Ánh hoàng hôn chiếu qua khung cửa sổ gỗ chạm rỗng khắc hoa văn, len lỏi đến tận bên giường, soi chiếu bóng một người đàn ông.
Bản chuyển ngữ bạn đang đọc thuộc về Luvevaland. Nếu bạn đọc ở trang khác chứng tỏ đó là trang không có sự đồng ý của LuvEva land fanpage. Mong bạn hãy đọc ở trang chính chủ để đọc được bản đầy đủ nhất cũng như ủng hộ nhóm dịch có động lực hoàn nhiều bộ hơn nhé.
Người đó vừa gầy vừa cao, quai hàm cân đối, một bên mặt bị ánh sáng che khuất, nét dịu dàng và lạnh nhạt hòa vào nhau.
Quan Thanh Hòa nằm trên giường, cánh tay trắng nõn lộ ra ngoài.
Cô quay đầu lại, thấy bàn tay to lớn của người đàn ông đang nâng tay cô lên, đeo một chiếc vòng nhỏ lành lạnh có in rất nhiều chữ số nho nhỏ vào tay cô.
Quan Thanh Hòa giật tay, nhìn chằm chằm anh với vẻ mê mang.
Người đàn ông giữ lấy tay cô, chụm năm ngón tay của cô lại, rồi lại dùng dây nhỏ cột lấy. Giọng nói trầm lắng của anh vang lên: “Đừng cử động.”
Cô sững sờ. Theo bản năng, cô ngước nhìn mặt anh, nhưng dù thử mọi cách vẫn không tài nào nhìn rõ gương mặt đối phương, chỉ nhớ được ánh sáng vàng vàng mờ ảo.
-
Quan Thanh Hòa mở mắt ra, suýt chút đã không thể phân biệt đâu là mơ đâu là thực, cô thấy bên ngoài mặt trời đã lên cao, di động được đặt trên đầu giường bỗng kêu ru ru, rung lên hai lần.
Bản chuyển ngữ bạn đang đọc thuộc về Luvevaland. Nếu bạn đọc ở trang khác chứng tỏ đó là trang không có sự đồng ý của LuvEva land fanpage. Mong bạn hãy đọc ở trang chính chủ để đọc được bản đầy đủ nhất cũng như ủng hộ nhóm dịch có động lực hoàn nhiều bộ hơn nhé.
Tiểu Tô: [Chị Quan ơi, em đến rồi.]
Tiểu Tô: [Chị dậy chưa?]
Quan Thanh Hòa trả lời: [Chờ chút.]
Cô ngồi dậy từ trên giường, mái tóc đen óng tản ra trên gối rủ xuống, che khuất vòng eo mảnh khảnh.
Trong căn phòng toàn đồ nội thất bằng gỗ tối màu, Quan Thanh Hòa mặc một chiếc váy ngủ thuần trắng trở thành điểm sáng nho nhỏ duy nhất.
Sau mấy ngày oi ả, cuối cùng Ninh Thành cũng chào đón một cơn mưa. Mưa rơi rồi lại tạnh. Thế rồi, đến giữa trưa, mây đen bay đi, để lại chút không khí mát mẻ.
“Tiểu Tô, em vào đi.”
Tiểu Tô đứng trong sân ngắm hồ cá chép một lúc lâu, lại chụp mấy bức ảnh bồn cây khô rồi mới đi vào nhà chính.
Vừa bước vào trong, cô ấy đã thấy Quan Thanh Hòa mặc sườn xám màu xanh cổ vịt ngồi trên ghế, bắp chân mảnh khảnh lộ ra ngoài, vừa lạnh lùng lại vừa cổ điển. Trông cô cứ như người đẹp bước ra từ bức tranh xưa cũ.
Đây không phải lần đầu Tiểu Tô nhìn thấy, nhưng lần nào cô ấy cũng phải sửng sốt trước vẻ đẹp của cô.
Quan Thanh Hòa chọn một chiếc hộp, lấy một chiếc vòng ngọc phỉ thúy ra đeo. Kích cỡ vòng phù hợp đến độ hoàn mỹ, ngọc bích màu xanh tôn lên làn da trắng muốt như tuyết.
Trước đây Tiểu Tô đã thấy chiếc hộp này vô số lần. Nghe nói bên trong chứa những món quà sinh nhật mà cô được tặng vào hàng năm, có lắc tay, vòng tay, vòng cổ…
Quan Thanh Hòa hỏi: “Sao thế?”
Tiểu Tô cảm thấy giọng nói ấy du dương động lòng người, nhẹ nhàng nhỏ nhẹ như giọng người vùng Giang Nam. Nếu cô đi hát, chắc chắn sẽ có không ít thính giả.
Cô ấy hoàn hồn: “Trông cái hộp này hơi quen quen, nhưng em nhớ mãi không ra.”
Quan Thanh Hòa ngẫm nghĩ rồi đáp: “Có thể là vì hiện giờ phần đa các món đồ trang sức đều được đặt trong hộp gỗ.”
Tiểu Tô xua tay: “Kể cả dùng hộp gỗ thì những chiếc hộp mà các thợ thủ công nữ bọn em hay dùng cũng kém hơn hẳn chiếc hộp này. Đây là gỗ tử đàn đó.”
Đó là còn chưa kể đến đồ nội thất được đóng từ gỗ lim và gỗ sưa trong khắp căn phòng này. Lần đầu tiên đến đây, cô ấy suýt thì tưởng mình bước vào phố cổ.
Trên đường xuất phát đến quán trà, Tiểu Tô chợt nhớ ra.
“À mà chị Thanh Hòa này, kích cỡ cái vòng nào của chị cũng vừa như in, y như vòng được đặt làm riêng vậy. Mấy cái vòng ngọc em mua lúc đi du lịch ngày trước toàn không to quá thì lại nhỏ quá."
-
Trong một con hẻm cũ, ngoài cửa một quán trà, dân bản địa và du khách từ nơi khác đến du lịch chen chúc nhau, đứng kín cả đá lát đường, không ai chịu nhường ai.
“Tháng này Thu Vân Phường mới khai trương, chương trình ưu đãi chỉ còn 66 tệ khi mua vé nhóm hai người! Ngoài ra còn được nghe học trò duy nhất của nghệ nhân Chương Minh Nguyệt chơi đàn tỳ bà.”
Tại Ninh Thành, các quán bình đàn (*) mọc lên như nấm. Xét về số lượng thì con đường này có nhiều quán bình đàn nhất.
(*) Bình đàn: một hình thức nghệ thuật dân gian, vừa kể chuyện, vừa hát, vừa đàn, lưu hành ở vùng Giang Tô, Chiết Giang.
Hầu hết các quán bình đàn đều được mở trong các quán trà các ngã tư đường trong ngõ nhỏ. Khách đến vừa uống trà, nghe đàn ca, vừa ngắm tường trắng ngói đen và đình đài lầu các.
“Bình đàn là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc chúng ta. Ông bà có câu: một bài bình đàn chất chứa hàng ngàn tâm tư tình cảm. Ở Ninh Thành, chỉ cần cất tiếng là mọi thứ đều nằm trong câu hát rồi.”
Sinh viên làm thêm ngoài giờ đang ra sức thét to: “Nếu đã đến Ninh Thành du lịch, mọi người không chụp ảnh check-in đăng lên trang cá nhân, đi về cũng thấy tiếc nuối đúng không?”
So với cảnh tượng tưng bừng và ồn ào bên này, trước cửa quán trà Như Mộng Lệnh ở bên canh lại chẳng có lấy một bóng người, vắng như chùa bà đanh.
Xe của Thẩm Kinh Niên từ phía xa đi qua.
Thấy anh nhìn về phía bên kia, thư ký nói: “Kể từ sau khi cô Chương Minh Nguyệt nghỉ vì mắc bệnh, quán trà bị cửa hàng bên cạnh cướp khách, vậy nên chỉ đành đóng cửa. Nghe nói gần đây quán đó mới mời nghệ nhân về, tài nghệ cao siêu, có lẽ sắp mở cửa lại rồi.”
Những người trẻ tuổi cùng đoàn du lịch chán chường nghe những lời quảng cáo muôn kiểu như một, nhìn ngó xung quanh khắp nơi bỗng chốc nhìn thẳng ra cửa ngõ.
Chỉ thấy một thiếu nữ mặc một chiếc sườn xám thêu hoa màu xanh cổ vịt, đường cong chết người, vòng eo nhỏ nhắn, tóc đen được búi lên một cách vô cùng đơn giản.
Dù đã cô đeo khẩu trang nhưng người ta vẫn có thể nhìn ra nét đẹp trong veo như sương sớm của cô. Vả lại, một lớp khẩu trang cũng chẳng thể ngăn được mấy cậu nam sinh sáng mắt, nhìn cô không chớp mắt.
“Thế này thì xếp hàng chờ cũng đáng giá lắm!”
Ngay cả những cụ bà hay soi mói cũng phải tán thưởng.
Mắt thấy người đẹp dừng bước, các nam sinh mới chú ý tới cánh cửa quán cách vách đã đóng lại, chỉ còn chiếc đèn lồng treo dưới mái hiên đề ba chữ “Như Mộng Lệnh”.
Thẩm Kinh Niên thoáng liếc qua cô, thưởng thức quả óc chó cầm trong tay.
Đã lâu không gặp, chiếc cổ tay ấy vẫn mảnh khảnh và trắng sáng như thế, đeo thêm vòng ngọc trắng trong thuần khiết nhất, đúng là tỏa sáng không thua châu báu lấp lánh.
-
“Nhà cách vách đúng là vô liêm sỉ, ngày nào quảng cáo cũng giẫm đạp chúng ta, còn viết lời rao hàng rằng cô ta là học trò nữ duy nhất của cô Chương nữa chứ.”
Trong sân đình, Quan Thanh Hòa tháo khẩu trang, nghe Tiểu Tô thao thao bất tuyệt châm chọc, cô nói: “Nói vậy cũng đâu sai.”
Tiểu Tô nói: “Thế nhưng sao cô ta không nghĩ đến việc mình chọc cô giáo Chương tức đến phát ốm, thế mà còn chẳng biết xấu hổ, đúng là da mặt dày.”
Nghỉ hè là mùa du lịch cao điểm, rất nhiều du khách từ nơi khác đi đến Ninh Thành, các quán bình đàn trong các ngõ nhỏ gần như kín bàn đặt trước. Du khách nào cũng muốn nghe nghệ nhân đàn tỳ bà hát một khúc.
Như Mộng Lệnh vốn nổi tiếng vì có nghệ nhân gạo cội Chương Minh Nguyệt.
Nhưng mùa Hè này lại xảy ra một chuyện ngoài ý muốn.
Học trò của Chương Minh Nguyệt – Phó Thu Vân - bất ngờ rời khỏi quán trà bình đàn, muốn ra tự lập quán riêng. Đây không phải chuyện to tát gì, Chương Minh Nguyệt cũng ủng hộ học sinh.
Trong Ninh Thành có vô vàn quán trà bình đàn, cô ta mở một quán cũng là điều rất đỗi bình thường.
Thế nhưng, chẳng ai ngờ tới một tuần sau, Phó Thu Vân và bạn trai cô ta lại mở quán ở ngay cách vách Như Mộng Lệnh, trông rất có ý muốn đối đầu với nhau.
Không những vậy, khi quảng cáo cũng nhắc đến tên Chương Minh Nguyệt, thừa cơ cướp khách, còn cạnh tranh giá vé.
Trong cơn tức giận, Chương Minh Nguyệt ngã bệnh. Không có bà ấy quán xuyến, quán trà gần như không hoạt động bình thường được, việc buôn bán tuột dốc không phanh, chỉ có thể đóng cửa nghỉ ngơi.
Lần đầu Tiểu Tô gặp Quan Thanh Hòa chính là lần cô ấy được Chương Minh Nguyệt cử tới thành phố Thanh Giang, mời Quan Thanh Hòa đến quán trà làm việc.
Trên đường đi, cô ấy thầm nghĩ, chắc chắn “Quan Thanh Hòa” phải là một nghệ nhân gạo cội đã mai danh ẩn tích từ lâu. Những nghệ nhân trong ngành đều là gừng càng già càng cay.
Đến nơi, gặp được nghệ nhân gạo cội rồi Tiểu Tô mới biết, người mà cô ấy muốn mời là cháu gái của một nghệ nhân gạo cội.
Quan Thanh Hòa hỏi: “Phó Thu Vân có đến thăm cô Chương không?”
Tiểu Tô nói: “Có đến thăm một lần, nhưng ban đầu cô ta không thăm hỏi sức khỏe gì, mà chỉ khoe khoang, rồi còn kể lể trước mặt cô Chương, đã cướp hết khách của quán em rồi còn không thừa nhận. Cô ta marketing trên mạng như thế rồi, ai còn tin cô ta ngây thơ không biết gì chứ, chỉ có mỗi cô Chương lớn tuổi nên không hiểu thôi.”
Dường như nhớ ra điều gì đó, cô ấy đưa di động cho cô xem.
Trên màn hình là một bài đăng của một tài khoản mạng xã hội từ hai ngày trước: [Sau này tốt hơn hết là đừng đến Như Mộng Lệnh, cô Chương Minh Nguyệt không lên sân khấu biểu diễn đâu. Lúc đi ngang qua, tôi thấy cửa quán còn đóng cơ.]
Quan Thanh Hòa đưa mắt đọc bình luận bên dưới.
“Không có cô Chương thì thôi tôi chẳng đến nữa đâu.”
“Có thể đến Thu Vân Phường mà học trò của cô Chương Minh Nguyệt mới mở, nghe không khác gì cô Chương luôn! Hay lắm!”
“Tôi đến rồi, chuẩn men luôn, mọi người có thể đi nghe thử một lần xem, còn rẻ hơn Như Mộng Lệnh nhiều lắm đó.”
Tiểu Tô tức giận bất bình: “Gần đây trên các bài đăng em đều nhìn thấy mấy bình luận định hướng dư luận thế này, vừa nhìn đã biết là chạy seeding rồi.”
(*) Seeding là hoạt động để lại bình luận trong các bài đăng nhằm mục đích tạo hiệu ứng, lôi kéo sự quan tâm đối với sản phẩm/ dịch vụ cần quảng cáo.
Quan Thanh Hòa cười: “Có hay thật không thì phải nghe xong mới biết được.”
-
Như Mộng Lệnh là quán trà cổ được bảo tồn từ thời nhà Minh đến nay, kiến trúc nhà vườn tiêu chuẩn.
Vé vào nghe bình đàn không đắt, sân khấu ngoài ở trong đình, chỉ cần một vé bốn mươi đồng là có thể vừa uống trà ăn điểm tâm, ngồi nghe mấy giờ liền. Sân khấu trong là ở trong phòng, ngồi rất gần diễn viên bình đài, mặt đối mặt nghe, nên vé của vị trí này đắt hơn một chút.
Ngoại trừ nghe nhạc, khách đến quán trà còn có thể đặt bài. Nếu không muốn đặt bài thì có thể nghe những bài mà người khác đặt.
Hiện giờ, quán trà đang đóng cửa nghỉ ngơi, ghế ngồi trong sân đều bị cắt giảm một nửa.
Vài nhân viên phục vụ trong quán cũng đã xin nghỉ, chỉ còn lại hai nam sinh mặc áo dài, ăn diện như tiểu nhị ngồi một nơi ngủ gà ngủ gật.
Thấy Quan Thanh Hòa, hai người nhanh chóng đứng lên, nhìn theo cô mãi, rồi lại nhìn nhau trao đổi: “Ai vậy? Tới làm gì?”
Tuy Quan Thanh Hòa đã đến Ninh Thành vài ngày, nhưng cô vẫn luôn bận bịu dọn dẹp chỗ ở thân quen. Đây là lần đầu tiên cô ghé quán trà.
Cô đi thẳng lên tầng, gặp được Chương Minh Nguyệt đang ngồi dựa vào đầu giường nghỉ ngơi. Trông sắc mặt của bà ấy có vẻ rất kém.
Quan Thanh Hòa thầm than trong lòng, cô mở lời: “Cô Chương.”
Nhìn thấy cô, Chương Minh Nguyệt thoáng ngạc nhiên hai giây, bà ấy vẫy tay: “Cháu ngồi đi.”
Quan Thanh Hòa ngồi bên giường, rót một chén trà cho bà ấy.
“Cháu giống bà cháu thật đấy, hai bà cháu đều đẹp tuyệt trần.” Chương Minh Nguyệt cảm thán: “Chẳng trách ông nội cháu muốn giữ cháu ở lại Thanh Giang.”
Gương mặt này quá xuất sắc, rất gây chú ý, mà trên thế giới lúc nào cũng có những kẻ không có ý tốt.
Ngay cả một bà cụ như bà ấy nhìn thấy còn không khỏi kinh ngạc, huống hồ là người khác.
Chương Minh Nguyệt cũng thấy hơi hối hận: “Không thì cháu quay về thôi.”
Quan Thanh Hòa khẽ chớp mắt, nói: “Ông nội cũng cho phép cháu tới đây rồi, chứng tỏ ông ấy rất yên tâm. Bà đừng lo, cháu không sao đâu.”
Thấy cô kiên quyết, Chương Minh Nguyệt nói: “Âu cũng tại bà già này đã hết cách rồi. Ông nội cháu lớn tuổi, nếu không chắc chắn ông ấy sẽ đến đây.”
“Lần này bà bệnh nặng lắm, có lẽ sau này không lên được sân khấu nữa. Cháu mới đến, không thể cứ thế trực tiếp mở màn diễn xuất được. Nhân lúc còn có thể cử động, bà sẽ viết thiệp mời gửi các khách nghe bình đài cũ của bà cùng ăn một bữa cơm, có lẽ họ sẽ nể mặt bà.”
Quan Thanh Hòa nhíu mày, ngước mắt nói: “Bà không cần làm vậy đâu ạ.”
Chương Minh Nguyệt lắc đầu: “Nếu đã trao quán trà cho cháu thì dù thế nào bà cũng không thể đẩy cho cháu một mớ bòng bong được. Làm vậy, bà biết ăn nói thế nào với ông nội cháu đây?”
“Các khách cũ đó đều là những nhân vật lớn, không phải là người giàu thì cũng là người có quyền, nên chúng ta không thể đối xử qua loa được. Cháu hãy tự tay viết thiệp mời, rồi đóng con dấu của bà lên đó nhé.”
Bà ấy và ông nội của Quan Thanh Hòa học chung một thầy. Ông Quan là đàn anh, hồi trẻ nổi tiếng khắp hải ngoại, nhưng sau đó vì một biến cố, ông ấy không diễn xuất công khai nữa. Vài thập niên trôi qua, ông ấy cũng dần bị người đời lãng quên.
Quán trà này vốn là của ông ấy.
Quan Thanh Hòa tới Ninh Thành, đương nhiên quyền sở hữu quán trà đã chuyển sang danh nghĩa của cô.
Từ nhỏ cô đã học đàn tỳ bà với ông nội. Ông nội lớn tuổi mà không ai chăm sóc, ông ấy vẫn luôn ở lại thành phố Thanh Giang, ru rú trong nhà, chỉ thân thiết với một vài người.
Năm xưa, Chương Minh Nguyệt từng đến Thanh Giang ở, cũng từng dạy Quan Thanh Hòa mấy tháng. Bà ấy tin tưởng kỹ thuật của Quan Thanh Hòa, nhưng những người khác thì chưa chắc.
Vậy nên bà ấy phải trải sẵn đường cho cô trước đã.
Quan Thanh Hòa chậm rãi gật đầu: “Cháu biết rồi ạ.”
-
Kể từ ba ngày trước, Chương Minh Nguyệt sai người chuẩn bị sẵn tất cả những thứ cần có để gửi kèm thiệp mời, đặt trong phòng làm việc chờ bà ấy đến kiểm tra.
“Trước kia người xếp hàng mua vé ở quán trà của chúng ta đều xếp thành một hàng dài ra tận đầu đường, làm gì cần viết thiệp mời…” Tiểu Tô thì thầm một câu, lại vội vàng nói thêm: “Nhưng giờ đúng là phải thông báo mở cửa trở lại, nếu không các khách cũ lại không biết.”
“Lát nữa em sẽ bảo bọn họ gửi những tấm thiệp này đi, không để sót tấm nào hết, chị Thanh Hòa chị cứ yên tâm.”
Quan Thanh Hòa ừ một tiếng, mở thiệp mời ra xem.
Ánh sáng ngoài cửa sổ khắc hoa chiếu vào phòng, nhẹ nhàng rơi trên mặt bàn, ánh lên từng con chữ thanh tú ngay ngắn.
Cô viết xong lại nhớ ra mình quên con dấu ở quê, không mang đến.
Tiểu Tô vừa báo tên khách, vừa ngắm trộm Quan Thanh Hòa.
Càng ngắm càng thấy rõ cô mang nét đẹp cổ điển, mi mắt trong trẻo, phong thái thong dong, vô cùng hòa hợp với ngôi nhà mang phong cách cổ xưa.
Đến tấm thiệp cuối cùng, Tiểu Tô hít sâu, đọc ra một cái tên: “Thẩm Kinh Niên.”
Tay Quan Thanh Hòa hơi khựng lại: “Thẩm?”
Từ giọng nói của Tiểu Tô, cô có thể nhận ra được, hiển nhiên người này rất quan trọng.
Tiểu Tô khó nén niềm kích động: “Tam gia nhà họ Thẩm, Thẩm Kinh Niên.”
“Trước kia mỗi tuần anh ấy đều đến đây một lần, là khách quen của bọn em. Nếu anh ấy đến, chắc chắn các ông lớn khác sẽ đến.”
Cô ấy cúi đầu xuống, nhỏ giọng nói: “Nhưng trước kia anh ấy chỉ đến xem cô Chương biểu diễn thôi, mời cũng chưa chắc đã đến. Không biết lần này anh ấy có nể tình không nữa.”
-
Hầu hết thiệp mời đều do nhân viên phục vụ trong quán đi đưa, chỉ riêng một tấm cuối cùng, Tiểu Tô tìm đến một nam sinh còn trẻ, hai người đứng nói chuyện trước cửa tròn.
Quan Thanh Hòa không nhìn thấy mặt đối phương, chỉ nghe thấy tên cậu ta là “Chu Khiêm”.
Tiểu Tô thề son sắt, đảm bảo chắc chắn Chu Khiêm sẽ gửi thiệp mời vào tận tay Thẩm Kinh Niên, không để xảy ra điều bất trắc nào.
Chạng vạng tối, Chu Khiêm cầm thiệp mời đi thẳng đến mục đích địa. Đến nơi, cậu ta lập tức bỏ thái độ cà lơ phất phơ, thẳng lưng đi vào trong.
Tiểu Tô gửi tin nhắn đến.
Thấy xung quanh không có ai, Chu Khiêm gửi voice chat trả lời: “Yên tâm đi, anh đến rồi, chắc chắn anh sẽ lừa chú ấy đến mà!”
Cậu ta đang hứa hẹn thì một giọng nói lạnh lùng vang lên sau lưng.
“Lừa ai đấy?”
Chu Khiêm vừa quay đầu lại đã thấy người đàn ông vóc dáng cao to đứng ở phía sau, vừa nhã nhặn vừa cao quý.
Vài giám đốc đứng phía sau anh. Bình thường ai nấy đều là người có danh vọng số một số hai trên các mặt báo, nhưng lúc này, họ đều im lặng làm nền trang trí.
“Lừa cháu trai của chú!” Chu Khiêm lập tức sửa miệng: “Chú ba, đây là thiệp mời của Như Mộng Lệnh, cô Chương mời chú tối mai qua ăn bữa cơm đạm bạc.”
Cậu ta chơi thân với cháu trai của Thẩm Kinh Niên, gọi anh là chú ba theo bạn thân mình.
Chu Khiêm chỉ sợ Thẩm Kinh Niên không đi. Nếu ngay cả anh cũng không muốn đi, chỉ e quán trà Như Mộng Lệnh này chỉ có thể đóng cửa mà thôi.
“Mở cửa lại à?”
“Vâng, chiều thứ Sáu tuần này sẽ mở lại ạ.”
“Chân chạy nghiệp dư như cháu cũng ra dáng đấy.”
Thẩm Kinh Niên tùy tay nhận lấy thiệp mời. Anh hỏi việc nhà với giọng điềm đạm mà chậm rãi, nhưng thực chất vẫn khiến người ta cảm thấy áp bức.
Chu Khiêm nhỏ giọng phản bác: “Nếu Phó Thu Vân không ăn cháo đá bát thì giờ cháu đã được lên làm tiểu sư đệ rồi.”
Lời ấy khiến Thẩm Kinh Niên bật cười.
Vì theo đuổi người yêu mà một cậu ấm nhà giàu lại lưu lạc đến tận mức này, anh cũng lười nhận xét.
Anh rũ mắt, mở thiệp mời ra. Trang giấy chất liệu tinh tế, chữ được viết theo lối Trâm Hoa Tiểu Khải, không có phần đề chữ, ghi tên trên bức vẽ, chỉ đề một con dấu “Chương Minh Nguyệt”.
Thẩm Kinh Niên nhoẻn miệng cười.
Vừa nhìn đã biết chữ viết này không phải do cô giáo Chương đích thân viết.
Người trong giới Ninh Thành đều biết Thẩm Kinh Niên thích văn nhã, từ bình đàn đến đồ cổ.
Vì tạo cơ hội, rất nhiều người thường xuyên đến quán trà, sưu tầm đồ cổ, chỉ để có thể bắt chuyện, có thể nói chuyện đôi câu với anh.
Ngón tay thon dài không nhanh không chậm điểm trên thiệp mời, Thẩm Kinh Niên nói: “Thế nên cô Chương có biết chuyện có người mạo nhận danh nghĩa của bà ấy gửi thiệp mời đi khắp toàn thành phố không?”
“…”
Chu Khiêm ăn ngay nói thật: “Đâu, không phải mạo danh, cô giáo Chương đồng ý mà chú. Chú không biết đấy thôi, lần này bà ấy muốn giới thiệu một nghệ nhân.”
Thẩm Kinh Niên buồn cười: “Cháu phong à?”
“Bà ấy tự nói thế đấy, bà ấy khen cô ấy tài nghệ cao siêu, còn trẻ đã có tài, Tiểu Tô còn khen cô ấy xinh đẹp khác thường.” Chu Khiêm nói hết một hơi.
Cậu ta lại nhớ ra một chuyện: “Vả lại cô ấy cũng họ Quan đó, trùng hợp thay, cùng họ với cháu dâu tương lai của chú luôn.”
Cậu ta vừa dứt lời, tất cả mọi người xung quanh đều lấy làm kinh ngạc.
Người sống ở Ninh Thành hàng năm ai chẳng biết cửa nhà họ Thẩm khó vào. Chú Thẩm Kinh Niên không gần nữ sắc, các cháu trai thì từ chối làm đám hỏi, thì ra là vì bận tâm một tờ hôn ước!
Nhà ai lại có thể có hôn ước với nhà họ Thẩm đây?
Bọn họ nghĩ ngợi. Họ chưa từng nghe ai nhắc đến hôn ước này, chứng tỏ nhà họ Thẩm không để ý hôn ước này chăng?
Bọn họ thấy Thẩm Kinh Niên nhướng mày, sau đó chậm rãi khép tấm thiệp mời của mình lại.
“Được rồi, chú nhận.”