Những ngày mệt nhọc trôi đi, vết chân tôi đã dẫm nát khu vườn hoa những vẫn không tìm thấy hình ảnh mình ngày xưa. Bây giờ tôi mới thấm thiá những câu thơ của Lý Thanh Chiêu:
Tầm tầm mật mật Lãnh lãnh thanh thanh Thê thê, thảm thảm, kỳ kỳ ( Tìm kiếm, trông ngóng. Tâm hồn tôi đang lạnh lẽo cần được sưởi ấm).
Lần đầu tiên tôi biết được mùi vị của ái tình. Những cử chỉ, những hành động như mất hồn của tôi không qua khỏi mắt bà Lâm. Một hôm trong lúc tôi thẩn thờ nhìn thức ăn trên bàn bà cười hỏi:
- Sao vậy con? Thức ăn không vừa miệng hả?
Tôi giật mình:
- Dạ không phải thế!
Rồi chụp nhanh chén cơm và ngay vào miệng, ráng nuốt. Bàn tay bà Lâm đưa qua bàn nắn nhẹ tay tôi:
- Ức My, hãy cho bác biết tại sao con đau khổ, có chuyện gì vậy con?
Buông chén xuống, nước mắt tôi rơi ra, tôi chạy vội về phòng.
Một ngày, rồi một ngày, lần lần tôi tỉnh ngộ. Phải đối diện với thực tế, phải cố gắng can đảm để sống!
Buổi sáng thức dậy, tôi mang yếm vào nhà bếp phụ bà Lâm làm cơm sáng, sau đó đến sân cho gà vịt ăn. Vo một nồi cơm, nhìn những chú gà đủ màu sắc chạy lăng xăng đến mổ những hạt gạo nhỏ, lòng tôi ấm lại. Cuộc sống thật đáng vui, mặc đầu suốt quãng đời tôi là một chuỗi ngày đau khổ, nhưng tôi vẫn yêu thương nó, cho gà ăn xong tôi đến sân chơi của trường. Nơi đây, trong những chiếc lồng sắt có nuôi mười mấy chú thỏ. Đối với tôi, chúng nó là bạn thiết. Mỗi ngày, tôi mang một đống cải xanh và củ cải, lần lượt đút vào chuồng nhìn chúng giành giựt nhau ăn. Tôi quỳ xuống đất, vuốt ve rồi thì thào với chúng cũng vui lắm.
Trong số thỏ này có một con trông thật cô độc, nó ở riêng rẽ một mình không đến ăn. Tôi đến gần, sờ vào lưng nó thấy hâm hấp nóng. Bệnh rồi chăng? Thật tội nghiệp, tôi ôm lên bước về nhà bà Lâm. Đối với thú vật, tôi có một phương thuốc thần diệu mà tôi đã thử dùng nhiều lần cho nhiều con vật khác nhau mà vẫn thấy linh nghiệm, bất kể bệnh gì khi cho chúng uống nữa gói thuốc con két là chúng đều khỏi ngay. Bọc chú thỏ trong áo, tôi chậm rãi bước về nhà. Đến trước cổng, tôi nghe hai đứa con nhỏ của bà Lâm bàn cãi nhau điều chi không rõ một đứa nói:
- Chắc là tướng cướp.
- Không phải, đó là tên tù vượt ngục, có lẽ hắn đã mang tội giết người!
- Tao bảo không phải mà. Ông ta là tướng cướp này, hôm trước tao thấy trong phim đấy!
- Tao cũng coi phim vậy, tên tù vượt ngục cũng giống thế.
- Tao nói là tướng cướp đấy!
- Tao nói là tên cướp vượt ngục!
- Đánh cá không? 3 hòn bi đó!
- Cá liền, tao sợ hả?
- Rồi, bây giờ vô hỏi mẹ.
Dưới tia nắng sớm mùa đông, tôi đứng nhìn lũ trẻ cãi nhau. Làm trẻ con sướng thật, không phải lo lắng, sầu khổ gì cả. Chú thỏ nằm trong lòng tôi bỗng động đậy, tôi cúi xuống, vỗ về:
- Đừng gấp, chị sẽ đem thuốc cho em uống mà.
Một bóng đen hiện lên trên nền đất, càng lúc càng gần. Rồi tôi nhìn thấy đôi giày lấm bụi, tia mắt tôi đưa lên từ từ: chiếc quần sậm màu, áo hở rộng cổ không thắt cà vạt, chiếc hàm vuông, rồi mắt tôi chạm mắt chàng.
Chúng tôi cứ thế nhìn nhau không nói một lời nào. Thời gian lặng lẽ trôi qụa Đám mây cha khuất mặt trời bắt đầu trôi đi. Chàng vẫn thế không có gì thay đổi ngoài khuôn mặt trắng xanh.
- Ức My, em có khỏe không?
Tôi gật đầu, lí nhí không nói được. Trung Đan đưa tay, nhè nhẹ vuốt chú thỏ trong lòng tôi:
- Nó sao vậy?
- Bệnh rồi, có lẽ bị cảm.
Bàn tay chàng chầm chậm nắm lấy tay tôi xiết mạnh, giọng chàng run run:
- Ức My, rốt cuộc rồi anh cũng tìm thấy em.
Tôi nhắm mắt lại, nước mắt vờn quanh mi, không nói nên lời. Chàng ôm tôi, giọng đau khổ thống thiết:
- Ức My, sao em ngu như vậy. Em bỏ đi không cho anh biết, làm cả nhà bấn loạn lên, em biết không? Bây giờ thì em đã bình thường rồi phải không? Anh đến đón em. Đừng khóc nữa, nín đi đừng khóc.
Tôi vẫn khóc, vì nếu không khóc thì tôi không biết phải làm gì bây giờ. Trung Đan ôm tôi vỗ về, chàng đã làm khuấy động tình cảm tôi. Tôi sung sướng khóc, khóc mãi đến một lúc lâu lòng mới cảm thấy thư thả. Chàng nâng cằm tôi lên, lau nước mắt, như đang vỗ về một đứa bé.
Sau đó tôi nghe có tiếng vỗ tay của lũ trẻ con bà Lâm:
- Ê tụi bây ơi! lại xem chị My nè, con gái mà ôm con trai mà không biết mắc cở, lêu lêu!
Xô Trung Đan ra, nhìn chàng rồi lại nhìn lũ trẻ tôi phì cười theo. Có tiếng chân người bước đến gần, đồng thời một bàn tay to lớn nắm lấy tôi. Ngẩng đầu lên, nhìn ra khuôn mặt xồm xoàm đầy râu tóc của giáo sư La Nghị. Tiếng ông ồn ào:
- Ức My, sao em trốn học về đây chứ? Làm tôi tìm mãi không ra. Lúc bình thường không để ý, chỉ biết em ở tại một trường tiểu học mà cũng không biết địa chỉ ở đâu nữa. Lục hết cả một tỉnh Cao Hùng này mới tìm được em. Được rồi, bây giờ ngoan ngoãn theo tôi về ngay.
Tôi ngập ngừng:
- A. Tôi... Tôi...
Giáo sư La Nghị hét to:
- Cô còn muốn gì nữa đây hở? Nếu có giận hờn gì thì cứ cãi nhau hay chửi bới một lúc cho hả giận rồi thôi, chớ làm gì mà em lại bỏ nhà đi? Đài Loan bây lớn, người thì đông, đất lại rộng, em còn muốn tôi đến đâu tìm em nữa chứ? Sao khó khăn vậy. Em đi đâu thì không sao cả, nhưng tội cho người nhà phải bấn loạn lên đi tìm. Trung Đan trách tôi sao đánh em, thật ra tôi đâu có ngờ chỉ vì một cái tát tai mà em lại bỏ đi đâu? Gia Gia nó lục lọi tứ tung xem em ở đâu, nó tưởng em núp trong hộc tủ, thế là nó quần lấy các ngăn sách của tôi. Hạo Hạo cũng cự nự tôi. À, còn con mèo của cô nữa, không biết làm sao mà nó chui vào trong tủ tôi làm ổ trong ấy, thôi xương cá tứ tung trong đó. Thôi cô về ngay đi về dọn dẹp sạch sẽ cho tôi nhờ.
Tôi sung sướng nhảy nhỏm lên:
- Tiểu Ba chưa đi mất sao giáo sư?
- Đi mất? Đi đâu mà mất? Có mất chăng là cô. Thôi đừng nói nhiều, sửa soạn nhanh lên để xem có kịp chuyến xe lửa nào không.
Tôi do dự, quay lại nhìn thấy bà hiệu trưởng Lâm đang mỉm cười, bà bước đến cạnh, nắm tay tôi nói:
- Đi đi em, Ức My. Giáo sư Nghị đã nói hết cho bác nghe rồi. Ráng học để thi đậu em nhé!
Tôi vẫn do dự, giáo sư La Nghị muốn đưa tay nắm tôi lôi đi, bỗng tay ông chạm vào chú thỏ, giựt mình ông hét to:
- Trời ời, cái gì nữa đây?
Tôi nâng cao chú thỏ lên nói:
- Dạ chú thỏ ạ, nó đang bệnh đấy. Em có thể mang nó về nhà được không giáo sư?
- Ơ, ơ. Đôi mắt ông tròn xoe lại, ông ậm ừ - Thôi được, mang nó đi luôn đi. Có lẽ rồi đây tôi phải mở luôn một cái sở thú để trong nhà cho em chăm sóc luôn thể!
Tôi sung sướng hét lớn. Bao nhiêu bực dọc phiền nhiễu trong những ngày qua đã vỗ cánh bay đi. Trao chú thỏ cho Trung Đan, tôi nói:
- Ôm giùm tôi một chút nhé!
Rồi tôi chạy bay vào nhà soạn quần áo. Xách chiếc valise trên tay bước ra ngoài. Bà hiệu trưởng Lâm đến nói vài lời từ biệt với tôi. Cười cười, giọng bà luyến tiếc:
- Lần sau con có đến đây, mong rằng không phải đến để trốn nữa con nhé!
Tôi nhìn bà chẳng nỡ rời. Giáo sư La Nghị bực dọc vì chờ đợi. Chúng tôi bước ra cửa. Hai đứa con của bà Lâm đưa đẩy nhau trước mặt:
- Mày lại hỏi đi!
- Mày hỏi đi!
Giáo sư La Nghị hỏi tôi:
- Chúng nó làm gì thế?
Nhìn hàm râu xồm xoàm của giáo sư, tôi chợt hiểu và cười lớn. Giáo sư Nghị chau mày:
- Em cười cái gì đấy?
- Dạ em cười chúng nó. Tụi nó đố nhau giáo sư là tướng cướp hay là tù vượt ngục.
Mọi người cười ồ lên, gương mặt ông rắn lại, miệng ông lẩm bẩm điều gì không rõ. Chúng tôi cứ thế vừa đi vừa cười bước về phiá cổng.
Hai giờ sau, tôi, Trung Đan và giáo sư Nghị ngồi yên trên chuyến xe lửa trở về Đài Bắc. Chiếc xe vun vút lao đi, bỏ lại những đám rừng, đồng cỏ, thôn trang và phố thị. Tôi và Trung Đan ngồi một bên, giáo sư La Nghị ngồi đối diện, chú thỏ nhỏ được đặt trong lồng để dưới chân.
Trên đường chúng tôi yên lặng. Trung Đan thấp thỏm như có chuyện muốn nói nhưng vẫn không thốt ra lời. Còn giáo sư Nghị thì ra chiều suy nghĩ, mắt nhìn cảnh vật bên ngoài trôi nhanh. Càng gần đến nhà bao nhiêu lòng tôi càng hồi hộp, tôi đã ra đi rồi bây giờ quay trở lại. Lúc đi, tôi chỉ muốn trốn lánh bao nhiêu chuyện mà bây giờ vẫn còn đó, lần này trở về lại gặp lại, tình thế ra sao? Vấn đề vẫn chưa giải quyết được gì cả. Tôi phải làm sao đây? Xe lửa đã vượt qua Đài Trung, Tân Trúc, trạm này tiếp nối trạm khác, thành phố Đài Bắc càng cận kề.
Bây giờ khung trời bên ngoài đã đen sẫm, những ánh đèn chớp mờ xa xa càng lúc càng rõ. Nhìn những điểm sáng bên kia đồng cỏ, tôi thắc mắc không hiểu nơi đó có người ở không? Họ sinh sống ra sao? Có phải lúc nào cũng đau khổ rối rắm như cuộc sống của chính mình chăng?
Xe băng qua Trúc Bắc, Đào Viên, Trung Đan đổi thế ngồi, tôi quay sang nhìn, thái độ chàng thật kỳ quặc. Sau cùng, chàng hắng giọng:
- Thưa giáo sư.
Giáo sư La Nghị giựt mình quay lại nhìn dò hỏi.
- Tôi có câu chuyện muốn bàn với giáo sư ngay trong lúc xe chưa vào thành phố, xin giáo sư cho biết ý kiến.
Liếc sang tôi, chàng xiết chặt đôi tay tôi:
- Khi đến Đài Bắc, tôi muốn được tuyên bố lễ đính hôn với Ức My, ngay sau đó tôi sẽ chịu trách nhiệm về cuộc sống của nàng, và sẽ tìm một căn nhà riêng...
Giáo sư cướp lời, giọng nói ông có vẻ gay cấn:
- Anh nói thế là sao?
- Tôi muốn nói, Trung Đan có vẻ quyết định - Khi Ức My về đến Đài Bắc, nàng sẽ không về nhà giáo sư mà tôi sẽ mướn căn nhà khác...
- Nói bậy! Anh lấy tư cách nào để lo cho Ức My như vậy.
Giọng nói của giáo sư có vẻ giận dữ Trung Đan xiết chặt tay tôi hơn anh nói:
- Tôi là vị hôn phu của nàng, tôi muốn được chăm sóc nàng. Thưa giáo sư, nàng ở nhà ông thật bất tiện.
- Tại sao bất tiện? Ai ăn thịt nó đâu?
Trung Đan nói:
- Ai làm sao biết được. Nhưng ở nhà ông, nàng sẽ không vui được. Giáo sư đừng để nàng phải buộc lòng đi lần nữa.
- Tôi đâu có đuổi nó? Giáo sư La Nghị quát.
- Nhưng hình như người nào trong nhà họ La cũng muốn đuổi nàng đi cả.
Trung Đan nhìn thẳng vào giáo sư Nghị chàng nhấn mạnh từng chữ một.
- Thưa giáo sư, Ức My là gì của ông?
Chậm rãi lấy tấm hình trong túi đưa ra trao cho giáo sư Nghị, Trung Đan tiếp:
- Tấm hình này là ai đây?
Tôi liếc sang nhìn tấm hình, đó là hình Khởi Khởi lúc còn bé. Tôi lạ lùng nhìn Trung Đan rồi lại nhìn giáo sư Nghị, không biết chàng đang làm trò gì?
Nhưng hình như ông Nghị đang tức giận, đôi mắt tròn xoe, râu tóc ông dựng đứng lên, giựt lấy tấm hình, tay ông run rẩy. Một lúc lâu ông mới ậm ự hỏi:
- Trung Đan, anh tưởng anh có quyền tò mò bí mật gia đình người khác à?
- Không phải thế. Tôi chỉ muốn bảo vệ người tôi yêu, chỉ muốn nàng không bị ám hại.
- Ai ám hại nó.
Trung Đan nhìn tôi:
- Ai biết, nhưng có thể là người biết rõ thân thế của nàng ganh ghét nàng. Thưa giáo sư, tôi nghĩ rằng tốt nhất là ngài nên nói ra, thật ra nàng là ai?
Đôi mắt giáo sư mở lớn, tôi tưởng chừng như ông sẽ nhảy chồm về phiá Trung Đan. Nếu xe hỏa ngừng lại, không biết hậu quả sẽ thế nào. Trung Đan chủ động cái nhìn. hai người nhìn nhau không nói gì cả. Xe hỏa vẫn lao vút trong màn đêm bỏ lại phiá sau những tàn lửa bay bay.
Đến ga Vạn Huê ánh đèn sáng rực lên, Giáo sư Nghị nhẹ nhàng hỏi:
- Anh đã biết được gì?
Trung Đan nhỏ giọng:
- Không nhiều lắm. Nhưng nếu giáo sư cứ giữ kín mãi thì không sáng suốt chút nào, có bí mật nào không lộ ra đâu? Ức My cũng có quyền hiểu rõ đời của nàng chứ?
Giáo sư La Nghị lẩm bẩm điều chi trong miệng, Trung Đan lại tiếp:
- Nếu ngài thấy rằng Ức My cần phải ở lại nhà họ La, có lẽ giáo sư đã có những lý do riêng của giáo sư. Nhưng nếu ở trong nhà ông Ức My chỉ như là một kẻ ở đậu không hơn không kém, thì chi bằng ngài hãy để cho nàng được sống một cuộc đời tự do, không bị sỉ nhục có hay hơn không.
- Sỉ nhục? Ai sỉ nhục nó chứ?
- Chính Khởi Khởi. Cô ấy khinh thường Ức My, lý do lớn nhất là tưởng rằng nàng chỉ là đứa con côi đến ăn nhờ ở đậu.
Giáo sư Nghị giật mình. Tôi có cảm giác như ông ta đang run rẩy. Xe hỏa ngừng lại ở sân ga Đài Bắc, tiếng máy khuếch âm cho biết đã đến nơi rồi. Trung Đan đứng dậy, xách hành lý của tôi và lồng thỏ bước về hướng cửa. Chàng hỏi giáo sư Nghị:
- Thưa giáo sư, địa vị của Ức My và Khởi Khởi có ngang nhau chăng?
Ông Nghị bước xuống xe, đứng nơi sân ga ông nhìn Trung Đan nói:
- Cũng không hoàn toàn ngang nhau.
Tôi nhảy xuống xe đi qua hai hàng lan can bước ra ngoài. Những chiếc xe xích lô, taxi tranh nhau đón khách. Trung Đan nhìn giáo sư Nghị:
- Bây giờ đi đâu?
- Về nhà, chớ còn đi đâu nữa.
Ông Nghị giận dữ.
- Về nhà ông à?
Giáo sư Nghị ưỡn ngực ra, bàn tay ông trên vai tôi run rẩy, ông nói:
- Đúng vậy, về nhà tôi cũng là nhà của Ức My.
Trung Đan thở phào, chàng ngoắc tay gọi taxi. Chúng tôi chui vào, Trung Đan nói với bác tài:
- Đến đường Roosevelt! Rồi quay sang tôi - Em làm gì đó?
Tôi đáp:
- Dạ, chú thỏ của em nó đang nóng ạ.
Giáo sư Nghị hơi rung động, ông thở dài:
- Cũng lại là chú thỏ. Bản tính em giống hệt mẹ.
Tôi hỏi một câu mà đã lâu rồi lòng vẫn nghi vấn:
- Thế mẹ tôi là ai?
Từng chữ, từng chữ một, giáo sư Nghị nhấn mạnh:
- Là vợ tôi!