Quy Hạc viên, Phan phủ, hội thơ Chỉ Thủy cũng đã bắt đầu.
Tiếng nhạc ngân nga, từng bài từ được mọi người chuyền đi chuyền lại, giọng ca nữ nhẹ nhàng ngâm nga những bài xuất sắc nhất đêm nay. So với hội thơ Bộc Viên, bầu không khí nơi đây nghiêm túc hơn bởi có nhiều nhân vật quan trọng, nhưng các màn biểu diễn vẫn làm cho bầu không khí sôi động mà không mất đi vẻ tao nhã.
Quy Hạc viên là một khu vườn được trang trí tinh mỹ, như lâm viên có một phong vận tự nhiên, các hong non bộ giả sơn, lang viện đình đài từng khối từng khối được trang trí đèn hoa. Lúc này mọi người đang tụ tập, yến hội tổ chức giữa vườn, nữ nhân ngồi một bên, thư sinh một bên, chủ nhân cùng những lão giả uyên bác có danh có tiếng ngồi cùng một bên. Không có sân khấu chuyên dụng mà ca vũ được bố trí biểu diễn đây đó trong vườn sao cho thật tự nhiên, tạo cho người xem có ấn tượng sâu sắc. Tham gia hội thơ, phần nhiều là người có danh tiếng khá thịnh, hiển nhiên có không ít tư tâm hàm chứa trong đó.
Trong hội thơ hiển nhiên cũng có: đố đèn, biểu diễn, ngắm trăng, thậm chí cũng không ít cao nhân uyên bác lên phát biểu; như chủ nhân Phan Quang Ngạn, thậm chí là tri phủ Giang Ninh sau lúc khai mạc cũng tới nói những lời có cánh như “Chư vị chính là tài năng lương đống quốc gia..”, để chứng minh vị thế của hội thơ Chỉ Thủy. Đương nhiên, bởi đêm nay là một đêm cuồng hoan, đề phòng trong thành phát sinh chuyện, tri phủ vẫn phải tọa trấn ở nha môn theo thông lệ, không thể ở lâu nên vội vã rời đi sớm.
Trong hội thơ, nếu tài tử nào có được tác phẩm xuất sắc, đa phần sẽ tự đứng dậy giới thiệu ọi người bình luận. Cách mỗi đoạn thời gian lại có người đưa tới những bài từ chất lượng, chuyền tay giấy tiên ọi người cùng đọc. Nếu có bài thật hay, hoặc có cách nhìn mới lạ cũng có người đứng lên ngâm xướng một phen rồi cùng bình luận với mọi người. Đám người Phan Quang Ngạn tất nhiên sẽ có bình.
Tần lão ngồi hơi nghiêng, người ăn mặc sang trọng ngồi bên cạnh lão là Khang Hiền, chính là người hay đấu võ mồm cùng Ninh Nghị. Tên chữ của lão là Minh Duẫn nên rất nhiều người gọi lão là Minh công. Bối cảnh của lão phức tạp, phú quý không thiếu, kể cả xét trên phương diện tu dưỡng văn học và nho học thì cũng xứng đáng với hai tiếng Minh công mà mọi người gọi. Trong mấy chục tài tử ở đây có vài ba kẻ đã từng được lão dạy dỗ, gọi lão bằng thầy. Khang lão là người luôn nghiêm khắc, mọi người thường ngày có đôi chút sợ hãi, nhưng đêm nay lão vẫn chưa phê bình ai, kỳ thực chất lượng hội thơ Chỉ Thủy đêm nay đã đủ cho lão thỏa mãn.
Lúc này Khang lão đang cùng Tần lão trao đổi, đến giờ này thơ thực sự hay cũng đã xuất ra, hai người đang thì thầm bàn luận về chuyện đó.
- Thu phân nhất dạ đình, Âm phách tối tinh huỳnh. Hảo thị sinh thương hải, Từ khán lịch yểu minh. Tầng không nghi tẩy sắc, Vạn quái tưởng tiềm hình. Tha tịch vô tương loại, Thần kê bất khả thính.. (1)
Tần công, bài “Trung thu đối nguyệt” của Lý Tần bên hội thơ Lệ Xuyên này đúng là tài hoa hơn người, tuy nói “văn vô đệ nhất”, nhưng ta e bài thơ này sẽ làm náo động đêm nay.
- Lại kiểu âm hồn quỷ quái, xem ra là đi con đường không chính đạo nhưng cũng tạo được cảm giác khí khái, làm cho tâm tư khuấy động, không một chút quỷ quyệt. Bài thơ này có hơi hướm thời Đường, Lý Tần Lý Đức Tân (2) quả thực đã gia nhập hàng ngũ đại gia rồi. Nhưng Minh công ông vốn nghiêm khắc kỷ luật, hội thơ hôm nay thực ra cũng được mấy bài hay, à, như bài mới làm này chẳng hạn.
Tần lão cười cầm lấy một bài:
- “Bích thiên như thủy, trạm ngân hoàng thanh thiển, kim ba rừng triệt. Nghi thị hằng nga tương bảo giám, cao quải nghiễm hàn cung khuyết. Lâm diệp ngâm thu, liêm long như họa, đan quế hương phong phát. Niên niên kim tịch, dữu lâu thử hưng thanh tuyệt..” (3) Ông cũng không nên bất công mới phải?
- Ha hả, ta với ông đều không phải người chấm, chỉ là tùy tâm bình thưởng nào có chuyện bất công được. Ờ, bài từ này đúng là không tệ..
- Theo cách nhìn của ta, hai bài hay nhất tối nay đều ở chỗ này.
Tần lão luôn luôn kín đáo, tối nay hầu như không đưa ra lời bình công khai, chỉ khi chuyện phiếm với bằng hữu mới đưa ra nhận xét. Trên thực tế, Tào Quan Tào Tông Thần của hội thơ Chỉ Thủy và Lý Tần Lý Đức Tân của hội thơ Lệ Xuyên lúc này đúng là hai nhân vật nổi trội hàng đầu trong những tài tử nổi danh ở Giang Ninh. Phần lớn mọi người ở dưới kia cũng lấy thơ từ của bọn họ để đối chiếu, mặc dù nói “văn vô đệ nhất” nhưng chỉ là những lời tranh hơi trên đầu lưỡi.
Lúc này mọi người đang bình thơ luận phú, Phan Quang Ngạn đang nói cười cùng với Tào Quan. Một lát sau có người đưa tới mấy bài thơ mới, chia làm ba ọi người chuyền xem.
Thơ thực sự có thể đăng đường nhập thất tới lúc này căn bản là không còn nữa, nhưng bài hay thì vẫn còn, mọi người vừa vui vẻ bàn tán vừa chuyền tay, có một tờ chuyền tới chỗ Tần lão cùng Khang lão. Tần lão cầm lên nhìn, rồi nở nụ cười.
- Hả? Sao thế?
Khang Hiền hỏi.
- Ha hả, không ngờ bên hội thơ Bộc Viên cũng có một bài không tệ, ông xem thử xem.
- Ồ? Bộc Viên.
Khang lão cũng nở nụ cười cầm bài thơ lên đọc một lần, rồi lại nhìn xuống cái tên “Tiết Tiến” ký ở dưới rồi lắc đầu thả xuống:
- Trung bình, cũng tạm coi được nhưng không có gì mới mẻ.
Lúc này ở dưới có người hô lên:
- Chư vị, không ngờ bên Lệ Xuyên lại ra thêm được một bài hay, theo suy nghĩ của tại hạ, bài này quả thực cũng không tệ lắm.
Có người nhận ra y nên hô lớn:
- Vậy đọc lên xem nào.
Người kia gật đầu một cái, rồi bắt đầu:
- Bài này sáng tác trên khúc Thủy điệu, mời các vị nghe: “Thu vũ tinh như thủy, nguyệt kính bất an đài. Úc cô cao xử trương mạc, ngữ tiếu thoát phân ai..” (4)
Đọc đến đây, tựa như cảm nhận được điều gì y quay đầu lại nhìn Phan Quang Ngạn cùng các lão đại gia đang ở trên đài, một lão giả lúc này bất ngờ đứng dậy, tay cầm giấy vội vã tiến đến chỗ Phan Quang Ngạn, ngón tay gõ gõ vào tờ giấy, miệng như đang lẩm nhẩm đọc thơ. Lão giả này cũng có giao tình với hai lão Tần Khang, thấy vậy Phan Quang Ngạn đứng dậy đón, lão giả đang tiến đến bèn đặt tờ giấy xuống, cất giọng không lớn nói với mấy người xung quanh:
- Mời chư vị lại xem bài thơ này.
Đây cũng là một bài thơ sáng tác theo khúc Thủy điệu, thấy trên đài có chuyện, người đang đọc thơ kia hơi ngẩn người, Phan Quang Ngạn nhận ra bèn mỉm cười vẫy vẫy tay, ra hiệu hãy ngâm tiếp mà không lập tức đọc tờ giấy. Đợi cho người kia ngâm xong và ngồi xuống trở lại, lão mới vui vẻ bình luận vài câu rồi cầm tờ giấy tiên lên đọc. Sau một lát miệng cũng lẩm nhẩm, mày nhíu lại, mọi người dưới đài kể cả mấy nữ nhân cũng hướng bên này chờ đợi.
- Hạc ông, nếu là bài thơ hay vậy ngâm luôn đi, bao nhiêu người ở đây đang chờ. Thật không công bằng chút nào cả.
Bụng dạ Phan Quang Ngạn cũng rất rộng rãi, là người đứng đầu mọi người Tào Quan vừa cười vừa nói, mọi người xung quanh cũng cười vui vẻ, trong nhất thời bầu không khí hòa hoãn trở lại. Phan Quang Ngạn cười cười:
- Cũng là một bài Thủy điệu ca đầu.. vậy để ta xướng lên ọi người cùng nghe:
Mấy lúc có trăng thanh?
Cất chén hỏi trời xanh:
"Cung khuyết trên chính từng,
Ðêm nay là đêm nào?"
Ta muốn cưỡi gió bay lên vút,
Lại sợ lầu quỳnh cửa ngọc,
Trên cao kia lạnh buốt.
Ðứng dậy múa giỡn bóng,
Cách biệt với nhân gian!
Lời thơ bài Thủy điệu ca đầu vang lên nơi đình viện, chưa ngâm được một nửa những người có mặt nơi đây đã hoàn toàn lặng tiếng. Phan Quang Ngạn vốn là văn đàn đại nho, lúc này án theo làn điệu tập trung ngâm nga, giọng ngâm tuy không nhanh nhưng rất hợp với từ ngữ cùng ý cảnh, một hơi liền lạc.
Mọi người ngồi đây vốn đều xuất khẩu thành thơ, mới chỉ nghe đến đó đã thấy ý cảnh của bài thơ này kỳ ảo, đại khí, cổ xưa. Thơ văn thuở ban đầu đơn giản, nhưng bây giờ văn đàn hưng thịnh, các loại thơ từ không khỏi truy cầu sự phức tạp, phải có luận điệu cùng giai điệu. Nếu là thơ vịnh nguyệt, vậy không một chữ nguyệt xuất hiện mới là thơ hay. Bài từ này nhập đề ngay từ lúc mở đầu “Mấy lúc có trăng thanh?”, nhưng phối hợp với câu tiếp lại khiến cho ý cảnh trở nên mênh mang, mà sang tới đoạn “Cung khuyết trên chính từng” thì ý cảnh đã mở ra hoàn toàn tự nhiên, không một chút nào đột ngột, từ dòng suối róc rách đã trở thành cao sơn lưu thủy. Đến câu tiếp theo “Ta muốn cưỡi gió bay lên vút” thì đã trực tiếp chuyển hóa nửa ý cảnh mênh mang nhưng khuyết thiếu của câu trên trở thành trường giang sông rộng tuôn trào vào biển lớn một cách kỳ ảo không chút gượng ép. Mới chỉ có vài câu đã khiến cái thần khí trở nên mênh mang sảng khoái như đang ở tiên cung lầu ngọc.
Từ triều Đường tới nay, sau mấy trăm năm phát triển, tác phẩm có ý cảnh phóng khoáng sâu xa cũng rất nhiều, nhưng cho tới bây giờ đại đa số các tác phẩm đều đi theo hướng biến hóa phức tạp tới cùng tận, cũng có những bài đạt tới mức phản phác quy chân, hoặc giản đơn hoặc phức tạp mỗi bài một đặc điểm, nhưng ý cảnh có thể đạt tới như bài này không có được bao nhiêu, ý cảnh bài này nương theo thơ mà biến hóa phát triển, chuyển hóa cử trọng nhược khinh tự nhiên chí cực. Cho dù là trong thời Sơ Đường thịnh thế, văn thơ phóng khoáng như thiên mã hành không cũng không thể có phong cách phóng khoáng mà không rời xa chủ đề đến được như thế, chỉ bằng mấy câu đầu bài Thủy điệu ca đầu này đã triển lộ tẫn tuyệt khí độ của một bậc đại gia. Phan Quang Ngạn ngừng lại một chút, ngẩng đầu nhìn đám tài tử ở phía dưới rồi mới đọc tiếp nửa dưới:
Trăng quanh gác tía,
Cuối xuống cửa son,
Dòm kẻ thao thức,
Chẳng nên ân hận,
Sao cứ biệt li thì trăng tròn?
Ðời người vui buồn li hợp,
Trăng cũng đầy vơi mờ tỏ,
Xưa nay đâu có vạn toàn.
Chỉ nguyện đời ta trường cửu,
Bay ngàn dặm cùng với thuyền quyên
Chỉ nguyện đời ta trường cửu,
Bay ngàn dặm cùng với thuyền quyên.
(Dịch thơ: Nguyễn Hiến Lê)
Sau khi đọc xong một lượt, Phan Quang Ngạn lại thì thầm lặp lại câu cuối rồi nhìn mọi người, xung quanh không ngừng có người gật gù tán thưởng, thật lâu sau mới tán thán:
- Hay tuyệt!
Lúc này trong vườn mọi người nhìn nhau vài lần, có người thì thầm lẩm nhẩm ngâm lại, yên tĩnh dị thường. Thực tế là những bài từ khác cũng chỉ được một thời gian, nhưng mị lực của bài Thủy điệu ca đầu này truyền lưu cả ngàn năm mà không phai nhạt. Đời sau thậm chí còn có lời bình: “Vịnh Trung thu, tự khi Thủy điệu ca đầu xuất thế, các bài khác đều bỏ.” Ở đây mọi người đều là cùng thời, bọn họ nghiên cứu văn thơ mấy chục năm, thậm chí cả đời, lúc vừa nghe xong đột nhiên cảm thấy cũng chính là loại khí thế như vậy.
Trong bầu không khí như vậy, Khang lão ở bên đưa tay cầm lấy tờ giấy tiên, đầu tiên là đọc một lần rồi chậm rãi gật đầu. Một lát sau lại đọc lại, tựa như có gì đó đáng chú ý mà mở trừng hai mắt “ồ” lên một tiếng, sau đó lại nhíu mày như đang suy nghĩ chuyện gì, vẻ mặt rất sống động. Nhận ra bộ dáng của lão, vốn đang chìm trong bài từ, Tần lão quay đầu trở lại:
- Chuyện gì thế?
- A.. Ngài lại nhìn xem.
Lão đưa tờ giấy tiên tới, Tần lão híp mắt đọc từng chữ từng chữ, từ câu “Mấy lúc có trăng thanh?” cho tới đoạn “Bay ngàn dặm cùng với thuyền quyên” vẫn chưa phát hiện có chỗ nào không ổn. Đúng là tuyệt diệu, lão thở ra một hơi, nhẹ nhàng lắc đầu sau đó ánh mắt mơ màng ngừng lại một chút.
Phía dưới bài từ vẫn còn vài chữ, nhưng bởi mọi người vẫn còn đang cảm nhận bài thơ, mới vừa rồi Phan Quang Ngạn đọc cũng không chú ý.
Ở phía dưới tờ giấy tiên có dòng đề tên, không ngờ viết bảy chữ.
Tô phủ.
Ninh Nghị.
Ninh Lập Hằng.
Tần lão ngẩn người rồi liếc nhìn Khang lão, lát sau phá ra cười.
- Ha ha...
Trong tiểu lâu ở Tô phủ, Ninh Nghị đang bò dậy uống nước đột nhiên hắt xì một cái rõ to, thiếu chút nữa thì bị sặc. Gã mơ mơ màng màng quay trở lại ngủ, kéo chăn thật kín.
Dào, không phải cảm mạo lại nặng thêm đấy chứ..
--------------
(1) Tạm dịch nghĩa: Tiết thu một đêm dừng, âm phách vàng rực nhất, cả một đời dâu bể, dường như mờ mờ lộ, tầng không như tẩy sắc, vạn quái muốn ẩn hình, tịch liêu quên pháp tướng, tiếng gà như không nghe..
(2) Lý Tần: 李頻 (818-876) tự Đức Tân 德新, người Thọ Xương 壽昌, Mục Châu 睦州 (nay là Lý Gia 李家, Kiến Đức 建德, Trung Quốc), đỗ tiến sĩ năm Đại Trung thứ 8 (854)
(3) Tạm dịch nghĩa: Trời xanh như nước, đầm nước bạc vàng xanh, sóng vàng rất rõ, cứ tưởng Hằng Nga là bảo giám, trên cao nơi cung khuyết, lá rừng mùa thu, rủ như tranh vẽ, gió đưa hương quế thơm, khuya đêm hàng năm, cùng tòa nhà nổi bật..
(4) Tạm dịch nghĩa: Mưa thu trong như nước, gương trăng không yên ả. Cô độc nơi cao xứ, giọng cười xả bi ai..