Thân thể Trúc Thanh mỗi lúc một yếu.
Mới có nửa tháng ngắn ngủi, đã không còn khả năng xuống giường.
Dung Nguyên Cẩn mặc dù ngoài mặt bình thản, nhưng càng thường xuyên chạy đến phòng mẫu thân.
Ngoại trừ lúc đi ngủ, còn lại như dính chặt bên đầu giường, có lúc giúp mẹ xoa bóp, có lúc ngồi đọc vài trang thoại bản.
(Thoại bản: một hình thức tiểu thuyết Bạch thoại phát triển từ thời Tống, chủ yếu kể chuyện lịch sử và đời sống xã hội đương thời, thường dùng làm cốt truyện cho các nghệ nhân sau này.)
Sáng sớm, Du Tà bưng điểm tâm tới, đứng cạnh bàn xới cơm.
Dung Nguyên Cẩn mang chậu nước ấm vào, nhúng ướt khăn, giúp Trúc Thanh ngồi trên giường lau mặt.
Cách một lớp khăn, bàn tay y chạm tới gương mặt mẫu thân gầy gò tái nhợt, lòng đau như bị ai xâu xé: “Mẹ gầy đi rồi, hôm nay ăn nhiều một chút nhé.”
Trúc Thanh hốc mắt trũng sâu, đôi đồng tử như phủ thêm một lớp màng xám mỏng.
Ánh mắt ấm áp thanh tịnh trước kia nay đục ngầu đờ dại, có thêm mấy phần suy yếu bất lực, song không xua tan được ý cười nhu hòa nơi đuôi mắt: “Được.”
Khóe miệng khẽ nhếch kéo theo vết nẻ khô ráp trên môi, nét mặt bà thống khổ vặn vẹo.
Dung Nguyên Cẩn lo lắng ra mặt, Du Tà đi đến phía sau, đưa y một chiếc bình sứ nhỏ, nói khẽ: “Lấy cái này lau miệng cho mẹ.”
Dung Nguyên Cẩn đổ thuốc mỡ vào tay, tỉ mẩn thoa từng chút lên đôi môi tái nhợt của Trúc Thanh.
Mỡ trắng như tuyết theo đầu ngón tay y nhẹ nhàng thấm vào, Trúc Thanh mím môi, đôi môi khô ráp tái nhợt dần dần khôi phục huyết sắc.
Dung Nguyên Cẩn kinh ngạc, cúi nhìn chiếc bình sứ trong tay: “Nương tử, đây là gì vậy?”
“Cao mỡ dê.” Du Tà vắt màn trướng trước giường lên, “Nghe nói các tiểu thư quý tộc ở Từ An đều dùng cao mỡ dê này để bảo dưỡng dung nhan, nên ta có nhờ Nhị tỷ từ Từ An mang về cho một ít.”
(Từ An là địa danh không có thật nhưng khi đọc lên thì đồng âm với Tây An, xưa là Trường An.)
Dung Nguyên Cẩn đưa bình sứ lên mũi ngửi thử: “Đồ dưỡng nhan của nữ tử lại có công hiệu như vậy?”
Du Tà cười cười.
Dung Nguyên Cẩn còn muốn hỏi thêm, bị Trúc Thanh ngăn lại.
Trúc thanh vuốt mu bàn tay y, thấp giọng ho khan mấy tiếng, thất thanh gọi: “Cẩn Nhi.”
Dung Nguyên Cẩn vội khom lưng về phía trước: “Dạ.”
“Lấy gương lại đây, để mẹ nhìn một phen.”
Du Tà cầm chiếc gương đồng đặt trên bàn mang đến.
Dung Nguyên Cẩn một tay cầm gương trước mặt Trúc Thanh, một tay vén mớ tóc rối bời của bà dắt sau vành tai.
“Mẹ vẫn đẹp như vậy.”
Trúc Thanh nghiêng đầu nhìn mình trong gương, ngón tay nhẹ nhàng vuốt ve mi cốt, thấp giọng thở dài: “Cha con từng khen ta có đôi chân mày đẹp lắm.
Bệnh ăn vào rồi, có đẹp đến mấy cũng tàn tạ mà thôi.”
Du Tà bưng một bát cháo đậu ngồi xuống cạnh giường.
Cháo nóng bốc hơi nghi ngút, hắn thổi bớt cho nguội, cất giọng ấm áp: “Hồ đồ, giờ mẹ cứ thế này đi ra cửa cho láng giềng nhìn một cái, xem có ai mà không khen đến mấy câu? Sao lại tàn tạ cho được?”
Dung Nguyên Cẩn đỡ Trúc Thanh ngồi dậy, bà nhẹ giọng cười: “Vẫn là Tà Nhi miệng ngọt.”
“Mẹ bất công.” Dung Nguyên Cẩn kê thêm chiếc gối sau thắt lưng mẫu thân, ấm ức nói, “Rõ ràng cũng nói người xinh đẹp, tại sao không khen con miệng ngọt?”
Trúc Thanh mắng: “Đã thành gia rồi, sao vẫn như đứa bé, còn đòi được dỗ dành? Cũng không sợ nương tử chê cười mình?”
Hầu Trúc Thanh ăn cơm xong, Du Tà dọn dẹp bát đĩa trên bàn, đem vào rửa trong nội viện.
Dung Nguyên Cẩn chìa tay ngăn hắn: “Để ta.
Nương tử bận rộn suốt buổi sáng, bây giờ nghỉ ngơi một lát đi.”
Du Tà định từ chối, lại thấy Trúc Thanh gọi: “Để Nguyên Cẩn đi đi, con ở lại cho mẹ nói chút chuyện.”
Du Tà quay đầu nhìn người trên giường, thôi không nói nữa, nhượng bộ vâng một tiếng.
Dung Nguyên Cẩn nhấc mâm bát ra ngoài, thuận tay đóng cửa lại.
Cánh cửa khép kín còn nhìn chưa rời mắt, bên tai Du Tà đã nghe “huỵch” một tiếng.
Trúc Thanh không biết bằng cách nào đã đứng lên, hai đầu gối đập mạnh xuống nền nhà.
Du Tà nhíu mày bước tới đỡ lấy bà: “Mẹ, người đây là…”
Trúc Thanh gỡ tay hắn ra.
Bà không đứng dậy, chỉ áp hai tay trước trán, hướng về phía hắn cung kính hành lễ.
Đợi khi ngẩng đầu, đôi mắt xám đục đã ầng ậng nước mắt: “Ân công đại nhân.”
Du Tà thở dài, phất tay áo bước tới, đỡ Trúc Thanh đứng lên: “Đã là người một nhà, hà tất phải như thế.”.