Nam Kiều phóng to hết cỡ một tấm ảnh chụp bức tường chữ ký rồi in ra.
Cô ngồi bên bàn làm việc, nhìn chằm chằm vào dòng chữ tiếng Anh do Thời Việt viết.
Cô chắc chắn mình đã từng nhìn thấy nét chữ này.
Nó quá quen thuộc, như thể in sâu vào đầu cô vậy.
Viết được chữ tiếng Anh liền nét , Thời Việt vốn biết tiếng Anh, nhưng trước kia anh nói thế nào?
Cả bản luận văn tôi chỉ hiểu được mỗi chữ năm “20xx”.
Lúc đó cô Nam mới mười sáu tuổi đúng không? Vậy mà đã đọc những thứ chuyên sâu như vậy rồi.
Nam Kiều đứng phắt dậy, lấy bản luận văn MEMS chép tay Thời Việt từng đọc trước kia ra.
So sánh giữa hai bên, nét chữ cơ bản giống nhau y hệt.
Độ nghiêng, cách viết liền nét đều có một phong cách đặc biệt rất riêng.
Nếu đây là chữ của một đứa trẻ thì chắc chắn đứa trẻ này không thuộc kiểu học trò được thầy cô yêu mến.
Hai nét chữ chỉ khác nhau ở một điểm, ấy là nét chữ trên bản luận văn đầy sắc bén, cứng quá thường dễ gãy; còn chữ anh viết hôm nay có lực nhưng đã giấu hết sự sắc bén vào trong.
Phản ứng đầu tiên của cô là gọi điện cho Thường Kiếm Hùng, nhưng khi sắp bấm số của anh ta, cô lại quay sang bấm một số điện thoại khác.
“Chị”.
“Nam Kiều à, em gọi điện cho chị sao?”.
Đầu dây bên kia, Nam Cần vô cùng kinh ngạc.
Nam Kiều có bao giờ chủ động gọi cho chị đâu.
“Chị, em muốn nhờ chị giúp em tra hồ sơ học bạ của một người”.
“Ai?”.
“Có ai họ Thời học cùng Thường Kiếm Hùng không?”.
Cuối cùng cô cũng nhớ ra, khi Thường Kiếm Hùng mới gặp Thời Việt đã từng hỏi anh có quen một người tên là Thời gì đó không.
Trí nhớ của cô càng lúc càng rõ ràng.
Tại sao Thời Việt lại đồng ý đầu tư vào Tức Khắc Phi Hành? Anh hiểu máy bay không người lái, rất hiểu là khác.
Vì chính bản thân anh xuất thân từ Học viện Quân sự Không quân phương Bắc cơ mà! Anh tới phòng thực nghiệm của cô một lần đã rút ra được bản luận văn MEMS có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với cô!
Thời Việt và Thường Kiếm Hùng là người quen cũ, nhưng tại sao anh lại phải giấu cô tất cả mọi chuyện?.
Nam Cần giữ chức quản lý hành chính cao cấp trong Học viện Quân sự Không quân phương Bắc, có quyền hạn tra cứu hồ sơ của bất kỳ sinh viên nào.
Chỉ sau một ngày làm việc Nam Cần đã gọi điện cho Nam Kiều:
“Em điều tra người này làm gì?”
Nam Kiều nói thật: “Có thể anh ta chính là nhà đầu tư của công ty em”.
“Thời Tuấn Thanh ư?”.
Nam Kiều sững ra một lát, đáp: “Có thể”.
Nam Cần nói: “Thế thì em chú ý chút nhé, người này có thể có tiền án đánh cắp thông tin đấy”.
Nam Cần nghiêm nghị dạy dỗ cô: “Tức Khắc Phi Hành của em cũng có thể coi là một công ty công nghệ cao, kỹ thuật cốt lõi chính là thứ quan trọng nhất, nếu bị đối thủ cạnh tranh đánh cắp, Tức Khắc Phi Hành của em lập tức sẽ thành con số không”.
Nam Cần gửi một file scan qua fax cho Nam Kiều, dặn cô đọc xong phải hủy ngay.
Thời Tuấn Thanh còn từng là ứng cử viên dự bị của “Kiếm sắc trên trời xanh” nên hồ sơ có mức độ bảo mật càng cao hơn.
Góc trên bên trái hồ sơ là một bức ảnh 3x4.
Nam Kiều liếc mắt liền biết ngay không sai vào đâu được nữa.
Tuấn tú, trẻ măng, nụ cười trẻ trung đầy sức sống.
Hoàn toàn khác với vẻ lạnh lùng ngang ngược bây giờ.
Nam Kiều tiếp tục nhìn xuống dưới, dấu “Khai trừ” bắt mắt đập thẳng vào mắt cô.
Nó đỏ sậm, màu mực đóng dấu cũ đến nỗi bắt đầu chuyển sang màu đen.
Cô nhìn thấy dòng lý do khai trừ bên dưới, bỗng lạnh toát sống lưng.
Cô quay lại lấy bản luận văn MEMS, chợt thấy nó như nặng ngàn cân.
Nam Kiều nhấc điện thoại lên, lại gọi cho Nam Cần.
“Chị, nhận định về sai phạm của Thời Tuấn Thanh còn có thể lật lại được không?”
“Em nói sao?”
Nam Kiều nhắc lại, Nam Cần mới tin là mình không nghe nhầm, giọng chị trầm xuống.
“Ý em là sao?”.
“Bản luận văn MEMS bị mất nằm trong tay em”.
“Em nói lại lần nữa xem!”.
Đầu biên kia, Nam Cần đột nhiên đứng phắt dậy.
Nam Kiều bình tĩnh thuật lại đầu đuôi sự việc.
Nam Cần cầm di động đi đi lại lại trong phòng làm việc, nói với Nam Kiều bằng giọng nghiêm khắc: “Lúc đó em ngây thơ cả tin đến thế à?”.
Nam Kiều nghiến răng nói: “Là lỗi của em, có trách nhiệm gì em chịu”.
“Em thì có trách nhiệm gì được chứ!”.
Nam Cần quát: “Trách nhiệm là của Thường Kiếm Hùng! Là chị! Chị không nên để em tới học viện đưa đồ cho chị, để em tiếp xúc với đám sinh viên đó!”.
Nam Kiều mím chặt môi, không nói lời nào.
Nam Cần bình tĩnh lại, suy nghĩ một lát rồi nói: “Chuyện này đã qua hơn mười năm rồi, có lật lại cũng không còn ý nghĩa gì nữa.
Cho dù có trả lại sự trong sạch cho Thời Tuấn Thanh, cậu ta cũng không thể trở lại “Kiếm sắc trên trời xanh” được nữa, mà ngược lại còn kéo theo việc xem xét lại trách nhiệm và xử phạt Thường Kiếm Hùng, em, chị và các nhân viên liên quan trong phòng thực nghiệm nữa, vậy là làm lớn chuyện lên mà không để làm gì”.
Nam Cần suy xét một lúc rồi nói tiếp: “Nếu vậy, những gì Thường Kiếm Hùng làm được trong quá khứ sẽ bị phủ định hết, tiền đồ và danh dự cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Việc này cũng không có lợi gì cho Tức Khắc Phi Hành của em.
Như em nói, rõ ràng Thời Tuấn Thanh đã biết hết mọi chuyện nhưng lại từ bỏ việc tố cáo Thường Kiếm Hùng”.
“Em tự mình suy nghĩ cho kỹ đi, nghĩ xem có muốn lật lại vụ án cho Thời Tuấn Thanh hay không rồi bảo chị”.
Nam Cần cúp máy.
Nam Kiều ngồi trong phòng làm việc, đối diện với tập hồ sơ của Thời Việt trên bàn, khóe miệng tái xanh.
Cô gọi vào số điện thoại của anh, nhưng trong ống nghe lại vang lên giọng nữ không chú cảm xúc: “Số máy quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được”.
Nam Kiều cúp máy, thu dọn đồ đạc rồi vội vã rời khỏi công ty.
Cô đến thẳng trước cửa chung cư của Thời Việt.
Cô bấm chuông, gõ cửa, gọi tên anh nhưng không ai trả lời.
Lúc này cửa thang máy mở ra, một người môi giới nhà đất đưa một đôi vợ chồng trẻ đến xem nhà.
Người môi giới cầm một chùm chìa khóa mở cửa căn hộ của Thời Việt, thấy Nam Kiều đứng bên cạnh bèn ngơ ngác hỏi: “Cô là…?”.
Nam Kiều hỏi: “Người thuê căn nhà này trước đó đâu?”.
Người môi giới nói: “Ý cô nói đến vị nuôi ba con becgie đó hả? Hôm qua vừa mới trả nhà và chuyển đi rồi”.
Nam Kiều cảm ơn rồi vội vàng rời khỏi.
Anh chuyển đi rồi, ngay ngày hôm qua, sau khi nhìn thấy cô và Thạch Lịch ở công viên Olympic.
Nam Kiều bỗng thấy rất hận, cô hận Thời Việt, hận muốn điên lên mất.
Trong lòng anh không hề có cô sao? Nếu không có thì sao phải chuyển đi!.
Nam Kiều đến thẳng Mộng Cảnh Tỉnh Tháo.
Quán bar vẫn ồn ào, huyền ảo, chói mắt như mọi khi, các thượng đế vẫn ném một đống tiền vào đó.
Nam Kiều lạnh lùng ngồi vào ghế, lấy ra một chiếc thẻ ngân hàng VIP bạch kim ấn lên mặt quầy bằng kính.
“Tôi tìm Thời Việt”
Nhân viên phục rất khó xử: “Sếp lớn lâu lắm rồi không đến đây ạ”.
Nam Kiều lạnh nhạt nói: “Gọi điện bảo anh ta đến đây”.
Nhân viên phục vụ: “…”.
Cậu ta ấp úng, “Thưa chị, việc này thực sự không được…”
“Vậy tôi muốn gặp sếp nhỏ của các anh, người rất thân với Thời Việt ấy”.
Tấm thẻ VIP bạch kim kia không phải ai cũng làm được, cậu nhân viên không biết Nam Kiều có vai vế thế nào nhưng thấy cô gọi thẳng tên Thời Việt thì đâu dám chậm trễ, lập tức ra phía sau tìm Khích Hạo.
Khíc Hạo vừa uống mấy ly với mấy vị khách ruột thường xuyên đến bar nên hơi say.
Đi ra nhìn thấy Nam Kiều bèn ngồi xuống, chào hỏi không chút thân thiện: “Là cô à, cô Nam”.
“Anh tên gì?”.
“Khích Hạo”.
“Thời Việt ở đâu?”.
Khích Hạo cười vô cùng khinh bỉ, “Cô Nam thuận lợi cả về sự nghiệp và tình cảm, còn tìm anh Thời nhà chúng tôi làm gì?”.
“Tôi có việc cần tìm anh ấy”.
“Cô Nam có việc gì, nói với tôi cũng được”.
“Tôi phải gặp anh ấy”.
“Cô Nam!”, Khích Hạo gằn giọng, “Nếu cô muốn tìm anh ấy để hỏi tội thì tôi chắc chắn sẽ không để cô gặp anh ấy đâu!”.
Đôi mắt anh ta đầy vẻ cảnh giác và bảo vệ, nói: “Anh Thời nhà chúng tôi chưa từng làm gì có lỗi với cô Nam cả”.
Nam Kiều lạnh nhạt hỏi: “Là sao?”.
Khích Hạo vẫy tay, phục vụ bê hai ly rượu tới.
Khích Hạo đưa cho cô một ly, còn mình uống một ly: “Thời Việt là tên ngốc”.
Anh ta nhìn Nam Kiều, dường như hạ quyết tâm bất chấp tất cả,, nói hết ra: “Nếu anh ấy đã không muốn nói, tôi nói giúp cho vậy!”.
“Những chuyện trong quá khứ của anh Thời, tôi nghĩ chắc cô đều biết rồi, tôi cũng không giấu giếm thay anh ấy nữa.
Cô chế giễu anh ấy cũng được, khinh thường anh ấy cũng được, nhưng lâm vào hoàn cảnh như anh ấy, mọi người chưa chắc đã dũng cảm được như anh ấy đâu!”.
“Các cô đưa video của anh ấy và cô lên mạng, lại có người cho chị An xem ảnh hai người, chị An ép anh ấy cắ đứt quan hệ với cô, giành hợp đồng của cô với GP để chứng minh quyết tâm của anh ấy”.
“Cô tưởng anh Thời vì muốn kiếm tiền mà giật hợp đồng với GP của cô sao? Không phải thế! Anh ấy sợ chị An hủy hoại Tức Khắc Phi Hành của cô! Chị An là người như thế nào chắc cô cũng biết, khu đất có giá nhất khu Đông Đơn Vương Phủ Tỉnh đều là của chị ấy! Chị ấy là nhà cái lớn nhất! Lúc đó Tức Khắc Phi Hành của cô còn nhỏ xíu! Không tiền, không danh tiếng, chị An mà muốn phá các người thì chỉ cần búng búng mấy ngón tay là xong!”.
“Cô có biết lúc nghe nói video bị phát tán lên mạng, anh Thời lo lắng thế nào không? Anh ấy từ A Nhĩ Sơn trở về, mất ngủ mấy ngày liền, nghĩ cách đối phó với chị An.
Nhưng anh ấy có nói với công không? Anh ấy không nói tiếng nào! Các người muốn dùng anh ấy để quảng bá, anh ấy thuận theo ý các người, còn phiền toái của mình, anh ấy tự gánh hết!”.
“Cô Nam Kiều! Cô nhìn lại công ty các cô bây giờ xem! Cô thử nghĩ xem, nếu hợp tác thành công với GP, công ty các cô yên ổn làm ăn, hưởng thụ thành quả dã đạt được thì sẽ có hậu quả gì? Nếu không vì mất hợp đồng với GP, các cô bị buộc phải tự mình làm tất cả mọi thứ, nghiên cứu tích hợp kỹ thuật, thành tựu ngày hôm nay có thể có được không?”.
“Anh Thời từng nói với tôi, anh ấy nói anh ấy hiểu suy nghĩ của cô, cô muốn làm máy bay không người lái hoàn toàn thuộc về mình, không muốn bị người khác ảnh hưởng, nhất là các công ty quốc tế lớn.
Anh ấy chưa bao giờ nghĩ cô và một công ty mạnh như GP hợp tác là một ý hay, cho nên khi chị An bắt anh ấy giành hợp đồng GP của cô, anh ấy liền đồng ý”.
Khích Hạo càng nói càng kích động, tâm trạng càng lúc càng mất kiểm soát.
“Cô Nam Kiều, chưa nói đến GP, anh Thời nhà chúng tôi đầu tư công ty của cô, giúp các cô bao nhiêu các cô không thấy sao? Anh ấy thiếu gì cách kiếm tiền, tại sao lại dây vào Tức Khắc của các cô làm gì? Nửa năm nay anh ấy sống thế nào, cô có biết không? Sai lầm lớn nhất của tôi lúc đó là lười biếng, để anh ấy đưa cô đang say rượu về nhà!”.
Khích Hạo lại gọi ly rượu nữa rồi nốc một hơi cạn sạch.
Anh ta nói:
“Anh Thời nhà chúng tôi thích cô, vô cùng, vô cùng, vô cùng thích cô”.
Nam Kiều đã đến rất nhiều nơi nhưng lại hiếm khi đi du lịch.
Âu Dương Ỷ từng khinh thường nói: “Cậu có thể đừng biến mọi cơ hội chơi bời nghỉ ngơi thành một cuộc khảo sát học thuật được không?”.
Cho nên khi nghe cô nói muốn đi du lịch ba, bốn ngày, Ôn Địch sốc đến nỗi suýt rớt cả cằm.
Phần cứng phải không ngừng nâng cấp thay đổi, sáng tạo không ngừng nghỉ, chỉ hơi chậm chân một bước là sẽ bị người phía sau vượt qua.
Có kinh nghiệm với hai đời sản phẩm Phonenix, Nam Kiều đã có kế hoạch rất rõ ràng cho con đường phát triển kế tiếp của Tức Khắc Phi Hành.
Trước mắt, một phần tư số nhân viên của bộ phận nghiên cứu phát triển tập trung vào khai thác mảng quay phim chuyên nghiệp quay phim chuyên nghiệp bàng máy bay không người lái, sản phẩm về cơ bản cũng đã thành hình – chiếc “Phi Thiên” tám cánh quạt.
“Phi Thiên” không giống dòng Phoenix có vỏ ngoài vô cùng thời thượng và đơn giản, mà giống như một chiếc đồng hồ đeo tay Tourbillon để lộ hết kết cấu bên trong, có thể nhìn thấy tất cả các linh kiện tinh xảo và sơ đồ đường dây.
Tám cánh quạt hình xoắn ốc trông giống hệt một con nhện đen giữa không trung, có động cơ rất mạnh.
Đó chính là vì “Phi Thiên” vốn không được thiết kế cho người dùng phổ thông, nó nhấn mạnh vào việc thực hiện các hiệu ứng siêu việt khi quay phim từ trên cao.
Thao tác của nó tỉ mỉ và phức tạp hơn, chức năng cũng phong phú hơn, bắt buộc phải do phi thủ chuyên nghiệp điều khiển.
Đây chính là thiết bị chuyên dụng và là vũ khí bí mật của “Truyền thông Tức Khắc”.
Còn số nhân viên còn lại đang tiến hành nghiên cứu một ý tưởng sản phẩm mới của Nam Kiều theo kế hoạch.
Nam Kiều sắp xếp công việc của công ty đâu ra đấy rồi rời khỏi thành phố vào đầu tháng Ba.
Cô không đi máy bay mà đi tàu cao tốc.
Khi mầu nâu xám biến thành màu xanh non mơn mởn ngút mắt, khi trong toa tàu bắt đầu có mùi hơi nước man mát, cô biết mình đã đến đích.
Cô xuống tàu chuyển sang đi xe khách, khi nước xuống xe, trước mắt cô là bạt ngàn hoa cải dầu vàng tươi.
Bên dưới những bông hoa vàng rực rỡ là một màu xanh mát mẻ khiến lòng người thư thái.
Giữa những ngọn núi xanh um tươi tốt là thôn xóm nằm tựa lưng vào núi, nhìn ra sông, tường trắng ngón đen, những bức tường đầu ngựa xếp lớp lên tên xuống xuống như theo một tiết tấu nhịp nhàng.
Nam Kiều đeo ba lô đi trên cánh đồng, ánh chiều tà chiếu khắp mặt đất, lác đác có mấy bác nông dân đi thành nhóm nhỏ hai, ba người trở về nhà.
Trên đường làng cạnh cánh đồng, đàn ông đi xe máy chở nông cụ, phụ nữ bế con đi lại, thỉnh thoảng dừng lại chuyện trò đôi câu.
Ngôi làng này không phải là điểm du lịch của Vụ Nguyên nên không có du khách nào.
Khắp nơi là không khí làng quên giản dị, thuần phác, thanh bình.
Nam Kiều hỏi một bác gái: “Bác ơi, cho cháu hỏi cô ‘Việt Tú Anh’ sống ở đâu ạ?”.
Bác gái là người nhanh mồm nhanh miệng, chỉ sang bên kia sông, nói tiếng phổ thông giọng địa phương: “Cháu tìm nhà chị Thời hả? Nhà kia kìa, đúng rồi, chính là cái nhà ở đầu cầu đá bên kia sông ấy”.
Nam Kiều tuy vẫn mặc sơ mi trắng quần bò, bên ngoài khoác áo gió màu be trông rất đơn giản, nhưng chỉ nhìn một cái đã biết cô là con gái thành phố từ vùng khác tới.
Bác gái nọ thấy cô xinh xắn, bèn cười tít mắt hỏi: “Cháu gái, cháu tìm nhà chị Thời làm gì?”.
Nam Kiều nói: “Cháu từng ăn bánh Thanh Minh cô Việt làm”.
Bác gái kêu lên: “Úi chà chà!” rồi chỉ tươi cười ngắm nghía Nam Kiều một hồi, trên gương mặt béo tròn là nụ cười tươi roi rói.
Nam Kiều tìm thấy nhà bà Việt Tú Anh, đó là một căn nhà theo kiểu Huy Châu vô cùng điển hình và phổ biến, cửa có mái che bằng gạch, cửa sổ có các lỗ thoáng, tuy căn nhà không lớn nhưng sạch sẽ gọn gàng, toát lên vẻ cổ kính giản dị và đơn giản.
Cổng vào sân không đóng, Nam Kiều đứng ở cổng, nhìn thấy trong sân trồng một cây nhót tây cao lớn sum suê, sân được lát gạch xanh rất sạch sẽ, sát bên chân tường là mấy bụi cỏ xanh.
Chủ nhà vừa bê một cái rá to bằng nứa từ trong gian nhà chính đi ra.
Bà khoảng ngoài năm mươi tuổi, mặc đồ màu lam giản dị gọn gàng, khóe miệng hơn nhoẻn lên vẻ hiền từ.
Ngón tay bà quấn băng dính, chỉ nhìn qua đã biết đây là một người phụ nữ hay lam hay làm.
Mắt bà rất đẹp, giống hệt mắt Thời Việt, trong veo.
Chỉ có điều sự thấu suốt trong đôi mắt bà mang vẻ bình yên, có sự khôn ngoan riêng của những người ở tuổi này.
Khi còn trẻ, có lẽ bà từng là một người phụ nữ miền Nam rất đẹp.
Bà Việt Tú Anh cũng nhìn thấy Nam Kiều, thấy cô đứng cạnh cổng nhìn mình, ánh mắt như trông đợi điều gì, bèn ân cần hỏi: “Cháu gái, cháu tìm cô à?”.
Nam Kiều : “…”.
Đột nhiên cô không biết nói gì.
Cô không biết nói dối, ngập ngừng nói: “Cháu tới đây… du lịch”.
Bà cười: “Sao lại đến làng cô? Làng cô nhỏ lắm, giờ này hết xe rồi”.
Nam Kiều quay đầu nhìn hai bên đường rồi lại quay đầu nhìn bà.
Bà Việt Tú Anh nhìn bộ dạng ngơ ngác bối rối của cô, bèn nói: “Thế này đi, cháu gái, con trai cô mua cho cô hai căn nhà trên thị trấn Vụ Nguyên, chuyên cho khách du lịch thuê, sạch lắm, cô còn chưa từng ở nữa.
Cô nhờ người đưa cháu đến đó nhé? Cháu ở tạm, cô cũng không lấy tiền đâu”.
Nam Kiều lắc đầu: “Không ạ”.
Bà Việt Tú Anh bật cười: “Cháu gái này, lớn bằng này rồi mà sao cứ như trẻ con nhỉ, giống hệt con trai cô".
Nam Kiều nói: “Cô ơi, cháu có thể ở đây một đêm được không?”.
Bà cười hiền hậu, đáp: “Vừa rồi cô còn sợ người thành phố như cháu chê người nhà quê bọn cô bẩn nữa.
Nhà cô nhỏ, nhưng vẫn có giường.
Nếu cháu ở được thì ở đây đi”.
Căn nhà này xây cũng đã nhiều năm, bố cục theo kiểu cũ.
Từ cửa chính đi vào gian nhà chính, sau đó bốn góc là ba phòng ngủ, và một gian bếp.
Bà sắp xếp cho Nam Kiều ở phòng của Thời Việt.
Bà chỉ gian phòng ở góc trong cùng bên phải, nói: “Gian kia luôn để trống nhưng các cụ đã mất từng ở đó, sợ cháu kiêng kị”.
Bà lại chỉ phòng Thời Việt, nói thêm: “Đây là phòng con trai cô.
Nếu nó lấy vợ thì đây là phòng cưới của nó.
Có điều nó toàn ở Bắc Kinh, chắc cũng không về đây lấy vợ đâu”.
Nói tới Thời Việt, trên mặt bà luôn có một vẻ dịu dàng hiền từ đặc biệt.
Nam Kiều nhìn bà, thoáng nhớ lại mẹ cô cũng từng nhìn chị Nam Cần trên giường bệnh với vẻ mặt như thế.
Bà Việt Tú Anh nói: “Cô đã dọn sạch sẽ phòng này rồi, cả ga gối cũng mới thay, cháu gái, cháu cứ yên tâm mà ngủ nhé”.
Nam Kiều nhìn căn phòng này, trên tường có không ít ảnh Thời Việt, dán theo thứ tự từ nhỏ tới lớn.
Xem ảnh có thể thấy hồi nhỏ anh là một đứa trẻ cực kỳ ương bướng và nghịch ngợm.
Bức mới nhất, cũng là bức được treo ở vị trí bắt mắt nhất, là một bức ảnh phóng to in hình Thời Việt khoảng hai mươi tuổi mặc quân phục không quân đang đứng nghiêm chào, vô cùng oai phong và khí phách.
Bà Việt Tú Anh thấy cô nhìn bức hình không chớp mắt, bèn cười bảo: “À, đấy chính là con trai cô đấy”.
“Rất giống cô ạ”.
Bà cười tự hò, nói: “Giống bố nó nhiều hơn.
Chỉ có điều… ôi, thằng bé này giỏi hơn bố nó nhiều”.
Bà Việt Tú Anh đi nấu cơm.
Nam Kiều từng thấy Thời Việt nấu mấy lần, cũng biết thói quen nấu nướng của người Vụ Nguyên, bèn giúp bà rửa rau, thái rau, còn biết nêm gia vị nữa.
Bà thấy thế rất ngạc nhiên: “Sao cháu gái ở thành phố đến lại biết cách nấu món ăn Vụ Nguyên?”.
Nam Kiều mỉm cười: “Nhìn cô làm là biết thôi ạ”.
“Cháu cũng là người miền Nam à?”
Nam Kiều gật đầu: “Tỉnh H ạ”.
Bà nhìn cô, càng nhìn càng thấy quý, vừa xào rau vừa tiếc nuối nói: “Tiếc là cháu không ở Bắc Kinh.
Bao giờ thằng bé nhà cô mới mang một cô con dâu như cháu về, rồi đẻ thêm thằng cu là đời cô coi như mãn nguyện”.
Nam Kiều nhìn bà, nói: “Cô là người có phúc đấy ạ”.
Bà Việt Tú Anh thấy nói chuyện với Nam Kiều rất hợp, nhà lại ít người đến chơi nên trò chuyện rất rôm rả.
Nam Kiều cũng luôn tiếp được câu chuyện một cách thần kỳ, hai người một già một trẻ nói chuyện rất vui vẻ, buổi tối còn cùng xem một bộ phim về show truyền hình giữa những ông bố ngôi sao và con của họ chiếu trên ti vi.
Bà vẫn chưa bỏ cuộc việc giới thiệu Thời Việt cho Nam Kiều: “Phim này do con trai cô đầu tư đấy”.
Nam Kiều mỉm cười, cô hỏi: “Cô luôn sống ở đây một mình sao ạ? Sao cô không đến Bắc Kinh sống cùng anh ấy?”.
Bà hơi nheo mắt lại giống Thời Việt, như nhớ lại chuyện rất lâu về trước.
“Cô từng ở Bắc Kinh một thời gian khá dài, nhưng thấy ở đây vẫn thoải mái hơn.
Con trai cô có vùng trời riêng của nó, trong lòng nó có người mẹ này là đủ rồi”.
Nam Kiều nói: “Cô từng ở Bắc Kinh ạ?”.
Bà Việt Tú Anh thở dài đáp: “Ừ, trước kia cô bị bệnh khớp, có lúc đau đến đi còn không đi nổi.
Con trai cô hiếu thảo, sau khi đi lính ở miền Bắc đã tìm một bác sĩ chuyên gia ở Bệnh viện Quân y, đón cô đi khám bệnh.
“Khỏi bệnh rồi thì ông chồng cô lại gây chuyện”.
Bà nắm tay Nam Kiều, “Cũng vì thấy cháu hiền lành nên cô mới kể những chuyện vụn vặt trong nhà này với cháu”.
Nam Kiều gật đầu: “Cô nói đi, cháu nghe đây ạ”.
“Ông chồng cô tháo vát, giỏi tính toán, phải cái ham cờ bạc.
Vì chuyện này, con trai cô từ nhỏ đã không ít lần đánh nhau với người khác để bảo vệ bố.
Lúc đó, con trai cô còn quỳ xuống khuyên bố nó, đánh cược với bố nó, nếu có thể được chọn làm lính đặc chủng thì bố nó phải cai bạc”.
“Con trai cô thực sự rất giỏi giang, nó được chọn thật.
Ông chồng cô sau đó cũng ngoan ngoãn được mấy năm.
Khi cô đi Bắc Kinh chữa bệnh, ông ấy cũng đi cùng chăm sóc”.
“Bọn cô đều là người nhà quê, thấy Bắc Kinh đúng là một thế giới phồn hoa náo nhiệt, bao nhiêu người học đòi thói xấu.
Lúc cô gần khỏi bệnh, ông chồng cô rảnh rỗi, không ngờ lại sa vào cờ bạc.
Không biết ông ấy đắc tội với ai mà bị đánh gần chết, chỉ kịp nhìn mặt con trai cô lần cuối rồi ra đi… lại còn nợ một đống tiền.
Bao nhiêu là số không, cả đời cô cũng chưa thấy nhiều tiền như thế! Đừng nói là làm thuê trả nợ, kể cả có bán cô đi, thậm chí bán mười cô đi cũng không được nhiều tiền như thế!”.
Nam Kiều nghe đến đó mà chấn động, trong lòng cũng cmar thấy nặng nề theo, hỏi bà: “Sau đó thì sao ạ?”.
“Con trai cô tới, những người đó liền nói bố nợ thì con trả.
Con cô nói được, lúc đó cô muốn ở lại Bắc Kinh làm công, tuy cô không biết làm gì, nhưng cũng có thể dọn vệ sinh, trông trẻ cho người ta, ít nhiều cũng là tiền phải không cháu? Con cô đưa cô về đây, nói là chuyện này cô không cần bận tâm, nó có thể trả được.
Cô nói con không đi lính nữa à? Con cô liền cười, nói đi lính không có tiền, nó giải ngũ rồi trả món nợ của bố nó, cô mới được hưởng cuộc sống yên ổn thế này”.
Bà Việt Tú Anh nhắc lại chuyện xưa, giọng hơi nghẹn ngào, nhưng nói đến đây liền trở nên vui vẻ.
“Con trai cô giỏi, thực sự rất giỏi.
Nợ nhiều như thế mà rồi nó trả được thật, lại còn kiếm được tiền.
Giờ đây về nhà, nó đều mang cho cô bao nhiêu đồ, cô dùng làm sao hết được? Nó nói cô có tuổi rồi, làm ít việc đồng áng thôi, bèn mua cho cô hai căn nhà trên thị trấn, thu tiền thuê nhà là có thể sống thoải mái rồi.
Ôi, cô đã quen sống thế này rồi, biết nó sống tốt cô cũng vui, cần nhiều tiền như thế làm gì? Người trong làng này đều thật thà, đều tốt, ở đây có phải còn thoải mái hơn ở Bắc Kinh với thị trấn nhiều không? Chỉ tiếc là ông chồng cô không được hưởng phúc…”.
Nam Kiều cảm thấy đôi tay đang nắm tay cô thô ráp nhưng ấm áo, cô chưa từng có cảm giác này.
Cô nói với bà: “Chuyện qua là tốt rồi cô ạ”.
Bà cười nói: “Ừ, bây giờ cô mãn nguyện lắm.
Chỉ có mỗi lần con cô về, thấy nó một thân một mình lạnh lẽo lắm.
Nhất là lần này về nghỉ Tết, cứ thỉnh thoảng nó lại ngớ người ra, cô còn cười nó cô còn chưa già chưa lẫn, nó đã lẫn trước rồi”.
Nam Kiều khẽ mỉm cười.
Đêm đó, cô ngủ rất yên giấc..