“Xe tới rồi Hạnh ơi.” Quốc Hùng nói với Mỹ Hạnh. Hai người cuối cùng cũng có mặt tại sân bay thành phố Đ sau nhiều lần di chuyển.
Chàng tài xế bước ra. “Chào anh chị.” Mở cốp xe lên, anh chàng nhanh chóng giúp “cậu chủ” bỏ vali vào trong.
Xe chuyển bánh được một lúc thì bà Thúy Nga mở lời. “Sao?” Bà nắm tay Mỹ Hạnh. “Có ghé đâu không? Hay con muốn về nhà luôn?” Bà nghĩ cô nàng sẽ muốn mua gì đó cho gia đình.
“Dạ con về nhà luôn cô.” Mỹ Hạnh khẽ cười.
Bà nhìn chàng tài xế. “Về nhà luôn nha Nhị.”
Nhị khẽ cười. “Dạ bà chủ.”
Tiếng radio phát ra.
Sợ làm phiền mọi người, Nhị liền tắt đi cái chương trình âm nhạc này. Trước giờ, đại ca Duy Thanh luôn lái xe đưa đón bà chủ, hôm nay mới chuyển giao lại cho anh.
“Con định khi nào thì về làm việc cho cô?” Bà Thúy Nga muốn biết để sắp xếp mọi việc.
Tất nhiên không phải việc làm, vì tập đoàn trước sau gì cũng thuộc về hai chúng nó, chỉ là bà muốn biết để bàn bạc lại với Duy Thanh. Tối qua, giống như mọi khi, sau khi đưa bà về nhà, cu cậu luôn nán lại ngồi chơi hoặc ăn tối.
“Ngày mai hai đứa nó về đó con.” Bà Thúy Nga nhìn Duy Thanh.
“Dạ, thì cứ tiến hành như những gì con với mẹ bàn bạc lúc trước thôi.” Duy Thanh nói. “Nhị sẽ tạm thời sang làm tài xế cho mẹ. Những lúc khác không có họ thì con sẽ làm.”
Sở dĩ anh tránh mặt như vậy là vì không muốn gây khó chịu cho Quốc Hùng và cho cả Mỹ Hạnh. Từ lâu, Quốc Hùng đã có ý không thích, hay nói thẳng là ghét anh. Chỉ cần bà Thúy Nga mở miệng nhắc đến hai chữ “Duy Thanh”, là Quốc Hùng liền tỏ thái độ ngay lập tức. Anh không biết vì lý do gì, có thể vì anh đã gây ra nhiều lỗi lầm, có thể vì anh là người yêu cũ của Mỹ Hạnh, hoặc có khi anh là bức tường ngăn cách khiến cho anh chàng không thể đến được với cô nàng. Rất nhiều lý do khác nữa và nếu anh đặt bản thân của mình vào Quốc Hùng, anh cũng sẽ như vậy, rất căm hận lấy anh.
Cũng vì điều đó, cũng vì biết Mỹ Hạnh trước sau gì cũng về làm cho bà Thúy Nga, hoặc có khi là làm dâu nữa, nên anh mới nhờ bà Thúy Nga loan tin mình nghỉ việc và tách ra làm riêng. Anh không muốn không muốn gây khó chịu, cũng như làm “kỳ đà cản mũi” giữa chuyện Quốc Hùng và Mỹ Hạnh. Bởi vì khi không có anh, mọi thứ sẽ rất dễ dàng.
Trở lại với thực tại, bà Thúy Nga lúc này rất muốn biết để sắp xếp mọi việc. “Con định khi nào thì về làm việc cho cô?”
“Dạ thì…” Mỹ Hạnh ầm ờ vì chưa biết trả lời ra sao. Tất nhiên là cô sẽ về làm cho bà, có điều nhất thời bất ngờ quá nên cô bỗng lúng túng.
“Tụi con mới về nước mà mẹ, để nghỉ ngơi ít bữa rồi tính.” Quốc Hùng chem lời vào nói hộ.
Bà Thúy Nga liếc mắt sang con mình. “Ủa tôi có hỏi anh không?”
Nhị nhìn Mỹ Hạnh và Quốc Hùng qua gương. Anh thật sự thấy họ rất đẹp đôi, nhất là Mỹ Hạnh. Hèn gì đại ca Duy Thanh của anh suốt bao nhiêu năm qua cũng không thể quên được cô nàng.
“Thì con trả lời giúp Hạnh thôi.” Quốc Hùng nói.
“Ai mượn?” Bà tiếp tục khó chịu với con mình.
Mỹ Hạnh khẽ cười. “Dạ con định về nhà chơi mấy bữa rồi mới đi làm.”
“Vậy để cô sắp xếp chỗ ở cho con.” Bà lại liếc mắt sang quý tử, như kiểu muốn nói “đừng có mơ”. Bà biết nên để Mỹ Hạnh ở đâu rồi.
“Mẹ ơi, chú Nhị tới.” Duy An đứng trước hiên hét lên. Cu cậu đang cầm trên tay chiếc xe đồ chơi.
Mỹ Hạnh cảm thấy ngạc nhiên khi thằng cháu mình lại nhận ra người lạ. Rồi cô ngầm đoán có khi anh chàng tài xế này hay chở bà Thúy Nga tới nhà.
“A, dì Hạnh.” Duy An cười toe toét khi thấy dì mình bước sau lưng chú Nhị.
Mỹ Hạnh tưởng cu cậu không nhận ra bà dì này chứ. “Mít Thúi nhớ dì không?” Vừa nói, cô vừa ngồi xuống vỗ mông thằng cháu quậy phá này.
Nhị sau khi xách vali của Mỹ Hạnh vào phòng, thì liền chào Mỹ Dung rồi quay ra xe. Anh còn phải chở bà chủ về nhà nên không thể “cà kê” nói chuyện được.
Về phần của bà Thúy Nga, trong lúc đợi Nhị, bà thấy thằng con mình cứ nhìn ra ngoài. “Mới xa một chút mà đã không chịu được sao?”
Quốc Hùng quay lại. “Mẹ này.” Anh không hiểu vì sao bà cứ đay nghiến anh mãi. “Từ lúc con về nước tới giờ, mẹ không thèm hỏi con một câu, cứ chì chiết con hoài.”
Bà nhếch môi. “Sao anh không hỏi ngược lại bản thân anh. Từ khi đi du học đến giờ, ngoài việc điện về xin xỏ, thì anh có thèm hỏi tôi một câu nào không?”
“Chán mẹ quá.” Anh sực nhớ. “À, mà mẹ định để Hạnh ở đâu vậy?”
Bà liếc mắt. “Ở đâu kệ tôi. Miễn không ở cùng anh là được rồi.” Thấy bản mặt của cu cậu, bà liền nói. “Lúc du học thì không nói. Giờ về nước rồi nó khác. Nam nữ sống chung với nhau, anh không sợ người ta dị nghị sao?”
“Con thấy bình thường, chả có gì phải sợ.” Anh cười khẩy. “Mọi người chỉ được cái định kiến là giỏi.”
“Anh đừng nghĩ mình sống mấy năm bên tây là có thể chê bai, khinh khi này nọ.” Bà không biết việc cho cu cậu đi du học, có khi là một sai lầm không. Thấy Nhị bước ra, bà tạm thời gác chuyện sang một bên.
Trở lại với Mỹ Hạnh, ở nhà, điều khiến cô vui nhất là thằng Mít Thúi, nhưng mỗi lần chơi với nó, cô ắt sẽ nghĩ đến thằng cha. Những cảm xúc của cô, tất nhiên nó không còn đau buồn như trước nữa, nhưng đôi khi vốn bản tính tò mò, cô vẫn muốn biết, một Duy Thanh khi quyết định rời xa cô như vậy, liệu có đang hạnh phúc không.
“Mít có hay gặp ba không?” Mỹ Hạnh ngồi chơi với cậu nhóc trong phòng.
Duy An đang ngồi trong lòng của dì mình. “Dạ có.” Cu cậu vô tư trả lời. “Ba Thanh hay tới chở con với mẹ đi chơi lắm. Ba Thanh còn mua đồ chơi cho con nữa.”
“Vậy hả.” Xem ra cô thấy anh vẫn là một người ba tốt và có trách nhiệm.
Ngày định mệnh hôm đó, anh nói sẽ bù đắp cho Mỹ Dung, xem ra, anh đang thực hiện đúng với những gì mình nói. Có điều, anh cũng hứa sẽ che chở và bảo vệ cho cô, nhưng tại sao anh lại nuốt lời.
“Nó ngủ rồi hả chị?” Một lúc sau Mỹ Dung đi vào.
Mỹ Hạnh lúc này đang nằm bên nhóc Mít Thúi. “Ừm.” Cô khẽ ngồi dậy. “Nó ngủ nhanh lắm.” Y như ba nó vậy, cô nghĩ thầm.
“Nó đòi chị đọc truyện hả?” Cô nhìn thấy cuốn truyện cổ tích bên cạnh chị mình.
Mỹ Hạnh ừm một tiếng. “Em hay đọc truyện ru nó sao?”
Mỹ Dung vô thức trả lời. “Không, có ba nó đọc à.” Cảm thấy mình lỡ miệng nên cô nàng liền cúi mặt xuống vút ve con mình.
“Em không ở chung với anh ấy hả?” Mỹ Hạnh cảm thấy thắc mắc. Nếu như trước kia thì cô không nói, giờ nghe đâu Duy Thanh có sự nghiệp ổn định rồi, sao còn phải sống trong cảnh vợ chồng hai nơi.
Mỹ Dung nhìn chị mình, chẳng lẽ giờ cô phải nói anh ấy chưa quên được chị. Sau nhiều năm, tất nhiên trước sự quan tâm yêu thương của anh, cô cũng phải lòng anh chứ bộ. Có điều cô biết rằng, mãi mãi cô vẫn không thể nào thay đổi được hình bóng chị mình ở trong lòng anh.
“Không chị.” Cô gượng cười.
“Sao vậy?” Mỹ Hạnh gặng hỏi.
Cô định bảo “vì yêu chị” nhưng đành nói láo. “Mẹ không cho. Với lại tính chất công việc của anh ấy di chuyển nhiều, nên ít khi anh ấy ở thành phố lắm.”
Mỹ Hạnh không tin và nghe xong càng thấy thương em mình hơn. Xem ra cả hai chị em đều bị thứ đàn ông phụ bạc lừa phỉnh. Càng ngày cô càng không tin vào đàn ông và hơn hết cô lại thấy tin yêu Quốc Hùng nhiều hơn. Thật may mắn khi bao năm qua cô được anh theo đuổi và quan tâm như vậy.
“Chị với anh Hùng sao rồi? Hai người định khi nào cưới?” Mỹ Dung lái sang chuyện khác.
Mỹ Hạnh bẽn lẽn. “Tụi chị còn trẻ mà.”
Mỹ Dung nhắc lại với sự ngạc nhiên. “Tụi chị còn trẻ?” Cô mừng rỡ. “Vậy có nghĩa là hai người đang yêu nhau?” Đúng là như vậy rồi, vì nếu không, thì chị cô sẽ trả lời “tụi chị chỉ là bạn”.
“Cũng gần như vậy.” Mỹ Hạnh đỏ mặt.
“Gần như vậy là sao?” Cô nhích tới gần chị mình. “Chị nói rõ hơn đi.”
Tối đó, Mỹ Hạnh nằm trên giường với một tâm trạng vui mừng và hào hứng hơn bao giờ hết. Cứ nghĩ về việc mình và Quốc Hùng đang yêu nhau thì cô lại tủm tỉm cười. “Gần như vậy”, vì phổ theo tính hợp pháp, anh vẫn chưa chính thức ngỏ lời với cô, mặc dù cô nghĩ anh chắc cũng thừa biết “tình cảm” của cô dành cho anh như thế nào. Chẳng qua hai người tự ngầm hiểu và không nói ra mà thôi.
Về phần của Quốc Hùng, không như Mỹ Hạnh, những ngày này anh không ở nhà, vì ở nhà chẳng có gì để chờ anh cả. Chủ yếu anh tụ tập với lũ bạn mình để hàn huyên tâm sự và “đập phá” xuyên đêm. Nghe tin anh về nước, nhiều đứa bạn lớp đại học của anh cũng bỏ việc để về gặp mặt. Nhậu xong, cả đám lại kéo nhau đi bar và vô tình lại tới ngay quán bar của nhà anh.
Trong suy nghĩ của Quốc Hùng, mẹ anh chỉ là một nữ doanh nhân ngành may mặc và anh dĩ nhiên không biết, hơn phân nửa những quán bar xa hoa ở thành phố này là của mẹ mình.
Sau vụ vũ trường X, quán bar Y cũng đi vào hoạt động. Bất ngờ trong một thời gian ngắn, lợi tức thu về quá sức tưởng tượng và nằm ngoài dự đoán của bà Thúy Nga. Do vậy, sau khi bàn bạc với Duy Thanh, bà tiếp tục đổ tiền mở thêm nhiều quán bar và phòng trà khác, chủ yếu tập trung tại các vị trí đắc địa và gần khu du lịch.
Thiết kế và nhắm đến đối tượng khách thượng lưu, chính trị gia và khách du lịch VIP, nói không với các loại hình tệ nạn xã hội như “thuốc” hay gái, điều đó khiến những quán bar của bà thu hút được một lượng khách hàng, nhưng không gây ra nhiều xung đột đáng kể đối với những vũ trường hay hộp đêm khác.
“Trâu buộc ghét trâu ăn”, bị phá vẫn là điều có thể. Chính vì vậy, mặc dù đây là những nơi để Duy Thanh phân bổ “nhân sự” nhưng anh chàng vẫn đóng phí và nhờ cậy đến Chín Rắn. Vì anh có nói “không” tức là anh không cung cấp cũng như chứa chấp, nhưng điều đó không có nghĩa là “thuốc” và “gái” không có mặt ở quán bar. Đó chính là lý do cần đến sự có mặt của Chín Rắn để kiểm soát và giải quyết những trường hợp này. Người của anh được nhận chỉ thị, nếu không có lệnh thì không dính dáng tới.
Trở lại với Quốc Hùng, bước vào quán bar với một trạng thái đã ngà say, anh cùng với một thằng bạn chọn ngay chiếc bàn VIP nằm ở giữa. Vừa mới gọi món thì thằng bạn anh lại nhảy đi vệ sinh, thế là anh phải ngồi một mình chờ đợi.
Một cô gái khá xinh đẹp đã chú ý đến anh từ lúc bước vào, thấy anh ngồi một mình, cô nàng liền “xáp” tới. “Chào anh đẹp trai.”
Quốc Hùng lịch sự đáp lại. “Chào bạn.” Anh định “chào chị” vì thấy cô gái hơi già, nhưng sợ không phải phép.
Cô gái hơi sựng người vì nghe thấy câu trả lời của Quốc Hùng. “Cơn gió nào đưa anh tới đây?”
“Thèm rượu nên tới.” Anh trả lời như tát vào mặt người đối diện. “Ủa mình gặp nhau lần nào chưa nhỉ?”
Cô gái ngạc nhiên. “Lâu ngày không gặp, đến mức anh không nhận ra em sao?”
“Không.” Anh lắc đầu. “Mình biết nhau sao?” Anh thấy sự “gạ tình” này hơi quen quen.
Cô gái nhếch môi bước đi. “Anh hay lắm.”
Con gái thời nay đó sao, Quốc Hùng bĩu môi rồi lôi điện thoại ra bấm. Lúc sau thì tụi bạn anh cũng tới và quán bar khi về đêm cũng đông hơn. Sẵn có men trong người, tụi bạn Quốc Hùng bắt đầu “lân la” qua các bàn bên cạnh để tán tỉnh các cô gái. Mọi người cũng đáp lại bằng cách cụng ly, trò chuyện và bắt đầu trao đổi số điện thoại.
Điều đó khá bình thường, duy chỉ một người cảm thấy khó chịu, đó là cô gái lúc nãy nói chuyện với Quốc Hùng. Cảm thấy bị khinh bỉ, cô gái liền nói nhỏ với những gã cùng bàn và bọn họ liếc mắt về phía khu vực của Quốc Hùng.
Cố tình kiếm chuyện, bọn họ lợi dụng chuyện va phải nhau để làm lớn vấn đề lên và cuối cùng là dẫn đến xô xát. Hai bên đấm đá nhau túi bụi, cả Quốc Hùng cũng tham gia vì thấy bạn mình bị đánh. Mọi chuyện kết thúc khi người của Chín Rắn bước vào và giải tán đám đông.
Cuộc vui của Quốc Hùng kết thúc sau đó và cuộc vui của người khác dường như mới chỉ bắt đầu.
Lúc này nói về Duy Thanh, anh chàng đang trên đường lái xe về nhà. Cũng như mọi khi, vừa lái xe, anh vừa nghe chương trình âm nhạc yêu thích của mình.
Tiếng radio.
Giọng hát của ca sĩ Thanh Hà vang lên.
Bên ngoài bỗng đổ mưa và Duy Thanh cảm thấy muốn làm một điếu thuốc cho ấm người. Sờ quanh người thấy không có thuốc, anh liền nhanh chóng đá “xi nhanh” tấp vào siêu thị mini ở trước mặt. Chạy lướt ngang qua hai bạn trẻ, anh vào trong siêu thị với nước mưa lấm tấm trên người.
Chạy ra lại ngoài xe, trước khi tiếp tục đạp ga, anh cần phải sưởi ấm lại mình một chút. Rít một hơi thuốc, anh vô tình nhìn qua và thấy hai bạn trẻ lúc nãy. Nhìn hai gương mặt, anh đoán chắc tầm trạc tuổi học sinh cấp ba.
Cơn mưa ào tới bất ngờ, hai người phải chạy đi núp. Đứng sát vào nhau, cả hai nhìn mưa khẽ cười. Khi nhìn kỹ đôi bạn trẻ, anh lại như đang thấy chính mình ngày xưa. Anh với Sún cũng từng như vậy, cũng từng bị mưa đuổi và cũng từng đứng sát vào nhau để tránh mưa.
Âm nhạc vẫn phát ra.
Duy Thanh thở dài rồi nhấn ga vút đi. Nhưng bánh vừa lướt được vài vòng thì anh lại phanh gấp lại. Nhìn sang đôi bạn trẻ một lần nữa, anh sau đó mở cửa và mặc cho cơn mưa trút xuống, anh lại chạy vào lại siêu thị mini.
Cầm hai chiếc áo mưa mới mua, anh đi ra gặp hai bạn trẻ. “Cho hai em này.” Thấy bốn cặp mắt nhìn mình ngạc nhiên, anh liền để lên yên sau chiếc xe đạp.
Vào lại trong xe, khi thấy hai bạn trẻ đang mỉm cười mang áo mưa vào, anh mới cảm thấy mình không bị hố. Vì nhiều khi họ không phải như anh lúc đó, không có tiền mua áo mưa để mặc, mà đôi khi chỉ là cái cớ để được gần nhau lâu hơn.
-