Chiến Tranh Và Hòa Bình

Ngày cuối cùng của thành Moskva đã đến. Hôm ấy là một ngày chủ nhật mùa thu quang đãng và tươi vui. Cũng như trong những ngày chủ nhật bình thường, hôm ấy các nhà thờ cũng đánh chuông. gọi con chiên đến xem lễ. Tưởng chừng như chưa ai có thể hiểu rõ cái gì đang chờ đợi Moskva.

Trong tình xã hội chỉ có hai dấu hiệu cho thấy cái tình trạng của thành Moskva lúc bấy giờ: sự nhốn nháo của đám dân nghèo và giá cả các làng hoa. Thợ thuyền, người ở, nông dân họp thành một đám rất đông, trong đó có xen cả những người viên chức, những học sinh chủng viện và những người quý tộc, sáng sớm hôm ấy kéo nhau lên Trigorư. Sau khi đứng đợi một hồi lâu chẳng thấy Raxtovsin đến, và biết rõ rằng Moskva sẽ bỏ ngỏ, đám đông bèn toả ra khắp thành phố, xông vào các ty rượu và các quán rượu. Giá cả ngày hôm ấy cũng cho thấy rõ tình hình của thành phố. Giá vũ khí, giá xe cột và giá ngựa tăng lên không ngừng, còn giá cả của giấy bạc và của những đồ dùng thành thị thì lại mỗi lúc một giảm, đến nỗi vào khoảng giữa trưa có những anh xà ích đánh xe thuê mua được những hàng đắt tiền như len dạ bằng nửa giá thường, còn một con ngựa cày thì bán đến hàng năm trăm rúp; bàn ghế, gương soi tượng đồng thì người ta lại cho không.

Trong ngôi nhà cũ kỹ và yên tĩnh của gia đình Roxtov chẳng có dấu hiệu gì rõ rệt chứng tỏ những điều kiện sinh hoạt cũ đã bị đảo lộn. Về phần gia nhân thì chỉ có một điều là đêm hôm qua trong số tôi tớ rất đông đúc của nhà này có ba người trốn đi, nhưng đồ đạc thì chẳng mất mát chút gì, còn về giá cả thì ba mươi cỗ xe đưa từ thôn quê lên quả là một giá rất đắt. Không phải chỉ riêng, mà từ cuối hôm ba mươi mốt tháng tám cho đến sáng ngày mồng một tháng chín lại có nhiều người lính cần vụ và gia nhân của các sĩ quan bị thương, và ngay cả những người bị thương nữa ghé lại nhà Roxtov và các nhà bên cạnh cũng đều van xin các gia nhân và nói hộ với chủ cho họ nhờ mấy chiếc xe tải để ra khỏi Moskva. Người quản gia nghe họ van nài như vậy cũng thấy thương hại những người bị thương nhưng cũng cương quyết từ chối, nói rằng việc này thì dù chỉ thưa lại với chủ nhân thôi anh ta cũng không dám. Những người thương binh bị bỏ lại thật đáng thương, nhưng có thể thấy rõ là nếu đã nhường một chiếc xe tải thì không có lý gì lại không nhường tất cả, rồi đến xe nhà cũng phải nhường nốt. Người quản gia suy tính hộ cho chủ như vậy.

Sáng ngày mồng một, bá tước Ilya Andreyevich thức dậy, rón rén bước ra ngoài phòng ngủ để khỏi kinh động giấc ngủ của bá tước phu nhân mới chợp mắt lúc tờ mờ sáng. Mình mặc chiếc áo ngủ dài bằng lụa màu hoa cà, bá tước đi ra thềm. Những chiếc xe tải đã chằng dây đang đứng im trong sân. Viên quản gia đang đứng cạnh bậc thềm nói chuyện với một người lính cần vụ già và người một sĩ quan trẻ tuổi xanh xao tay treo băng. Trông thấy bá tước, người quản gia làm một cử chỉ nghiêm nghị ra hiệu cho họ lảng ra xa.

- Thế nào đấy, xong cả chưa Vaxilits? - Bá tước hỏi, tay xoa xoa cái đầu hói và đưa đôi mắt hiền hậu nhìn viên sĩ quan và người lính cần vụ, khẽ gật đầu chào họ (bá tước vốn thích những người mới gặp).

- Thưa bá tước, bây giờ cho thắng ngựa ngay cũng được ạ.

- Thế thì tốt lắm, chốc nữa bá tước phu nhân ngủ dậy là đi ngay! Thế còn ông thì sao? - bá tước quay sang nói với viên sĩ quan. - Đêm qua ông nghỉ lại nhà tôi đấy chứ?

Viên sĩ quan lại gần. Gương mặt xanh xao của anh ta chợt đỏ ửng lên.

- Thưa bá tước, xin bá tước gia ân, cho phép tôi… tôi van ngài… cho tôi ngồi nhờ trên một chiếc xe tải nào của bá tước, chỗ nào cũng được. Đây tôi chẳng có hành lý gì cả… Ngồi trên xe tải… thế nào cũng được…

Viên sĩ quan chưa nói hết câu thì người lính cần vụ đã đỡ lời van xin bá tước cho chủ.

- À! Được được được - Bá tước hối hả nói. - Tôi rất vui lòng, rất vui lòng. Vaxilits, anh bảo bỏ bớt đồ trên xe xuống, anh xem… phải cho chu tất nhé… - bá tước nói lúng búng, chẳng rõ ông ta muốn bảo làm gì nữa.

Nhưng ngay trong giây lát đó vẻ biết ơn nhiệt thành của viên sĩ quan đã củng cố những điều sai bảo của bá tước. Bá tước đưa mắt nhìn quanh: trong sân, ngoài cổng, ở các khung cửa sổ bên dãy nhà dọc đều thấy có những người bị thương và những người cần vụ.

Mọi người đều nhìn về phía bá tước và mon men lại gần bậc thềm.

- Thưa bá tước, xin bá tước ghé vào phòng khách. - Viên quản gia nói. - Bẩm bây giờ bức tranh thì thế nào ạ?

Bá tước theo anh ta vào nhà, sau khi nhắc lại là không được từ khước những người bị thương xin ngồi nhờ xe tải.

- Thôi thì bỏ bớt ít đồ xuống cũng được, - ông nói thêm, giọng thì thầm có vẻ bí mật, như thể ông sợ có ai nghe thấy.

Đến chín giờ bá tước phu nhân thức dậy. Matriona, người hầu phòng cũ của phu nhân, vốn làm một chức vụ tương tự như chức trưởng phòng hiến binh của phu nhân, đến báo cáo với phu nhân rằng Maria Karlovra đang bất bình lắm, và áo dài mùa hạ của các tiểu thư không thể bỏ lại được. Bá tước phu nhân hỏi tại sao bà Schoss lại bất bình như vậy, thì hoá ra các rương hòm của bà ta đã bị bỏ xuống và tất cả xe tải đều bị tháo dây ra cả (bá tước quá thật thà đã cho bỏ đồ đạc xuống để chở thương binh). Bá tước phu nhân liền cho gọi chồng lại.

- Thế nào đấy mình, nghe nói lại bỏ đồ đạc xuống à?

- Mình ạ! Số là thế này… bá tước phu nhân thân mến của tôi ạ… vừa rồi có một sĩ quan đến xin tôi nhường cho vài xe để chở thương binh. Vì rằng đồ đạc thì còn sắm lại được, chứ họ mà phải ở lại đây là mình thử nghĩ mà xem!… Quả tình trong sân nhà ta… chính chúng ta cũng đã gọi họ vào, ở đây có cả những sĩ quan. Mình ạ, tôi thiết tưởng, quả tình thì, mình ạ. Thế này nhé… Thôi để cho họ cùng đi… Việc gì mà vội?

Bá tước nói một cách rụt rè như thường lệ mỗi khi nói đến chuyện tiền nong. Bá tước phu nhân thì đã quen với cái giọng này, một giọng nói xưa nay vẫn báo trước một việc gì có tổn thương đến tài sản của con cái, như việc bày phòng tranh, làm nhà ủ cây, tổ chức diễn kịch hay hoà nhạc trong nhà, và phu nhân đã quen cho là mình có nhiệm vụ nhất luận phản đối những việc mà bá tước nói ra với cái giọng rụt rè đó.

Phu nhân làm ra vẻ nhẫn nhục, ngậm ngùi và nói với chồng:

- Bá tước ạ, mình đã làm hỏng mất vtệc bán ngôi nhà, thế mà bây giờ mình còn muốn huỷ hoại cả sản nghiệp của các con ư? chính mình nói rằng của cải trong nhà có đến mười vạn. Mình ạ, tôi không chịu đâu, tôi không chịu đâu? Tuỳ mình đấy! Cần phải làm gì chứ. Mình thử nhìn mà xem: nhà Lopukhin đã dọn đi hết từ ba ngày nay. Mình không thương tôi thì cũng phải thương lấy các con chứ.

Bá tước khoát tay một cái và chẳng nói chẳng rằng bỏ ra ngoài.

- Ba ơi! Việc gì phải thế hở ba? - Natasa nói, và theo bá tước vào phòng mẹ.

Chẳng có gì cả! Việc gì đến mày? - Bá tước giận dữ nói.

- Không, con nghe thấy rồi. Tại sao mẹ không chịu hả ba?

- Thì việc gì đến mày nào? - bá tước quát lên.

Natasa bỏ ra đứng cạnh cửa sổ và ngẫm nghĩ một lúc.

- Ba ạ, Berg đến kia kìa, - nàng nói, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui