Tôn Cánh Thành mang canh về nhà, quả nhiên Chu Ngư đang nằm trên giường giận dỗi.
Anh nói: “Mẹ nấu canh thịt dê, tối đói thì hâm nóng mà ăn.”
Chu Ngư không đáp lại.
“Anh đi Hợp Phì, thứ năm về.”
“Không cần nói với tôi.” Chu Ngư cũng không nhìn anh, “Anh cứ đi như bình thường.”
…
Tôn Cánh Thành nhận ra vấn đề, “Anh đi đâu cũng đều nói với em, hôm qua ở nhà em, anh đã nói sẽ đi công tác rồi mà.”
Chu Ngư kéo mền lên, không trả lời.
Tôn Cánh Thành tự xét lại mình thêm một lúc, “Có thể thỉnh thoảng anh không nói trước, nhưng chắc chắn không phải cố ý…”
“Anh không cần nói những điều này.”
“Vậy em giận gì?” Tôn Cánh Thành hỏi.
“Tôi không giận.”
…
“Được, em nói gì cũng đúng!” Tôn Cánh Thành không tranh cãi, “Người ta giận thì đi mua sắm, đi xem phim, đi ăn ngon.
Còn em thì làm loạn một hồi rồi ngu ngốc trở về ngủ.”
“Tôi làm loạn ai?” Chu Ngư ngồi dậy nhìn anh.
“Em làm loạn anh!” Tôn Cánh Thành đáp: “Anh đang vui vẻ chuẩn bị đi công tác, giờ thì mất hứng rồi.”
“Vậy thì đừng đi.”
“Anh cứ đi đó.”
“Đi hay không tuỳ anh!” Chu Ngư ngồi dậy, lấy chiếc kẹp lớn kẹp tóc.
Cô nghĩ đến ngày mai phải đi làm, còn có chuyện chưa làm xong.
Tôn Cánh Thành thấy lòng nhẹ nhõm hơn nhiều, anh có chuyện gì đều phải nói ra, giải quyết xong mới yên tâm làm việc khác.
Vì chuyện này mà anh đã đổi vé tàu sang 7 giờ tối.
Giờ đến ga tàu cao tốc còn sớm, ngủ cũng không ngủ được, anh ngồi xuống chơi đàn piano.
Một người chơi Liszt, một người yên lặng làm việc, không ai làm phiền ai.
Sáng hôm sau, đến trường, trưởng nhóm khối gọi Chu Ngư lại, nói cô khoan hãy về văn phòng.
Chu Ngư hỏi: “Có chuyện gì vậy chị?”
Trưởng nhóm khối chỉ lên lầu, “Phụ huynh của Giang Nguyên đang ở trong đó, cùng với hiệu phó.”
Chu Ngư im lặng, vậy thì cô đợi chút rồi lên.
Trưởng nhóm khối dẫn cô đến tòa nhà giảng dạy, “Bệnh viện khuyến nghị Giang Nguyên làm phẫu thuật cắt bỏ mắt.”
“Nghiêm trọng vậy sao?” Chu Ngư sững sờ.
“Đúng vậy, mới mười lăm tuổi.” Trưởng nhóm thở dài, “Còn nhỏ hơn con chị vài tuổi.”
Chu Ngư vẫn chưa hoàn hồn, cô ấy nói tiếp: “Phụ huynh muốn kiện nhà trường vì thiếu giám sát.
Cuối cùng người chịu thiệt vẫn là giáo viên chúng ta.”
Chu Ngư không hiểu câu nói này, trưởng nhóm nhìn cô, “Em vẫn còn trẻ, ít gặp chuyện.
Sắp xếp giáo viên trực ca sáng và tối cũng là cách để phụ huynh biết rằng học sinh được giám sát bởi giáo viên.
Giờ học sinh gặp chuyện, phụ huynh sẽ đổ lỗi đầu tiên cho giáo viên trực.”
“Nhưng lúc đó em đang ở lớp khác…”
“Đừng lo lắng.” Trưởng nhóm an ủi cô, “Nhà trường biết rõ tình hình cụ thể, nhưng cũng phải có lời giải thích với phụ huynh, lúc này chỉ có thể đưa giáo viên trực ra.”
Chu Ngư không nói gì thêm.
“Chuyện này phụ thuộc vào cách phụ huynh và nhà trường thỏa thuận, nếu giải quyết ổn thỏa thì giáo viên trực chỉ bị ghi nhận lỗi.
Nếu không giải quyết được, phụ huynh cứ nhắm vào giáo viên trực thì tình hình sẽ khó nói.”
“Chị cho em biết trước để chuẩn bị tâm lý.
Nếu tối nay hiệu trưởng gọi em, cho em nghỉ vài ngày, em cũng đừng có ý kiến.” Trưởng nhóm dặn dò cô, “Trước khi nhà trường và phụ huynh thỏa thuận đền bù xong, em đừng xuất hiện.”
“Trường cấp hai trực thuộc có học sinh nhảy lầu trong giờ học mỹ thuật, thực ra không liên quan gì đến giáo viên, nhưng phụ huynh kiên quyết yêu cầu sa thải giáo viên đó.
Phụ huynh trong đau khổ và tuyệt vọng vì mất con đều không có lý trí.”
“Dạ, em hiểu.” Chu Ngư gật đầu.
Trưởng nhóm thở dài, “Chúng ta cũng vậy thôi, nuôi con khổ cực, chỉ còn hai năm nữa là thi đại học… Cố gắng hiểu cho họ.”
Chu Ngư không nói gì, hai người chậm rãi lên cầu thang.
Trưởng nhóm an ủi cô, nói rằng trong kỳ thi tuần trước, lớp do cô dạy môn tiếng Anh vẫn đứng nhất nhì toàn khối.
Cô là giáo viên trẻ được nhà trường đào tạo, sẽ không dễ bị kỷ luật.
Đang nói chuyện thì nghe thấy học sinh hét lớn: “Cô Vương, cô Vương ——”
Trưởng nhóm ngẩng đầu nhìn, thấy học sinh đang đứng trên lan can tầng bốn.
Cô ấy hỏi: “Chuyện gì vậy?”
Học sinh lo lắng, muốn nói nhưng không biết bắt đầu từ đâu, thúc giục cô ấy lên nhanh.
Trưởng nhóm chạy lên, không quên dặn Chu Ngư, nói rằng có thể là phụ huynh đang làm loạn, không để cô lên.
Chu Như không yên tâm, vẫn lên theo, đứng ở cửa lớp, thấy phụ huynh hai bên đứng đó, một phụ huynh miệng chửi bới, đá con mình bay xa.
Giáo viên vội ngăn lại, đứa trẻ bị đá nằm không dậy nổi.
“Anh thật là thô lỗ! Đánh con thì có gì hay ho!” Phụ huynh của Giang Nguyên chỉ vào mũi đối phương, “Anh đừng có diễn trước mặt tôi, không ăn thua đâu! Chúng ta cứ dựa theo pháp luật, ai chịu trách nhiệm thì chịu trách nhiệm, ai bồi thường thì bồi thường!”
Bên kia cũng ngang ngược, chỉ vào đứa trẻ nằm đó, nói không có tiền, muốn người thì dẫn đi đi.
Ban lãnh đạo trường lần lượt đến, đưa cả hai bên vào văn phòng.
Chu Ngư lặng lẽ xuống lầu, vào phòng y tế đợi.
Quả nhiên không lâu sau, trưởng nhóm liên lạc với cô, để cô bàn giao tiết dạy cho giáo viên tiếng Anh khác rồi vào phòng hiệu trưởng.
Tôn Cánh Thành xong việc ở Hợp Phì thì đi thẳng đến Hoàng Sơn.
Vì dự định ngắm bình minh, anh đặt phòng khách sạn trong khu du lịch.
Sau khi vào khu, anh không đi cáp treo, mà leo từ chân núi lên đ ỉnh Quang Minh suốt ba bốn tiếng, dọc đường còn làm quen với một ông chú, hai người hẹn sáng mai cùng ngắm bình minh.
Sáng sớm hôm sau chưa đến năm giờ, anh mặc áo khoác quân đội, leo lên đ ỉnh ngắm bình minh.
Cảnh đẹp thì khỏi phải nói, bình minh, biển mây, sương mù, những khối đá kỳ lạ, trông cứ như chốn tiên cảnh.
Tôn Cánh Thành chìm trong cảm xúc cho đến khi ông chú bên cạnh lạnh quá không chịu nổi nữa, hai người mới cùng nhau xuống núi.
Chú ấy rất hài lòng với cảnh đẹp trong máy ảnh, nói có lạnh chết cũng đáng!
Lúc đó Tôn Cánh Thành mới nhớ ra là mình quên chụp ảnh lại, chú ấy nói không sao, khi về nhà sẽ gửi ảnh cho anh.
Ông chú này là người dân ở thôn Hồng, rất hiếu khách, mời Tôn Cánh Thành đến nhà mình ăn cơm.
Anh không từ chối được, đành theo ông ấy xuống núi.
Xuống núi, hai người không nói gì, mỗi người nghĩ về chuyện của mình.
Tôn Cánh Thành nghĩ về chuyện Chu Ngư nói anh tự cao, không có trách nhiệm gia đình, thực ra anh đều để tâm.
Từ nhỏ anh đã tự do, muốn đi đâu thì xách ba lô lên đi đó, hôm nay một nơi, ngày mai một nơi, mẹ anh luôn nói anh như gió thổi mưa bay, đi đâu cũng không nói trước với gia đình, nhỡ có chuyện gì cũng không biết anh ở đâu.
Ông chú này sống một mình, Tôn Cánh Thành không hỏi về gia đình ông ấy, ông ấy cũng không hỏi về gia đình anh.
Hai người ăn cơm, trò chuyện, uống trà, sau đó cùng vào phòng tối rửa ảnh.
Tôn Cánh Thành thích nơi này, ở lại thêm một ngày, hòa mình vào nhóm người vẽ tranh.
Nhưng anh vẽ rất tệ, dù ngoại hình anh không tồi nhưng vẫn bị học sinh xung quanh chê bai.
Tôn Cánh Thành cười lớn, bị chê thì anh tự vẽ.
Trước tiên anh sắm một bộ dụng cụ vẽ, đứng ở một góc tự cho là đẹp, rồi vẽ theo hồ Nguyệt.
Nhìn hồ Nguyệt một chút, quẹt cọ, nhìn hồ Nguyệt một chút, quẹt cọ.
Một lúc sau có người đi qua, bị bức tranh của anh thu hút, hỏi anh đang vẽ gì?
Tôn Cánh Thành bình thản nói, vịt, tôi đang vẽ vịt.
Người kia nhìn hồ Nguyệt, không thấy con vịt nào, chỉ ra rằng chân vịt có màng, còn chân gà mới có bốn ngón rõ ràng như vậy.
Tôn Cánh Thành không để ý, vậy thì coi như anh đang vẽ gà đi.
Người kia là một giáo viên dạy mỹ thuật, vì trách nhiệm nên chỉ ra rằng gà không thể bơi trong nước, không có màng.
Tôn Cánh Thành không sao cả, đưa bút cho ông ấy.
Người thầy dạy vẽ kia vẽ một con vịt sống động như thật.
Vẽ xong thì chỉ dẫn cho anh vài câu rồi đi.
Tôn Cánh Thành tiếp tục vẽ con gà của mình, một con gà đang bơi lội, đôi chân ẩn dưới nước.
Vẽ xong anh đề tên mình, chụp ảnh gửi vào nhóm anh em, trong nhóm phản hồi rằng con vịt của anh vẽ xấu quá, còn không đẹp bằng con gái họ vẽ.
Anh trả lời: “Vậy để hôm nào nhờ con gái ông anh dạy tôi vẽ nhé.”
Bên kia trả lời: “Ai mà anh em với anh, thích thì tự mà sinh đi.”
Tôn Cánh Thành cũng gửi bức vẽ cho Chu Ngư, nhắn: “Ngày mai anh về.”
Chu Ngư trả lời: “Ừ.” Sau đó trả lời tiếp: “Mẹ cũng mới đem một con gà sang.”
Tôn Cánh Thành cũng không trả lời, gửi cho cô một vị trí.
Đợi đến khi hết hứng vẽ, anh tặng hết dụng cụ đi, rồi dọc theo con đường đá xuyên suốt hệ thống kênh rạch, đi dạo những kiến trúc và từ đường hai bên.
Mẹ Tôn không chỉ tặng gà cho Chu Ngư mà còn mang cho cô một người, đó là con trai của chị gái sinh đôi với Tôn Cánh Thành – Kha Vũ.
Kha Vũ cũng học lớp mười ở trường của Chu Ngư, lúc thi cấp ba chỉ thiếu vài điểm, nhưng vì có mối quan hệ với Chu Ngư nên cũng không khó để vào học.
Trường cấp ba, mỗi khối đều có 18 lớp, trong đó có năm lớp trọng điểm, sáu lớp thí nghiệm, bảy lớp song song.
Hay còn gọi là lớp phổ thông.
Lúc đó Chu Ngư xét năng lực mọi mặt của Kha Vũ rồi sắp xếp cho cậu vào lớp thí nghiệm, miễn cưỡng cũng có thể theo kịp.
Chẳng phải sắp thi học kỳ rồi sao? Trước khi thi nhờ Chu Ngư giúp đỡ kèm thêm.
Kèm thì kèm, vừa lúc cô ở nhà rảnh rỗi chẳng có việc gì làm.
Hồi trước Kha Vũ theo ông bà nội sống ở thành phố bên cạnh, vốn dĩ học cấp ba cũng định học ở gần đó, nhưng khi biết Chu Ngư dạy trường cấp ba trọng điểm và nguồn lực giáo dục của tỉnh tốt hơn hẳn nên đã để Kha Vũ đăng ký vào trường mà Chu Ngư đang dạy.
Mẹ của Kha Vũ là Tôn Cánh Phi, là chị em sinh đôi với Tôn Cánh Thành.
Tôn Cánh Phi tính tình nóng nảy, hồi lớp mười hai tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, không đỗ, sau đó bị ba Tôn sắp xếp cho đi học trường vệ sinh.
Học trường vệ sinh được nửa kỳ, chị không hề báo trước một tiếng, cuốn gói một cái về luôn.
Lý do là ở cùng phòng ký túc xá có một cô gái quá đỏng đảnh, chị yêu cầu đổi phòng ký túc xá nhưng bị từ chối.
Sau khi về, chị tự tìm việc, làm nhân viên bán quần áo nữ tại một trung tâm thương mại, mới làm được hai tháng thì nghỉ việc, nói có một khách hàng khen chị ăn nói hay, nên đi bán nhà ở trung tâm bất động sản.
Chị thực sự đã đến trung tâm mua bán bất động sản để nộp đơn xin việc, ngoại hình đẹp, ăn nói hay, tất nhiên là chị được tuyển dụng.
Nhưng công việc thực tế lại khác xa với những gì chị tưởng tượng, hằng ngày chị chỉ đi phát tờ rơi trên phố, phát được gần một tháng, thấy mình bị lừa nên chị định xin nghỉ việc lần nữa thì vô tình nhìn thấy bảng lương, lương của người ở hàng đầu tiên không phải là con số mà chị ở cái tuổi ấy có thể tưởng tượng được, cũng là nhân viên bán nhà mà lương lại chênh lệch một trời một vực.
Sau đó chị mới bình tĩnh lại, đi theo những đồng nghiệp bán hàng giỏi.
Những đồng nghiệp đó coi chị như một cô bé mới lớn, chẳng để chị vào mắt.
Nửa năm sau, chị bắt đầu độc lập bán hàng, khách hàng đầu tiên tiếp đón chính là người nhà của chồng chị bây giờ.
Sau đó nhà thì không bán được, còn chị thì thích con trai của khách hàng.
Yêu đương được nửa năm thì chị có thai, tất nhiên là cũng kết hôn.
Sau khi sinh con được một năm, chị giao con cho ba mẹ chồng, lại quay về trung tâm bán nhà, từ đó làm việc được hơn mười năm.
Hiện tại trong nhà họ Tôn, người có năng lực và sự nghiệp lớn nhất trừ Tôn Cánh Huy ra thì chính là Tôn Cánh Phi.
Hai vợ chồng anh cả đều làm công chức, không nói đến.
Còn Tôn Cánh Thành thì là người có sự nghiệp kém nhất.
Tôn Cánh Phi về nhà chọc tức người khác còn hơn cả Tôn Cánh Thành, có thể chọc mẹ Tôn phát cáu lên được.
Ngoài Tôn Cánh Thành ra, Tôn Cánh Phi cũng là người mà ba Tôn không muốn tiếp xúc nhất, chưa tính đến việc chị chưa kết hôn đã có thai, mà cả việc con rể cũng không hề vừa ý ông.
Đối với việc giáo dục Kha Vũ, Tôn Cánh Phi không hề có yêu cầu gì, về cơ bản là buông thả, mặc kệ con, tùy theo khả năng của con mà học hành, thi đỗ đại học thì đi học, không đỗ thì đi làm.
Con đường nào cũng dẫn đến thành La Mã cả.
Điều này khác với quan niệm của ông nội Kha Vũ, ông ấy nhất quyết muốn cháu mình thi đậu một trường đại học tốt, ra ngoài làm rạng danh cho nhà họ Kha.
Quan hệ giữa Chu Ngư và Tôn Cánh Phi cũng không tính là tốt, cũng không tính là tệ, chỉ là quan hệ bình thường giữa em dâu và chị chồng.
Công việc của Tôn Cánh Phi bận rộn, địa điểm cũng không cố định, lúc ở thành phố cấp huyện, lúc ở thành phố cấp tỉnh, bình thường về nhà tụ họp, trong mười lần thì tham gia được một lần là quá tuyệt rồi.
Cô khá ấn tượng với Kha Vũ, cậu đặc biệt hiểu chuyện, lễ phép, gặp ở trường thì gọi cô là cô Chu, về nhà mới gọi là mợ.
Bên đó Tôn Cánh Thành chuẩn bị trở về, ông chú ấy đích thân đưa anh ra bến xe, trên đường có nói về bản thân mình, nói mình đã sắp sáu mươi, đã kết hôn hai lần, lần thứ hai ly hôn thì không tìm thêm ai nữa, cứ thế hai mươi năm đã trôi qua.
Chú ấy nói rằng hồi trẻ mình cũng đi đây đi đó, thích lắm, cũng chụp ảnh cho tạp chí du lịch.
“Cũng không biết tại sao, hình như cứ thế mà trở thành người cô độc rồi, không biết cách giao tiếp với mọi người lắm.
Kết hôn thì lại không thích nghi được với cuộc sống gia đình, sự tồn tại của một nửa kia ngược lại trở thành một sự quấy rầy.”
“Vậy thì bây giờ chú có hối hận không?” Tôn Cánh Thành hỏi.
“Hối hận là đương nhiên, đặc biệt là những năm gần đây.
Nhất là những lúc đêm không ngủ được, đến những dịp lễ Tết đốt pháo, thậm chí mỗi ngày đều có những lúc như vậy.
Nhưng mà… chú là người cố chấp.
Có lúc người ta mai mối cho một người phụ nữ góa, chú nghĩ đi nghĩ lại rồi thôi! Hồi trẻ chú còn không muốn thay đổi, giờ già rồi thì lại càng cố chấp, thôi thì không tự chuốc khổ vào mình nữa.”
“Cuộc đời này vô thường, ai biết được sẽ ra sao?”
“Nếu thời gian quay ngược lại hai mươi năm, chú sẽ cố gắng thay đổi, làm một người phàm trần, yêu một người cụ thể, tham gia vào cuộc sống của cô ấy.” Chú ấy nói.
“Con cảm thấy cho dù thực sự quay ngược thời gian thì chú cũng sẽ không thay đổi đâu.” Tôn Cánh Thành cười nói.
Chú ấy cười lớn, vỗ vai anh… “Tri âm khó tìm, thực sự muốn giữ con lại thêm mấy ngày.”.