Chàng Tiên Cá Bé Nhỏ

Edit + Beta: A Cẩn

Nhà hàng mà anh Nguyên dẫn chúng tôi đến được trang trí rất khiêm tốn, nhưng giá lại hoàn toàn không khiêm tốn chút nào cả, có thể nói là cực kỳ chất lượng —- Chất lượng theo đúng nghĩa đen của nó, một bữa bằng tiền ăn hai tháng của tôi.

Tôi lặng lẽ tìm điểm tương đồng giữa Nguyên Cừu và đại gia.

Đèn nhà hàng là màu vàng nhạt thỏa đáng, các khách hàng nói chuyện nhỏ nhẹ, khúc nhạc dương cầm du dương nhẹ nhàng lan tràn trong đại sảnh.

Tôi vểnh tai nghe mấy tiếng, anh Nguyên nói:

– Là “Serenade” của Schubert.

– Em hơi tin anh là cậu chủ nhà giàu rồi đó. – Tôi nói.

Anh ấy nghe vậy nheo mắt, mỉm cười không quá rõ ràng.

Tôi cắt beefsteak thành miếng nhỏ chỉnh tề, lại đổi đĩa với Cận Sở. Anh Nguyên tựa lưng vào sofa một cách lười biếng, ăn bánh sữa chua phô mai, còn không quên trêu chọc chúng tôi.

– Thông cảm cho người khác tí được không hả? Tết nhất còn cố thồn thức ăn cho chó cho người khác.

Tôi quan sát anh ấy, cảm thấy lúc này tâm trạng anh ấy thật sự ổn, cho nên nói đùa:

– Nếu anh lười cắt thì em cũng có thể giúp anh. Em tôn trọng người lớn lắm.

Tôi thuận miệng nói vậy, còn tưởng anh ấy cũng chỉ nghe qua rồi thôi. Nhưng sự thật chứng minh anh ấy còn mặt dày hơn cả tưởng tượng của tôi.

Anh ấy ăn miếng bánh ngọt cuối cùng, không khách khí bưng beefsteak mà tôi đã cắt xong đi, sau đó ném dĩa của anh ấy cho tôi.

Tôi im lặng cắt dĩa beefsteak thứ ba, thầm nghĩ nể mặt thịt ở đây còn đắt hơn cả tôi, dù gì cũng không thể úp lên mặt ổng được.

Lãng phí là không được đâu. Tôi là người biết tiết kiệm chăm lo cho gia đình.

– Năm nay Tiểu Cận lớp 12 rồi nhỉ.

Tôi cố gắng chiến đấu với beefsteak, anh Nguyên bắt đầu tán gẫu với Cận Sở.

– Có nghĩ tới chuyện thi vào trường đại học nào chưa?

Tôi cũng muốn biết chuyện này, nghiêng đầu nhìn cậu ấy.

Cậu ấy cũng quay sang nhìn tôi.

– Tụi bây cứ nhìn nhau thế thì nghĩ ra được cái gì à?

Anh Nguyên gõ đĩa nói.

Anh ấy làm động tác thô lỗ đó mà cũng có vẻ rất tự nhiên, thật sự khiến người ta không thể chỉ trích được.

Cận Sở quay sang nhìn anh ấy, lắc đầu, rồi lại gật đầu.

– Cậu ấy nói là chưa nghĩ tới chuyện muốn thi vào trường đại học nào. Nhưng cậu ấy muốn tới nơi nào đó gần em một chút.

Tôi tốt bụng phiên dịch lại.

Anh Nguyên rất ngạc nhiên:

– Chú mày là giun đũa hả? Thế mà cũng biết?

– Không phải đâu.

Tôi nâng tay vuốt mái tóc ngắn mềm mại của Cận Sở, cười nói:

– Bởi vì em cũng nghĩ thế mà.

Cận Sở đỏ mặt, sau đó nắm tay tôi, xòe ra, hôn nhẹ vào lòng bàn tay của tôi.

– Nhìn thấy tụi bây anh lại cảm thấy tuổi trẻ thật là tốt.

Anh Nguyên cảm thán.

Cận Sở quơ tay mấy cái, tôi nói:

– Cậu ấy nói anh cũng rất trẻ tuổi mà.

– Khác chứ. Tâm lý già rồi thì mặt có trẻ cũng không có tác dụng gì cả.

Anh Nguyên nói.

– Ước gì được quay lại tuổi mười bảy mười tám nhỉ.

– Trở lại để thi đại học lại lần nữa hả? – Tôi nói.

– Bảo mày nói một câu tiếng người có phải là còn khó hơn lên trời hay không vậy hả?

Anh Nguyên cười mắng.

– Bây giờ anh cho mày một cơ hội sửa thành ‘yêu đương’.

Tôi nghe vậy thì biết điều nói:

– Trở lại để yêu đương với anh Sâm một lần nữa hả?

Anh Nguyên giận quá bật cười:

– Lúc anh mười bảy mười tám thì cậu ta mới học tiểu học thôi!

– Giả thiết anh trở lại tuổi 17. – Tôi xòe tay: – Vậy thì anh ấy hẳn là 13 tuổi. Bình thường thì 13 tuổi đã là lớp 7 rồi.

– Ờ.

Anh Nguyên không biểu cảm nói:

– Bất kể cậu ta học lớp 7 hay là học năm nhất thì anh đều không muốn yêu đương với cậu ta.

Tôi hiểu rõ gật đầu:

– Có thể thấy được. Bây giờ anh có vẻ rất mệt mỏi.

– Đó là vì chú mày không chịu nói tiếng người, anh phiên dịch mệt sức quá.

Anh Nguyên nói.

– Anh rất hy vọng chú mày thế chỗ với Tiểu Cận một chút.

– Em cũng muốn thế. – Tôi tán đồng: – Nếu em là phù thủy biển thì tốt rồi.

Anh Nguyên sửng sốt trong chốc lát. Cận Sở bỗng nắm chặt tay tôi.

Tôi quay lại nhìn cậu ấy, cậu ấy cũng nhìn tôi, hốc mắt hơi đỏ ửng.

– Hầy…

Anh Nguyên nói:

– Già rồi, vậy mà anh không hiểu chú mày đang nói nàng tiên cá. Đến giờ chú mày vẫn tin vào cổ tích à?

– Đọc nhiều cổ tích có tác dụng trẻ lâu.

Tôi đề nghị nghiêm túc:

– Lần tới em thuận tiện cho anh mượn truyện cổ Andersen, anh cần không?

Anh Nguyên bật cười, nói:

– Ừ được.

Ăn beefsteak xong, anh Nguyên lái xe chở chúng tôi về nhà. Cận Sở nói với tôi muốn mời anh ấy vào nhà uống chén trà. Tôi truyền đạt ý của cậu ấy, anh Nguyên đỗ xe ở ven đường, cười nói:

– Xem ra anh có thể tự lấy cuốn truyện cổ Andersen được rồi.

Tiết Định Ngạc vẫn như trước, nghe thấy tiếng mở cửa thì lập tức chạy tới đón chào. Lại bị anh Nguyên ôm lấy bất ngờ, nó rú lên thê lương muốn tránh thoát nhảy vào lòng Cận Sở.

Anh Nguyên giữ chặt chân ngắn của nó, chậc lưỡi:

– Béo tới mức này, mèo của Hà Ý nuôi đúng không?

Tôi biện hộ:

– Nhưng là Cận Sở nuông chiều nó.

Cận Sở vuốt ve Tiết Định Ngạc trấn an nó. Tiết Định Ngạc mới chịu nằm yên trong tay anh Nguyên, phát ra tiếng ục ục từ cổ họng.

– Cận Sở là mẹ đẻ.

Anh Nguyên hạ kết luận, thay dép đi trong nhà ôm Tiết Định Ngạc vào phòng khách.

Tôi vào thư phòng tìm sách cho anh ấy. Cận Sở vào nhà bếp nấu trà sữa. Chờ đến khi tôi lấy sách ra thì Tiết Định Ngạc đã thoát khỏi ma chưởng thành công, anh Nguyên thì đang bưng ly uống trà sữa.

– Có mùi trà, nhưng mà không đắng.

Anh Nguyên nói.

– Rất đặc biệt. Em làm kiểu gì vậy?

Cận Sở cầm giấy bút viết cách pha chế kỹ càng cho anh ấy.

Anh Nguyên nhìn chữ viết của cậu ấy, còn nói:

– Chữ viết của em đẹp thật đấy. Em từng luyện thư pháp à?

— Trước kia từng học. Cậu ấy đáp.

Tôi không nhịn được nói:

– Bức tranh chữ treo trong thư phòng là cậu viết hả?

— Viết lúc mới lên cấp II không lâu. Đã lâu rồi chưa viết lại.

Cậu ấy bình tĩnh ngẩng đầu nhìn tôi. Câu hỏi “Tại sao” nghẹn trong cổ họng khi đối diện với ánh mắt bình tĩnh của cậu ấy.

Tôi không hỏi tiếp.

Anh Nguyên chạy vào thư phòng đi nhìn tranh chữ. Thật ra tổng cộng chỉ có năm chữ: “Cung Khoan Tín Mẫn Huệ”, treo trên bức tường sau bàn. Lúc ngồi đọc sách ở đó thì vừa ngẩng đầu lên là có thể nhìn thấy ngay.

Tôi từng nhìn rất nhiều lần, nhưng không bao giờ nghĩ rằng lại do cậu ấy viết. Tôi bỗng phát hiện kỳ thật tôi chẳng biết tí gì về quá khứ của cậu ấy cả.

Lúc anh Nguyên quay lại thì tôi với Cận Sở đang ngồi trên sofa mở hộp quà Giáng Sinh mà anh ấy tặng. Là hai chiếc đồng hồ cơ học giống nhau như đúc, kiểu dáng đơn giản trang nhã. Vừa có thể nói là kiểu anh em, lại vừa có thể nói là đồ đôi.

Tôi đeo đồng hồ cho Cận Sở. Cậu ấy nhìn đồng hồ, hỏi tôi rằng chúng tôi chỉ tặng một bình lá trà cho anh Nguyên có phải là rất xấu hổ hay không?

– Không đâu.

Tôi an ủi cậu ấy.

– Với ảnh mà nói, thích là đủ rồi. Không được thì chúng tôi có thể mời ảnh tới ăn cơm lúc nguyên đán, cùng lắm thì tặng ảnh cuốn truyện cổ Andersen luôn.

Cận Sở bèn cười.

Đối với tôi và cậu ấy thì anh Nguyên không chỉ là ông chủ làm thêm, mà còn là người bạn đặc biệt. Có lẽ còn kèm theo chút sùng bái khó tả.

Làm bạn với anh ấy là chuyện rất thoải mái. Đúng ra đúng, sai ra sai, muốn ra muốn, không muốn ra không muốn, thích ra thích, ghét ra ghét. Không cần khách khí, không cần lằng nhằng, đơn giản vừa thấy đã hiểu.

Anh ấy không xem tôi như con nít để lừa gạt, cũng sẽ chăm sóc cho tôi vừa phải như một người anh. Không quá xoi mói riêng tư của tôi, cũng sẽ cho tôi lời đề nghị đúng trọng tâm những lúc tôi buồn rầu. Đương nhiên, sự lựa chọn cuối cùng đều nằm trong tay tôi, anh ấy sẽ không bắt tôi phải vâng theo những gì mà anh ấy cho là đúng.

Có một cô bé mỗi ngày đến quán uống café vào dịp nghỉ hè từng hỏi anh ấy trong lúc tán gẫu rằng, nếu thích phải người không nên thích thì phải làm gì đây?

“Đó là cuộc đời của em chứ có phải của anh đâu.”

Anh ấy lơ đễnh nói.

“Cái gọi là đúng không phải là do người ngoài áp đặt cho em, em phải học được cách chịu trách nhiệm cho quyết định của tôi.”

Sau đó cô bé kia bèn đỏ mặt tỏ tình, rồi nhận được một tấm thẻ người tốt. Từ đó tôi không bao giờ nhìn thấy cô bé đó nữa.

Tôi hơi lo lắng, nhắc nhở anh ấy một cách uyển chuyển rằng anh cứ thế thì dẹp tiệm sớm. Anh ấy bảo không sao cả, dẹp tiệm còn tốt hơn là làm thứ trêu đùa tình cảm con gái.

Tôi ngẫm nghĩ, không thể không thừa nhận anh ấy nói đúng.

Nhưng người sống một cách tùy ý thoải mái như vậy cũng sẽ có lúc khốn đốn vì tình cảm, có thể thấy rõ chân lý vĩnh hằng sông có khúc người có lúc, vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

Hình như là càng đến gần ngày thi đại học thì thời gian lại trôi qua càng nhanh. Tết âm lịch năm nay tôi mới ngửi thấy chút mùi tết nhất thì chiếc đuôi của tháng giêng đã lặng lẽ chuồn ra khỏi khe cửa.

Bức tường cuối phòng học được treo một tấm bảng thời gian đếm ngược còn 120 ngày nữa là tới ngày thi đại học. Không còn ai chạy qua chạy lại đùa giỡn nhau trong hành lang giữa giờ nghỉ giải lao. Ngay cả đi WC cũng hận không thể canh giờ.

Cả tầng lầu bỗng trở nên yên ắng, chỉ có tiếng thảo luận bài thi truyền tới, tạo thành tiếng xì xào râm ran.

Trên mặt mỗi người đều biểu lộ cảm xúc nôn nóng hoặc là vội vã. Trong bầu không khí này, tôi cũng không khỏi trở nên căng thẳng, nhưng cuối cùng vẫn bình tĩnh lại trong nụ cười yên tĩnh của Cận Sở.

Có vẻ cậu ấy chưa bao giờ bị bên ngoài ảnh hưởng, vẫn sống bình tĩnh theo tiết tấu của tôi.

Tôi hỏi cậu ấy không khẩn trương hả, cậu ấy bảo không.

Tôi hỏi cậu ấy không sợ thi đại học à, cậu ấy cười khẽ, rồi lắc đầu.

Tôi hỏi cậu ấy, chẳng lẽ cậu không có khi nào là căng thẳng sợ hãi à?

Cậu ấy nói có. Chờ đến khi tôi vặn hỏi thì cậu ấy lại không đáp lời, chỉ cười.

Tôi luôn đầu hàng trong nụ cười của cậu ấy.

Học kỳ 2 lớp 12 bắt phải học ca đêm trong trường, mỗi ngày tới 9 giờ mới được về nhà. Học cả ngày như thế thì tí cơm trong căn tin hoàn toàn không đủ xài. Vì thế trên đường về nhà tôi đều cố ý vòng tới phố ăn vặt, ăn một tô mỳ với cậu ấy, ăn xong lại lái xe chở cậu ấy về nhà.

Cậu ấy ngồi ở ghế sau, ôm nhẹ eo tôi. Đôi lúc tôi lại đùa dai lái vào ổ gà, cậu ấy sẽ phản xạ ôm eo tôi khi bị xóc nảy. Trong gió đêm dịu nhẹ truyền tới mùi hoa không biết tên cùng với tiếng kêu của côn trùng, lúc thời tiết tốt thì bầu trời đầy sao có thể đi khắp chặng đường cùng với tôi.

Đó là mùa xuân dịu dàng nhất, cũng là ngắn nhất trong trí nhớ của tôi.

Mùa xuân đi qua, tháng năm cuối cùng cũng kết thúc, chúng tôi nhanh chóng nghênh đón cuộc thi đại học.

Hai ngày đó nhiệt độ rất cao, trời còn mưa rất lớn, vừa nóng vừa ẩm ướt. Anh Nguyên cố ý đóng cửa quán café, lái xe lại đây đưa đón chúng tôi.

– Đừng căng thẳng, cứ bình thường mà làm.

Lần đầu tiên anh Nguyên dặn dò càm ràm:

– Nghe theo ý trời là được, thi xong thì đừng nghĩ ngợi lung tung. Ngài mai thi xong môn cuối anh dẫn tụi bây đi ăn ngon.

Tôi cố nhịn không cãi nhau với anh ấy, ngoan ngoãn gật đầu.

– Giấy dự thi với chứng minh nhân dân đều mang đủ cả chứ? Bút chì cục tẩy bút mực đã chuẩn bị hết chưa? Mua nước chưa?

Thế là chúng tôi kiểm tra lại tất cả đồ đạc trong ánh mắt quan tâm của anh ấy.

Anh ấy nhìn chúng tôi vào trường thi, thi xong xe của anh ấy còn đỗ ở chỗ cũ. Anh ấy chở chúng tôi về nhà ngủ trưa, tới nhà hàng đóng hộp bữa trưa dễ tiêu hóa. Ngay cả nhiệt độ điều hòa lúc ngủ trưa cũng phải nằm trong sự giám sát của anh ấy.

Nếu không phải thật sự là mặt mũi không giống nhau thì tôi đều phải nghi ngờ anh ấy là anh ruột của tôi hay là Cận Sở.

Dưới sự chăm nom chu đáo của anh ấy, chúng tôi hoàn thành kỳ thi đại học. Vừa thi xong ngay hôm đó anh ấy gọi một thùng bia trên bàn cơm, chúc mừng chúng tôi rốt cục kết thúc một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời.

Tôi nói với anh ấy rằng anh Nguyên, sau này anh chính là anh ruột của em với Cận Sở. Chờ tới khi anh già rồi tụi em nhất định sẽ hiếu thuận anh.

Anh ấy uống một ly bia, nói anh ấy còn chưa già đâu. Còn nói rốt cục vẫn bị chúng tôi vớ bở, trước kia bao nhiêu người đòi làm em trai cho anh ấy mà không được.

Tôi bảo phải khác chứ, chúng tôi muốn làm bây giờ và cả sau này nữa. Anh ấy bật cười, sờ đầu chúng tôi nói các bé ngoan lắm.

Xưng hô quá xấu hổ, nhưng giọng nói của anh ấy vừa nghiêm túc lại vừa ấm áp. Tôi cảm thấy như muốn khóc.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui