Chỉ Là Anh Giấu Đi

“Giờ con định làm gì?” Bà Thúy Nga ân cần hỏi.

Duy Thanh lúc này đang quan sát và cảm nhận mọi thứ trên đường đi. Dường như cảnh vật không thay đổi nhiều, kể từ lúc anh đi tù. Nghe bà Thúy Nga hỏi, anh liền quay sang. “Con cũng chưa biết nữa.”

Bà khẽ cười. “Hay con về làm cho cô đi.”

“Dạ thôi.” Anh e ngại. “Cô giúp con như vậy là đủ rồi.”

Bà Thúy Nga chậc lưỡi. “Dù đêm đó con có giúp cô hay không, thì cô cũng vẫn sẽ giúp con thôi.” Bà gõ nhẹ vào đầu cu cậu. “Cái thằng này, lúc trước con lái taxi đúng không? Hay con về làm tài xế cho cô đi?”

“Dạ thôi.” Anh tiếp tục từ chối.

“Thôi cái gì mà thôi. Vậy đi.” Bà chốt hạ rồi lái sang chuyện khác. “Giờ con muốn đi đâu trước?”

Duy Thanh trầm mình xuống. “Dạ về nhà.”

Bà Thúy Nga nói với tài xế của mình. “Anh ghé qua cô nhi viện một chút nha.”

“Dạ bà chủ.” Bác tài gật đầu.

Xe dừng lại trước cổng cô nhi viện, bà Thúy Nga nghĩ mình nên dặn dò trước. “Nhà con bây giờ khác lắm. Cô nghĩ…” Cảm thấy khó nói, bà quyết định nên đi theo cu cậu cho chắc ăn.

Tất nhiên Duy Thanh vẫn chưa hiểu ý của bà Thúy Nga cho lắm, cho đến khi anh bước vào nhà, tận mắt chứng kiến thấy biểu cảm của mọi người, những ánh mắt liếc nhìn không thân thiện, và đôi khi là những cử chỉ ra hiệu phải đề phòng cẩn thận, thì anh mới nhận ra.

Tất cả mọi người đều xa lánh, sợ hãi và thậm chí khinh miệt lấy anh. Chỉ có Minh Dũng là vẫn như trước, luôn mừng rỡ, quấn quít bên cạnh anh không rời. Tất nhiên là anh hiểu cho tâm lý của mọi người, anh là một kẻ vào tù, ra tội, nên việc mọi người không cho các em nhỏ gần anh là đúng. Anh cũng hiểu mình là một tệ nạn xã hội và là người xấu, nên mọi người nhìn anh như vậy cũng là đúng. Anh cũng thừa biết vì mình mà làm xấu đi hình ảnh của cô nhi viện và bôi nhọ danh tiếng của má Ba.

“Anh Thanh.” Minh Dũng bây giờ đã lớn và đang học cấp hai. “Đồ của anh này.” Cu cậu bưng ra một chiếc thùng giấy nhỏ, trong đó đựng những vật dụng xưa kia của anh mình.

“Em cất đồ giúp anh hả?” Duy Thanh lúc này ngồi trước hiên phòng cũ của mình. Anh ngạc nhiên vì Minh Dũng lại chu đáo đến như vậy.

Minh Dũng khẽ cười. “Dạ.” Nếu cu cậu không cất đi thì có lẽ giờ nó đã nằm trên bãi rác.

Duy Thanh thấy trong thùng giấy có các vật dụng cá nhân của mình, chiếc điện thoại và một thứ. “Ủa sợi dây của anh.” Anh ngạc nhiên. “Sao em có nó?”

Minh Dũng đáp. “Anh Long đưa cho em cất.”

Anh mừng rỡ. “Ủa vậy hả?” Anh nghĩ chắc trước lúc vào tù, Khánh Long đã lấy những thứ này của anh đem về.

“Thanh về rồi đó hả?” Chị Thúy Lan bất ngờ đi tới.

So với những anh chị và những người khác, chị Thúy Lan lại hỏi anh một câu rất ấm lòng, “Thanh về rồi đó hả”, chứ không phải như những câu “Em tới đây làm gì? Em ra tù rồi sao”.

“Dạ.” Anh cảm thấy vui khi được chị Lan quan tâm.

Ở đời nhiều khi thấy lạ, người ngày xưa luôn yêu thương mình, thì sau này lại trở nên ghét bỏ và hắt hủi. Còn những người ngày xưa tuy la mắng, hung dữ, nhưng sau này lại chính là người yêu thương và ở bên cạnh mình lúc tăm tối nhất.

Khi xưa, các chị Ngọc Lan, chị Út luôn yêu thương anh, thì giờ lại tỏ ra ghét bỏ. Còn chị Thúy Lan luôn la mắng mỗi khi anh làm gì đó sai. Thậm chí có lúc chị còn đánh anh vì chuyện của chị Hồng, thì giờ chính chị lại ngồi bên cạnh ân cần hỏi thăm không xa lánh. Chưa hết, chị còn giấu mọi người cho tiền anh nữa, bảo có gì cứ tìm chị, chị sẽ giúp đỡ anh hết mình.

Thấy mọi người như vậy, Duy Thanh đành chấp nhận qua nhà bà Thúy Nga ở tạm. Anh cũng đồng ý về làm tài xế cho bà, vì anh biết đây là lúc để anh bù đắp lại và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với gia đình, mặc dù bây giờ nhà có vẻ không cần anh.

Tối đó anh mượn xe máy của bà Thúy Nga để chạy sang nhà Mỹ Dung. Bế nhóc Duy An trên tay, anh thấy dường như tìm lại được một phần niềm vui của cuộc sống. Nhưng khi nghe mọi người kể về Mỹ Hạnh, người anh lại chùng xuống một cách nhanh chóng đến bất ngờ.

Ngày hôm sau, anh đi ké xe bà Thúy Nga xuống thành phố. Mục đích của anh là tìm đến anh Hai để chào một tiếng. Cầm trên tay mảnh giấy ghi địa chỉ và số điện thoại của đại ca, anh cuối cùng cũng tìm đến nơi, một gara sửa ô tô ở gần bến xe thành phố.

Thấy anh, đại ca ngay lập tức bảo tụi đàn em bỏ việc và chuẩn bị bia rượu để ăn mừng. Sau bà Thúy Nga, đại ca tiếp tục bảo anh về làm cho mình, tất nhiên là anh nhanh chóng khước từ ngay lập tức. Giả vờ bảo về làm cho bà cô họ, anh dù sao cũng không muốn tay mình nhuốm máu và “ăn cơm nhà nước” thêm một lần nữa.

Sau khi nhậu be bét, chiều đó anh tạt ngang qua nhà anh Duy Nhân và không ngạc nhiên lắm, khi anh gặp lại chị Thúy Hồng. Hôm qua anh đã nghe bảo chị Hồng vừa đi học, vừa đi làm ở nhà anh Duy Nhân để kiếm thêm thu nhập.

Đang trò chuyện với chị Hồng, khi đụng mặt vợ chồng anh Duy Nhân, Duy Thanh mới biết mình nghĩ sai. Ở đâu cũng có người tốt, người xấu và ở đâu cũng có thằng khùng, thằng điên. Khi xưa anh Duy Nhân thương anh bao nhiêu thì bây giờ vẫn vậy. Xem ra việc ghét bỏ hay yêu thương người này, người kia, nó phụ thuộc vào tâm lý và tính tình của mỗi con người.

Thế rồi những tháng ngày làm tài xế của anh cũng bắt đầu. Vì hầu như công việc của bà Thúy Nga ở dưới thành phố, nên anh được bà bố trí ở tạm chung cư dưới đó luôn cho tiện. Thỉnh thoảng anh có đánh xe chạy về nhà thăm các em, tất nhiên là anh chỉ dám thăm nhanh rồi đi, chứ có nhiều anh chị vẫn không thích sự hiện diện của anh.

Bà Thúy Nga cũng từng hỏi anh về vấn đề Mỹ Hạnh, nhưng anh không muốn làm rối mọi chuyện lên lại. Anh biết cô hiện giờ đang sống rất tốt và anh cũng nên tập trung vào cuộc sống của mình. Mặc dù thỉnh thoảng đôi lúc say, anh vẫn hối hận về quyết định của mình. Nếu biết ra tù trước thời hạn như vậy, anh đã không dại dột để cô rời xa.

Thời gian qua đi, công việc hằng ngày của anh cũng rất đơn giản, chở bà Thúy Nga tới nơi yêu cầu và phụ giúp những gì bà bảo. Chú tài xế cũ được chuyển về công ty, nên anh cũng không ngại lắm vì sự xuất hiện của mình. Dần dần, anh nắm bắt được công việc và dù muốn hay không, anh lại tiếp tục bị số phận đưa đẩy tới phía bên kia ánh sáng.

Vào một buổi chiều hôm nọ, trong lúc chở bà Thúy Nga về nhà, sau nhiều lần quan sát, anh cảm thấy như đang bị theo dõi. Để kiểm chứng nhận định của mình là đúng, tới ngã tư trước mặt, anh liền đá “xi nhanh” rẽ phải ngay lập tức và đoạn đường này khác với lộ trình đi về nhà như mọi hôm.

Liếc mắt qua gương chiếu hậu, anh thấy chiếc xe nhãn hiệu Toyota màu đen rẽ phải theo mình ngay sau đó. Tiếp tục rẽ trái ở ngã tư tiếp theo, và lần này anh khẳng định giác quan của mình là đúng.

“Ủa con đi đâu vậy?” Bà Thúy Nga thắc mắc khi thấy đoạn đường đang đi khá lạ lẫm.

Anh nói thật. “Dạo này công việc có gặp trở ngại gì không cô?”

“Không.” Bà nhíu mày. “Mà sao con hỏi?”

“Chúng ta bị theo dõi.” Anh nhìn bà qua gương.

Bà Thúy Nga theo phản xạ tự nhiên nên liền quay lại sau nhìn. “Ai?”

“Con không biết nữa.” Anh tiếp tục rẽ. “Họ theo sau chúng ta lâu rồi.”

“Giờ sao con?” Bà hốt hoảng. “Hay để cô báo cảnh sát?”

Anh nghĩ việc bám theo chưa đủ luận cứ để quy tội. “Không cần đâu cô, để con cắt đuôi bọn nó.” Anh nói tiếp. “Cô có giấy bút đó không?”

“Không.” Bà nói nhanh. “Nhưng con cần ghi cái gì, nói đi, cô ghi cho.”

Anh nhìn qua gương và đọc biển số. “XXXX – XXXX.”

Bà bấm nhanh loạt phím trên điện thoại. “Rồi con.”

Duy Thanh ngay sau đó lợi dụng tình hình giao thông đông đúc, cộng với tín hiệu đèn giao thông trước mặt, anh nhanh chóng cắt đuôi được bọn theo dõi. Thay vì chạy thẳng về nhà, anh lại tấp vào một nhà kho cách đó không xa của công ty bà Thúy Nga. Lấy nhanh biển số xe vừa ghi được, anh liền gọi cho anh Hai để nhờ truy tìm tung tích chủ nhân của nó.

Một thời gian sau, trên đường chở bà Thúy Nga tới công ty thì Duy Thanh nhận được điện thoại. “Em nghe anh.” Anh nói. “Dạ.” Một tay cầm lái, tay còn lại cầm điện thoại nhưng Duy Thanh vẫn đánh tay lái một cách rất nhịp nhàng. “Dạ rồi, em cảm ơn anh Hai.” Kỹ năng lái xe của anh đã lên tức mức thông thạo đến kinh ngạc.

Bà Thúy Nga đang xem tài liệu, nghe cuộc hội thoại của “thằng con trai”, khiến bà không tránh khỏi sự tò mò. Nhưng chưa kịp hỏi, cu cậu đã lên tiếng trước.

“Cô biết vũ trường X không?” Duy Thanh sau khi cúp máy thì liền hỏi.

Bà trầm mặc một, hai giây rồi giả vờ đáp. “Cũng có nghe qua.” Bà tò mò. “Mà sao con?”

“Họ đang theo dõi cô.” Anh đáp ngắn gọn.

Bà không tin lắm. “Sao con biết?”

“Con nhờ một ông anh điều tra giúp.” Anh nói. “Ông ấy bảo chiếc xe hôm đó là của bọn bảo kê vũ trường X.” Anh ngầm đoán. “Cô với bọn họ có chuyện gì sao?”

Bà Thúy Nga nói láo. “Không có.”

Duy Thanh nhìn ánh mắt và vẻ mặt của bà Thúy Nga qua gương, thì liền biết bà đang nói láo và giấu diếm chuyện gì đó. Tất nhiên anh cũng chả hỏi thêm làm gì, vì đơn giản người ta đã không muốn cho người khác biết, thì tốt nhất ta cũng đừng nên tò mò.

Anh không phải là loại nhiều chuyện gì, chẳng qua anh chỉ muốn giữ an toàn cho bà Thúy Nga mà thôi. Và điều anh lo lắng cũng ngày càng đến gần. Vào một buổi chiều nắng đẹp, trong lúc anh đang đứng ngoài cửa hàng cà phê để đợi bà Thúy Nga gặp đối tác, thì với đôi mắt “tinh nhạy” của mình, anh nhận thấy nhiều đối tượng nguy hiểm đang đứng cách đó không xa. Lần này bọn chúng không đi xe hơi nữa, mà chuyển hẳn sang xe máy.

Vứt nhanh điếu thuốc đang hút dở xuống đường, anh thản nhiên bước qua phía đối diện. Thấy anh đi thẳng tới, bọn theo dõi bắt đầu rục rịch và một trong số đó đưa tay ra sau lưng thủ thế. Gởi một cái “cười khẩy” vào mặt bọn chúng, anh tiếp tục lướt ngang qua và hướng thẳng tới chiếc xe đẩy bán thuốc gần đó.

“Cho con một gói Prince.” Anh nói với cô bán hàng. Anh không thích “con ngựa” cho lắm. Bastos thì đôi lúc xài tạm cho đỡ buồn miệng. Có lẽ nó đã trở thành thói quen của anh từ lúc trong tù.

Duy Thanh bật lửa và rít một hơi thuốc, sau đó anh đi về lại xe mình và không quên quan sát bọn lạ mặt này thêm một lần nữa. Ba tên xăm mình, một tên còn lại do mang áo khoác nên anh không thấy. Nhìn bốn tên, anh dường như đang thấy “đồng bọn” của mình, “tiền án, tiền sự” chất đống.

Tiếp tục rút kinh nghiệm lần trước, lần này anh không báo cho bà Thúy Nga biết nữa, vì anh sợ khiến bà lo âu thêm. Chạy xe tới trung tâm thương mại, anh giả vờ nhờ bà giúp chọn đồ cho nhóc Duy An và mẹ nó. Đúng như anh dự đoán, bọn chúng chỉ “canh me” chiếc xe anh đang đi, chứ không cần phải bám theo người làm gì.

Khá là tinh ý, đó là những gì anh nhận xét về bọn chúng lúc này. Có điều nhiều trung tâm thương mại có một thiết kế rất chung, đó là vào một cổng và ra một cổng khác. Ngầm đoán bọn chúng có thể đang “me” ở cổng ra, Duy Thanh nghĩ bụng sau khi mua đồ xong, anh sẽ dắt bà Thúy Nga ra cổng khác. Rồi đánh xe dắt bọn chúng đi thật xa khỏi bà.

“Chút nữa cô đón taxi về được không? Con mượn xe chạy về nhà chút?” Anh vừa đẩy xe đựng hàng, vừa hỏi. Thời gian bây giờ bà Thúy Nga sống chủ yếu dưới thành phố, lâu lâu mới về quê một lần, nên anh liền tranh thủ.

Bà Thúy Nga thấy cũng không có vấn đề gì. “Được con.” Nhưng bà nghĩ với tính cách của thằng nhỏ này thì việc lần này hơi kỳ lạ. Sao nó lại bỏ bà đi taxi về được. “Có chuyện gì phải không? Nói cô nghe.”

Anh khẽ cười giả vờ. “Dạ đâu có gì đâu. Chẳng qua con sợ trễ giờ ăn tối với nhà bé Dung nên nôn thôi.”

“Đừng có xạo.” Bà liếc mắt. “Tôi nuôi cậu từ nhỏ đến giờ, bộ không biết tính cậu sao?”

“Con nói thật mà.” Anh mỉm cười.

Bà chậc lưỡi. “Nói cô nghe. Chuyện gì?”

Anh thở dài. “Bọn chúng theo đuôi chúng ta từ chỗ quán cà phê.”

Bà Thúy Nga hơi bàng hoàng. “Vậy con bảo cô bắt taxi về, còn con thì sao?”

“Con đánh lạc hướng bọn chúng.” Anh khẽ cười.

“Không được.” Bà cảm thấy quá nguy hiểm. Bà nghĩ mình nên nhờ cảnh sát can thiệp.

Duy Thanh chợt sáng ý. “Thế thì vậy đi. Con với cô sẽ đi taxi về được chưa. Còn xe thì từ từ tới lấy cũng được.”

Bà Thúy Nga sau đó đi theo Duy Thanh ra hướng cửa chính, rồi bắt taxi đi về khu biệt thự của mình đang sinh sống. Thấy tình cảnh càng ngày nguy hiểm, bà liền điện thoại nhờ “người quen” xử lý giúp. Nếu không phải vì Duy Thanh ngăn cản, thì bà đã gọi từ lâu rồi kia.

“Cảm ơn anh nha.” Bà cúp máy. Thấy Duy Thanh đang ngồi uống nước ở phòng khách, bà liền đi tới. “Cô có chuyện muốn nói với con.” Bà nghĩ nên nói cho cu cậu biết mọi chuyện để dễ xử lý trong nay mai.

“Chuyện gì cô?”  Duy Thanh liền tắt tivi và tập trung lắng nghe.

Bà nói. “Cô sắp qua Úc thăm thằng Hùng.”

Bà nhìn Duy Thanh và bắt đầu chậm rãi kể sơ qua mọi chuyện. Hiện tại bà đang lấn sân qua mảng bất động sản và kinh doanh quán bar. Do vậy bà tìm đến quán bar Y ở đường B, một quán bar lớn, nổi tiếng và có vị trí đắc địa ở thành phố. Chẳng hiểu vì lý do gì, bọn xã hội đen lại biết được vụ mua bán của bà, nên bí mật sai người theo dõi.

Chiều nay ở quán cà phê lúc nãy, đối tác mà bà gặp chính là chủ của quán bar Y, và bà đã hoàn tất nốt thủ tục sang nhượng và chính thức thành chủ mới của nó. Việc bọn “đầu gấu” này theo dõi bà, mục đích chỉ để gia tăng áp lực cho việc đòi thu phí “bảo kê”. Bà đưa luôn tin nhắn “xin đểu” của bọn nó cho Duy Thanh xem.

Tất nhiên việc này khiến Duy Thanh dấy lên những suy nghĩ không hay về chủ quán bar Y cũ, vì những lần gặp ông ta, bà Thúy Nga đều bị bám đuôi. Hơn hết là việc bọn chúng biết được bà Thúy Nga chính là người mua và người cung cấp số điện thoại của bà, khả năng chính là ông chủ cũ này. Suy luận tất nhiên có thể sai, nhưng đó là những nhận định ban đầu của anh sau khi đọc xong tin nhắn.

“Thế còn vũ trường X thì sao cô?” Anh tò mò.

Bà ngập ngừng. “Thực chất trước đó cô có chung vốn bên vũ trường X. Sau đó cô mới rút ra để làm riêng.”

Duy Thanh nghĩ vừa rồi anh đã nhận định sai. Bọn kia biết được số điện thoại của bà Thúy Nga, là vì bọn chúng đã và đang bảo kê cho vũ trường X, nơi trước kia bà Thúy Nga từng là một cổ đông. “Cô nghĩ việc này có thể dính líu đến chủ của bên vũ trường X không?” Anh chợt có một nhận định mới.

“Con nói rất đúng những gì cô đang suy nghĩ.” Bà nói. “Cô đang nghi bà ta, vì tức chuyện cô tách ra làm ăn riêng, nên giờ sai người đi phá.” Thật ra bà tách riêng, cũng chỉ vì phát hiện bà chủ này chấp chứa các tệ nạn xã hội trong vũ trường, mà bà thì lại không thích điều đó. “Giờ cô sợ trong lúc cô đi Úc, con ở nhà sẽ xảy ra chuyện.”

Anh khẽ cười. “Chuyện gì cô, có ai làm gì con đâu.”

Thế là hôm sau bà Thúy Nga lên máy bay đi Úc để đón noel cùng với con mình. Duy Thanh tuy có quyền ở nhà nhưng hằng ngày vẫn đến công ty để giúp đỡ gì đó cho mọi người. Cuối năm nên ai cũng bận bịu để hoàn tất các thủ tục công việc, có điều một số kẻ lại không như vậy, mà nói đúng ra thì bọn chúng cũng đang tất bật làm công việc của mình.

Vài ngày sau khi bà Thúy Nga đi, bọn xã hội đen ở vũ trường X không còn bám đuôi theo dõi nữa, mà bọn chúng kéo người tới thẳng quán bar Y để phá luôn. Té ra giờ Duy Thanh mới biết, tối đó bà Thúy Nga gọi cho ai. Vì không lâu sau khi bà bay đi, vào một đêm trăng thanh, gió mát, cơ quan chức năng và cảnh sát đã bất ngờ ập vào vũ trường X và bắt giữ nhiều đối tượng, cùng những chất cấm khác.

Vũ trường X sau đó bị tước giấy phép kinh doanh và buộc phải đóng cửa ngay lập tức. Hệ quả của nó đã dẫn đến việc quán bar Y bị trả đũa ngay sau đó. Vì chưa khai trương nên may mắn không có khách hàng nào bị hành hung. Thay vào đó thì một số nhân viên, cùng với các vật dụng bị bọn chúng đập phá hư hại rất nhiều.

Lúc nghe tin báo thì Duy Thanh đang ở văn phòng, khi anh chạy đến nơi thì mọi việc đã xong. Giả vờ lấy cớ nhân viên mất dạy, bọn chúng lợi dụng đập phá mọi thứ ở quán bar. Quản lý đã điện thoại đến cảnh sát trình báo và Duy Thanh nghĩ mình nên tìm cách phòng ngừa những trường hợp như vậy vào lần sau.

Nơi duy nhất lúc này anh có thể nhờ vả, đó chính là anh Hai. Thời gian vừa qua, đại ca liên tục điện thoại cho anh, nhưng vì không muốn dính líu đến ân oán giang hồ nên anh luôn tìm cách né tránh. Giờ đến lúc xảy ra chuyện thì anh lại tìm đến, biết rõ là không tốt nhưng hiện giờ anh không còn cách nào khác.

Có lẽ trong cuộc sống cũng vậy, nhiều mối quan hệ sẽ bị hời hợt và lãng quên theo thời gian, mà nhiều khi ta cố tình cũng có. Đến khi xảy ra chuyện, ta lại tìm tới và mong họ giúp đỡ. Đấy chính là cái sai, vì giàu sang phú quý ta chẳng nhớ, khó khăn, vất vả ta lại tìm tới cầu xin.

Duy Thanh cũng vậy, anh biết chắc chắn là mình sai. Bởi vì anh chả đem tới cho đại ca một miếng ngon nào, mà bây giờ lại còn kéo đại ca vào đống phân của mình. Và anh cũng xác định trước, nếu đại ca không giúp anh thì anh vẫn cảm kích và tôn trọng đại ca như trước. Có điều khi nghe anh nói xong, đại ca không những không trách, mà còn bảo sẽ giúp anh. Xem ra với đại ca, anh vẫn chỉ là một đứa con nít “nghĩ chưa tới”.

“Anh Thanh.” Thanh niên tên Nhị đi tới.

Duy Thanh quay lại. “Ủa Nhị.” Đàn em trong tù của anh ngày xưa.

“Anh tới lâu chưa?” Nhị ngồi xuống với vẻ mặt hớn hở.

Duy Thanh khẽ cười. “Anh mới tới. Em ra hồi nào? Bữa nay em ở với anh Hai hả?”

“Em ra cách đây vài tuần rồi. Bữa anh Hai điện anh, mà anh bảo bận đó.” Nhị thấy không có ly nên liền đứng dậy đi lấy.

“Anh để nó đi theo mày nha.” Anh Hai nhìn Duy Thanh. “Chỗ anh chật quá, nó ở cũng không tiện.”

Duy Thanh lại khẽ cười. “Dạ, em cảm ơn anh Hai.”

“Nhị.” Anh Hai gọi lớn.

Nhị cầm ly lật đật chạy ra. “Dạ, anh Hai kêu em.”

“Từ nay mày đi theo thằng Thanh nha.” Anh Hai nói.

“Đi đâu vậy anh?” Vừa nói, Nhị vừa rớt rượu cho cả bàn.

Anh Hai rít một hơi thuốc. “Nó đang bị người ta phá. Mày, thằng Tý với mấy anh em nữa qua giúp nó.”

“Chút nữa em, thằng Tý, với mấy anh em nữa, xách đồ qua nhà anh ở cho tiện.” Duy Thanh nhìn Nhị nói.

Anh Hai lắc đầu. “Không, không. Nhị với Tý đi theo mày thôi.” Anh biết rõ hoàn cảnh hiện giờ của Duy Thanh không thể lo nổi cho nhiều người. “Phòng nhỏ như lỗ chuột, sao chứa cho hết được.” Anh Hai chỉ tay vào thằng Nhị. “Từ nay mày phải gọi thằng Thanh là đại ca đó.”

“Anh.” Duy Thanh không muốn như vậy.

“Nó theo mày, thì gọi mày là đại ca chứ gì nữa.” Anh Hai liếc mắt.

Sau khi nhậu xong, Nhị với Tý gói gém đồ vào ba lô và chạy xe máy đi theo Duy Thanh. Nói ba lô cho to vậy thôi chứ quần áo của hai người chả được bao nhiêu bộ. Về khu chung cư mà bà Thúy Nga cấp cho mình ở, Duy Thanh vừa đi, vừa giới thiệu sơ qua cho hai thằng đệ mới nhận này.

Nhị thì ở chung tù với anh từ lâu, còn Tý thì sau này anh mới biết. Sau khi đại ca ra tù, anh cùng những anh em khác bao bọc và giúp đỡ lẫn nhau. Nhị với Tý được anh cứu mấy lần nên luôn tôn trọng và kính nể anh rất nhiều.

“Hai đứa vào phòng anh ngủ đi.” Duy Thanh nhường giường của mình cho bọn nhóc.

Nhị khẽ cười. “Thôi, có cái giường anh nhường tụi em, còn anh ngủ đâu.”

“Anh cứ ngủ đi.” Tý tiếp lời. “Tụi em ngủ ngoài này được rồi.”

Nhị ngồi bịch xuống ghế sofa. “Tụi em như vậy là tốt rồi.” Ý của Nhị muốn bảo điều kiện ở đây tốt gấp mấy lần nơi gara xe đầy dầu nhớt.

Hôm sau, Duy Thanh dẫn “đệ” của mình tới quán bar A và phân chia nhiệm vụ. Lần này anh tìm tới đại ca, không phải là để trả thù, hay muốn đại ca đi “lùng” những tên đó, mà chỉ là anh đưa người tới canh gác và bảo vệ. Những nhân viên đang dọn dẹp thấy vậy mà yên tâm hơn hẳn, mặc dù nhìn những tên xăm mình này họ hơi thấy sợ.

Nhưng được một vài ngày thì lại xảy ra chuyện. Vì thấy có người “bảo kê” nên bọn chúng không dám manh động tới phá quán nữa. Thay vào đó, bọn chúng lại theo dõi và chặn đường đánh tụi đệ của anh.

Hôm đó Tý với Nhị mua đồ về sớm để nhậu với Duy Thanh, vì không đi với những anh em khác, nên hai người bỗng thoát nạn. Anh Hai biết chuyện và lập tức tập hợp mọi người lại, trừ Duy Thanh. Tất nhiên, không phải anh Hai không coi trọng thằng em này, chỉ là từ lúc bọn chúng chặn đường đánh đàn em của ông, chuyện này không còn là chuyện riêng của Duy Thanh nữa.

Duy Thanh nghe Nhị báo tin mọi người bị đánh, ngay lập tức anh quay đầu xe, chuyển hướng về nhà sang gara của anh Hai. Vì cú đánh tay lái quá nhanh và bất ngờ nên khiến những xe đang đi ngược chiều phải thắng gấp lại. Đâu đó là tiếng chửi mắng của các tài xế và người đi đường vang lên.

Nhị, Tý, và mọi người đang chuẩn bị “đồ chơi” thì bỗng quay lại vì thấy ánh đèn chiếu tới từ phía sau. Anh Hai nhíu mày vì biết cái thằng lái chiếc xe này tới là ai. Dưới ánh trăng lé loi, tuy không nhìn rõ, nhưng anh có thể thấy cu cậu bước ra với một bộ dạng vô cùng dứt khoát và nhanh nhẹn.

“Anh Thanh.” Nhị chợt nhận ra ông anh mình.

Duy Thanh bước tới. “Anh Hai.”

“Chuyện này của anh, em…” Anh Hai không muốn Duy Thanh can thiệp.

Duy Thanh cắt ngang lời của anh Hai. “Anh nghĩ có thể bỏ em ra ngoài chuyện này sao?” Mấy anh em bị đánh là do anh. “Họ là đàn em của anh, nhưng cũng là anh em của thằng em này.”

Thấy ánh mắt sát khí quen thuộc trước kia, anh Hai đành thở dài. “Chuẩn bị đi.” Cái ánh mắt ông muốn cản cũng không được.

Duy Thanh đi tới lấy một cây “baton” màu đen. Anh vút xuống đất để thử, cây “baton” từ một khúc nhỏ liền vụt ra thành ba. Đây là loại baton ba khúc thông dụng thường thấy, gọn nhẹ và dễ cất trong người để phòng thân.

“Xong rồi anh Hai.” Một người nói lớn.

Anh Hai rít một hơi và vứt điếu thuốc xuống đất. “Đi thôi.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui