Cái mền 37 độ


Nguồn ảnh: vnphoto.net
Blog tác giả:  bo8x.wordpress /
Xe khách rời khỏi địa phận tỉnh Kon Tum bắt đầu chuyến hành trình dài dằng dặc đến thành phố náo nhiệt. Hai bên đường tối đen như mực toàn rừng cây, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe máy vụt qua. Lan rút điện thoại ra coi giờ. 21:13. Có lẽ còn rất lâu nữa xe mới tới Sài Gòn. Ngả người ra ghế đang định chợp mắt một chút thì cô bị giật mình bởi tiếng nhạc chuông kinh dị của anh con trai ngồi kế bên.
- Mày làm gì tắt máy hoài tao không gọi được mày? - Giọng anh ta gắt gỏng với người vừa gọi tới. - Sáng mai tao có mặt ở bến xe miền Đông. Ra chở tao mày…
Cúp máy, anh chàng di ngón tay qua màn hình rồi chọt chọt lia lịa. Lan liếc mắt nhìn thấy điện thoại cũng xịn. Anh này ăn mặc khá mốt, áo thun đen, quần jean xanh chà rách đầu gối, tóc cắt mái linh tinh theo kiểu đầu khá hot. Nghe giọng giống mấy anh người Sài Gòn đóng phim chiếu trên ti vi nên Lan nghĩ chắc anh này là người Sài Gòn.
Chiếc điện thoại không phát bản nhạc rùng rợn, quái quái nữa mà rung èn èn. Lần này Lan nghe giọng anh chàng khá vui vẻ:
- Ừ.  Anh đang trên đường về Sài Gòn… Em đang coi hình cô dâu chú rể anh gửi hả?... Có. Nhi gửi cho em túi thổ cẩm nó dệt. Ha ha…
Nói chuyện điện thoại xong, anh ta lại chọt chọt ngón tay trên màn hình rồi ngồi cười một mình. Lan tò mò liếc mắt sang thấy những bức ảnh chụp một đám con trai ngồi nhậu trong nhà rông. Bất chợt, chàng trai quay sang nhìn Lan, cô bối rối quay mặt sang hướng khác.
***
Bến xe miền Đông tấp nập người và xe. Lan phờ phạc bước xuống xe khách rồi đứng chờ lấy xe đạp và ba lô. Mới nãy cô có gọi cho con bạn đang học Đại học Sư Phạm ra đón, chắc nó cũng sắp tới nơi rồi. Đây là lần đầu tên đặt chân đến Sài Gòn nên dĩ nhiên là mù tịt không biết phải đi đường nào, lạng quạng lỡ lạc như chơi hay bị cướp giựt hết đồ đạc thì khóc ròng. Cục tiền vẫn còn cộm cộm trong túi quần. Đây là tiền lương hai tháng đi làm ở siêu thị của Lan. Trước tiên cô cần phải thuê được một chỗ trọ ổn định rồi mới tính chuyện tìm việc làm.
Đang loay hoay cột ba lô lên yên sau xe đạp thì Lan nghe tiếng con bạn oang oang:
- Lan ơi Lan! Hú!
Lúc ngẩng đầu lên, Lan thấy Vy ngồi trên chiếc Mio Classico màu trắng mới cáu cạnh dựng bên đường đang vẫy tay gọi cô. Rồi cô còn nhìn thấy có một chiếc ô tô màu đen bóng nhoáng đỗ xịch bên cạnh Vy, anh chàng ngồi cạnh cô trên xe khách mở cửa ngồi vào trong, chiếc xe phóng vù đi mất hút ngay sau đó.
Leo lên xe, Lan đạp tới chỗ con bạn. Cười tươi hết cỡ, cô hỏi Vy:
- Mới mua xe hả?
Vy cười trả lời:
- Ừ. Giờ bà đạp xe đi theo tui nha.
Sài Gòn chưa vào giờ cao điểm, các ngả đường thông thoáng, không có tình trạng kẹt xe quá trời như chị Thơ nói. Những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, dây điện chằng chịt bắt chéo rồi cuộn tròn một cục đủ kiểu. Trên đường phố, Lan bắt gặp nhiều gánh hàng rong bán đồ ăn sáng bên thúng mẹt nồi nhôm mà ở Kon Tum rất hiếm gặp.
Vy lái xe máy song song với Lan, tới khúc nào cần cua là nó la lên: “Quẹo trái!” hay “Quẹo phải bà!”. Sau cùng, hai đứa cua vào một con hẻm rồi Vy thắng kít trước căn nhà mà nó đang ở trọ. Ngôi nhà này có bốn tầng nhìn cũng khá khang trang, kín cổng nhưng tường không cao lắm. Vy dựng chân chống xe rồi thò tay vào cái lỗ vuông dưới cổng đẩy then cài để kéo roẹt cánh cổng qua một bên. Lúc hai đứa dắt xe vào trong sân, Vy kéo cổng lại, cài then như cũ. Vừa quảy ba lô nặng trĩu lên vai vác vào nhà, Lan bị điếng hồn bởi con chó nhật phi từ trên cầu thang xuống sủa inh ỏi. May sao nó đã bị xích lại chứ trong đầu Lan đã tưởng tưởng ra cảnh nó lao tới táp cô cái phập.
Bà chủ nhà đi từ trên lầu xuống la con chó bằng giọng Bắc:
- Lu, không được sủa nữa con. Trật tự nào.
Rồi bà nhìn Lan cười tươi rói mà theo như Lan thầm đánh giá đó là nụ cười của sự quý phái. Răng bà ấy đều như hai hàng bắp và trắng sáng như mấy người đóng quảng cáo kem đánh răng. Động tác bước xuống cầu thang của bà cũng rất tao nhã, toát lên phong thái của giới quý tộc giàu sang. - Chào cháu. Lan lễ phép cúi đầu chào bà chủ nhà:
- Dạ, cháu chào cô. - Cháu đến để thuê phòng phải không?
- Dạ.
- Vy, dẫn bạn lên phòng đi cháu.
Sau đó, Lan đi theo Vy bước lên mấy bậc thang gỗ sơn đen đi ngang qua tầng một là tầng của bà chủ nhà có phòng ngủ và một phòng bếp để lên tầng hai. Theo Vy vào phòng, Lan nhìn căn phòng sáng choang rèm hồng nhạt có lắp máy lạnh thì thào hỏi ngay giá thuê phòng:
- Phòng này bà thuê nhiu tiền vậy?
Vy cởi áo khoác ra chỉ còn áo hai dây màu xanh dương ngồi phịch xuống giường nệm.
- Tui thuê ba triệu một tháng. Điện nước xài thoải mái.
- Cái gì? Ba triệu một tháng á hả?
- Ừ. Hồi mới vào Sài Gòn, người quen giới thiệu tới đây nên thuê luôn.
Lan vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô không thể tiêu hóa nổi cái giá mà Vy vừa tiết lộ. Tiền thuê nhà ngang ngửa với tiền lương của một nhân viên văn phòng. Với gia đình khá giả có ba mẹ kinh doanh nội thất như Vy thì số tiền đó không là vấn đề nhưng với Lan thì khác, số tiền đó bằng cục tiền đang cộm cộm trong túi quần cô.
- Làm gì mà mặt mày bà bí xị vậy? Đi tắm rửa đi rồi đi ăn sáng với tui. Tám giờ tui phải đi học rồi. - Vy dặn dò. - Nếu bà thấy buồn thì đi loanh quanh trong hẻm thôi nha. Đừng đi ra ngoài đường lớn không an toàn đâu.
Lan gật gật rồi thả bịch ba lô xuống sàn nhà soạn quần áo để đi tắm.
***
Quán bán đồ ăn sáng mà Vy dẫn Lan tới cách nhà mấy chục bước chân. Người ta căng hai cái dù lớn kê mấy cái bàn gỗ con con sát nhau xếp mấy cái ghế nhựa xanh đỏ xung quanh. Ba cái nồi to vật vã bốc khói nghi ngút tỏa mùi thơm ngào ngạt của nước riêu cua, nước hầm xương bò trong không gian chật hẹp của con hẻm. Phở khô, phở tái, bánh canh, bún bò có đủ cả. Hai đứa gọi hai tô phở rồi ngồi húp xì xụp. Cách đó mấy mươi bước chân có xe bánh nướng dựng chỗ mảng tường đen thui do bám khói, trên xe cũng có một cái nồi bán bánh canh. Chếch bên tay phải ngay góc con hẻm vuông góc với con hẻm này là tủ bánh mỳ thịt để bên cạnh một nồi xôi trên lò than đỏ rực. Ở đây muốn ăn gì là đi mau lẹ tới các hàng quán có đủ thứ món để kêu, nóng hổi vừa thổi vừa ăn chẳng cần phải đi đâu xa xôi. Xóm bờ sông nhà Lan thì khác, không có nhiều hàng quán như thế này. Muốn ăn sáng phải đạp xe đi hết con đường làng có hàng tre xanh ra ngoài đường lớn mới thấy dãy ki-ốt bán đồ ăn sáng. Còn Sài Gòn hẻm phố chằng chịt như mê cung chỗ nào cũng thấy hàng quán, xe bánh mỳ, nước mía…
Lúc nãy khi đi ngang qua một quán cóc, Lan thấy một chú tóc bạc ngồi dựa tường trên cái ghế nhựa thấp tẹt, để ly cà phê trên cái ghế nhựa cũng thấp tẹt luôn. Ở Kon Tum dù là quán cóc lề đường cũng có ghế dựa hẳn hoi, bàn là bàn chứ chưa thấy quán nào lấy cái ghế bé tẹo làm bàn cả. Một điều thú vị nữa là nghe một anh chàng ăn mặc bảnh bao gọi điện cho bạn: “Tao đang ngồi uống cà phê trước hẻm nhà tao. Mày chạy xe qua đi…” Lan nghe thấy hay hay bởi vì mấy thằng bạn cô gọi điện rủ đi uống cà phê thường nói thế này: “Tui đang ở quán cà phê Eva…”. Ở đây không có Eden, Eva hay Adam gì hết, người Sài Gòn rủ nhau tới hẻm uống cà phê. Như chị chủ quán ban nãy cũng nói với đứa con gái: “Chạy ra đầu hẻm mua giùm mẹ kí bì”. Đến Sài Gòn rồi mới thấy Sài Gòn không chỉ có những tòa cao ốc chọc trời, những khách sạn, nhà hàng sang trọng mà còn có những con hẻm chật hẹp nhưng mát mẻ. Ngồi ở đây mới cảm nhận được cuộc sống hẻm phố đang phập phồng thở một cách rất sống động và độc đáo mà chỉ ở Sài Gòn mới có.
- Sao bà? - Vy cười hì rồi hỏi Lan. - Bà thấy ở đây được hông?
Lan cười nhạt rồi trả lời:
- Giá thuê phòng trọ mắc quá bà. Nếu tui ở với bà thì tui phải đóng tới một triệu rưỡi. Bà kiếm cho tôi chỗ khác đi.
- Bà đưa tui một triệu cũng được. Có gì đâu. Hai đứa mình là bạn mà. Lan định nói một triệu vẫn mắc nhưng lại thôi. Bạn bè thì bạn bè nhưng có phải chị em ruột đâu, giờ thì cười nói vậy thôi nhưng làm sao tránh khỏi những toan tính này kia. Nhất là chuyện tiền nong thường rất dễ mích lòng nhau. Mang tiếng là share phòng mà người này đóng tiền phòng gấp đôi người kia như vậy coi sao được.
- Tạm thời bà cho tui ở nhờ vài bữa, chừng nào tìm được công việc phù hợp tui sẽ kiếm phòng trọ gần chỗ làm cho tiện nhen.
- Ờ, vậy cũng được. ***
Vy đi học để laptop lại cho Lan lên mạng tìm việc làm nhân tiện ngó xem có chỗ trọ nào giá rẻ bình dân trong con hẻm nào đó an ninh đảm bảo. Mấy con bạn học trường Đại học Kinh tế cũng nói sẽ kiếm chỗ trọ cho Lan. Tụi nó đứa ở ký túc xá, đứa ở với chị, có đứa ở ghép chật chội đủ người nên Lan đâu thể vác ba lô tới xin một chỗ trú chân.  Bỏ qua các tin rao vặt tuyển nhân viên kinh doanh cần 2-5 năm kinh nghiệm và cần bằng Cao đẳng hoặc Đại học, Lan thấy có mấy nhà hàng khách sạn cần tuyển nhân viên nhưng tài khoản lại chưa xác thực. Rê chuột một hồi, cô vẫn lấy giấy bút ra ghi lại địa chỉ và số điện thoại của những nơi đó rồi ngồi bấm từng số một trên điện thoại. - Alo. - Giọng một người phụ nữ vang lên bên đầu dây khi điện thoại kết nối.
- Dạ, chị cho em hỏi quán cà phê còn tuyển nhân viên phục vụ không chị.
- Còn. - Giọng nói lạnh lùng đáp lại.
- Dạ… - Lan thấy hơi nhát khi nói chuyện với giọng nói lạnh lùng vô cảm đó. - Em muốn xin việc làm.
- Muốn xin việc thì chiều tới đây.
- Dạ, dạ. Chiều em tới. Em chào chị.
Tắt điện thoại, Lan ngồi thừ người nhìn màn hình laptop. Trong lòng gợn lên một chút hụt hẫng nhẹ. Một thân một mình cun cút ở xứ lạ không biết có trụ lại được ở đây không. Bà mẹ ghẻ nói đúng chứ chẳng sai. Phải kiếm từng đồng mua gạo, rồi trả tiền nhà, điện, nước… Với một đứa chỉ có tấm bằng tốt nghiệp THPT như Lan thì không dám mơ tới những công việc lương năm sáu triệu một tháng mà chỉ cần kiếm được hơn hai triệu là mừng lắm rồi. Cô từng nghĩ rằng việc gì mình cũng làm được chẳng hạn phụ hồ, bán dạo… nhưng đó là ở Kon Tum thân yêu mới dám nói vậy chứ còn ở Sài Gòn đi làm thuê làm mướn cho người ta liệu có dễ dàng kiếm được đồng tiền của người ta không?
------------
Lời tác giả: Ở Sài Gòn thấy mấy anh có nói tới cụm từ "lô cốt" là sao ta? Không hiểu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui