Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

BỐ MẸ TUYỆT VỜI
   Bây giờ thì các bạn đã hình dung ra một ngày của tôi.
   Tôi chỉ cần kể một ngày là đủ, không cần phải kể thêm những ngày khác.
   Đơn giản là ngày nào cũng giống như ngày nào. Một ngày như mọi ngày, như người ta vẫn nói.
   Và vì thế cuộc sống đối với tôi thật là đơn điệu, nếu sự lặp đi lặp lại là biểu hiện chính xác nhất và rõ rệt nhất của sự đơn điệu.
    Mãi về sau này, tôi mới khám phá ra còn có cách nhìn khác về sự lặp đi lặp lại. Người ta gọi nó là sự ổn định.
    Một công việc có thể sắp đặt trước, một sự nghiệp có thể tính toán trước, là niềm ao ước của rất nhiều người, nhiều quốc gia.
   Tất nhiên sẽ thật là hay nếu tiên liệu được chỉ số tăng trưởng kinh tế của một đất nước nhưng nếu bạn cũng tiên liệu chính xác như thế về chỉ số tăng trưởng tình cảm của bản thân thì điều đó có khi lại chán ngắt. Sẽ thật kỳ cục nếu như bạn tin chắc rằng một tháng nữa bạn sẽ bắt đầu yêu, ba tháng sau bạn sẽ đang yêu – ít thôi, sáu tháng sau bạn sẽ yêu nhiều hơn...    Tôi từng thấy có nhiều người trẻ tuổi lên kế hoạch cho cuộc đời mình: 22 tuổi tốt nghiệp đại học, 25 tuổi lập gia đình, 27 tuổi mở công ty, 30 tuổi sinh con đầu lòng, vân vân và vân vân... Thật sít sao! Nhưng một khi cuộc đời một con người được lập trình chặt chẽ và khoa học đến thế thì nếu tất cả đều vào khuôn như dự tính liệu bạn có bão hoà về cảm xúc hay không?
    Khi nói về cảm xúc có lẽ không thể không gắn nó với tính cách của từng người. Người lạc quan bảo rằng ổn định cái điều mà người bi quan cho là đơn điệu. Cuộc sống vợ chồng cũng thế thôi, kẻ thì bảo êm đềm, người thì cho vô vị, biết làm thế nào! Quả thật, hai vợ chồng mà sống với nhau êm đềm quá không khéo lại giống sự êm đềm giữa hai người hàng xóm lành tính, và người quá khích lại có dịp bô bô lên rằng êm đềm không hề bà con gì với hạnh phúc, biết nói làm sao!
    Nhưng ôi thôi, tôi lại nói chuyện lúc tôi đã là người lớn mất rồi. Lại nói chuyện vợ chồng cấm kỵ vô đây nữa!
    Tôi sẽ quay lại chủ đề của cuốn sách này, quay lại ngay đây, tức là nói cái chuyện tôi hồi tám tuổi.
    Chuyện tôi sắp kể ra đây, khổ thay, cũng lại liên quan đến chuyện vợ chồng. Nhưng bên cạnh cái khổ cũng có cái may, đây chỉ là trò chơi vợ chồng thôi – cái trò mà đứa trẻ nào bằng tuổi tôi cũng rất thích chơi mặc dù khi lớn lên thì chúng rất dè chừng.
    Tôi và con Tí sún cạnh nhà tôi là một cặp.
    Tôi là chồng, con Tí sún là vợ.
    Con Tí sún không đẹp đẽ gì, người đen nhẻm, tóc xoăn tít vì suốt ngày chạy nhảy ngoài nắng, đã thế lại sún răng.
    Nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận nó làm vợ tôi, chỉ vì nó thích tôi, tôi bảo gì nó cũng nghe răm rắp. Thật lòng, tôi thích con Tủn hơn, vì con Tủn xinh gái nhất xóm, lại có lúm đồng tiền. Nhưng tôi không cưới con Tủn bởi tôi thấy nó cứ hay cặp kè với thằng Hải cò. Sau này tôi biết đó là cảm giác ghen tuông, tất nhiên là ghen tuông theo kiểu trẻ con, còn lúc đó tôi chỉ cảm thấy khó chịu thôi.
    Và tôi đùng đùng cưới con Tí sún, theo kiểu người lớn hay nói: cưới người yêu mình chứ không cưới người mình yêu, nhất là khi người mình yêu không có vẻ gì là yêu mình!
   Tôi cưới con Tí sún chừng năm phút thì lập tức đẻ liền một lúc hai đứa con: thằng Hải cò và con Tủn. Ghét hai đứa nó thì bắt chúng làm con vậy thôi, chứ thằng Hải cò lớn hơn tôi một tuổi.
    - Hải cò đâu?- Tôi kêu lớn.
    - Dạ, ba gọi con. - Hải cò lon ton chạy tới.
    Tôi ra oai:
    - Rót cho ba miếng nước!
    Thấy con Tủn che miệng cười khúc khích, Hải cò đâm bướng:     - Con đang học bài.
    - Giờ này mà học bài hả? – Tôi quát ầm - Đồ lêu lổng!
    Hải cò đưa tay ngoáy lỗ tai để nghe cho rõ:
    - Học bài là lêu lổng?
    - Chứ gì nữa! Không học bài làm bài gì hết! Con ngoan là phải chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn!
    Hải cò không ngờ vớ được một ông bố điên điên như thế, cười toét miệng:
    - Vậy con đi đánh lộn đây!
    Nói xong, nó co giò chạy mất.
    Nhưng tôi không giận nó. Tôi đang khoái chí. Tôi tình cờ phát hiện ra cách làm cho cuộc sống bớt tẻ nhạt.     - Tủn! – Tôi hét.
    - Dạ. Rót nước hả ba?
    Tôi cười khảy:
    - Mày đừng làm ra vẻ ta đây thông minh. Tao hết khát rồi.
   Tôi nói như trút giận:     - Tao là đứa chúa ghét mấy đứa con nít thông minh, tức là mấy đứa học ài nhoáng một cái đã thuộc vanh vách! Hừm, làm như hay lắm!
    Con Tủn không biết tôi muốn gì. Thấy tôi quát sùi bọt mép, nó sợ run:
    - Dạ, con không thông minh. Con là đứa ngu đần.
    Tôi hả hê:     - Vậy con mới đúng là con ngoan của ba.
   Tôi móc túi lấy ra một cây kẹo bé tẹo còn sót lại từ hôm qua:
    - Đây, ba thưởng cho con.
   Con Tủn ngơ ngác cầm lấy cây kẹo, không hiểu tại sao ngu mà được thưởng nên không dám ăn.     Tôi đang tính bảo con Tủn “Ăn đi con” thì thằng Hải cò từ bên ngoài xồng xộc chạy vô, miệng thở hổn hển, làm như vừa đánh nhau thật.
    - Con đi đánh lộn về đó hả con? – Tôi âu yếm hỏi.
    - Dạ. - Hải cò phấn khởi – Con uýnh một lúc mười đứa luôn đó ba!
    - Con thiệt là ngoan. – Tôi khen, và đưa mắt nhìn Hải cò từ đầu tới chân - Thế quần áo của con...
    - Vẫn không sao ba à. - Hải cò hớn hở khoe – Con đập nhau với tụi nó mà quần áo vẫn lành lặn, thẳng thớm...
   - Đồ khốn! – Tôi quát lớn, không cho Hải cò nói hết câu – Đánh nhau mà không rách áo, trầy chân, bầm mặt mà cũng gọi là đánh nhau hả?
    Sự giận dữ bất ngờ của tôi làm Hải cò nghệt mặt một lúc. Nó chẳng biết phản ứng thế nào ngoài việc ấp a ấp úng:
    - Dạ... dạ... ủa... ủa...
    - Dạ dạ ủa ủa cái gì! Con thiệt là đứa hư hỏng! Con làm ba xấu hổ đến chết mất thôi!
    Con Tí sún, vợ tôi, bắt đầu cảm thấy hoang mang trước lối dạy con của tôi:
    - Ông à, con nó biết giữ gìn như thế là tốt rồi.
    - Bà thì biết cái gì! – Tôi nạt con Tí sún, nước miếng bay vèo vèo may mà không trúng mặt nó – Đánh nhau chứ có phải đi dự tiệc đâu! Đánh nhau mà quần áo sạch sẽ thế kia thì có nhục cho tổ tiên không kia chứ!
   Tôi đấm ngực binh binh:
    - Ôi, chẳng thà nó chém tôi một dao cho rồi! Con ơi là con! Mày ra đây mà giết ba đi này con!
    Thấy tôi tru tréo ghê quá, con Tí sún nín khe.     Trong khi thằng Hải cò cười hí hí thì con Tủn mặt đực ra như bị thằn lằn ị trúng mặt. Nó không biết làm gì với cây kẹo trên tay, rằng nên nhét vào túi áo hay bỏ vào miệng. Trông mặt nó hết sức lo lắng, có lẽ vì nó hoàn toàn không biết được hành động nào mới không bị ông bố gàn dở kia liệt vào loại “hư hỏng” hay tệ hơn, là “làm nhục tổ tiên”.
    ***
   Tụi bạn tôi chỉ ngạc nhiên hôm đầu tiên. Rồi như bất cứ một đứa trẻ chân chính nào, tụi nó nhanh chóng cảm nhận được sự thú vị của trò chơi tuyệt vời đó.
    Hôm sau đến lượt thằng Hải cò và con Tủn đóng vai ba mẹ. Tôi và con Tí sún làm con.
    Tối hôm trước Hải cò chắc thao thức suốt đêm, chờ trời sáng. Sáng ra tôi thấy mắt nó đỏ kè. Nếu hôm đó không phải là ngày chủ nhật, có lẽ Hải cò sẽ bị sự nôn nóng đốt thành than trước khi cả bọn đi học về.     - Thằng cu Mùi đâu? - Hải cò oang oang, giọng rất chi là hào hứng.
    Cu Mùi là tên ở nhà của tôi. Ba mẹ tôi gọi tôi như thế có lẽ do tôi sinh năm Mùi.
    - Dạ. – Tôi ứng tiếng thưa.
    - Con đem tập vở ra đây cho ba xem nào.
    Tôi lôi cuốn tập nhét trong lưng quần, hồi hộp đưa cho Hải cò, bụng cố đoán xem nó định “dạy dỗ”tôi như thế nào.
    Lật lật vài trang, Hải cò hét ầm:
    - Cu Mùi!
    Tôi lấm lét nhìn nó:
    - Dạ.
    Hải cò đập tay xuống bàn một cái rầm:     - Con học hành cách sao mà tập vở trắng tinh như thế hả?     Tôi chưa kịp đáp, nó thẳng tay ném cuốn tập qua cửa sổ, gầm gừ:
    - Học với chả hành! Mày giữ gìn tập vở sạch sẽ như thế này mày không sợ thầy cô bảo ba mẹ mày không biết dạy con hả, thằng kia?
    Tôi bị mắng như tát nước vào mặt mà ruột nở từng khúc. Tôi không ngờ Hải cò là một ông bố tuyệt vời đến thế.
    Tôi hân hoan nhận lỗi:     - Thưa ba, lần này con trót dại. Lần sau con không dám giữ gìn tập vở kỹ lưỡng như vậy nữa.
   Tôi nói, và đảo mắt nhìn quanh, thấy đằng góc nhà con Tủn và con Tí sún đưa tay bụm miệng cố nén cười.
    - Cái con nhóc sún răng kia! Cười cái gì! - Hải cò lừ mắt nhìn con Tí sún – Mày nấu cơm xong chưa mà đứng đó nhe răng sún ra cười hả?
   Con Tí sún lễ phép:
    - Dạ, con đã dọn cơm rồi. Mời ba mẹ và anh Hai ăn cơm.
    - Mày có điên không vậy con! - Hải cò giơ hai tay lên trời - Đến giờ cơm là ngồi vô ăn, chỉ có kẻ không được giáo dục đến nơi đến chốn mới làm như vậy, hiểu chưa?
   - - Dạ, chưa hiểu. – Con Tí sún thật thà - Chứ kẻ có giáo dục thì đến giờ cơm họ làm gì hả ba?
   - Họ đi chơi chứ làm gì. - Hải cò khoa tay như một diễn giả - Họ đi bơi, họ chơi bi-da, họ câu cá, họ chơi rượt bắt hoặc đánh nhau, nói chung họ có thể làm bất cứ chuyện gì để người khác phải đợi cơm, trừ cái chuỵên hết sứ vô văn hoá là ngồi vô bàn ăn.     Con Tủn tỉnh bơ đế vô:     - Ba con nói đúng đó con. Chỉ có bọn hư hỏng mới ăn cơm đúng giờ thôi!
    ***
    Lúc đầu, tôi tưởng chỉ có mình tôi khoái cái trò điên điên này. Hoá ra đứa nào cũng khoái. Trong bọn, con Tí sún là đứa hiền lành và chậm chạp nhất nhưng qua đến ngày thứ 3, nó cũng kịp thích ứng với hoàn cảnh bằng cách chỉnh thẳng Hải cò ra trận khi tới lượt nó làm mẹ.
    2 lần 4 là mấy?    - Dạ, là 8.
    Con Tí sún không quát tháo om sòm như tôi và Hải cò, nhưng mặt nó trông thật thiểu não:     - Sao lại là 8 hả con? Thật uổng công mẹ cho con ăn học!
   Hải cò chớp mắt:
   - Chứ là mấy?
   - Là mấy cũng được nhưng không phải là 8.
    - Mẹ ơi, theo bản cửu chương thì 2 lần 4 là 8.
    - Mày là con vẹt hả? Bản cửu chương bảo gì mày nghe nấy là sao? Thế mày không có cái đầu à?
    Hải cò sờ tay lên đầu, hối hận:
    - Con đúng là một đứa không có đầu óc. Lần sau con sẽ không nghe theo bất cứ ai nữa, dù đó là bản cửu chương hay thầy cô giáo. Con hứa với mẹ con sẽ tự suy cái đầu của con.
    Câu nói của Hải cò được coi như tuyên bố chung của cả bọn, kết thúc một thời kỳ tăm tối chỉ biết sống dựa vào sự bảo ban của người khác. Ôi, cuộc sống kể từ lúc đó mới thật đáng sống làm sao!
    Nhưng như người ta thường nói “niềm vui ngắn chẳng tày gang”: vào cái ngày Hải cò mang bộ mặt ủ ê đến gặp tôi, chúng tôi chợt nhận ra cuộc sống vẫn xám xịt như thể xưa nay một năm vẫncó tới bốn mùa đông.
    - Mày sao thế? Mới bị ăn đòn à? – Tôi tò mò hỏi.
   - Ừ. Vì cái tội dám bảo chỉ có đứa đần độn mới giữ gìn tập vở sạch sẽ.     Con Tí sún xuất hiện với bộ mặt thảm sầu:
    - Còn mình bị ba mình phạt vì khăng khăng 3 lần 5 không phải là 15.
    Con Tủn góp vào hai hàng nước mắt và tiếng thút thít:
    - Còn mình thì mặc cho ba mẹ kêu khản cả cổ, mình nhất định không chạy về ăn trưa.
    Tôi lướt mắt nhìn ba đứa bạn, lặng lẽ thở dài.
    Tôi tập tành làm nhà cách mạng bé con, chán nản khi không thay đổi được thế giới, đã thế còn làm vạ lây cho người khác.
    Cho nên tôi không ủ ê, không thảm sầu, không thút thít và rưng rưng hai hàng nước mắt.
    Nỗi đau của tôi lặn vào bên trong. Nó sâu sắc hơn, ít nhất là bằng nỗi đau của ba đứa bạn cộng lại.
    Vì ngày hôm qua tôi bị ăn đòn vì phạm cùng lúc cả ba tội trên kia.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui