Câu truyện tuổi 23

Đây là một câu chuyện. Chuẩn đấy! Mặc dù nó được tôi viết (chính xác là đánh máy), nhưng nó chỉ là một câu chuyện. Chắc chắn không phải “truyện”, đừng nhầm! Truyện thuộc một phạm trù gì đó dành cho các nhà văn, còn tôi, đơn thuần là một anh chàng đang kể lại mấy việc vừa trải qua. Thế nên, xin nhắc lại lần nữa: đây, là một câu chuyện. Nhưng bắt đầu từ đâu đây? Ngay lúc này, tôi không biết nên bắt đầu từ đâu. Thật tệ, phải không? Nhưng hãy để tôi lục lại trí nhớ, hãy để tôi đào sâu tâm khảm, hãy để tôi tìm lại ký ức thuở nào, hãy để tôi…
Thực ra tôi đang cố tình lảm nhảm như một ông nhà văn thực thụ mà thôi. Bạn có thể chuyển ánh mắt xuống đoạn văn tiếp theo và ngừng tự hỏi “thằng này đang lảm nhảm gì thế?”. Tuy nhiên, trong câu chuyện của mình, tôi sẽ thỉnh thoảng lảm nhảm như thế. Ai đang đọc và sẽ đọc, xin hãy thông cảm và bao dung cho sự hâm khùng bất chợt của tôi.
Đó là một buổi sáng, khi mà tôi còn đang ngáy khò khò thì tiếng chuông báo thức vang ầm ĩ khắp phòng:
“Xin thông báo, bây giờ là… 7 giờ 1 phút! Xin thông báo, bây giờ là… 7 giờ 1 phút! Xin thông báo…”.
Tôi choàng tỉnh, lồm cồm bò dậy rồi đi tới bàn học. Trên bàn, chiếc Nokia cổ lỗ sĩ rung bần bật phát giọng nữ: “Xin thông báo, bây giờ là…”. Như một cỗ máy được lập trình, tôi tắt chuông, đặt lại giờ báo thức là 7 rưỡi, sau đó… trèo lên giường ngủ tiếp. Bạn có thể nói “sao từ đầu mày không đặt chuông 7 rưỡi?”, nhưng tính tôi là thế. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, tôi luôn thảo một kịch bản rằng mình sẽ dậy lúc 7 giờ 1 phút sáng, vệ sinh cá nhân, ăn sáng ngon lành, ngồi rung đùi uống café rồi thong thả đi làm. Tất nhiên, tôi chẳng bao giờ thực hiện được kế hoạch đó vào sáng hôm sau. Luôn luôn là ngủ thêm ba mươi phút, quáng quàng chạy xuống nhà đánh răng rửa mặt, nuốt vội bát mì tôm sặc mùi chất bảo quản, lắm lúc chẳng cả ăn rồi dắt xe đi làm. Hồi tôi còn đi học và mẹ tôi còn làm hộ công việc của chuông báo thức, chuyện như vậy chẳng bao giờ xảy ra. Hoặc dậy, hoặc phải nghe bà xạc một trận thối lỗ nhĩ nếu thấy tôi chây ì trên giường quá năm phút.
Đúng 7 rưỡi, chiếc Nokia cổ lỗ sĩ reo inh ỏi. Thực tình, tôi chỉ mong chiếc điện thoại ở ngay đầu giường để tắt chuông báo thức để ngủ tiếp. Tôi định làm việc ấy thật, may sao cái lý trí nhắc nhở rằng cái điện thoại sắp hết tiền, xe máy sắp hết xăng, nguy cơ nhịn đói bữa trưa dài hạn, tháng này sắp hết và tôi vẫn chưa kiếm được khách hàng nào. May mắn thay, tôi sống cùng bố mẹ nên bữa tối miễn phí, mặc dù thâm tâm thấy nhục vì chẳng đóng góp được tiền ăn cho gia đình. Tôi mò dậy trong tâm trạng vừa nhục vừa buồn ngủ, tắt chuông rồi xuống phòng vệ sinh đánh răng rửa mặt.
Trước khi câu chuyện tiếp tục, các bạn cũng nên dành chút thời gian để coi cái thằng đang lảm nhảm với các bạn có nhân dạng thế nào. Qua cái gương trong phòng vệ sinh thì ngoại hình của tôi như vầy: tóc cua, mắt thâm quầng do vừa thiếu ngủ vừa đeo kính thường xuyên (tôi cận thị nặng), mặt hơi gầy, không đẹp không xấu; vóc người bình bình tầm tầm, cao hơn 1m7 tí xíu, vừa đủ điều kiện làm nhân viên ngân hàng. Nói túm lại, tôi là một anh chàng bình thường, không nổi trội, không biệt tài, chỉ có mong ước nho nhỏ cuối tháng ví luôn đầy, dù rằng nó sẽ xẹp đi nhanh chóng và phải xin thêm tiền trợ cấp từ bố mẹ. Hầy! Hai mươi ba tuổi với tình trạng như vậy, bạn có thể gọi tôi là một thằng ăn hại – nếu bạn thành đạt, bạn cũng có thể tặc lưỡi: chuyện bình thường – nếu bạn thông cảm. Thực ra, thằng con trai hai mươi ba tuổi nào khi ra trường cũng mơ ước thành ông nọ bà kia, chí ít là bản thân phải đàng hoàng. Song bạn tự nhiên sẽ biết rằng cuộc sống chỉ ban phát sự như ý cho bộ phận thiểu số, mà tôi lại thuộc phần đa số.
Đánh răng rửa mặt một tí, than thân trách phận tí, tôi tìm đồ ăn. Nghe có vẻ có rất nhiều lựa chọn, nhưng thực sự chỉ có mì tôm thôi. Khoảng một năm nay, tôi từ bỏ thói quen ăn ngoài. Không phải vì vấn đề vệ sinh thực phẩm đâu! Thật! Sống ở xứ sở này, hai mươi năm ăn toàn thứ độc hại vào người, giờ chuyển sang ăn sạch cũng chẳng làm bạn kéo dài tuổi thọ mấy. Nhưng với tình trạng kinh tế bết bát như hiện nay, rác rưởi cũng có giá trị của nó. Ngày xưa tôi khoái phở lắm, tuần nào cũng xơi một bát; giờ tôi vẫn khoái phở nhưng nửa năm chẳng dám đụng một lần. Không còn cái gọi “phở là món bình dân” như ai từng nói nữa, nó đã trở thành thứ xa xỉ phẩm, ít nhất là với tôi. Ba mươi nghìn, chừng ấy đủ cho tôi làm khối việc thay vì ăn phở.
Đang sì sụp húp bát mì, tôi chợt thấy bố tôi đi xuống. Tôi nhóng mắt nhìn dáng đi hai hàng của ổng rồi lại cúi xuống ăn tiếp. Bố bật tivi, lắng nghe đài truyền hình lảm nhảm vấn đề gì đấy về kinh tế rồi nhẹ nhàng hỏi tôi:
-Trưa về ăn cơm chứ?
Tôi trả lời cộc lốc:
-Chắc là không.
-Vậy nhớ ăn cơm đầy đủ. Chọn cái hàng nào sạch sẽ nhé! – Bố tôi tiếp lời.
-Vầnggg!
“Vầng” chứ không phải “vâng” và tôi còn cố tình kéo dài lê thê âm cuối. Chữ “vầng” đó xuất phát từ một mớ cảm xúc hỗn độn của đứa con trai với ông bố. Đôi lúc tôi yêu thương ổng, có lúc tôi muốn đập ổng thật lực, đại loại thế. Nghe có vẻ giống thằng cu con tuổi teen ẩm ẩm ương ương nhỉ? Nhưng tôi khẳng định mình đã qua tuổi đó lâu rồi. Chỉ là bất cứ thằng con trai nào cũng có vấn đề với ông bố của nó, vấn đề của tôi thuộc loại “trầm trọng”. Tôi luôn tránh nói chuyện với bố, trừ lúc mời cơm hay ra khỏi nhà. Bạn biết đấy, mỗi nhà mỗi cảnh mà! Bởi lẽ ấy, nhiều năm gần đây, một suy nghĩ ám ảnh tôi rằng khi có con, tôi sẽ trở thành bản sao của ông bố mình, còn thằng nhỏ sẽ trở thành bản sao của chính tôi bây giờ. Bi kịch gia đình thường có chu kỳ vòng lặp và tôi sợ điều đó. Nhưng nghĩ vậy thôi chứ ít nhất mười năm tới, tôi không muốn làm bố. Nghĩ cảnh bố mẹ nuôi một thằng như mình từ lúc bé thơ đến khi nó to vật vã phá làng phá xóm, tôi sợ lập gia đình.
Ăn xong bát mì, tôi leo lên xe đi làm, không quên chào bố mẹ. Xe chạy ra đường cái, tôi nhìn trời, nhìn mây, nhìn dòng người chen chúc qua lại, miệng lẩm bẩm chửi thề câu quen thuộc mỗi ngày đầu tuần: “Đ.M, hôm nay là thứ hai!”. Phải, tôi vừa chửi thề. Xin lỗi, nếu bạn cảm thấy khó chịu. Tôi sẽ không ngụy biện rằng ai cũng nói bậy hay cái gì đại loại thế. Chỉ là chửi thề khiến tôi bớt hằn học với cuộc sống. Theo một nghĩa nào đó, nó giúp bạn sử dụng vũ lực trong tư tưởng thay vì động tay chân. Xã hội bây giờ không phải xã hội của dân tộc Viking bên Bắc Âu, nơi bạn có cơ hội cầm kiếm xỉa chết một thằng khốn mà bạn ngứa mắt từ lâu. Ôi không, hình như… tôi đang ngụy biện. Tại sao lại có chém giết ở đây? Tôi lại lảm nhảm rồi, thật xin lỗi!
Xe chạy mãi rồi cũng đến cơ quan. Ở trên tôi có nói mình cao trên 1m7 và đủ điều kiện làm ở ngân hàng, nhưng thực tế tôi không làm việc ở ngân hàng. Chỉ là mong muốn thôi! Tôi làm ở một công ty tài chính nhỏ, cũng tiền bạc, cũng vay nợ, nhưng trong con mắt đại đa số người, nó kém danh giá hơn nhân viên ngân hàng nhiều. Quy chuẩn xã hội này nó vậy đấy! Không có chuyện nghề nào cũng đáng quý như người ta thường nói. Bạn không tin? Hãy kiếm một cô bạn gái, hỏi cô ấy làm vợ và ra mắt nhạc phụ nhạc mẫu, lúc ấy bạn sẽ hiểu.
Mọi người thường nghĩ công việc liên quan đến tiền bạc thường tẻ nhạt và nguội ngắt như chính đồng tiền. Nhưng công việc của tôi không đến nỗi thế, nó khá đa dạng và không lặp đi lặp lại. Mỗi ngày, tôi phục trước máy điện thoại, gọi điện và tư vấn giới thiệu sản phẩm. Phải, tôi là nhân viên tư vấn khách hàng. Hẳn ai công tác trong lĩnh vực này đều biết một nghịch lý hiển nhiên: bạn là người đại diện cơ quan chủ quản cho vay, bạn sẽ ban phát tiền cho những con người cần tiền, nhưng chính bạn đôi lúc phải lạy lục người ta vay. Họ vay, bạn có lương; họ không vay, bạn trều họng. Bạn sẽ gặp vô số loại người: người cần tiền tu sửa cái nhà hay mua đồ gia dụng, kẻ thèm tiền như con nghiện thèm thuốc nhưng vẫn làm bộ mặt oai phong “anh vay cho vui thôi chứ anh thiếu gì tiền (?!)”, hay những người muốn vay nơi này để trả khoản nợ ở nơi khác (thuật ngữ ngân hàng gọi là đảo nợ). Tôi biết tỏng họ vay làm gì, vài người thậm chí không hề giấu giếm mục đích vay của mình, một phần trong số ấy chẳng hề tốt đẹp. Nhưng tôi chẳng quan tâm, miễn sao họ được vay là tôi được tiền, kệ mẹ mấy cái mục đích tốt xấu. Vậy, cái nghề tư vấn khách hàng, bạn nghĩ gì về nó? Marketing? Nhà tâm lý học? Kỹ năng mềm? Không phải thế, người đời hay gọi tôi và những người đồng nghiệp bằng cái tên bình dân hơn: bọn lừa đảo. He he, tôi không bận tâm mấy lời hằn học ấy đâu. Thật! Trong số những người đó, phần đông là đạo đức giả, họ đều mong muốn đứa con trở thành kẻ lừa đảo rồi khoe vung chít cầy với họ hàng làng xóm: cháu nó là nhân viên ngân hàng.
Nhưng nếu bạn hỏi rằng tôi có thích công việc hiện tại không thì tôi sẽ khẳng định: không. Tôi luôn hỏi tại sao mình lại học ngành này, chọn nghề này?
Câu hỏi đó quấy rối tôi nhiều nhất vào bữa trưa. Đĩa cơm ba mươi ngàn, cơm hôm nóng hôm nguội, đồ ăn lúc ngon lúc dở, mà dở lại nhiều hơn. Thành thử tôi cũng bớt chú mục ăn uống và dành thời gian nghĩ tháng này làm hồ sơ ra sao, tháng sau kiếm khách hàng mới như thế nào. Bốn tháng đầu, tôi nghĩ như vậy thật. Nhưng sang tháng thứ năm, tôi nghĩ chuyện tối nay đi chơi ở đâu, tầm chiều đi café với thằng bạn, cuối tuần túy lúy bữa nhậu với mấy thằng chí cốt. Và sau ba tháng nữa, tôi bắt đầu đặt câu hỏi “tại sao mình chọn nghề này?”.
Tại sao mình đi theo con đường này?
Mấy câu hỏi như vậy thường chẳng tìm được câu trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn là sau này, nếu tôi không đi theo nghề này, tôi chỉ là thằng ăn hại. He he, trớ trêu vậy đấy. Bạn gắn bó với một nghề nghiệp không phải vì bạn thích nó, mà bởi chỉ có nó mới đem lại miếng ăn cho bạn. Giải pháp? Mơ ước! Tôi ngồi đó, tay chống thái dương, mắt ngó đăm đăm đĩa cơm, lòng cầu mong có thể quay ngược thời gian. Hàng tỷ người trên thế giới đều mơ ước giống tôi, thậm chí các nhà khoa học gia đang tìm cách biến nó thành sự thật. Người ta nói rằng có những lỗ hổng mà chỉ cần máy gia tốc đủ lớn, con người có thể trở về quá khứ hoặc đến tương lai như du hành bằng cỗ máy thời gian của chú mèo Doraemon vậy. Món công nghệ tuyệt vời ấy ra đời lúc nào, không ai biết, nhưng chắc chắn là sau khi tôi nằm hòm. Khẳng định luôn đó!
Nhưng nếu có thể quay ngược thời gian, bạn sẽ làm gì?
Sẽ là một câu chuyện dài dòng và đầy hương vị cổ tích. Nhưng cổ tích không xuất hiện giữa buổi trưa nóng nực, đĩa cơm nguội ngắt và cơn buồn ngủ díp mắt. Tôi nuốt vội một đống ba mươi ngàn rồi chuồn về công ty, ngủ gà ngủ gật trên ghế, đợi chờ một buổi chiều dài đằng đẵng phía trước.
Tan sở, tôi dắt xe khỏi bãi với gương mặt nhầu nhĩ ngang cái giẻ lau nhà. Hồ sơ trục trặc, chẳng kiếm được khách hàng mới, bị khiển trách vì chểnh mảng công việc, ghen tị khi đồng nghiệp được khen thưởng; từng ấy thứ ập xuống đầu khiến tôi bực bội. Tôi ghét con đường về nhà, ghét dòng phương tiện xả đầy khói, ghét những chiếc xe buýt cồng kềnh lấn đường, ghét những anh chàng áo vàng rình bắt người đi xe không gương. Đỉnh điểm là khi bị một mụ già đứng tuổi lái con Súp pừ Cúp tạt đầu, tôi phát điên và ghét toàn bộ phụ nữ. Hàng mớ luật giao thông đề ra nhưng chẳng cái nào ngăn cản phụ nữ tung hoành ngoài phố. Ăn hại! – Tôi bực dọc.
Tuy nhiên, tôi không đem nỗi bực dọc ở cơ quan về nhà. Tôi cấm mình làm thế, bởi ông bố tôi đã từng làm thế. Bạn nhớ nhân vật Barney của series phim How I met your mother nói về hiện tượng “chửi dây chuyền” chưa? Sếp chửi bạn, bạn chửi vợ, vợ chửi con, thằng con chửi con chó, con chó đớp bạn. Đó! Khi bạn trút nỗi phiền muộn vào gia đình, sự phiền muộn sẽ như đòn hồi mã thương đâm thẳng vào chính bạn. Thế nên khi bước chân vào cửa nhà, tôi cố nặn ra một bộ mặt tươi tỉnh, gật gà gật gù “vẫn bình thường” trước câu hỏi “công việc thế nào?” của hai cụ. Vả lại, nếu có chuyện gì thật, chẳng lẽ bạn muốn các cụ lo lắng sao?
Cơm nước tắm rửa xong, tôi dành hết thời gian vào máy tính. Chơi game, nghe nhạc, hẹn mấy thằng bạn đi café, đọc mấy tin tức cướp hiếp giết đầy rẫy trên mạng. Nghe có vẻ nhàn hạ, nhưng kỳ thực nó cũng không làm đầu óc tôi vui hơn chút nào. Chơi game một mình thì chán, chơi mạng thì toàn gặp lũ trẻ trâu luôn mồm chửi bới; báo chí hơi tí lại trưng bày một cô người mẫu hoặc hotgirl chẳng biết từ cái lỗ nào chui ra. Tôi thậm chí chẳng buồn tán gẫu trên facebook nữa; trước đây vì chúi mũi vào việc nói chuyện trên mạng, kỹ năng giao tiếp ngoài đời của tôi dở tệ hại, một tháng đi làm đầu tiên không có khách hàng là hậu quả. Ngồi máy tính chán chê, tôi leo lên giường đi ngủ. Tất nhiên, tôi không ngủ ngay mà mở điện thoại đọc tin nhắn khuyến mãi nạp thẻ, lòng cầu mong ngày mai sẽ vớ được một tay khách hàng cần tiền dữ dội, thi thoảng lại lẩm bẩm chửi mụ già Súp pừ Cúp hồi chiều.
Ngày đầu tuần của tôi kết thúc. Và một điều chắc chắn là sáu ngày sau sẽ kết thúc như ngày đầu tuần. Họa chăng hôm chủ nhật, tôi sẽ lượn đâu đấy cùng đám bạn cho đỡ chán. Nói tới đây, chắc bạn cũng hiểu tình trạng của tôi: độc thân. Phải, tôi đây, hai mươi mấy năm lọ mọ ăn khoai sọ trên đời vẫn chưa yêu được cô gái nào. Thậm chí, chẳng cô gái nào gọi điện cho tôi, họa chăng có mấy “cô gái” sồn sồn tuổi băm hỏi thủ tục vay tiền. Họ hàng mỗi lần lên chơi đều hỏi một câu vừa quen vừa rất ư kỳ cục: “cháu có người yêu chưa?”. Tôi luôn trả lời bằng mấy lý do quen thuộc như công việc chưa ổn định, hoặc là chưa đến tuổi thích hợp. Mấy người họ hàng chỉ cười nhạt, nhìn tôi với ánh mắt của một vị quan tòa thấu triệt lời quanh co chối tội của phạm nhân. Rồi mấy bài ca quen thuộc lại xướng lên: hồi bằng tuổi cháu, con bác có hàng đống đứa chạy theo. Mà chưa cần họ hàng, mẹ tôi dạo gần đây liên tục càm ràm chuyện gái gú. Bà cứ đinh ninh rằng tôi phải lấy một cô vợ kém một tuổi, hai tuổi hoặc bốn tuổi, sau đấy, tôi phải lấy vợ lúc hai mươi bảy tuổi. Thiệt tình! Tôi cứ ừ ừ vâng dạ cho vui lòng bà cụ chứ thâm tâm không muốn mình hoạt động giống một cái máy. Bộ tôi là cái cỗ máy mà đến năm hai mươi bảy tuổi phải sản xuất ra một thằng cu (hoặc một con nhóc)? Giời ơi, tôi không phải cái máy!
Nhưng trớ trêu thay, cái chuyện yêu đương lại trở thành vấn đề chủ yếu trong câu chuyện mà tôi đang kể cho bạn đây. Nói thật, tôi chả biết yêu đương là cái quái gì ngoài mấy lời bàn tán trên mạng. Nắm tay con gái còn chưa được, nói gì yêu?
Nhưng một thằng độc thân, không có nghĩa là nó chưa từng yêu bao giờ.
Vào thứ tư, lúc đang buồn chán vì chưa tìm được khách hàng mới, một số điện thoại lạ gọi tới con Nokia ghẻ lở của tôi. Thật tình cờ phải không? Nhưng đời là vậy, những lúc bạn mong chờ, chẳng cái gì xảy đến; khi bạn thờ ơ, một đống thứ dội tới như bom trút. Con vẹo nào đây? – Tôi nghĩ. Số lạ hoắc, nghĩ là khách hàng, tôi bèn hắng giọng và cất giọng oanh vàng thánh thót:
-Vâng, xin nghe! Ai đang gọi số này đấy ạ?
Người ở đầu dây bên kia hơi ngập ngừng rồi trả lời:
-Xin hỏi chị đây có phải là số máy của Tùng không ạ?
“Giọng nữ!” – Tôi tự nhủ, đáp:
-Vâng, em là Tùng ạ!
-Tùng à? Trời đất, sao giọng chua thế, như con gái ấy! Linh đây, nhớ không?
Tôi thừ mặt. Một hai giây sau, tôi bèn chạy khỏi phòng làm việc, chui vào nhà vệ sinh đoạn trả lời vội:
-Linh hả? Là Hoa Ngọc Linh thật hả?
-Ừ! Còn Linh nào vào đây? Ha ha! – Người bên kia cười – Dạo này chẳng thấy Tùng gọi điện gì cả! Quên mình rồi, đúng không? Có bạn gái rồi hả?
Tôi cười gượng:
-Có đã phước! Chỉ là bạn thay đổi số điện thoại, mình không gọi được.
-Đâu có? À ừ, đúng rồi! Xin lỗi nhé! Này, ngày mai bạn rỗi không, café tí nhé?
Tôi gãi đầu xoành xoạch. Suốt thời học đại học, Linh chưa bao giờ mời tôi café hay đi chơi mà toàn tôi chủ động mời. Trời sập chắc? Tôi hỏi:
-Có chuyện gì quan trọng lắm à?
-Quan trọng lắm! Nhưng mà đến mai mới nói được, hi hi! Tùng rỗi giờ nào?
Tôi cười khanh khách:
-Đang thất nghiệp đây, giờ nào cũng rảnh!
-Toàn đùa cợt thôi! Vậy bốn giờ chiều ở địa chỉ… (cho phép tôi ẩn danh địa chỉ) này nhé!
-Ờ được, mình sẽ đến!
-Vậy nha, nhớ đến đấy! Không được trốn đâu!
Linh cúp máy, còn tôi đứng trân trân một lúc, tâm trí cố giải nghĩa cuộc gọi đường đột này. Tôi không phải dạng ngu lâu mà chẳng hiểu em gọi tôi đi café để làm gì. Phải, ngày ấy sẽ đến, nhưng tôi không nghĩ nó đến sớm vậy. Dù vậy, cuộc hẹn khiến tôi phấn chấn khá nhiều. Ít nhất là từ lúc này đến bốn giờ chiều ngày mai, tôi luôn ở trạng thái yêu đời dù công việc hay cuộc sống bết bát ra sao chăng nữa. Thật!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui