi, thời tiết này không thích hợp để ở bên ngoài quá muộn.

Tuy tôi chẳng nỡ lòng nào, nhưng ít nhất vẫn còn một chút lương tri, cảm thấy cần phải đưa nàng về nhà cho sớm.

Khi tôi hỏi đã phải về chưa, nàng chỉ “ừm” một tiếng, rồi đứng dậy luôn.

Nàng xoay người đi ra phía cửa, không ngoảnh đầu lại dù chỉ một lần.

Tôi hụt hẫng như vừa đánh mất gì đó, còn nàng dường như không phải vậy, chẳng hề lưu luyến trước lúc chia tay.

Có điều dù nàng có ngoảnh đầu lại, cũng không thể nói là nàng lưu luyến.

Giống như người ta đi nặng xong, thông thường đều nhìn lại một cái rồi mới giật nước vậy thôi.

Lẽ nào đấy cũng gọi là lưu luyến?

“Nè,” nàng đứng cạnh cái quầy gần cửa gọi tôi.

Tôi vội ngắt mạch suy nghĩ, chợt nhận ra nàng đang đợi mình, vội vàng đứng dậy, bất cẩn va cả vào cạnh bàn.

Lọ hoa trên bàn bắt đầu lắc lư, tôi vội đỡ lấy đặt lại ngay ngắn.

Trong tôi đột nhiên dấy lên một sự thôi thúc, bèn rút luôn đoá hoa hồng trong lọ, bước đến quầy hỏi cô phục vụ: “Cho tôi được không?”

“Hoa thì được,” cô phục vụ đáp, “người thì không.”

“Cảm ơn.” Tôi chẳng buồn để ý đến câu thứ hai.

“Tặng bạn.” Tôi lập tức quay người lại, giơ đoá hoa hồng phấn ra cho Người đẹp số 6.

“Cảm ơn.” Nàng nở một nụ cười thật tươi tắn, đưa tay phải đón lấy đoá hoa, cúi đầu ngửi.

“Anh có tặng tiền cho chủ ngân hàng không?” cô phục vụ đột nhiên hỏi.

“Nghĩa là sao?” tôi hỏi.

“Anh có mua nhà tặng trùm địa ốc không?”

“Rốt cuộc chị muốn nói gì thế?”

“Chủ ngân hàng đầy tiền, trùm địa ốc thì đâu đâu chẳng có nhà,” cô phục vụ nói. “Còn cô gái này, đã là đoá hoa đẹp nhất rồi, tại sao còn tặng hoa cho cô ấy nữa?”

“Chỗ này không tiện ở lâu.” Tôi quay đầu lại, thấp giọng thì thào với Người đẹp số 6: “Chuồn lẹ.”

“Đúng thế,” Người đẹp số 6 cũng thì thào đáp lại, nở một nụ cười bí hiểm.

“Cảm ơn đã tiếp đãi,” tôi và Người đẹp số 6 đồng thanh nói.

“Hai người nhất định phải hạnh phúc nhé,” cô phục vụ nói.

“Giờ đang rất hạnh phúc rồi mà,” tôi nói.

Người đẹp số 6 chỉ cười khe khẽ, không nói gì cả.

Tôi kéo cửa ra, tiếng gió mưa gào thét bất ngờ ập đến khiến màng nhĩ không thích ứng cho lắm.

“Mưa vẫn to quá nhỉ.” Nàng rút ô ra.

“Nếu bạn không ngại thì để mình đưa về nhé.”

“Đi bộ có một đoạn thôi, làm phiền bạn ngại lắm.”

“Không sao mà,” tôi nói, “đây là việc nên làm.”

“Thế thì đành phiền bạn vậy,” nàng nói. “Ô của bạn đâu?”

“Mình mặc áo mưa đến đây.” Tôi vừa chạy vừa nói với lại: “Đợi một chút, mình quay lại ngay.”

Tôi chạy đến chỗ để xe máy, nhanh chóng mặc áo mưa vào, rồi chạy về nàng.

“Bạn vất vả quá,” nàng nói.

“Đâu có,” tôi thở hơi mạnh, “mình đi thôi.”

Nàng cầm ô màu đỏ sậm chưa mở, tôi mặc áo mưa màu vàng, sánh vai đi dưới hàng hiên.

Chúng tôi không nói chuyện, có lẽ cả hai đều chẳng biết nên nói gì cho hợp với tiếng mưa gió đang gào thét ầm ĩ xung quanh.

Đi hết hàng hiên, nàng dừng lại, tôi cũng dừng lại theo.

Nàng giơ ô lên, tôi bèn nhích ra một chút, “soạt” một tiếng, cái ô đã xoè ra.

Khoảng cách giữa tôi và nàng, vừa khéo đúng bằng bán kính cái ô, sau đó chúng tôi lại cùng bước vào màn mưa gió mênh mang.

“Gió lớn thật đấy.” Hai tay nàng nắm chặt cán ô, giữa ngón tay còn kẹp bông hoa hồng phấn kia, tuy trông hơi nhếch nhác, nhưng nàng vẫn cười rất tươi.

“Mặc áo mưa tiện hơn,” tôi nói. “Có muốn đổi không?”

“Bạn nói gì mình nghe không rõ!”

Mưa gió lớn quá, âm lượng nói chuyện bình thường không thể lọt vào tai đối phương, tôi đành cao giọng nói: “Đưa hoa mình cầm hộ cho! Bạn giữ ô cẩn thận!”

“Ưm!” Nàng khẽ gật đầu, đưa đoá hoa cho tôi.

Tôi cởi mấy cái khuy trên áo mưa ra, nhét đoá hoa vào túi áo ngực, rồi cài khuy lại.

“Mình từng thấy người ta mặc áo mưa lái xe hơi trên con đường này đấy!” tôi nói.

“Thật không?”

“Ờ! Lúc đó mình lấy làm tò mò nhìn kỹ lại, thì ra kính chắn gió của cái xe ấy bị vỡ rồi, một nam một nữ bên trong đành phải mặc áo mưa lái xe!”

“Chuyện cười này cũng được đấy!” Nàng cười.

“Không!” Tôi cũng cười. “Đây là chuyện thật!”

Cứ phải cao giọng nói chuyện, hơn nữa lại toàn dùng câu cảm thán là việc rất mệt mỏi, chúng tôi đành lựa chọn giải pháp im lặng.

Trong mưa gió, nàng thi thoảng lại thay đổi phương vị cầm ô, thỉnh thoảng cái ô bị tốc ngược lên, nàng liền cười hì hì thích thú, như thể cảm thấy thú vị lắm.

Tôi cũng thấy thinh thích, vì những hạt mưa quất lên người, tựa hồ như đang làm SPA miễn phí cho chúng tôi vậy.

Tuy rằng tôi nên tranh thủ chút thời gian ở cạnh nhau cuối cùng này để nói chuyện với nàng thêm chút nữa, nhưng tôi chẳng muốn phí công nghĩ ra chuyện để nói với nàng, vì lúc này nói gì hay làm gì, cũng chẳng thể bằng ngắm nhìn nụ cười tươi tắn của nàng được.

Dẫu cho tiếng cười của nàng thường bị tiếng gió mưa vùi lấp, nụ cười ấy vẫn cứ ấm áp và đáng yêu như thường.

Tôi hơi lo cho cái ô của nàng, lại càng lo nàng bị ướt, nên cứ liên tục ngoảnh đầu lại nhìn.

Qua lớp mắt kính mơ hồ, tôi bỗng phát hiện quanh người nàng như thể được bao bọc một quầng sáng trắng.

Bỗng nhiên có ảo giác rằng, rất có thể nàng là một thiên sứ.

“Đến nơi rồi.” Mười phút sau, nàng dừng bước dưới mái hiên che mưa của một căn hộ, thu ô lại.

Nàng thở hắt ra một hơi, lấy tay gạt mấy sợi tóc rối vương xuống trán, mỉm cười.

Cái hiên che mưa này không chỉ ngăn được nước mà còn lọc tiếng nước mưa thành những âm thanh tí tách tí tách thấp trầm.

Không gian bên dưới mái hiên tuy rất đẹp, nhưng cũng để tiếng của nàng không bị át đi, nên câu “đến nơi rồi” ấy, tôi nghe rõ mồn một.

“Cảm ơn bạn đưa mình về,” nàng nói.

“Đừng khách sáo,” tôi đáp.

“Hôm nay rất thú vị, cũng rất vui vì được quen bạn,” nàng lại nói.

“Bạn cướp lời của mình rồi đấy.”

“Cảm ơn bạn đã mang đến cho mình một trải nghiệm khó quên thế này.”

“Không,” tôi nói, “người nói cảm ơn phải là mình mới đúng.”

“Ủa?”

“Vì bạn đã để lại những mảng sắc màu rực rỡ nhất trong tuổi trẻ nhạt nhẽo của mình.”

“Bạn khách khí quá rồi.”

“Không, mình thật sự rất cảm ơn bạn,” tôi nói. “Cảm ơn bạn đã cho mình những hồi ức đẹp đẽ này, dù mười năm sau, hay là lâu hơn nữa, mỗi lần gặp bão, mình cũng nhất định sẽ nhớ đến buổi tối hôm nay.”

Nàng không nói gì thêm, hơi ngước mắt nhìn tôi.

Vẫn là đôi mắt trong veo sáng rỡ ấy, ánh sáng mờ mịt và mưa gió ngập trời kia cũng không thể che mờ được.

Sau này khi tôi đã già, lúc nhớ lại đời mình, chắc hẳn sẽ có rất nhiều hình ảnh khác nhau lướt qua trong đầu.

Nhưng nhất định sẽ dừng hình tại đây, có lẽ chỉ một hai giây, nhưng nhất định sẽ dừng lại.

Tất cả mọi sự trên đời, ngay khi xảy ra, đã lập tức trở thành vĩnh hằng.

Bởi không thể vĩnh hằng, cũng là một thứ vĩnh hằng.

Ánh mắt nàng trong khoảnh khắc này, đối với tôi, chính là vĩnh hằng.

Tôi rất vui sướng cũng rất tự hào vì quen được Người đẹp số 6, ban đầu có lẽ xuất phát từ thói hư vinh, dù sao, với một thằng con trai quá bình thường như tôi thì quen với “người đẹp” cũng là chuyện đáng để khoe khoang lắm chứ.

Nhưng lúc này tôi chỉ thấy đội ơn, cảm kích ông trời đã cho tôi quen nàng, hơn nữa còn được ở gần nàng đến thế. 

Trong tôi đang đấu tranh kịch liệt, rất muốn hỏi nàng sau này còn có thể gặp nhau nữa không? Muốn liên lạc thì làm thế nào? Có thể cho tôi nhích lại gần nàng thêm chút nữa không?

Nhưng rốt cuộc tôi vẫn không mở miệng.

Không phải vì không có dũng khí, mà vì làm như vậy sẽ khiến tôi tự thấy mình là kẻ lòng tham không đáy.

Ông trời đã thiên vị tôi lắm rồi, tôi không nên đòi hỏi thêm gì nữa.

Giống như trúng xổ số giải đặc biệt đã là may mắn lắm rồi, nếu còn đòi tiền thưởng phải toàn là giấy bạc mới toanh, thế thì cũng hơi thái quá.

Tôi biết, người ta thường không hối hận vì những chuyện đã làm, mà hối hận vì những chuyện mình chưa làm, có lẽ tương lai tôi sẽ hối hận vì bây giờ không lên tiếng, nhưng tôi vẫn hạ quyết tâm, lựa chọn phương án biết đủ.

Tôi lại cởi cúc áo mưa ra, thò tay phải vào lấy bông hồng cắm trên túi áo ngực.

“Cảm ơn bạn.” Tôi đưa đoá hoa cho nàng. “Chúc bạn sống lâu trăm tuổi.”

“Câu chúc này hơi kỳ cục nhỉ.” Nàng nhận lấy đoá hồng. “Nhưng hoa thì rất đẹp.”

“Đúng thế,” tôi nói. “Cô phục vụ kia quên mất một lớp nghĩa khác. Người hiểu giá trị của tiền nhất chính là ông chủ ngân hàng, người hiểu giá trị của ngôi nhà nhất đương nhiên là tay trùm địa ốc. Người hiểu cách thưởng thức vẻ đẹp của hoa nhất, dĩ nhiên phải là cô gái xinh đẹp như hoa rồi.”

Nàng hơi ngây người, vẻ mặt có chút bẽn lẽn, một lúc sau mới nói: “Bạn quá khen rồi.”

“Vậy…” tôi đấu tranh thêm mấy giây nữa, cuối cùng cũng xoay người bước đi, “chúc bạn ngủ ngon.”箍

“Ớ?” nàng bỗng kêu khẽ một tiếng.

“Chuyện gì thế?” Tôi dừng bước, quay người lại nhìn nàng.

“Dự cảm thình lình của mình lại xuất hiện rồi.”

“Thật không?” Tôi giật mình.

Tay phải nàng cầm đoá hoa, cúi đầu lấy cánh hoa chạm vào giữa trán mình mấy cái, nàng ngẩng đầu lên, lại đưa tay ra, cánh hoa vừa khéo chạm đúng vào chót mũi tôi.

“Chúng ta sẽ gặp lại,” nàng nói.

Mùi hương thoang thoảng ấy, đối với tôi, cũng là vĩnh hằng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui