Cẩm Khê Di Hận

Giá nghiêng thành nhất tiếu thiên kim,

Mắt xanh trắng, đổi lầm bao khách tục.

(Nguyễn-Khắc-Hiếu, Đời đáng chán)

Phương-Dung bấm Trần Năng. Cả hai cùng có ý nghĩ như nhau:

– Không lẽ xa giá Mã thái-hậu? Bà vừa rời khỏi đây, không lẽ bà trở lại ? Trở lại để làm gì?

Cỗ xe đến trước lầu Thúy-hoa thì ngừng. Một phụ nữ trên xe bước xuống.
Có hai cung nữ lại đỡ. Người đàn bà theo cầu thang chính giữa lên. Thị
đi đến đâu, Cung-nga Thái-giám quì xuống phủ phục khấu đầu. Người đàn bà đó đến trước lầu thứ tư, ngừng lại nghe ngóng một lúc, rồi đẩy cửa bước vào. Bấy giờ Phương-Dung mới nhìn rõ không phải Mã thái-hậu, mà là một
thiếu phụ, tuổi khoảng hai mươi chín, ba mươi, khá xinh đẹp, dáng dấp
phúc hậu. Thiếu phụ bước vào điện, thấy Quang-Vũ đang ôm Tường-Qui trong lòng, thì nhăn mặt, rồi từ từ tiến tới. Đám nhạc công, Cung-nga, Thái
giám đồng ngừng lại, quì xuống một lượt khấu đầu tung hô:

– Bọn hạ thần kính cẩn tham kiến Hoàng-hậu nương nương.

Phương-Dung hiểu ra:

– À thị là Quách hoàng-hậu. Có lần Trần Tự-Sơn kể rằng, hồi mới khởi
binh Quang-Vũ cưới vợ họ Âm, nhan sắc xinh tươi. Sau cưới thêm bà họ
Quách. Hiện nay Quang-Vũ có Chính-cung hoàng hậu, Hoàng-quý-phi,
Thần-phi, Nam-cung quý phi. Mới đây lại phong cho Tường-Qui làm Tây-cung quí phi. Ngoài ra còn có thêm hai mươi mỹ nhân cùng hàng ngàn cung nga
nữa. Bà này đến đây giữa đêm khuya, mang theo hai cung nữ, bảy thái
giám, mười hai thị vệ đều đeo kiếm, e rằng sẽ có truyện không hay.

Quang-Vũ vội buông Tường-Qui đứng dậy:

– Đêm khuya, ái khanh không nghỉ ngơi, đến đây có việc gì?

Hoàng-hậu cười mát:

– Thiếp cũng muốn nghỉ ngơi lắm, nhưng tiếng tiêu, tiếng đàn từ lầu
Thúy-hoa vọng lại. Thiếp không thể nào ngủ được. Thiếp nghe nói hoàng
thượng mới dung nạp một Con chó cái Việt từ Lĩnh Nam vào hoàng cung, nên thiếp tới đây coi xem sự thực thế nào?

Quang-Vũ kéo ghế, dìu Hoàng-hậu ngồi xuống, rồi chỉ vào Tường-Qui:

– Đây, Chu mỹ nhân. Nàng là người Việt đất Lĩnh Nam. Trẫm mới thu nạp vào cung, nên chưa đưa đến bái kiến khanh.

Hoàng-hậu cười nhạt:

– Hoàng thượng thu nạp thị đã hơn năm tháng. Hoàng-thượng lại mang thị
đi Trường-an thưởng xuân, rồi từ Trường-an về đây cũng đã mấy tháng, thế mà bảo rằng mới hay sao?

Quang-Vũ vẫn cười:

– Nàng mới nhập cung, trẫm chưa có thì giờ đưa đến yết kiến khanh. Thôi được, bây giờ trẫm truyền nàng bái kiến khanh cũng vừa.

Quang-Vũ nói với Tường-Qui:

– Chu mỹ nhân, mau lại bái kiến Chính-cung nương nương đi.

Tường-Qui xuất thân là con nhà quí tộc. Ông ngoại làm đô úy, đệ nhất
danh nhân Lĩnh Nam. Nàng chưa quen với lễ nghi triều đình nhà Hán. Thấy
Chánh-cung hoàng hậu, nàng coi thường không phủ phục tung hô, còn thản
nhiên đứng nhìn. Luật lệ nhà Hán, cho Hoàng-hậu rất nhiều uy quyền.
Quyền thứ nhất làm mẫu nghi thiên hạ, tức mẹ của trăm họ. Quyền thứ nhì, xử lý mọi việc khi Hoàng-đế vắng mặt trong triều. Vì vậy Lã hậu mới
thay Cao tổ giết cả ba họ Hàn Tín. Quyền thứ ba là quyền cai quản, mọi
việc trong cung, phong chức tước Thị vệ, Cấm quân, Thái-giám, Cung-nga.
Các Phi-tần tuy được vua tuyển, nhưng phải tới bái kiến Hoàng-hậu. Một
tháng hai lần đến cung Hoàng-hậu chầu, nghe dạy bảo.

Quang-Vũ dùng cường lực cưỡng bức cướp được Tường-Qui. Y say mê quá độ,
nên mải vui, không đưa nàng đến bái kiến Quách-hậu. Y còn mang nàng đi
Trường-an. Hoàng-hậu biết hết, nhưng bà không nói gì. Cho đến nay có
người tâu với bà rằng Tường-Qui người Việt. Hơn nữa nàng có chồng, có
con. Chồng nàng làm thị vệ trong cung.

Luật nhà Hán tuyển Hoàng-hậu, Quí-phi, Cung-nga rất ngặt. Thứ nhất phải
thuộc giòng dõi trung lương trong triều. Thứ nhì, phải còn đồng trinh,
dưới mười sáu tuổi. Thứ ba phải qua Mỹ quan khám xét: Người có thơm tho
không? Nếu có mùi hôi, thì thuộc giống Chồn cáo, hồ ly không được tuyển. Có khỏe mạnh không ? Vì sợ lây bệnh trong cung khuyết. Thứ ba khám cả
nhũ hoa, âm hộ, xem có màu hồng, tươi thắm không? Nếu nhũ hoa dài quá
biểu thị dâm đãng, bị loại. Nhũ hoa xẹp quá, thuộc loại vô tình, tàn
nhẫn cũng không được nhận. Âm hộ thì da không quá dăn deo, lông phải
phơn phớt, óng mượt mềm mại. Cuối cùng tiếng nói có thanh tao không?

Bây giờ Quách-hậu nghe nói Tường-Qui đã trên hai mươi tuổi, lại là gái
đã có chồng. Chồng thuộc loại đê tiện. Hơn nữa nàng người Việt, một thứ
người bị coi như Man di. Vì vậy Quang-Vũ chưa muốn bảo nàng bái kiến
Quách-hậu. Không ngờ đêm nay đang lúc yến nhạc, Quách-hậu đến.

– Bệ hạ đã phong nàng làm Tây-cung quí phi rồi phải không? Trời đất ơi, việc như thế mà thần thiếp không biết gì !

Nói đến đây. Quách-hậu lộ vẻ phẫn nộ, bà đưa mắt nhìn Tường-Qui từ đầu
đến chân. Cơn giận dần dần biến tan. Bà thấy Tường-Qui đẹp nhu mì, ủy
mị. Thêm vào dáng dấp linh hoạt, da dẻ tươi hồng, thân thể cân đối, của
con nhà võ. Bất cứ phi-tần, cung-nga nào của triều Hán cũng không có vẻ
đẹp tươi sáng, hấp dẫn như nàng. Bà thấy Tường-Qui đẹp quá, mới hiểu tại sao Quang-Vũ say mê đến điên đảo thần hồn. Bà nghĩ thầm:

– Đứa con gái Việt này quả thực đẹp hơn bất cứ phi tần nào trong cung. Y thị lại hát hay, đàn ngọt, trách nào hoàng-thượng không say mê.

Bà hất hàm hỏi Tường-Qui:

– Ngươi được hoàng thượng phong làm Tây-cung quí phi mấy tháng nay. Tại sao ngươi không đến bái kiến ta?

Tường-Qui không biết luật lệ của hậu cung nhà Hán. Nàng suy nghĩ theo
phong tục Lĩnh Nam. Vợ bé, vợ lớn, đều có quyền như nhau. Chả việc gì
phải viếng thăm, bái kiến ai. Đám cung nữ hầu cận nhắc nhở nàng đôi lần. Song nàng không quan tâm đến. Bây giờ nghe Quách-hậu hạch hỏi, nàng
đáp:

– Tôi từ Lĩnh Nam sang đây, hạnh ngộ được hồng ân hoàng thượng sủng ái.
Ngoài ra, tôi không quan tâm đến cái chức vị Tây-cung quí phi hay
Nam-cung quí phi. Không lẽ ngoài Thái-hậu, hoàng thượng ra, tôi còn phải khấu đầu trước người khác nữa sao?

Quách-hậu rút kiếm để lên bàn:

– À, con tiện tỳ này hỗn! Mi xuất thân từ chốn bần tiện, thuộc loại con
chó Việt được tuyển vào cung ngoài luật lệ. Thế mà mi còn muốn đảo lộn
cung thất hay sao đây ? Bây đâu, bắt con tiện tỳ này đánh đủ năm mươi
roi cho ta!

Bọn thị nữ theo hầu Quách-hậu, xáp đến nắm tay Tường-Qui định đè xuống
đánh đòn. Tường-Qui liếc nhìn Quang-Vũ. Thấy y ngồi im, nàng hiểu rằng y không bênh mình, cũng không bênh Quách-hậu. Trước sự tranh dành của hai bên, ai mạnh người ấy được. Nàng co hai tay, giật mạnh một cái, bọn
cung nữ bật lui lại đến bốn bước. Nàng quát lớn:

– Đứa nào muốn mất mạng thì vào đây.

Bọn cung nữ sợ lệnh hoàng hậu, nhảy vào ôm Tường-Qui. Tường-Qui học võ
với Chu Bá, Lê-thị Hảo từ nhỏ. Nàng được huấn luyện võ công căn bản vững chắc. Nếu Đào Kỳ, Trần Năng, Phương-Dung không gặp kỳ duyên, e bản lĩnh không theo kịp nàng. Nàng được kể vào hạng nữ lưu hiếm có của Lĩnh Nam, thì bọn cung nữ kia làm sao thắng nổi? Nàng chỉ bước tréo hai bước, đám cung nữ ôm vào chỗ không. Vồ hụt, chúng lại nhảy vào ôm nàng. Tường-Qui muốn tỏ cái ôn nhu, văn nhã, nên nàng chưa dùng võ. Mặc cho bọn cung nữ chạy bên đông, đuổi bên tây, cũng không bắt được nàng.

Hoàng-hậu quát lên:

– Chúng bay đều là đồ ăn hại, chỉ có một con chó Việt mà bắt không được, nuôi tụi bay để làm gì? Gọi Diệu-Dung lên cho ta.

Ba cung nữ vội chạy xuống lầu, một lát, chúng trở lên với một cung nữ khác. Hoàng hậu chỉ Tường-Qui nói:

– Diệu-Dung, ngươi bắt con chó Việt này cho ta.

Diệu-Dung dạ một tiếng, rồi xuất chiêu, hai tay thị khoằm khoằm chụp
Tường-Qui. Liếc mắt qua, Tường-Qui biết đó là Hổ-trảo. Nàng lui một
bước, Diệu-Dung chụp hụt. Diệu-Dung chưng hửng, vung tay phải thành
quyền đánh thẳng vào ngực Tường-Qui. Tay trái biến thành đao, chém vào
cổ nàng. Tường-Qui vọt người lên nhảy qua đầu y thị, đáp xuống nhẹ
nhàng. Thân pháp nàng đẹp vô cùng. Quang-Vũ không cầm được, buột miệng
khen:

– Thân pháp đẹp thực!

Câu khen đó, vô tình khiến Tường-Qui hiểu rằng Quang-Vũ không ưa
Hoàng-hậu, mà ưa nàng. Nếu nàng xử dụng võ công, Quang-Vũ không trách
gì. Diệu-Dung rút sau lưng ra một cây nhuyễn tiên, rung tay một cái, thị tấn công Tường-Qui liền bốn chiêu. Tường-Qui lui lại, bước xéo tới,
lách tay một cái nàng đã đoạt được cây nhuyễn tiên của Diệu-Dung, liệng
xuống dưới lầu, rồi lui lại đứng sau lưng Quang-Vũ. Thái độ ung dung
nhàn nhã.

Diệu-Dung kêu lên:

– Con chó Việt này dữ quá.

Tường-Qui vốn có nhan sắc khuynh quốc, lại văn hay chữ tốt, đàn ngọt hát hay. Võ công thuộc loại hiếm có trên đời, xuất thân danh gia đệ tử.
Song cuộc đời tình ái của nàng đầy trông gai trắc trở, khiến nàng đau
khổ. Nàng chịu ảnh hưởng của cha nhiều hơn ông ngoại. Trong lần đầu gặp
Đào Kỳ, đi chơi cố đô Cổ-loa, nàng đã tỏ ra những ý tưởng phục hồi Âu
Lạc, trọng giòng giống. Sở dĩ nàng không thương yêu Trương Minh-Đức vì
bị cái mặc cảm vợ thằng Ngô, Mỵ châu, những từ ngữ nhục nhã nhất của gái Việt hồi đó. Bây giờ trên lầu Thúy-hoa, Quách-hậu gọi nàng là chó Việt, nàng đã nổi giận rồi. Nay đến tên cung nữ mà cũng dám nhục mạ giòng
giống mình, thì nàng chịu sao được ?

Tường-Qui điên tiết lên. Nàng phóng hai chưởng như vũ bão liên tiếp.
Chiêu đầu Lưỡng ngưu tranh phong. Chưởng phong ào ào mạnh vô cùng.
Chưởng thứ nhì Thanh ngưu qui gia. Chưởng sau tiếp chưởng trước. Binh,
binh, bốn cung nữ bị đánh bay tung khỏi lầu, rơi xuống dưới. Chỉ nghe
thấy bốn tiếng rú kinh khủng vọng lên, thì biết rằng bốn cung nữ đã tan
xương nát thịt.

Diệu-Dung kinh sợ đến đờ người ra. Y thị vội rút trong bọc ra một thanh
Nga-mi kiếm, phóng liền bốn chiêu đâm Tường-Qui. Tường-Qui lui lại một
bước, xoay mình, vọt lên cao, một chân đá vào ngực Diệu-Dung một chân đá vào bụng thị. Diệu-Dung kêu lên tiếng Ối, người y thị bay xuống lầu. Từ dưới lầu vọng lên tiếng rú kinh khủng.

Quang-Vũ nghe nói Tường-Qui biết võ nghệ. Y đâu có ngờ võ công nàng cao đến như vậy ? Y kinh hoàng đến chết điếng người đi.

Quách-hậu vẫy tay một cái, năm thị vệ cùng bước vào. Bà chỉ:

– Các ngươi bắt con thị tỳ kia cho ta.

Bọn thị vệ này nguyên con em trong họ Quách hậu, được tuyển làm việc
trong hoàng cung. Chúng trung thành tuyệt đối với bà. Chúng hô một
tiếng, tuốt kiếm nhảy vào tấn công Tường-Qui. Tường-Qui phóng chưởng
phản đòn. Chưởng của nàng khá mạnh, hai chưởng đẩy lui hai thị vệ.
Chưởng thứ ba, thứ tư biến thành trảo, nàng bước sang trái, chụp được
kiếm của chúng, nàng vung lên, hai thị vệ bay mất đầu. Ba tên kia kinh
hoàng chưa kịp phản ứng, đã bị nàng đưa hai nhát vào ngực. Chúng chỉ còn kêu được một tiếng, ngã lăn ra, máu từ ngực phun thành vòi. Tường-Qui
đến bên Hoàng-hậu đưa một nhát kiếm qua đầu bà. Quang-Vũ rú lên:

– Mỹ nhân, xin nương tay !

Thực ra Tường-Qui chỉ muốn dọa Quách-hậu. Khi nghe Quang-Vũ lên tiếng. Nàng ngừng lại chĩa kiếm vào cổ họng Quách-hậu cười nhạt:

– Cổ kim đến giờ, không phải một tờ sắc chỉ, một mệnh lệnh mà làm nên
tình yêu. Hoàng thượng sủng ái ta, ta đáp lại hoàng ân của Hoàng-thượng, giống như tình yêu nam nữ của bất cứ nơi đâu. Mi tuy là Hoàng-hậu,
nhưng mi không làm cho quân vương hài lòng. Đêm hôm mi mang vệ sĩ, đeo
gươm đến đây, lộng quyền trước mặt Hoàng-thượng, tội đáng tru di. Ngươi
thuộc giống gì mà dám nhục mạ ta, một điều chó Việt, hai điều chó Việt?

Ngừng lại một lát nàng tiếp:

– Nói theo Hoàng thượng, dân trăm họ, đâu chả là dân nhà Hán ? Thế mà mi dám nhục mạ giòng giống của ta là chó. Hôm nay ta rạch vào mặt mi mấy
nhát kiếm này, để xem con chó đáng kinh tởm hay bộ mặt của mi đáng kinh
tởm?

Nói rồi nàng vung tay rạch tám nhát vào mặt Quách-hậu. Quách-hậu kinh
hoảng rú lên, ngã lăn ra long ỷ. Sự thực Tường-Qui chỉ phớt kiếm qua,
nhưng bà sợ quá, tưởng thực, ngất xỉu nằm gục trên án thư.

Nhập cung Hán không bao lâu, Tường-Qui biết rằng nàng phải lăn mình vào
giữa các thế lực cường quyền. Luật Tiêu Hà dành cho ngoại thích nhiều
quyền hành rộng rãi. Mã thái hậu có nhiều tay chân trong triều. Ngoài
biên cương, có hai cháu cầm quân: Mã Anh trấn thủ Trường-sa. Mã Viện
lĩnh Phục-ba đại tướng quân. Hai người lợi dụng giữ binh quyền, tuyển
nhiều cao thủ gửi về Lạc-dương cho Thái-hậu đưa vào làm thị vệ trong
hoàng cung. Quách hoàng hậu có sáu người trong họ được phong hầu. Bà
cũng tổ chức thị vệ, cung nga riêng biệt. Nàng nghĩ: Tại sao mình không
thiết lập lấy một thế lực? Vì vậy nàng đã dùng uy tín, tiền bạc, lôi kéo được khá nhiều người theo mình. Nàng nghe Quang-Vũ phong cho ông ngoại
làm Thứ sử, sáu vị sư thúc, sư bá được phong làm Thái-thú, thế lực nàng
đâu có nhỏ? Nay nhân Quách-hậu định giết nàng, nàng ra tay, quyết
Quang-Vũ sẽ đứng giữa, không về phe nào. Nàng cần trổ thần oai, để đám
thị vệ trong cung nể mặt nàng từ nay.

Tường-Qui cầm kiếm chỉ mặt Quách-hậu:

– Ngươi ỷ là Hoàng-hậu, tuyển mộ thị vệ, đeo gươm đến đây làm loạn trước mặt Hoàng-thượng. Ta vì hộ giá mà ra tay. Vậy ta nói cho ngươi biết :
Từ nay nước sông, nước giếng mỗi người một giang sơn. Nếu ngươi còn kiếm truyện với ta, thì đừng trách.

Nàng quăng kiếm, tay trái túm ngực Quách hậu nhắc khỏi long ỷ. Tay phải
phóng một chưởng Ác ngưu nan độ. Chiếc long ỷ vở tan tành. Quách
hoàng-hậu sợ quá rú lên, nói lắp bắp:

– Tôi chịu khuất phục, mong Quí phi dung tình.

Tường-Qui vẫn còn giận Quách-hậu về tiếng nhục mạ con chó Việt:

– Từ nay, dù mi nói vắng mặt, hay có mặt ta một câu Chó Việt ta sẽ khoét hai mắt, cắt hai chân, hai tay, cắt lưỡi ngươi bỏ vào chuồng lợn như
xưa kia Lã-hậu đã làm với Thích-Cơ, ngươi biết không?

Quách-hậu kinh hoàng, vội đứng lên, xuống lầu. Tường-Qui di chuyển thân hình, nàng đã đứng trước mặt Quách-hậu:

–Khoan! Dễ gì ta cho mi đi giản dị như vậy ?

Quách-hậu run run, ngây người ra.

Tường-Qui cười nhạt:

–Ngươi không học võ, thành ra không biết luật lệ võ lâm. Để ta dạy cho
mi mấy điều. Đai phàm khi dùng võ, đấu võ với người, bị thua, phải chịu
khuất phục người thắng. Người thắng muốn mổ, muốn băm vằm thế nào mặc ý. Ngươi dùng cung nga, thị vệ đánh ta, bị thua. Ngươi bỏ đi như vậy coi
sao được?

Quách-hậu hỏi:

– Quí phi muốn ta phải làm gì?

Tường-Qui nói:

– Từ nay, ngươi không được áp dụng quyền Hoàng-hậu với ta. Người đồng ý, thì xuống lầu. Còn ngươi không đồng ý, đứng dậy cùng ta đấu vài ngàn
chiêu.

Quách hậu nghe nói, thất kinh hồn vía:

– Thôi! Thôi! Từ nay tôi không dám động đến Quí-phi nữa.

Bà bỏ xuống lầu.

Tường-Qui gọi thái giám, dọn dẹp mấy xác chết. Nàng đến bên Quang-Vũ cười nói:

– Hôm ở Trường-an, Hoàng-thượng nói với thiếp rằng Hoàng-hậu cậy có cha, anh cầm quân, tuyển mộ thị vệ riêng, làm lộng trong cung. Bà hay ghen
tương, khiến Hoàng-thượng ăn không ngon, ngủ không yên. Bây giờ thiếp vì hoàng-thượng mà trị Hoàng-hậu, chắc hoàng-thượng vui lòng lắm.

Trên mái nhà Phương-Dung chửi thầm:

– Thì ra thế! Tên Quang-Vũ này thủ đoạn không vừa. Y dùng tam công,
triều thần, làm bộ đặt giang sơn lên tình riêng để loại Nghiêm đại ca.
Dùng Hàn thái-hậu đưa Mã thái-hậu vào chỗ phạm tội, hầu trừ khử. Dùng
người Lĩnh Nam đánh người Lĩnh Nam. Dùng hoàng thân đánh ngoại thích.
Bây giờ lại dùng vợ nhỏ, trừ vợ lớn. Hèn gì, khi Tường-Qui ra tay, y
ngồi nín thinh, không lên tiếng. Ta cứ tưởng y nhu nhược, thì ra y đóng
kịch.

Nàng vẫy mọi người cùng nhảy xuống lầu Thúy-hoa, vượt Hoàng-thành ra
ngoài. Đến chỗ Sún Lé coi ngựa, thấy năm con ngựa đều nằm chết trên vườn hoang. Còn Sún Lé không thấy đâu.

Cao Cảnh-Minh chạy lại định lật ngựa chết lên quan sát, Trần-Năng hô lớn:

–Ngừng tay!

Cao Cảnh-Minh vội ngừng lại ngơ ngác.

Trần Năng chỉ con ngựa chết nói:

– Mấy con ngựa này bị giết bằng chưởng lực dương cương cực mạnh, nên
xương cốt gẫy nát. Tuy vậy phải cẩn thận vì e chưởng có chất độc.

Nàng vội vận khí Không tâm, Ngũ uẩn giai không rồi mới đưa tay sờ vào mấy con ngựa, thì hơi nóng vẫn còn, xương cốt gẫy nát hết.

Nàng nói:

– Với chưởng lực như vậy trên đời này ngoài Đào sư thúc, sư phụ ta ra
thì không còn ai nữa. Chưởng này dường như không có độc chất, vì máu từ
miệng ngựa chảy ra vẫn đỏ chứ không tím. Vậy hung thủ là ai?

Phương-Dung ngẫm nghĩ:

– Dường như hung thủ giết ngựa, rồi bắt sống Sún Lé, không hiểu Sún Lé có gọi Thần-ưng theo dõi chỉ đường cho bọn mình không?

Tới đó, có tiếng Thần-ưng kêu trên không. Phương-Dung huýt sáo gọi nó
xuống. Nàng đếm lại chỉ có chín Thần-ưng, vậy còn một Thần-ưng đi đâu?
Mỏ, móng chân Thần-ưng đầy máu, tóc, như vậy chúng trải qua một cuộc
chiến đấu với kẻ thù.

Trần Năng ở bên Lục Sún lâu ngày. Tính nàng vốn yêu trẻ con, hóa cho nên nàng thân thiết với Lục Sún nhất. Lục Sún đã dạy nàng biết cách điều
khiển Thần-ưng. Nàng huýt sáo hỏi Thần-ưng xem Sún Lé ở đâu? Thì cả chín Thần-ưng đều kêu lên những tiếng giận dữ. Chúng đồng vỗ cánh bay vọt
lên cao, rồi lao về phía đông. Được một quãng lại bay trở về kêu lên
những tiếng khẩn cấp.

Trần Năng nói:

– Có lẽ Sún Lé gặp kình địch bắt sống mang đi rồi. Thần-ưng đang bay về
phía đông, dẫn đường cho chúng ta, ta hãy theo Thần-ưng để cứu Sún Lé.

Trời đã dần dần sáng tỏ. Cả đoàn đi về phía Đông, trên trời đàn Thần-ưng cùng bay lượn vòng vòng dẫn đường. Tới một cái chợ, Phương-Dung ngừng
lại mua bốn con ngựa thực lớn cho bốn người cỡi. Bốn người có ngựa, lập
tức phi như bay. Đoàn Thần-ưng vẫn lượn trên không.

Đang phi trên cánh đồng mênh mông thì Phương-Dung chỉ về phía xa xa: Tại đó Thần-ưng bay rợp trời. Mỗi toán hai mươi lăm Thần-ưng từ trên lao
xuống, rồi vọt lên. Từng toán, từng toán một.

Phương-Dung than:

– Có lẽ Lục Sún gặp cường địch. Chúng đang chỉ huy Thần-ưng chống trả. Chúng ta phải vứu viện khẩn cấp mới kịp.

Cả bọn ra roi cho ngựa phi như bay. Chín Thần-ưng vẫn bay trên trời dẫn
đường. Đang bay là là, bỗng một Thần-ưng kêu ré lên rồi đâm bổ xuống bụi cây phía trước. Tám Thần-ưng còn lại cũng đâm bổ xuống, rồi vọt lên.

Phương-Dung kêu:

– Cẩn thận, có lẽ chúng ta mắc mưu địch rồi. Chúng bắt Sún Lé, để dụ
chúng ta theo cứu. Chúng phục kích ở phía trước kia, nhưng bị Thần-ưng
phát giác ra. Thần-ưng đang lao xuống tấn công chúng.

Từ xa, cả bọn phát giác ra một toán trên mười người, trang phục theo lối thị vệ đang trống trả với Thần-ưng. Cao Cảnh-Minh rút tên bắn một phát. Tiễn thủ của ông có một không hai trên đời. Một phát bắn liền mười hai
mũi, tên xé gió bay đi. Ông bắn phát thứ nhì, thứ ba. Tên trước, tên sau rít lên thành những tiếng vi vu kinh khủng.

Đoàn thị vệ đang đánh nhau với Thần-ưng, nghe thấy tên rít gió, chúng
vung đao gạt. Choang, choang, tên đao chạm nhau, lửa tóe ra. Cánh tay
bọn chúng tê rần, đao vừa vuột khỏi tay chúng, loạt thứ nhì, thứ ba đã
bay tới. Chúng không còn biết đường nào gạt nữa. Chỉ nghe thấy tiếng
người, tiếng ngựa rú lên kinh khủng.

Vừa lúc đó Phương-Dung phi ngựa tới nơi. Tất cả bọn có mười ba tên, đều
bị trúng tên vào đầu gối, ngã ngựa, không bò dậy được. Thần diệu ở chỗ,
tên nào cũng trúng vào một vị trí giống nhau.

Trần Năng nhảy xuống ngựa, nhổ tên, lấy thuốc rịt máu, xé áo băng lại
cho chúng. Nàng băng cho mười hai tên. Đến tên thứ mười ba, vừa băng
xong. Bất thình lình y vọt người lên phóng chưởng đánh vào ngực nàng.

Biến cố xảy ra đột ngột, hai người lại quá gần nhau. Nàng không kịp xuất chiêu đỡ, nhưng vốn nhiều kinh nghiệm, nàng hít một hơi để hộ thân, rồi nhảy vọt trở lại để giảm bớt lực đạo của chưởng đối phương.

Tên Thị-vệ ra tay đánh trộm thành công. Y phóng người theo tấn công liên tiếp hai chưởng nữa. Chưởng phong ào ào chụp xuống người nàng. Trần
Năng nhảy lui lại tránh được một chưởng. Nàng xuất chiêu gạt chưởng thứ
nhì. Bây giờ nàng mới nhận ra chưởng của đối phương rất quen thuộc.

Tên thị vệ đánh nàng ba chưởng. Chưởng đầu trúng ngực. Chưởng thứ nhì
nàng nhảy tránh, đến chưởng thứ ba nàng gạt. Trần Năng nghĩ: mình đã cứu y, mà y còn ra tay rất vô lại đánh vào ngực, thì không còn nhân nhượng
nữa.

Nàng vận khí phóng một chiêu cực kỳ dũng mãnh của phái Cửu-chân Hải
triều lãng lãng. Tên thị vệ thấy vậy, cười nhạt một tiếng, xuất chưởng
đánh lại. Chiêu của y cũng là Hải triều lãng lãng công lực khá hùng hậu.

Binh một tiếng, Trần-Năng lui trở lại một bước, tên thị vệ cũng lui lại.

Hải-triều lãng lãng là chiêu thức cực mạnh, có tới năm lớp. Tên thị vệ
hít một hơi xuất lớp thứ nhì. Trần Năng biết nếu đấu với người
Trung-nguyên thì dùng võ Cửu-chân. Còn đấu giữa người Lĩnh-nam với nhau
dùng võ công Tản-viên vẫn hơn. Nàng vận khí phát chiêu Thanh ngưu ư hà
đỡ. Hai chưởng đụng nhau, tên thị vệ bật lui trở lại một bước, người y
loạng choạng. Trần Năng muốn kết thúc trận đánh, nàng ra chiêu Lưỡng
ngưu tranh phong.Tay phải nàng đẩy thẳng về phía trước, tay trái vòng từ dưới đánh lên, nàng vận khí theo lối Không tâm, Vô nhân giả tướng. Bịch một tiếng, chưởng của nàng chạm vào chưởng đối phương. Hai chưởng dính
chặt vào nhau.

Trần Năng ung dung mỉm cười, không tâm, để cho chân khí chuyển động,
giống như Phật tổ đứng thuyết pháp ở núi Lăng-già. Tên thị vệ rung động
mạnh, chân khí của y tuôn ra bao nhiêu lại mất bấy nhiêu. Y nghiến răng
vận hết chân khí đẩy sang, mong kết liểu tính mệnh Trần Năng. Nhưng càng đẩy ra y càng thấy mất tăm mất tích.

Chỉ một lát sau, y hoảng kinh, vội thu chân khí, thì bị chân khí của
Trần Năng đánh ngược lại, người y vọt lên không, rơi xuống đất đến bốp
một cái. Y không bò dậy được nữa.

Phương-Dung chạy đến dí kiếm vào cổ y hỏi:

– Ngươi tên họ là gì? Tại sao lại đón đường hại chúng ta?

Tên thị vệ không vừa. Nghễn cổ dậy nói bằng tiếng Việt:

– Ta thuộc đội Thị vệ nội cung. Chúng ta đang đi, bị các ngươi bắn tên
lén, đánh chúng ta. Rồi lại hỏi tại sao chúng ta đón đường đánh các
ngươi. Có ai vô lý như các ngươi không?

Cao Cảnh-Minh khám trong người y, thấy có tấm thẻ khắc con phụng, biết
rằng y làm việc cho Mã thái-hậu. Trên có chữ: Nguyễn Ngọc-Danh. Bên cạnh có chữ biệt. Ông ngơ ngác hỏi Phương-Dung:

– Cháu thử nhìn xem ngạch, trật y ra sao, mà có chữ biệt ?

Phương-Dung làm quân sư cạnh Nghiêm-Sơn, nàng biết trên thẻ bài thị vệ
có chữ biệt, thì không thuộc cơ đội hoàng cung mà thuộc đội ra ngoài
hoạt động. Tên nào có thẻ bài mang chữ biệt thì y phụ trách công tác
liên lạc giữa Thái-hậu với Thái-thú, Thứ-sử.

Phương-Dung nghe đến tên Nguyễn Ngọc Danh thấy quen quen. Chợt nàng kêu
lên một tiếng, nhớ lại lời Đào Kỳ, Thiều-Hoa thuật cho nghe: Hôm Nghiêm
Sơn đem quân đánh Đào trang, tên mã phu Nguyễn Ngọc Danh được sai đi đón vợ Trịnh Quang, rồi mất tích luôn. Từ đó đến nay không rõ y ẩn náu ở
đâu. Trong trận Tây-hồ, Trịnh Quang bị Nguyễn Tường-Loan tra hỏi, y nói
đại khái rằng Nguyễn Ngọc-Danh với y đều làm tế tác cho Hán nằm vùng ở
Đào trang. Vì sợ Trịnh Quang không hết lòng, Danh phải bắt vợ con y dấu
một nơi.

Về sau Thiều-Hoa hỏi Nghiêm Sơn xem có phải chàng cài Trịnh Quang với
Nguyễn Ngọc-Danh vào Đào trang không? Nghiêm-Sơn không biết. Thì ra bọn
chúng làm tế tác cho Mã thái-hậu.

Phương-Dung tra xét mười hai tên còn lại, chúng đều người Cửu-chân. Có
điều võ công chúng thua xa Nguyễn Ngọc-Danh. Chúng đồng khai giống nhau
rằng chúng từ Giao-chỉ mang tấu chương về Mã thái-hậu. Mã thái-hậu sai
chúng mang mật chỉ đến Thái-thú Tô Định. Không may trên đường đi bị
Thần-ưng tấn công rồi bị tên bắn, mà bị bắt.

Phương-Dung cho khám rất kỹ, thấy trên mũ Nguyễn Ngọc-Danh có một bao
thư. Nàng xé mở ra coi, thì ra Mã thái-hậu dặn Tô Định phải giết chết
Hợp-phố lục hiệp, rồi cử người thay thế. Triều đình hợp ba quận
Giao-chỉ, Cửu-chân và Nhật-nam thành Giao-châu, cho Tô-Định làm Thứ-sử.
Còn triều đình cử Lê Đạo-Sinh và đám học trò làm Thứ-sử, Thái-thú, chẳng qua, để chúng tụ họp người đồ đảng, chống Đào Thế-Kiệt, Đặng Thi-Sách
mà thôi. Nếu việc không xong, thì thầy trò Lê bị giết. Ngược lại việc
xong, thì triều đình cũng giết chúng.

Bây giờ Phương-Dung mới bật ngửa người ra, vì bọn Nguyễn Ngọc-Danh không liên quan gì tới Sún-Lé. Nàng đoán: Bọn bắt Sún-Lé chắc là thị vệ.
Thần-ưng thấy bọn Nguyễn Ngọc-Danh mặc cùng thứ y phục, thì nhào xuống
tấn công. Nàng đảo mắt nhìn ra xa, vẫn thấy Thần-ưng đang từng đợt lao
xuống, giao chiến.

Phương-Dung nói với Đặng Đường-Hoàn:

– Sư bá lột lấy bốn bộ quần áo của bọn này. Chúng ta giả làm thị vệ đi cứu Sún-Lé.

Đặng Đường-Hoàn nắm lấy cả bọn liệng vào bụi cây. Ông lựa hai tên cao
lớn lột quần áo cho mình và Cao Cảnh-Minh. Lựa hai tên nhỏ bé, lột cho
Phương-Dung, Trần Năng.

Phương-Dung hóa trang cho mọi người, thành thị vệ. Trần Năng cười khúc khích:

– Hể gặp đối phương tôi giả câm, để sư thẩm đối đáp nghe. Tôi giả tiếng đàn ông không được.

Phương-Dung lấy thẻ bài của Nguyễn Ngọc-Danh. Nàng rút kiếm đưa mấy nhát tất cả đám thị vệ bị gọt hết tóc.

Đặng Đường-Hoàn tính vốn trung trực. Ông chúa ghét bọn lừa thầy phản
bạn. Trước đây nghe truyện Nguyễn Ngọc-Danh phản Đào hầu, nay gặp y đây, ông vạch quần đái vào đầu y:

– Hãy cho mi uống bãi nước tiểu này. Lưu chút kỷ niệm ngày chúng ta gặp nhau.

Ông cầm kiếm rạch trên mặt cả bọn, mỗi đứa hai nhát.

Bỗng một Thần-ưng từ xa bay lại, kêu lên một tiếng rồi từ từ đáp xuống
trước ngựa Phương-Dung. Bên chân nó, có mang một ống nhỏ. Nàng mở ống
ra, thấy tờ thư. Trong tờ thư viết vỏn vẹn mấy chữ:

Sún Lé bị bắt. Chúng ta đuổi theo cứu, bị bao vây.

Dưới vẽ bông cúc. Phương-Dung biết đó là hiệu của Hoàng Thiều-Hoa. Nàng
cùng mọi người phi ngựa đuổi theo. Lạ một điều, cả bọn ruổi ngựa trên
trăm dặm, mà vẫn thấy đoàn Thần-ưng nhào lộn tấn công xa xa.

Đặng Đường-Hoàn nói:

– Có lẽ Thiều-Hoa cùng mọi người chạy trước. Địch thủ đuổi theo, nên
nàng cho Thần-ưng đánh cản hậu, vì thế nên chúng ta đuổi hòai mà không
gặp.

Phương-Dung phi ngựa thực mau. Đến quá Ngọ, thì thấy đoàn Thần-ưng đang
bay lượn ngay trên một ngọn đồi. Nàng nhìn một lúc rồi reo lên mừng rỡ:

– Chúng ta đã tới Nghi-dương. Núi kia là núi Dương-tiên đó.

Cả bọn tới gần. Trước mặt, một đoàn thiết kị trên năm trăm người, dàn ra bao vây núi Dương-tiên. Chúng định tiến lên, thì bị đoàn Thần-ưng đánh
như bão táp. Có mấy xác ngựa nằm trên sườn đồi. Một số kị binh đầu băng
bó, rên la kêu khóc.

Đứng nhìn đoàn thiết kị hùng dũng, tiến lên núi có hàng lối chỉnh tề. Phương-Dung cảm thấy kính phục Hoài-nam vương Lưu Quang:

– Sau khi rời Quang-Vũ có một lúc, trong đêm, mà y đã điều động được một đoàn thiết kị lên đường ngay. Y xứng đáng làm Tướng-quốc triều Hán. Với tài ấy, y mới dám chống lại bọn ngoại thích.

Bốn người phi ngựa đến chân núi, thì một viên tướng vọt ngựa ra hỏi:

– Các vị Thị-vệ thuộc cơ đội nào? Đến đây có việc gì?

Phương-Dung đã hóa trang thành một người da hơi ngăm đen. Nàng làm bộ
hách dịch, móc túi lấy thẻ bài đưa ra. Viên tướng chỉ huy trông thấy con phượng trên thẻ bài, có chữ biệt khúm núm:

– Thì ra Nguyễn vũ vệ. Chẳng hay Vũ vệ cùng ba vị nhân huynh kia đi đâu đây?

Phương-Dung giả tiếng ồm ồm nói:

– Tôi từ Lạc-dương đi Giao-chỉ. Qua đây thấy thiết kị vây giặc nên chúng tôi muốn giúp một tay. Chẳng hay ai chỉ huy đoàn thiết kị này?

Viên tướng nói:

– Tiểu tướng Bạch Sùng, Lữ trưởng thiết kị. Tiểu tướng mang thiết kị đặt dưới quyền điều động của Bô-lỗ đại tướng quân, tổng trấn Lạc-dương.

Phương-Dung biết Bô-lỗ đại tướng quân là chức của Mã Vũ, một trong
Tương-dương cửu hùng. Đêm qua mới được Quang-Vũ phong làm Dương-hư hầu.
Nàng đưa mắt cho mọi người đề phòng, vì sợï Mã-Vũ nhận được mặt.

Bốn người đứng nhìn: Giữa đỉnh núi, Ngũ Sún đang đứng trên các ngọn cây
thổi tù và điều khiển Thần-ưng tấn công vào đội Thiết-kị. Có nhiều
Thiết-kị bị thương, kẻ mù mắt, người rách mặt vì Thần-ưng. Trên đồi có
mấy xác Thần-ưng trúng tên rơi ở sườn.

Từ ngày tham chiến ở Trung-nguyên, lần đầu tiên các Sún điều khiển Thần-ưng đánh nhịp nhàng như vậy. Phương-Dung than:

– Hồi trước mình ở thế thắng, nên các Sún không trổ hết được thần oai.
Lần này vì nguy cơ trước mắt, Thần-ưng trở thành lực lượng phòng vệ
chính. Các Sún có dịp tỏ khả năng.

Đội Thần-ưng cứ từng đợt bay lượn trên không. Khi thấy đội kị mã tiến
lên lại lao ngay xuống. Trên trời, đoàn Thần-ưng khác bay đe dọa. Một số Thần-ưng nữa đậu ở trên cây xa xa nghỉ ngơi.

Khi khởi hành tham chiến từ Lĩnh Nam, Lục Sún chưa có khả năng dùng
binh, chia ra lực lượng phòng vệ, lực lượng tấn công, lực lượng dưỡng
sức như bây giờ. Có ai ngờ, Lục Sún đã tiến bộ rất nhiều, bề ngoài chỉ
thấy chúng đùa cợt, phá phách. Thì ra trong những lần dự họp hành quân,
chúng nghe nhiều, hiểu rõ thuật dùng binh, rồi áp dụng vào chỉ huy
Thần-ưng.

Trên đỉnh đồi, bọn Trần Công-Minh, Cao Cảnh-Sơn, Tiên-yên nữ hiệp,
Giao-long nữ, Hoàng Thiều-Hoa ngồi có vẻ mệt mỏi. Trần Công-Minh, Cao
Cảnh-Sơn thì băng bó ở tay, chắc là bị thương.

Đặng Đường-Hoàn hỏi:

– Giao-Chi đâu mất, không thấy?

Trần Năng nói theo:

– Hay Giao-Chi bị giết? Bị bắt rồi?

Mã Vũ cỡi ngựa, đứng ở sườn đồi. Cạnh y, Sún Lé, bị treo trên cành cây. Y cầm roi bảo nó:

– Này thằng nhỏ kia, mi bảo đồng bọn cho Thần-ưng ngừng tấn công chúng ta, nếu không ta giết ngươi.

Sún Lé nói:

– Được, ngươi đưa cho ta cái loa để ta nói truyện với anh em.

Một tên đội trưởng đưa cho Sún Lé cái loa. Sún Lé cầm lấy ghé miệng nói bằng tiếng Việt:

– Tao là Lé đây. Các anh em có nghe tiếng không? Tao bị bắt, chúng mày
coi như tao chết rồi. Đừng nể gì hết, cứ cho Thần-ưng tấn công bọn thiết kị đi.

Mã Vũ không hiểu gì. Song thấy Thần-ưng nhào xuống tấn công, thì y biết
Sún Lé không tuân lời. Y cầm roi đánh nó túi bụi. Nó cắn răng chịu đau,
không nói một tiếng.

Đánh một lúc, Mã Vũ hỏi:

– Mày có chịu đầu hàng không?

Sún Lé bị đánh đau. Nó tự kiêu là con cháu Phù-Đổng thiên vương, hàng
ngày ngồi với Hoàng sư tỷ, mưu kế thắng được Phương-Dung. Nó cắn răng
chịu đau. Nó trả lời:

– Đầu hàng cái con c. lõ ông đây này. Ông là anh hùng Lĩnh Nam, phản Hán phục Việt. Chúng mày vì Hán, ông vì Lĩnh Nam. Muốn ông đầu hàng ư? Mày
hãy về bảo Quang-Vũ mút con c. ông một ngàn lần, ông cũng không đầu
hàng.

Mã Vũ ra lệnh cho lính đánh nữa. Sún Lé cười ha hả chịu đòn. Tên quân
đánh một lúc. Quần Sún-Lé bị tụt mất, nó trở thành trần truồng.

Mã Vũ bảo tên quân:

– Ngươi ngừng tay, nếu không nó chết mất.

Vừa lúc đó, một tia nước bắn vọt vào mặt Mã Vũ. Thì ra Sún Lé mất quần,
nó bị treo trên cao, giãy dụa cho cò hướng vào Mã Vũ rồi đái xuống.
Trong lúc không đề phòng, y bị nước đái trúng đầu. Y cầm roi chỉ:

– Đánh chết nó đi.

Áp lực Sún Lé không xong. Mã Vũ vận khí vào đơn điền nói:

– Ta muốn nói truyện với người thủ lĩnh.

Một mình y tiến lên. Trên đỉnh đồi Cao Cảnh-Sơn dương cung bắn. Bốn mũi
tên xé gió bay xuống. Mã Vũ rút kiếm gạt, nhưng y gạt hụt, vì tên bay
đến trước ngựa y thì hết lực rơi xuống. Y biết Cao Cảnh-Sơn muốn bảo y
không được lên đồi, dừng lại. Trên đồi, Tiên-yên nữ hiệp, cùng Cao
Cảnh-Sơn cỡi ngựa đi xuống. Khi còn cách Mã Vũ một lằn tên, ông dừng
lại.

Mã Vũ nói:

– Các ngươi là anh hùng Lĩnh Nam, tài trí không phải tầm thường. Ta với
các ngươi đã có phen ở cùng nhau. Ta không muốn dùng thiết kị giết các
ngươi. Vậy ở đây ta có Lâu-thuyền tướng quân Đoàn Chí, Chinh-viễn tướng
quân Lưu Long với ta. Nếu các ngươi thắng được hai trong ba chúng ta. Ta để các ngươi đi. Còn các ngươi bại hai trận. Các ngươi phải theo ta về
Lạc-dương.

Phương-Dung thấy phía sau bọn Mã Vũ, Lưu Long còn hai kị mã, trông sau
lưng rất quen. Song chúng quay lưng lại, nàng không nhận ra lai lịch
chúng.

Tiên-Yên nữ hiệp tự biết, trong năm người bên mình thì Trần Công-Minh đã đấu với Đoàn Chí, bị thương ở tay. Hoàng Thiều-Hoa tuy võ công cao,
nhưng vẫn chưa phải là đối thủ của Mã Vũ. Giao-long nữ Trần Quốc, Ngũ
Sún đều không phải đối thủ của bất cứ tên nào bên Hán.

Phương-Dung nghĩ:

– Mã Vũ xuất thân từ danh môn chính phái. Võ công y cao ngang với Phùng
Dị, Sầm Bành, Lê Đạo-Sinh. Tuy Tiên-yên nữ hiệp đã học Thiền-công với
Tăng-Giả Nan-Đà, không biết có địch lại y không?

Tiên-yên chưa biết trả lời sao, thì Trần Quốc đến cạnh bà từ hồi nào. Nàng nói với Mã Vũ:

– Tiểu nữ họ Trần tên Quốc, gái Việt đất Lĩnh Nam, dám xin hỏi Đại tướng quân một câu được chăng?

Mã Vũ thấy một thiếu nữ xinh xắn, nói năng lễ phép, thì vui lòng gật đầu.

– Được cháu cứ hỏi.

Giao-long nữ nói:

– Tương-dương cửu hùng nổi tiếng khắp Trung-nguyên, không lẽ chỉ biết
đấu chưởng ? Chẳng hay các vị có dám đấu những môn khác không?

Mã Vũ cho rằng bọn này muốn đấu kiếm, đấu vật chi đây. Y đáp:

– Được, chúng ta nhận đấu tất cả mọi môn. Nào bên đó các ngươi có tài gì cứ dở ra. Miễn các ngươi thắng được hai chúng ta, chúng ta để các ngươi xuống núi.

Giao-long nữ chỉ xuống sông Lạc-hà nói với Tiên-yên nữ hiệp:

– Sư bá thấy không? Tương-dương cửu hùng có khác, môn gì họ cũng giỏi cả. Sư bá cho phép cháu được lĩnh giáo võ công của họ đi.

Nàng nói với Mã Vũ:

– Trận thứ nhất bên Lĩnh Nam, tiểu nữ xin được lĩnh giáo võ công của bất cứ một vị nào trong các vị, nhưng đấu dưới sông Lạc-hà.

Mã Vũ nghe Giao-long nữ nói thì ngẩn người ra nghĩ:

– Mình ngu quá, thấy nó còn con nít mình khinh thường, nhận lời bừa. Bây giờ một lời đã hứa thì làm sao rút lại?

Mã Vũ từng làm việc chung với Trưng Nhị, Trần Năng tại đạo Kinh-châu.
Sau đạo Kinh-châu được Trần Quốc đến trợ chiến. Y từng thấy nàng lội
dưới nước như con rái cá. Bây giờ nàng thách đấu dưới nước, e bên y khó
thành công.

Y nghĩ:

– Đến những đại cao thủ của nó mình đánh một chưởng cũng mất mạng huống
hồ con bé này. Chỉ cần đánh một chưởng lên mặt nước, nó long óc mà chết
ngay, chứ có gì mà sợ.

Y nói:

– Được, tiểu cô nương, ta cử Lưu Long đấu với cô nương.

Y lùi ngựa lại nói nhỏ với tên kị binh đứng phía sau mấy câu. Tên kị
binh này gật đầu. Lưu Long tiến ra bờ sông cùng với Giao-long nữ.

Giao-long nữ nói với Lưu Long:

– Lưu đại hiệp, võ công ngươi cao đến độ sư bá của tiểu nữ chỉ đỡ có một chưởng, đã phun máu miệng. Vậy người cho tiểu nữ một ân huệ.

Lưu Long nói:

– Ta chỉ đánh cô ba chưởng. Nếu sau ba chưởng mà tiểu cô nương không chết, thì coi như ta thua cuộc.

Giao-long nữ chắp tay bái tạ, rồi vọt mình lên cao, nàng đá gió một cái, người đã rời bờ sông. Ở trên cao, nàng xoay mình ba vòng, rồi chúi đầu
xuống nước mất tích. Lưu Long cũng phóng mình lên cao đá gió một cái.
Người y rơi ngay xuống chỗ Giao-long nữ. Y bơi vòng vòng, chờ nàng trồi
lên thì phóng chưởng đánh liền. Nhưng y bơi một lúc lâu, vẫn không thấy
nàng đâu. Khỏang nhai dập miếng trầu, Mã Vũ, Đoàn Chí cùng đám kị binh
trên bờ sông không thấy Giao-long nữ nổi lên, cũng nói lớn:

– Con bé chết chìm rồi.

– Lâu vậy, không thấy nổi lên thì chết rồi. Bên Lĩnh Nam thua.

Bỗng thấy Lưu Long kêu thét lên một tiếng kinh hoảng, rồi y phóng chưởng đánh xuống mặt nước phía trước, làm nước bắn tung tóe. Chưởng vừa dứt,
thì từ dưới nước, một vật vọt lên cao. Mọi người nhìn ra là Giao-long
nữ. Ở trên cao, nàng xoay mình một cái, lại chúi đầu xuống, rồi từ đáy
sông nàng vọt lên cao như con cá vượt nước. Thân pháp đẹp vô cùng. Nàng
vọt trên mười lần, rồi lặn mất tích.

Lưu Long dường như bị đau đớn lắm. Y nhăn nhó cực kỳ khổ sở. Mã Vũ, Đoàn Chí ở trên bờ, không hiểu Lưu Long bị thương thế nào. Thì chợt thấy
phía sau lưng y, một bàn tay nhô khỏi mặt nước, bàn tay rung động, một
vật gì không rõ trúng vào đầu Lưu-Long bộp một cái. Lưu-Lọng đau quá
thét lên lanh lảnh, y quay đầu lại thì bàn tay đã mất tích.

Y biết Giao-long nữ lấy đá liệng mình. Y quan sát trước sau, thấy nàng
đang bơi phía xa. Y bơi lại định kết liễu tính mệnh nàng, thì nàng cứ
bơi dần ra giữa sông. Thình lình nàng hụp xuống nước biến mất.

Lưu Long đã bị đau khổ vì nàng, nên y bơi vòng tròn đề phòng. Bơi một
lúc y mệt nhoài, phải để cho người nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Thình lình người y chìm xuống đáy sông. Ai cũng cho rằng y lặn xuống
đuổi Giao-long nữ. Nhưng chờ một lúc lâu cũng không thấy y nổi lên. Mã
Vũ cảm thấy có gì bất tường. Thì bên bờ sông, Giao-long nữ vác Lưu Long
vọt lên bờ, chạy về phía đỉnh đồi.

Mã Vũ nhìn Lưu Long bị bắt sống, y định phi ngựa lên núi cứu bạn. Thì
Cao Cảnh-Sơn buông liền ba phát. Tổng cộng mười lăm mũi tên xé gió bay
xuống. Phía trên từng đoàn Thần-ưng lao xuống, cản y lại.

Giao-Long nữ trao Lưu Long cho Hoàng Thiều-Hoa, rồi chạy xuống núi cười:

– Tiểu nữ mời Lưu đại tướng quân lên núi chơi, đã có Hoàng sư tỷ tiếp
đãi. Các vị đừng sợ. Lưu tướng quân bất quá tước mới đến Thận-hầu, mà
Hoàng sư tỷ là Lĩnh-nam Vương phi, địa vị cao quí biết mấy. Được Hoàng
sư tỷ tiếp kiến, hân hạnh lắm chứ?

Nguyên Lưu Long đã mệt, thình lình Trần-Quốc túm lấy chân y lôi xuống
đáy sông. Y ôm lấy nàng, định bóp cổ cho chết. Song Trần Quốc kinh
nghiệm thủy chiến, nàng buông y ra. Y vừa định trồi lên, nàng lại túm
chân y lôi xuống đáy sông, đánh một quyền vào đầu y. Y bị ngạt hơi, uống nước đầy bụng. Nàng lặn dưới nước, kéo y đến bờ sông, rồi vác chạy lên
núi.

Mã Vũ hỏi Tiên-Yên nữ hiệp:

– Ta nghe nói, ngươi tên Trần-thị Phương-Chi, có biệt hiệu Tiên-yên nữ
hiệp. Ngươi gọi Trần Đại-Sinh bằng chú. Võ công phái Sài-sơn của ngươi
nổi danh thiên hạ. Vậy ngươi có dám đấu với Lâu-thuyền đại tướng quân
Đoàn Chí của ta không?

Cao Cảnh-Sơn bàn với Hoàng Thiều-Hoa:

– Võ công của cháu thuộc phái Cửu-chân, khắc chế với võ công
Trung-nguyên. Vậy cháu thử đấu với bọn chúng xem sao. Bất cứ giá nào,
chúng ta cũng không để nhục cho Lĩnh Nam.

Hoàng Thiều-Hoa thủng thẳng xuống đồi. Nàng nói với Mã Vũ:

– Dương-hư hầu. Ta sẵn sàng đấu với Nam-dương hầu.

Đoàn Chí không coi Hoàng Thiều-Hoa vào đâu. Y nói:

– Vương phi là phận gái, Đoàn mỗ dành cho Vương-phi một cơ hội. Nếu
Vương-phi đỡ được ba chưởng của Đoàn mỗ, coi như Đoàn mỗ thua.

Hoàng Thiều-Hoa gật đầu:

– Đa tạ Đoàn tướng quân. Ta phát chưởng đây.

Nàng tiến lên một bước, phát chiêu Thiết kình phi thiên của Cửu-chân.

Đoàn Chí thấy thế chưởng hung hiểm, vội vận khí chống trả. Bình một
tiếng. Hoàng Thiều-Hoa cảm thấy như trời long đất lở, khí huyết chạy
nhốn nháo trong người. Nàng bật lui hai bước để hòa giải kình lực của y. Trong khi đó Đoàn Chí cũng cảm thấy cánh tay tê dại. Y khám phá ra
chiêu thức của Thiều-Hoa hung hiểm, khắc chế với võ công của y.

Hoàng Thiều-Hoa hít một hơi chân khí, nàng phát chiêu Hải Triều lãng
lãng lớp thứ nhất. Đoàn Chí thấy chưởng pháp hung dữ kinh khiếp. Y vận
đủ mười thành công lực đỡ. Bình một tiếng. Cả hai cùng lui lại ba bước.
Hoàng Thiều-Hoa phát lớp thứ nhì. Lớp này mạnh gấp đôi lớp trước. Đoàn
Chí vận hết sức, hai chưởng của y cùng đẩy ra một lúc. Bình một tiếng,
Hoàng Thiều-Hoa bay vọt về sau hơn hai trượng, đứng trước mặt Tiên-yên
nữ hiệp.

Đoàn Chí thấy thắng thế. Y vọt theo đánh liền hai chưởng. Công lực Hoàng Thiều-Hoa gần bị tuyệt. Song nàng nghiến răng phát lớp thứ ba, thứ tư
đỡ chưởng của y. Nhưng công lực của nàng đã cạn, chưởng không ra. Nàng
phát chưởng đúng lúc Tiên-yên nữ hiệp đưa tay đỡ vào lưng nàng. Bà vận
khí theo Tăng-Giả Nan-Đà dạy Vô ngã giả tướng. Thiều-Hoa cảm thấy trên
lưng mình có một luồng nội lực nhu hòa mạnh đến long trời lở đất truyền
vào cơ thể. Chưởng của nàng phát ra mạnh như thác đổ. Bình, bình. Đoàn
Chí bật lùi lại sau đến hai trượng. Y bị lộn hai vòng, miệng ứa máu ra.

Mã Vũ chạy lại đỡ y lên. Y chỉ còn thoi thóp thở.

Bây giờ Tiên-Yên nữ hiệp mới biết Thiền-công Tăng-Giả Nan-Đà dạy mình
mạnh đến khủng khiếp. Bà cảm thấy tự hào, yên tâm. Bà nói với Mã Vũ:

– Các vị thua hai trận. Không biết các vị có giữ lời hứa không?

Mã Vũ thấy Đoàn Chí thua trong trường hợp kỳ lạ. Y định biện luận, song không biết cãi theo lẽ nào.

Mã Vũ quay lại nói với hai viên kị binh đứng cạnh mấy câu. Hai tên này gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Mã Vũ nói:

– Được, ta tha cho các ngươi xuống núi. Vậy các ngươi hãy buông tha người của chúng ta đi.

Tiên-yên nữ hiệp cười:

– Bên các vị giữ lời hứa, bên tôi cũng phải giữ lời hứa. Khi chúng tôi
xuống núi, thì sẽ thả Lưu tướng quân ra ngay chứ giữ làm gì? Xin Mã
tướng quân vui lòng tha Sún Lé trước đi.

Mã Vũ vẫy tay, đoàn thiết kị lui xuống chân đồi, để đám Lĩnh-nam đi. Tới chân núi, Tiên-Yên nữ hiệp sai mở trói cho Lưu-Long để hắn về bên Hán.
Mã Vũ thả Sún Lé ra.

Giữa lúc bà cùng đám anh hùng Lĩnh-nam chuẩn bị lên đường, thì từ phía
trước một đoàn người ngựa đi tới. Bất giác bà reo lên, vui mừng. Đi đầu
là Lê Đạo-Sinh, cỡi ngựa rất oai nghiêm. Phía sau, là một cỗ kiệu. Hai
bên kiệu, có ba thiếu nữ xinh đẹp cỡi ngựa đi kèm. Bên cạnh còn có
Đức-Hiệp, Hoàng Đức... tất cả sáu đệ tử của Lê Đạo-Sinh. Lạ một điều còn Phật-Nguyệt đi theo nữa.

Hoàng Thiều-Hoa vẫy tay cho bọn mình tránh sang một bên quan sát.

Lê Đạo-Sinh hỏi lớn:

– Đạo thiết kị nào đó? Ai là người cầm đầu, xin lại tương kiến.

Lưu Long tuy bị Giao-long nữ nhận chìm dưới nước, song y không bị thương nặng. Y tiến lên nói:

– Bô-lỗ đại tướng quân, Lâu-thuyền tướng quân, Chinh-viễn đại tướng quân vâng thánh chỉ cung nghinh thánh giá Hàn thái-hậu.

Lê Đạo-Sinh nói lớn:

– Quảng-châu Thứ sử Lê Đạo-Sinh, lĩnh Trấn-viễn đại tướng quân cùng các
Thái thú Nam-hải, Tượng-quận, Quế-lâm, Cửu-chân, Nhật-nam, Giao-chỉ hộ
giá Thái-hậu về triều.

Mã Vũ hô lên một tiếng, tất cả đám thiết kị cùng quì gối tung hô lớn:

– Bọn hạ thần vâng thánh chỉ cung nghinh thánh giá Thái-hậu.

Trên kiệu, màn mở ra, một thiếu phụ tuyệt sắc nói nhỏ nhẹ:

– Miễn lễ!

Mã Vũ ra lệnh, tất cả cùng đứng dậy. Hàn Tú-Anh hỏi:

– Hoàng thượng đã tới chưa?

Mã Vũ cúi đầu tâu:

– Hoàng thượng cho bọn thần tới đây cung nghinh trước. Hoàng-thượng sẽ
cùng tam công và đại thần đến sau. Xin Thái-hậu đình giá lại nghĩ mệt,
chờ Hoàng-thượng.

Phía bên này, Phật-Nguyệt truyện trò với Thiều-Hoa. Hoàng Thiều-Hoa kể sơ mọi truyện cho Phật-Nguyệt nghe.

Hoàng Thiều-Hoa gặp lại Hàn Tú-Anh, hai người nắm tay nhau truyện trò.
Hai người khóc khóc cười cười. Họ đều là đệ nhất mỹ nhân. Một người là
Thái-hậu, một người là Vương phi. Thái-hậu làm mẹ của đại thù Lĩnh Nam.
Còn Vương phi là người phản Hán phục Việt. Thái-hậu là mẹ chồng
Vương-phi. Hai người tạm thời quên đi tất cả những gì phức tạp. Họ chỉ
còn con tim đầy tình thương mà thôi. Hàn Tú-Anh đầy thương cảm Trần
Tự-Sơn. Thiều-Hoa là vợ Sơn, tình yêu man mác như gió xuân, kể sao cho
xiết.

Bọn Mã Vũ, Lưu Long, Đoàn Chí mới mấy giờ trước đây còn lo vây bắt nhóm
người Lĩnh Nam. Bây giờ phải quì gối răm rắp trước Hàn Tú-Anh. Còn Hàn
Tú-Anh lại tỏ thân thiết với nhóm Lĩnh Nam. Trên ngọn núi nhỏ, tình yêu, thù hận, lẫn lộn khó tả.

Hàn thái-hậu bảo Lê Đạo-Sinh:

– Trấn-viễn đại tướng quân, hãy ra lệnh cho chư quân tuyệt đối không được gây sự với anh hùng Lĩnh Nam tại đây.

Mã Vũ ra lệnh cho đoàn thiết kị đóng dưới chân đồi. Trên đồi Hàn
thái-hậu cùng với nhóm Lê Đạo-Sinh, nhóm anh hùng Lĩnh Nam nghỉ chân.
Hoàng Thiều-Hoa thân với Hàn Tú-Anh nhất. Vì họ là mẹ chồng nàng dâu.
Hai người ngồi kể lể hết những gì xảy ra trong khi xa cách. Trước đây Mã thái-hậu định gả công chúa Vĩnh-Hòa cho Nghiêm-Sơn. Nhưng sau nghe
Nghiêm lấy vợ Việt, bà mới bỏ ý định ấy. Vĩnh-Hòa, Lý Lan-Anh và Chu
Thúy-Phượng đều cho rằng Thiều-Hoa không thể nào đẹp bằng công chúa. Bây giờ thấy nàng đẹp một cách huyền ảo, lại khỏe mạnh, đi đứng nhẹ nhàng,
tiếng nói thanh tao, nhu nhã. Họ biết nhan sắc đã thua nàng rồi, huống
hồ nàng còn có bản lĩnh vô địch. Một đại tướng quân.

Thiều-Hoa làm Vương-phi lâu ngày. Nàng biết cung cách xưng hô, đối xử
với Công chúa Vĩnh-Hòa hết sức lễ phép. Đối với Lý Lan-Anh, Chu
Thúy-Phượng thân ái, niềm nở. Nên chẳng mấy chốc, nàng đã chiếm được cảm tình của họ.

Lục Sún ngồi điều khiển đoàn Thần-ưng bay lượn trên cao thao diễn trông
rất đẹp mắt. Trước nay đám Tương-dương thấy bên Lĩnh Nam có đoàn
Thần-ưng tham chiến trận Xuyên-khẩu, Bạch-đế, họ tưởng rằng khả năng
chúng chỉ có vậy thôi. Bây giờ họ mới được thấy Lục Sún chỉ huy phát
xuất hết khả năng. Với sáu trăm Thần-ưng, vừa rồi đã làm cho năm trăm
Thiết-kị không sao lên núi được. Trước sau hơn hai trăm Thiết-kị vừa bị
chết vừa bị thương. Mà Thần-ưng chỉ chết có hai mạng.

Lưu Long nói:

– Lĩnh Nam nhiều người tài như vậy, không trách họ đánh đâu thắng đó.

Bọn Phương-Dung giả làm thị vệ, di chuyển giữa đoàn thiết kị dễ dàng.
Nàng đã biết tất cả mưu kế của Quang-Vũ trong đêm trước. Nàng lẳng lặng
chờ đợi biến cố sắp diễn ra. Vì vậy, nàng bảo mọi người không nên ra mặt vội, chờ xem sao. Bọn nàng leo lên đỉnh núi, tuyệt không ai nghi ngờ.
Duy có Tiên-yên nữ hiệp thắc mắc mà thôi. Bà thấy bốn tên thị vệ đi dưới mấy cây, trên có đoàn Thần-ưng đậu, mà chúng không kêu lên như thường
lệ.

Nguyên đoàn Thần-ưng, mỗi khi đậu đâu, có người lạ đến gần, chúng ré lên đánh đuổi. Bây giờ chúng thấy bọn Phương-Dung, chúng biết họ là người
nhà. Chúng im lặng.

Tiên-Yên nữ hiệp vẫy tay gọi Sún Rỗ tới nói nhỏ:

– Coi chừng bốn tên thị vệ kia, chúng đang đi vào giữa trận của Thần-ưng đậu. Có thể có biến cố xảy ra.

Sún Rỗ ghé sát miệng vào tai bà nói nhỏ:

– Bốn người đó là sư bá Cao Cảnh-Minh, Đặng Đường-Hoàn, sư tỷ Trần Năng, Phương-Dung chứ ai đâu lạ.

Tiên-Yên nữ hiệp kinh ngạc:

– Sao cháu biết?

Sún Rỗ cười:

– Bọn cháu nghe tiếng bước chân đi của họ, thì nhận ra ngay.

Nguyên Lục Sún tính tinh nghịch, ưa phá. Vì vậy khi cùng nghịch ngợm gì, chúng lắng tai nghe bước chân của những người tiến lại phía chúng, để
còn đề phòng. Vì nghe lâu ngày, môn nghe bước chân trở thành tuyệt kỹ võ công của chúng. Cho nên khi chúng nằm dài trên bãi cỏ, thấy bọn thị vệ
đi lên, chúng có ý nghi ngờ. Chúng định ra lệnh cho Thần-ưng tấn công.
Sau thấy bước đi của họ quen thuộc, chúng nhận bước đi từng người một.
Chúng ra hiệu cho nhau.

Chúng biết Phương-Dung ưa hành sự bí mật, thấy nàng hóa trang, chúng cũng lờ đi như không biết gì.

Sún Lùn lại bên Hoàng Thiều-Hoa, nó ôm cổ nàng cúi xuống. Ghé miệng vào tai nàng nói nhỏ:

– Bốn người kia là sư bá Đặng Đường-Hoàn, Cao Cảnh-Minh, sư tỷ Trần Năng, Phương-Dung. Sư tỷ có muốn nói gì với họ không?

Hoàng Thiều-Hoa mừng quá, bảo nó:

– Em làm bộ theo họ lên đỉnh đồi, hỏi sư tỷ Phương-Dung xem chúng ta phải làm gì?

Sún Lùn vâng lệnh, tiến lên đỉnh núi, chỗ bọn Phương-Dung ngồi. Tính tinh nghịch, nó tiến lại trước mặt Phương-Dung hỏi:

– Thái hậu ban chỉ dụ phải bắt hết Thị-vệ đem cho Thần-ưng ăn thịt. Vậy
phiền đại ca ra kia ngồi, để tôi kêu Thần-ưng đến xơi thịt đại ca.

Phương-Dung biết đã bị Lục Sún khám phá ra. Nàng cốc lên đầu nó một cái, hỏi:

– Tình hình thế nào? Tại sao lại bị bọn Mã Vũ đuổi bắt?

Sún Lùn kể:

– Sún Lé coi ngựa ở Lạc-dương, thì gặp đoàn thiết kị với Mã Vũ, Lưu
Long, Đoàn Chí đi tới. Lưu Long nhận được mặt Lé. Nó bắt sống Lé. Lé bị
bắt, song vẫn điều khiển Thần-ưng về báo tin cho bọn em. Sư bá Tiên-Yên
truyền lệnh đuổi theo Mã Vũ cứu Sún Lé. Vì vậy có cuộc giao chiến. Bảo
rằng thắng thì mình không thắng, còn bại thì mình không bại. Có điều sư
tỷ Giao-chi được phái vào Lạc-dương thám thính tin tức đại ca Trần
Tự-Sơn, nay không rõ ra sao. Chắc khi sư tỷ trở về đến Mang-sơn không
thấy bọn mình... thì lo lắng lắm đấy.

Phương-Dung dặn:

– Em nói cho tất cả bọn mình biết. Bất cứ trường hợp nào cũng không được động võ. Để bọn Lê Đạo-Sinh với Tương-dương tam hùng xuất thủ.

Sún Lùn giả vờ nói truyện với Phương-Dung mấy câu rồi nó đi xuống, ghé
tai nói với mọi người. Mọi người nghe biết mấy Thị-vệ là bọn Phương-Dung thì mừng vô hạn, họ an tâm chờ đợi.

Trời đã về chiều. Thần-ưng vẫn bay lơ lửng trên trời tuần phòng. Trong
Lục Sún, lúc nào cũng có một Sún trên cây, điều khiển Thần-ưng.
Thiều-Hoa cảm thấy yên tâm phần nào:

– Lục Sún trưởng thành rồi. Mình không cắt cử, chúng cũng biết chia phiên điều khiển Thần-ưng tuần phòng.

Nàng nhìn lên cây, người đang đứng trên ngọn cao vút là Sún Cao.

Không biết nó đã tìm thấy gì, nó hướng xuống dưới châu mỏ huýt sáo mấy
tiếng. Bọn Sún có thói quen: Bất cứ việc gì cũng do Phương-Dung điều
động hết. Còn bây giờ ở đây chúng không biết ai tổng chỉ huy? Chúng được Thiều-Hoa cưng chiều, trong lòng chúng cho Thiều-Hoa làm thủ lĩnh. Vì
vậy Sún Lé thấy Sún Cao thổi sáo, nó chạy lại ôm cổ Thiều-Hoa, ghé miệng vào tai nàng nói nhỏ:

– Sư tỷ, phía sau núi có năm người đang đi tới. Dường như người phe mình, vì vậy Thần-ưng báo cho biết.

Thiều-Hoa truyền miệng cho tất cả mọi người Lĩnh-nam biết.

Bỗng Sún Cao lại chỉa mỏ huýt sáo một tràng dài. Sún Lé hoảng hốt chạy lại bên Thiều-Hoa nói nhỏ:

– Sư tỷ, có nhiều binh mã từ Lạc-dương đang tiến tới đây.

Thiều-Hoa khẽ nói nhỏ với Hàn thái-hậu:

– Má má, có nhiều binh sĩ từ Lạc-dương sắp tới. Xin má má ra lệnh đề phòng vì có thể gặp biến cố bất ngờ.

Hàn Tú-Anh gọi Lê Đạo-Sinh:

– Trấn-viễn tướng quân hãy cẩn thận, có nhiều binh mã từ Lạc-dương tới.

Lê Đạo-Sinh cúi rạp người xuống:

– Thần xin tuân chỉ thái hậu.

Y quay lại nói với đệ tử:

– Các ngươi giữ vòng ngoài. Vòng trong do phía Lĩnh-nam vương phi phòng vệ.

Mặc dầu phân phối như vậy, song Lê Đạo-Sinh vẫn tự hỏi tại sao Hoàng
Thiều-Hoa biết có nhiều binh mã sắp tới. Y còn đang phân vân, thì từ
đằng xa bụi bay mịt mờ, kị mã rầm rập kéo đến. Phía trước đoàn kị mã, có một cây cờ lớn đề chữ Vũ-vệ đại tướng quân. Lê Đạo-Sinh đến trước Hàn
thái-hậu tâu:

– Tâu Thái hậu, kị binh của Vũ-vệ đại tướng quân Chu Hựu. Chắc Chu tướng quân đến tiếp xa giá Thái-hậu.

Hàn thái-hậu hỏi:

– Chu Hựu hiện giữ chức vụ gì trong triều?

Lê Đạo-Sinh đáp:

– Chu tướng quân là đại công thần. Người đã cùng Hoàng-thượng vào sinh
ra tử chiến đấu suốt bao năm qua để gây dựng lại nghiệp Hán. Tướng quân
được phong tước Nghi-dương hầu, ăn lộc bốn quận. Đây thuộc đất
Nghi-dương, là địa phận trấn nhậm của Chu tướng quân.

Chức của Hoài-nam vương là tướng quốc. Nhưng bên cạnh ông còn có Đại tư
mã Đặng Vũ.Theo quan chế nhà Hán, bên cạnh Hoàng-đế có nhiều vị tước
vương, công chỉ phong cho con, em Hoàng-đế, thảng hoặc lắm mới phong cho người ngoài có đại công như Trần Tự-Sơn. Các vương, công này thường làm vua một nước nhỏ. Đôi khi họ về triều giữ một vài chức vụ tối cao, như
trường hợp Hoài-nam vương Lưu Quang. Ông giữ chức vụ Tướng quốc. Ông
đóng vai trò phụ tá an ninh cho Hoàng-đế. Những chức vụ như vậy không có trong luật định, chỉ do Hoàng đế đặt ra mà thôi.

Thông thường Hoàng đế có ba phụ tá gọi là Tam-công, tức Tư-đồ, Tư-không
và Tư-mã. Tư-đồ lớn nhất rồi đến Tư-không, Tư-mã. Song trên thực tế,
Tư-mã coi toàn bộ quân đội, thường lấn áp hai vị tư kia. Hiện, Đại-tư-đồ là Đậu Dung, Đại-tư không là Tống Hoằng, Đại-tư mã là Đặng Vũ.

Vũ vệ đại tướng quân Nghi-dương hầu Chu Hựu tuy thống lĩnh quân mã một
miền Lạc-dương, nhưng y vẫn phải chịu dưới quyền Đại-tư mã Đặng Vũ.

Tổ chức quân sự hành chánh nhà Đông-hán rất chặt chẽ, vì sợ cái nạn đảo
chính như Vương Măng đã làm. Hoặc những vụ tương tự xảy ra như trường
hợp Vương Lãng, Xích-Mi.

Trước hết, Vũ-vệ đại tướng quân coi Ngự-lâm quân. Ngự-lâm quân đời
Đông-hán không phải là đội quân canh gác Hoàng-thành, mà là một đội quân trừ bị toàn quốc. Khi hoàng đế thân chinh đánh nhau, thì mang theo
Ngự-lâm quân đông tới hai mươi vạn. Chu Hựu hiện lĩnh chức này. Sau đó
đến các chức hiệu úy chỉ huy đội thị vệ hay gọi là cấm quân. Nói rằng
quân, chứ thực ra đoàn này gồm những vệ sĩ trong cung. Mỗi cung có một
hiệu úy coi thị vệ. Đúng ra thì Thị-vệ do nhà vua tuyển. Nhưng các bà
Thái-hậu, Hoàng-hậu, Thứ-phi đều tìm cách đưa con em vào đội thị vệ của
mình, để sai phái riêng. Không có một chức vụ nào coi tất cả thị vệ. Vì
vậy khi một đội thị vệ làm phản, sẽ bị các đội khác dẹp. Dù cả đoàn thị
vệ làm phản thì sẽ bị Ngự-lâm quân phản ứng. Nếu Ngự-lâm quân phản bội,
lại vướng phải binh lực của Thái-thú Lạc-dương, tổng trấn kinh thành
phản ứng. Ngoài ra Hoàng-đế còn có chức Điện-súy hiệu-úy, chỉ huy đội
thị vệ canh nhà vua. Khi vua sai chém ai, giết ai còn ra tay.

Hoàng Thiều-Hoa thấy vậy nhăn mày suy nghĩ:

– Việc đón Hàn thái-hậu đã có Lê Đạo-Sinh, Tương-dương tam hùng với năm
trăm thiết kị đã đủ. Tại sao còn có Chu Hựu mang quân tới? Có biến cố gì chứ không giản dị đâu. Nàng bảo Lê Đạo-Sinh:

– Trấn-viễn tướng quân xuống mời Chu-tướng quân lên triều kiến Thái-hậu.

Lê Đạo-Sinh cũng cảm thấy có điều gì không ổn. Y ngoắc tay cho Phong-châu song quái dẫn trăm kị binh đi xuống đồi. Y hô lớn:

– Hàn thái-hậu có chỉ dụ mời Chu tướng quân.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui