Không biết ai đã từng có cảm giác tự đánh mất chính mình không? Chứ riêng tôi thì tôi đã có kinh nghiệm này. Không những chỉ đánh mất chính mình mà còn đánh mất cả một quá khứ mười chín năm của một cô gái có tên Mẫn Ức My. Thân thế, thể xác tất cả điều biến thành một dấu hỏi lớn.
Tôi là người không thích phân tích vấn đề, nhưng với Trung Đan thì lại khác. Khi đem mọi việc kể lại một cách tỉ mỉ cho chàng nghe, và sau khi chàng suy nghĩ cặn kẽ thì tôi như rơi vào trong đỉnh sa mù.
Lửa được khơi lên, căn phòng ấm cúng vô cùng. Trung Đan và tôi ngồi bên ánh lửa, đêm đã khuya, chàng cầm tay tôi thân ái, hai vệt chân mày sậm và thẳng đang chau lại, hàng ngàn chú ngựa hoang đang vút qua trong óc chàng. Một lúc sau chàng trầm ngâm nói:
- Mong rằng rồi anh sẽ biết em là ai!
Tôi mơ màng:
- Em là ai ư? Một đứa con gái khổ sở, côi cút, không nơi nương tựa có tên là Mẫn Ức My, năm nay đúng 19 tuổi.
Chàng lắc đầu:
- Không giản dị như thế, em không phải là một Mẫn Ức My đơn thuần như vậy.
Chàng đưa tay lên xoa cổ, suy nghĩ một lúc lại hỏi:
- Thế em còn nhớ rõ mặt cha không?
Tôi đáp:
- Chẳng nhớ rõ lắm, chỉ nghe nói cha học rất giỏi, bản chất nghệ sĩ nhưng yếu đuối, suốt năm bệnh hoài, chỉ nằm dài trên giường đọc sách.
- Thế em có giống cha không?
Tôi chỉ lên bức hình chụp cả gia đình hỏi:
- Anh nhìn xem có giống không?
Chàng lắc đầu:
- Anh không thấy giống lắm. Ức My, anh vừa tìm được một giả thuyết thật táo bạo.
- Thế nào?
- Nhưng đây chỉ là giả thuyết thôi nhé. Vừa nói chàng vừa nhìn sâu vào mắt tôi - Anh nói ra em đừng giựt mình, tuy không đúng lắm nhưng giải thích được nhiều nghi vấn.
- Thì anh nói xem!
Chàng siết chặt tay tôi, nói từng chữ một:
- Giáo sư La Nghị chính là cha của em!
Tôi nhảy thót la to:
- Đừng nói bậy!
- Đừng xúc động. Hãy suy nghĩ cho kỹ em sẽ thấy giả thuyết của anh không hoàn toàn vô lý. Này nhé, em nói tính của mẹ rất nóng nảy, cứng rắn sao lại mang con đến gởi nhờ giáo sư La Nghị? Nếu không có một quan hệ đặc biệt nào, thì làm sao bà ấy biết chắc là giáo sư sẽ nhận em? Đó là điểm thứ nhất. Bà Nghị đối với em lúc nào cũng như thù nghịch, rất nhiều sự kiện có thể chứng tỏ điều này. Em lại thường làm cho bệnh bà ấy tái phát, nguyên do tại sao? Nhất định là bà Nghị biết rõ thân thế của em nên ngầm ghen ghét, không những ghét em thôi, mà còn ghen ghét cả mẹ em nữa, đó là điểm thứ hai, Hạo Hạo quỳ lụy để chinh phục em, giáo sư La Nghị cũng thương em, nếu lấy tình cha và con, thì nhất định ông ấy phải cố gắng kết hợp em với Hạo Hạo mới đúng, thế tại sao ông ta lại vô lý ngăn cấm và phản đối? Tại sao? Có phải em với Hạo Hạo là anh em khác mẹ chăng? Đó là điểm thứ ba...
Tôi cắt ngang:
- Đừng nói nữa, theo điều anh phân tích, mẹ em, bạn thân của bà Nghị, lại dan díu với ông Nghị rồi sinh ra em. Còn người trên hình chỉ là người cha danh nghĩa phải không? Tóm lại em chỉ là đứa con rơi mà giáo sư La Nghị là người không có trách nhiệm...
Trung Đan xen vào:
- Hoặc là, có thể mẹ em không muốn ông ấy gánh trách nhiệm đó!
Tôi yên lặng suy nghĩ, điều này rất hợp bản tính của mẹ. Mang đứa con rơi lặng lẽ bỏ đi ãi đến khi thấy đời mình sắp kết thúc mới giao hoàn lại cho cha nó. Tôi cắn chặt môi, rùng mình. Giải thuyết này sao gần như sự thật vậy. Nhưng dầu sao tôi cũng không chấp nhận được. Đứng dậy lẩn quẩn đi một vòng quanh phòng rồi đứng lại trước mặt Trung Đan, tôi nói:
- Anh nói chuyện vô căn cứ, tất cả đều không đúng. Anh muốn tiểu thuyết hóa đời em đấy à?
Trung Đan nhìn tôi:
- Nhiều lúc anh thấy em rất thực tế, nhưng nhiều lúc anh thấy em luôn trốn tránh sự thật!
Mẹ cũng đã từng nói như vậy. Tôi nghĩ có lẽ tất cả mọi người đều có bệnh đó cả, với những việc mình thấy không thể chấp nhận được, tôi đều cố tình trốn lánh. Tôi nói miễn cưỡng:
- Anh Trung Đan, điều anh nói không có chứng cớ, đó chỉ là một giả thuyết kia mà.
- Đúng thế, Trung Đan đáp - Nhưng anh nghĩ rằng, nếu em chịu để cho anh một thời gian, anh sẽ tìm ra chứng cớ ngay.
Chàng trầm ngâm một lúc.
- Giáo sư La Nghị có một thói quen là đem tất cả những đồ đạc của ông dồn vào hộc tủ. Trong ấy biết đâu chẳng có những chứng minh về thân thế của em? Có lẽ ông và bà Nghị cả hai người đều không muốn em biết rõ sự thật về thân thế của mình, anh muốn nói em là con ruột của ông Nghị. Thế thì hôm nay bà Nghị vào nơi đó có phải lục lọi tất cả những chứng tích kia đem thủ tiêu hay chăng? Rồi không may lại gặp em, nên bà ấy vội lánh mặt và theo dõi những hành động em làm...
Tôi không yên tâm:
- Trung Đan, anh nhiễm tiểu thuyết trinh thám quá nhiều, một lúc nữa anh sẽ cho là bà Nghị giả điên để dự mưu giết chết em.
- Tại sao lại không thể có chuyện đó!
Trung Đan xác nhận ngay. Tôi hoảng hốt:
- Anh Trung Đan, anh đừng làm em sợ.
Trung Đan đứng dậy, vòng tay ôm tôi vào lòng, cằm chàng cọ lên tóc tôi, chàng nhẹ nhàng nói:
- Hãy nghe đây Ức My, anh không bao giờ muốn dọa em, anh chỉ muốn em hiểu và đề phòng mọi việc. Bà Nghị thật sự có bất bình thường. Trước khi em đến đây bà ấy cũng đã mang bệnh rồi, bệnh thật chớ không phải giả vờ. Nhưng kể từ ngày em đến đây, bà ấy càng lúc càng tỏ ra lạ lùng. Hôm nay bà bỗng nhiên lại muốn xiết cổ em, điều ấy càng làm anh nghi hoặc. Với người có thần kinh bất thường như vậy thật khó đề phòng. Ức My, hãy nghe anh, cố tránh xa bà ấy, đồng thời trước khi đi ngủ em đừng quên cài cửa lại. Anh thấy em thường hay quên lắm đấy! Cái đêm em và bà Nghị nói về Thố Ty Hoa đó, anh đứng ngoài cửa nghe trộm được là nhờ tiếng dép của bà Nghị đi về phiá phòng em, anh không an tâm, nên mới rón rén đi tới. Nói thật, lúc nào anh cũng nghi ngại.
Tôi vội bịt kín miệng chàng:
- Đừng nói bậy anh! Anh không biết anh muốn nói gì sao?
Trung Đan buông tôi ra, chàng ngồi xuống ghế, thở dài:
- Anh biết anh đang nói gì. nhưng mong cho tất cả những điều đó chỉ là những chuyện không tưởng.
Tôi cũng ngồi xuống, đối diện với chàng qua ánh lửa, lơ đảng nhìn ánh lửa bập bùng. Một miếng than sống lên khói, tôi vội lấy đũa bếp khều ra để tránh khỏi cay mắt. Lưng tôi lành lạnh như có con sâu bò trên ấy, cảm giác thật lạ lùng. Một lúc lâu cứ thế chúng tôi không nói gì thêm. Lấy đũa nguệch ngoạc trên than tôi nói:
- Thật tình em không muốn ở đây nữa, em muốn dọn đi và nghĩ rằng mình đã lầm khi chọn nơi này để ở.
- Có thật như vậy không?
Giọng nói của Trung Đan có vẻ thật đặc biệt, tôi vội ngẩng đầu lên thấy chàng đang ngấm nghiá bức hình Khởi Khởi thuở nhỏ.
Lấy tấm ảnh bỏ vào túi chàng nói:
- Nhờ em đến ở đây. Bằng không làm sao chúng ta quen biết nhau.
- Anh thích tấm ảnh này lắm à?
Tôi hỏi, máu ghen dâng đầy bụng. Trung Đan cười, vuốt nhẹ cằm tôi:
- Đúng vậy. Em ghen vì thấy anh cất tấm ảnh này à? Đừng lo, anh chỉ thích cô búp bê này, chiếc mũi nó xinh như mũi chim ục.
Đoạn chàng đứng dậy vỗ nhẹ lưng bàn tay tôi:
- Thôi Ức My, đi ngủ đi. Nhớ cài kỹ cửa lại em nhé.
Trung Đan bước ra cửa phòng, xoay chốt cửa bước đi, bỗng chàng quay lại hỏi:
- Ức My, đến tháng 7 năm nay em đã được 19 tuổi rồi phải không?
- Vâng!
Chàng nhép môi:
- Anh chưa biết ngày sinh nhật của em nhằm ngày nào!
- Hai mươi mốt tây tháng 7.
Chàng cười:
- Anh sẽ nhớ. Tuổi em với Khởi Khởi xê xích gần một năm đấy! Đến lúc đó anh sẽ tặng em một lố mèo con làm qua sinh nhật để đền bù chú Tiểu Ba nhé?
Tôi buồn buồn:
- Địa vị của Tiểu Ba không con mèo nào khác thế được. Nó có tội đâu mà họ lại không chấp nhận được con mèo tàn tật như thế?
Trung Đan cười:
- Lỗi tại Khởi Khởi, nếu cô ta được như em thì đã không giận hờn, phải không? Nhưng bản tính Khởi Khởi cũng tốt lắm, em đừng có vì chuyện nhỏ nhặt như vậy mà để lòng.
Tôi hểnh mũi:
- Tại sao anh lại chịu khó bênh vực cô ta quá vậy.
Nụ cười chàng mở rộng:
- Đừng chua ngoa như vậy. Bước về phiá hành lang, chàng nói với - Nhưng cái ghen kia đối với em thật bổ ích, giúp em không còn đầm đìa nước mắt nữa. Thôi ngủ đi! Anh bảo đảm với em là ngày mai, bao nhiêu bực mình đêm nay sẽ đi mất cả, đừng lo nhé!
Tôi đưa mắt nhìn bóng chàng khuất dần, mặc dù ngày mai có thể gặp nhau, nhưng tôi vẫn thấy như mình vừa mất mát một cái gì. Đóng cửa lại, gài thật chặt. Một lúc sau tôi nghe tiếng hát của Gia Gia từ dưới lầu, nhưng không hiểu từ vườn hoa hay hướng nào vọng lên:
Chẳng phải là sương, chẳng phải hoa.
Nửa khuya em đến sáng em về.
Đến như giấc mộng xuân không đợi.
Đi tựa mây trời, không định nơi.
Giữa đêm đông mưa gió lạnh lùng như thế này, tiếng hát nghe thê lương quá, lòng tôi thấy lạnh vô cùng. "Chẳng phải là sương, chẳng phải hoa. Nửa khuya em đến, sáng em về" Thế là thế nào? Không ai có thể biết được tâm trạng của Lý Bạch khi sáng tác câu thơ ấy, cũng như không ai hiểu được ẩn ý của ông khi viết câu thơ trên. Không phải là hoa, không phải là sương, mà lại có thể đến lúc đêm, ra đi lúc sáng? Vậy là gì? Một giấc mộng? một đoạn tình? Một linh hồn hay ma quỷ Đầu óc tôi càng lúc càng lờ mờ, rối rắm.
Buổi sáng, tôi thức giấc trong cái lạnh tê người, hai chân cóng lại. Từ khi chia mền gối cho Gia Gia chăn nệm không đủ sưởi ấm tôi.
Thức dậy, đầu nặng, mũi nghẹt chân chưa đụng đất thì tôi đã ách xì liền hai cái. Xuống lầu, giáo sư La Nghị đang ngồi ở bàn dùng điểm tâm. Phần ăn tôi được dọn ra, vừa ngồi xuống thì ách xì! ách xì! Tôi lại nhảy mũi, nước mắt, nước mũi theo nhau tuôn ra.
Giáo sư La Nghị bỏ tờ báo nhìn tôi:
- Sao vậy?
- Chắc bị cảm.
- Tại sao không đóng kín cửa sổ?
- Không phải thế, tại mền không đủ ấm.
- Mền không đủ ấm? Giáo sư chau mày - Không thể có chuyện đó được, tôi đã ra lệnh là mền gối của em, Khởi Khởi và Hạo Hạo như nhau kia mà. Thế sao em lại không nói sớm bộ muốn để đến lúc bệnh hay chết cóng rồi mới nói sao?
Tôi chăm chú nhìn ông. Người đàn ông râu tóc xồm xuề như vậy lại là cha tôi sao? Mền gối sắm sửa giống hệt của Hạo Hạo và Khởi Khởi? Ông đã chăm sóc cho tôi đặc biệt như vậy ư? Cúi đầu xuống ột miếng cơm vào miệng, tôi đáp:
- Đúng ra thì mền gối đầy đủ cả, nhưng hôm qua tôi đã chia bớt cho Gia Gia.
- Cho Gia Gia à? Giọng ông đầy vẻ ngạc nhiên - Tại sao vậy?
- Tôi không muốn nhìn thấy bà ta bị chết lạnh, phòng bà như lỗ băng, cửa kính lại vỡ, gió lùa vào đầy phòng.
Tôi ngừng lại, lỗ mũi nhột nhạt như muốn ách xì, nhưng vẫn không ách xì được. Mở rộng miệng, trừng mắt một lúc, cảm giác khó chịu mới bắt đầu biến mất.
- Tôi nghĩ là rất ít người chịu để ý đến cuộc sống của Gia Gia, bà ta thì không biết gì cả. Thưa giáo sư, tôi không hiểu trong những mùa đông trước bà đã sống ra sao?
Ông Nghị vẫn nhìn tôi, ông nói:
- Cô vẫn ưa xen vào chuyện nhảm!
Tôi cãi lại:
- Đó không phải là chuyện nhảm. Gia Gia cũng là người có thịt, có da, có cuộc sống, có tình cảm. Với đời sống của con người, tại sao ta không xem trọng?
Giọng giáo sư lạnh lùng:
- Bất cứ với cuộc sống nào, họ cũng phải tự ý thức lấy.
- Nhưng có những người, họ không thể tự gánh vác được, họ không có khả năng, giáo sư làm sao có thể trách họ được? Như Gia Gia, không chỉ Gia Gia thôi, ngay cả bác gái cũng thế, giống như...
Tôi ngừng lại không nói nên lời. Giọng giáo sư La Nghị tiếp:
- Giống như loại Thố Ty Hoa chăng? Thố Ty Hoa chỉ có thể tồn tại nhờ nơi những loài thực vật khác.
- Ơ! Tôi ngạc nhiên - Bác gái đã nói cho bác nghe à, tôi muốn thí dụ...
- Một thí dụ hợp thời. Ai dạy em những tư tưởng kỳ quái như vậy hở?
Tôi ngơ ngác lắc đầu:
- Tôi cũng không biết, có lẽ, trực giác cho như thế!
Ông Nghị không nói gì cả, cúi đầu xuống dùng hết phần ăn của ông. Tôi cũng cúi xuống dùng cơm, vừa ăn vừa phải chống trả lại dòng nước mũi chèm nhèm. Suốt bữa ăn tôi đã ách xì không biết bao lần, mỗi lần như vậy là ông phải nhìn tôi. Khi đã ăn xong, ngẩng đầu lên, thì bắt gặp giáo sư đang tựa lưng vào ghế nhìn tôi không chớp mắt. Tim đập mạnh, tôi hỏi:
- Thưa Giáo sư có biết nơi nào có cái tên là My Đàm không ạ?
Ông Nghị như bị chấn động, ông hỏi nhanh:
- Em nói gì?
Tôi lập lại:
- Giáo sư có biết nơi nào có cái tên là My Đàm chăng? Giáo sư có đến đấy lần nào không?
- My Đàm? Hàm răng ông nghiến chặt, râu tóc ông rung rinh - Thế em nghe ai nói đến cái tên đó vậy.
- Mẹ tôi có viết trên bức họa. Tôi đáp.
- Thế à. Tôi biết, đó là tên của một quận lỵ nhỏ trong tỉnh Quý Châu, phong cảnh đẹp lắm!
- Giáo sư có ở đấy không?
- Có một thời gian.
Tôi nghi ngờ:
- Thế khi mẹ tôi quen biết ông bà có phải cũng ở nơi này chăng?
Giáo sư La Nghị đứng thẳng lên, ném tờ bào lên bàn, vẻ mặt ông thật khó chịu:
- Cái gì? Ức My, em làm gì thế? Em muốn biết điều chi, muốn hạch hỏi tôi hả? Đừng có làm tài khôn nhé!
Nói xong, quay lưng về phiá cửa bước đi, bất thình lình ông quay lại, giọng nói có vẻ giận:
- Này Ức My, tôi nói em biết, hãy để hết tâm trí vào việc học đừng có lo ba cái chuyện nhảm như thế.
Giáo sư La Nghị đi rồi, tôi vẫn ngồi tựa lưng vào ghế, đờ người ra nhìn chén bát trên bàn. Giáo sư La Nghị là ai? Có phải là cha tôi chăng? Nghĩ lại, những điều dự đoán của Trung Đan có vẻ gần sự thật. Thế thì, mẹ tôi đã sinh tôi ra trong một hoàn cảnh không được danh dự lắm sao? "Mẫn" chỉ là một cái họ của một cái tên? Có thật không? Trời ơi! Không thể như vậy được! Tôi phải tìm ra một lý do đánh đổ lập luận đó. Mẹ tôi là một người đàn bà chánh trực, không thể có chuyện lăng nhăng với người đàn ông đã có vợ như thế. Nhưng chuyện tình cảm làm sao giải thích được? Tôi có bằng cớ nào mà bảo rằng mẹ tôi không hề làm chuyện đó chứ?
Lắc đầu thật mạnh, tôi không muốn nghĩ tiếp, nhưng lời Khởi Khởi như văng vẳng: - Chị là ai mà bỗng nhiên chạy đến đây làm dảo lộn cả cuộc sống bình lặng của gia đình này vậy. Bà Nghị cũng đã nói: - Em biết mẹ em là ai chăng? Nhất định là em phải biết. Vâng, bây giờ tôi đã hiểu rõ. Thân thế tôi không giản dị như tôi đã nghĩ, mà là cả một bí mật. Đứng giữa phòng ăn, tôi lẩm bẩm tự hỏi:
- Tôi là ai? Tôi là ai? Tôi là ai đây?
- Cô ấy à?
Có tiếng nói từ cửa phòng vọng lại.
- Tôi nghĩ, cô là sự kết hợp giữa yêu ma và tiên nữ.
Hạo Hạo đang đứng trước cửa phòng ăn, nhìn tôi cười. Khi thấy tôi ngẩng lên, mắt hắn sáng rực:
- Nghe nói hôm qua cô vừa thoát khỏi một trận khiếp đảm phải không Ức My?
- Khiếp đảm ư? Chẳng những khiếp đảm mà chút nữa tôi đã toi mạng.
- Nhưng chưa chết phải không? - Gã cười khì khì, bước về phiá tôi dò xét - Chỉ có một chuyện nhỏ như vậy mà làm cô xanh xao như vầy à?
Tôi ách xì một cái, rồi tiếp theo cái nữa. Đưa tay chùi chiếc mũi không thông tôi nói:
- Xanh xao như vầy là tại tôi bị cảm và mất ngủ.
- Mất ngủ à? Hắn thích thú - Thế có phải vì tôi chăng?
- Hứ! Hạo Hạo, anh không thể nói chuyện đứng đắn được sao? Lúc nào tôi cũng chỉ thấy anh đùa bỡn.
Ách xì thêm một cái, tôi tiếp.
- Hôm qua anh về trễ lắm à?
- Sao lưu tâm đến tôi quá như vậy. Hạo Hạo hỏi ngược lại.
- Hứ! Nói chuyện với anh thật khó khăn.
Hắn ngồi xuống bàn ăn, vẫn cười cười:
- Đáng ra cô nên mừng cho tôi. Tôi vừa tìm được bạn mới, lần này có lẽ sẽ hết lông bông.
- Có thật không?
- Thế cô mong điều ấy giả à?
Tôi không đáp, quay đầu đi ra. Hạo Hạo chạy theo chận đường, nắm vai tôi, mặt nhìn mặt, ánh mắt hắn long lanh, cau có, hình như gã đang giận. Tôi hỏi:
- Anh muốn gì?
Gã hầm hừ:
- Ức My, thật tôi không biết cô có ưu điểm nào, cô không đẹp, cũng không có vẻ từng trải lôi cuốn, bản tánh cố chấp và cứng đầu, cô có gì đâu? Ức My, cô là ai? Cô không phải là đứa con gái giản dị, mà là kết hợp của ma quỷ và thánh thần! Nhà họ La này mắc nợ gì của cô? Cô định khuấy rối cả gia đình này sao?
Tôi thắc mắc nhìn hắn. Hắn cũng nhìn tôi rồi thở dài đẩy tôi ra, quay đầu đi miệng lẩm bẩm.
- Mong rằng tôi đủ mạnh để không bị cô lôi cuốn nữa.
Tôi chau mày, gã lại đẩy tôi ra, cái đẩy quá mạnh khiến tôi muốn chúi nhủi, thái độ thật hung hăng, thật dã man, gã hét lớn:
- Cô lại làm ra vẻ đau khổ, bộ cô tưởng La Hạo Hạo này si tình lắm sao? Đừng nghĩ vậy mà lầm. Tôi chỉ đùa thế thôi. Thời này con gái nhiều quá mà, ai tôi chẳng yêu được, cô kể số gì! Ức My! Cô đừng đóng kịch nữa đừng có lo sợ cho tôi nữa cô nhé!
Tôi lẳng lặng nhìn hắn một lúc, xong vịn vai nhẹ nhàng hôn lên má hắn. Hành động của tôi càng khiến cho hắn giận dữ, Hạo Hạo đẩy mạnh tôi ra như vừa chạm phải nọc độc, rồi đưa tay xoa mạnh nơi bị hôn, miệng gã lẩm bẩm điều gì không rõ, y như giáo sư La Nghị.
Tôi nói:
- Anh Hạo, nếu điều tôi lo sợ là sự thật, thì sức mạnh vô biên anh mong mỏi sẽ đến.
- Cô nói gì thế?
Tôi lắc đầu, không đáp, bước khỏi phòng ăn, trở về phòng. Ngồi xuống ghế trước bàn học, mũi tôi vẫn còn nghẹt, lửa đỏ trong hỏa lò làm tôi nhức óc. Tôi thấy nhớ mẹ vô cùng, nhớ đến những ngày cùng sống với mẹ một mái nhà nhỏ hai mẹ con, một đời sống đơn sơ lặng lẽ. Nghĩ lại, cách đây cũng không lâu, khi còn kề bên mẹ, cái gì tôi cũng để ẹ quyết định, ngay cả việc thức giấc, chọn áo quần... Bây giờ, giữa một hoàn cảnh hỗn tạp rối rắm... Mẹ Ơi mẹ! Trước khi mẹ giao con cho nhà họ La này mẹ có dự đoán được những điều con sẽ gặp chăng?
Tối đến, Mạc Bính ôm một chồng mền lông và chăn trải lên giường vào đặt tất cả lên giường, nói với tôi:
- Ông chủ dặn cô tối nay ở nhà đừng đi đâu để ông gọi bác sĩ đến xem bệnh.
Tôi hơi kinh ngạc:
- Cảm có chút xíu mà cần gì mời đến bác sĩ. Trung Đan có mua thuốc rồi, tôi khỏe mạnh lắm đâu còn nhức đầu nữa đâu?
Mạc Bính trải giường cho tôi, khăn trải giường màu xanh nhạt xọc đen, mền ny lông nền vàng hoa đỏ, tất cả đều mới toanh. Mạc Bính cười nói:
- Chính ông chủ xuống phố mua đấy! Tôi làm cho nhà này đã lâu, đây là lần đầu tiên tôi thấy ông chủ mua sắm. Hồi nào tới giờ chỉ có chúng tôi đi chọn hàng mà thôi.
Nó lại cười khoan dung.
- Ông chủ không biết giá, mua mắc hơn cả trăm bạc.
Mạc Bính vưa nói vừa nhìn tôi với tia mắt vừa lạ lùng vừa tò mò. Cả Mạc Bính cũng lạ lùng về thân thế và địa vị của tôi trong nhà họ La này nữa sao? Tôi là ai? Chăn nệm đã phủ xong, Mạc bính hỏi:
- Cô đem mền gối cho Gia Gia hết rồi à?
- Vâng. Tôi đáp.
- Ông chủ đã gọi người cắt kính đến để thay kính khác lên cửa sổ Gia Gia. Từ ngày cô đến ở đây, cuộc sống của Gia Gia có vẻ khá hơn, lúc trước không ai chú ý đến bà ấy.
Đi ra cửa, Mạc Bính đứng lại.
- Người trong nhà họ La này ai cũng tốt, chỉ có điều họ ít chịu chú ý đến cuộc sống của người khác mà chỉ lo cho chính họ thôi.
Đó là lời phê của tôi tớ đối với chủ, cũng có phần đúng như thế. Nhìn theo Mạc Bính, tôi ngồi xuống mép giường, đưa tay sờ chiếc mền mới, mùi vải mới thơm lạ.
Lòng tôi man man, giáo sư La Nghị đích thân xuống phố mua sắm, ông đã nhớ đến việc mua chăn nệm cho tôi nữa sao? Mua mắc một trăm đồng? Sao lại đến một trăm đồng? Nhưng điều làm tôi cảm động hơn cả không phải là việc mua chăn nệm, cũng không là việc ông mời bác sĩ đến khám bệnh cho tôi, mà là việc ông cho người gắn cửa kính lại cho Gia Gia. Một chuyện nhỏ nhặt như vậy đủ chứng tỏ bên trong cái bề ngoài thô bạo của ông, còn chứa đựng một quả tim nhân ái.
Nhìn những hạt mưa đọng trên mặt kính và bầu trời vần vũ ảm đạm, tôi lạ lùng cho cuộc đời, lạ lùng cho những con người họ La này. Họ ra sao? Có thích tôi không? Hay oán ghét? Họ yêu thương hay chán nản tôi? Tại sao họ có vẻ thích tôi vậy mà vẫn làm khó dễ tôi đủ điều? Tại sao? Có phải chăng vì thân thế quá đặc biệt của tôi? Nhìn ra cửa, tôi lẩm bẩm:
- Tôi là ai? Tôi là ai? Là ai?
Suốt mấy hôm nay, tinh thần tôi băn khoăn, bất an làm sao. Sáng rồi chiều, ngày hay đêm, lúc nào tôi cũng tự hỏi:
- Tôi là ai?
Có lẽ dây thần kinh của tôi bắt đầu chùng. Kể từ hôm gặp nguy ở thư phòng đến nay, tôi rất sợ bà Nghị. Mỗi lần gặp bà là mỗi lần tôi hoảng hốt. Riêng bà Nghị thì không biết thế nào, chớ linh tính tôi lúc nào cũng cảm thấy như bà ta đang trừng trừng theo dõi tôi. Cũng vì thế, tôi thường tưởng tượng là bà ta lúc nào cũng tìm mọi cơ hội thuận tiện để giết chết tôi. Điều này càng làm tôi phập phòng lo sợ.
Trung Đan trong suốt mấy ngày qua có vẻ bận rộn lắm. Anh thường vắng nhà không biết đi đâu. Những lúc ở nhà cũng ít vào phòng tôi, trái lại chàng thường tìm cách chui rúc mãi trong thư phòng giáo sư La Nghị Tôi đoán có lẽ chàng đang đi tìm tài liệu để chứng minh giả thuyết đã đưa ra hôm trước. Nhưng nhìn khuôn mặt buồn bã, ảo não của chàng, tôi biết là chàng đã hoài công.
Giáo sư La Nghị cũng có vẻ biến đổi nhiều. Đôi mắt bị che khuất trong đôi mày rậm kia không còn vẻ tự nhiên hàng ngày nữa, lúc nào cũng như vương vấn một nghi ngờ. Nghi ngờ tôi? Trung Đan? Hạo Hạo? Hay Khởi Khởi? Nhiều lúc tôi cũng thấy ông dùng thái độ đó luôn cho cả bà vợ Ông, một thái độ phòng bị.
Còn Hạo Hạo, kể từ hôm nói chuyện với tôi trong phòng ăn cho đến nay, hình như hắn đã trở về đường cũ, sớm đi tối về, suốt ngày không có mặt ở nhà. Nếu không đi, thì không khiêu khích Trung Đan, lại đụng độ với giáo sư La Nghị. Có một lần, tôi nghe hắn chê Khởi Khởi là người đẹp bằng sáp.
Khởi Khởi? Thật sự cũng giống lắm! Dạo này nàng càng ngày càng gầy, càng trắng xanh. Có lẽ vì gầy nên chiếc mũi càng thấy cao và đôi mắt càng to hơn đúng như nét đẹp tây phương thời cổ điển. Nhưng, lòng mắt đen nháy của nàng làm tôi không an tâm, có lẽ nàng không biết điều này. Nhưng với tôi mỗi lần trông thấy nàng đăm đăm nhìn là tôi có cảm giác như ánh mắt đó muốn giết tôi. Thật thế vì điều ấy có phần nào hiệu quả, mỗi lần gặp ánh mắt đó lòng tôi như bị thương tổn.
Nói thật, không khí trong gia đình này đối với tôi càng lúc càng trở nên khó thở hơn.
Sáng nay, vừa thức dậy, ngoài sức tưởng tượng của tôi, ánh nắng đang ngập đầy khung cửa kính. Đã lâu rồi lúc nào cũng chỉ thấy những đám mây màu chì vần vũ trên không, hôm nay trông thấy ánh nắng mặt trời lòng tôi reo vui. Tôi sung sướng, vui vẻ lạ lùng. Tôi là con người thích hoạt động mà cứ bị giam hãm trong nhà vì gió lạnh trong suốt mấy ngày liền, thì làm sao chịu nổi? Tất cả xương cốt như muốn mốc meo, nên ngay khi thấy Trung Đan bước vào là tôi vội nhảy xuống như chú sâu nhỏ vừa thức giấc sau giấc ngủ dài mùa đông. Nắm lấy tay chàng tôi vui vẻ:
- Hôm nay cho em nghỉ một ngày nghe anh. Trời đẹp quá, chúng ta đi picnic đi!
Trung Đan đẩy tay tôi ra, chau mày như điều tôi vừa nói là một đề nghị không đúng lúc. Chàng nhăn nhó:
- Tại sao nghĩ đến việc đi chơi? Cô có biết chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày thi vào đại học rồi không?
Như bị tạt nước lạnh vào mặt, mất cả hứng thú, tôi trề môi:
- Làm như siêng lắm vậy! Lâu lắm mới có một ngày đẹp trời, đâu phải lúc nào trời cũng đẹp như hôm nay đâu?
Chàng ngẩn lên nhìn ra, hình như mặt trời không nung được lòng hứng thú, chàng thờ ơ đáp:
- Hôm nay đi không được, anh còn nhiều việc phải làm, cũng như em còn phải làm hết các bài lo- ga- rit này!
Tôi giận dỗi:
- Hôm nay anh bận việc gì nữa? Suốt ngày không bao giờ thấy anh ở nhà.
- Sắp đến bãi trường mùa đông rồi, công việc càng bận rộn hơn ngày thường chớ sao?
Rồi mở sách ra để trên bàn, chàng tiếp:
- Nào bây giờ bắt đầu học nhé!
Chống tay lên mặt, tôi nhìn quyển sách một cách vô vị. Tia nắng ban mai xuyên qua khung cửa sưởi ấm cả phòng. Lo- ga- rit, chán ơi là chán! Ánh nắng nhảy muá trên bàn, trên sách, đẹp và xinh biết chừng nào!
Cầm bút chì lên tôi quậy nhầu trên vẽ, vẽ một đầu người với mái tóc và râu ria rối bù, thêm đôi mắt. Ai vậy. Giáo sư La Nghị à? Một địa chất gia? Ông ấy là gì của tôi? Bên cạnh ấy, tôi đề thêm hai câu thơ:
Mặt người đâu chẳng thấy.
Râu tóc đầy dung nhan.
"Toạt!" Bỗng nhiên quyển vở của tôi bị Trung Đan giựt phăng đi. Nhìn bức hình chàng gắt:
- Đây là quyển bài tập lô- ga- rit của cô đấy à?
- Anh khó tính quá, em không thích học.
Chàng thở dài:
- Khó ư? Tất cả đó là tôi vì cô mà.
Rồi nhìn vào bức họa chàng nói:
- Anh thấy em cũng có khiếu về hội họa lắm đấy, có lẽ em nên học vẽ hơn là học văn.
Trung Đan nhìn tôi một lúc rồi cúi xuống viết một hơi ba bốn chục bài tập nhỏ đặt ngay ngắn trước mặt tôi:
- Làm hết bài tập này chúng ta sẽ đi chơi.
Tôi la lên: - Bao nhiêu bài làm đến tối không biết hết chưa nữa lạ.
- Đúng thế. Chàng gật đầu - Nhưng vẫn đủ thì giờ để chúng ta xem một phim. Bây giờ, em ở đây làm bài, anh có việc phải đi.
- Anh đi đâu?
- Đi thăm một người bạn.
Tôi hét to:
- Anh không thích đi với tôi, tối ngày chỉ nghĩ đến bạn không hà.
- Ức My! Con người sống ở đời, trách nhiệm bao giờ cũng quan trọng hơn sự vui chơi, chúng ta đã mất quá nhiều thời giờ rồi, đừng nên để mất thêm nữa. Anh có việc cần phải lo, em đừng trẻ con như thế. Tối nay anh có nhiều chuyện để nói với em.
Tôi cố chấp:
- Không! Tôi không cần biết gì là trách nhiệm, tương lai, công việc hết... Tôi chỉ cần biết thực tế. Hạo Hạo nói đúng, anh chỉ là thằng lý thuyết suông. Muốn đi chơi với anh, anh lại không thiết gì đến cảnh đẹp.
Lời nói của tôi đã chọc giận chàng. Nghe đến tên Hạo Hạo mắt Trung Đan tóe lửa:
- Tôi nói cho cô biết, Ức My. Nếu tôi cũng có người cha giàu như giáo sư La Nghị, không cần phải lo ăn, lo mặc, không cần phải lo kiếm nhà ở. Nếu tôi có cả cái bản tính an phận của một ký sinh trùng, chỉ biết tự mãn với gia tài của cha để lại, thì tôi sẽ sẵn sàng đưa cô đi chơi, làm bất cứ chuyện gì cô thích, thỏa mãn tất cả đòi hỏi của cô. Nhưng tôi không phải là hạng người như vậy, tôi không thể trở thành hạng người mà cô mong đợi đó. Nếu cô thích cũng được, mà không thích cũng chả sao, tôi lúc nào cũng chỉ là tôi thôi.
Nói xong, chàng bước ra cửa, không quên nói với lại, nhẹ nhàng hơn:
- Tối nay anh vẫn mời em xem hát!
Cánh cửa đóng ầm lại, tôi ngẩn người trên ghế, lòng mang nặng mặc cảm bị tổn thương. Tia nắng lấp lánh trên khung kính, tất cả sự vui vẻ ban mai bay mất cả.
Trung Đan! Anh là con người như thế nào? Anh thật quá đáng, lời đề nghị của tôi không đúng sao? Trách nhiệm! Trách nhiệm! Lúc nào cũng trách nhiệm. Phải chăng trái tim anh chỉ chứa đựng có bấy nhiêu thôi? Tôi thở dồn dập, sự giận dữ và bực tức làm tôi run rẩy. Tối nay anh mời em xem hát. Nói sao dễ quá thế? Có phải việc mời xem hát của anh như là một việc làm để trả nợ không? Tôi không thích xem hát! Tôi chỉ thấy hôm nay đẹp trời, muốn tâm sự với anh, chỉ có chút như thế mà anh không thông cảm nổi thì nói chi đến chuyện hiểu lòng nhau.
Tôi thẩn thờ độ mười phút, rồi nhảy thoát ra cửa. Đến hành lang gặp Hạo Hạo đang sửa soạn xuống dùng điểm tâm. Hắn nheo mắt với tôi, cười ấm áp như nắng ban mai. Hạo Hạo nói:
- Chào cô My, nắng sớm cũng không làm cô hoạt động được à?
- Không lúc nào tôi lại chẳng hoạt động.
Hắn ranh mãnh:
- Có thật không đấy? Muốn đi chơi không?
Tim tôi đập mạnh, chú ý nhìn đôi mắt như thúc giục của hắn, tôi hỏi:
Đi đâu?
Tùy cô lựa chọn, miễn vui là được rồi. Thế nào? ó thể bỏ ra một ngày đi chơi với tôi không? Từ sáng đến tối nhé.
- Tới khuya cũng được!
Bỗng nhiên tôi lại thốt lên câu ấy, có phải chăng đó là một sự trả thù Trung Đan từ tiềm thức? Hay tôi đã yêu Hạo Hạo?
Hạo Hạo không đợi tôi nói thêm tiếng nào, hắn nắm tay tôi, như chiếc đầu xe hỏa lao nhanh:
- Vậy thì ta đi ngay nhé!
Chúng tôi sóng vai chạy bay xuống lầu. Đúng là một ngày vui vẻ lạ lùng, nếu không có hình bóng của Trung Đan ám ảnh thì thật là tuyệt.
Buổi sáng, chúng tôi đón taxi chạy thẳng đến Dạ Liễu. Mùa đông ở đây, ngoài những núi đá chất chồng lạnh lẽo còn có tiếng sóng biển rì rào, chúng tôi đem thức ăn ra bày trên tảng đá lớn. Chung quanh yên lặng, không một tiếng người, không một tiếng xe cộ hay tiếng ồn ào của nền văn minh cơ khi. Yên lặng hưởng thụ sự yên tĩnh. Và Hạo Hạo pha trò, kể tôi nghe nhiều chuyện vui khiến tôi cười muốn đau bụng. Một lần, khi tôi vừa dứt tiếng cười Hạo Hạo nắm lấy tay tôi:
- Ức My, sống với tôi như thế này có vui không?
- Vui lắm chứ.
- Thế thì...
Tôi biết hắn muốn lập lại những điều cũ rích, nên thừa lúc hắn chưa kịp nói ra, tôi vội tìm lời chận lại. Chỉ ra biển, tôi nói:
- Anh nhìn xem, có chiếc tàu kìa!
Hắn nhìn theo tay tôi. Ở nơi xa xa ẩn hiện một cánh buồm. Nhìn xong, hắn quay đầu lại:
- Cô thích Trung Đan vì hắn là đứa mồ côi, một con người đảm đang tự lập, phải không?
Tôi ngẫm nghĩ:
- Cũng có thể đó là một nguyên do. Nhưng tình cảm là không thể giải thích được, nhiều lúc tôi nghĩ rằng anh đáng yêu hơn, nhưng mà...
Tôi nhún vai không nói tiếp. Lúc ngồi gần Hạo Hạo, tôi thường có tật bắt chước hắn, thí dụ như việc nhún vai vừa rồi. Tôi lại tiếp:
- Cũng có thể là tại bản tính của ta quá gần nhau, nên...
- Thôi được rồi, đừng nói nữa!
Hạo Hạo cắt ngang, hắn so vai.
- Bây giờ tôi mới biết, cũng có lý lắm. Đặt tay lên tay tôi hắn cười nói - Thôi từ đây ta đừng nhắc đến chuyện đó nữa nhé. Ức My, thật tình tôi rất mến cô. Nhìn cánh buồm chập chờn trên sóng nước, hắn tiếp - Rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ theo tàu ra khơi, tôi có nhiều khuyết điểm mà điểm yếu nhất là không có tinh thần tranh đấu và chịu gian khổ. Tự biết mình, tôi sẽ cố gắng tập luyện để một ngày nào đó có thể tự tạo ình một chỗ đứng trong đời.
Quay lại tôi, Hạo Hạo cười lớn.
- Nãy giờ nói ba cái chuyện gì đâu trông có vẻ đứng đắn quá, không giống như La Hạo Hạo lúc bình thường chút nào cả. Thôi Ức My, bây giờ cô leo lên mỏm đá quái dị kia tôi chụp ột cái ảnh nhé!
Hạo Hạo cầm theo chiếc máy hình Kodak. Tôi đứng lên và quên tất cả những thắc mắc, khó chịu vì chuyện ban nãy. Chúng tôi đuổi bắt nhau từ hòn đá này sang hòn đá khác, rồi nhặt vỏ sò,vỏ cua một cách trẻ con. Mãi đến lúc mặt trời sắp lặn mới ra về.
Đến Cơ Long thì đã đến giờ cơm, chúng tôi ở lại đây cùng cơm tối, Hạo Hạo nói:
- Cơ Long có rất nhiều thú vui, cô có thích tham dự không?
- Trừ những quán rượu đầy thủy thủ, còn thì cái gì tôi cũng đi được hết!
Hạo Hạo liếc xéo tôi, hắn cười khiêu khích:
- Thế còn vũ trường?
Tôi hơi do dự, hắn tiếp ngay:
- Thử buông thả một lần xem sao? Đâu phải dễ gì tìm được một ngày hạnh phúc như thế này, phải biết hưởng, tận tưởng mọi sự vui vẻ. Cô hãy còn trẻ nhưng sắp bị ràng buộc, còn chờ gì nữa? Vũ trường đâu phải là nơi xấu xa? Nó đâu có ăn thịt cô đâu mà sợ, còn tôi đây nữa mà!
Thế là, sau một ngày vui vẻ, chúng tôi lại hưởng thêm một buổi tối cuồng loạn. Ánh đèm màu, bóng người, âm nhạc.. Hạo Hạo ôm tôi quay cuồng, mắt tôi như ngàn cánh sao rơi. Hắn cười lớn, tôi cũng cười theo như người say rượu.
Đây là lần đầu tiên, tôi mới hưởng được một đêm cuồng loạn như thế. Những tiết điệu quay cuồng khiến cho con người có cảm giác chơi vơi, ánh đèn màu xoay quanh sàn nhảy tạo cho tôi một cảm giác say mụ. Tiếng cười, tiếng hét, càng làm cho khung cảnh nhộn nhịp hơn. Chúng tôi quay cuồng không biết trời đất gì cả.
Đêm đã khuya, thật khuya. Trên đường không còn bóng người, vài ánh sao cô độc nhấp nháy trên cao. Chúng tôi đi xe taxi chạy hết tốc lực về Đài Bắc. Cuộc vui đã làm tôi mệt mỏi, ngồi trên xe tôi lim dim ngủ gật, mãi đến lúc xe ngừng trước cửa nhà, tôi mới sực tỉnh, vươn vai lười biếng, giọng ngáy ngủ tôi hỏi:
- Tới nhà rồi sao? Nhanh quá vậy.
- Thôi xuống xe đi.
Hạo Hạo nói. Tôi xuống xe tựa lưng vào cổng ngáp vặt. Hạo Hạo bấm chuông. Gió lạnh đêm khuya làm tôi rùng mình, Hạo Hạo vội vàng cởi áo phủ lên vai tôi:
- Ngủ gục trên xe, rồi lại ra gió ngáp, chắc cô sắp bị cảm rồi đó.
Tôi lại ngáp thêm vài cái, rút đầu trong áo mỉm cười. Nếu không ai mở cửa, chắc tôi sẽ đứng đây ngủ mất! Cửa mở, tôi lười biếng bước vào mà không ngờ rằng cơn bão táp đang chờ đón mình. Một bàn tay bất thình lình chộp tay tôi lắc mạnh, chiếc áo khoác của Hạo Hạo rơi xuống, cơn mê ngủ tan biến. Mở to mắt ra chạm ngay cái nhìn giận dữ của giáo sư La Nghị, ông quát lớn:
- Ức My, em đi đâu với cái thằng hôi thối này mà giờ này mới về hả?
Tôi chưa kịp trả lời thì ông đã lắc mạnh tay hơn.
- Nói nhanh! Chúng bây đi đâu? Làm gì hở.
Tôi đáp:
- Dạ, chúng tôi đi chơi. Buổi sáng đi picnic ở Dạ Liễu, tối lại ghé vũ trường...
Lời nói của tôi chưa kịp dứt thì giáo sư La Nghị đã thẳng tay tát vào mặt tôi một cái. Ngay lúc đó tôi hoàn toàn tỉnh hẳn. Mở to mắt ra, tôi chết lặng nhìn giáo sư Nghị, đôi mắt ông ta thật dễ sợ, vẫn giữa chặt tay tôi ông nói:
- Nếu em đến đây để học đòi trụy lạc, thì hãy cút ngay đi! Mặc em muốn lên hay không lên đại học, muốn tiến hay không tiến cũng mặc em!
Hạo Hạo ưỡn ngực ra:
- Thưa ba đó là do lỗi con dẫn Ức My đi. Nếu ba muốn rầy ra gì thì con đây này. Ức My vô tội.
- Được! Được rồi! Ông Nghị quay sang Hạo Hạo - Nãy giờ tôi muốn tìm anh đây, tôi phải dạy anh mới được, lại đây!
Giáo sư La Nghị hất mạnh tay tôi ra, khiến tôi mất thăng bằng lảo đảo. Đứng vững lại, tôi nghe trên má tôi, nơi vừa bị giáo sư đánh rát bỏng. Sự nhục nhã và giận dữ đun sôi trong lòng. Chưa lúc nào tôi thấy mình bị sỉ nhục như vậy. Mẹ tôi chưa hề đánh tôi một cái mà bây giờ lão quái này ỷ việc nuôi tôi mà đánh tôi như thế. Lỗi tôi nào có gì là nặng đâu mà phải ăn cả tát tai như vậy.
Nước mắt lần ra má theo dòng tư tưởng, tôi không thèm để ý đến những lời to tiếng giữa hai cha con Hạo Hạo nữa, vừa khóc vừa chạy vào nhà, tôi đụng đầu Khởi Khởi ở thang lầu. Cô đang tì lưng vào đầu cầu thang vênh mặt đắc ý lắm. Tôi nghĩ rằng nó đã nhìn thấy tôi bị ăn tát.
- Chị Ức My, đi chơi có vui lắm không chi?
Khởi Khởi hỏi. Lời nói châm biếm của nó như đổ dầu vào lửa. Mọi mạch máu như muốn vỡ tan trong lồng ngực tôi. Trừng mắt nhìn nó, tôi không muốn suy nghĩ gì nữa, chỉ muốn tìm nó một cái gì để đập, đập ngã cái vẻ lạnh lùng cao ngạo đó. Tôi chanh chua:
- Chớ sao, đi chơi mà không vui sao được? Tôi không cần phải ép hoa vào tập người ta, tôi cũng không cần gọi người "Đừng quên tôi" mà người ta cũng vẫn nghĩ đến tôi. Còn chị? Chị chỉ là một loại hoa Đừng quên tôi trong vườn thế mà người ta vẫn hái, vẫn liệng vào thùng rác!
Gương mặt Khởi Khởi tái dần ra, môi cô ta run run không nói được. Tôi thỏa mãn vì đã báo được thù. Khi sắp sửa bước lên cầu thang, thì tôi chết lặng.
Bà Nghị như bức tượng thạch cao đứng giữa nấc thang đó. Đôi mắt quái dị như muốn nuốt trửng tôi. Bà ta từ từ bước tới, càng lúc càng đến gần. Sống lưng tôi ớn lạnh, chân tay run rẩy. Chết rồi, bà ta lại đến! Tôi biết, bà đang lên cơn, đang muốn đòi mạng tôi! Tôi càng lùi ra sau, bà ấy càng bước tới. Cho đến lúc lưng tôi chạm vào tường không thể lùi được nữa, tựa vào vách, tôi ngước nhìn bà. Bà ta cũng dừng lại trước mặt tôi, không đưa tay lên cổ tôi ngay mà nói:
- Đến lúc nào cô mới buông tha chúng tôi? Cô định đến khi nào cô mới đạt đến mục tiêu? Cô muốn gì, tôi sẽ cho, được không? Tôi sẽ làm hài lòng cô.
Bà Nghị vừa nói, rồi như điên loạn, bàn tay bà từ từ đưa lên, tôi hoảng hốt, không đợi đến lúc bàn tay ấy chạm vào cổ, tôi la lớn. Tiếng la của tôi hình như càng khích động bà. Bà nắm chặt vai tôi, miệng lầu bầu nho nhỏ tôi không nghe rõ. Đồng thời những móng tay bắt đầu bấu mạnh. Tôi chống trả, tôi la hét.. tiếng la của tôi vỡ tan.
Giáo sư La Nghị và Hạo Hạo chạy đến, Trung Đan cũng tới cầu thang. Lập tức, tôi được giải thoát khỏi bàn tay bà Nghị. Thút thít khóc chạy bay lại Trung Đan, vì ngay trong lúc nguy khốn, người đầu tiên tôi nghĩ đến là chàng. Cầm tay Trung Đan, tôi thổn thức:
- Anh! Anh Trung Đan!
Trung Đan dìu tôi về phòng, gương mặt chàng thật nghiêm trang. Đứng đối diện tôi, chàng lạnh lùng nói:
- Cô không cần kể lể gì cả. Mọi việc xảy ra đêm nay tôi đã biết hết.
Tôi há hốc miệng, nước mắt đọng trên mi, không hiểu chàng muốn nói gì và tại sao chàng lại thờ ơ như vậy? Trung Đan nói tiếp:
- Tôi chỉ muốn nói với cô một câu sau cùng là chính mình phải hiểu mình một chút rồi hãy đòi hỏi người khác hiểu mình.
Nói xong, chàng quay đầu bỏ đi. Tôi gọi lớn:
- Anh Trung Đan!
Chàng đứng lại, nhẫn nhịn nói:
- Cô còn muốn gì nữa đây? Cô vui sướng, cô đùa giỡn suốt ngày, trở về nhà lại gây rắc rối, thế bây giờ cô còn đòi gì nữa?
Đi lại trước mặt tôi, chàng nâng cằm tôi lên. Đến tận lúc này tôi mới nhìn thấy sắc giận trên mặt chàng, mắt tóe lửa, giọng nói chàng lạnh lùng:
- Tôi đã tưởng tượng cô quá đẹp, Ức My. Bây giờ thì tôi cho cô biết, suốt mấy ngày qua tôi bận rộn vì tôi đi tìm nhà để cô khỏi phải tiếp tục nhờ vả gia đình họ La này. Tôi đã chia lại của người bạn một căn phòng, định dọn dẹp xong sẽ cho cô một ngạc nhiên lớn. Đó là việc thứ nhất. Việc thứ hai là tôi định sẽ kiếm tiền cung cấp cho việc lên Đại Học của cô, tôi đã chạy đôn chạy đáo và đã tìm ra được một việc làm phụ trội, đó là chân thiết kế viên cho hãng quảng cáo, lương bổng hậu, họ hẹn tôi hôm nay đến thử việc, vì thế tôi không thể đưa cô đi chơi. Tôi đã cố gắng, lẳng lặng làm việc không muốn cho cô biết vì thấy việc chưa thành, vừa để tránh cho cô khỏi bận tâm, cũng như tránh làm cô thất vọng. Tôi đã chu đáo vì cô như vậy, không ngờ cô lại đi với người khác.
Chàng giận dữ hơn:
- Ức My! Cô đã phụ cả tấm lòng thành của tôi!
Tôi tuyệt vọng:
- Anh Trung Đan!
- Như thế tôi cũng có thể bỏ qua đi. Nhưng những lời cô vừa nói với Khởi Khởi lúc nãy thật vô giáo dục, thật hèn hạ, cô biết không? Rồi chàng lắc đầu, như tôi là người bệnh đã hết thuốc chữa, và tiếp - Cô đã làm tôi thất vọng. Tôi nghĩ rằng tôi đã lầm, tất cả những điều tôi nghĩ về cô đều vô ích, vô nghĩa. Ức My, có lẽ tôi không thích hợp với cô vì tôi quá thực tế. Tôi không biết đưa cô đi chơi, mà chỉ lo làm việc. Với cô, sự vui chơi có lẽ thích thú hơn là việc làm. Như vậy Hạo Hạo hợp với cô hơn là tôi.
Trung Đan buông tôi ra, rồi bước nhanh ra khỏi phòng. "Ầm!" Cánh cửa phòng đóng sầm lại, làm gãy đổ tất cả sức chịu đựng của tôi.
Ngã lên giường, vùi đầu trong gối òa lên khóc, khóc thật lâu, thật lâu. Cho mãi đến lúc không thành tiếng nữa, nước mắt không còn tuôn ra mới thôi. Nhìn ra cửa, những vì sao lạnh long lanh, gió đông vi vu thổi.
Trong một phút mơ hồ, tôi không còn biết hiện mình đang ở đâu nữa. Ngồi lên, đưa tay ôm đầu. Sự đau thương tràn ngập trí óc. Tôi nghĩ lại những chuyện vừa xảy ra, một sự thật phô bày trước mắt: gia đình này không còn là nơi cho tôi nương tựa nữa. Giáo sư La Nghị hung bạo, bà Nghị thì lúc nào cũng muốn giết chết tôi, Hạo Hạo đeo đuổi mãi, còn Khởi Khởi luôn ganh tị. Ngay cả Trung Đan người độc nhất tôi yêu quí đã bỏ tôi rồi! Gia đình họ La? Tôi còn ở đây nữa sao được? Tốt nhất là bỏ đi để trả lại tất cả vẻ yên tịnh êm ả ọi người. Biết đâu lúc đó Trung Đan chẳng trở về với Khởi Khởi? Mọi người sẽ hạnh phúc. Còn tôi, một đứa con côi cô độc, nên tỉnh dậy đi. Suốt nửa năm trời ở nhà họ La coi như giấc mộng!
Tôi đứng dậy, chậm rãi thu xếp quần áo. Đem tấm ảnh gia đình xuống, nhìn bức ảnh mẹ, nước mắt tôi chan hòa, tôi nói không thành tiếng:
- Mẹ hãy tha lỗi cho con, con không thể nghe theo lời mẹ mà ở lại đây được nữa.
Đặt tấm ảnh vào valise tôi ngồi thừ một lúc, rồi đến bàn viết để lại mảnh giấy:
Thưa giáo sư.
Tôi rất hối hận vì sự có mặt của mình đã làm phiền nhiễu cả gia đình. Bây giờ tôi đã đi, từ đây gia đình họ La này sẽ được trả về với sự yên tĩnh. Cám ơn ông rất nhiều xin gởi lời cám ơn luôn tất cả mọi người đã đối xử tử tế với tôi.
Ức My
Tái bút: Xin ông vui lòng chăm sóc Gia Gia, vì bà không thể tự chăm sóc lấy. Đó là một người đáng thương xin ông hãy tội nghiệp bà.
Tôi cũng viết một mảnh giấy khác gởi Trung Đan, miếng giấy này tôi đã viết gần một giờ mới xong. Viết rồi xé, xé rồi viết lại, sau cùng chỉ được mấy câu.
Anh Trung Đan.
Em ra đi mang theo tất cả niềm vui và đau khổ mà anh đã tặng em. Mong rằng ngày sau này có gặp nhau, chúng ta sẽ không còn xa lạ nữa.
Chúc anh hạnh phúc.
Ức My
Tôi lấy thước dằn lên hai mảnh giấy. Trời đã gần sáng tôi xách valise lên nhẹ bước ra khỏi phòng, cài cửa lại. Nhìn gian phòng mà suốt 9 tháng trời tôi đã ở trong ấy, tôi thì thầm - Vĩnh biệt! Vĩnh biệt!
Qua hành lang, qua phòng của bà Nghị, ông Nghị, Hạo Hạo, Khởi Khởi và cả phòng của Trung Đan, mỗi lần bước qua khỏi một phòng là lòng tôi như thổn thức, như gào to - Vĩnh biệt! Vĩnh biệt!
Xuống thang lầu, qua khu nhà rộng thênh thang không một bóng người, trong ánh sáng lờ mờ ban mai, tôi bắt đầu xa giấc mộng của tôi, xa tình yêu của tôi, xa cả những tiếng cười và những giọt nước mắt!
Đáp chuyến xe lửa tốc hành đầu tiên tôi trở về Cao Hùng sau 9 tháng trời cách biệt. Trong ánh nắng ban trưa, tay xách valise tôi đứng trước sân ga nhìn quanh.
Cao Hùng! Thành phố yêu dấu quen thuộc mà khi bắt đầu rời nơi đây thì cây Phượng Hoàng nơi sân ga đang nở hoa đỏ ối, bây giờ cành lá xanh um đang run rẩy theo từng cơn gió mùa đông. Cao Hùng! Cao Hùng! Thành phố vẫn thế không thay đổi, còn tôi, lúc đi mang tâm trạng đau khổ thê lương, bây giờ trở về càng ngút ngàn đau khổ.
Chiếc xích lô ngừng trước cửa trường tiểu học, nơi tôi đã chung sống với mẹ bao năm qua. Lũ trẻ nhỏ đùa giỡn trên sân, lớp học tôi bắt đầu học bài Quê Hương tôi! Nơi tôi đã trưởng thành! Bà hiệu trưởng họ Lâm đâu? Có còn ở văn phòng không? Dầu sao, tôi cũng cần phải đến đấy thử xem, có lẽ bà sẽ vô cùng ngạc nhiên trước sự trở về này!
Đứng trước văn phòng, tôi bị những người bạn cũ, những đồng nghiệp của mẹ bao vây. Họ sung sướng, ngạc nhiên ôm tôi hỏi lăng xăng không kịp cho tôi trả lời.
- Trời Ức My! Chị mau lớn quá!
- Ức My! Cô chẳng những lớn mà còn đẹp nữa.
- Sống ở Đài Bắc có vui không cô?
- Sao lâu quá chị không gởi thơ về? Quên hết bạn bè cũ rồi sao?
- Ức My, chị về Cao Hùng chơi được mấy hôm rồi đi nữa hở chị?
Thôi thì bên này một câu, rồi bên kia một câu, tôi bị quay tròn. một lúc sau, bóng bà hiệu trưởng Lâm chen vào, vừa nhìn thấy tôi, bà mừng rỡ:
- Ức My!
Đặt valise xuống, tôi chồm người ôm bà. Vỗ về lưng tôi một cách thân thiết như tình mẹ con, bà ríu rít:
- Làm sao vậy Ức My, đi suốt cả năm trời, lúc đầu tôi còn nhận vài ba bức thư của em, rồi sau đó thì bặt tăm luôn. Giáo sư La Nghị chắc đối đãi với em tốt lắm hả? Đài Bắc vui không? Có chuẩn bị xong việc thi vào Đại học chưa mà giờ này rảnh rỗi ghé Cao Hùng thăm chúng tôi vậy.
Nghe những lời thăm hỏi như thế, tôi không đè nén được nữa, những giọt nước mắt mà tôi đã cố gắng nhẫn nhịn trên suốt quãng đường bây giờ được dịp tuôn trào ra. Tôi khóc, khóc một cách sung sướng. Bà Lâm hoảng hốt không hiểu tại sao, vừa vỗ về vừa hỏi:
- Sao? sao vậy hở? Thôi đừng khóc nữa, có chuyện gì thì để từ từ rồi nói. Ức My! Có chuyện gì vậy. Về nhà nhé. Nghỉ một lát rồi cho tôi biết sau cũng được.
Quẹt nước mắt trên má, tôi ngẩng đầu lên nhìn bà Lâm, thổn thức:
- Thưa bác, hôm nay con về đây con muốn ở đây luôn không về Đài Bắc nữa. Bác có thể cho con ở nhờ không?
- Ức My con nói gì lạ vậy. Lúc nào gia đình bác cũng mở rộng vòng tay đón con về. Thôi bây giờ theo bác về nhà rửa mặt, ăn cơm trước đã, còn chuyện khác để sau sẽ nói.
Một tay nắm tay tôi, tay kia xách valise, bà Lâm lôi nhanh tôi về nhà. Đến nhà rửa mặt, ăn thêm tô mì đặc biệt do bà nấu, tôi đã lấy lại bình tĩnh. Những đứa con nhỏ của bà Lâm vây quanh tôi hỏi thăm rối rít khiến bà phải la mới đẩy được chúng ra ngoài.
Khép cổng lại, nắm tay tôi bà lo lắng:
- Nào bây giờ, con cho bác biết có chuyện gì vậy. Có phải giáo sư Nghị cư xử với con quá tệ bạc không?
Tôi nhìn bà Lâm, biết nói gì đây? Sống trong gia đình họ La suốt 9 tháng trời, tất cả những phức tạp tình cảm: hiểu lầm, yêu, ganh ghét. Người và việc, tôi làm thế nào để thuật lại tất cả cho bà biết? Ngoài ra, cuộc đời tôi vẫn còn là một bí mật, nó có thể ảnh hưởng đến danh dự của mẹ làm sao tôi dám nói? Cứ thế ngồi một lúc lâu tôi không thốt ra được một lời.
Bà Lâm vỗ nhẹ lên vai tôi nói:
- Thôi được rồi, con không muốn nói ra thì tôi cũng đoán được phần nào!
Bà thở dài:
- Có ai nông nổi như mẹ con đâu, nhè người bạn suốt mấy năm trời không gặp lại đem con đi gửi. Đời bây giờ người ta thực tế lắm chớ đâu có nặng tình bạn bè như xưa kia đâu?
Lời bà Lâm như gãi sai chỗ ngứa, tôi lắc đầu biện hộ cho giáo sư Nghị:
- Không, không phải vậy. Giáo sư Nghị là người rất tốt... Ông đối đãi với tôi rất thật tình...
- Thế tại sao con lại trở về đây!
Tôi nhớ đến chuyện hôm qua, đến bà Nghị, đến những điều tôi bị sỉ nhục, đến Hạo Hạo, Khởi Khởi.Rồi nước mắt tôi lại dâng lên mắt, úp mặt vào lòng tay tôi khóc to:
- Xin bác đừng nói chuyện đó nữa.
- Được rồi, tôi sẽ không nhắc đến nữa. Bà Lâm ôn tồn nói - Để vài hôm con tỉnh trí rồi nói cho tôi nghe cũng được. Bây giờ con cứ ở lại đây, nhà tôi tuy chật, con tạm ở chung với hai đứa con gái tôi nhé. Mẹ con muốn con tiếp tục lên đại học, thôi thì hãy cố gắng học đi để kịp ngày thi.
Tôi đáp:
- Con không cần học nữa, con muốn tự lực cánh sinh, con có thể dạy trẻ nhỏ được.
Bà hiệu trưởng Lâm tiếp:
- Theo tôi, con nên cố gắng hoàn thành ý nguyện của mẹ. Rồi giọng bà trầm xuống - Bây giờ hãy ở đây đi, chuyện đó để từ từ tính sau.
Thế là tôi trở về chốn cũ. Sáng hôm sau, đạp trên cỏ còn ướt đẫm hơi sương tôi đến ngôi nhà cũ nơi mà mẹ con tôi đã sống để tìm lại vết tích xưa. Đến trước cổng tôi đứng chết lặng nhìn vào, ngôi nhà này đã đổi chủ mới, đó là một nam giáo viên độc thân, ông ta đã sửa chữa lại ngôi nhà trông lạ hẳn đi. Khi trông thấy tôi, ông ta đi ra nhìn như muốn làm quen, tôi hốt hoảng bỏ chạy.
Rảo quanh sân trường, hành lang, phòng học rồi vườn chơi, đâu đâu cũng như vương vấn hình bóng mẹ. Chiều xuống, thu người bên góc vườn hoa nhìn ráng chiều, vầng thái dương bắt đầu xuống núi, tôi lại thảng thốt kêu to:
- Mẹ Ơi! Mẹ! Mẹ Ơi! Giờ mẹ Ở đâu! Tại sao ở bất cứ nơi nào cũng có những kỷ niệm của mẹ, mà dáng mẹ đâu sao chẳng thấy?
Nước mắt tôi lại tuôn rơi. Tôi len lén khóc, khóc cho sự cô đơn, cho cả một tương lại của đứa con gái bơ vơ không nhà cửa.
Những ngày dài trôi đi, rồi lần lần tôi ý thức được một điều là hình bóng của mẹ lúc nào cũng như một thiên thần ngự trị trong tôi. Xa gia đình họ La có phải chăng là để trốn tránh sự thật? Tôi không bao giờ tin rằng mẹ tôi chửa hoang, vì người là một người đàn bà hoàn toàn không bao giờ phạm lỗi.
Ngày qua ngày tôi vẫn như kẻ mất hồn, suốt ngày lang thang khắp nơi, sự đau khổ vì thương nhớ mẹ vừa giảm đi thì những hình ảnh Trung Đan và giáo sư La Nghị lại hiện ra. Họ sẽ đến tìm tôi? Trung Đan có đau khổ không? Hạo Hạo, Khởi Khởi và bà Nghị ra sao? Thế là tôi bắt đầu thấy nhớ họ, không phải chỉ có họ thôi mà còn nhớ cả Gia Gia, Mạc Bính và chú mèo Tiểu Ba. Tôi hình dung ra hình dáng ngôi nhà, vườn hoa, khu rừng có quỷ.
Như kẻ mất hồn tôi càng ngày càng xanh xao, nhìn vào kiếng không còn giống cô Ức My ngày nào nữa. Ngày thì ăn không vô, tối lại ngủ không được, lúc nào cũng như lúc nào tôi yếu ớt như một món đồ dễ vỡ không thể đụng đến. Nước mắt tôi lúc nào cũng đầy lòng mắt chỉ cần khơi động nhẹ là trào xuống. Tôi bây giờ không giống như lúc 9 tháng trước.
Trung Đan có thể yêu Khởi Khởi được chăng? Khi đã mất tôi, cánh hoa lam kia sẽ được người quý trọng? Giáo sư La Nghị đã mời chàng ở lại và đối đãi một cách tử tế. Trung Đan lại dạy Khởi Khởi vẽ, tôi hy vọng Khởi Khởi và chàng yêu nhau. Họ sẽ toại nguyện. Cứ thế đầu óc tôi tối ngày quay cuồng mãi bao nhiêu chuyện đó đến nhức óc.
Càng nghĩ lòng tôi càng đau, và tôi bỗng ý thức được rằng: tôi đã yêu chàng. Trong những đêm không ngủ, thổn thức lòng tôi rên xiết - Trung Đan! Trung Đan! Anh đừng yêu nó! Trung Đan! Đừng yêu nó nghe anh!