Chuyện Đời Của Gia Gia FULL


Khép lại sau lưng những kí ức cũ nhạt nhòa nơi xứ biển Nha Trang ngày ấy, tôi cố gắng biến mình trở thành một cô gái thành thục lăn lộn trong xã hội kim tiền.
Làm việc ở KDL gần một năm, những vấn đề về chế độ và đãi ngộ công ty phức tạp đã xảy ra.

Công ty nợ lương nhân viên hơn ba bốn tháng không trả.

Mặc dù bao ăn bao ở, nhưng chi phí sinh hoạt cá nhân mỗi ngày vẫn phải chi tiêu, không có lương tháng, các công nhân lao động không biết làm sao để tiếp tục sinh sống.

Vì phản ứng của nhân viên quá lớn, công ty chỉ cho nhân viên ứng lương nếu có nhu cầu, nhưng tối đa chỉ được nửa tháng lương cho mỗi người.

Mới đầu chập chững vào đi làm, tôi đâu biết phải cùng công ty kí hợp đồng lao động, rồi bảo hiểm xã hội..

Chỉ biết đi làm theo đúng những gì đã thỏa thuận, cho đến khi vấn đề xảy ra, tôi mới biết, bản thân lúc đó vẫn còn rất ngây thơ.
Thật ra cũng không đến nỗi lo lắng bởi không chỉ mình tôi bị công ty nợ lương, tất cả nhân viên đều bị như thế.

Và rồi, lần lượt có nhân viên xin nghỉ việc, tôi cũng bị ảnh hưởng và hoang mang.

Đối với tôi, công việc lương hàng tháng là nguồn thu nhập rất quan trọng để nuôi sống chính mình.

Tuy làm ở nơi đây tôi có thể tiết kiệm các khoản vì KDL cách xa trung tâm, không tốn tiền ăn ở, nhưng với sự nợ nần lương như thế khiến bản thân tôi cũng lo sợ rất nhiều.
Cuối cùng, sau bao ngày quan sát tình huống và tham khảo ý kiến gia đình, tôi quyết định xin nghỉ việc nhân lúc công ty còn có khách hàng.

May mắn cho tôi, anh đồng nghiệp làm nhân sự lại là người tôi thân thiết, và hai chị kế toán thì lại ở cùng tôi, mọi thủ tục nghỉ việc và lương đều chi trả cho tôi đầy đủ.

Mọi thứ được hoàn thành nhanh chóng cho đến ngày cuối cùng xách ba lô lên và rời khỏi nơi tôi gắn bó suốt gần một năm trời.

Cũng có một cuộc chia tay đầy lưu luyến, các cô chú, anh chị em, những người cùng tôi làm việc, cùng ăn cơm mỗi ngày, cùng chơi đùa ca hát thâu đêm suốt sáng..

Tình cảm thân thuộc chân chất khiến tôi cảm thấy ấm lòng.

Nhưng dù có bịn rịn đến đâu thì cũng phải đi, bởi cơm áo gạo tiền, ai cũng cần thay đổi điểm đến, để có một cuộc sống đầy đủ hơn.

Cứ thế, cuộc sống bình yên đầu tiên của tôi đến đó là kết thúc.
Trở về lại Sài Gòn hoa lệ, chị ba của tôi đã chuyển trọ qua Nhà Bè ở cùng với một cô em họ.

Tôi về đó cùng sống chung với nhau.

Và lại tiếp tục con đường tìm việc kiếm cơm.
Lần này tôi lại xin được vào một công ty chuyên đào tạo lập viên quốc tế ở quận Bình Thạnh.

Đúng ra, tôi cũng có duyên với quận này.

Công việc chính của tôi lúc đó là quản lý học viên và tổ chức sự kiện.

Lại tiếp xúc với một môi trường mới, con người mới, tôi càng phải phấn đấu hơn.

Cải thiện lại kiến thức bản thân, cải thiện lại kĩ năng của mình, tôi cần nhất vẫn là tiền, và kinh nghiệm, trong đó có cả kinh nghiệm sống và kinh nghiệm chuyên môn.
Aptech - là công ty thứ hai tôi làm việc, là nơi khiến tôi năng động hơn, trẻ trung hơn.

Bởi làm việc ở đây, tiếp xúc với các học viên tuổi còn rất trẻ, chúng khiến tôi thấy mình quay lại thời còn sinh viên.

Thật ra cũng không chỉ những đứa trẻ mới chập chững vào đời, đối tượng học tại đây cũng bao gồm các anh lớn tuổi, muốn lấy thêm chứng chỉ hoặc đã từng học đại học nhưng bỏ ngang và chuyển nghề.

Những đối tượng học viên này chiếm đến hơn ba mươi phần trăm số lượng tổng thể.
Trong công việc của tôi có nhiệm vụ thông báo phí đến tất cả phụ huynh khi đến kì phải đóng, chính vì nhiệm vụ này đã dẫn đến nhiều cơ duyên cho tôi sau này.

Nhưng đó là kể sau.
Trước mắt, tôi cảm thấy rất oải, vì công việc này cũng không mất vui vẻ đối với nhiều phụ huynh.

Việc khiến tôi vui vẻ là có vài cô chú đến đóng phí cho con đều khen giọng tôi nghe dễ thương và lễ phép.

Điều đó làm tôi có động lực hơn.
Nói về giọng thì tôi sinh ra ở miền Trung, nên từ lúc nhỏ tôi đã nói chất giọng địa phương đặc sệt.

Tôi cảm thấy rất bình thường cho đến ngày tôi đi Tây Nguyên thi đại học, vào thuê nhà nghỉ nói chuyện với người ta, họ nhìn tôi bằng ánh mắt kì dị như người ngoài hành tinh.

Lúc đó, tôi vẫn hoang mang, nhìn tôi thế làm gì? Tôi nói tiếng người cơ mà.

Thế nhưng nói rất nhiều lần cùng một nội dung nhưng họ hầu như không hiểu.

Vài lần như thế tôi quyết định đổi giọng của mình.

Cũng không biết vì tôi có thiên bẩm hay vì bản năng sinh tồn, trong năm ngày thi đại học đó tôi đã đổi được giọng.

Khi nói chuyện với người khác tỉnh, tôi sẽ nói giọng miền Nam, khi về quê tôi lại nói giọng quê mình.

Cho đến khi đi học, đi làm vẫn không ai nhận ra tôi ở miền Trung trừ khi tôi nói mình ở nơi đó.

Cũng có một vài người không tin, và tôi đã cho họ thấy, tôi nói giọng địa phương thế nào.

Có thể ngay từ đầu, cái nhìn quái dị của bà chủ nhà trọ ấy khiến bản thân tôi xác định, không gì là không thể làm được trong cuộc sống này.
Sau hai tháng thử việc, tôi được chính thức nhận vào làm với hợp đồng và chế độ bảo hiểm đầy đủ.

Mỗi công ty đều sẽ có một chế độ và đãi ngộ khác nhau, trước khi vào đó không biết là tốt hay xấu, tuy nhiên công ty làm theo đúng luật lao động thì mọi thứ được đảm bảo hơn rất nhiều.

Ít ra, trải qua kinh nghiệm lần đầu thì tôi cũng rút ra được nhiều bài học.
Chính thức được làm việc với một tư cách như giáo vụ trong trường Aptech cũng được xem như có chức có quyền.

Mỗi ngày tôi sẽ phải cầm sổ sách đi điểm danh, nhắc nhở các học viên đi trễ, răn đe các cô các cậu trốn học và quậy phá.

Nhưng khổ nỗi, không như thời sinh viên của tôi, những học viên của nơi này toàn là người có tiền, công ty tôi lại là nơi đào tạo tư nhân, họ cũng không cảm thấy bức bách.

Chính vì thế, chả ai sợ tôi, lớp học toàn con trai, nói mặt tôi như con nít, tuổi chắc chả lớn hơn tụi nó bao nhiêu, cuối cùng tôi đều bị chọc ghẹo đến mức xấu hổ đỏ mặt tía tai quay lại phòng làm việc.

Sau vài lần, tôi đã luyện được một da mặt thật dày, chai lì trước những lời bông đùa và hò hét của bọn chúng, nghiêm mặt gạch tên ra khỏi danh sách thi cử cuối môn khi chúng vi phạm nguyên tắc và quy định chung, thế là tụi nó quay qua nịnh nọt tôi mỗi ngày.

Chung quy lại, đi làm từ Nhà Bè xa xôi chạy xe máy hơn 20 km mới tới chỗ làm, nhưng có những nhân vật tiểu quỷ ấy, chúng đã trở thành một niềm vui không nhỏ hàng ngày của tôi.
Thời gian cứ trôi qua một cách nhanh chóng.

Công việc của tôi cũng được xem như suông sẻ qua từng ngày.

Tất cả học viên trong trường đều đã biết mặt tôi, mặc dù chúng chả sợ sệt gì tôi cả nhưng vẫn e dè quyền lực cấm thi mà như những chú cún con, khiến tôi buồn cười không thôi.
Trường học mỗi năm sẽ có vài sự kiện tiêu biểu cho học viên được thay đổi không khí.

Tôi nhớ mỗi lần công bố một tin tức nào là mọi lớp cứ nhao nhao nhưng cuối cùng chả ai tham gia cả.

Tôi phải đi vận động rất nhiều, vào từng lớp, liên hệ từng người.

Mới đầu, những sự kiện như thế khiến tôi thấy áp lực và mệt mỏi.

Nhưng may thay, tôi lại thân được với một anh chàng được xem là bạn thân nhóm siêu quậy của trường, sau này những việc như thế, tôi chỉ cần than vãn với anh vài câu, là mọi việc xong xuôi.
Thấm thoát cũng đến lúc tôi phải tổ chức hội thao cho tụi nó.

Công ty của tôi đào tạo hai mảng là lập trình viên và đồ họa vi tính.

Chỗ trường tôi làm là lập trình viên, hội thao này sẽ lập ra các đội tham gia đấu với trường đồ họa vi tính.

Sau mấy ngày dài vận động lên xuống và đóng góp không nhỏ của nhóm siêu quậy thì cũng lập ra được hơn năm đội đá bóng.

Mệt mỏi với các anh chàng vì tăng động nhưng lại lười vận động này, tôi phải ra sức đi tập mỗi ngày cùng các anh chàng mới có thể tự tin cho các cậu đi đấu với người ta.
Ngày diễn ra hội thao, tất cả mọi người của trường đều có mặt để cỗ vũ.

Đương nhiên tôi sẽ là người làm cu li mang theo nước và chăm sóc các "cầu thủ" nghiệp dư này.

Không may cho trường tôi là các anh chị bên trường đối thủ quá mạnh, sau vài trận lăn lóc với đầy vết thương thì chúng tôi thua.

Mặc dù thế, sau sự kiện thể thao này, tình đoàn kết của chúng tôi càng tăng cao, sự yêu mến của mọi người dành cho tôi cũng được tăng thêm rất nhiều.

Điều này dẫn đến những biến cố về sau, chúng khiến tôi phiền phức, khiến tôi hạnh phúc, cũng khiến tôi rơi vào cảnh khốn cùng..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui