Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

D Artagnan vừa được Nhà vua tiếp kiến, đầu óc còn cảm thấy nặng nề vì câu chuyện, đang tự hỏi không biết Nhà vua có tỉnh trí không, không biết mọi sự có xảy ra êm đẹp ở Vaux hay không, không biết mình có đúng là chưởng quan ngự lâm quân không, không biết ông Fouquet có phải là chủ nhân toà lâu đài mà Louis XIV vừa được mời đến không. Chẳng phải đây là ý nghĩ của một người say. Ở Vaux vẫn tiệc tùng đầy đủ, món rượu nho của ông tổng giám vẫn đứng hàng đầu. Nhưng anh chàng Gascon vốn là con người điềm tĩnh khi chạm tay vào lưỡi kiếm thép, ông thấy lưỡi thép lạnh đủ cho ông sẵn sàng lao vào những vụ to lớn. Khi bước ra khỏi điện ông tự bảo: Hừ, phen này là ta nhào vào chuyện dính dáng tới số phận của một ông vua và của ông tổng giám. Lịch sử sẽ ghi rằng một con em của xứ Gascogne là ông d Artagnan chụp lấy cổ tay ông tổng giám tài chính nước Pháp là ông Nicolas Fouquet. Đây là lệnh của vua sai. Ai cũng biết phải nói với ông Fouquet là: "Ông đưa gươm đây!". Nhưng không ai có thể ngăn được người nào đấy kêu lên. Vậy thì phải hành động làm sao cho ông tổng giám từ chỗ được hưởng ân huệ tối cao qua đến chỗ thất sủng tàn tạ nhất, để cho ông biến lâu đài Vaux thành một "Chuồng cọp", làm sao sau khi biết mùi vinh hoa rồi ông ta chịu đến giá treo cổ?

Tới đây, d Artagnan cau mặt lại. Nhất định là Louis XIV ghét ông Fouquet thật sự, cho nên buộc con người ông vừa mới phong là mã thượng đi đến chỗ chết, thì đúng là một trường hợp lương tâm vấn vít của Nhà vua.

D Artagnan ôm đầu, bứt râu nói tiếp:

- Vì lẽ gì mà ông Fouquet bị thất sủng? Vì ba lẽ: Thứ nhất, vì ông không được ông Colbert ưa, thứ hai, vì ông muốn yêu tiểu thư La Vallière; thứ ba vì, Nhà vua yêu ông Colbert và tiểu thư La Vallière. Tiêu rồi! Nhưng làm đấng trượng phu như ta mà đạp lên đầu người ngã ngựa vì một người đàn bà, vì kẻ tuỳ phái à? Xì! Nếu hắn là nguy hiểm thì ta hạ, nếu hắn chỉ bị bạc đãi thôi thì để xem. Athos mà có ở đây thì cũng làm như ta thôi. Như vậy, thay vì đi chộp ông Fouquet, tóm ông ta, nhét vào đâu đó thì ta phải cư xử đàng hoàng.

Rồi d Artagnan xốc lại dây đeo gươm theo cung cách rất đặc biệt của mình và đi thẳng đến nhà ông Fouquet. Ông này sau khi từ giã các bà, đang sửa soạn ngủ yên sau một ngày thành công rực rỡ.

Ông Fouquet vừa được người hầu phòng đưa tay cởi áo thì d Artagnan xuất hiện trên bực cửa. Cánh tay phải ông Fouquet vừa thoát khỏi thân mình xong.

- Kìa! Ông d Artagnan?

Người lính ngự lâm trả lời:

- Xin đến để phục vụ ngài.

- Sao, ông đến để chỉ trích buổi lễ à? Ông thật là một người khéo!

- Ô không.

- Có phải người ta ngăn trở ông làm việc không?

- Không phải tí nào.

- Hay là chỗ ở của ông không được tiện nghi?

- Ồ tốt lắm!

- Thế thì xin cảm ơn ông đã có lòng ân cần với tôi và chính tôi mới là kẻ chịu ơn ông về tất cả những câu nói giúp tôi vui lòng đấy.

Những lời nói này rõ ràng là có ý nghĩa: ông d Artagnan thân mến ơi, thôi ông đi ngủ đi vì ông có cái giường rồi, để cho tôi đi ngủ với. Nhưng d Artagnan làm ra vẻ như không hiểu.

Ông nói với viên tổng giám:

- Ông phải đi ngủ rồi à?

- Vâng, ông có điều gì cho tôi biết không?

- Không, không có gì hết. Ngài ngủ ở đây à?

- Thì ông thấy đó!

- Thưa ngài đã tổ chức cho Nhà vua một buổi lễ tiệc thật to - Nhà vua bằng lòng không?

- Thích lắm.

- Và ngài bảo ông đến bảo điều đó cho tôi à?

- Ngài không sai một người đưa tin kém cỏi như tôi đâu, thưa Đức ông.

- Ông d Artagnan, ông khiêm nhường quá.

- Đây là giường ngủ của ngài?

- Vâng. Sao ông hỏi thế? Ông không bằng lòng chỗ ngủ của tôi à?

- Ờ không.

Fouquet giật mình, nói:

- Ông d Artagnan, xin ông hãy giữ phòng tôi đi.

- Đức ông bỏ à? Không đời nào!

- Thế thì ta làm sao?

- Xin phép cho tôi ngủ chung với ngài.

- Ngài Fouquet nhìn đăm đăm vào người lính ngự lâm:

- Ồ, ông từ phòng Nhà vua ra à?

- Thưa Đức ông, vâng.

- Tốt lắm, tốt lắm! D Artagnan ạ! Ông là chủ ở đây. Mời ông.

- Tôi xin bảo đảm với Đức ông là tôi không muốn lợi dụng tí nào.

Fouquet nói với người hầu phòng:

- Ra đi, để chúng ta lại đây.

Người hầu phòng rút lui. Fouquet nói với d Artagnan:

- Ông có điều nói riêng với tôi có phải không? Một người tinh tế như ông không thể đến nói chuyện qua quít với một người như tôi trong giờ phút này nếu không có lý do gì quan trọng thúc đẩy.

- Xin ngài đừng hỏi.

- Trái lại. Ông muốn nói điều gì?

- Chỉ xin đến với ngài cho có bạn thôi.

- Thôi chúng ta ra vườn đi.

Người lính ngự lâm vội vã trả lời:

- Không! Không!

- Tại sao?

- Ngoài đó lạnh.

Ông tổng giám nói với người chưởng quan:

- Thôi hãy nhận là đến đây để bắt tôi đi!

- Không phải tí nào.

- Thế thì ông canh chừng tôi à?

- Vâng, thưa Đức ông, tôi lấy làm hân hạnh.

- Hân hạnh? Chuyện lạ đấy! Ờ! Tôi bị bắt ngay ở nhà à?

- Xin ngài đừng nói thế!

- Nhưng tôi vẫn la là người ta bắt tôi.

- Nếu ngài la lên thì tôi buộc phải làm cho ngài im tiếng.

- Tốt! Sử dụng bạo lực trong nhà tôi. Tốt lắm!

- Chúng ta không hiểu nhau đấy. Có bàn cờ kia, Đức ông vui lòng chơi với tôi vài ván.

- Ông d Artagnan à, có phải đúng là tôi bị bỏ rơi không?

- Không phải đâu, nhưng mà…

- Nhưng mà lệnh bắt tôi phải đặt dưới quyền ông à?

- Thưa Đức ông, tôi không hiểu ngài nói gì hết: nếu ngài muốn tôi rút lui thì tôi xin về.

- Ông d Artagnan thân mến, ông làm tôi điên lên mất. Tôi buồn ngủ muốn chết mà ông cứ bắt tôi thức.

- Tôi không thể nào tha thứ cho tôi về chuyện đó cả. Và nếu ngài muốn cho tôi khỏi trách móc tôi thì…

- Sao?

- Xin ngài đi ngủ đi, trước mặt tôi. Tôi thật sung sướng.

- Ông trông chừng tôi?

- Thế thì tôi xin đi.

Rồi d Artagnan dợm bước đi ra. Ông Fouquet chạy theo nói:

- Tôi không đi ngủ đâu. Vì ông không đối xử với tôi như là con người và vì ông cợt đùa với tôi thái quá nên tôi ép ông phải húc như heo rừng.

- A! - D Artagnan kêu lên mà cố mỉm cười.

- Tôi sai đóng ngựa và đi Paris ngay.

- Ồ thưa Đức ông, nếu như thế thì vấn đề sẽ khác đi.

- Ông bắt tôi?

- Không, tôi cùng đi với ngài.

Fouquet lạnh lùng nói:

- Thôi ông d Artagnan, đủ rồi. Ông nổi danh là một con người tinh tế, khôn ngoan không phải là không có cớ đâu.

- Nhưng đối với tôi thì tất cả mấy cái đó đều là dư thừa hết.

- Chúng ta đi thẳng vào việc đi. Tại sao ông bắt tôi? Tôi đã làm gì nào?

- Ồ tôi đã không biết ngài đã làm gì. Và tôi cũng không bắt ngài tối nay.

Fouquet xanh mặt kêu lên:

- Tối nay! Thế thì mai?

- Ồ, thưa Đức ông, bây giờ thì chưa phải là ngày mai.

- Ngày mai có xảy ra chuyện gì thì làm sao biết được?

- Nhanh lên, ông chưởng quan, xin ông cho tôi nói chuyện với ông D Herblay!

- Than ôi, đây mới là chuyện không thể được, thưa Đức ông. Tôi được lệnh không cho ngài nói chuyện với ai hết.

- Nhưng mà, ông chưởng quan, với ông D Herblay bạn của ông đấy!

- Thưa Đức ông, nếu tình cờ mà ông bạn thân D Herblay của tôi là người duy nhất tôi phải ngăn nói chuyện với ngài thì ngài tính sao?

Fouquet đỏ mặt và lấy vẻ chịu phép, nói:

- Ông có lý. Tôi vừa nhận một bài học đáng lẽ tôi không nên gây ra. Một con người ngã ngựa không có quyền đòi hỏi gì hết, cả đến quyền đòi hỏi ở những người mà hắn ta đã gây dựng sự nghiệp cho, càng lại không nên đòi hỏi ở những người hắn không có hân hạnh giúp đỡ gì hết?

- Đức ông?

- Đúng đấy, ông d Artagnan ạ? Ông luôn luôn đặt mình ở một vị thế phải lý đối với tôi, vị thế hợp của một người sẵn sàng đi bắt tôi. Ông chưa bao giờ hỏi xin tôi điều gì hết.

Chàng Gascon cảm động vì những lời nói đầy ý nghĩa và cao cả ấy, ông nói:

- Thưa Đức ông, ngài có lấy tư cách con người lương thiện hứa với tôi là không ra khỏi phòng này không?

- Ông d Artagnan thân mến ơi, hứa như thế để làm gì, ông đang canh giữ tôi mà! Ông ngại tôi chống với tay kiếm có giá nhất vương quốc ư?

- Không phải thế đâu, đó là vì tôi phải đi tìm ông D Herblay nên tôi để ngài ở lại một mình.

- Ông D Herblay ở đâu? Có phải trong phòng màu xanh không?

- Đúng đó, ông bạn ạ.

- Ông bạn, xin cảm ơn về chữ dùng đó.

- Thưa Đức ông, lâu nay ngài chưa hứa cho tôi cái gì bây giờ xin ngài.

- A! Ông cứu tôi!

- Có phải từ đây tới phòng xanh đi và về khoảng mười phút không?

- Gần như thế.

- Và muốn đánh thức Aramis thường là hay ngủ say, muốn báo cho anh ta, tôi cho là phải năm phút. Nghĩa là tất cả phảì một khắc. Thưa Đức ông. Bây giờ xin ngài hứa với tôi là ngài không tìm cách trốn chạy và vẫn ở đây đến khi tôi về.

- Thưa ông, tôi xin hứa.

D Artagnan biến mất.

Fouquet nhìn ông đi xa dần, có vẻ nôn nóng rõ rệt trông mong cánh cửa khép lại. Rồi khi cửa đã khép, ông chạy vội lại lấy chùm chìa khoá mở hộc tủ giấu trong bàn, lục tìm không ra những giấy tờ chắc đã để ở St. Mandé, rồi ông dồn thư từ, khế ước, mọi thứ có chữ viết làm thành đống và đốt.

Rồi khi đã xong việc, như một người vừa mới thoát khỏi cơn nguy biến to lớn, sức lực rã rời khi không còn có gì phải lo lợ nữa, ông nằm vật ra trên ghế ngất đi.

Lúc trở lại, d Artagnan thấy ông ta vẫn nằm nguyên vị thế đó. Người lính ngự lâm có tư cách không hề nghi ngờ rằng Fouquet khi đã hứa lại không giữ lời. Nhưng ông cũng nghĩ được Fouquet nhân dịp này có thể tìm cách loại bỏ tất cả những giấy tờ, ghi chú, tất cả những khế ước khiến ông ta còn lâm vào tình trạng nguy hiểm hơn. Cho nên d Artagnan mới ngửng đầu lên như con chó đánh hơi và khi ngửi thấy mùi khói bay trong phòng, ông thấy thoả mãn là đã đoán đúng.

Khi d Artagnan bước vào, Fouquet đang nằm nghiêng, ngửng đầu lên. Hai cặp mắt gặp nhau, hai người cùng hiểu.

Fouquet hỏi:

- Kìa, ông D Herblay đâu?

- Ồ Thưa Đức ông chắc ông D Herblay ưa đi dạo ban đêm và làm thơ dưới trăng trong vườn với một vài thi sĩ của ngài, nên tôi không thấy ông ta trong phòng.

- Sao? Không có trong phòng à?

Fouquet kêu lên và thấy mất niềm hy vọng cuối cùng. Ông không rõ D Herblay làm cách nào để cứu mình nhưng chắc chắn ràng giám mục Vennes sẽ cứu và chỉ cho ông ta mà thôi.

D Artagnan tiếp tục:

- Nếu ông ta ở trong phòng thì chắc có lý do nào đó khiến ông ta không chịu trả lời tôi.

- Chắc là ông không gọi to nên ông ta không nghe thấy chứ gì?

- Đức ông không chịu nghĩ rằng tôi đang vi phạm lệnh cấm rời khỏi ngài một bước, Đức ông tưởng rằng tôi điên lên mới đánh thức mọi người dậy để thấy tôi ở ngoài hành lang của giám mục De Vannes rồi báo cho ông Colbert biết rằng tôi cho phép ngài có dịp đốt giấy tờ ư?

- Ờ đúng xin cảm ơn ông.

- Ngài làm khéo quá. Ai cũng có sự riêng tư mà không người nào được phép dòm ngó vào. Nhưng thôi hãy trở lại chuyện Aramis. Chắc ông gọi nhỏ quá và ông ta không nghe đấy.

- Thưa Đức ông, gọi Aramis mà nhỏ đến đâu đi nữa nếu cần thì ông ta vẫn nghe như thường. Thành thử tôi xin lặp lại là Aramis không có trong phòng, hay là Aramis có những lý do để không nghe tiếng tôi, những lý do mà tôi không hiểu và chắc là ngài cũng không hiểu.

Fouquet thở dài, đứng dậy, bước vài bước rồi lả mình ngồi xuống chiếc giường lộng lẫy giăng thêu rua choáng lộn.

Người lính ngự lâm buồn rầu nói:

- Trong đời, tôi đã thấy nhiều người bị bắt. Lúc còn trẻ tôi thấy ông De Cinq-Mars bị bắt, ông De Chalais bị bắt. Tôi đã thấy ông De Condé bị bắt với các ông hoàng khác, tôi cũng thấy ông De Retz, ông Broussel bị bắt. Này, ngài chú ý xem, thật đáng tiếc phải nói lên điều này, là trong số đó, người giống với ngài lúc này nhất là ông bạn Broussel. Cũng như ông ta, ngài đang nhét khăn vào bóp, ngài đang lấy giấy tờ chùi miệng. Chán quá! Ngài Fouquet ạ một người như ngài không thể có cung cách rối loạn như thế được. Nếu bạn bè ngài trông thấy thì còn ra gì nữa?

Viên tổng giám cười buồn:

- Thưa ông d Artagnan, ông không hiểu gì hết. Chính là bởi vì các bạn tôi không có ở đây nên ông mới trông thấy như thế. Tôi không sống lẻ loi, không tồn tại một mình. Ông nên lưu ý là cả cuộc sống của tôi chỉ dành để tìm bạn giúp đỡ khi tôi nguy khốn. Lúc tôi phát đạt, tất cả những giọng điệu vui vẻ ấy - và vui vẻ nhờ tôi, xúm nhau lại ca tụng tôi, xin ân huệ của tôi. Tôi không bao giờ biết đến cô độc. Tôi chịu chấp nhận sự nghèo cực, tiếp đón nó như với một cô em bị bạc đãi, vì nghèo cực không phải là sự cô tịch, sự lưu đày, không phải là nhà ngục? Có bao giờ tôi nghèo khi có những người bạn như Pellisson(1), La Fontaine (2), như Molière(3)? Nhưng ở đây lại là sự cô độc, đối với con người ồn ào, thích hưởng thụ, sống vì người khác, sống như tôi? Ôi, ông đâu có biết hiện nay tôi cảm thấy cô độc như thế nào? Ông là con người thật cách biệt với tôi, ông đối với tôi như là hình ảnh của sự cô tịch, của hư vô, của tử thần!

D Artagnan thấy xúc động, nói:

- Nhưng tôi đã nói với ngài, ngài Fouquet ạ, tôi đã nói là ngài đi quá xa. Hoàng thượng vẫn yêu quý ngài như thường.

- Không? - Fouquet lắc đầu nói, - Không!

- Chính ông Colbert mới ghét ngài.

- Ông Colbert à? Đâu có quan hệ gì đến tôi!

- Ông ta sẽ làm ngài tàn tạ.

- Ồ, về chuyện này tôi không lo, tôi đã tàn tạ rồi.

Khi nghe lời thú nhận của viên tổng giám, d Artagnan đưa mắt cố ý nhìn khắp chung quanh. Tuy ông không mở miệng nhưng Fouquet đã đoán rõ ý nên ông nói:

- Những cảnh tráng lệ này có ích gì khi người ta không còn hào hoa nữa? Thưa ông d Artagnan, muốn tỏ ra giàu thì phải quá giàu mới được.

D Artagnan gật đầu, Fouquet vội vã tiếp lời:

- Ồ, tôi biết ông nghĩ gì rồi. Nếu ông có lãnh địa Vaux thì ông bán đi để mua miếng đất ở tỉnh. Đất ấy gồm rùng rú, vườn cây đồng ruộng, đất ấy nuôi sống chủ nó. Ông làm nên bốn mươi triệu như chơi.

D Artagnan chặn lại:

- Mười triệu!

- Không có triệu nào hết! Cả nước Pháp không có ai có tiền đủ để mua lãnh địa Vaux với giá hai triệu và chăm sóc sửa sang. Không ai có thể làm được việc đó.

D Artagnan kêu lên:

- Mẹ ơi! Dù sao thì một triệu cũng…

- Sao?

- Cũng không phải là nghèo cực.

- Thật gần nghèo quá mà, thưa ông.

- Cái gì?

- Ồ, ông không hiểu được. Không, tôi không bán ngôi nhà tôi ở Vaux này; nếu ông muốn thì tôi tặng ông.

Fouquet hơi nhún nhẹ đôi vai kèm với lời nói đó.

- Thôi để đem cái ấy tặng Hoàng thượng thì có lợi hơn nhiều.

Fouquet nói:

- Nhà vua không cần tôi tặng. Nếu nhà đất hợp với ông ấy thì ông ấy lấy ngay chẳng cần lôi thôi gì cả. Chính vì thế mà tôi cứ muốn nó sụp đổ đi. Này ông d Artagnan, nếu Nhà vua không phải đang ở dưới mái nhà của tôi thì tôi cầm cây đèn này, đến chỗ mái vòm đốt hai thùng thuốc pháo thăng thiên còn ở đấy và cả toà lâu đài này sẽ thành bụi ngay tức khắc.

Người lính ngự lâm nói thật tình:

- Ô nhưng dù sao ông cũng không thể đốt vườn được mà ở đây thì chỉ có các khu vườn mới đáng giá thôi.

Fouquet tiếp lời, giọng khàn đục:

- Thế rồi, à tôi nói gì nhỉ? Đốt đất Vaux? Phá huỷ lâu đài của tôi. Nhưng Vaux không phải thuộc về tôi. Đúng là cả cảnh huy hoàng này thì phải thuộc về kẻ trả tiền được hưởng, nhưng tính về thời gian thì nó thuộc về kẻ đã tạo ra nó. Đó là các kiến trúc sư, hoạ sĩ, thi sĩ, sử gia Le Brun(4), Le Notre(5), Pellisson; La Vau(6), La Fontaine. Vaux nơi Molière đã diễn tuồng những kẻ quấy rầy ở đấy. Vuax là của hậu thế, nên ông d Artagnan thấy đó, không có ngôi nhà nào là của tôi cả.

D Artagnan nói:

- Đúng lắm, tôi thích ý tưỏng này lắm. Tôi thấy rõ được ngài Fouquet rồi. Ý tưởng này khiến tôi xa rời anh chàng Broussel và tôi không còn nhận ra những lời kêu khóc của tay chống đối này nữa. Nếu có phải sạt nghiệp thì ngài cứ thản nhiên đón nhận. Chán quá! Cả ngài nữa, ngài thuộc về hậu thế nên ngài không có quyền yếu đuối. Này, hãy nhìn tôi đây, tôi đang như có quyền trên ngài vì tôi đi bắt ngài. Số mệnh phân phối vai trò cho các anh hề trên cõi đời này, đã trao cho tôi một vai không mấy sáng sủa, dễ chịu hơn của ngài. Tôi là hạng người vẫn thường nghĩ rằng vai trò của các ông vua và các người quyền thế là có giá trị hơn vai trò của những người ăn mày và đám hầu hạ. Dù là đóng trò thì cũng nên sân khấu nào khác hơn sân khấu bình dân. Mặc áo đẹp nói lời hoa mỹ cũng hơn là chà lết đôi dép rách trên sàn gỗ, còn hơn là gãi lưng bằng mấy khúc cây quấn sơ gai. Ngài đã vung phí vàng bạc, đã chỉ huy, đã hưởng thụ. Tôi đã lê tấm thân trên ngựa, tôi đã vâng lời, tôi đã chịu thiệt thòi. Cho nên tôi không ra gì đối với ngài, tôi cũng xin nói. Việc nghĩ lại về tất cả hành động của tôi khiến tôi như có một mũi nhọn kích thích ngăn cái đầu già của tôi không cúi gục xuống sớm. Tôi sẽ mãi mãi là một kỵ sĩ vững vàng, sau khi tìm đúng chỗ thì sẽ chết như đã sống, chết thẳng người nguyên vẹn. Ông Fouquet, xin hãy làm như tôi rồi sẽ thấy chẳng có gì khó khăn lắm đâu. Có một câu tôi quên mất chữ, chỉ còn nhớ nghĩa, vì tôi đã suy nghĩ về nó nhiều lần. Câu ấy nói: "Cái kết cục sẽ tôn vinh cho sự nghiệp".

Fouquet đứng dậy, ôm choàng cổ d Artagnan, siết vào mình, cong tay kia bắt tay d Artagnan. Mãi một lúc sau ông mới nói:

- Đúng là một bài giảng thật hay.

- Bài giảng cho người lính ngự lâm đấy, Đức ông ạ.

- Ông có yêu mến tôi mới nói thế.

- Có lẽ

Fouquet lại đăm chiêu, rồi một lúc sau lại nói:

- Còn ông D Herblay không biết ở đâu nhỉ?

- Chà! Chà!

- Tôi không dám yêu cầu ông đi tìm ông ấy.

- Ngài có yêu cầu tôi cũng không làm. Vì thật là bất cẩn.

- Người ta sẽ hay biết. Aramis không dính dáng gì đến việc này, có thể bị liên luỵ đến vụ thất sủng của ngài.

Fouquet nói:

- Để tôi đợi đến sáng xem.

- Vâng. Đó là cách tốt nhất.

- Sáng ra thì làm gì?

- Tôi cũng không biết. Thưa ngài.

- Xin ông d Artagnan ban cho tôi một ân huệ. Ông lo giữ tôi, tôi vẫn ở đây, như thế là ông làm đúng lệnh ra chứ gì? Thế thì, ông cứ coi như cái bóng của tôi. Thà là cái bóng này còn hơn là cái bóng khác.

D Artagnan nghiêng mình cảm tạ:

- Nhưng mà hãy quên tôi là d Artagnan, chưởng quan ngự lâm quân, hãy quên tôi là Fouquet, tổng giám tài chính rồi chúng ta cùng nói về chuyện tôi.

- Chà mắc dịch, khó quá, nhưng với ngài thì tôi gắng hết sức thử xem sao.

- Cảm ơn. Nhà vua nói với ông những gì?

- Không có gì hết.

- Ô! Ông nói gì lạ!

- Hừ!

- Ông nghĩ sao về hoàn cảnh của tôi?

- Khó đấy.

- Khó về cái gì? Khó là hiện nay ngài đang ở nhà.

- Khó đến đâu nữa tôi cũng hiểu được.

- Ồ! Ngài nghĩ rằng nếu với một người khác thì tôi cũng thành thật như thế này sao?

- Sao, thành thật à? Ông không chịu nói với tôi một chút gì mà là nói thành thật với tôi? Nhiều lắm chứ? Này, xin Đức ông xem tôi hành động như thế nào đối với một người khác với ngài; tôi đến trước cửa, mọi người phải đi, nếu không ai đi thì tôi đợi ở cửa, tôi tóm từng người một như tóm thỏ chạy. Tôi nhốt êm thấm. Tôi nằm dài trên tấm thảm ngoài hành lang của ngài rồi đặt tay trên mình ngài khiến ngài không nghi ngờ rồi nữa là tôi dành cho ngài bữa sáng của chủ tôi. Theo cách đó thì không ồn ào rắc rối, không có chống cự, không tai tiếng, nhưng cũng không báo hiệu gì hết cho ông Fouquet, không có vấn đề nhường nhịn tế nhị giữa những người lịch sự phải đối xử vào lúc quyết định. Sao, ngài bằng lòng chương trình này không?

- Chương trình này làm tôi rùng mình.

- Đúng phải không? Thật là đáng buồn nếu có một ngày nào đó, tôi đến bảo thẳng rằng hãy đưa thanh gươm của ngài cho tôi.

- Ồ nếu thế thì tôi đến chết vì xấu hổ hoặc tức giận thôi.

- Thế thì, thưa Đức ông, nếu ngài bằng lòng tôi, nếu ngài hồi tâm không bị xúc động nữa vì thấy tôi đã mềm dịu hết sức thì chúng ta hãy tung hê hết đi, không nghi ngờ gì nữa cả. Ngài bị quấy rầy, ngài phải lo nghĩ nhiều rồi, thôi bây giờ hãy đi ngủ đi.

- Còn tôi thì nằm trên chiếc ghế tựa này, ngủ đến mức súng bắn bên tai cũng không nghe nữa. Trừ phi có trường hợp ai đó mở một cánh cửa, ra hay vào ngay trước mắt, hay nấp đâu đó.

- Hì, đối với mấy chuyện này thì lỗ lai tôi thính lắm; động cựa chút gì là tôi biết liền hà? Ngài cứ đi đi lại lại trong phòng, viết đi xoá đi, xé đi, đốt đi cái gì cũng được, nhưng chớ động tới chìa khoá trong ổ, chớ có động tay tới nắm cửa vì có thể làm tôi giật mình tỉnh dậy và làm đầu óc tôi rối điên lên đó.

Fouquet nói:

- Đồng ý rồi ông d Artagnan ạ, ông là con người tinh tế nhất, lịch sự nhất mà tôi gặp được. Tôi chỉ có điều tiếc là biết ông quá muộn thôi.

D Artagnan thở dài như có ý muốn nói: "Ôi không biết chừng là ông biết tôi quá sớm đấy". Thế rồi ông chúi vào ghế dựa trong khi Fouquet nửa ngồi nửa nằm trên giường, cùi chỏ chống lên, tâm tư mơ màng suy tính tương lai.

Rồi cả hai cứ để đèn cháy, nằm đợi trời sáng và khi Fouquet thở dài thật lớn thì d Artagnan ngáy thật to.

Chẳng có ai làm rộn bầu không khí yên tĩnh này, dù cả khi Aramis đến, chẳng có tiếng động nào vang lên trong cả phòng lớn này. Bên ngoài, các chuyến diễu hành nghi lễ, các chuyến tuần tra của lính ngự lâm làm vang lên những tiếng gươm lách cách theo bước chân. Nhưng những thứ đó lại càng du ngủ người ta hơn, thêm vào đó là tiếng gió thổi, tiếng vòi nước chảy đều đều liên tục, chưa kể đến những tiếng động nhỏ bé của cuộc đời của cái chết.

Chú thích:

(1) Pellisson, sử gia

(2) La Fontaine, nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng

(3) Molière nhà viết hài kịch nổi tiếng

(4) Le Brun, hoạ sĩ

(5) Le Notre, nhà thiết kế đồ hoạ

(6) La Vau, kiến trúc sư


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui