Chẳng Tìm Thấy Người

Trang Tuyết để thùng chứa đầy đậu phụ lên xe đẩy, sắp xếp gọn gàng đâu ra đấy hũ đựng bắp cải muối, tương ớt, xì dầu, đĩa giấy. Sau đó, y bỏ thêm hai cái ghế tròn và một quyển sách tiếng Anh vào chỗ để đồ phía dưới.

Cuối cùng Trần Hải Thiên không kìm được nữa, buột miệng hỏi: “Anh học gì vậy?”

Trang Tuyết đổ dầu đầy chảo, rất bình thản nói như thể mua mớ rau ngoài chợ: “Văn học Anh Mỹ, nghiên cứu tiểu thuyết văn học thế giới thứ ba và hậu thực dân.”[1]

“Học thạc sĩ à?”

“Đang học tiến sĩ thì trốn về Đài Loan.” Trang Tuyết nhướng mày, đôi mắt rực lên sự sung sướng đắc chí: “Bán đậu phụ thối vẫn thú hơn hẳn.”

Trần Hải Thiên gật đầu, thì ra là một “Lương Mĩ Lị” thứ hai.

“Đi thôi, tôi đưa anh đi ngắm đường phố của tôi.” Trang Tuyết lanh lẹ đẩy xe ra khỏi cổng sắt đỏ, đi trước dẫn đường trong con ngõ nhỏ hẹp, “Hôm nay là thứ Ba nên sẽ đi đường B, ra cửa rẽ trái, trên đường sẽ đi về phía bên phải. Nhưng chỉ nửa chặng đầu khác nhau thôi, đến cuối vẫn quay về trường tiểu học, giống như số 8 đó, trường tiểu học là điểm giao chính giữa, bạn Tiểu Vạn đã hình dung ra chưa?”

“Ra rồi, cơ mà tôi nên gọi anh như nào giờ?” Người lý trí sẽ không xoắn xuýt quá lâu, anh quyết định hỏi thẳng luôn đối phương.

“Hở? Anh thích cái nào thì chọn cái đó, Tiểu Trang, Trang Trang, Tiểu Tuyết, A Tuyết, Tuyết Tuyết, nghe đều kỳ cục hết à?” Trang Tuyết nhìn Trần Hải Thiên cứ lắc đầu quầy quậy thì dở khóc dở cười, chốt: “Thế anh cứ gọi tôi là ‘này’ hay ‘anh’ trước đã, rồi có ngày cái tên anh ưng ý sẽ tự động nhảy ra thôi.”

“Okay, này, đi thôi.” Trần Hải Thiên xử lý xong vấn đề nhức não một cách đơn giản nhẹ nhàng nên rất vui vẻ.

Anh đi theo Trang Tuyết qua con ngõ nhỏ trong thôn. Trang Tuyết đi cực chậm, cứ một lát loa trên xe đẩy lại phát ra tiếng rao “đậu phụ thối” khí thế mạnh mẽ, rõ ràng hùng hồn. Thỉnh thoảng có cụ già đi ra từ mấy căn nhà cũ đến mua đậu phụ thối, thậm chí có người còn ngồi sẵn đợi ở cổng làng.

Trang Tuyết nhớ rõ họ từng cụ, rành rọt cả tình hình sức khỏe và những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống họ. Y vừa chiên đậu phụ thối vừa nói chuyện tám nhảm với các cụ. Có mấy nhà, lúc đẩy xe qua Trang Tuyết còn chẳng buồn quan tâm có ai trong nhà không mà gõ cửa đưa đậu phụ thối luôn.

Trần Hải Thiên lặng lẽ đứng bên, hơi bối rối. Anh thực sự không có kinh nghiệm trong chuyện này. Anh biết, các cụ già đâu ngóng đợi đậu phụ thối, họ chỉ chờ mong được Trang Tuyết quan tâm hỏi han mà thôi. Vả lại, Trang Tuyết cũng không buôn bán gì với họ, bởi y hoàn toàn chẳng lấy tiền.

Hai người thong thả đi ra cổng thôn, có lúc Trang Tuyết sẽ chỉ vào cảnh vật bên đường, giới thiệu cho Trần Hải Thiên: “Trước kia chỗ này là cửa hàng tạp hóa Cam.[2]”, “Quán mì này tôi ăn từ nhỏ tới lớn.”, “Bên trong chỗ này có phòng khám.”, “Đây là con chó Lai Phúc.” Các căn nhà ở đây nom cũ kỹ cổ kính, nhà nào nhà nấy đều xây gạch đỏ, lợp mái ngói phủ đầy rêu xanh.

Đi tới cổng làng, Trang Tuyết dừng lại bên đường, lấy ghế tròn ra nói với Trần Hải Thiên: “Đây là trạm nghỉ số một, đi tới đây là hết thôn làng rồi đấy, nghỉ 15 phút đã. Anh qua đây ngồi đi.”

“Ừ.”

“Anh sốc lắm à?” Trang Tuyết hỏi rất nhẹ nhàng, y thấy Trần Hải Thiên gật đầu thì nói tiếp: “Đường A sẽ đi qua một thôn làng khác. Tới hè sang năm hai thôn làng này đều phải dỡ bỏ, phần lớn mọi người đều đã dọn dần đi rồi, tuy vậy có một số người không biết đi đâu, tiền chính phủ trợ cấp cũng không mua nổi nhà, mà dẫu có mua được thì cũng chẳng để làm gì. Họ già rồi, lại chẳng có con cái, có người thì con cái bất hiếu… Haizz, vài người đã ở đây lâu lắm rồi, không nỡ đi, kiên quyết ở lại tới tận ngày dỡ bỏ.”

“Anh bán đậu phụ thối một phần cũng vì họ hả?”

“Bán đậu phụ thối cũng là có trách nhiệm với xã hội đấy.” Trang Tuyết đứng dậy tiếp vài vị khách xong lại nói: “Năm ngoái cha tôi dẹp không bán nữa, tôi thấy hay hay nên thử bán coi sao, dù gì thì hồi nhỏ tôi cũng phụ bán suốt, ngờ đâu bắt tay vào làm mới vỡ ra học được rất nhiều thứ, thế là cứ bán mãi tới giờ.”

“Ừa, chỗ làm đậu phụ thối là nhà của ông nội anh hả?”

“Ừ, giọng rao hàng cũng là của ông tôi luôn đó. Cuộc đời ông tôi là câu chuyện điển hình của một người lính, 17 tuổi ông tôi lấy bạn từ thuở ấu thơ, sinh con, 19 tuổi đi lính, tới Đài Loan thì nghe tin cha mẹ và vợ đã mất, lại cũng không quay lại được quê nữa, đành ở đây lấy vợ sinh con bán đậu phụ thối. Sau đó lúc cho thông hai bờ, ông tôi mới hay vợ cũ của mình chưa chết, không những vậy còn chưa tái hôn, sống một mình vò võ nuôi con khôn lớn, mòn mỏi đợi ông tôi, đợi 10 năm, 20 năm, 30 năm, 40 năm… để rồi đợi tới ngày ông tôi đưa vợ và con đến thăm.”

“Ừ.” Trần Hải Thiên lặng lẽ nghe Trang Tuyết nói, không hề chen lời, cảm xúc ngổn ngang lạ kỳ trào lên trong lòng, ngỡ như thời gian và địa điểm đã mờ nhòe không rõ ràng.

Đợi một người đằng đẵng 40 năm trời sẽ cảm thấy thế nào? Nếu kết quả cuối cùng của việc chờ đợi như thế, phải chăng sẽ cảm thấy thà đừng đợi được, thà rằng cứ đợi mãi đợi hoài còn hơn chăng?

“Bà nội tôi nói họ đều là những nạn nhân của thời đại, nên không có ai có lỗi với ai. Vì thế, mỗi đợt Tết đến, ông bà nội đều về Hồ Bắc ăn tết với bà ấy, tôi với cha tôi cũng qua đó vài lần rồi. À quên, ông nội tôi là người Hồ Bắc.” Trang Tuyết cầm kẹp sắt lật miếng đậu trong chảo nhanh như chớp, “Lúc bà nội tôi qua đời, ông nội tôi chuyển về Hồ Bắc luôn. Dạo đó, cha tôi là cán bộ cấp trung ở công ty lớn, không cao hẳn cũng chẳng thấp hẳn. Cha tôi quyết định nghỉ hưu sớm về thay ông tôi bán đậu phụ tiếp. Mẹ tôi cũng chẳng nói gì, dù sao khi ấy con cái cũng đã lớn, tự kiếm được tiền rồi mà. Đến năm ngoái, cha tôi không bán nữa, cha mẹ tôi mua một cái xe Van nhỏ ở Đại Lục đi du lịch khắp nơi. Thế là tiếp đó tới lượt tôi bán, trên đây chính là câu chuyện bán đậu phụ thối của nhà họ Trang.”

“Anh học đến tiến sĩ rồi mà còn đi bán đậu phụ thối thế này, người nhà anh không phản đối hả?”

“Có, nhưng không phải tôi bỏ học vì bán đậu phụ thối nhé. Trước lúc bán tôi đã về Đài Loan được gần ba năm rồi. Cha mẹ tôi phản đối vì lo tay nghề tôi kém, phá tan thương hiệu hơn 50 năm của nhà họ Trang. Trong nhà tôi, đậu phụ thối còn có địa vị cao hơn tiến sĩ, không có đậu phụ thối thì lấy đâu ra nhà chúng tôi.”

“Cha mẹ anh có quan điểm giống hệt mẹ tôi.” Nếu vậy, chắc cũng sẽ dạy dỗ ra những đứa con giống nhau nhỉ, Trần Hải Thiên thầm nghĩ.

“Thế anh cũng được nuôi thả ha?” Trang Tuyết thấy Trần Hải Thiên gật đầu, đột nhiên hạ thấp giọng xuống: “Tôi kể anh nghe, tôi thấy bọn trẻ bị nuôi nhốt đều sẽ trở thành người mà bên ngoài ngoan ngoãn phép tắc song linh hồn bên trong không hề biến thái vặn vẹo, bởi vì quá phải kiềm chế đè nén.”

“Ờ, cơ mà sao tự nhiên lại nhỏ giọng vậy?” Trần Hải Thiên cũng bất giác hạ giọng xuống theo Trang Tuyết.

“Tôi sợ trẻ con bị nuôi nhốt gần đây nghe thấy sẽ đau lòng. Haha, đi khỏi trạm một thôi.” Trang Tuyết cười, thu ghế tròn lại rồi đi tiếp. Trần Hải Thiên xung phong đẩy xe hàng được một quãng, thấy xe rất nhẹ, đẩy chẳng mệt tí nào. Bánh xe lạch cạch kêu vang trên con đường nhựa.

Trang Tuyết chỉ về phía ven đường, kể đủ chuyện ngõ nhỏ phố hẹp cho Trần Hải Thiên nghe: “Trước đây khu nhà mới đó là bãi tha ma”, “Còn hồi xưa khu nhà này là ruộng lúa, thuở nhỏ tôi hay nấu lò đất[3] ở chỗ tiệm gội đầu kia.”, “Còn chỗ này ban đầu là sông cơ, có lần tôi với em gái đi chơi, suýt nữa nó bị cuốn đi, may mà tôi bắt kịp.”

Trần Hải Thiên là con thành phố chính hiệu, anh nghe chuyện Trang Tuyết kể hồi nhỏ mà cảm tưởng như đang xem phim truyền hình nông thôn trên ti vi, bên trong có một đám trẻ con đội mũ cỏ, đi dép lê chạy như bay trên bờ ruộng, cạnh chúng là hai con chó béo phị tung tăng chạy theo.

Cứ ba phút đồng hồ chiếc loa lại vang lên tiếng rao hàng của ông nội Trang Tuyết. Trang Tuyết nói tiếng rao này chỉ để làm cảnh thôi chứ khách đều biết y bán hàng lúc nào. Trên đường đi, luôn có người cầm đĩa đợi ở cửa nhà. Có người lại mở cửa sổ tầng bốn, gào vọng xuống: “Trang Tử, cho hai đĩa.” Ngay kế, cửa sổ tòa nhà số một mở ra, tiếng kêu vang lên: “Lấy một đĩa nhé.” Sau đó, họ tự đi dép lê chạy ra trả tiền lấy đậu phụ thối.

Mỗi lần đi qua một khu vực, Trang Tuyết lại dừng chân nghỉ ở nơi đông người. Trạm nghỉ thứ hai ở công viên nhỏ, trạm nghỉ thứ ba là đầu ngõ sau bưu điện. Trong thời gian nghỉ ngơi, Trang Tuyết chiên vài miếng đậu phụ thối thơm nức cho Trần Hải Thiên. Trên đường tới trạm tư, Trang Tuyết đổi một đĩa đậu phụ thối lấy hai cốc hồng trà Cổ Tảo ở hàng đồ uống. Hai người vừa đi vừa uống trà, dọc đường đi Trang Tuyết tâm sự với anh về kế hoạch cách mạng đậu phụ thối của y.

Đậu phụ thối rưới tương sô cô la hay sữa tươi béo ngậy thơm ngọt, đậu phụ thối bánh kếp kẹp dưa chuột và trứng xắt sợi, pizza đậu phụ thối Hawaii nhồi giăm bông và dứa, muffin đậu phụ thối nhồi bột…

Lần đầu tiên Trần Hải Thiên có cảm giác gặp được tri âm tri kỷ, anh như được truyền cảm hứng, được khơi gợi dữ dội mãnh liệt. Trong thời đại ngày nay, đậu phụ thối và bánh đậu đỏ đã được định hình cố định, quá thiếu sự sáng tạo tưởng tượng, nom đơn điệu ngu ngốc tới không còn gì để nói, song Trang Tuyết hoàn toàn có đủ khả năng để sáng tạo ra một kỷ nguyên đậu phụ thối mới.

Trần Hải Thiên và Trang Tuyết thảo luận về kế hoạch cải cách đủ để làm rúng động nền ẩm thực ăn vặt Đài Loan, bánh đậu đỏ vị đậu phụ thối, đậu phụ thối vị bánh đậu đỏ. Không biết tự bao giờ hai người đã đi đến cổng trường tiểu học, là nút thắt của con số 8, cũng là trạm nghỉ thứ tư. Bấy giờ cũng vừa đúng 4 rưỡi chiều.

Trang Tuyết tiếp đám nhóc ra chơi ùa ra ngoài, chuẩn bị vào trường tập thể dục. Tụi nhỏ vây quanh xe đẩy, Trần Hải Thiên đứng bên rưới tương, gắp bắp cải muối, thu tiền. Thỉnh thoảng có khách ruột trêu Trang Tuyết: “Êy, Tiểu Trang buôn bán lớn ghê, còn thuê cả sinh viên đến bán nữa.”

“Đúng rồi, thêm người bán phải thêm tiền vốn, nên sau này bớt hai miếng bắp cải muối của nhóc nha.” Trang Tuyết bán đậu phụ thối vừa thân thiện lại vừa khôn khéo, trong giọng nói loáng thoáng nghe ra được mùi cà khịa đùa cợt, tới nỗi đám nhóc bất lực cạn lời.

Trần Hải Thiên đứng bên im lặng nghe y nói, mấy lần không kìm được thầm cười trộm. Anh có thể nhìn thấy hình ảnh Trang Tuyết gửi tin nhắn cho anh ngày xưa trong Trang Tuyết bán đậu phụ thối hiện tại, tuy nhiên Trang Tuyết bán đậu phụ thối lúc này không sắc bén gai góc như xưa, cách ăn nói chín chắn điềm đạm hơn hẳn. Nếu ví Trang Tuyết trước đây là kiếm Ỷ Thiên, thì Trang Tuyết hiện giờ chính là kiếm Huyền Thiết[4] của Dương Quá, trọng kiếm thô sơ, không hề gia công.[5]

Mà chỉ riêng sức nặng của thanh kiếm ấy cũng đã có thể đè chết một đống người.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui