Họ là bạn bè cũ. Cả hai đều thích bia sủi bọt và rượu gin Bols đựng trong chai bằng đất nung tráng men. Nhưng trên hết họ đều say mê những cuốn sách cổ hiếm có và những phiên đấu giá tổ chức trong gian phòng cổ kính ở Madrid. Họ gặp nhau nhiều năm trước, khi Corso mọc rễ ở mấy cửa hàng sách chuyên về các tác giả Tây Ban Nha. Một khách hàng của gã muốn tìm một bản in không chính thức của cuốn Celestina được cho là xuất hiện sớm hơn ấn phẩm đã biết năm 1499. La Ponte không có cuốn đó, thậm chí còn chưa từng nghe nói, nhưng hắn lại có một cuốn của Julio Ollero, Sách tra cứu về những cuốn sách hiếm và những ấn phẩm truyền kỳ trong đó có nói về cuốn sách này. Họ chuyện trò về sách và nhận ra rằng hai người có khá nhiều cái chung. La Ponte đóng cửa hàng, hai người đánh dấu tình bạn bằng cách uống hết những thứ uống được ở quán bar của Makarova trong khi trao đổi với nhau những giai thoại về Melville. La Ponte kể những mẩu chuyện về Pequod[9] và những trò phóng túng của Azorín. “Cứ gọi tôi là Ishmael,” hắn nói rồi ngửa cổ nốc một hơi cạn ly Bols thứ ba. Và Corso gọi hắn là Ishmael, đọc tặng hắn đoạn trích về cây lao thép của Ahab: “Ba cú lao xuyên vào da thịt hoang dại và Cá Voi Trắng nổi giận đùng đùng.”
[9] Pequod: con tàu săn cá voi tưởng tượng trong tiểu thuyết Moby-Dick nổi tiếng (1851) của nhà văn Mỹ Herman Melville (1819-1891).
Họ uống mừng thật thỏa thuê. Khi ấy La Ponte không ngắm các cô gái ra vào quầy bar nữa. Hắn thề sẽ giữ mãi tình bạn với Corso. Mặc dù miệng lưỡi cay độc hiếu chiến và có máu tham nghề nghiệp của một tay bán sách cổ, bản chất La Ponte vẫn là một gã khờ. Vì vậy hắn không hề nhận ra rằng người bạn mới với cặp kính trễ chuẩn bị ngấm ngầm cho hắn một cú thọc sườn: Corso tia được mấy cuốn trên giá sách của hắn, gã nhắm chúng cho những giao dịch ngon lành. Nhưng La Ponte, với nét mặt nhợt nhạt, chòm râu xoắn, vẻ lịch thiệp của thủy thủ Billy Budd và tính mộng mơ của một thợ săn cá voi bất đắc chí, đã đánh thức sự đồng cảm của Corso. La Ponte thậm chí có thể kể tên toàn bộ thủy thủ đoàn của Pequod: Ahab, Stubb, Starbuck, Flask, Perth, Parsee, Queequeg, Tasthego, Daggoo... Hay tên của tất cả những con tàu được nhắc tới trong Moby-Dick: Goney, Town-Ho, Jeroboam, Jungfrau, Rachel... Và, thật khó tin, hắn còn biết cả long diên hương là thứ gì. Họ nói về sách và cá voi. Đêm đó Hội ái hữu những người phóng lao Nantucket ra đời, với chủ tịch là Flavio La Ponte và thủ quỹ Lucas Corso. Hai người là những thành viên duy nhất dưới sự bảo trợ khoan dung của Makarova. Ả đãi họ chầu cuối và kết thúc bằng màn uống chung một chai gin với họ.
“Tôi sẽ đi Paris,” Corso vừa nói vừa quan sát một bà béo đang nhét xèng hết đồng nọ tới đồng kia vào máy chơi, tựa hồ niềm vui ngớ ngần khi đoạt những giải thưởng bé tẹo và tiếng chuông rung có thể giữ rịt bà ta ở đó; mê mẩn và bất động, chỉ có bàn tay nhấn nút. “Để điều tra về Rượu vang Anjou của cậu.”
Tên bạn nhăn mũi liếc xéo gã. Paris có nghĩa là tốn kém và rắc rối hơn. La Ponte là một gã buôn vặt kiết xác.
“Anh biết tôi không gánh nổi chi phí mà.”
Corso thong thả nốc cạn ly. “Cậu chịu được.” Gã moi ra mấy đồng tiền trả cho lượt của mình. “Tôi sẽ kết hợp với mấy việc khác.”
“Thật ư?” La Ponte nói với giọng kích động.
Makarova đặt thêm hai cốc bia lên mặt quầy. Ả cao lớn, tuổi chừng bốn mươi, tóc vàng cắt ngắn, một tai đeo vòng, kỷ niệm thuở còn làm việc trên con tàu đánh cá bằng lưới vét ở Nga. Cái quần bó và chiếc áo sơ mi xắn đến tận nách. Hai bắp tay phát triển quá mức, không phải là sản phẩm duy nhất mang tính đàn ông trên người ả. Điếu thuốc cháy âm ỉ thường trực trên mép. Vóc người và dáng đi Baltic khiến ả trông như một thợ máy trong xưởng chế tạo ổ bi ở Leningrad.
“Tôi coi cuốn sổ đó rồi,” ả nói với Corso, đầu lưỡi uốn cong khi phát âm chữ “r”, tàn thuốc rớt trên chiếc áo sơ mi ẩm ướt khi ả nói. “Cô ả Bovary ấy. Thật đúng là con nhỏ điên rồ đáng thương.”
“Tôi rất mừng vì cô đã nắm được cốt lõi câu chuyên.”
Makarova lau quầy bằng một miếng giẻ. Ở đầu bên kia quầy, Zizi vừa đếm tiền vừa quan sát. Ả hoàn toàn tương phản với Makarova: trẻ hơn nhiều, mảnh dẻ và ghen khủng khiếp. Đôi lần, ngay trước khi đóng cửa, họ cãi nhau trong tình trạng xỉn, thậm chí còn choảng nhau gần chết. Một bữa, sau mấy lần như thế, hố mắt tím bầm, Zizi nổi xung bỏ đi trong điên cuồng và thù hận. Makarova nhỏ vô khối nước mắt vào bia cho đến lúc Zizi trở lại ba ngày sau. Đêm đó họ đóng cửa sớm rồi ôm eo nhau ra về, hôn nhau giữa đường giống như một cặp tình nhân tuổi teen.
“Anh ta sắp đi Paris,” La Ponte hất đầu về phía Corso nói. “Để xem có moi được cái gì bí ẩn không.”
Makarova gom mấy cái ly cạn và nhìn Corso qua khói thuốc. “Anh ta lúc nào chẳng bận bịu chuyện gì đấy,” ả nói với giọng cổ nghèn nghẹt.
Ả thả đống ly vào chậu rửa rồi tới phục vụ mấy người khách khác, đôi vai rộng lắc lư. Corso là khách hàng khác giới duy nhất không bị ả coi thường, ả công bố điều đó mỗi lần miễn phí cho gã một chầu uống. Cả Zizi cũng coi như gã vô hại. Một bận Makarova bị bắt khi đấm vào mặt cảnh sát trong một cuộc diễu hành vì quyền của người đồng tính, Zizi đợi suốt đêm trên ghế băng ở đồn cảnh sát. Corso đã sử dụng mọi mối quan hệ của gã với giới cảnh sát, ở lại đó với ả, mang cho ả bánh sandwich và chai gin. Chuyện đó đã khiến La Ponte nổi cơn ghen ngớ ngẩn.
“Sao lại là Paris?” hắn hỏi dù tâm trí đang bị thứ khác xâm chiếm. Khuỷu tay trái hắn húc vào vật gì đấy mềm mại rất dễ chịu. Hắn mừng rỡ nhận ra rằng bên cạnh hắn là một cô gái tóc vàng với bộ ngực khủng bố.
Corso nuốt vội ngụm bia. “Tôi cũng sẽ tới Sintra ở Bồ Đào Nha nữa.” Gã vẫn đang nhìn bà béo bên cái máy trò chơi. Bà ta thua hết xèng và đang đổi tiền ở chỗ Zizi. “Để làm một số việc cho Varo Borja.”
Gã bạn huýt lên một tiếng sáo. Varo Borja, nhà buôn sách hàng đầu Tây Ban Nha. Catalô của lão ta nhỏ nhưng được tuyển lựa kỹ. Lão ta còn nổi danh là một kẻ mê sách hơn tiền. Đầy kích động, La Ponte gọi thêm bia và hỏi thêm tin tức, với vẻ tham lam xuất hiện theo bản năng mỗi khi nghe thấy từ sách. Mặc dù tự nhận keo kiệt và nhát gan, hắn không phải là kẻ đố kỵ, trừ phi có liên quan đến những cô nàng xinh đẹp bốc lửa. Trong chuyện chuyên môn, hắn sẵn lòng chịu chút mạo hiểm để có được những món tốt, nhưng hắn cũng thực kính nể công việc và đám khách hàng của ông bạn.
“Cậu có khi nào nghe nói đến Chín cánh cửa chưa?”
Gã buôn sách lục lọi hồi lâu trong túi, hy vọng lần này Corso sẽ trả tiền. Hắn vừa quay người lại để nhìn rõ hơn cô nàng khêu gợi bên cạnh, nhưng câu nói của Corso khiến hắn lập tức quên ả.
“Đừng nói với tôi là Varo Borja đứng đằng sau cuốn sách đó...” La Ponte ngạc nhiên nói.
Corso đặt mấy đồng xu cuối cùng lên mặt quầy. Makarova mang tới hai vại bia mới. “Lão đã kiếm được nó cách đây ít lâu. Đã tốn cả đống tiền.”
“Tôi cũng đoán lão sẽ làm vậy. Chỉ có ba hay bốn bản được nhắc đến.”
“Ba,” Corso khẳng định. “Một ở Sintra, nằm trong bộ sưu tập của Fargas. Một nữa ở Paris, thuộc về Quỹ tài trợ Ungern. Varo Barja mua được bản thứ ba từ thư viện Terral-Coy ở Madrid.”
Mê mẩn, La Ponte vuốt ve chòm râu xoắn. Tất nhiên hắn đã nghe nói tới Fargas, nhà sưu tập Bồ Đào Nha. Còn bà nam tước Ungern, đó là một mụ già điên trở thành triệu phú bằng cách viết sách nghiên cứu về ma quỷ và huyền bí. Cuốn sách mới đây của bà ta, Isis khỏa thân, từng là sản phẩm gây sốt nóng các cửa hàng.
“Cái tôi không hiểu là anh phải làm gì với nó?” La Ponte nói.
“Cậu có biết lịch sử cuốn sách không?”
“Loáng thoáng thôi,” La Ponte đáp.
Corso thọc ngón tay vào cốc bia rồi nguệch ngoạc mấy hình vẽ lên mặt quầy bằng đá cẩm thạch. “Thời kỳ: giữa thế kỷ mười bảy. Bối cảnh: Venice. Nhân vật chính: một chủ nhà in tên là Aristide Torchia quyết định phát hành một cuốn sách tựa đề Sách về chín cánh cửa của vương quốc bóng tối, một dạng sách chỉ dẫn cách triệu hồi ác ma. Khi đó không phải thời kỳ thích hợp lắm: tòa án dị giáo bèn vào cuộc và dễ dàng túm được Torchia. Ông này bị buộc tội đã tiến hành những ma thuật của quỷ vương và mọi thứ liên quan, sự tình còn trầm trọng hơn khi họ kết luận rằng ông này đã cho in lại chín bức họa trong Delomelanicon, quyển sách huyền bí kinh điển mà theo truyền thuyết do chính quỷ vương Lucifer viết ra.”
Bên kia quầy Makarova đã nhích lại gần, bàn tay chùi vạt áo, háo hức lắng nghe. La Ponte sắp tợp một ngụm bia liền ngừng lại hỏi, theo bản năng liền khoác ngay dáng vẻ một gã buôn sách tham lam, “Chuyện gì xảy ra với cuốn sách?”
“Cậu có thể tự mình hình dung: Tất cả các bản in bị thiêu hủy.” Corso càu nhàu. Hắn có vẻ tiếc là đã quên chuyện đó. “Còn có người nói đã nghe thấy tiếng ma quỷ gào thét trong đám cháy.”
Makarova cầm hai cốc bia, khuỷu tay đè lên mấy hình vẽ bằng bia của Corso, miệng lẩm bẩm hoài nghi. Với mái tóc vàng, vóc dáng đàn ông và tính khí lạnh lùng của dân Bắc Âu, ả không ưa gì những trò mê muội tối tăm của người miền Nam. La Ponte thì càng kích động hơn. Chợt thấy cổ họng khô khốc, hắn tợp một ngụm bia.
“Đó hẳn là tiếng gào của chủ nhà in.”
“Hẳn thế.”
Corso tiếp tục. “Được tòa án dị giáo chăm sóc chu đáo theo cách dành cho những kẻ buôn bán các sản phẩm ma quỷ, cuối cùng người thợ in thú nhận giữa những tiếng gào thét rằng vẫn còn một cuốn sách giấu ở đâu đó. Sau đó hắn ngậm miệng kể cả khi bị thiêu sống, chỉ thốt lên mỗi một từ Aagh.”
Makarova cười khỉnh hoặc trước số phận của người thợ in Torchia hoặc với viên đao phủ không thể bắt ông ta thú nhận. La Ponte nhăn mặt.
“Anh nói là chỉ còn lại một cuốn,” hắn phản bác. “Nhưng trước đó anh nói rằng có ba.”
Corso gỡ kính, soi ra ánh sáng xem có sạch không.
“Đó mới là vấn đề,” gã nói, “những cuốn sách luân lạc qua chiến tranh, trộm cắp và hỏa tai. Không biết cuốn nào là thật nữa.”
“Có khả năng tất cả đều là giả,” Makarova góp chuyện ra chiều sành sỏi.
“Có thể. Vì thế tôi phải tìm hiểu xem có phải Varo Borja giở trò bịp bợm hay không. Đó cũng là lý do tôi phải đi Sintra và Paris.” Gã sửa lại cặp kính rồi nhìn La Ponte. “Trong khi ở đó, tôi sẽ xem lại bản thảo của cậu.”
Gã buôn sách thận trọng đồng ý, mắt nhìn cô nàng ngực to trong gương. “So với cái đó, có vẻ như thật buồn cười khi anh để mất thì giờ với Ba người lính ngự lâm...”
“Cái gì?” Makarova xen vào, hết hẳn dửng dưng. Ả thực sự bị xúc phạm. “Đó là cuốn truyện hay nhất tôi được đọc!”
Ả lấy tay vỗ mạnh lên mặt quầy bày tỏ thái độ, bắp cơ trên cánh tay phồng lên. Boris Balkan hẳn sẽ rất vui mừng khi nghe điều đó, Corso nghĩ. Ngoài tiểu thuyết của Dumas, những cuốn nằm trong danh sách top ten của Makarova (mà gã là cố vấn văn học) bao gồm Chiến tranh và hòa bình, Đồi thỏ hoang và Carol của Patricia Highsmith.
“Đừng lo,” gã nói với La Ponte. “Tôi sẽ bắt Varo Borja chịu phí tổn. Nhưng tôi muốn nói rằng Rượu vang Anjou của cậu là đồ thật. Ai lại làm giả một thứ như vậy chứ?”
“Người ta có thể làm đủ mọi thứ,” Makarova giọng thạo đời xen vào.
La Ponte đồng ý với Corso - giả mạo một tài liệu như vậy là ngu ngốc. Lão Taillefer quá cố đã đảm bảo với hắn tính chân thực của nó. Nó chính là của Dumas. Và Taillefer là người đáng tin.
“Tôi thường mang tới cho hắn những tờ báo cũ có đăng truyện nhiều kỳ. Hắn đặt mua tất cả những thứ đó.” Hắn tợp một ngụm rồi tự giễu mình. “Một lý do không tồi để ngắm đôi chân cô vợ hắn. Đó là một người đẹp tóc vàng bốc lửa. Rồi bỗng một hôm hắn mở ngăn kéo lấy Rượu vang Anjou đặt lên bàn. ‘Đây là của anh,’ hắn nói thẳng, ‘với điều kiện anh phải lấy xác nhận của một chuyên gia rồi bán ngay lập tức.’”
Một khách hàng kêu nước khoáng. Makarova chửi thề rồi vẫn đứng nguyên đó, điếu thuốc lụi dần trên môi, mắt khép hờ vì khói thuốc. Ả chờ phần kết câu chuyện.
“Thế thôi hả?” Corso hỏi.
La Ponte phác một cử chỉ mơ hồ. “Gần như thế. Tôi đã cố ngăn vì biết hắn thường phát rồ đối với những thứ như vậy. Hắn có thể bán cả linh hồn vì một quyển sách hiếm. Nhưng hắn đã quyết. Hắn nói, ‘Nếu anh không làm, tôi sẽ trao nó cho người khác.’ Chuyện đó chạm vào chỗ nhạy cảm, tất nhiên. Nhạy cảm nghề nghiệp, ý tôi là vậy.”
“Không cần giải thích,” Corso nói. “Cậu còn có thể làm quái gì đây?”
La Ponte quay sang Makarova cầu cứu, nhưng liếc thấy đôi mắt màu đá của ả hắn liền thôi ngay. Đôi mắt trông ấm áp như vịnh fjord ở Na Uy vào lúc ba giờ sáng.
“Đúng là anh hát chị khen hay,” hắn thốt lên cay đắng.
Người đàn ông kêu nước khoáng hẳn khát lắm, Corso nghĩ, bởi vì hắn vẫn kiên trì đòi. Makarova lườm gã khách hàng và vẫn không động đậy, bảo hắn tìm quán khác trước khi ả khiến cho hố mắt hắn đổi sang màu đen. Người này nghĩ ngợi. Có vẻ hắn hiểu ý. Hắn bỏ đi.
“Enrique Taillefer là một người kỳ dị.” La Ponte lùa bàn tay dưới mái tóc mỏng của mình, tiếp tục ngắm nàng tóc vàng trong gương. “Hắn muốn tôi bán bản thảo và công khai cho tất cả những người buôn sách khác.” Hắn hạ giọng để ả tóc vàng không nghe thấy. “‘Ai đó sắp có dịp ngạc nhiên,’ Taillefer bảo tôi với vẻ bí ẩn, nháy mắt như thể định đùa cợt người nào đấy. Bốn ngày sau hắn chết.”
“Chết,” Makarova lặp lại bằng giọng cổ, tựa hồ đang thưởng thức giọng nói của mình. Mỗi lúc ả một thêm hứng thú.
“Tự tử,” Corso nói rõ.
Ả nhún vai, tỏ ra là với ả tự tử hay bị giết chẳng có gì khác nhau lắm. Có một bản thảo đáng ngờ và một cái xác: hoàn toàn đủ để giả định là có âm mưu gì đây rồi.
Nghe đến chữ “tự tử”, La Ponte gật đầu với vẻ ủ dột. “Họ nói vậy.”
“Cậu có vẻ không chắc lắm.”
“Quả vậy. Chuyện hơi kỳ quặc.” Hắn lại nhăn mặt, bỗng nhiên nom ỉu xìu và quên hẳn ả tóc vàng. “Tôi ngửi thấy có mùi gì đấy ám muội.”
“Taillefer có nói bằng cách nào hắn kiếm được tập bản thảo không?”
“Lúc đầu tôi không hỏi. Tới lúc xảy ra chuyện thì lại quá muộn rồi.”
“Cậu đã nói chuyện với bà vợ góa chưa?”
La Ponte tỉnh hẳn người. Hắn cười toét miệng. “Để lúc khác tôi nói.” Tựa như hắn nhớ ra mình còn một con bài tủ. “Đó sẽ là thù lao cho anh. Tôi không thể chi nổi dù chỉ một phần mười số tiền Varo Borja trả cho cuốn Sách về chín lời nói dối của hắn đâu.”
“Tôi sẽ lấy đúng tỷ lệ đó khi cậu tìm được một khách hàng sộp và trở thành triệu phú. Chỉ sau đấy tôi mới lấy tiền.”
La Ponte lộ vẻ đau khổ. Thằng cha vốn ưa nhạo báng nhưng lại có phần đa cảm, Corso nghĩ.
“Tôi cứ nghĩ anh giúp tôi vì là bạn bè,” La Ponte phản kháng. “Anh biết đấy. Câu lạc bộ những Người phóng lao Nantucket. Lẽ nào chỉ để nói với nhau: Xem con nhỏ phụt nước kìa! cùng với những thứ nhảm nhí tương tự?”
“Bạn bè,” Corso đáp rồi nhìn quanh như muốn tìm ai đấy giải thích từ này cho gã hiểu. “Ở quầy bar và nghĩa địa có cả đống bạn tốt.”
“Vậy lúc cần anh dựa vào ai, mẹ kiếp?”
“Vào chính anh ta,” Makarova thở dài. “Corso chẳng bao giờ cần ai giúp.”
La Ponte tuyệt vọng nhìn cô nàng ngực to bỏ đi với một gã trẻ tuổi bảnh bao trông như người mẫu. Corso vẫn nhìn bà già to béo bên cái máy trò chơi đã lại thua hết xèng. Bà ta đứng đó, ánh mắt bối rối, trống rỗng, hai tay buông thõng. Chỗ bà ta chơi đã bị một người đàn ông cao lớn da màu có bộ râu đen rậm và vết sẹo trên mặt thế vào. Trong một thoáng Corso nghĩ rằng hắn ta trông quen mặt, nhưng cảm giác này biến mất trước khi gã chộp được nó. Đối nghịch với nỗi thất vọng của bà béo, cái máy lúc này lại đang tuôn ra cả một dòng thác những đồng xèng ầm ĩ.
Makarova trao cho Corso cốc bia cuối cùng trong quán. Lần này La Ponte trả tiền cho lượt của hắn.