Lảm nhảm chút nhé?
Điều gì là quan trọng nhất với một thằng đàn ông?
Người ta nói một thằng đàn ông có bốn điều cần lưu ý: sức khỏe, gia đình, sự nghiệp và bạn bè.
Sức khỏe có nhiều cảnh trái ngược: có thằng mang họ hàng với bọn trâu cày, có thằng yếu nhớt, có thằng không thích tập thể thao nên yếu nhớt, cũng có thằng thuốc lá bia rượu quá nhiều mà chẳng thọ được lâu. Gia đình cũng năm bảy loại: có nhà hạnh phúc, có nhà không; có gã kiếm được người vợ tử tế, có gã xui xẻo vớ phải cô nàng sinh ra không phải để làm vợ, có thằng độc thân (ế!); có thằng hòa thuận với gia đình, có thằng tứ cố vô thân. Sự nghiệp cũng vô vàn bát vạn: người công thành danh toại, kẻ chẳng chút nghề ngỗng; có người an nhàn đến cuối đời, có kẻ lên voi xuống chó. Nếu ném cả ba điều trên vào một phương trình mà kết quả là “cuộc sống” thì chúng đều là biến số, bởi lẽ cuộc sống cũng là biến số. Hiếm thằng đàn ông nào chịu đựng được biến số cả đời, trừ những thằng cha nằm trong bốn lĩnh vực sau: chính trị, lừa đảo, trộm cắp và những thằng đàn bà.
Và bởi không thể chịu được ba biến số trên, những thằng đàn ông tìm đến thứ cuối cùng và hy vọng nó là một hằng số: bạn. Xin phép cho tôi bỏ từ “bè”, bởi “bè” dùng để chỉ những thằng ngồi trên bàn nhậu hoặc hùa theo, đám này không có giá trị. Bạn ở đây là một thằng (hoặc một đứa con gái) xứng đáng với hai chữ “tri kỷ”. Người có một, người có hai, có người suốt đời chẳng tìm nổi một đứa bạn thân. Tôi sống chưa đủ lâu để nhìn thấy tri kỷ, nhưng tôi biết tìm nó khó vô cùng.
Hồi đầu cấp hai, ngoài thằng Choác, tôi còn chơi với một thằng nữa, biệt danh là Cháy. Thằng này học cùng thằng Choác hồi tiểu học, lại cùng trục đường từ trường về nhà với tôi. Chỉ với hai lý do đơn giản trên, tôi làm bạn với nó. Và cũng từ đó, tôi nhận ra một chân lý hiển nhiên: những thằng bạn không hề giống nhau. Bạn chỉ nhận ra chân lý ấy khi bạn chớm khôn – tức là bước vào tuổi dậy thì.
Không giống với thằng Choác ngày nào cũng oang oang như thùng thuốc pháo, thằng Cháy lại im ỉm như quả lựu đạn chưa rút chốt. Gọi là quả lựu đạn chưa rút chốt vì hễ nó mở mồm câu nào là y như rằng đối tượng được nói tới bị thốn. Hồi lớp 6, lần đầu tiên thằng Choác rủ đi chơi điện tử, nó đang mô tả cái môn Háp Lai (Half – Life) hay cỡ nào, khẩu súng 31 khác khẩu 43 thế nào. Tôi đang nhìn thằng Choác với ánh mắt ngưỡng mộ thì thằng Cháy nhảy vào chẹn họng:
-Mịa, ông mới chơi hôm trước mà “nổ” kinh vãi!
Thằng Choác cứng họng. Tính ra nó cũng chỉ là dân a ma tơ trong bộ môn Háp Lai như tôi mà thôi. Bị thằng bạn bóc mẽ, thằng Choác không nói được gì, như một thùng thuốc pháo ngập nước mưa vậy. Thằng Cháy cũng từng chẹn họng tôi khi tôi khoe chiến tích điểm 6 tiếng Anh một tiết. Nó không tin điểm 6 đó đến từ thực lực của chính tôi, nó nói thế này:
-Chắc mày nhìn bài con Linh chứ gì? Tao mà ngồi gần nó cũng phải được 8 điểm là ít!
-Có cái con củ kẹc! – Tôi ngoạc mồm kiểu trẻ trâu – Con mụ… lởn vởn gần đấy, tao nhìn được chắc?
Thằng Cháy không nói thêm nữa, chỉ cười. Nói thêm là điệu cười của nó không sằng sặc dài dằng dặc như tôi, cũng chẳng hả hê kiểu thằng Choác mà ngắn ngủn, đại khái chỉ nhệch mép lên rồi phát tiếng “hí hí” như dế kêu. Cái điệu cười này cực kỳ ăn rơ với thói quen đùa dai của nó. Phải nói thằng Cháy đùa dai khủng khiế. Nửa đầu năm lớp 6, khi tôi ngồi cùng bàn với bạn nữ khác, thằng Cháy cứ gán ghép tôi với con nhỏ đó. Thậm chí nó còn chế cả bài ca về tôi và con bé dựa trên nền bài “Tóc em đuôi gà” của ca sĩ Quang Linh. Ban đầu, thằng Choác còn hùa vào trêu đùa tôi, tôi thì cứ chửi bậy lung tung. Sau thằng Cháy cứ cù nhầy trò này cả tháng trời, tôi và thằng Choác chẳng phàn ứng gì nữa, mặc kệ nó thích hát thì hát. Tất nhiên, tôi không vì chuyện này mà ghét thằng Cháy. Bạn bè trêu chọc chửi bới nhau âu cũng bình thường.
Rồi thì cả ba thằng đều trải qua những ngày trốn học đi chơi điện tử. Tôi và thằng Choác phải công nhận thằng Cháy chơi Háp Lai hay thật. Cái tay của nó đã điều khiển con chuột tới cảnh giới mà bao thằng mơ ước: vẩy 46. Hỏi đám 8x, 9x về bất đẳng thức, chưa chắc họ đã nhớ, nhưng hỏi “vẩy 46 trong Háp Lai nghĩa là gì?”, thằng nào thằng nấy kể vanh vách, thậm chí còn tự nhận mình là thần vẩy 46! Mỗi lần thắng, thằng Cháy lại xướng điệu cười “hí hí” như dế kêu với bọn tôi. Thằng Cháy chơi hay thật, nhưng nó không tạo cảm giác ngưỡng mộ mà chỉ khiến bọn tôi mong muốn hạ gục nó hơn. Mỗi lần thắng, tôi và thằng Choác cố tình ngoạc mồm cười rõ to, cốt để thằng Cháy nổi điên. Dù sao trò chơi vẫn chỉ là trò chơi, cay cú ăn thua chẳng thể khiến tình bạn giữa ba đứa chúng tôi sứt mẻ.
Học sinh ngày ấy chẳng có nhiều tiền, bao nhau chơi điện tử với tinh thần lá rách đùm lá nát là chuyện cơm bữa. Có lúc thằng này trả giùm thằng kia, đôi khi một thằng trả hộ cả hai thằng. Tôi hay thằng Choác chẳng nhớ đã bỏ ra bao nhiêu tiền để “bao thầu”, nhưng thằng Cháy lại nhớ rất rõ. Nó nhớ hôm thứ tư đã bỏ ra hai nghìn để bao tôi, hôm thứ sáu bỏ ra một nghìn hộ thằng Choác, nhớ luôn cả thứ ba của tuần đầu tiên tháng 12 bỏ ra năm nghìn gánh cho cả tôi lẫn thằng Choác. Nó không nhớ suông, nó nhớ để đến ngày thứ bảy tuần cuối cùng của tháng 12, tôi và thằng Choác phải bao nó tổng cộng tám nghìn, một nửa chơi điện tử, một nửa khao nộm và cá chỉ vàng nướng. Thằng Cháy rất tử tế khi thông báo trước vài ngày cho bọn tôi chuẩn bị tiền. Cảm ơn Cháy! – Tôi muốn thốt lên như thế. Nhờ nó, tôi được học rằng cuộc sống không gì miễn phí, kể cả là giữa bạn bè.
Về sau, tôi và thằng Choác cũng chơi bài này. Thằng Cháy rất vui vẻ và luôn đưa ra một lời hứa hẹn ở thì tương lai. Cái thì tương lai của nó thường rơi vào thời điểm cách thì hiện tại bảy ngày, mà bảy ngày đủ xóa sổ trí nhớ của bọn trẻ con. Thành thử suốt hồi lớp 6, tôi lẫn thằng Choác chưa bao giờ bắt được thằng Cháy khao bữa nộm hay cá nướng. Nhưng kệ! – Tôi tặc lưỡi, dù gì còn làm bạn với nhau dài, thế nào chẳng bắt được nó khao một bữa. He he!
Tuy vậy, dù chơi với nhau suốt cả năm lớp 6 lẫn lớp 7, tôi chưa hề đến nhà thằng Cháy lần nào. Bọn trẻ con hồi đó rất khoái rủ bạn bè về nhà mình chơi. Nhưng bởi thằng Cháy không rủ mà tôi cũng chẳng hỏi, do đó hai đứa chưa bao giờ qua nhà nhau. Trong suy nghĩ của tôi, nhà thằng này hẳn phải giàu lắm nên mới sở hữu một chiếc lò sưởi. Tại sao là lò sưởi? Số là thế này: thằng Cháy có mượn cái thằng đi du học (thằng bạn đầu tiên mà tôi gặp, nếu không nhớ, bạn có thể lật sang chương 3) một cuốn sách. Khoảng nửa tháng sau, thằng du học kia đòi quyển sách thì thằng Cháy bảo sách rơi vào lò lửa mất rồi. Sau đấy, thằng Cháy lại mượn sách của đứa khác và khổ chủ cũng không thể lấy lại, nguyên nhân y như cũ: lò lửa. Tôi dợm nghĩ lò lửa chính là lò sưởi, nếu đúng vậy thì nhà thằng Cháy giàu vãi! Nhưng khi tôi kể chuyện này, thằng Choác khẳng định rằng chẳng có cái lò sưởi nào sất:
-Tao đến nhà nó rồi! Làm đếch có lò sưởi!
-Nhưng nó bảo là đánh rơi sách vào lò lửa mà?! – Tôi cãi.
-Bó tay ông! Lửa với sưởi khác nhau!
-Hay là nhà cô dì chú bác nó có lò sưởi?
-Chịu, biết thế đếch nào được!
Tôi không quan tâm tình hình kinh tế gia đình thằng Cháy hay nhà nó có lò sưởi hay không. Vấn đề là có một dạo thằng Cháy nghỉ ốm, khoảng gần ba ngày. Khỏe khoắn trở lại, nó liền mượn vở tôi chép bài. Thực tình lúc ấy tôi sợ vãi linh hồn. Bài vở toàn mấy môn quan trọng như toán hay tiếng Anh, lỡ mà rơi vào lò lửa là hết đường về quê mẹ. Nhưng bạn bè chẳng lẽ tiếc nhau cái quyển vở? Đắn đo mãi, tôi đưa vở cho thằng Cháy và không quên nhắc nhở nó tránh xa lửa. Tới khi nó gửi trả lại, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Dù vậy, lò lửa không làm ảnh hưởng tình bạn giữa tôi và nó.
Nhưng cuộc sống có những giới hạn mà chỉ cần bạn chạm nhẹ vào nó, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ.
Vào một buổi chiều, sau khi tan lớp học thêm, như thường lệ, ba thằng lại cùng nhau về nhà, vừa đi vừa tán phét về game. Tới lúc qua cổng trường, trông thấy hàng bán quà ăn vặt, thằng Cháy nói:
-Ăn ô mai không bọn bay?
Tôi và thằng Choác lắc đầu. Thằng Cháy nói tiếp:
-Đ.M, thèm ô mai quá! Mà hôm qua tao bao chúng mày điện tử đúng không? Thế thì mua ô mai cho tao đi!
Đan Mạch! – Tôi và thằng Choác lẩm bẩm. Mua cho bạn gói ô mai chẳng có gì to tát, to tát ở chỗ hai thằng đều nhẵn túi. Thằng Choác nói:
-Hôm khác đi mày! Bọn tao hết tiền rồi!
-Không! – Thằng Cháy lắc đầu – Hôm nay tao thích ăn!
Một trăm mét tiếp theo, nó cứ lèm bèm về gói ô mai. Đ.M! – Tôi và thằng Choác lầm bầm lần hai. Bạn bè ai tiếc nó mấy nghìn? Vấn đề là cái thói lèm bèm của thằng Cháy. Nghe mãi điếc tai, tôi nhăn mặt:
-Đã bảo bọn tao chưa có tiền! Để mai tao mua, được chưa? Lắm mồm vãi!
Thằng Cháy bĩu môi vẻ như không tin. Một lúc sau, nó “à” lên một tiếng rồi đề nghị:
-Hay mày “chôm” cái gói ô mai đi? Coi như không phải bao tao nữa!
Tôi không phải đứa học sinh ngoan, nhưng cũng nhận thức được ăn cắp là điều xấu. Tôi chỉ cười nhạt rồi bỏ ngoài tai lời đề nghị của thằng Cháy. Nó nói tiếp:
-“Chôm” đi! Rồi mai tao bao mày chơi điện tử!
Chơi điện tử? Nghe cũng thú vị. Bọn trẻ con ngày ấy đều chung giấc mơ ăn ngủ tại hàng net. Nhưng bỏ ra vài nghìn mà bảo tôi chôm chỉa một túi ô mai be bé? Chẳng đáng! Tôi lại tiếp tục bỏ qua lời câu dẫn của thằng Cháy nhưng nó vẫn cù nhây:
-Không có gan chôm thì nói thẳng ra chứ cần gì im lặng thế? Hèn vãi!
Tổ bà mày thằng Cháy, chọc đúng chỗ lắm! Một thằng học sinh lớp 7 thừa hiểu trộm cắp là xấu, nhưng nó lại có thể làm bất cứ thứ gì trước lời thách thức của thằng bạn. Mày có thể chửi tao nghèo, chửi tao ngu, nhưng tao cấm mày chửi tao “hèn” hoặc “không có gan”! – Đấy, bản chất trẻ trâu thời đó là vậy. Máu nóng dồn lên não, tôi chỉ mặt thằng Cháy:
-Đan Mạch, tao mà lấy được gói ô mai, mày mất gì?
Thằng Cháy cười hềnh hệch, kiểu như không tin tôi dám làm:
-Bao chơi điện tử! Được chưa?
-Mày nhớ mồm đấy!
Và thế là tôi triển khai kế hoạch chôm chỉa của mình. Hồi ấy gần cổng trường có một vách tường đổ nằm trên vỉa hè, hàng quà vặt ngay cạnh vách tường. Tường không cao nhưng vừa đủ ột thằng quỷ con như tôi nấp. Trên tường lại có vài lỗ thủng, tôi có thể nhòm qua lỗ xem bà chủ quán đang làm gì. Trong lúc đó, hai thằng bạn thì đứng từ xa theo dõi, hoàn toàn không có động tĩnh gì. Trông thấy bà chủ quán ngoảnh mặt đi chỗ khác, tôi bèn lần theo bờ tường, tay thò ra chộp lấy gói ô mai trên cái mẹt rồi a lê hấp, chuồn! Tôi chạy bán sống bán chết cùng hai thằng bạn, chạy hơn một trăm mét mà vẫn chẳng nghe thấy tiếng kêu la của bà chủ quán. Có lẽ hôm ấy, bả bị chồng bỏ hoặc gặp chuyện không vui trong gia đình, tôi không biết và sẽ không bao giờ biết.
Cả ba đứa chạy vào con hẻm gần đó, thằng nào thằng nấy thở hồng hộc vì sợ. Mất năm phút hoàn hồn, tôi làm vẻ dương dương tự đắc rồi ném gói ô mai cho thằng Cháy:
-Đó! Ngày mai mày trả tiền cho tao!
Thằng Cháy gật gù kiểu như đã nghe thấy. Nó bỏ tọt những miếng ô mai vào miệng và không buông lời cảm ơn. Tôi không cần nó cảm ơn vì chẳng thằng nào cảm ơn món đồ ăn cắp cả. Thằng Choác chẳng bình luận gì về hành động của tôi. Tôi cũng không cần lời bình luận nào cho hành động thiếu suy nghĩ ấy. Tôi chỉ cần biết mình không loại thỏ đế như lời thằng Cháy.
Tuy nhiên, khi về nhà, cảm giác tội lỗi lan tràn khắp người tôi. Trộm cắp là một hành động đáng bị lên án. Tôi lo sợ bà chủ hàng quà vặt sẽ vào tận trường và chỉ mặt thằng ăn trộm học lớp 7. Vụ này mà vỡ lở, cuộc đời tôi coi như chấm hết. Ngày hôm sau, tôi đến lớp với tâm trạng thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Thấy tôi mặt mũi tái xanh tái đỏ, Linh hỏi:
-Mày sao thế? Ốm à? Cần xuống phòng y tế không?
Tôi lắc đầu và toét mồm cười. Tôi không thể nói cho Linh biết hành động đáng xấu hổ hôm qua. Em sẽ khinh bỉ và xa lánh tôi cả đời mất!
Bẵng đi vài ngày, câu chuyện chôm chỉa trong lòng tôi lắng xuống. Bà chủ hàng quà vặt chắc chắn biết mình bị mất cắp, nhưng có lẽ bả không biết kẻ trộm là thằng nào, hoặc giả như biết mà cho qua. Nghĩ đã thoát, tôi thở phào nhẹ nhõm, lòng tự nhủ từ nay không dám chôm chỉa nữa. Đừng trộm cắp, nếu bạn không muốn chết vì bệnh tim!
Mọi chuyện vẫn yên ổn cho tới giờ sinh hoạt cuối tuần. Tôi nhớ hôm đó trời mưa rả rích suốt buổi sáng, gió lạnh rin rít bên ngoài cửa sổ. Tôi nhớ tuần ấy, mình không hề phạm khuyết điểm nào. Nói chuyện không, điểm kém không, tôi sẽ có ngày chủ nhật thảnh thơi. Như thông lệ, bà chủ nhiệm giở sổ đầu bài, cặp mắt cú vọ lồi ra chực hoạch họe những đứa có tội. Bả nhìn tôi lâu hơn một tí rồi lại nhìn sổ đầu bài. Hơn hai tháng nay, tôi chưa phải viết bản kiểm điểm nào và bả cảm thấy khó chịu vì điều đó. Rõ ràng kế hoạch đuổi tôi ra khỏi lớp của bà chủ nhiệm đã đổ bể. Cứ học như hiện tại, tôi vẫn giữ vững vị trí học sinh tiên tiến, thậm chí học sinh giỏi nếu cố gắng cật lực. Nhưng sẽ không có học sinh giỏi hay học sinh tiên tiến, bởi ngày hôm đó, thằng Cháy – cái thằng mà tôi gọi là bạn đứng lên nói thế này:
-Con thưa cô! (Ngày ấy học sinh phải xưng “con” với giáo viên) Hôm thứ ba, bạn Tùng và bạn… (tên thằng Choác) ăn cắp ô mai ngoài cổng trường ạ!
Như vớ bở, bà chủ nhiệm lập tức gọi tôi và thằng Choác đứng dậy, sau đó hỏi thằng Cháy tường tận sự việc. Thằng Cháy liền kể vanh vách, nó kể tôi chôm chỉa ra sao, thằng Choác giúp đỡ thế nào (khổ thằng Choác không liên can nhưng bị lôi vào), nhưng nó tuyệt nhiên không nói rằng chính nó xúi tôi ăn trộm. Đợi nó nói xong, không cần bằng chứng, không cần sự thật, bà chủ nhiệm tươi cười phán quyết:
-Anh Tùng và anh… (tên thằng Choác) về viết bản kiểm điểm, xin chữ ký phụ huynh. Tuần sau tôi sẽ gặp bố mẹ hai anh nói chuyện riêng.
Tôi gân cổ cãi:
-Nhưng thưa cô, bạn… (tên thằng Cháy) xúi em đấy chứ! Nó…
-Không giải thích! – Bả chủ nhiệm nạt nộ – Anh muốn lên phòng giáo viên ngồi không? Mang sổ liên lạc lên đây!
Tôi im lặng. Thằng Choác im lặng. Cả hai đứa ngồi xuống, tay nắm chặt như muốn thọi chết thằng Cháy ngay tại lớp. Linh quay sang tôi định nói điều gì đấy nhưng trông bản mặt đỏ phừng phừng của tôi, em lại thôi. Đừng động vào thằng chọi con khi nó nổi cáu! – Em biết rõ điều ấy.
Rốt cục thì bọn tôi cũng chẳng làm gì thằng Cháy. Nhưng kể từ đấy, nhóm ba đứa tách ra, tôi cùng thằng Choác chơi với nhau, còn thằng Cháy tìm bạn khác chơi (hoặc lợi dụng) cho hợp bản tính bẩn chớt của nó. Ngoài mặt, bọn tôi vẫn chào hỏi nói chuyện với thằng Cháy, còn sau lưng, chúng tôi gọi nó là “3C”. 3C có nhiều nghĩa, như Cháy Chết Chó, Chó Chết Cháy, Chết Cháy Chó, Chết Chó Cháy hoặc đơn giản hơn: Cháy Chó Chết. Ba đứa cũng không đi học về cùng nhau nữa, và cái ước vọng tìm bạn tri kỷ của tôi đổ bể hoàn toàn. Nó thậm chí còn đau đớn hơn cả lời chửi rủa của bố mẹ sau khi gặp bà chủ nhiệm. Khỏi phải nói các cụ chửi tôi thậm tệ thế nào. Thôi thì đủ mọi lời lẽ cay nghiệt nhất. Nhưng cay nghiệt đến mấy vẫn không bằng sự thật mà một thằng chọi con mới lớn đã vấp phải. Cú ngã quá đau, quá khốc liệt ở cái tuổi ấy.
Bạn bè với nhau mà đối xử như vậy sao?
Tội của tôi xứng đáng bị đuổi khỏi trường chứ đừng nói đuổi khỏi lớp. Nhưng vì một lý do nào đấy, tôi vẫn được giữ lại. Nhiều năm sau, khi hỏi lại chuyện cũ, mẹ tôi nói rằng phải dùng phong bì biếu xén bà chủ nhiệm. Tôi không biện minh hành động của mình, nhưng tôi không thể hiểu tại sao thằng Cháy làm thế? Tôi không dám nói mình bao nó chơi điện tử nhiều hơn, nhưng tôi dám nói mình đã trả đủ tiền mà nó đòi. Tôi đã cho nó mượn vở chép bài, trong khi lũ bạn học sợ cái lò lửa nhà nó. Vậy thì tại sao nó đấu tố bọn tôi? Mà tại sao nó đấu tố luôn cả thằng Choác, vốn không liên quan?
Tôi không thể tìm được câu trả lời. Chỉ những thằng bẩn chớt mới hiểu chính chúng nó. Ba tháng sau, tôi nghe đi nghe lại album đầu tiên của Linkin Park (album Hybrid Theory – năm 1999), mồm cứ lẩm nhẩm những tiếng ca gào thét. Suốt quãng thời gian đó, tâm tình tôi hỗn loạn như chính album nhạc. Tôi lao đầu vào chơi điện tử, bỏ bê học hành. Một tuần, tôi phải trốn ít nhất hai buổi học thêm. Kết quả học tập của tôi vì thế lao đầu như máy bay rơi. Ngay cả toán, tôi lãnh ít nhất ba con ngỗng, một cây gậy chỉ trong một tuần.
Thấy tôi học hành xuống dốc, Linh liên tục nhắc nhở nhưng tôi chỉ ừ hữ cho qua. Ban đầu em nhẹ nhàng hỏi lý do nhưng tôi không nói, dù rằng tôi có quá nhiều tâm sự. Tôi không muốn lộ ra mình là một thằng đa cảm trước mặt em. Sau cùng, do không thể chịu nổi, một ngày nọ, Linh nặng lời:
-Mày làm sao thế? Sao mày không chịu học? Mày nói mày thông minh lắm cơ mà?
-Ờ thì tao không thích, thế thôi! – Tôi trả lời bâng quơ.
-Cái gì mà thích hay không thích? Mày không nhớ tao nói gì à? Bà… muốn đuổi mày ra khỏi lớp! Mày học đi chứ? Muốn ra khỏi lớp à?
Một thằng chọi con không thể chịu đựng trước lời khuyên bảo. Nó, hay chính tôi đây, nổi khùng như một đứa trẻ đương giận dỗi:
-Này! Mày là mẹ tao hay sao mà nói nhiều thế? Nói vừa thôi! Đi mà lo cái thân mày ấy! Tao sống thế nào kệ tao!
Linh đỏ mặt tía tai, em lẩm bẩm điều chi đó rồi nói:
-Ừ, tao lo thân tao! Mày lo thân mày!
Từ đó, tôi không bút đàm với Linh nữa. Hai đứa sống đúng kiểu thân ai người nấy lo. Quan hệ bạn bè mà tôi dày công vun đắp đã bị chính tôi đạp đổ. Không bút đàm, không nói chuyện, tôi và Linh trở thành hai đứa xa lạ bị bắt buộc ngồi chung một bàn.
Kết thúc năm học, tôi đứng áp chót lớp với tấm bằng học sinh trung bình. Học lực: trung bình, hạnh kiểm: trung bình. Thằng Choác cũng chịu chung số phận như tôi, nhưng ít nhất học lực của nó còn thuộc loại khá. Đ.M, học với chả hành! – Tôi lẩm bẩm chửi. Còn thằng Cháy? Tôi không quan tâm. Điều tôi để ý duy nhất về thằng Cháy là đợi chờ một ngày nào đó, xe tải sẽ tông chết nó. Thật! – Trẻ con ngày ấy suy nghĩ đơn giản vậy thôi.
Rồi nắng vàng gay gắt bao trùm, hoa phượng nở nộ phơi đỏ sân trường. Lễ bế giảng năm lớp 7 là ngày buồn nhất cuộc đời tôi. Bởi đúng hôm bế giảng, Linh lại tặng tôi quà sinh nhật. Một món quà vuông vắn bọc trong giấy màu. Tôi không nghĩ em vẫn còn nhớ chuyện này. Tôi hỏi:
-Gì đây?
-Quà sinh nhật, tặng mày đấy!
Tôi nhếch mép cười:
-Tưởng mày ghét tao lắm cơ mà! Sao còn tặng?
Em cau mày:
-Tao không ghét. Chỉ là…
-Rồi rồi, biết rồi! – Tôi cướp lời em – Cảm ơn nhé!
Nói rồi tôi quăng món quà vào cặp sách, như thể không quan tâm đến nó. Tôi thấy mắt em long lanh, giọt lệ nhỏ lăn qua bờ mi phải, rơi xuống rồi chạy quanh gò má. Nhưng em khóc, kệ em, tôi đếch quan tâm! Về nhà, tôi mở quà ra và thấy một hộp đĩa của ban nhạc Bon Jovi, album Bounce ra hồi năm ngoái (album Bounce của Bon Jovi ra năm 2002). Đĩa nhạc nằm trong hộp nhựa, cover (bìa album) còn thơm vô cùng, mặt sau hộp ghi rõ từng track nhạc lẫn thời lượng. Nó không hề giống những chiếc đĩa đựng trong túi nylon được bày bán tràn lan ở Hàng Bông. Có lẽ để kiếm được chiếc đĩa, Linh đã khổ công tìm kiếm. Nhưng, lại nhưng, thằng chọi con tôi chẳng quan tâm. “Lại Bon Jovi, không có cái gì mới hơn à?” – Tôi cười khẩy. Suốt ba tháng hè, tôi không thèm rớ tới chiếc đĩa, dù chỉ một lần.
Năm học mới tới, lớp lại chuyển chỗ ngồi. Lần này, tôi không ngồi cùng Linh nữa mà chuyển sang dãy bàn gần cửa sổ. Cuộc sống thiếu Linh không làm tôi mất tinh thần. Đàn ông tồi vậy đấy! Khi đã được một thứ gì đó, gã đàn ông lại chẳng coi trọng sự hiện diện của nó nữa. Tôi vẫn trốn học, chơi điện tử đều đều, và chẳng để ý đến Linh dù có đôi lần em hỏi han.
Giữa học kỳ I, có một sự kiện trọng đại với bọn học sinh: tham quan. Thuở ấy, bọn học sinh ngóng tham quan như ngóng Tết. Tôi và thằng Choác lập hội cùng vài thằng khác (tất nhiên không có thằng bẩn chớt 3C), đứa mua đồ ăn, đứa mua bộ bài, đứa nạp đầy pin áy MP3. Vui như trẩy hội! Trước đêm tham quan, tôi vác đồ sang nhà thằng Choác ngủ. Cả đêm hai thằng nghe nhạc đánh bài, gần như không ngủ. Thành thử khi lên ô tô lúc năm giờ sáng, hai đứa gật gà gật gù như sắp gà rù sắp chết.
Tuy nhiên, có một thứ khiến tôi tỉnh ngủ ngay lập tức. Khi quằn quài cố gắng ngủ, ánh mắt tôi trông xuống cuối xe. Ở hàng ghế cuối cùng, tôi thấy Linh ngồi cạnh thằng Gà.
Đan Mạch, cái đếch gì thế?
Tôi dụi mắt cố gắng nhìn rõ cái gì đang xảy ra. Thật, nó là thật! Linh đang ngồi cạnh thằng Gà, đầu em hơi ngả vào vai nó, còn thằng Gà giương bộ mặt đắc thắng. Sự tồi tệ vẫn chưa hết: Linh nắm tay thằng Gà bằng tay phải, chính là bàn tay mà tôi đã nắm. Một con quái vật vô hình cào xé lồng ngực tôi, nó thôi thúc tôi phải làm gì đó, đấm vỡ mặt thằng Gà chẳng hạn. Nhưng tôi chẳng có lý do nào để làm điều ấy.
Bởi lẽ chính tôi quay lưng với Linh trước.
Chuyến thăm quan đi tới đâu, tôi không nhớ. Chỉ biết đó là một vùng núi, có suối, có hồ, tóm lại là có nước cho lũ trẻ tha hồ vùng vẫy. Suốt chuyến thăm quan đó, tôi chỉ ngắm nhìn Linh. Nhìn em vui đùa bên thằng Gà dưới con suối, nhìn em cười vô tư và hạnh phúc, tôi càng bực tức. Và để cho thỏa nỗi bực, tôi ngoạc mồm nói:
-Đan Mạch cả nhà chúng mày, om ba cây búng tai đê!
Và cái tụ điểm om ba cây của bọn tôi trở thành trung tâm náo nhiệt của cả lớp. Tôi nói nhiều nhất, cười nhiều nhất, chửi nhiều nhất và làm nhiều trò khỉ nhất. Chính tôi là thằng mở màn phong trào nhảy xuống hồ, lũ trẻ sau đó cũng thi nhau nhảy bất chấp ướt hết quần áo. Song… mọi thứ tôi làm chỉ để gây chú ý với Linh chứ chẳng phải thỏa mãn tính nghịch ngợm. Khốn nạn thay, Linh chẳng để tâm, em gần như dành hết thời gian bên cạnh thằng Gà. Bởi lẽ bên cạnh nó, em vui hơn.
Tôi nhận ra mình đã đánh mất điều gì đấy.
Chuyến tham quan kết thúc, tôi trở về với bộ dạng ướt sũng, áo quần hôi rình. Cả ngày chơi bét nhè, đáng lẽ tôi nên ngủ. Nhưng không, tôi bắt đầu nghe nhạc. Lần này là album Bounce của Bon Jovi – quà tặng sinh nhật của Linh – chiếc đĩa tôi vứt xó suốt ba tháng hè. Những giai điệu ồn ã cất lên, và tôi bắt đầu nghĩ về ngày hè năm lớp 7.
Nếu như tôi chịu mở miệng tâm sự với Linh thì sao?
Nếu như tôi chịu nói rằng mình đã hoang mang thế nào khi thằng bạn chơi đểu mình?
Nếu như tôi chịu nói rằng nửa cuối năm lớp 7, ngày nào tôi cũng phát điên vì câu hỏi “bạn bè là gì”, liệu em hiểu cho tôi không?
Nếu như…
Đĩa nhạc vẫn chạy, cho tới khi chuyển sang track thứ năm tên là “Misunderstood”, tôi bắt đầu cảm thấy có cái gì đấy cay cay ở mắt.
Nếu như có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ không chôm chỉa.
Nếu như có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ học tiếng Anh tốt hơn.
Nếu như có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ tâm sự với Linh, tôi sẽ nói cho em mọi thứ.
Nếu như có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ không hét vào mặt em như thế, sẽ không hành xử như một đứa trẻ con nữa.
Nếu như có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ lau đi nước mắt trên gương mặt em.
Nhưng ai có thể quay ngược thời gian chứ? Và cuộc sống không có chữ “nếu như”.
Tôi ôm mặt, cố nén những dòng trào ứ từ cổ họng nhưng không thể. Tôi khóc, vừa khóc vừa tự chửi mình. “Mày ngu vãi, Tùng ạ! Ngu vãi luôn!”.
Tôi đã mất Linh. Mất thật rồi!
Là tôi sai. Là tại tôi. Tại tôi không thay đổi.
Nhưng mà Cái Đập Con Muỗi, chỉ là “hiểu lầm” thôi. Chỉ là hiểu lầm thôi mà! – Tôi nói trong nước mắt. Nhưng Linh chẳng nghe thấy tôi, thời gian cũng chẳng quay lại để tôi sửa sai nữa. Chỉ đến khi mất em rồi, tôi mới hiểu em quan trọng thế nào. Tôi nắm tay em vì một sự hiểu lầm và mất em cũng bởi một sự hiểu lầm. Và Misunderstood của Bon Jovi từ hồi ấy vẫn ca hát trong đời tôi cho tới tận bây giờ.
Nhưng trước khi tiếp tục câu chuyện sến súa này, cho phép tôi nghỉ ăn mì tôm nhé, đói quá! He he he!