Chai Thời Gian

Câu trả lời của người đàn bà khiến tôi không thốt được lời nào, mãi đến khi định thần lại được, tôi mới cám ơn bà rồi phóng đi trên con chiến mã trung thành, đầu óc lang bạt tận nơi nao. Tôi không biết tâm trạng hiện giờ của mình thế nào. Tôi chỉ biết rằng tôi muốn đi xa, thật xa khỏi nơi này, để kết thúc mãi mãi câu chuyện của Jom và Yong, và nếu có thể, tôi muốn quên hết tất cả những gì liên quan đến Jom - cái quán cóc, “Chai thời gian,” ngay cả những cuộc đối thoại vẫn còn in đậm trong tâm trí.

“Chị mà có mấy vại tiền, chị sẽ mua một đất ngay đây và xây một ngôi nhà nhỏ nổi giữa đầm.”

“Ý hay đó, Jom. Như thế chị có thể tập đàn mà không sợ bị ném gạch.”

“Ôi quỷ tha ma bắt cậu đi, Béo! Cậu không bao giờ khuyến khích chị được một câu.”

“Nếu cất được thời gian trong chai

Điều đầu tiên tôi mong được làm

Là chắt chiu dành dụm từng ngày

Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua

Chỉ để dành trọn chúng bên em”

“Nếu chúng ta thực sự có thể cất giữ thời gian mà dành bên người ta yêu, chị không chắc chúng ta sẽ có thể thực sự hạnh phúc lần thứ hai.”

“Cuộc sống là hy vọng.” Tôi nghe thấy mình đáp lại chị. “Ít nhất, chúng ta có thể luôn hy vọng có thứ gì đó tốt đẹp hơn đang đợi ta phía trước.”

“Đó là sai lầm khủng khiếp nhất mà nhân loại mắc phải... Bởi vì nó khiến ta không biết hài lòng với cái đang có, vậy nên chúng ta chỉ có chịu đựng và không ngừng đeo đuổi cái không có được.”

Tôi phóng xe vô định trên đường. Thời gian trôi qua và bóng đêm buông xuống thành phố, khắp đường phố giăng đầy ánh đèn điện và đèn pha ô tô cứ phóng ra những tia lửa dài lạnh buốt.

Sáng hôm sau thức dậy, toàn thân tôi mệt mỏi uể oải. Cổ họng tôi khát khô, nhưng tôi hoàn toàn không muốn ăn uống, ngay cả một giọt nước lọc cũng không. Đầu óc tôi nghẹt cứng và sầu muộn khó tả. Tôi cứ nằm dài trên giường, tay vắt lên trán, không ngừng suy nghĩ về Jom. Tôi đã từng nghĩ mình biết và hiểu chị rõ hơn bất kỳ ai khác, đã từng nghĩ tôi là người duy nhất chị gần gũi và tin tưởng, nhưng hóa ra tôi chưa bao giờ hiểu chị và chẳng có ý nghĩ gì với chị, chẳng là gì hết.

Tiếng vĩ cầm réo rắt từ đâu đó vẳng tới, làm tôi nhớ đến cái ngày đòi thầy Wa-thin dạy chơi “Narn Sai Yoi.”

“Coi kỹ xem. Chị nghĩ là thầy đang khóc. Chị nghĩ nó liên quan tới điều gì đó trong quá khứ của thầy. Có lẽ đó là lý do vì sao thầy chơi cảm động lòng người đến thế. Chắc chị cũng nên tìm cho mình một bản nhạc khuấy động lại những ký ức cũ để chị có thể chơi hay như vậy.”

“Ai mà biết được mỗi lần khơi lại những vết thương cũ như thế này thì người chơi cảm thấy ra sao.”

“Nhưng chị thích nỗi đau, vì nó đem lại cho chị một loại cảm giác hạnh phúc. Có những lúc sau khi khóc lóc vật vã, chị lại cảm thấy đỡ hơn.”

“Chị không biết sẽ làm gì, trừ việc sống như người cùng khổ qua ngày.”

“Mai em về Bangkok. Đợi em, nhé?”

Tôi nằm ườn trên giường cả ngày hôm đó. Hồi sáng, mẹ có ghé vào phòng một lần sau khi nghe tôi bảo bị mệt không lên lớp được. Bà đặt tay lên trán tôi. “Mày không sốt đâu. Có đau đầu không?”

“Có,” tôi trả lời cụt lủn và tránh ánh mắt chăm chú của bà.

“Nat... có chuyện này mẹ muốn nói với mày.” Đầu ngón tay mẹ chạm vào cánh tay tôi.

“Dạ?”

“Dạo gần đây ngày nào mày cũng về nhà rất muộn. Mày cứ liều liệu đấy. Tình hình bây giờ không tốt, hết công nhân bãi công rồi lại sinh viên biểu tình và đủ thứ khác. Mẹ không muốn mày bị lôi vào những chuyện rắc rối như vậy.”

“Con không chơi với những người như vậy.”

“Thế là tốt. Dạo gần đây nhiều vụ bạo lực quá. Trên báo ngày nào cũng đầy những vụ ném bom chết người.”

“Con biết mà mẹ,” tôi trả lời, không biết phải nói gì khác.

“Mày nghỉ ngơi đi.” Mẹ đứng lên khỏi mép giường. “Mẹ sẽ bảo bác Ngop nấu ít cháo.”

Ngay khi mẹ ra khỏi phòng, tôi đứng dậy khóa trái cửa rồi lại sụp xuống giường, úp gối che kín mặt và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tôi còn quên là hôm nay sinh viên lại biểu tình chống đế quốc Mỹ lần nữa,

Tiếng đập cửa ầm ĩ khiến tôi choàng tỉnh. Ánh nắng tràn vào qua cửa sổ báo với tôi là đã chiều muộn. Tôi nửa tỉnh nửa mơ đứng dậy mở cửa, đầu óc vẫn choáng váng lảo đảo.

“Chai!’ tôi giật mình hét khi cảnh cửa mở rầm một cái và Chai cuống quýt lao vào phòng. Nom nó kinh hoàng tột độ, quần áo rách nát và bê bết máu.

“Đóng cửa vào mau!” nó vừa kêu the thé vừa lết chân vào góc phòng rồi sụp xuống, ngồi thu lu.

“Chuyện gì xảy ra thế?” Tôi đóng cửa đi đến chỗ nó.

“Win, đầu nó quay hẳn lại! Ruột Nit phòi ra ngoài, mình bốc lấy nhét lại vào người nó” nó run rẩy nói, anh mắt đờ dại. “Một quả bom nổ, tất cả chạy toán loạn. Bùm! Đầu Win quay hẳn lại! Ruột Nit phòi ra ngoài! Nó nằm trên đùi mình. Nhìn đi, máu nó đấy!” Nó giật chiếc áo sơ mi cho đến khi toạc hẳn và nắm chặt mảnh vải máu me đưa cho tôi.

Tôi nhìn Chai sững sờ. Win và Nit là bạn của nó trong hội chính trị. Tôi gặp hai đứa ấy vài lần. Win là một cậu vóc người rắn chắc, đeo kính tròn và tóc để dài chấm vai. Nit thấp đúng như tên nó, da đen bóng và giọng đặc sệt miền Nam, nó thích hát mấy bài dân ca quê mình mỗi khi câu chuyện hay công việc trở nên căng thẳng.

“Này, nhìn đây, đây là máu của Nit!” Chai rướn người nhét mảnh áo vào tay tôi.

“Kể lại mọi chuyện cho mình nghe đi?” Tôi đẩy tay nó ra ngồi xuống bên cạnh.

“Mình không nhớ...” Chai cắn chặt môi như thể đang có lục lọi trí nhớ. “Bom nổ, mọi người chạy loạn. Mình đi cùng Win, Nit với Porm. Đầu Win quay hẳn lại. Nit...”

“Porm nào cơ?” Tôi lắc vai nó. “Porm của chúng ta á? Nó thế nào rồi?”

“Không nhớ!” Nó giơ tay bịt tai lại. “Mình không thể nghĩ được. Đừng hỏi gì cả.”

“Thôi được rồi, bình tĩnh đi...” Tôi vỗ vai nó đoạn đứng dậy. “Cậu... cậu đợi ở đây, mình sẽ quay lại ngay.”

“Đừng nói với ai mình đang ở đây, được không?” Trông Chai lại hoảng sợ.

“Dĩ nhiên rồi.” Tôi lắc đầu. “Để mình đi lấy mấy viên thuốc ngủ cho cậu.”

Sau khi uống mấy viên thuốc tôi tìm thấy trong phòng mẹ, Chai dịu xuống và thiếp đi. Tôi cởi áo nó bỏ vào một cái túi giấy vứt vào thùng rác, đóng cửa phòng ngủ rồi hối hả leo cầu thang xuống tầng trệt.

“Ồ, mày khỏe rồi à?” mẹ hỏi từ sau quầy thu ngân. “Sao mà áo Chai lại dính máu bê bết thế?”

“Nó bị tai nạn,” tôi nói dối. “Con đi báo cho mẹ nó đây.”

“Cẩn thận đấy nhé” mẹ hét với theo. “Người ta bảo có một quả bom vừa nổ ngay giữa đám sinh viên biểu tình chống sự hiện diện của lính Mỹ ở đây đấy.”

“Vâng.” Tôi dắt xe máy ra ngoài cửa hàng rồi nổ máy phóng đi trong tích tắc.

Tôi mất khá nhiều thời gian tìm kiếm khắp nơi, đến gần tôi mới tìm hiểu được rằng nữ sinh bị thương đã được đưa đến một bệnh viện nhỏ ở Nonthaburee.

Đó là một nơi đổ nát và quá tải. Một số bệnh nhân phải nằm trên giường tạm kê ngoài hành lang và hiên nhà. Có vẻ có một tai nạn giữa xe buýt thành phố với một xe tải ở tỉnh ngay trước khi tôi đến nơi và tất cả mọi thứ đang rối tung lên. Bác sĩ cùng y tá chạy đi chạy lại rầm rập. Y tá nam đẩy bệnh nhân đi trên những chiếc băng ca gắn túi máu và nước muối giữa tiếng kêu than của người bị thương. Mùi rượu, thuốc, máu, mồ hôi nồng nặc khắp nơi làm tôi phải giữ chặt chiếc khăn mùi soa trên mũi trong khi cố tìm đường lách qua.

Porm nằm một mình trên một chiếc giường ở góc phòng bốc mùi ẩm mốc của tòa nhà cũ, không ai ở bên chăm sóc. Đầu nó quấn băng trắng. Tôi tưởng nó đang ngủ nhưng hóa ra không phải. Đôi mắt nâu đồng mở ra nhìn tôi ngay khi tôi lại gần.

“Béo!” nó khẽ mấp máy tên tôi. “Mình biết chắc là cậu sẽ đến mà.”

Chúng tôi nhìn nhau mộc hồi, không nói lời nào.

“Không nặng quá chứ?” Tôi chạm vào nó.

“E là mình đang quen dần mất rồi.” Nó cười chua xót và níu chặt tay tôi. “Thật may là cậu không đi cùng bọn mình hôm nay.”

“Chai đang ở nhà mình.” Tôi nhìn vào bàn tay tôi vẫn đang trong tay nó.

Nó đón nhận tin này với một cái gật đầu nhưng không nói gì.

“Bác sĩ bảo sao?” tôi hỏi, cảm thấy bất an.

“Không có gì.” Nó cười căng thẳng. “Có điều mình vừa giải hết mọi thù hận trong lòng rồi.”

Tôi đứng lặng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng con người có thể thù ghét nhau đến mức này.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui