TỨ ĐIÊN (四顛)
Tứ điên là dạng thức trang phục được sử dụng phổ biến vào thời Lý, Trần. Tác giả Chu Khứ Phi (周去非) thời Tống trong tác phẩm “Lĩnh ngoại đại đáp” (嶺外代答) đã mô tả dạng trang phục này như sau: áo Sam đen cổ tròn bó sát, bốn vạt như áo Bối tử, gọi là áo Tứ điên.
Dưới thời nhà Nguyên, hai tác giả là Trần Cương Trung (陳剛中) và Mã Đoan Lâm (馬端臨), trong các tác phẩm lần lượt là “An Nam túc sự” (安南即事) và “Văn hiến thông khảo’ (文獻通考) cung cấp thêm một số thông tin về trang phục thời Trần, mà cụ thể ở đây là áo Tứ điên:
* “Người trong nước đều mặc màu đen, áo đen bốn vạt, cổ tròn bằng là.”
* “Những người còn lại đều mặc áo cổ tròn bốn vạt, áo Sam đen không thắt lưng, dưới áo Sam thắt thường đen.”
Qua các ghi chép trên, chúng ta có thể hình dung áo Tứ điên(các tác giả người Trung Quốc gọi là “áo Sam”) là dạng áo viên lĩnh xẻ bốn vạt. Đồng thời, từ những miêu tả về phần cổ áo bó sát, chúng tôi đưa ra 3 giả thuyết về kết cấu của áo Tứ điên như sau:
1. TỨ ĐIÊN là dạng áo VIÊN LĨNH ĐẠI KHÂM
Áo viên lĩnh đại khâm và xẻ vạt trước cùng vạt sau. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng dạng thứ này không thích hợp do Tứ điên được miêu tả có kết cấu tương đương với áo Bối tử (背子) (Bối tử là dạng áo đối khâm bắt đầu xuất hiện ở thời Tùy và trở nên thịnh hành vào các đời Tống, Minh). Vì thế, áo Tứ điên có dạng viên lĩnh đại khâm phổ thông và xẻ vạt trước sau không phù hợp với miêu tả trong các ghi chép trên.
2. TỨ ĐIÊN là dạng áo VIÊN LĨNH ĐỐI KHÂM
2.1. Áo viên lĩnh đối khâm cố định bằng dây. Kết cấu này không phải là không khả thi. Tuy nhiên, kết cấu này đòi hỏi một loạt các dây buộc chạy dọc hai thân áo, gây mất thời gian hơn so với việc cố định vạt áo bằng cúc. Đồng thời, hiện ở Việt Nam chưa ghi nhận hiện vật áo có nhiều dây buộc chạy dọc thân áo. Cuối cùng, tính thẩm mỹ của kết cấu này là không cao, nên nếu thực sự tồn tại dạng thức này, khả năng được áp dụng cho tầng lớp thường dân.
2.2. Áo viên lĩnh đối khâm cố định bằng cúc. Tứ Điên với kết cấu viên lĩnh đối khâm, và kèm theo một hàng cúc chạy dọc. Việc sử dụng cúc áo ở nước ta đã được ghi nhận ở thời Đông Sơn với nhiều mẫu mã đa dạng. Thêm vào đó, cố định vạt áo bằng cúc có phần tiện lợi và sang trọng hơn là việc sử dụng một chùm dây buộc, khi thắt dây thì khá tốn thời gian và không tạo được tính thẩm mỹ. Vậy nên, Đại Việt Phong Hoa đưa ra đề xuất tạo hình Tứ điên có kết cấu là áo viên lĩnh đối khâm cùng hàng cúc chạy dọc.
– Đại Việt Phong Hoa –
Người vẽ: Quan Gia (nhóm Đại Việt Phong Hoa)
177321142_299679604934756_7054425218517239961_n