Cái mền 37 độ

Buổi trưa nắng gắt. Thành phố nhuộm một màu nắng vàng ươm như mật ong dẹo quẹo dinh dính trên da. Hơi nóng bám theo Lan ngay cả khi cô và Vy bước vào quán cơm. Trong quán, khách ngồi kín các dãy bàn, đa phần là nhân viên văn phòng. Nam đóng sơ vin thắt cà vạt còn nữ mặc sơ mi trắng váy đen. Lan đoán có lẽ đó là các nhân viên của ngân hàng nằm đối diện quán cơm. Vy nháy mắt với thằng con trai đang bưng bê, thế là thằng đó đi kiếm ghế dọn dẹp sơ sơ kiếm được cho Lan và Vy hai chỗ ngồi kế nhau. Hai đứa gọi hai dĩa cơm sườn được bê tới rất nhanh sau đó. Vy nói chủ quán và mấy đứa phục vụ quen mặt nên nhiều lần được ưu tiên phục vụ trước và luôn được ăn dĩa cơm đặc biệt. Lan nhoẻn cười. Điều đó là dĩ nhiên. Khách quen ngày nào cũng ăn thì chất lượng phục vụ tốt hơn với những vị khách tiềm năng như Lan. Cô đã nghĩ tới việc sẽ tự nấu ăn khi tìm được chỗ trọ ổn định.
Đang gặm cục sườn dai nhách dai nhơ như thịt con gà cồ già cách đây không lâu bà dì ghẻ làm cho cả nhà ăn thì điện thoại Lan rung èn èn trong túi quần. Cô rút ra thấy số của ba. Khẽ thở dài, Lan bước ra ngoài đứng bên hông quán cơm bấm nút nghe:
- Con nghe ba.
- Dì nói con xô em cắm đầu vào tường quýnh nó rồi bỏ nhà đi. - Hình như ba Lan đang cáu. - Con bắt đầu hư hỏng từ bao giờ vậy Lan?
Lan cười nhếch môi. Bà dì ghẻ có lẽ đã gọi điện cho ba và tru tréo những điều đó. Hay lắm. Xô con Duyên cắm đầu và còn đánh nó. Sao bà ta không nhắc gì đến những nhát roi tre đã quất vào người cô?
- Tối qua ba mệt đi ngủ sớm, sáng phải đi làm nên giờ ba mới gọi được về nhà thì dì nói con bỏ nhà đi. Giờ con đang ở đâu? Về nhà ngay đi con. Hụ hụ.
Nghe tiếng ba họ khục khục trong điện thoại, Lan thảng thốt:
- Ba bị đau hả ba?
- Ừ, ba bị cảm ho.
- Sao ba không nghỉ ở nhà mà lại đi làm?
Ba Lan là một trong những người nông dân lam lũ đầu tắt mặt tối vì cuộc sống khó khăn mà phải sang Lào mưu sinh. Ba làm đủ nghề nặng nhọc như bốc vác, thợ nề… và bây giờ là công nhân thi công công trình ở Champasack.
Ba Lan ho mấy cái nữa rồi trả lời: - Tối qua ba uống thuốc nên giờ cũng thấy đỡ đỡ rồi. Con đang ở đâu?
- Ba, con đang ở Sài Gòn, ở chung với con Vy, ba cũng biết con Vy mà. Con định tìm việc làm ở đây.
- Sống xa nhà vất vả, cực nhọc lắm. - Ba  Lan khàn giọng nói. - Về nhà gắng ôn tập năm sau thi Đại học đi con. Ba làm ở đây cũng vì con mà…
Nước mắt Lan trào ra, cô không thể chịu đựng được nữa. Cô gào lên trong điện thoại:
- Ba à, tối hôm kia bà ta đánh con bằng roi tre ba à. Ba đi làm xa ba chẳng biết gì cả… Huuuu… Con khổ lắm…
Lan òa khóc. Ba cô đi làm tuốt luốt ở bên Lào, ba chẳng biết những chuyện gì xảy ra ở nhà. Ba về nhà một năm được mấy lần thấy bà dì ghẻ nói cười ngọt xớt với Lan ba liền tin rằng cô sống rất tốt. Lan kể với ba rằng cô bị đánh đập như thế nào thì bà ta nói Lan hỗn hào, ăn cắp tiền cho trai. Có lần ba đã tát Lan khi cô cãi lại bà dì ghẻ. Bà ta nói gì ba cũng tin còn Lan nói mười thì họa hoằn ba tin được một. Trên đời có những người miệng lưỡi nói dối không chớp mắt, thêm mắm dặm muối về những người mà họ ghét. Lan là đứa con chồng mà bà dì ghẻ ghét cay ghét đắng.
 Lan gào lên:
- Con ghét bà ta. Con ghét con Duyên.  Con sẽ không về nhà đâu. Huhuhu.

***
Sau một hồi khóc lóc kể lể với ba, cuối cùng ba Lan cũng đồng ý cho cô ở lại Sài Gòn. Lúc Lan quay lại thấy Vy nhoẻn cười đứng đằng sau chìa ra bịch khăn giấy. Cô vẫn hay tâm sự với nó về bà dì ghẻ độc ác và đứa con gái xấc xược láo toét.
- Cám ơn. - Lan rút khăn giấy ra lau nước mắt nước mũi. - Bà quyết định rời khỏi cái nhà đó là lựa chọn sáng suốt. - Vy khẽ thở dài rồi nói tiếp. - Đừng buồn nhiều nữa. Ở đây bà còn có tụi tui mà, “người trong bao” há.
Lan phì cười. Tụi nó lâu lâu vẫn gọi cô là “người trong bao”. Dĩa cơm và chén canh đã nguội ngắt từ lâu nhưng Lan vẫn ăn. Cô từ chối lời đề nghị để Vy mua dĩa cơm khác ình. Cô có cơm ăn là may mắn lắm rồi, ngoài kia còn biết bao người lam lũ mưu sinh không có cơm để ăn mà chỉ ăn bánh mỳ uống nước cầm hơi. Báo chí chụp cả những bức ảnh các em học sinh ở Tây Bắc đựng cơm trong bì nilong, chỉ có cơm trắng thôi không có cá hay thịt gì cả. Thật xót xa.
Điện thoại Vy chợt réo rắt một giai điệu bắt tai. Đó là bài hát Mùa ta đã yêu – Hồng Phước ft. Hương Giang Ido.
Đang đi trên con đường quen ngập tràn biết bao âm thanh yêu thương rộn vang. Ngày vui bước đi thênh thang. Mùa yêu đã về ngập tràn…
Vy vui vẻ bắt máy:
- Alo… Bà hỏi giùm tui rồi hả? Giá phòng nhiu vậy?... Ok. Được đó. Cám ơn bà nha. Tắt máy, Vy quay sang cười tươi với Lan:
- Tại bà nói phòng chỗ tui thuê mắc quá nên tui nhờ con bạn kiếm giùm phòng trọ giá rẻ cho bà. Năm trăm ngàn được hông? Căn gác hơi chật nhưng mình bà ở được mà phải hông?
Lan mừng rỡ cười toét:
- Thiệt hả? Sao tìm được nhà nhanh vậy?
Năm trăm ngàn là cái giá có thể chấp nhận được. Gác xép chật chội nóng nực gì cũng được miễn chủ nhà cho thuê rẻ là cô đồng ý ngay.
- Con bạn tui là người Sài Gòn nên nhờ nó là nó kiếm rẹt rẹt liền. Bà chủ nhà là bạn của bà nội nó, bán tạp hóa đằng trước, ở đằng sau còn căn gác sát mái hơi chật và nóng nên cho thuê giá rẻ. Chút nữa mình tới đó coi thử luôn đi.
Lan gật đầu rồi rút tấm bản đồ thành phố nhét trong túi quần ra để lên trên bàn.Vừa hút trà xanh 0 độ, cô vừa nghiên cứu đường đi tới quán cà phê cô định xin việc.
- Bà tìm đường đi đâu vậy?
- Quán cà phê tui xin việc làm trên đường Pasteur.
- Phục vụ ở quán cà phê phải về khuya đó.
- Thì cũng phải ráng chớ biết sao giờ. Tui cũng đâu còn con nít đâu mà sợ. Đường phố Sài Gòn sáng choang mà.
- Nhưng mà lúc đi vào mấy hẻm tối thui sợ lắm bà. Bà lại đi xe đạp nữa. Nói bà nghe nè. - Giọng Vy nhỏ dần, gần như là thì thầm. - Có mấy thằng cha biến thái thấy con gái đi xe đạp một mình là chận tay lái rồi kéo quần khoe…

- Ặc ặc…
Lan bị sặc trà xanh, đưa tay vuốt ngực lên xuống, mặt đỏ gay. Vy hốt hoảng:
- Bà có sao không Lan?
- Bà nói thiệt hả?
- Ừ. Ai giỡn chơi làm gì vụ đó. Mấy con lớp Sư phạm Toán bị rồi. Bữa lớp Lý tụi tui với lớp Toán học Triết ngồi chung giảng đường nghe tụi nó kể lại.
- Gì ghê dữ bà. Vậy sao tui dám đi làm ban đêm.
- Vậy mới nói.
Vy uống ực lon nước yến rồi kể tiếp:
- Mấy người đó “hoạt động” không kể ngày đêm. Buổi trưa nếu đứng mấy chỗ vắng vẻ là gặp đó. Có con kia kể là nó dựng xe đứng chờ trước nhà bạn nó, chỗ đó ít xe qua lại thì có một ông đi xe máy tới. Lúc dừng xe lại ngay sát xe nó tự nhiên ổng kéo phecmotuya quần ra làm nó mất hồn đạp xe chạy thục mạng. Ổng đi theo rồi cười khằng khặc ghê lắm.
Lan nghe mà thấy nổi hết cả da gà. Có mấy người như vậy thật sao trời. Giữa đường giữa xá, giữa ban ngày ban mặt mà kéo quần ra… Trời ơi.
- Bữa đi thư viện Tổng hợp gặp một chị đang học Y. Quen mà nên tui xáp lại hỏi chị ấy về vụ đó thì được giải thích đó là một bệnh có tên y học là Exhibitionism. Một dạng lệch lạc hành vi tình dục1. Lời khuyên của chị ấy là không nên tỏ ra sợ hãi bởi vì mình càng sợ mấy gã đó càng thích thú.
Lan gật gật. Dù sao cũng được cảnh báo trước để chuẩn bị tinh thần nên có lẽ cô cũng sẽ làm mặt lạnh rồi lờ đi. Nhưng mà lỡ gặp mấy ông thích khoe của như vậy thật thì mắt cô có bị gì không nhỉ?
***
Vy chở Lan đến căn nhà cho thuê bạn nó giới thiệu. Căn nhà cũng nằm trong hẻm sâu phải đi vòng vèo hết quẹo trái rồi quẹo phải, sau đó lại đi thẳng rồi quẹo tiếp. Lan nghĩ bụng, kiểu này biết đường nào để ra được Pasteur.
Lúc Vy thắng kít trước một cửa hàng tạp hóa đã thấy bạn của Vy đứng đằng trước đợi. Cô nàng khá xinh, cắt tóc ngắn mặc quần đùi, áo cam vải voan.
- Chào bạn. Mình là Na. - Na cười chào Lan.
Lan nhoẻn cười, thấy vui vui khi được kết bạn với cô bạn người Sài Gòn dễ thương này.

- Ba đứa mình đều là đồng hương đó. Lan tròn xoe mắt ngạc nhiên. Cô bạn này là người Sài Gòn sao là đồng hương với Lan và Vy được. Giọng nói rõ ràng là người Sài Gòn mà.
- Mình và anh Hai mình đều sinh ra ở Măng Buk. Sau đó hai anh em vào Sài Gòn sống với ông bà nội.
Lan nở nụ cười trước sự thân thiện của Na:
- Cám ơn Na nhiều nha vì đã giới thiệu Lan tới đây thuê nhà. Na bật cười, chỉ tay về phía cầu thang gỗ:
- Trời ơi, mình quên mất tiêu. Nãy giờ ham nói chuyện. Để mình dẫn bạn lên gác coi phòng. Bà Mười bận chút chuyện nên nhờ mình coi cửa hàng giùm rồi dẫn bạn lên coi phòng luôn.
Vy chen vào:
- Bà dẫn Lan lên coi phòng đi Na. Tui ở dưới này coi quán cho. - Ok.
Sau đó Lan đi theo Na lên gác. Lên hết cầu thang, cô nàng rút chùm chìa khóa ra tìm một chiếc chìa khóa có dán băn dính rồi cắm vào ổ khóa. Cửa bật mở, Lan đi vào nhìn căn phòng nhỏ xíu áp mái trống trơn trên tường có cây thánh giá bằng gỗ. Na đi tới một cánh cửa bên hông phía tay trái và mở nó ra. Bên ngoài có một ban công và một phòng tắm hơi bẩn một xíu.
Na cười nói:
- Phòng này trước đây ột anh con trai người Nghệ An học Đại học Luật thuê. Hôm qua đi nhận bằng tốt nghiệp, ảnh qua trả nhà thông báo với bà Mười sắp lấy vợ nên phải tìm nhà khác. He he. Bạn gặp may đó nha. Mới nãy có hai sinh viên Luật nói là khóa dưới của anh đó tới hỏi thuê nhưng mà mình nói là có người thuê rồi. Bạn thấy sao? Phòng này được không? Nếu không thích mình vẫn tìm được phòng trọ khác cho bạn, cũng ở trong nhà dân luôn. Lan cười toe, xua xua tay:
- Không cần đâu. Lan rất thích phòng này.
Nếu thuê chỗ khác sợ rằng giá nhà bị đẩy lên nữa. Căn phòng này quá tốt, có hơi nóng và ngộp một chút nhưng điều đó không thành vấn đề với Lan. Cô sẽ dọn tới đây ngay trong chiều nay. Quay trở lại xuống dưới nhà đúng lúc bà Mười về, Lan lễ phép chào bà:
- Dạ. Con chào bà Mười.
Bà Mười cười thân thiện:
- Con coi phòng chưa con? Thấy được không con?
Lan gật đầu lia lịa:
- Dạ, được bà Mười. Chiều nay con dọn tới luôn.
***
Ba đứa con gái ngồi bệt xuống gọt cóc chấm muối ớt cay xè vừa ăn vừa cười ha ha sau khi lau chùi sạch sẽ căn phòng, ban công và phòng tắm. Lan cười tít cả mắt. Nếu không có hai cô bạn này, cô đã lơ ngơ như bò đội nón giữa phố xá tấp nập đất chật người đông này. Vy chở Lan đi mua tủ xếp, bếp ga mini, nồi niêu xoong chảo trong khi Na giúp cô mua thau, xà phòng, sữa tắm và những vật dụng cá nhân. Cô không biết phải cám ơn hai cô bạn như thế nào. Nếu ở Kon Tum thì chắc chắn cô đã mua mít sấy, chuối ép cho cả hai hoặc dẫn đi ăn nhưng ở đây cô chẳng rành đường và cũng không biết chỗ nào bán đồ ăn ngon.
- Ê hai bà. - Lan đã đổi cách xưng hô với Na cho thân mật. - Hai bà biết chỗ nào bán đồ ăn ngon không? Tui muốn mời hai bà đi ăn để cám ơn vì đã giúp tui.
Vy xua tay:
- Bạn bè giúp nhau có gì đâu mà phải mời ăn này nọ.

Lan quay sang Na, cô nàng cười toe toét:
- Nếu bà đã có lòng mời đi ăn thì tui không từ chối đâu nè. Mình đi ăn ốc đi.
- Ok. - Lan sôi nổi. Tui cũng thích ăn ốc.
- Ốc vỉa hè hẻm Trần Đình Xu ngon tuyệt vời nè.
Vy mới vừa nãy còn nói không cần mời ăn này nọ bỗng dưng hào hứng không kém Lan và Na:
- Tui thèm sò điệp nướng phô mai. Nhưng mà ăn ở hẻm Trần Đình Xu đông lắm.
Na hỏi Vy:
- Giờ mấy giờ rồi bà?
- Năm giờ rồi.
- Sáu giờ quán đóng cửa đó. Giờ đi không mấy bà?
Lan cũng đưa tay lên nhìn đồng hồ rồi la lên:
- Chết rồi. Tui phải tới quán cà phê.
Na chưng hửng:
- Bà tới quán cà phê chi vậy?
***
Quán thuê mặt bằng bỏ trống giữa hai ngôi nhà cao tầng làm quán cà phê sân vườn căng dù xếp mấy bộ bàn ghế ghỗ, bài trí cây cảnh từa lưa nhưng nhìn cũng khá đẹp mắt. Để hai con bạn ngồi uống cà phê, Lan đi theo nhân viên tới gặp chủ quán. Chị chủ quán chưa dừ mà cũng không còn trẻ chắc vào khoảng ba mươi mấy tuổi. Lan nghe giọng chị này không giống với người hồi sáng nhận điện thoại.
- Làm từ năm giờ chiều tới mười giờ đêm. Bao cơm tối. Tháng hai triệu. Mai em đi làm nha.
- Dạ, em cám ơn chị.
Lan rối rít cám ơn chị chủ quán rồi tới bàn ngồi với Vy và Na. Ngồi uống cà phê ở quán này công nhận mát mẻ và thoáng đãng, ngắm đường phố Sài Gòn tấp nập xe cộ. Ba đứa con gái ngồi thảo luận tiếp về đề tài ốc hẹn chiều mai đi ăn rồi cười giòn tan. Dưới ánh đèn đường vàng ấm, tình bạn lung linh như những ngôi sao sáng nhấp nháy trên bầu trời đêm.
1 Trang 22 Thắc mắc biết hỏi ai. TG Trần Bồng Sơn. NXB Trẻ.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận