Chiếc xe khách sau gần 3 tiếng đồng hồ lắc lư dằn xóc, giờ cũng được dừng chân.
Tôi bừng tỉnh, mơ màng nghe tiếng giục giã của mẹ mau xuống xe.
Trời nhá nhem tối không nhìn rõ mặt người, chỉ nghe những tiếng người lao xao chào hỏi, dặn dò, tiếng lịch kịch di chuyển đồ đạc.
Mẹ thì tay bế em nhỏ, tay đeo túi và phụ mọi người dỡ đồ nên dẫn tôi lại một chỗ đảm bảo không làm vướng chân người, dặn dò đứng yên đó.
Đang lơ ngơ vì ngái ngủ, vì mệt sau chặng đường dài thì bà ngoại nhìn thấy tôi.
Sau một hồi vui mừng chào đón, bà dẫn mẹ con tôi về nhà.Lần này mẹ đưa tôi về quê chơi mấy hôm nhân dịp tôi được nghỉ hè và cũng đã từ rất lâu rồi tôi không được về.
Mẹ nói cách đây 4 năm, nhưng từ hồi 4 năm đó, tôi đã không còn nhớ rõ nữa.
Mấy đợt tôi đòi về, nhưng đường xá xa xôi, xe cộ không thuận tiện, mẹ lại sinh em bé nên thành ra tôi cảm thấy lâu không về tới nỗi tôi không thể nhớ được đường vào nhà ông bà.Sau một lát nghỉ ngơi, bà dẫn tôi ra giếng nước ngay góc sân, trước cái bếp nhỏ lợp ngói phía tay trái.
Nước giếng mát lạnh khiến tôi tỉnh ngủ hẳn.
Tôi theo chân bà vào bếp.
Cái bếp nhỏ xíu.
Chiếc đèn hoa kì khêu ngọn nhỏ leo lét như chực tắt, bà lấy một nắm rơm ngay đó làm mồi rồi bật lửa.
Bếp bừng sáng.
Bà nấu lại vài món.
tôi phụ giúp bà xếp bát đũa, chuẩn bị bữa cơm tối.Bữa cơm đầu tiên chào đón mẹ con tôi về.Bên ánh đèn dầu, một bát canh cua nấu rau đay, một bát con cà muối, đĩa cá sông kho khô.
Tôi một mạch hai bát.
Bà chỉ ngồi xới cơm cho cả nhà và ăn một chút thôi.
Cái Tún thì nằm trong lòng mẹ, vừa day ậm mẹ, vừa ngủ.Khi mâm cơm dọn đi, hè gạch nơi vừa ngồi ăn cơm được ông lau sạch sẽ và đặt một khay nước chè tàu, một cái điếu bát.
Có cậu mợ sang chơi.Loanh quanh một hồi, mặc người lớn nói chuyện, mặc ông bà và mẹ tính chuyện sắp xếp giường ngủ, đôi mắt tôi ríu lại rồi ngủ tự khi nào.Tỉnh giấc vì ánh nắng xuyên qua ô cửa sổ chiếu thẳng vào mắt, phải mất một hồi, tôi mới nhớ ra mình đang ở quê.Nhớ lời bà dặn tối qua lúc ở giếng, rằng vì là nước nhiễm mặn nên giếng chỉ để dùng rửa tay chân, giặt giũ.
Nước ăn phải dùng gáo múc từ “bể” ra.
Bể chứa nước này là nước ngọt, là nước mưa, hoặc là gánh, thồ từ giếng làng về.Nước quý, nên tôi chỉ múc một lượng vừa đủ để đánh răng rửa mặt.
Vị nước ngọt lịm, mát lạnh.
Lần đầu tiên tôi được cầm cái gáo dừa trên tay để múc nước.
Lúc đầu tôi có chút lóng ngóng vì chưa quen cách sử dụng.
Sau vài lần múc lên rồi đổ xuống vì tò mò nghịch ngợm, tôi cũng điều khiển được miệng gáo, cầm cán thăng bằng, đảm bảo nước bên trong vẫn không bị đổ ra ngoài.Nhìn kĩ thì, gáo múc nước được làm từ óc của quả dừa, cưa phần đầu làm miệng, dùng một thanh tre vót nhẵn xuyên qua, vừa nhẹ, vừa bền.
Nhìn màu nâu sậm tôi đoán rằng gáo này đã được ông bà dùng từ rất lâu rồi.Tò mò nữa, tôi cúi hẳn đầu xuống miệng bể, nhìn một lượt bên trong.
Nước trong vắt, nhìn thấy được cả cái mặt ngáo ngơ của tôi dưới đáy.
Hơi lạnh phả vào mặt.
Cất tiêng oa oa khe khẽ, đảm bảo vang vọng dội vào tai, nghe rất lạ.Bóng tôi dưới mặt nước méo mó, lúc ngả, lúc nghiêng.Đang mải mê soi bóng nước, tiếng của bà làm tôi giật mình:“Cháu dậy rồi đấy à”?Một tay bà bế cái Tún, một tay bà cầm cái quạt mo phe phẩy.Theo sau bà vào nhà, vừa đi, vừa nô đùa trốn tìm với cái Tún khiến nó cười sặc sụa.
Tôi hỏi bà:- Mẹ cháu đi đâu sớm vậy hở bà?- Cha bố cô! Mặt trời lên cao còn bảo sớm sao! Mẹ với cậu, mợ ra đồng rồi.
Thăm xem lúa hôm nào thì gặt được.
Chín vàng hết cả rồi.- Thế còn ông đi đâu ạ?- Ông sang làng bên mượn thợ gặt với nhờ người sửa cái quạt lúa.Bà lấy ra một đĩa khoai lang luộc đã nguội chắc do luộc từ sáng sớm, đưa cho tôi.- Đây là phần sáng của cháu!Trên cơ quan với mẹ, đôi lúc tôi cũng được ăn khoai này, có khi là bác Hân ở cùng cơ quan cho, có khi là mẹ mua.
Lần nào ăn cũng còn thòm thèm.
Hôm nay, được bà cho hẳn một đĩa đầy, tôi lấy một củ mời ông rồi chấm miệng cho Tún, sau đó từ từ bóc vỏ ăn.
Bà ẵm Tún trong lòng, tay phe phẩy quạt.
Tún liu riu ngủ.Tôi ăn hết đĩa khoai rồi, bà cũng đặt được Tún ngủ.Rồi bà lấy một cái ghế đẩu, một cái gậy, đầu buộc liềm, bảo Tôi cầm theo rổ nan, theo bà ra sân hái mướp.Giờ Nhạn mới để ý.
Giàn mướp ở sân nhà bà leo phủ kín phía trên, che bóng mát.
Quả lúc lỉu chui xuống phía dưới những tán lá.
Dây mướp quấn quanh những sợi thép nhỏ đan vào nhau khéo léo, dây leo dài tới mức lan ra tận cổng, làm thành mái che từ cổng vào tới sân, khiến cho ánh nắng phải khó khăn tìm cách len lỏi để chui xuống.
Dưới sân gạch, từng ánh nắng lọt xuống đung đưa kiêu hãnh.
Chợt, tôi nhớ mấy câu thơ: “Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác/ Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay”.
Nhưng tôi nhìn quanh tìm mãi không thấy một đóa hoa mướp nào rụng xuống.
Đem thắc mắc hỏi bà, bà giải thích với tôi rằng, hoa mướp cũng có thể nấu canh được, nhưng là hoa đực.
Nên trước khi để hoa rụng xuống, bà đã hái xuống để nấu canh hết rồi.Chẳng mấy chốc cái rổ đã nặng tới mức tôi không nhấc lên được nữa.
Bà bảo phải hái hết lứa, nếu không thì ngày mai thôi mướp sẽ già, lúc đó có xơ không ăn được.
Rồi bà chia ra một cái rổ khác nhỏ hơn, bảo Nhạn đem sang cho nhà cậu Tính.Cậu là em mẹ.
Nhà cậu cách nhà ông bà ngoại chỉ một đoạn ngắn.
Nhà cậu có 2 con trai, một kém Nhạn 3 tuổi tên Dần và một kém tôi một tuổi tên Thìn.Lúc tôi đem mướp sang cho nhà cậu, chỉ có hai anh em Dần và Thìn ở nhà.
Tuy mới gặp nó lần đầu, nhưng vì anh em họ gần nên cũng dễ làm quen và nói chuyện.
Sau một hồi nói chuyện thì chị em đã nhanh chóng thân thiết.
Hai đứa rủ Nhạn mai ra đồng đi gặt lúa với nhà nó.
Nó dỗ tôi bằng những dự định, mai sẽ bắt châu chấu về rang, sẽ trộm lúa nếp nhà ông Bê về làm nổ, rằng sẽ đãi tôi quả trứng cá, hái hoa sấm cho tôi....Trước khi tôi về, thằng Dần còn dặn với: “Mai nhớ dậy sớm, em qua gọi”!.