Chiến Tranh Và Hòa Bình

Sau trận giao chiến với nhau ở Vyazma, trong đó Kutuzov không đủ sức kìm hãm quân đội đang muốn đánh bật, cắt đứt quân địch vân vân, trong cuộc di chuyển của quân Pháp đang chạy trốn và của quân Nga đang đuổi theo, cho đến Kraxnoye không có một trận đánh nào xảy ra nữa. Quân Pháp chạy nhanh đến nỗi quân Nga đang rượt theo, không sao đuổi kịp được họ, đến nỗi ngựa của kỵ binh và pháo binh đành dừng lại, và những tin tức về sự di chuyển của quân Pháp bao giờ cũng sai lạc.

Binh sĩ của quân đội Nga bị những cuộc hành quân liên tiếp mỗi ngày bốn mươi dặm này làm cho kiệt sức đến nỗi không sao tiến nhanh hơn nữa.

Muốn hiểu quân đội Nga mệt mỏi đến mức độ nào, chỉ cần hiểu rõ ý nghĩa của sự kiện sau đây: trong suốt thời gian di chuyển từ Tarutino, mặc dầu số thương vong không quá năm nghìn người và số quân bị địch bắt sống không quá một trăm, quân đội Nga xuất phát từ Tarutino có mười vạn người nhưng khi đến Kraxnoye thì chỉ còn lại năm vạn.

Cuộc di chuyển nhanh chóng của quân Nga đuổi theo quân Pháp cũng có tác dụng làm cho quân đội Nga tan rã không kém gì cuộc tháo chạy đối với quân đội Pháp. Chỉ khác ở chỗ quân đội Nga di chuyển theo ý mình, không có nguy cơ bị tiêu diệt như quân đội Pháp và ở chỗ những bệnh binh Pháp thụt lại sau thì rơi vào tay địch, còn binh sĩ Nga tụt lại phía sau thì vẫn ở trên đất mình.


Nguyên nhân chính khiến quân số Napoléon giảm sút là tốc độ di chuyển nhanh, và một bằng chứng chắc chắn là quân đội Nga cũng giảm sút theo một tỷ lệ tương xứng.

Toàn bộ hoạt động của Kutuzov, cũng như ở Tarutino và ở Vyazma, đều chỉ nhằm làm sao - trong chừng mực ông có thể làm được đừng ngăn chặn cái cuộc di chuyển tai hại cho quân Pháp (như các tướng Nga ở Petersburg và ở trong quân đội vẫn muốn làm) mà lại tạo điều kiện thuận lợi cho nó và làm cho quân mình đỡ khổ trong lúc hành quân.

Nhưng ngoài việc quân đội tỏ ra mệt mỏi và phải chịu đựng những tổn thất nặng nề do tốc độ di chuyển nhanh chóng gây nên, còn có một nguyên do khác khiến cho Kutruzov ghìm bớt tốc độ di chuyển của quân đội và chủ trương chờ đợi. Mục đích của quân Nga là đuổi theo quân Pháp. Không thể biết quân Pháp sẽ đi lối nào, cho nên quân ta càng theo sát gót quân Pháp bao nhiêu thì càng phải đi nhiều đường bấy nhiêu. Chỉ có cách đi những đường ngoắt ngoéo mà chúng vạch ra. Tất cả những cách hành quân khôn khéo do các tướng đề ra đều thể hiện trong những cuộc chuyển quân, trong việc kéo dài các chặng đường, trong khi mục đích duy nhất hợp lý là làm sao rút ngắn những chặng đường ấy lại. Và trong suốt thời gian chiến dịch, từ Moskva cho đến Vilna, hoạt động của Kutuzov đều hướng tới mục đích ấy - không phải một cách ngẫu nhiên, nhất thời, mà là một cách nhất quán liên tục đến nỗi không có lần nào ông thay đổi hướng hoạt động ấy.

Nhưng về phần các tướng, nhất là những viên tướng không phải là người Nga, vẫn ước ao tìm cơ hội lập công, muốn làm sao người ta kinh ngạc, muốn bắt một ông quận công hay quốc vương nào đấy chẳng biết để làm gì, - về phần những viên tướng ấy thì trong một hoàn cảnh mà mở bất cứ trận nào đều là ngu xuẩn và vô lý, họ lại thấy rằng bây giờ chính là lúc tiến công và chiến thắng một kẻ nào đấy. Kutuzov chỉ nhún vai khi họ lần lượt tiếp lời nhau đề ra những kế hoạch hành quân với những người lính chẳng có giầy, ủng gì cho tươm tất, chẳng có áo ấm, ăn chẳng đủ no, chỉ trong một tháng đã sút mất một nửa quân số tuy không đánh trận nào, bắt những người lính ấy phải đi cho đến tận biên giới qua một khoảng cách còn lớn hơn quãng đường đã đi qua, dù cuộc tháo, chạy của quân Pháp có tiếp diễn trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất đi nữa.

Cái khát vọng muốn lập công trạng, muốn phô diễn cách hành quân, muốn đánh bật và cắt đứt như vậy, đặc biệt lộ rõ những khi quân Nga chạm trán với quân Pháp.

Ở Kraxnoye đã xảy ra một trường hợp như vậy. Lần ấy họ tưởng tìm được một trong ba đạo quân Pháp, nhưng kỳ thực đã vấp đúng vào Napoléon với mười sáu ngàn quân. Mặc dầu Kutuzov đã làm cho quân đội hết cách để tránh cuộc xung đột tai hại này và để dưỡng sức cho quân đội, ba ngày liền ở Kraxnoye những binh sĩ Nga mệt mỏi đã phải làm cái việc tiêu diệt những toán Pháp hỗn loạn.

- Tôi viết một bản kế hoạch tác chiến: Đạo quân thứ nhất tiến vân vân. Và cũng như ngày xưa, mọi việc đều diễn ra khác hẳn bản kế hoạch. Thân vương Yevgheni cử Vurtemberg đóng trên núi bắn vào những tên lính Pháp đang chạy ngang và yêu cầu viện binh nhưng không thấy đến. Quân Pháp đêm đến chạy vòng qua quân Nga phân tán ra, nấp vào rừng và mạnh ai nấy kiếm cách chạy cho xa.


Miloradovich, con người vẫn thường nói rằng mình không thèm biết đến những công việc hậu cần của quân đội, con người không sao tìm ra được khi cần đến ông ta, - trang hiệp sĩ không biết sợ hãi (1) và không thể nào chê trách như ông ta vẫn tự xưng -, con người rất thích chuyện trò với người Pháp, Miloradovich gởi trương sứ sang chiêu hàng, làm mất thì giờ và làm những việc mà người ta không hề khiến. Ông ta cưỡi ngựa đến trước hàng quân, chỉ một toán quân Pháp cho kỵ binh xem và nói:

- Anh em ơi, tôi tặng anh em đạo quân này.

Và đoàn kỵ binh, cưỡi những con ngựa đi không vững, cố hết sức dùng cựa giầy và gươm thúc ngựa chạy nước kiệu về phía đạo quân mà người ta tặng họ nghĩa là một đám người Pháp rét cóng và ốm đói, thế là đạo quân tặng phẩm kia vứt vũ khí xuống và đầu hàng, điều mà chính họ đã mong ước từ lâu. Ở Kraxnoye họ bắt được hai vạn sáu nghìn tù binh, hàng trăm khẩu pháo, một chiếc gậy gì đấy mà họ gọi là quyền trượng của thống soái và tranh cãi xem ai là người trội hơn cả, và lấy làm hài lòng về điều đó, nhưng họ rất tiếc là đã không bắt được Napoléon, hay một vị hùng nào đó một nguyên soái nào cũng được, và lên tiếng trách móc lẫn nhau, nhất định là trách móc Kutuzov.

Những con người ấy, say sưa với những dục vọng của họ chỉ là những kẻ thừa hành mù quáng của cái quy luật đáng buồn nhất là quy luật của sự tất yếu; nhưng họ cứ cho mình là những bậc anh hùng và tưởng tượng rằng việc họ làm là việc vẻ vang và cao quý nhất. Họ buộc tội Kutuzov và nói rằng ngay từ đầu chiến dịch ông ta chỉ nghĩ cách thoả mãn những dục vọng của mình và không chịu ra khỏi làng Polotuanyezavody vì ở đấy ông được ăn ở thoái mái, rằng ở Kraxnoye ông đã ngăn chặn cuộc hành quân, vì khi biết tin có Napoléon ở đấy, ông ta hoàn toàn có thông đồng với Napoléon, ông ta đã bị Napoléon mua chuộc(2) v.v…

Không phải chỉ có những người đường thời, bị những dục vọng làm mù quáng đi, mới nói như vậy; ngay cả hậu thế, ngay cả sử học cũng công nhận Napoléon là vĩ đại(3), còn Kutuzov thì người ngoại quốc gọi là lão triều thần giảo quyệt, trác táng và nhu nhược; người Nga gọi ông là một con người chẳng có gì minh bạch, một thứ bù nhìn chỉ có ích vì mang một cái tên Nga.


Chú thích:

(1)Biệt hiệu của Bayard, danh tướng Pháp (1473-1524)

(2) Bút ký của Wilson

(2) Grand


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận