Trong mười lăm phút tiếp theo, những gì tôi làm là ngồi khóc trong sự vỗ về của mẹ.
Gánh nặng trong lòng tôi suốt hai mươi bốn năm qua rốt cuộc cũng có chỗ để giải tỏa.
Tôi không phải đứa dễ rơi nước mắt nhưng dù là ai cũng sẽ có những lúc yếu đuối thế này, tôi có cố gắng mạnh mẽ đến mấy cũng không kìm được nước mắt của mình.
Cảm xúc của tôi bị đè nén quá lâu, tôi đã luôn mơ và chỉ dám mơ đến ngày mình được gia đình chấp nhận chứ chưa bao giờ nghĩ nó sẽ thành hiện thực.
Tôi đã nghe qua rất nhiều chuyện, cũng từng xem qua không ít phóng sự, come out là chuyện sớm muộn nhưng hậu quả thực sự không cách nào đo lường được, hầu hết những ai come out đều sẽ rơi vào cảnh bị gia đình chối bỏ, chỉ một số ít mới được gia đình thông cảm.
Đáng buồn một chuyện là trong những gia đình chối bỏ, tỷ lệ những nhà có gia cảnh tương tự như nhà tôi lại không thấp, nguyên nhân bị chối bỏ không khó hiểu lắm, là lo ngại vấn đề sĩ diện của gia đình.
Trước khi được bố chấp nhận, tôi đã luôn canh cánh chuyện đó trong lòng, đến mức thi thoảng còn nằm mơ phải ác mộng rồi khóc thầm trong đêm.
Come out là một nỗi ám ảnh, do vậy tôi cảm thấy mình rất may mắn vì được gia đình chấp nhận tính hướng.
Đời này tôi không cầu gì hơn nữa đâu, thế này đã hạnh phúc lắm rồi.
Khóc được một hồi, tôi sụt sịt lấy khăn giấy thấm đi nước mắt, lớn rồi còn khóc nhè trước mặt cả nhà thế này thực sự xấu hổ quá, cả gương mặt tôi đỏ ửng lên, mẹ tôi thấy thế liền mỉm cười nói:
“Thế nào, đã giải tỏa hết nỗi lòng trong người con chưa?”.
Tôi e thẹn gật đầu, cổ họng bây giờ giống như bị cái gì đó chặn ngang nên tôi không thể nói thành lời được.
Vì tôi vẫn còn lo lắng một người, đó là anh trai tôi – Tử Nam.
Bố mẹ chấp nhận tính hướng của tôi là chuyện tốt nhưng tôi không rõ thái độ của anh trai.
Mặc dù mẹ nuông chiều tôi thật nhưng từ nhỏ đến lớn, anh ấy mới thực sự là người thân thiết với tôi nhất, nếu ai đó có ghét tôi vì tính hướng thì chưa bao giờ tôi mong người đó là anh ấy đâu.
Có điều với vẻ mặt hiện giờ, anh ấy chưa chắc đã có cùng thái độ với mẹ.
Giữa lúc này, anh ấy đột nhiên đứng dậy rồi đi thẳng lên trên phòng không nói một lời, hành động rất nhanh, trông như muốn bỏ chạy khỏi hiện thực.
Anh ấy cúi gằm đầu nãy giờ nên tôi không thấy rõ được nét mặt anh ấy ra sao nhưng có lẽ tức giận thật rồi.
Mẹ định gọi anh ấy nhưng tôi lại can ngăn, dù sao mỗi người đều có ý kiến của riêng mình, tôi không thể cưỡng ép mọi người phải chấp nhận mình.
Một lát nữa tôi sẽ nói chuyện riêng với anh ấy sau, còn bây giờ phải nói chuyện với mẹ đã.
“Con ngạc nhiên lắm phải không? Chuyện mẹ biết con đồng tính ấy”, mẹ mỉm cười hỏi.
“Dạ, thực ra bố có nói cho con biết từ trước rồi nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên một chút”, tôi gãi đầu đáp lại.
“Quả nhiên, bố con đã biết chuyện rồi, thảo nào ban nãy con không gọi bố mà chỉ gọi mẹ với Tử Nam”, mẹ thở nhẹ một hơi, đồng thời ánh mắt cũng híp lại nhìn sang bố.
Tuy rằng tôi đã tự nhủ sẽ bỏ đi thói quen đọc ánh mắt nhưng mọi người biết đấy, tầm mắt của mẹ không chênh với tôi bao nhiêu, mẹ nhìn bố thế nào tôi đều thấy rõ.
Ánh mắt ấy tựa như đang biểu thị “tối nay anh ra sô pha nằm được rồi đấy”.
Tôi giả vờ không thấy, sau đó lại cố gắng lái câu chuyện sang một hướng khác để mẹ không phải lườm bố nữa.
Tôi ngồi giữa hai người cũng cảm thấy ngột ngạt lắm, may mắn mẹ không tiếp tục nhìn bố nữa mà quay sang hỏi han tình hình của tôi, nhất là chuyện người yêu.
Đến tận bây giờ, tôi đã hẹn hò hơn hai năm, mặc dù không tính là lâu nhưng tình cảm phải đủ sâu đậm mới có thể kéo dài đến mức này.
Cá nhân tôi đã vượt qua bóng ma “chóng chán” năm nào rồi nên tương đối cảm khái vì có thể kéo dài mối quan hệ đến giờ.
Thậm chí mỗi khi ở bên Hải Minh, tôi chỉ mong thời gian đừng trôi qua nữa mà hãy đứng yên lại để tôi có thể ôm ấp anh ấy nhiều hơn.
Tôi kể cho bố mẹ khá nhiều chuyện, từ việc tôi phát hiện bản thân mình là người đồng tính từ lúc nào, rung động đầu đời là với ai, đến việc lén lút hẹn hò hồi cuối cấp ba với người yêu cũ cũng không ngoại lệ.
Tôi còn không quên đề cập đến việc bóng ma tâm lý đã ám ảnh tôi mấy năm liền như thế nào, cho đến ngày tôi gặp được anh ấy.
Nhắc đến anh ấy, giọng của tôi không khỏi dịu dàng hơn mấy phần.
Tôi kể cho mẹ không ít về điểm mạnh của anh ấy, tựa như đẹp trai cỡ nào, giỏi giang ra sao, tốt tính thế nào.
Mặt khác, anh ấy chăm sóc tôi rất kỹ, nhất là vào những ngày tháng giao mùa, khi đó, tôi rất dễ bị bệnh do hệ miễn dịch kém.
Mỗi khi bị bệnh, đầu óc tôi cứ ong ong đến chóng mặt, cả người mệt mỏi rã rời, muốn làm gì cũng không được.
Tôi nhớ có lần mình ngất đi vì phát sốt bốn mươi độ vào nửa đêm, anh ấy đã nháo nhào bọc tôi lại trong chăn rồi ôm đến bệnh viện.
Lúc ngồi trong xe taxi, anh ấy luôn sốt ruột hối bác tài đi nhanh, còn một bên thì dịu dàng thủ thỉ từng lời một vào tai tôi như “sắp đến rồi”, “em cố chịu đựng thêm chút nữa” hay “có anh ở đây rồi”.
Nhớ đến ngày đó, khoé miệng tôi nhịn không được mà giương cao đầy hạnh phúc.
Chưa kể, sau khi tôi khỏi bệnh, anh ấy cũng bắt đầu dùng số tiền tiết kiệm để đi học lái xe, tôi có xe ô tô nhưng anh ấy lại không biết lái nên đành phải gọi taxi.
Mà taxi thường không đến nhanh như thế đâu nên anh ấy đợi rất sốt ruột, sau khi suy nghĩ nguyên một đêm ở bệnh viện, anh ấy quyết định đầu tư một khoản để học lái.
Khi biết tin, tôi liền xót anh ấy nhưng lại không biết nên khuyên nhủ thế nào, dù sao anh ấy lo cho tôi mà.
Số tiền anh ấy dùng để học thực tế là tiền tiết kiệm để mua lại con mô tô từng chở tôi đi vào ngày lễ Valentine năm nào.
Anh ấy thích nó lắm, cho dù có mua lại thì giá cũng không rẻ.
Anh ấy vì tôi mà trả giá, tôi đương nhiên hạnh phúc nhưng tôi không muốn anh ấy bị thiệt thòi, cho nên bản thân đã âm thầm tiết kiệm một khoản tiền, bao giờ anh ấy bắt đầu có ý định mua lại xe thì tôi sẽ thuyết phục.
Nhìn thấy gương mặt hạnh phúc của tôi khi kể chuyện, mẹ mỉm cười nói:
“Cũng may có thằng bé ở bên, nếu không mẹ thật không yên tâm để con sống một mình”.
“Mẹ này, con cũng lớn rồi mà”, tôi xấu hổ đáp.
“Lớn cái gì, trong mắt mẹ, con chỉ là một đứa trẻ lớn xác thôi.
Chưa kể, trong tình huống bị bệnh, ngoại trừ gia đình cùng người yêu, những người còn lại nhiều lắm chỉ giúp đỡ bằng cách cho con mấy viên thuốc hạ sốt là cùng.
Nếu gặp phải tình huống phát sốt giữa đêm như vậy thì ai sẽ đi để ý con đây?”, mẹ nghiêm giọng răn dạy, vào những giây phút như thế này, mẹ thật sự chẳng “nương tay” với con trai cưng một chút nào.
Nhưng nói gì thì nói, lời của mẹ hoàn toàn đúng, do thường xuyên điều trị thuốc tây từ nhỏ, hệ miễn dịch của tôi kém hơn người bình thường, mỗi khi trở trời là tôi dễ mắc bệnh, ở một mình thực sự không ổn.
Cũng may có anh ấy nên tôi mới thuyết phục được bố để nói giúp với mẹ, từ đó mới có cơ hội để rời khỏi nhà mà bắt đầu cuộc đời của mình.
Tôi không nói ở nhà sẽ không “bắt đầu cuộc đời” được nhưng tôi không thể suốt ngày cứ nhận sự bảo bọc từ bố mẹ, nhỡ đâu ngày sau cả hai già đi thì tôi phải làm sao đây.
Tôi cần phải trưởng thành, cho nên mới nghĩ đến chuyện tự lập.
Lắng nghe răn dạy được một hồi, mẹ nắm lấy tay tôi mà nhẹ giọng nói:
“Nói gì thì nói, con cùng Minh ở cạnh nhau thế này cũng khiến mẹ yên tâm, chỉ có điều, về sau không biết mẹ nên nói với Hằng thế nào đây.
Hằng không dễ chấp nhận chuyện như vậy sớm đâu”.
Tiện thể, mẹ của anh ấy tên là Hằng, là phó giám đốc bệnh viện thành phố.
“Mẹ ơi, thực ra … bác Hằng biết chuyện rồi ạ”, tôi thấp thỏm đưa một tay lên áy náy nói.
“Cái gì? Hằng biết rồi?”, mẹ giật mình, sau đó lại nhìn sang bố, phát hiện bộ mặt của bố vẫn bình tĩnh như thường thì không hiểu sao, khoé miệng lại có phần hơi nhếch lên.
Nhờ đó gương mặt của bố liền có phần lúng túng.
Lần này không phải lỗi của tôi, là bố lơ là để mẹ phát hiện.
Xem chừng đêm nay bố ra sô pha nằm thật rồi.
Ngồi một bên, bố cố tình lảng tránh ánh mắt của mẹ rồi khụ khụ mấy tiếng hỏi:
“Vậy thái độ của nhà bên đó đối với con như thế nào?”.
“Dạ, bác gái đã chấp nhận quan hệ của chúng con rồi, còn bác trai thì con không chắc lắm, phải ngày mốt sang nhà mới biết được”, tôi ngượng ngùng đáp.
“Cái gì? Ngày mốt con ra mắt nhà Nguyệt rồi?”, một lần nữa, mẹ lại giật mình.
Nghĩ lại cũng đúng, chuyện tôi nói toàn chuyện lớn, hơn nữa đã ra “kết quả” hết nên mẹ không thể can thiệp quá trình mà “giảm xóc” tâm trạng.
“Vâng, bác ấy có nhắn với con, bảo tối ngày mốt sang nhà ăn một bữa cơm”, vừa đáp, tôi vừa lấy điện thoại mở lại đoạn tin nhắn đó rồi đưa cho bố mẹ xem.
Một lát sau, mẹ đưa tay lên lay một bên thái dương mà não lòng, sau đó lại nói với tôi:
“Mẹ cùng Tử Nam là người biết sau cùng phải không?”.
Lời vừa ra, trong lòng tôi liền lộp độp mấy tiếng, tôi thật sự muốn quay lại quá khứ mấy phút trước rồi vả thẳng vào miệng mình quá, cứ nghĩ là giấu được, cuối cùng lại lộ.
Quả nhiên cái kim trong bọc có ngày cũng lòi ra mà.
Tôi áy náy nói:
“Con xin lỗi, là con không đủ dũng cảm để nói ra từ đầu”.
Nghe vậy, mẹ liền thở dài rồi xoa đầu tôi đáp:
“Mẹ không giận con đâu, con có nỗi khổ của riêng mình mà.
Nhưng riêng chuyện của Hằng, mẹ phải hỏi lại cho kỹ mới được”.
Vừa dứt lời, mẹ lập tức trở về phòng, tựa hồ sẽ gọi điện cho mẹ anh ấy để xâu chuỗi lại mọi chuyện.
Bố tôi thấy thế liền lắc đầu cười khổ rồi vỗ vai tôi, sau đó mới trở về phòng.
Cả phòng khách bốn người nay chỉ còn mỗi mình tôi, trong lòng không khỏi cảm thấy trống vắng nhưng ải bố mẹ đã qua rồi, bây giờ tôi chỉ còn mỗi ải của anh trai thôi.
Nhìn về phía cầu thang, một lần nữa tôi lại lo lắng, trong lòng mặc niệm mấy câu:
“Tử Nam, anh đừng ghét em đấy”.