Hằng đêm, chiếc tủ lạnh kiểu cũ trong bếp luôn phát ra tiếng ong ong buồn tẻ.
Một bộ phận nào đó bị hư, máy nén cứ 10 phút lại khởi động một lần.
Tôi đã báo cho chủ nhà nhiều lần, ông ta không chịu thuê người sửa.
Nguyên nhân là, thứ nhất, khởi động thường xuyên cũng không có nghĩa tủ lạnh không làm việc được.
Hoàn toàn ngược lại, chiếc tủ lạnh này vẫn lạnh như bình thường.
Thứ hai, tiền sửa tủ lạnh rất mắc, không bằng mua cái mới luôn, ông ta cũng không giàu có, không đồng ý tốn số tiền này.
Tôi không thể chìm vào giấc ngủ trong tiếng ong ong, đành phải nghiên cứu hình vẽ trên trần nhà.
Vào nửa đêm, tôi luôn đi tìm đồ ăn trong tủ lạnh.
Nghĩ rằng nhét đầy bụng rồi thì sẽ buồn ngủ, nằm trằn trọc trên giường, mãi cho tới hừng đông.
Hai tuần liên tục, tôi không nhận được cuộc điện thoại nào của Lịch Xuyên.
Mỗi lần gọi cho anh đều là y tá tiếp.
Tôi gửi tin nhắn cho René, René nói cho tôi biết, bệnh tình của Lịch Xuyên không ổn định, lúc nặng lúc nhẹ, thường xuyên sốt, phản ứng với thuốc cũng rất lớn, cho nên mãi không xuất viện được.
Ưu điểm lớn nhất của René chính là vô cùng thành thật, nếu có việc nào đó René cho rằng mình không thể nói, thì René sẽ giấu diếm, nhưng sẽ không gạt tôi.
Mất ngủ hai tuần liên tục, tôi bị đau nửa đầu.
Tật xấu này hồi tôi thức đêm viết luận văn hoặc dịch tài liệu cũng có, nhưng chỉ cần hết áp lực, bệnh tình sẽ lập tức biến mất.
Lần này lại không như vậy, phát bệnh lên thì nửa đầu sẽ đau gần chết, giống như bị rút gân vậy.
Lúc tan tầm hôm thứ ba, đầu tôi đau vô cùng, mua một lọ Baiasipiling, tiện đường tới một chỗ mát xa người mù trong khu tôi ở.
Người mát xa họ Từ, làm ở vùng này hơn 7 năm.
Người trong khu, đặc biệt là mấy ông bà già, đều biết anh ta.
Từ tiên sinh đến Bắc Kinh làm mướn từ một thị trấn nhỏ ở Hồ Nam, ngoại trừ hai mắt mù ra, vóc người cao lớn, rõ ràng là một người làm được việc.
Dựa vào khả năng mát xa của mình, thuê một căn hộ trong khu, mở cửa hàng.
Anh ta làm không nhanh không chậm, mệt mỏi liền đóng cửa nghỉ vài ngày, ra ngoài uống trà nghỉ ngơi, không tham làm nhiều.
Cho nên, không kiếm được nhiều tiền lắm.
Nhưng tay nghề của anh ta cao siêu, phục vụ chu đáo, khách quen hay tới, một ngày mười mấy tiếng, đều sắp xếp chật ních.
Thật ra quanh khu cũng có khá nhiều chỗ mát xa, mọi người cũng không thấy anh ta đặc biệt gì, vì giá rẻ, mới có nhiều người tới.
Nhưng năm trước trong khu lại nổi lên một tin tức về anh ta.
Anh ta cưới một cô gái trong khu này làm vợ.
Cô gái đó mặc dù từng ly hôn, nhưng bề ngoài khá được, tuổi lại nhỏ hơn anh ta, hơn nữa lại là giảng viên đại học.
Mọi người đều cảm thấy Từ tiên sinh có phúc lớn.
“Thả lỏng, thả lỏng vai.
Tôi sẽ ấn vai trước, sau đó ấn gáy, ấn đầu…toàn bộ quá trình cô đều có thể nhắm mắt lại.” Từ tiên sinh dùng tiếng phổ thông kiểu Hồ Nam thôi miên tôi.
“Dạo đây tôi luôn mất ngủ, đau đầu.”
“Uống thuốc chưa?”
“Thuốc ngủ, Baiasipiling có tính không?”
“Tính, nếu quá nghiêm trọng thì gặp bác sĩ.” Anh ta nói “Lâu rồi cô không tới, cũng gần nửa năm rồi thì phải.” thì ra anh ta nhận ra giọng tôi.
Tôi nhìn thấy trên hai khuỷu tay anh ta có hai vết chai màu đen, to bằng quả trứng gà.
Mấy năm nay có lẽ anh ta ấn tới vài vạn người rồi.
Ngón tay anh ta mềm mại, có khi lại vô cùng cứng rắn, chậm rãi vuốt ve các mạch máu của tôi.
Tôi đang định nhắm mắt lại, bỗng nhiên thấy trên cửa sổ có một chiếc chuồng chó, bên trong lại có một con chó nhỏ.
Chihuahua.
Tôi không có hứng thú cho lắm với chó, nhưng tôi biết Emma thích chó, chị cũng nuôi một con Chihuahua, nói là giá rất mắc, hằng tháng cũng tốn không ít tiền chăm sóc cho nó.
Cũng không phải Emma nuôi không nổi, nhưng lúc ăn cơm trưa hay oán giận, nói loại chó này quen chiều chuộng, rất khó hầu hạ.
Tôi nhịn không được hỏi anh ta : “A, anh có một con Chihuahua?”
“Đúng vậy.” anh ta rất đắc ý “Có phải nó đáng yêu lắm không?”
“Chắc là mắc lắm!”
“Một chút, mấy nghìn tệ.”
Trời à, tôi tính thầm trong lòng, mấy nghìn tệ, anh ta phải ấn bao nhiêu người mới gỡ lại được.
“Vợ anh mua à?”
“Tôi mua.
Cô ấy thích nên tôi mua.
Mỗi ngày chúng tôi đi dạo đều dẫn nó theo.
Con chó này quá nhỏ, lần trước xém chút nữa làm mất nó.”
Khuôn mặt anh ta tràn đầy hạnh phúc.
Tôi nặng nề thở dài một hơi, hỏi : “Từ đại ca, hồi trước lúc yêu đương, là anh theo đuổi vợ anh, hay là vợ anh theo đuổi anh?”
“Cô ấy theo đuổi tôi, theo đuổi vô cùng sít sao.” Môi anh ta cong lên, dùng giọng điệu trêu ghẹo.
“Vậy anh, có theo đuổi cô ấy chút nào không?”
“Không, căn bản không có.
Tôi là người tỉnh ngoài, lại là người mù, dựa vào bàn tay mình để kiếm tiền, đủ để nuôi sống bản thân liền thỏa mãn.
Vợ con cái gì, mơ cũng không dám.”
“Nói như vậy, anh cự tuyệt cô ấy?”
“Ừm…đại loại vậy.
Sau đó chúng tôi lại ở bên nhau, cũng không phân biệt được là ai theo đuổi ai.”
“Đại ca, tôi cũng theo đuổi một người, anh ấy chết sống không đồng ý.”
“Có lẽ người ta không muốn…”
“Không phải, anh ấy bị bệnh, không muốn liên lụy tôi.”
“Vậy cô cố gắng theo đuổi hơn.”
“Tôi cố gắng, cách gì cũng dùng rồi, nhưng người ta vẫn không để ý tới tôi.”
Từ tiên sinh dừng tay lại, đứng trước mặt tôi, dùng con ngươi trống trơn mờ mịt nhìn tôi : “Người ta không để ý tới cô, chẳng lẽ cô cũng không thèm để ý người ta nữa à? Tôi cảm thấy, cô vẫn chưa cố hết sức.”
Đối với Lịch Xuyên như thế nào, mới tính là hết sức?
Đi ra chỗ mát xa, tôi đi thẳng về nhà mình, mở ngăn kéo lấy hộ chiếu ra.
Mấy tháng trước, lúc vẫn ở Cửu Thông, Đường Ngọc Liên – người thích xuất ngoại – làm giúp tôi một quyển hộ chiếu.
Đường Ngọc Liên nói cô ta có liên hệ với vài công ty du lịch, hỏi tôi lúc rảnh có muốn làm hướng dẫn viên du lịch không, kiếm được khá nhiều ngoại tệ, còn có thể đi thăm Tân Mã Thái một chút.
Ngoại tệ thì tôi có kiếm được vài lần, nhưng chưa đi Tân Mã Thái bao giờ.
Hộ chiếu vẫn chưa dùng lần nào.
Tôi gọi điện thoại cho Đường Ngọc Liên, nhờ cô ta làm visa đi Thụy Sĩ hộ tôi.
(Tân Mã Thái – tiếng lóng trong giới du lịch, chỉ 1 tour đi 3 nước, Singapore – Malaysia – Thái Lan).
Chiều hôm đó, dựa theo chỉ dẫn của Đường Ngọc Liên, tôi điền vài thứ giấy tờ, lại mua vé máy bay đi Zurich, chưa tới một tuần, visa liền làm xong.
“Cô đi Thụy Sĩ làm gì? Có nhiều chỗ hấp dẫn hơn ở Châu Âu mà, tôi giới thiệu một tour cho cô, 3 vạn đi 7 nước, thế nào?” Đường Ngọc Liên khuyên tôi trong điện thoại.
“Thăm một người bạn.”
“Chỉ ở 2 ngày 1 đêm thôi à? Quá ngắn đi? Vé máy bay đi về tốn hơn 7 nghìn đó!”
“Công việc bận rộn, không ở lâu được, lúc về còn mấy bản dịch phải due.”
“Đi đi, nhớ tới ngân hàng đổi đồng france của Thụy Sĩ, đừng đổi Euro.
Có cửa hàng không nhận euro.
Muốn tôi đặt khách sạn giúp luôn không?”
“Phiền cô cho tôi vài địa chỉ đi, phải rẻ, gần sân bay.
Nếu tôi không tìm được chỗ ở thì sẽ ở khách sạn.”
Xuất ngoại đối với nhiều người mà nói đều là việc lớn, nhưng xuất ngoại 2 ngày, với tôi cùng lắm chỉ là đi Cửu Trại Câu một chuyến mà thôi.
Tôi sắp xếp hành lý đơn giản gồm vài bộ đồ để thay, ngồi máy bay bay đi Zurich từ Bắc Kinh.
5 giờ rưỡi thứ tư xuất phát, 6 giờ sáng giờ Zurich tới nơi.
Trước khi đi, tôi gửi tin nhắn cho René trên MSN, nói cho René giờ cất cánh và mã chuyến bay của tôi, nếu tiện, thì nhờ René tới đón tôi.
Tuy rằng thời gian này Tế Xuyên và René đều trốn tránh tôi.
Nhưng mỗi lần tôi gửi tin nhắn, René đều trả lời, mặc dù câu trả lời vô cùng ngắn gọn.
Nếu René nhận được tin nhắn, cũng không cần gấp gáp, tôi chỉ xem đây là một chuyến du lịch một mình thôi.
(Cửu Trại Câu - 九寨沟 : một khu du lịch trọng điểm của Trung Quốc, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, có rất nhiều hồ đẹp).
Thật ra tôi không hy vọng sẽ được gặp Lịch Xuyên, chỉ nghĩ thầm muốn xem xem thành phố nơi Lịch Xuyên sống như thế nào, là tôi thỏa mãn rồi.
Lúc bình minh, máy bay lướt qua từng đám sương sớm và cánh rừng lá kim, đồi núi, đúng giờ tới sân bay Zurich.
Tôi không có hành lý nặng nề gì, chỉ mang theo một chiếc valy cỡ nhỏ.
Liền đi theo đám đông ngồi xe điện chuyển từ hàng số 2 sang hàng số 1 ra cổng.
Sân bay không có nhiều hành khách lắm, có vẻ vô cùng trống trải.
Ghế ngồi hình vuông, sàn cẩm thạnh lạnh lẽo, hình điêu khắc phong cách hiện đại màu đen khiến người ta cảm thấy một hương vị xa cách.
Những chiếc giá để đồ bằng thép cao cao, khung cảnh với màu xám là màu chủ đạo khiến người ta cảm thấy như lạc vào vũ trụ.
May mà lúc ngồi thang máy còn có thể nhìn thấy vách tường màu đỏ, đèn lửa ấm áp đốt trong quán bar, còn có vài bức tường kính màu xanh lục, làm cho tôi cảm giác nhớ tới Phương Đông.
Kiểm tra hải quan vô cùng thuận lợi, cổng ra đứng rất nhiều người.
Không ít người giơ cao mấy tấm bảng.
Tôi không thấy René.
Đứng ở cổng ra hơn 3 tiếng, vẫn không thấy bóng dáng René.
Tôi bắt đầu trách cứ chính mình rất lỗ mãng.
Cứ nghĩ gửi tin nhắn cho René, thì nhất định René sẽ nhận được.
Có thể René bận bịu nhiều việc, cũng có thể không mở MSN.
Huống chi René còn là con cú, ban ngày ngủ tới trưa mới tỉnh.
Rất nhanh tới buổi trưa, bụng tôi kêu to, chạy tới một tiệm cà phê nhỏ cách đó không xa mua một chiếc sandwich.
Không dám ăn trong tiệm, sợ René tới đón tôi lại tìm không thấy, vẫn đứng ở cổng ra.
Tôi đợi cho tới buổi chiều, ngồi không yên.
Chạy tới buồng điện thoại gọi cho Lịch Xuyên.
Điện thoại vang hai tiếng liền được tiếp.
“Chúc một ngày tốt lành.” Giọng nam trầm thấp tuyệt đẹp.
Có chút không bình thường nha, không phải là y tá, không ngờ lại là Lịch Xuyên trực tiếp tiếp điện thoại.
“Lịch Xuyên!”
“Tiểu Thu?” âm cuối hơi cao lên, giọng điệu thật giật mình.
“Ừ, là em.
Em có việc muốn tìm René, anh có số điện thoại của cậu ấy không?”
“Có,” anh nói “René và Tế Xuyên đi Ý, em tìm cậu ấy có việc gì gấp không?”
Tôi ngây đơ : “René…ở Ý? Em…không có việc gấp gì, …là chuyện phiên dịch thôi.”
“Cậu ấy mới đi hôm qua.” Anh dừng một chút, nói “Nếu là chuyện phiên dịch, em tìm anh cũng giống nhau.”
“Không liên quan gì tới anh, tạm biệt, nói chuyện sau.” Tôi chuẩn bị gác điện thoại.
“Đợi chút!” bên kia truyền tới một tiếng hét lớn.
“Chuyện gì?”
“Tiểu Thu, em đang ở đâu?” anh âm trầm hỏi.
“Còn ở đâu nữa? Bắc Kinh, văn phòng CGP.”
“Tại sao ID trên điện thoại anh lại ghi sân bay Zurich?”
Xong rồi, lòi chuyện rồi! Huhu! Tôi thề thốt phủ nhận : “Không thể nào, rõ ràng em ở Bắc Kinh.
Điện thoại của anh bị gì rồi, em gác máy đây–”
“Tạ Tiểu Thu, không được gác máy!” Lịch Xuyên ở đầu bên kia không kiên nhẫn ngắt lời tôi, thô giọng hỏi : “Có phải em đang ở sân bay Zurich không?”
“…Ừ.
Em tới ngắm cảnh, mai đi liền.” giọng tôi tự động thấp xuống vài độ “Em, em không có tới tìm anh.”
“Em có bút ở đó không?” anh nói, giọng điệu bỗng nhiên trở nên vô cùng bình tĩnh.
“Có…”
“Nhớ kỹ : XXXXXXXXX, đây là số điện thoại của anh.” Tiếp theo, anh lại đọc một chuỗi tiếng Đức, đọc từng chữ cái một cho tôi ghi lại “Đây là địa chỉ nhà anh.
Có một chiếc chìa khóa đặt dưới đệm lót chậu hoa ở bên phải cửa.
Lỡ may anh không tìm được em, em gọi di động tìm anh, hoặc trực tiếp đi nhà anh, nhớ chưa?”
“Lịch Xuyên…anh đừng tới tìm em.
Em–”
“Anh hỏi em, những lời anh vừa nói, em có nhớ kỹ không?”
“Nhớ kỹ.”
“Đi tới nhà anh bằng cách nào, em biết không?”
“Đi…đi xe buýt?”
“Ngốc!”
“Đi…xe điện ngầm?”
“Ngốc!”
“Đi…đi taxi?”
“Vậy mới được, em có tiền Thụy Sĩ không?”
“Có.”
“Đưa địa chỉ cho lái xe, nói với ông ta thế này “Fahren Sie mich bitte zu dieser Adresse!” (Dịch : nhờ ông đưa tôi tới địa chỉ này) ông ta sẽ đưa em tới cửa nhà.”
“Anh nói nhanh quá, em không nhớ.
Lặp lại lần nữa đi.”
“Quên đi, đừng ngồi taxi, lỡ may gặp phải lừa đảo.
30 phút sau nếu em còn chưa thấy anh, thì cứ cách 5 phút lại gọi điện thoại cho anh một lần, được không?”
“Được rồi.”
“Bây giờ, em đang đứng ở cổng ra, đúng không?”
“Ừ.”
“Đừng đi đâu hết, anh tới đón em, chắc mất khoảng 30 phút.” Lịch Xuyên uy hiếp tôi từ đầu bên kia “Nếu anh không thấy em, lại không nhận được điện thoại của em, anh sẽ báo cảnh sát, em biết chưa? Nếu em mất tích, hoặc xảy ra chuyện không may, anh sẽ nhảy lầu ngay lập tức, em hiểu chưa?”
“Hiểu, hiểu rồi.”
Điện thoại bị gác.
Tôi thở dài nhẹ nhõm một hơi, tới tiệm cà phê mới nãy mua một ly kem thật to, lúc này mới nhớ ra tôi đã đứng đợi ở cổng ra 6 tiếng đồng hồ liền, hai đùi mỏi muốn chết.