Chiến Tranh Và Hòa Bình

Đối tượng của sử học là đời sống của các dân tộc và của nhân loại. Trực tiếp nắm vững và bao quát bằng ngôn ngữ, tức miêu tả cuộc sống không những của nhân loại mà của một dân tộc duy nhất cũng thế là điều không thể làm được.

Các sử gia trước kia thường sử dụng một biện pháp đơn giản để miêu tả và cắt nghĩa cái hiện tượng dường như không thể nắm được là đời sống của nhân dân. Họ miêu tả hoạt động của những con người cá biết lãnh đạo dân tộc, và họ cho rằng hoạt động này biểu hiện hoạt động của toàn dân.

Khi gặp những câu hỏi: làm thế nào những con người cá biết kia lại có thể bắt các dân tộc hành động theo ý muốn của mình, và ý muốn đó chịu sự chi phối của cái gì, các sử gia trả lời câu hỏi thứ nhất bằng cách nói rằng thần linh muốn dân tộc phục tùng ý muốn của một người, và trả lời câu hỏi thứ hai bằng cách thừa nhận rằng cũng chính vị thần linh ấy lãnh đạo ý muốn của con người được lựa chọn, đưa nó đến mục đích đã định trước.

Như vậy những vấn đề này được giải quyết bằng lòng tin ở sự can thiệp trực tiếp của thần linh vào những công việc của nhân loại.

Khoa học lịch sử hiện đại, về mặt lý luận đã bác bỏ cả hai lập luận trên. Có thể tưởng chừng như sau khi bác bỏ tín điều của người cổ đại cho rằng con người phụ thuộc vào thần linh và có một mục đích đã định trước, mục đích mà các dân tộc đều bị dẫn đến, khoa học hiện đại lẽ ra không cần phải nghiên cứu những biểu hiện của quyền lực, mà phải nghiên cứu những nguyên nhân gì đã sinh ra nó.

Nhưng nó không làm như vậy. Sau khi bác bỏ quan điểm của các sử gia cổ đại về mặt lý luận, nó lại theo những quan điểm ấy trong thực tiễn, rhay cho nhtrng con người được thần linh ban quyền lực và bị ý muốn của thần linh trực tiếp lãnh đạo, sử học hiện đại đưa ra ẩhững vị anh hùng có những năng lực phi thường, siêu nhân, hoặc chỉ là những người có phẩm chất hết sức khác nhau, từ các bậc đế vương đến những người ký giả, có vài trò lãnh đạo quần chúng. Thay cho những mục đích do thần linh định trước cho một vài dân tộc như người Do Thái, người Hi Lạp, người La Mã để lãnh đạo nhân loại, sử học hiện đại đã đưa ra những mục đích khác: quyền lợi của người Pháp, của người Đức, của người Anh và cứ thế nó đi đến sự trừu tượng hoá cao nhất là quyền lợi của nền văn minh toàn thể nhân loại, ý muốn nói đến những dân tộc sống ở cái góc nhỏ bé phía Tây của đại lục.

Khoa học lịch sử hiện đại đã gạt bỏ những tín điều ngày xưa nhưng không thay thế những tín điều đó bằng những quan điểm mới của mình, và cái lo-gich của luận điểm đã bắt buộc các sở gia sau khi bác bỏ thuyết thần quyền của vua chúa và thuyết sở mệnh của người cổ đại, lại quay lại hai thuyết đó bằng một con đường khác.

Họ đi đến chỗ thừa nhận rằng:

1. Các dân tộc bị những cá nhân lãnh đạo.

2. Có một mục đích nhất định chi phối sự vận động của các dân tộc cũng như của nhân loại.

Trong tất cả những tác phẩm của các sử gia gần chúng ta nhất, từ Giphơ(1) đến Buckle, mặc dầu bề ngoài có vẻ bất đồng ý kiến với nhau, và quan điểm có vẻ mới, nhưng về căn bản vẫn xây dựng trên hai luận điểm cũ kỹ và tất yếu này.

Thứ nhất, nhà sở học miêu tả hoạt động của một vài nhân vật cá biết mà họ coi là những người lãnh đạo nhân loại. Có người cho rằng chỉ có các vua chúa tướng lĩnh, các bộ trưởng mới là những người như thế. Có người thì ngoài vua chúa lại kể thêm các nhà hùng biện, các nhà bác học, các nhà cải cách, các nhà triết học và các nhà thơ.

Thứ hai, nhà sử học tưởng biết được những mục đích mà nhân loại nhằm tiến tới: đối với người này thì đó là sự vĩ đại của nhà nước La Mã, Tây Ban Nha, Pháp, đối với người kia thì đó là tự do, bình đẳng và một kiểu văn minh nào đó trên một góc nhỏ của thế giới gọi là châu Âu.

Năm 1789, ở Paris xảy ra một cuộc biến động, cuộc biến động này lớn lên, lan rộng và được biểu hiện ra thành cuộc di chuyển của các dân tộc từ Tây sang Đông. Đã mấy lần, cuộc di chuyển này tiến về hướng đông, vấp phải một cuộc di chuyển khác ngược lại từ Đông sang Tây, và đến 1812, nó đã đến giới hạn cuối cùng của nó là Moskva. Thế rồi với một sự cân đối kỳ lạ, lại xuất hiện một cuộc di chuyển ngược chiều từ Đông sang Tây, cuộc di chuyển này cũng như cuộc di chuyển thứ nhất, đã lôi cuốn các dân tộc Trung Âu theo nó. Cuộc di chuyển ngược chiều này đã đến tận điểm xuất phát của cuộc di chuyển trước, tức là Paris, rồi dừng lại.

Trong thời gian hai mươi năm ấy, vô số ruộng đất không được cày cấy vô số nhà cửa bị đốt phá, nếu thương mại chuyển phương hướng, hàng triệu người nghèo đi, giàu lên, và hàng triệu người Cơ đốc là những người vẫn tuyên truyền tình yêu đối với đồng loại đã chém giết lẫn nhau.

Tất cả những sự việc đó có ý nghĩa gì? Nguyên nhân của nó là ở đâu? Cái gì đã bắt buộc những con người này đốt nhà và tàn sát đồng loại? Cái gì là nguyên nhân của những biến cố này? Sức mạnh nào đã bắt buộc con người hành động như vậy? Đó là những câu hỏi tự nhiên, giản dị, nhưng chính đáng nhất mà con người tự đặt ra cho mình khi đứng trước những di tích và những kỷ niệm của cái thời kỳ di chuyển đã qua này.

Muốn giải quyết các vấn đề này, ta phải nhờ đến khoa học lịch sử là khoa học có mục đích day cho các dân tộc và nhân loại nhận thức được mình.

Giả sử sử học vẫn duy trì những quan diểm cũ thì nó sẽ nói: thần linh, để thưởng hay để phạt nhân dân của mình, đã trao quyền lực cho Napoléon, đã lãnh đạo ý chí của ông ta để đạt đến những mục đích thần thánh của mình. Và câu trả lời sẽ đầy đủ và rõ ràng.

Người ta có thể tin hay không tin vào sự thụ mệnh, thần thánh của Napoléon, nhưng đối với người nào đã tin điều đó thì toàn bộ lịch sử thời đại này không thể nào có một điều gì mâu thuẫn.

Nhưng khoa học lịch sử hiện đại không thể nào trả lời được như vậy. Khoa học không thừa nhận quan điểm của người cổ đại về sự can thiệp trực tiếp của thần linh vào công việc con người, cho nên nó phải đưa ra nhJng câu trả lời khác.

Khoa học lịch sử hiện đại, trong khi trả lời những câu hỏi này, nói: Anh muốn biết cuộc di chuyển này có ý nghĩa gì, vì sao nó lại xảy ra và động lực gì gây ra những biến cố ấy phải không? Anh hãy nghe đây:

Louis XIV là một người rất kiêu ngạo và tự thị: ông ta có những cô nhân tình này nọ và những ông bộ trưởng nọ kia, ông ta cai trị nước Pháp rất kém. Những người thừa kế ông ta là những người nhu nhược, và họ cũng cai trị những nước Pháp rất kém. Họ cũng có những cô tình nhân và những sủng thần như Louis XIV. Ngoài ra, bấy giờ lại có một vài người viết sách. Vào cuối thế kỷ XVIII, ở Paris có hai chục người tập hợp lại, họ bắt đầu lên tiếng, nói rằng: mọi người đều bình đẳng và tự do. Kết quả là trên toàn cõi nước Pháp người ta bắt đầu chém giết lẫn nhau và dìm nhau chết đuối.

Họ giết nhà vua và nhiều người khác nữa. Lúc bấy giờ ở Pháp có một con người thiên tài, Napoléon. Ông ta đánh đâu thắng đấy, nghĩa là ông ta giết được rất nhiều người, bởi vì ông ta là bậc thiên tài. Rồi ông ta đi giết người Phi châu, để làm gì không rõ, ông ta giết họ giỏi quá, ông ta lạ, mưu lược và thông minh quá đến nỗi khi trở về Pháp ông liền ra lệnh cho mọi người phải phục tùng ông ta.

Và thế là mọi người phục tùng ông ta. Khi đã lên ngôi hoàng đế, ông ta lại đi giết người ở Ý, ở Áo và ở Phổ. Ở đây ông ta cũng giết được rất nhiều người. Nhưng ở Nga lại có hoàng đế Alekxandr là người kiên quyết lo phục hồi lại trật tự ở châu Âu, cho nên ông ta bèn đánh nhau với Napoléon. Nhưng năm 1807, đột nhiên ông ta kết bạn với Napoléon, rồi đến 1811 hai người lại bất hoà và lại thi nhau giết cho thật nhiều người. Thế rồi Napoléon mang sáu mươi vạn quân vào nước Nga và chiếm lấy Moskva, nhưng rồi ông ta lại bỏ Moskva mà chạy, và bấy giờ hoàng đế Alekxandr theo những lời khuyên nhủ của Stael và những người khác đã liên kết toàn thể châu Âu vũ trang chống lại kẻ phá hoại sự yên tĩnh của nó. Tất cả các bạn đồng minh của Napoléon đột nhiêu trở thành kẻ thù của ông ta, và khối liên minh vũ trang này tấn công những lực lượng mới tập hợp của Napoléon. Khối liên minh đánh bại Napoléon tiến quân vào Paris, buộc Napoléon phải thoái vị và đưa ông ta đến đảo Enbơ nhưng không tước mất tôn hiệu hoàng đế của ông ta và vẫn tỏ ra hết sức kính trọng ông ta, mặc dầu năm năm trước và một năm sau mọi người đều xem ông ta như một tên cường đạo ngoài vòng pháp luật. Và Louis 18, người mà từ trước đến nay nước Pháp cũng như các nước đồng minh đều chế nhạo, lại lên trị vì. Còn Napoléon thì nhỏ mấy giọt nước mắt trước đội cận vệ lão thành của mình rồi thoái vị và lên đường đi đày. Thế rồi những chính khách và những nhà ngoại giao khôn khéo (nhất là Taleyrăng(2), con người đã nhanh nhẹn ngồi vào một chiếc ghế bành nào đó trước những người khác và nhờ thế mà mở rộng được biên giới của những Pháp), gặp nhau ở Viên để chuyện trò, và do cuộc trò chuyện này, họ làm cho các dân tộc sung sướng hay cực khổ. Đột nhiên các nhà ngoại giao và các bậc vương giả suýt bất hoà, họ đã sẵn sàng ra lệnh cho quân đội họ giết nhau lần nữa, nhưng ngay lúc đó, Napoléon đổ bộ lên đất Pháp với một tiểu đoàn, và người Pháp trước đây vẫn căm ghét ông ta bỗng phục tùng ông ta ngay. Nhưng vua các nước đồng minh bèn nổi giận, và một lần nữa lại cất quân đánh người Pháp. Thế rồi họ đánh bại Napoléon thiên tài và đưa ông ta ra hòn đảo Saint-Helen, ông ta đột nhiên bị coi là một tên cường đạo. Và ở đấy con người bị đày cách xa những người thân thích và những Pháp thân yêu của mình, chết dần trên một mỏm đá và để lại cho hậu thế những hành động vĩ đại của mình. Còn ở châu Âu thì diễn ra một thời kỳ phản động và tất cả các quốc vương lại bắt đầu đàn áp nhân dân mình.

Chớ nên nghĩ rằng trình bày như vậy là nhạo báng, là biếm hoạ sử học. Trái lại, đó là cách diễn đạt mềm mỏng nhất những lời giải đáp đầy mâu thuẫn, và thật ra không hề giải đáp vấn đề, mà toàn bộ nền sử học đã đưa ra, kể từ các tác gia viết hồi lý và viết sách nói về lịch sử của từng nước, cho đến các tác gia viết sách lịch sử thế giới và sách văn hoá sử là loại sử mới của thời kỳ bấy giờ.

Sở dĩ những lời giải đáp này kỳ quặc và khôi hài như vậy là vì sở học hiện đại giống như một người điếc trả lời những câu hỏi mà chẳng ai hỏi mình.

Nếu mục đích của sử học là miêu tả những cuộc vận chuyển của nhân loại và các dân tộc thì câu hỏi đầu tiên đặt ra mà nếu không giải đáp được thì tất cả những vấn đề còn lai sẽ không thể nào hiểù được nổi là như sau: Động lực gì thúc đẩy các dân tộc di chuyển? Để trả lời vấn đề này, lịch sử hiện đại kể lại một cách cẩn thận rằng Napoléon rất lỗi lạc, hoặc Louis XIV rất kiêu ngạo, hoặc lại kể rằng những tác gia nào đó đã viết ra những quyển sách nào đó.

Tất cả những cái đó có thể có, và nhân loại đều sẵn sàng chấp nhận, nhưng nhân loại không hỏi điều đó. Tất cả những cái đó có thể thú vị, nếu chúng ta thừa nhận có một quyền lực thần thánh tự tại bất biến đã lãnh đạo các dân tộc thông qua những Napoléon, những Louis và những tác gia nào đấy, cần phải nêu rõ mối liên hệ giữa những người này với các cuộc vận chuyển của các dân tộc.

Nếu có một sức mạnh khác đã thay thế cái quyền lực thần thánh kia thì cần phải cắt nghĩa cái sức mạnh mới này là cái gì, bởi vì đối tượng của sở học chính là ở đấy.

Sử học dường như giả thiết rằng sức mạnh này là một cái gì dĩ nhiên và ai cũng biết. Nhưng mặc dầu mọi người đều muốn thừa nhận cái sức mạnh mới này là đã biết, ai đã từng đọc nhiều công trình sử học cũng bất giác đâm ra hoài nghi không biết cái sức mạnh mới này mà mỗi sử gia hiểu một cách khác có thật là được mọi người biết rõ hay không.

Chú thích:

(1) Gibpon (1737-1794). Sử gia tư sản Anh, tác giả bộ "Sự suy đồi và sụp đổ của đế chế La Mã"

(2) Ý nói đến những hành động khôn khéo của Teleyrăng ở hội nghị Viên năm 1814,


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui