Cuộc đời con người, không ai đoán trước số phận.
Đời dài, tương lai ở phái trước, có người đến một ngày tiến lên đỉnh vinh quang, nhưng cũng có người chìm xuống tận đáy xã hội.
Ai cũng khoát lên mình một lớp mặt nạ dày để sống, cứ thế mà sống, cứ thế mà đi.
Liệu có mấy ai nhớ về những chuyện đã đi qua? Có mấy ai một lần nhìn nhận cuộc đời và ngồi chấm bút viết lại? Thật ra, cho đến giờ, ta cũng không hiểu, vì sao con người phải cố gắng sống và chiến đấu với cái xã hội đầy thử thách này? Cho dù vậy, không có câu trả lời cho bản thân, ta vẫn cứ phải tiếp tục bước đi về phía trước, cho đến khi mỏi gối chùn chân, rồi có một lần, nhớ về chuyện mình, viết lên câu chuyện đời..
Ta sinh ra trong những ngày tháng vừa hết chiến tranh.
Gia đình ta nghèo lắm, nghèo đến nỗi mái nhà tranh nắng cháy, mưa dột, tường chỉ là những mảnh đất sét ghép vào với nhau, nền nhà cũng bằng đất sét được nén cứng lại để không bị nhão khi mưa về.
Sinh ra là con gái út trong nhà, ta chỉ biết ăn rồi chơi bời, thích mè nheo, thích trèo cây, thích bắt chim, bắt cá..
Bởi hoàn cảnh không cho phép gia đình chúng ta chung sống mãi bên nhau, Ba phải đi theo người ta lái tàu, đánh cá ở tỉnh khác, một năm Ba về với mấy Mẹ con vài ngày rồi lại đi.
Mẹ tất bật đồng áng, vun vén cho mấy đứa con còn đang tuổi ăn tuổi học.
Chị Hai ta sáu tuổi đã biết nấu cơm, gánh nước, giặt giũ, vừa đi học vừa theo Mẹ làm việc nhà.
Cuộc sống trải qua những ngày khó khăn, thiếu thốn về vật chất, về tình cảm khiến Mẹ như già thêm mười tuổi.
Cơm mỗi ngày còn không đủ ăn, Mẹ lại phải nhịn bớt đi, chỉ ăn khoai lang khô với muối.
Cũng bởi cuộc sống chật vật cơm áo gạo tiền, Mẹ hầu như không còn thời gian để gần gũi bên ta nhiều nữa.
Mỗi ngày Mẹ chỉ ngủ bốn tiếng rồi lại dậy ra đồng.
Nhà thiếu vắng bóng dáng người đàn ông, Mẹ thay Cha làm người đàn ông che nắng che mưa trong ngôi nhà tranh tàn tạ.
Ta lúc đó bốn tuổi, mỗi ngày sau khi ngủ dậy chỉ ríu rít không ngừng, hết chạy đông lại chạy tây, không ở yên một chỗ.
Mẹ hay cáu gắt với ta, nhiều lúc còn dùng roi đánh vào mông ta đến mức mông hằn lên nhiều vết đỏ.
Mẹ cũng mặc không dỗ dành, chỉ có chị Hai lén lút đem dầu vào bôi cho ta sau những trần đòn như thế.
Lúc đó, ta luôn cảm thấy Mẹ không hề thương ta, Mẹ chỉ biết đánh ta, mắng ta.
Một ngày nọ, có một lần ta trèo cây mận trợt chân té xuống gốc, đầu va vào mũi dao nhọn, máu chảy cả một vùng.
Lúc đó ta vẫn không cảm thấy đau, chỉ yếu ớt gọi Mẹ, nhìn thấy trong mắt Bà là sự hoảng hốt, kèm theo một điều gì đó mà ta không hiểu, sau này ta mới biết, đó là sự xót xa.
Ta dần lim đi, chỉ nghe văng vẳng bên tai tiếng kêu nghẹn ngào của Mẹ.
Lúc đó ta chỉ nghĩ, cuối cùng Mẹ cũng ôm ta vào lòng.
Sau này nghe chị Hai kể lại, Mẹ đã khóc rất nhiều vào cái ngày ta bị nạn, Mẹ bỏ cả ăn uống chỉ một mực nhìn vào phòng cấp cứu bệnh viện, chỉ sợ ta bị điều gì không may.
Số ta cũng may mắn, bị mũi dao cắm vào đầu thế mà không ảnh hưởng gì, chỉ bị mất máu quá nhiều nên cần phải nằm vài ngày không được xuống giường, nếu không sẽ lại chảy máu.
Tin ta bị thương cũng truyền đến tai Ba, ông vội vàng về.
Nhìn vẻ mặt lo lắng của Ba Mẹ và các chị mà lòng ta cảm thấy hào hứng, phải nói là vô cùng vui vẻ.
Hóa ra ta cũng là bảo bối của cả gia đình này.
Ngày ta được xuất viện về nhà, buổi tối nằm trong lòng Ba nghe Ba kể chuyện, ta cũng kể cho Ba nghe rất nhiều chuyện ở nhà, rồi chuyện con gà hàng xóm bị con diều hâu bắt, chuyện ta té từ trên cây mận..
Ba chỉ im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng xoa đầu ta vài cái, rồi mỉm cười..
Có lẽ với ta sau này, đó là đêm tối đẹp nhất, ấm áp nhất mà ta từng trải qua.
Thời đó, nhà nào không có con trai thì đều bị xã hội coi thường, người phụ nữ còn bị xem là không biết đẻ.
Mà bà Nội ta thì khỏi phải nói, bà rất phong kiến, nhà ta lại có ba chị em gái nên chị em chúng ta không được bà xem là gì, Mẹ ta càng bị bà ghẻ lạnh.
Nội ở với chú thím, may mắn cho Mẹ là không phải làm dâu, nhưng cách nhà nhau chỉ vài bước chân, Mẹ cũng phải chịu đựng cái nhìn đầy xem thường và những lời nói bóng gió của Nội.
Năm ta năm tuổi, Mẹ ta có thai, siêu âm thai là con trai khiến cả nhà đều vui mừng.
Nhất là Ba.
Nhà sắp thêm một thành viên lại khiến Ba đi lâu hơn không thể về, Mẹ lại càng vất vả.
Em trai ta có lẽ cũng biết Ba Mẹ khổ cực nên cũng không quấy, cho đến ngày Mẹ chuyển dạ sinh nó ra.
Ngày cu Út ra đời cũng là ngày Mẹ ta nhẹ lòng bởi không còn phải nghe lời ra tiếng vào của thiên hạ.
Còn ta lúc đó, mọi thứ đều quy về bởi sự ghanh tị, bởi ta nghĩ Út sinh ra thì Ba không thương ta, Mẹ lại càng ghét ta hơn.
Họ hàng hai bên Nội Ngoại ai cũng chỉ nhìn vào nó, còn ta không còn giá trị gì nữa.
Mỗi ngày ra vào nhìn khuôn mặt nhăn nheo của nó, ta chỉ muốn véo nó một cái.
Ta nghĩ nó xấu xí như thế sao lại được mọi người yêu quý, còn ta trước kia được Ba khen, được cụ cố xoa đầu bảo lanh lợi, thì bây giờ ngược lại, không ai thèm nhìn.
Đôi lúc ta nhìn chăm chú vào nó, còn bị chị Hai phòng bị, sợ ta không chú ý mà đụng trúng em.
Ta tủi thân, lại càng ghét thằng nhóc.
Rồi sau ba tháng ở cữ, Mẹ lại phải ra đồng làm việc.
Hết lớp chín, chị Hai nghỉ học để phụ Mẹ chăm em.
Nhà chỉ có mấy chị em với nhau, cu Út cũng được ba tháng tuổi nhưng không bụ bẫm như những đứa trẻ khác, vì Mẹ không đủ sữa cho bú, nhà lại nghèo không đủ tiền mua sữa ngoài.
Được cái là nó rất ngoan, không thường xuyên quấy khóc, chị Hai cũng bận cả ngày không chăm nó thường xuyên, chị Ba thì đi học, chỉ có ta rảnh rỗi nên nhận nhiệm vụ trông em.
Mới đầu vì ghét nên ta cũng khó chịu ra mặt, tranh thủ khi chị Hai không để ý mà cắn vào má nó làm nó khóc um lên, chị Hai chạy vào thấy dấu răng trên mặt nó, mắng ta một trận ra trò, làm ta tủi thân khóc đến bỏ cơm.
Ta cứ tưởng sau này chị Hai không cho ta trông em nữa, nhưng cuối cùng nhà không còn ai rảnh rỗi hơn ta, cho nên đành để ta tiếp tục.
Ta vẫn chứng nào tật nấy, lại cắn nó vài lần, nhưng rút kinh nghiệm không cắn vào má nữa mà là gót chân, ta cứ tưởng thằng nhóc sẽ sợ ta, sẽ gào khóc nhưng nó vẫn im lặng giương đôi mắt lạ lẫm nhìn ta, nắm tay nhỏ xíu quơ quơ lên thích thú, ta không cam lòng nhìn nó, nó lại cười nhìn ta.
Cứ thế, sau một thời gian gánh trách nhiệm trông trẻ thì ta lại không ghét nó nữa, chỉ cảm giác vui vẻ khó diễn tả, mà cu Út thấy ta cũng ê a đòi bế, ta lại thấy tự hào.
Ít ra trong nhà này, cu Út cũng thích ta..