Tô Hạc Đình là một tên lừa đảo, ba cậu cũng thế.
Từ hồi cậu nhớ được chuyện là hai ba con đã lang thang vất vưởng.
Câu nói đầu tiên mà cậu học được là “Chạy mau”, bởi vì ba luôn để cậu đứng canh.
Khi nào cảnh sát tới, ba cậu sẽ tháo chạy trước tiên, chạy xa lắc xa lơ rồi mới nhớ ra mình vẫn còn con trai.
“Người lớn như ba rất là không đáng tin cậy luôn.” Ông Tô cạo râu được nửa chừng thì chợt quay lại cười hềnh hệch, “Tuy ba yêu con, nhưng nhóc Tô ạ, mai mốt tuyệt đối đừng trở thành người như ba.”
Tuy mặt mũi khôi ngô sáng sủa nhưng ông ta lại là một tên vô lại, suốt ngày ăn diện chỉnh tề thẳng thớm, song thực tình sau lưng ông ta khất cả đống nợ.
Ông ta không cờ bạc cũng chẳng có thú vui đặc biệt nào, cái chính là ông ta luôn cảm thấy mình có thể lập nên đại nghiệp, chưa bao giờ coi tiền là tiền mà chịu chi vô cùng.
Tiêu hết tiền, ông ta lại đi vay mượn khắp nơi, vay hết lần này đến lần khác, rồi cuối cùng biến bạn bè thành kẻ thù hết.
Bọn họ không có nhà, ông Tô không dám ở một nơi quá lâu.
Đôi khi Tô Hạc Đình tỉnh giấc giữa chừng còn nghe được tiếng chuông điện thoại của ông Tô réo liên hồi.
Tô Hạc Đình hỏi: “Sao ba không nghe máy?”
Ông Tô đang cắm tai nghe chơi game, dốc hết bịch bim bim khoai chiên vào miệng, giả vờ không nghe thấy.
Cái tôi của ông ta cao ngút trời nhưng sống thì lại tuềnh toàng, thường xuyên thức thâu đêm chơi game.
Không được đáp, Tô Hạc Đình lại nằm xuống tấm nệm ẩm ướt, phóng mắt qua ô cửa sổ trong phòng tới ánh đèn sân khấu ban đêm sặc sỡ.
Ông Tô chơi đến sáng thì vứt cho cậu hai mươi đồng, nói: “Mua hai xửng bánh bao về đây, mua loại hẹ trứng nhé.
Ba ngủ một lát, chừng nào về nhớ gọi ba dậy, đừng có ăn vụng nhá.”
Lúc nói chuyện lúc nào ông Tô cũng “nhá” một chữ hời hợt, hình như là thói quen từ hồi còn trẻ rồi, như thể chỉ cần nói thế là có thể khiến người ta đáp ứng mọi yêu cầu của mình vậy.
Tô Hạc Đình nhảy xuống giường, xỏ giày vào rồi phân nân có nên khoác thêm áo hay không.
Không ai dạy cậu trời lạnh thì phải mặc thêm áo, cậu phải tự quyết định.
Rốt cuộc cậu choàng áo khoác vào, giấu tiền ông Tô cho rồi ra ngoài mua bánh bao.
Bên ngoài cửa là một khu dân cư cũ, trên chiếc cầu thang xập xệ chăng đầy bạt nylon tả tơi để che mưa, nom lộn xộn như cây dại.
Tô Hạc Đình nhảy hai bước xuống cầu thang, trời hẵng chưa sáng.
Cậu thấy lạnh nên bèn khép áo vào.
Áo khoác vừa mỏng lại vừa nhỏ, hai cổ tay gầy nhom của cậu thò ra ngoài, không che được cơn gió ướt lạnh.
Cậu nắm tay nhét vào trong túi, lội qua vũng nước rồi ra đầu ngõ.
“Nhóc Tô,” chú giao sữa đang đạp xe qua thì trông thấy Tô Hạc Đình, bèn phanh xe gấp lại rồi thả một chân xuống trượt đến trước mặt Tô Hạc Đình, hỏi, “ba nhóc có nhà không? Chú phải hỏi ổng, bao giờ ổng tính trả tiền đấy?”
Tô Hạc Đình di di mũi chân, nói: “… Sắp rồi ạ.”
Chú giao sữa: “Đừng bảo sắp, lần nào cũng bảo sắp, cho thời gian chính xác đi coi!”
Đế giày Tô Hạc Đình giẫm phải một hòn sỏi, nó cộm vào chân làm tim cậu đập loạn lên.
Những ngón tay nhét trong túi áo cậu siết chặt lấy nhau như mắc phải lỗi lầm nào đó, cậu cũng chẳng biết bao giờ ông Tô mới trả được tiền nữa.
Trên đường nhiều người đi lại, ai cũng liếc cậu.
Mãi lâu sau, cậu bèn móc hai mươi đồng trong túi áo ra đưa cho chú giao sữa.
Chú giao sữa cúi xuống thu hai mươi đồng trong tay Tô Hạc Đình, nói: “Đừng trách chú khó tính, tiền chú cho ba nhóc mượn không phải tiền thừa đâu, không lấy lãi đã là thương tình lắm rồi đấy.
Ban đầu ổng bảo chỉ mượn một tuần để ứng gấp thôi, giờ khất thành mấy tháng rồi, lại còn chặn số của chú nữa chứ.
Chú là chú chưa từng gặp ai mặt dày như ổng, đúng là chẳng ra gì mà.
Nhóc,” ông ta chìa tay kéo kéo cái áo khoác mỏng dính của Tô Hạc Đình, “còm nhom thế này mà ông ta cũng chẳng đoái hoài! Hầy, lên xe đi, về nhà ăn cơm với chú.”
Tô Hạc Đình nói: “Không cần—”
Nhưng chú giao sữa đã nhấc bổng cậu đặt lên yên xe, nói: “Đi thôi!”
Xe đạp kêu “leng keng” lao vù về phía trước.
Nhà của chú giao sữa gần đó, đạp xe hai phút đã tới.
Vợ chú ta đang nấu ăn sáng cho con, vừa nghe thấy tiếng chuông, đứa bé đã chạy ùa ra cửa gọi léo nhéo: “Ba! Ba!”
Vợ chú ta bưng cơm ra, nhiếc: “Đừng có gào nữa, điếc hết cả tai!”
Chú giao sữa đỗ xe lại rồi nhấc Tô Hạc Đình xuống, nói: “Có bạn bé đến nhà này.”
Tô Hạc Đình nhét hai tay trong túi áo nhìn vợ chú ta, một lát sau cậu lại chìa tay ra, nói: “… Cháu chào cô ạ.”
Vợ chú ta cởi tạp dề ra, nhướng mày cười cười: “Nhóc Tô, ba con ra ngoài rồi đấy à?”
Chú giao sữa bảo: “Ba nó ra hay không ra ngoài cũng có khác gì đâu.
Nhóc Tô, qua đây rửa tay ăn cơm.”
Vợ chú ta nhét tạp dề vào lại ngăn kéo, lúc xoay người, cô liếc chú giao sữa một cái.
Rồi cô vào bếp lấy bát đũa làm chúng đánh vào nhau loảng xoảng, lát sau bưng bát ra, cười bảo: “Nhóc Tô, ngồi xuống đi.”
Tô Hạc Đình cảm thấy ánh mắt ấy có một vẻ nào đó khiến cậu như ngồi trên đống lửa.
Cậu nói “Cảm ơn” rồi ngồi ngay ngắn xuống ghế như một pho tượng gỗ nhỏ.
Chú giao sữa nói: “Sữa nóng đấy, nhóc tranh thủ uống đi.”
Tô Hạc Đình giơ tay lên chạm vào cốc.
Vợ chú ta bỗng thò tay lấy cái cốc đi, đặt xuống trước mặt con trai mình, đoạn bảo: “Đừng giục người khác ăn thế chứ, còn nóng lắm.
Này nhóc Tô, uống nước trước đi? Nước ấm đấy.”
Tô Hạc Đình co ngón tay lại.
Chú giao sữa ăn nửa chừng thì nói: “Hôm nay ba nhóc rảnh hả?”
Vợ chú ta cười khẩy: “Ba nó thì có việc gì để mà làm? Mấy bữa trước mới giới thiệu việc cho ổng xong mà ổng còn chê người ta trả lương thấp, khinh không thèm làm đấy.”
Chú giao sữa nói: “Làm người phải thực tế, không thể lúc nào cũng mơ mộng viển vông được.
Ổng suốt ngày kêu sắp giàu rồi, có ông chủ nào đó ấn tượng với tài năng thiên phú của ổng nên đầu tư cho ổng, kết quả toàn điêu toa chứ đâu.”
Vợ chú ta rót cốc sữa vừa nãy cho con, nói: “Thế còn thua ông chán, rủng rỉnh đến mức ai cũng cho vay cho mượn tiền.
Nhóc Tô ạ, làm người ấy thì phải biết mình biết người, con thấy có đúng không? Không thể lúc nào cũng nghĩ của không sẽ rơi từ trên trời xuống được, toàn chuyện vớ vẩn.
Như chú con nói đấy, sống thì phải thực tế.
Con ăn xong về nhà rồi nhắc nhở ba con để ba con tìm một công việc tử tế còn trả nợ đi.
Cô thấy ấy, người ta sống không chỉ phải biết mình biết người mà còn phải biết xấu hổ nữa.
Con có hiểu biết xấu hổ là gì không? Chính là…”
Cô vừa nói vừa cười tươi, rất mực ôn tồn dịu dàng giảng giải cho Tô Hạc Đình hiểu về nào lòng xấu hổ, rồi nào tính trơ trẽn.
Tô Hạc Đình ngồi bên kia bàn, người như đeo gông cùm, cậu là một tù nhân nhỏ đến đây để nghe răn dạy.
Cậu cụp mắt, mấy lần muốn gượng cười nhưng sao khó quá, còn chưa học được cách giả vờ, cậu đã bắt đầu hiểu khó khăn.
Lúc vợ chú ta nói chuyện, đứa con liên tục quấy nhiễu.
Nhóc ta kém Tô Hạc Đình vài tuổi, nhóc đạp chân lên bàn khua thìa bát lanh canh.
Sữa nóng trào ra bắn lên người Tô Hạc Đình không ngớt.
Ăn xong bữa cơm, Tô Hạc Đình chào tạm biệt chú giao sữa.
Lúc ra ngoài, cậu nghe tiếng vợ chú ta: “Ông làm từ thiện đấy à? Tưởng mình là triệu phú hay gì? Giúp từ thằng lớn đến thằng nhỏ, vẫn còn chờ hai bố con chúng nó cảm ơn ông chắc? Ông thấy hai bố con chúng nó có ai biết sĩ diện không?”
Tô Hạc Đình xuống cầu thang.
Vợ chú ta ới về phía cửa: “Nhóc Tô, lần sau không có cơm ăn thì cứ đứng chờ đầu ngõ nhé, ở đây có mấy trăm hộ lận, con không đói được đâu!”
Gió rét căm căm nhưng Tô Hạc Đình lại thấy mặt mình nóng rần.
Cậu chạy một mạch ra đầu ngõ, băng qua đường rồi lao vào nhà trong ánh hừng đông.
Ông Tô đang nằm kềnh trên giường, ngáy khò khò ngủ.
Tô Hạc Đình thở hồng hộc, cậu gọi: “Này.”
Ông Tô không phản ứng.
Tô Hạc Đình nhào tới đập ông ta hai cái, kêu: “Này!”
Ông Tô sực tỉnh, tưởng đám đòi nợ tới nên lăn bật dậy ngay, thấy là Tô Hạc Đình thì lại thở phào nhẹ nhõm.
Ông ta mới hỏi: “Bánh bao đâu rồi?”
Tô Hạc Đình chất vấn: “Sao ba không đi làm?”
Ông Tô nằm vật ra giường dang hai tay ra, nói: “Ba đang đi làm mà, chờ người ta sắp xếp xong cho ba là chúng ta có thể chuyển nhà rồi.” Ông nghiêng đầu phấn khởi nhìn Tô Hạc Đình, chừng như chẳng mảy may phiền muộn, “Đến lúc đó con muốn nhà hoành tráng cỡ nào ba cũng tậu được.”
Tô Hạc Đình thình lình cởi áo khoác quẳng về phía ông Tô.
Ông Tô bắt lấy áo khoác, hỏi: “Làm sao đấy?”
Mắt Tô Hạc Đình thấm thoắt đỏ hoe: “Đồ lừa đảo!”
Bọn họ lênh đênh như ngọn bèo chân sóng, lần nào ông Tô cũng bảo Tô Hạc Đình thế.
Ông ta tưởng mình là thiên tài, nhung nhớ mãi thành công ngày xưa, đến tận bây giờ vẫn không chịu cúi mặt xuống nhìn vào thực tế.
Ông ta chớp chớp mắt, đáp: “Đúng thế, ba là đồ lừa đảo, con cũng là nhóc lừa đảo đó.”
Tô Hạc Đình nói: “Trả tiền.”
Ông Tô đỡ trán, nói: “Trả mà trả mà, kiếm được chắc chắn sẽ trả, nhưng bây giờ vẫn chưa kiếm xong, con đừng giục ba, ba… ba cũng sốt ruột lắm chứ bộ.”
Vừa nói ông ta vừa trở mình, quay mặt vào tường.
Trong nhà không bật đèn, mùi ẩm mốc thoang thoảng.
Bộ Âu phục đắt tiền của ông Tô treo trên tường, máy tính vẫn đang sáng.
Hồi lâu sau ông Tô quay lại, nở nụ cười mơ hồ với Tô Hạc Đình trong bóng tối, bảo: “Con đừng giận, ba đưa con đi làm nhé?”
Ông ta đứng dậy mặc bộ Âu phục vào, thắt cà vạt rồi dắt Tô Hạc Đình đến khu giải trí gần đó.
Ông ta để Tô Hạc Đình ngồi trên ghế, còn mình thì dùng trăm đồng chơi một ván bi-a với người lạ.
Đánh đến chiều thì kiếm được năm trăm đồng, ông ta đưa tiền cho Tô Hạc Đình rồi bảo: “Đi chơi đi.”
Ông ta ngồi xổm xuống hất hàm, trong mắt Tô Hạc Đình dáng vẻ ấy ngập tự mãn như mong giành lại được sự tự tin trước mặt con trai.
Tô Hạc Đình đưa tiền lại cho ông Tô, nói: “Trả tiền.”
“Ầy,” ông Tô chọc ngón tay vào má cậu, “ba biết rồi, ba trả mà.
Năm trăm đồng này là cho con, con cầm nghĩ cách tiêu đi, nhé?”
Má Tô Hạc Đình bị chọc phồng lên, cậu cúi mặt nhìn năm trăm đồng, nhớ tới lời vợ chú giao sữa, cùng cả những vệt sữa bắn lên áo khoác mình.
Ông Tô thu tay về kéo khóe môi mình lên: “Con vui lên đi mà.”
Tô Hạc Đình hỏi khẽ: “… Ba trả thật hả?”
Ông Tô nói: “Ừa, ba thề đó.”
Ông Tô kéo Tô Hạc Đình chơi thêm một lúc nữa.
Tô Hạc Đình ngồi trên ghế, chân chới với gần chạm đất.
Cậu hay ngồi cạnh ông Tô nhìn ông Tô chơi trò chơi hoặc giải dữ liệu.
Thỉnh thoảng bị kẹt ở chỗ khó ông Tô sẽ đưa cho cậu.
Cậu đặc biệt chuyên tâm việc này, tiếc là khi ấy chẳng ai cho cậu biết thế tức là sao.
Ông Tô là người thiếu kiên nhẫn, chơi được nửa chừng thì thôi.
Ông ta đánh bi-a rất khá, sắp sửa thắng thêm mấy ván nữa.
Tô Hạc Đình ngồi một mình trước máy chơi game, nhìn ba mình huyên thuyên tán dóc với người lạ.
Khoảng mười giờ, trời bên ngoài tối sầm, mưa kéo tới.
Người trong phòng game càng lúc càng đông, khói lượn lờ khắp phòng.
Tô Hạc Đình đói bụng, cậu nghe thấy tiếng ông Tô đánh bóng “cốp”.
Người vây xem đồng loạt hoan hô, nhưng ngay sau đó lại một tiếng “cốp” nữa vang lên.
Tiếng “cốp” này vang hơn tiếng bóng va chạm, đây là tiếng đạn bắn trúng gậy bi-a.
Những tiếng gào thét chói tai trỗi dậy trong phòng, người người chen chúc trong cơn hoảng loạn.
Tô Hạc Đình bị dồn vào trong góc.
Giữa những bóng người trùng điệp, cậu cất tiếng gọi “Ba”, chẳng mấy chốc sau, ba cậu bị ai đó dùng báng súng dộng ngã nhào xuống đất.
Miệng ông Tô sặc máu, răng bị dộng cho rụng cả ra.
Ông ta lắm chủ nợ quá nên chẳng nhớ nổi đối phương là ai.
Ông ta nằm gục trên đất, tay bị xách dậy, lúc nghe thấy hai chữ “trả tiền” vẫn còn cười được, đáp bằng cái giọng cố hữu: “Dạo này tôi—”.
========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1.
Tình Đầu Ngọt Ngào
2.
Mưu Đồ Dụ Dỗ (Kết Hôn Rồi Dụ Dỗ Em)
3.
Hồ Ly Nhỏ Trong Tay Đô Đốc Ác Ma
4.
Trùng Sinh Để Gặp Người
=====================================
Đối phương thụi cho ông ta một cú đấm rồi túm tóc ông ta dậy, nói: “Thiếu nợ thì trả là lẽ đương nhiên.
Mày mơ đẹp quá đấy, phủi mông một cái là biến đi luôn, đùn mấy trăm ngàn nợ cho bọn tao.”
Ông Tô chảy máu mũi ròng ròng mà không có tay để lau, chỉ có thể khịt vào thật lực hai cái, ánh mắt đảo láo liên đến Tô Hạc Đình rồi lại dứt đi, nói: “Giải thích sao giờ, lúc đó cấp bách quá nên mới phải dùng tạm cách đó.
Dạo này tôi mới làm một món mới đấy, hay là mấy anh cầm đi mà bán cho khu Quang Quỹ.”
Đối phương ngồi xổm xuống rút dao găm ra, vỗ cán dao vào má ông ta, nói: “Giờ làm gì có ai không biết mấy thứ mày làm toàn đồ vứt đi? Thời thế thay đổi rồi, khu Quang Quỹ không cần loại phế vật như mày nữa đâu, không ai thèm đồ của mày cả.”
Máu mũi ông Tô sắp chảy ra đất, ông ta nói: “Sao biết được, hệ thống không thể thay thế con người, tôi tinh hơn chúng nó nhiều, tôi phân biệt được hàng nào…”
Đối phương: “Đừng có lảm nhảm nữa.”
Tô Hạc Đình bị xách dậy lôi đến trước mặt.
Cậu siết chặt năm trăm đồng, vẫn không hiểu tình hình nghiêm trọng đến mức nào, ánh mắt cậu như một con thú nhỏ đang hoảng sợ.
Đối phương bẻ hai ngón tay của ông Tô, trong tiếng kêu đau đớn của ông Tô, gã ta thủng thẳng bảo: “Tao nghe nói con trai mày giải được đề của hệ thống.”
Ông Tô đau đến nỗi nói không nên một câu hoàn chỉnh, vừa thở hổn hển vừa hoảng hốt chối: “Nó mới có tí tuổi thôi mà? Tôi giải, toàn là tôi giải hết!”
Đối phương nói: “Thế sao? Thế thì nó đã ăn hại lại còn là con hoang, để tao giải quyết hộ mày.”
Họng súng dí vào đầu Tô Hạc Đình, tiếng lên đạn vang lên cach cách khiến ông Tô rú lên.
Chẳng biết vì đau hay vì sợ, ông ta bật thốt: “Khoan đã!”
Ông ta nhìn Tô Hạc Đình, cặp mắt loang loáng lưng tròng nước mắt.
Tô Hạc Đình chưa bao giờ thấy ông Tô khóc, cậu bèn lấy năm trăm đồng nọ trong túi ra vội vàng đưa cho đối phương.
Đối phương lại nói: “Năm trăm đồng không đủ đâu, mày thì còn có thể.”
Ông Tô nghẹn ngào: “Đừng mà.”
Đối phương: “Không thì thế nào? Mày chịu cắt ngón tay phải cho tao không? Nếu mày làm được thì xí xóa nợ, tao sẽ cầm ngón tay đi xin lỗi khách.
Nếu không tao lấy con mày đi trả nợ.”
Ông Tô nói: “Tôi làm được!”
Đối phương đưa con dao qua, chỉ vào ngón giữa tay phải của ông Tô: “Rồi, bắt đầu từ ngón này đi.”
Ông Tô cầm dao lên, dằn lòng cắt xuống.
Cơn đau thấu tim khiến nước mắt nước mũi ông chảy tèm lem, máu tung tóe lên mặt.
Đối phương nói: “Đủ đàn ông thì thêm ngón nữa đi.”
Bàn tay đang nắm tiền của Tô Hạc Đình run lên, cậu vứt tiền đi xông tới nhưng lại bị xách dậy.
Cậu gào: “Ba!”
Ông Tô nghiến chặt răng nhắm con dao vào ngón trỏ của mình.
Ông dồn lực—con dao khựng lại giữa không trung, họng ông ta trào ra tiếng khóc nức nở, máu hòa chung với nước mũi, giây lát sau ông ta đột ngột buông dao òa khóc: “Tôi sẽ trả tiền mà, tôi sẽ tìm cách trả tiền cho anh mà!”
Đối phương nói: “Tao đã bảo rồi, mày cắt xong thì tao đi, không thì mày mất con.
Mày sợ đau hả? Được thôi, để tao giúp mày.”
Gã nhặt con dao lên nhắm vào ngón trỏ của ông Tô rồi cắt phập xuống.
Ông Tô lại gào lên thảm thiết khiến Tô Hạc Đình run bần bật.
Đối phương nói: “Còn ba ngón nữa.”
Ông Tô ôm tay lắc đầu bạt mạng.
Ông ta há miệng, mồ hôi chảy ròng ròng lẫn nước mắt, rồi ông ta nói: “Đưa đi đi.”
Câu ấy tựa một lời nguyền khiến ông ta đau đớn đến nỗi chẳng thiết sống nữa.
Ông ta nhắm mắt lại, không dám nhìn Tô Hạc Đình, nặng nề dập trán xuống đất, giọng run rẩy.
“… Đưa con trai tôi đi đi.”
Cơn mưa cuối thu đổ từng giọt xuống đất, chẳng mấy chốc đã tụ thành một vũng nước.
Tô Hạc Đình là ngón tay bị ông Tô cắt đi, cậu đứng dầm mưa, nghe tiếng ông Tô gào khóc ở sau lưng..