Chai Thời Gian

Những ánh ngày cuối cùng tắt dần ở phía chân trời thẳng trước mặt. Bóng tối cởi chiếc áo choàng đen chậm rãi trải dài trong khi đèn đường bật sáng những đôi mắt huỳnh quang, hết hàng này đến hàng khác sau lưng chúng tôi.

Tôi và Jom sóng vai bước đi trên một con đường nhỏ, tĩnh lặng. Tường các ngôi nhà tạo thành một hàng rào liên tục hai bên đường như muốn đóng khung chúng tôi vào khoảng trống hẹp giữa chúng.

“Nói gì đó đi,” Jom thầm thì sau khi chúng tôi im lặng khá lâu.

“Ví dụ chuyện gì?” Tôi nhìn chị.

“Chả biết.” Chị nhún vai, tay vẫn đút trong túi quần bò mài. “Gia đình, bạn bè, người yêu, phim ảnh, gì cũng được.”

“Ngày xửa ngày xưa…” Tôi dài giọng.

“Thôi nào, Béo.” Chị cười nhạt. “Cậu không cần phải giả bộ với chị, được chứ?”

Tôi đờ ra.

“Cậu có hay gặp bố không?” Jom quay sang tôi. Mái tóc đen như mun chấm vai bay trong gió, và đây là lần đầu tiên tôi nhận ra nó mềm mại và óng ả chừng nào.

“Không thường xuyên lắm.” Tôi cúi đầu.

Bố ngồi ủ ê trong góc của quán rượu nhỏ như một thứ đồ đạc bị bỏ đi đã lâu. Những bóng đèn tù mù treo trên trần chiếu lờ mờ trên vầng trán đầy nếp nhăn, hai hố mắt sâu và đôi bọng mắt to của ông.

Chỉ khi tôi bước vào quán, kéo ghế ngồi xuống trước mặt bố, ông mới ngẩng đầu lên khỏi bóng mình hắt trên chiếc bàn bẩn thỉu. Ông không chào tôi, nhưng nỗi buồn trong mắt ông hùng hồn hơn bất cứ lời nói nào.

“Trong này nóng thật đấy ạ,” tôi nói, cảm thấy lúng túng và phe phẩy cổ áo đồng phục cho bớt nóng.

“Khi bố là quản lý của xưởng đá, đó quả là thời kỳ hoàng kim, con biết đấy. Các công chức trong quận, người làng, họ gọi bố là ‘Sếp Lớn’. Nếu bố muốn chén thịt lợn hay thịt bò, bố chỉ cần búng ngón tay là họ sẽ mổ lợn mổ bò, nướng lên dâng bố. Rượu thì khỏi phải nói, đủ để mà túy lúy suốt ba ngày ba đêm.”

“Tuần tới con thi,” tôi lẩm bẩm.

“Và khi bố đứng đầu bộ phận vận tải thì còn khá hơn nữa. Rượu ngoại, đồ hộp, con cứ kể tên bất cứ thứ gì, chúng ta chắc chắn đều đã có, ôi con trai ơi! Nat và Ning chén nhiều sô cô la đến nỗi sâu hết cả răng.” Bố cười khúc khích, cúi gục đầu đổ rượu trắng vào một chiếc chén nhỏ. Ông nắm chặt chiếc chén, quay mặt đi, đưa chén lên môi uống cạn một hơi.

“Ồ phải…” Ông đặt chén xuống như vừa nhớ ra điều gì. “Không biết con gấu bông đánh trống còn không? Bố mất đến ba trăm bạt vào đó, con biết đấy. Khi ấy bố thất nghiệp, nhưng Ning khóc như suối. Con bé thích con gấu quá. Nó vừa đi vừa gõ trống binh-bong và lắc đầu nên con bé muốn có nó…”

“Con nghĩ con sẽ đăng ký vào trường Sinlaparkorn.”

“Sá gì ba trăm, bố nói, khi con gái tôi muốn nó.” Bố ợ và mùi rượu trắng nồng nặc phả ra. “Nhưng hai con không bao giờ biết bố đã phải vật lộn thế nào mới kiếm được số tiền đó đâu.”

“Bố!” tôi gào tướng, đứng bật dậy tóm cổ tay ông khi ông chực rót thêm chén nữa. “Bố nghe con nói đi.”

Bố vẫn ngồi đờ đẫn, cụp mắt cúi đầu. “Bố yêu hai con,” ông lầm bầm. “Nhưng các con không bao giờ biết. Các con không biết gì hết.”

Tôi chật vật đỡ bố ra khỏi taxi. Ông hò hét và giận dữ đá bánh xe khi người lái taxi nhoài người ra đóng cửa xe. “Đồ khốn! Đi chết đi! Ta đã có hàng tá xe hơi rồi, ta cho mi biết. Mi và cái taxi bẩn thỉu của mi, sao mi dám vô lễ như thế?”

Tôi không phải nhấn chuông cửa vì đèn trong nhà đã bật sáng ngay khi bố lên giọng. Nửa đi nửa chạy, Waeo ra mở cửa, trông bối rối và lo ngại. “Chào Nat,” cô lao ra đỡ bố. “Cháu tìm thấy ông ấy ở đâu vậy?”

“Là em hả Waeo?” Bố đẩy tay chúng tôi ra và cố đứng thẳng. “Chả có gì đặc biệt cả. Chỉ là chúc mừng…” Ông dừng lại, rồi nặn ra một tiếng cười. “Công ty anh vừa xin việc mai hay ngày kia sẽ gọi anh – khoảng mười ngàn một tháng, em biết đấy.”

“Cháu vẫn chưa ngủ à?” Waeo ngẩng đầu khi thấy bóng tôi đổ trên sàn trước chiếc ghế mây mà cô đang nằm co quắp như một con mèo hoang mắc kẹt. “Ngồi đi.” Cô ngồi dậy nhường chỗ cho tôi. “Giờ cháu đã là thanh niên rồi đấy.”

“Bố như thế này bao lâu rồi ạ?” tôi ngồi xuống mà không nhìn cô và khẽ hỏi.

“Khoảng một tháng.” Cô buông một tiếng thở dài não nề. “Ồ, ý cô là như cháu thấy đêm nay.”

“Cháu chưa từng thấy bố cháu thảm đến mức này.” Tôi ngồi nhấn mạnh từng chữ.

Waeo thu người lại. Vai cô võng xuống, hai bàn tay đan chặt vào nhau.

“Có chuyện gì với bố vậy ạ?” Trước phản ứng của cô, tôi nói nhẹ nhàng hơn.

“Ông ấy đang đau khổ vì mất việc,” cô đáp mà không ngẩng đầu lên. “Ông ấy rất hy vọng được bổ nhiệm vào vị trí trợ lý giám đốc, nhưng họ giao vị trí ấy cho người mới. Vậy nên ông ấy phản kháng bằng cách hai tuần liền không đi làm, và khi quay lại công ty thì đến cả một chỗ để ngồi ông ấy cũng còn không có.”

“Thế nên bố cháu nghỉ việc,” tôi nói nốt vì quá hiểu bố mình.

“Phải.” Waeo gật đầu. “Nhưng không chỉ có vậy. Người trong công ty đó đồn ra ngoài rằng bố cháu bị đuổi việc vì nát rượu, vậy nên mấy công ty khác cũng không nhận ông ấy.”

Tôi ngồi ngay đơ mà nghĩ tới chuyện bố cảm thấy thế nào khi bị từ chối hết lần này đến lần khác.

“Cô muốn đi kiếm việc nhưng bố cháu không chịu nghe,” Waeo nói tiếp bằng giọng bắt đầu run rẩy. “Ông ấy bảo thà để hai người chết đói cùng nhau còn hơn là chấp nhận để cô nuôi ông ấy.”

“Cháu đảm bảo không bao lâu nữa bố cháu sẽ kiếm lại được việc thôi,” tôi nói để an ủi cô.

“Nat, hãy năng đến thăm bố cháu.” Waeo ngẩng đầu nhìn tôi. Ánh đèn khiến hàng lệ dâng đầy hai khóe mắt cô lấp lánh. “Có một số người yêu con cái, nhưng có những người cần con cái, và bố cháu là kiểu người thứ hai.”

“Đó là lần gần đây nhất em gặp bố,” tôi nói khe khẽ sau khi kể mọi chuyện cho Jom tối đó.

“Cậu nên tới thăm bố nhiều hơn,” Jom khuyên. “Có lẽ ông ấy thực sự cần cậu.”

“Nếu đó là chị,” tôi nói, cảm thấy mếch lòng. “Chị sẽ thấy thế nào nếu ai đó bảo chị là người ta cần chị nhưng rồi lại đi ở với người khác?”

“Nhưng bố chưa bao giờ cần chị!” Jom hét lên bằng tất cả sức bình sinh. “Bố thậm chí còn không thèm biết chị cần bố như thế nào.”

Khi tôi mở cửa bước vào quán, mẹ vẫn ngồi bên quầy. Đã muộn rồi và chỉ còn một vài khách ngồi tại bàn lặng lẽ thưởng thức vại bia của mình.

“Mày biến đi đâu suốt buổi hả?” Mẹ hỏi khi tôi bước tới chỗ bà. “Tao phải đi khám răng, thế mà đợi mãi xem có ai trong hộ không cũng chẳng có ma nào.”

“Ning chưa về ạ?” tôi đứng trước quầy hỏi.

“Nó đi tiệc tùng ở nhà bạn,” mẹ mệt mỏi đáp. “Bọn người nhà này có vẻ chỉ biết đâm đầu vào đàn đúm…”

“Bao giờ thì bác Amorn ở miền Nam về ạ?” tôi thầm thì hỏi.

“Ái dà!” mẹ kêu lên như vừa giẫm phải thứ gì đó sắc nhọn. “Ai mà biết? Bây giờ vợ lão ở Hart Yai chả quyết bám chặt lấy lão ấy chứ.”

“Ôi, thôi nào mẹ.” Tôi thở dài, cảm thấy khó chịu.

“Tao nghĩ đúng đấy. Nhớ lần trước không? Lão biến liền ba tháng. Nếu tao không xuống tận đó lôi cổ lão, mụ sẽ không để lão rời ra đâu. Mụ còn tiếp tục quấy nhiễu lão để vắt kiệt lão, dù một mình tao trông coi chỗ này: lão đàn ông của mụ không bỏ một bạt lẻ nào vào việc kinh doanh ở đây.”

“Chẳng phải mẹ bảo định đi khám răng sao?” tôi cắt lời mẹ.

“Giờ này thì kiếm đâu ra nha sĩ nữa?” mẹ oang oang.

“Vậy mẹ đi nghỉ một chút đi, con sẽ trông quán cho mẹ.”

“Còn có hơn một tiếng nữa là đóng cửa.” Mẹ liếc đồng hồ trên tường. “Đằng nào tao cũng ở đây một mình cả buổi tối rồi. Mày thích gì cứ đi làm đi.”

Quá buồn nản, tôi lắc đầu dạt vào bếp. Bác Ngop vẫn đang hùng hục giã ớt. Bác ngẩng đầu lên khỏi cối và vừa nhìn tôi vừa lấy mu bàn tay quệt mồ hôi trên trán.

“Bác có cần cháu giúp không?” Tôi ngồi xổm xuống cạnh bác.

“Không cần, bác sắp xong rồi.” Bác giã tiếp.

“Sao bác không để phụ bếp làm việc này thay bác?” tôi hỏi và gạt chỗ ớt dính trên thành cối xuống.

“Này, cẩn thận nào!” bác Ngop cáu kỉnh. “Nếu cháu mà lỡ quẹt lên mắt, bác thề cháu sẽ khóc mù cả mắt luôn. Bọn phụ bếp thời buổi này thì chưa kịp sai chúng làm gì chúng đã phàn nàn rồi. Nếu bác bảo chúng giã ớt, chúng sẽ giã lớt phớt vài cái rồi cuối cùng bác sẽ có những miếng ớt to bằng phân vịt. Tốt nhất là làm lấy, làm thế này bác đỡ phải lo.”

“Nhưng thế rồi bác lại cứ than là mệt mỏi,” tôi châm chọc.

“Hừ!” Bác đưa cánh tay quệt mồ hôi trên mặt. “Mệt lử tới tận xương, thật đấy! Bác không nói ngoa đâu, bác cam đoan với cháu.”

“Bác uống thuốc tiểu đường chưa?” tôi quan tâm hỏi.

“Ôi chết tôi rồi, chưa!” Bác Ngop đấm ngực. “Thấy không, bác bận đến nỗi quên khuấy mấy. Thôi đừng lo, mai bác sẽ uống gấp đôi liều.”

Bệnh tiểu đường hành hạ bác Ngop rất nhiều và điều khiến tôi khổ tâm hơn nữa là bác ít quan tâm tới sức khỏe của bản thân mình. Bác thường xuyên không uống thuốc và thích gì ăn nấy, và nếu có ai nói gì, bác lại kiếm cớ rằng sẽ uống sau. Bác luôn như vậy, cho tới ngày không còn cơ hội để mà kiếm cớ nữa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui