Trưa hôm đó, tôi được giữ lại ăn cơm.
Cậu mợ bận dỡ lúa trên xe thồ xuống chuẩn bị để đầu chiều máy tuốt lúa qua sẽ tuốt ngay cho kịp nắng.
Thằng Thìn bận giúp cậu mợ dọn dẹp chuẩn bị sân phơi.
Tôi và Dần được giao nhiệm vụ nấu cơm và những việc lặt vặt khác khi cần.Tôi thì vụng về, làm gì cũng phải hỏi và dù thằng Dần bận tối mắt nhưng nó vẫn hướng dẫn tận tình, từ việc vo gạo như thế nào để không bị rớt khỏi miệng rá mà chạy xuống chậu.
Tới việc giữ lửa như thế nào để lừa vừa cháy đủ to cho cơm nhanh sôi mà không bị “khê”.
Rồi cách vùi nồi cơm vào ụ tro nóng như thế nào, nấu canh cua như thế nào.
Riêng vụ nấu canh cua thì tôi chỉ đứng xem Dần làm từ đầu tới cuối và không ngớt trầm trồ thán phục.
Nó kém tôi ba tuổi, nhưng tay nhanh thoăn thoắt.
Từ việc bắt cua, bóc gộp dứt khoát và gọn gàng.
Cách nó giã và lọc thịt cũng nhanh, cách nó nấu nồi nước vừa đủ để thịt cua nổi lên, cách nó bỏ lá chua vừa đủ để khi ăn, vị chua vừa đủ, vị thịt cua vừa ngọt vừa thơm.Lúc tôi đang hì hụi dọn mâm bát, thằng Dần đã bưng lên một đĩa châu chấu rang nóng hổi, mùi mỡ và mùi thịt châu chấu cháy xém, thơm lừng.Bữa cơm còn chưa kịp xong thì có tiếng máy nổ ầm ầm ngoài cổng, khói bay mù mịt.
Là máy tuốt lúa của Hợp tác xã đã đến.
Chỉ nhoáng một lát, toàn bộ đống lúa xếp gọn ở góc sân đã được chiếc máy kêu to ầm ĩ kia phân loại rõ ràng: hạt lúa riêng, rơm thì phun cao lên rồi xếp gọn gàng ngay sát cạnh.Tôi được thằng Dần hướng dẫn, cũng bắt chước cào lúa mỏng ra khắp sân để phơi, rồi giúp cậu mợ đem rơm ra ngõ rải đều lên đường.Xong việc, trời đã về chiều.Thằng Dần, Thìn xin cậu mợ cho ba đứa ra bến để hái rau cho lợn, nhân tiện mò luôn ít hến để chiều về nấu canh.
Mợ còn dặn với “nhớ ghé vô bãi, hái nắm mồng tơi”.Tiếng của mợ câu lọt câu tan vào gió vì ba đứa đã chân trước chân sau ngoài cổng rồi.Thằng Dần tay kẹp nách cái rổ xảo to tướng, hông đeo cái “thời” (giỏ).
Thằng Thìn đội lên đầu cái thuyền nhỏ, tôi lẽo đẽo vừa đi vừa chạy theo sau.Lần đầu tiên tôi được thấy sông nước.
Nơi tôi ở với mẹ, chỉ có đồi núi và những áng mây bay lơ lửng lưng chừng.
Còn ở đây, có hẳn một cái “bến”, nước trong và mát rượi, nhẹ nhàng chảy yên yên bình bình.
Tôi hỏi thằng Dần, tại sao không gọi là sông, nó bảo cũng không biết, nhưng hình như là do chưa đủ lớn để làm sông, vì nước này chỉ dẫn ra tưới tiêu cho các ruộng trên và bãi.
Bến cũng không quá sâu.
Nếu nước cạn có thể ra tận giữa dòng.Tôi không biết bơi nên được ngồi trên thuyền nhỏ, thằng Dần thì ngụm lặn khắp nơi, có lúc nó bơi đi xa tít.
Thằng Thìn lớn hơn nên có vẻ trách nhiệm với chị.
Nó không rời tay khỏi thuyền như đã hứa với tôi.
Một tay vớt rong chất lên thuyền, một tay giữ mạn thuyền để đảm bảo cân bằng và không bị nước cuốn trôi.
Mãi tới khúc bãi bồi, cát sỏi trồi lên ở giữa dòng một ụ cao, tôi mới dám rời thuyền, theo chân thằng Thìn lội chơi ở đó.Tôi nhặt về một vạt áo những viên sỏi cuội đã bị nước và thời gian bào nhẵn.
Nhạn cũng bắt được một ít hến.
Hến chỗ tôi bắt được có màu hơi vàng, lẫn vào cát sỏi, chỉ cần tinh mắt là nhặt được chứ không như mấy chỗ thằng Thìn bắt (nó sục cả cái rổ sâu xuống bùn, đưa lên nào bùn đất rong rêu đá sỏi, nó lắc lắc một hồi và chỉ còn lại một mớ hến, thế mới tài).Mãi khi mặt trời lặn, chỗ bờ bãi thoai thoải, có bậc lên xuống, nhiều người đi làm đồng đã bắt đầu nghỉ ngơi, ra bến rửa tay chân.
Tiếng chào hỏi, chuyện trò.
Mặt nước lao xao dưới ánh nắng vương lại của buổi chiều tà, chị em tôi mới ra về.Mấy ngày ở quê, người tôi đen nhẻm vì nắng.
Bù lại, tôi học được nhiều việc, biết được nhiều điều.
tôi có thêm nhiều bạn mới..