Chỉ Là Anh Giấu Đi

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con đường trở thành trùm trường tiếp tục tìm tới Duy Thanh và Quốc Hùng. Tất nhiên vì hoàn cảnh đưa đẩy, nên dù hai người không có ý định nhưng cũng phải miễn cưỡng dấn thân vào. Và Hoàng Sơn chính là điểm bắt đầu, là điểm mồi, là sự châm ngòi cho cuộc “bình định” khối chiều.

Vốn đã không thích gây sự nhưng việc đơn thân một mình ở lớp 10/5, điều đó khiến Hoàng Sơn bị lũ bạn của mình cô lập và ăn hiếp. Với bản tính “chó điên” trong người nên Hoàng Sơn một mình chống lại “mafia”, mà chẳng sợ thằng ôn nào. Kết quả “chó điên” trở thành “chó què”, Hoàng Sơn sợ liên lụy tới mọi người nên định bụng giấu diếm. Chả ngờ cái mặt lại phản bội lấy anh chàng, những vết bầm đỏ hiện lên và không thể qua mắt được Khánh Long. Thế là chuyện gì đến cũng đến, trong những phút cuối cùng của giờ ra chơi, Khánh Long dẫn đầu nhóm “hổ báo trường mẫu giáo” tới lớp của Hoàng Sơn.

“Thằng nào đánh mày?” Khánh Long nói lớn khi bước vào trong.

Chưa kịp làm gì thì phía bên kia đã ném các “vật thể lạ” về phía Khánh Long. Không cần nói thì Khánh Long cũng liền lao đến để tung đòn. Hoàng Sơn lúc này cũng không còn cách nào khác ngoài việc xông pha và khẳng định lại một lần nữa là chính bọn chúng đánh mình. Anh Đức, Quốc Hùng cũng ồ ạt lên tiếp sức. Duy Thanh thì quan sát và tự chọn cho mình một mục tiêu, đánh rắn phải đánh dập đầu, anh quyết định chọn tên to nhất.

Khánh Long nhắm thằng đầu tiên mà đấm, đồng thời anh cũng bị những tên bên cạnh đánh mình. Hoàng Sơn lao vào, Anh Đức nhảy lên bàn, Quốc Hùng thì bay tới đạp và Duy Thanh chưa kịp làm gì thì đã bị đánh lén phía sau.

Bất ngờ bị đạp tới gần ngã sấp mặt, Duy Thanh quay lại và thấy hai tên đang lao về phía mình. Đưa tay trái lên đỡ quyền, tay phải còn lại, Duy Thanh đấm một phát ngay miệng tên A. Thấy tên B lao tới, anh đạp chân vào bụng đẩy hắn ta ra xa, sau đó tiếp tục đạp chân phải lên chiếc ghế bên cạnh để lấy điểm tựa và bay tới đấm vào mặt tên B. Định đấm tiếp vào mặt tên A, thì Duy Thanh bất ngờ bị một bạn nữ kéo lại và mở miệng xin ngưng.

Tiếng trống vang lên, kèm theo đó là những lời xin thua, xin lỗi, xin dừng lại và xin đừng đánh nhau của những bạn nữ lẫn những bạn bị đánh. Anh Đức sau đó đứng ra giảng hòa và hy vọng mọi người sẽ không còn ăn hiếp Hoàng Sơn nữa. Vụ đánh nhau sau đó cũng được các bạn trong lớp giấu kín và những gương mặt đỏ tấy phải giả vờ nói vấp ngã cầu thang.

Tất nhiên, vụ việc sau đó giữa lớp của Hoàng Sơn và mọi người vẫn chưa hề yên ấm. Phải đến sau này, khi lớp Hoàng Sơn bị lớp bên cạnh ăn hiếp và mọi người ra mặt “giúp đỡ” thì đôi bên mới thật sự giảng hòa, mới thật sự giao kết tình thâm. Cũng chính vì việc giúp đỡ nên mọi người bị “ban giám hiệu” gọi tên và không ai khác, bà Thúy Nga phải một lần nữa lên trường và xin cho “hai thằng con trời đánh” của mình. Vì nhờ bà Thúy Nga đại diện xin giúp nên cũng như bao lần khác, má Ba không bị nhà trường gọi lên nói chuyện về Duy Thanh, nên cả cô nhi viện vẫn không hề hay biết gì.

Có điều, Khánh Long và Quốc Hùng sau đó bị đưa vào tầm ngắm. Trong một lần Quốc Hùng đi vệ sinh cùng với Hoàng Sơn, hai người bất ngờ bị trả thù. Đang thản nhiên từ nhà vệ sinh bước ra, Quốc Hùng và Hoàng Sơn bị ba, bốn tên đánh lén rồi bỏ chạy. Nhanh chóng đứng dậy, nhưng khi đưa mắt nhìn quanh, Quốc Hùng không thấy ai hết. Biết chắc bọn lớp bên cạnh Hoàng Sơn trả thù vụ hôm bữa, nên Quốc Hùng một thân, một mình đi lùng bọn chúng.

Hoàng Sơn khuyên bảo nên cùng bàn bạc với mọi người, hoặc ít nhất nên rủ mọi người theo nhưng Quốc Hùng lại không đồng ý. Biết sẽ có chuyện không hay nên Hoàng Sơn lao đi tìm Duy Thanh và Khánh Long. Chạy tới dãy ghế đá tụ tập hôm nào, Hoàng Sơn thuật lại mọi chuyện và mọi người liền chạy đi ngay lập tức.

Về phần Quốc Hùng, anh chạy lên tầng hai và nhắm thẳng lớp bọn chúng mà đi tới với sát khí đằng đằng bốc lên. Mọi người ở trên hành lang thấy vẻ mặt của anh cũng phải khiếp sợ và dạt ra hai bên. Mỗi lần Quốc Hùng xuất hiện ở đâu, là ở đó có đánh lộn, nó dường như đã trở thành “câu cửa miệng”, là thói quen, là “quy chụp” của mọi người dành cho anh chàng.

Xồng xộc lao vào lớp, Quốc Hùng không thấy ai nên liền quay lưng đi ra. Anh đoán rất có thể bọn chúng ở căn tin, hoặc phòng tập thể dục, hay rất có khi là bãi giữ xe chẳng hạn. Mà dù bọn chúng ở đâu, anh cũng sẽ lùng cho bằng được. Dòng người tò mò hò hét, kéo theo sau anh thành một dãy dài, điều đó khiến đánh động tới giám thị và bảo vệ của nhà trường. Và tất nhiên, khi Quốc Hùng vừa bước xuống cầu thang để xuống căn tin, anh ngay lập tức bị giám thị chặn lại.

“Cậu đi đâu đó?” Thầy giám thị chắp tay sau lưng và cầm “thượng phương bảo kiếm” như hôm nào.

Quốc Hùng dù đang điên tiết lên nhưng cũng phải dịu giọng. “Em.” Anh chống chế. “Em xuống căn tin mua nước.”

“Thật không?” Thầy giám thị nhíu mày.

“Dạ thật thưa thầy.” Ngọn núi lửa của Quốc Hùng bỗng chốc đóng băng từ khi anh nuốt nước bọt trong sợ hãi.

Thầy giám thị nghiêng đầu qua một bên để quan sát phía sau. “Đi mua nước.” Thầy nhìn lại Quốc Hùng. “Sao lại kéo người đi theo đông vậy?”

Quốc Hùng quay lại “dàn cổ vũ” ở sau lưng mình. “Em biết đâu thầy.” Anh đưa bộ mặt trẻ thơ nhìn thầy giám thị. “Họ đâu phải bạn em.”

Thầy giám thị hỏi. “Mấy cô cậu đi đâu đây?”

“Dạ xuống căn tin thầy.” Cả bọn đồng thanh và tủm tỉm cười một cách ngây thơ.

“Căn tin có gì lạ lắm sao? Bán nước miễn phí à?” Thầy giám thị thừa biết nên liền hét to. “Giải tán.”

Cả bọn nhốn nháo chạy mất dép.

Quốc Hùng thấy thầy nhìn mình nên liền nói. “Em xuống căn tin thật mà thầy.”

“Thì xuống đi.” Thầy giám thị cũng muốn biết cu cậu này định giở trò gì.

Quốc Hùng cúi đầu. “Dạ.” Anh vừa bước xuống một đoạn thì thấy thầy giám thị đi theo mình. Cảm giác như thầy sẽ bám theo nên Quốc Hùng đành phải đi mua nước thật.

Vừa cầm bịch nước, vừa rảo bộ ra sân trường nhưng không thấy lũ bạn của mình, Quốc Hùng không biết Hoàng Sơn đã làm gì và đang ở đâu. Liếc mắt thấy thầy giám thị vẫn đang đứng nhìn mình từ xa, Quốc Hùng đành phải ngoan ngãn ngồi một chỗ.

Trong khi đó, Hoàng Sơn kéo cả bọn đi tìm bọn đánh lén và Khánh Long đoán bọn chúng sẽ không về lại lớp nên liền đi lùng những chỗ khác. Nhà xe không có, cả bọn tiếp tục đi ra sân bóng đá, nơi các lớp học thể dục. Vô tình đi ngang qua một cái “hẻm cụt”, mọi người thấy cả bọn đang đứng núp trong đó hút thuốc. Chục ánh mắt ngạc nhiên nhìn nhau và Hoàng Sơn thấy được “chiếc áo quen thuộc” lúc nãy đánh lén mình.

Hai bên sau đó xông vào. Bên Hoàng Sơn muốn tẩn bọn chúng, bên kia thì chỉ muốn vùng chạy thoát thân. Duy Thanh nhanh chóng thi triển thế võ mới học vừa hè, anh chắp lấy đối thủ, xoay lưng lại phía hắn ta, vận lực quật ngã hắn ta xuống đất, một thế Judo cơ bản.

Khánh Long thì không “rườm rà” như vậy. Anh chàng chỉ thản nhiên lao tới đạp vào ngực đối phương và tiện tay đấm luôn thằng bên cạnh. Anh Đức thì vất vả hơn, anh chàng “nổi máu” và xông thẳng người mình vào đối phương, hai bên va chạm và ngã rầm xuống đất. Hoàng Sơn tất nhiên là nhắm tên đánh lén mình, nhưng vì bọn chúng đông quá, nên hắn ta cùng với một vài gã khác chạy thoát. Mọi người sau đó cũng dừng lại, vì khối anh chị lớp mười hai đi tới can ngăn.

Sau khi về lớp, Quốc Hùng mới được mọi người thuật lại và anh chàng cảm thấy tiếc nuối vì bị bỏ lỡ. Bực thì bực, tiếc thì tiếc nhưng Quốc Hùng vẫn không quên việc viết “thư tay” cho bà chị học lớp mười một, người ngồi cùng bàn với anh chàng.

Nếu như Quốc Hùng chỉ bị trả thù trong trường, thì Khánh Long mang một tầm vóc quan trọng hơn. Vào một buổi chiều cách đó không lâu, khi cả trường tan học đi về thì một số học sinh trường P bất ngờ xuất hiện. Tất nhiên bọn chúng đứng “me” Khánh Long là chính.

Một vài người ở lớp Hoàng Sơn thấy được nên liền chạy vào báo với Khánh Long. Tất nhiên lúc đầu họ không biết những học sinh trường P tới đây làm gì, nhưng khi một, hai tên “lớp bên cạnh” đi tới thì thầm to nhỏ gì đó, họ mới đoán ra là “người thân” của lớp bên. Khánh Long nghe xong nhưng chỉ nhếch môi cười, anh chàng vẫn khẳng khái dắt xe ra khỏi trường với một thần thái “đầu đội trời, chân đạp đất”.

“Là nó đó.” Tên A chỉ điểm cho những học sinh trường P.

“Sao?” Khánh Long vứt xe xuống đất. “Thích chơi à?”

Những bạn bè của Khánh Long, lẫn bạn bè của Hoàng Sơn cũng nhanh chóng tiến tới sau lưng Khánh Long để bảo vệ “người huynh đệ” của mình. Lúc này thì Duy Thanh và Quốc Hùng mới từ từ dắt xe ra và thấy Khánh Long gặp chuyện. Chú bảo vệ lo soát vé nên vẫn chưa biết tình hình ở bên ngoài. Thầy cô thì vẫn đang ở trong phòng giao ban.

Tên cầm đầu trường P thấy bên kia lực lượng đông hơn mình, nên trong một khoảng khắc, gã cảm thấy lạnh người và “rúm chân”.

“Đánh chết bà nó đi anh.” Tên A tiếp tục khích đồng bọn của mình.

Duy Thanh mượn bịch nước của bạn nam bên cạnh đang cầm uống. Anh đôi về phía bọn học sinh trường P. Mặc dù bạn nam tuy không thể biết mặt tất cả mọi người, nhưng mặt của “đại ca” thì bạn nam đã quá rõ.

“Thằng đéo nào vừa đôi đó?” Một tên dính bịch nước tức giận nói lớn.

Duy Thanh nhếch môi. “Tao đó thì sao?”

Quốc Hùng cũng mượn bịch nước của bạn nữ phía sau. Anh bắt chước Duy Thanh đôi tới. Không biết anh cố tình hay vô tình nhưng bịch nước chả trúng ai hết. Thấy cả đám nhìn, anh liền nói. “Tao đôi đó.”

Duy Thanh nhìn đồ thể dục và bảng tên thì biết được tung tích. “Học sinh trường P mà dám tới đây gây sự à?”

“Mày nói gì?” Một tên tức giận trợn mắt.

Anh Đức sau một hồi không thấy ai bên cạnh uống nước, anh chàng liền móc kẹo trong túi ra đôi đỡ. Hoàng Sơn thì lấy vỏ dưa hấu trong thùng rác nhỏ trước trường đôi tới. Các người anh em khác cũng bắt đầu kiếm đồ để đôi.

Cả bọn trường P chưa dám động thủ, lại gặp các vật thể lại đôi tới “liên miên” nên đành dành thời gian, sự tỉnh táo, óc quan sát và sự nhanh nhẹn của mình để tránh né.

“Tụi tao là trường H.” Quốc Hùng dõng dạc tuyên bố. “Tụi…” Anh định nói, “tụi mày dám tới đây làm loạn à?” nhưng chưa nói hết câu thì đã bị Khánh Long chặn lời.

“Là ai?” Khánh Long cướp lời Quốc Hùng.

Duy Thanh và Quốc Hùng tự nhiên nổi hứng đồng thanh hô. “Trường H.” Hai người “tâm đầu ý hợp” với các anh em của mình.

Khánh Long đưa tay lên tai như đang ngóng. “Là ai?”

Lúc này thì cả đám đều đồng thanh. “Trường H.”

Khánh Long quay lại nhìn mọi người và giơ hai tay lên ngang vai. “Chúng ta nói cho bọn chúng biết, chúng ta là ai?”

“Trường H.” Mọi người cùng hô lớn và bật cười.

Không biết là vì “hiệu ứng”, vì đồng tâm hiệp lực, vì “ăn theo” hay là vì một lý do nào khác, mà tất cả học sinh, từ nam đến nữ, từ bạn đến thù, bỗng lại chung một lòng tiến tới “trừng mắt” nhìn lũ học sinh trường P để thị uy.

Những học sinh trường P bỗng muốn đái trong quần. Vài phút trước còn hùng hổ, sĩ khí tăng cao, giờ thì lại có cảm giác sợ bị chôn sống luôn ở nơi này.

Bác bảo vệ đang soát vé thì nghe thấy tiếng hò hét vang lên. Cảm thấy có sự bất thường và cũng không phải là những âm thanh ồn ào khi tan học như hôm nào, bác nghĩ bụng đang có chuyện không hay xảy ra.

Duy Thanh đang thủ thế thì bỗng thấy cái gì đó bay trúng đầu mình. Quay lại theo bản năng, anh nghĩ chắc ai đó lỡ tay đôi nhầm, vì sau lưng anh là một tá học sinh khác đang đứng nhìn. Bỗng Duy Thanh thấy một gương mặt quen thuộc, anh lo lắng đi tới.

“Sao vậy Vũ?” Duy Thanh hỏi.

Văn Vũ khẽ cười. “Đau bụng.”       

“Vũ đi xe về được không? Hay để Hùng chở Vũ, còn Thanh đạp xe Vũ về?” Duy Thanh nói xong thì liền nói lại. “Á nhầm. Để Thanh chở Vũ về, còn Hùng đạp xe Thanh về.” Anh quên mất xe mình là đạp ngang, Vũ đau bụng thì sao mà đứng được.

Văn Vũ lắc đầu. “Không sao, không sao. Vũ về được.”

Tiếng ồ vang lên và Duy Thanh quay lại nhìn thì thấy lũ trường P lui thủi đi về trong nhục nhã.

“Trưa rồi còn không lo về, đứng đó ồ ồ cái gì.” Bác bảo vệ ra hét lớn.

Cả đám, mỗi người, một hướng biến mất tiêu.

Kể từ sau vụ đó, cuộc “trị quốc” bất đắc dĩ của Duy Thanh và Quốc Hùng bỗng chốc thành công mỹ mãn. Không những cả khối lớp mười ngưỡng mộ và tôn hai người lên “ngôi vua”, mà đến một vài lớp mười một với mười hai của buổi sáng nghe thấy tiếng tăm cũng phải kiêng dè nể sợ.

Cũng từ buổi chiều hôm đó mà khối lớp mười không còn đánh nhau nữa, cả khối đều như quy chung là một và đều e dè trước bọn “hổ báo trường mẫu giáo”, trước những “ông vua” đẹp trai, phong nhã và hào hoa này. Tất nhiên những ca từ như đẹp trai, hào hoa đó của các cô gái, nó chỉ dành cho Quốc Hùng và Khánh Long. Trừ Văn Vũ “con nhà người ta” ra, những người còn lại thì chả được ai đếm xỉa đến.

Cũng chính vì vụ đánh nhau nên sau đó, những kẻ “kêu người” đã nộp đơn xin chuyển trường. Khánh Long và mọi người cũng cẩn thận hơn và bắt đầu về chung với nhau. Văn Vũ, Quốc Hùng và Duy Thanh về chung như hôm nào. Còn Hoàng Sơn và Anh Đức thì ráng đạp xa hơn vài trăm mét để cùng về với Khánh Long. Tuy sáu người không thể về chung nhưng ba người thì dù sao vẫn ổn hơn một người.

Quốc Hùng, vì được “hoa khôi” của khối lớp mười để ý nên con đường dẫn đến “bình thiên hạ” lại bắt đầu. Cô hoa khôi này được một nam sinh lớp mười hai thầm thương trộm nhớ và buông lời tán tỉnh. Khi quá trình sắp thành công, cô gái sắp đổ, thì đột nhiên thằng mặt chó “Quốc Hùng” lại xuất hiện.

Thế là những buổi học thể dục trở thành những buổi tập kích của hai bên. Cậu nam sinh lớp mười hai đó, khi học thể dục buổi chiều thì tất nhiên chẳng dám “hó hé”. Quốc Hùng thì chả bận tâm đến hắn ta, mặc dù anh đã bị chỉ mặt và đe dọa. Nhưng khi đến lượt anh học thể dục vào buổi sáng thì lại bị hắn ta đi lùng.

Sau nhiều lần hai bên không chạm mặt thì đến một hôm, hắn ta cũng tìm được Quốc Hùng. Tranh thủ giờ ra chơi được nghỉ và đó cũng là lúc Quốc Hùng học xong thể dục, hắn ta nhanh chân chạy xuống sân tập. Tình thế đưa đẩy nên khi mọi hôm học thể dục xong thì liền về nhưng hôm nay, Quốc Hùng cùng với các bạn lại ngỏ ý ở lại căn tin cưa chuyện với nhau.

Thế là hắn ta xông vào đấm Quốc Hùng ngay trước căn tin. Thấy “đại ca” mình bị đánh nên các bạn liền xông vào hỗ trợ, mặc dù Duy Thanh lúc này còn chưa kịp phản ứng. Thế rồi cả đám lại lên phòng giám thị và bà Thúy Nga lại hậm hực tới trường vì đứa con ngỗ nghịch của mình. Tất cả những vụ bà bị nhà trường gọi lên, tất cả theo như óc phán đoán của bà, thì đều tại Quốc Hùng mà ra cả. Đối với bà, Duy Thanh là người bị con bà lôi kéo vào những vụ đánh nhau, hoặc vì bênh con bà nên mới đánh nhau, nên bà luôn xin nhà trường và khuyên Duy Thanh đừng có chơi với con bà nữa. Tất nhiên là bà không biết có những vụ Duy Thanh là người lôi kéo con bà vào cuộc.

Sau khi bị “úp sọt”, Quốc Hùng tìm cách trả thù lại những tên khối mười hai bằng cách “me” lại chúng vào giờ học thể dục. Tất nhiên với sự thông minh của mình, Quốc Hùng không hề động thủ. Anh chỉ việc kéo lũ bạn đông như kiến của mình đứng bao quanh những tên học thể dục và chỉ nhìn chằm chằm như vậy.

“Định bày trò gì nữa đây?” Thầy giám thị lại xuất hiện.

“Có làm gì đâu thầy.” Khánh Long đáp. “Tụi em chỉ đứng chơi thôi mà.”

Thầy giám thị nhếch môi. “Cậu định lừa ai đó?”

“Có lừa đâu thầy.” Quốc Hùng khẽ cười.

“Vậy để tôi đứng chơi với các cậu.” Thầy giám thị khoanh tay lại.

Vụ việc như vậy cứ xảy ra, Quốc Hùng chỉ “hăm he” đối phương bằng cách thị uy cho bọn chúng biết thực lực của mình. Mãi đến một hôm, một người anh học lớp mười hai ở trong xóm Quốc Hùng, anh ta đi đến xin cu cậu đừng làm như vậy nữa. Điều đó khiến các chị gái và những người khác thấy rất khó chịu và sợ hãi. Nể mặt ông anh, Quốc Hùng đi tới xin lỗi các anh chị và ra lệnh cho mọi người tản ra. Vì một phong thái và sự lịch lãm như vậy, Quốc Hùng nghiễm nhiên được khối buổi sáng kính nể và từ đó cả trường dường như thuộc về anh chàng và lũ bạn “hổ báo”.

Thống nhất được “giang sơn” chưa được bao lâu, tọa vị hưởng lạc chưa được bao nhiêu thì sự thống lĩnh của Quốc Hùng và mọi người lại bị phá vỡ. Và người làm chuyện đó không ai khác chính là “boss trùm” thật sự. Một thế lực ngầm, vị trùm cuối, kẻ nắm giữ quyền lực thật sự, ông trùm của mọi ông trùm, thầy hiệu trưởng.

Kết thúc năm học lớp mười, một số chuyển trường, một số lưu bang, một số nghỉ học, hoặc một số đến tuổi bị kêu đi nghĩa vụ quân sự. Có những bạn nam học lớp mười nhưng vì thương thầy, mến bạn, nên chấp nhận ở lại ba, bốn năm để được gần họ.

Rất, rất nhiều trường hợp khác nhau và với mười bốn lớp mười ban đầu, sau khi kết thúc năm học, chỉ còn lại chưa tới bảy lớp. Thầy hiệu trưởng bắt đầu sắp xếp lại học sinh và với sự góp ý của thầy giám thị và bà Thúy Nga, thầy hiệu trưởng đã ra một quyết định. “Thánh chỉ” được ban ra và khối lớp mười bị xé ra thành từng mảnh, phân chia, tách nhóm và được gộp lại thành sáu lớp mười một.

Quốc Hùng sau kỳ nghỉ hè vui nhộn, anh chàng lên trường sắp lớp và nhận ra mình và Duy Thanh không còn được học chung với nhau. Về nhà, Quốc Hùng nũng nịu, năn nỉ xin mẹ mình và bà Thúy Nga nhất quyết không đồng ý. Bà ngán ngẫm với cu cậu và yêu cầu cu cậu phải chấn chỉnh lại việc học. Và bà cũng tuyên bố mình là người đề nghị thầy hiệu trưởng tách cậu và Duy Thanh ra khỏi nhau. Nếu Quốc Hùng không thích hoặc giận hờn, bà sẽ qua cô nhi viện nói chuyện với má Ba và biết đâu Duy Thanh có khi còn không được học chung trường với cu cậu nữa. Để minh chứng cho lời nói của mình, bà chỉ nộp học phí cho mình Quốc Hùng, còn Duy Thanh thì bỏ ngõ, mặc dù bà biết Duy Thanh sẽ vào lớp nào.

Quốc Hùng trước giờ biết tính tình và sự cương quyết của mẹ mình nên anh cũng phải đành nghe theo. Chưa kể là vì thương mẹ, cứ thấy mẹ mình bỏ ngang công việc để chạy lên trường thì anh cũng thấy cắn rứt bản thân. Do vậy, thà học chung trường còn hơn khác trường, Quốc Hùng bảo mẹ sẽ chăm chỉ học hành và xin mẹ cho Duy Thanh học chung với mình.

Thế là sau khi sắp lớp, Văn Vũ vẫn giữ nguyên, từ lớp 10/2 chuyển lên 11/2. Khánh Long từ 10/7 chuyển lên 11/5 và bắt cặp với Anh Đức. Hoàng Sơn thì từ 10/5 lên 11/3. Quốc Hùng 10/12 chuyển lên 11/6 và ở lớp này, Quốc Hùng học chung với Văn Hàn, người bạn cũ của Duy Thanh và Khánh Long. Đặc biệt, hoa khôi khối lớp mười cũng học chung với Quốc Hùng.

Còn nói về Duy Thanh, cuối cùng anh chàng cũng bắt đầu đi học và như năm xưa, anh chàng cầm tờ giấy nhập lớp để đi tìm phòng học. Không biết may mắn hay vô tình, Duy Thanh được chuyển lên lớp 11/2 và đó chính là lớp của Văn Vũ. Bước vào trong, Duy Thanh vì vui mừng nên quên mất những ánh mắt đang nhìn mình, trong đó có ánh mắt trìu mến của một cô gái, Mỹ Hạnh.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui