Chuyến du hành kỳ lạ của ngài Daldry

- Thay vì đến xưởng ở Cihangir, ngày mai tôi sẽ đưa cô đến chỗ bà Yilmaz, nhưng không được hé nửa lời với cô tôi nhé, hứa không? Can hỏi khi đã đến trước nhà Alice.
Cô nhìn anh chăm chú.
- Can, anh đã có ai trong đời chưa?
- Tôi có rất nhiều người trong đời rồi cô Alice ạ. Bạn bè tôi rồi cả một đại gia đình nữa, thậm chí còn hơi quá nhiều so với mong muốn của tôi.
- Ý tôi muốn nói người anh yêu ấy.
- Nếu cô muốn biết liệu có người phụ nữ nào trong tim tôi không thì tôi xin thưa rằng tất cả các cô gái xinh đẹp ở Uskudar vẫn ghé qua đó mỗi ngày. Như thế chẳng mất gì và yêu thầm thì chẳng ảnh hưởng đến ai, đúng vậy không? Thế còn cô, cô đã yêu ai chưa?
- Chính tôi mới là người hỏi trước chứ.
- Bà cô tôi đã kể gì với cô vậy? Bà ấy chắc sẽ bịa ra bất cứ thứ gì để tôi thôi giúp cô tìm kiếm. Khi có ý định gì thì bà ấy vô cùng ngang bướng, tới mức hẳn có lẽ đã khiến được cô tin rằng tôi đang tính chuyện ngỏ lời cầu hôn cô, nhưng tôi đảm bảo với cô là không có chuyện đó.
Alice nắm lấy tay Can.
- Tôi hứa với anh là tôi không hề tin lấy một giây.
- Cô đừng làm thế này, Can vừa thở dài vừa rút tay ra.
- Đó chỉ là một cử chỉ giữa bạn bè với nhau thôi mà.
- Có thể, nhưng tình bạn giữa hai người khác giới không bao giờ trong sáng cả.
- Tôi không đồng ý với anh, tình bạn lớn nhất đời tôi là với một người đàn ông, chúng tôi biết nhau từ thời niên thiếu.
- Cô không nhớ anh ta sao?
- Dĩ nhiên là có chứ, tuần nào tôi cũng viết thư cho anh ấy.
- Thư nào cũng có hồi đáp chứ?
- Không, nhưng anh ấy có lý do chính đáng, tôi viết nhưng không gửi.
Can cười với Alice rồi bước giật lùi ra xa.
- Thế cô không bao giờ tự hỏi sao mình lại không bao giờ gửi những lá thư đó đi à? Tôi nghĩ đã đến lúc về nhà, muộn rồi.
Daldry thân mến,
Tôi viết cho anh thư này mà lòng đầy ngổn ngang. Tôi cứ nghĩ mình đã đi đến cuối cuộc hành trình nhưng hôm nay tôi viết cho anh là để thông báo rằng tôi sẽ không trở về nữa, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Anh sẽ hiểu tại sao khi đọc tiếp thư.
Sáng hôm qua tôi đã tìm lại được bà vú nuôi thuở nhỏ. Can đã dẫn tôi tới nhà bà Yilmaz. Bà sống trong ngôi nhà nằm ở đầu cao của một con hẻm lát đá, xưa kia phủ toàn đất. Tôi cũng phải nói với anh rằng ở hẻm ấy có một cầu thang lớn…
Giống mọi ngày, họ rời Uskudar lúc còn sớm, nhưng như Can đã hứa với Alice, họ tới ga Haydarpasa. Tàu rời sân ga lúc chín rưỡi. Kề sát mặt vào ô cửa kính trong khoang ngồi, Alice tự hỏi trông vú nuôi sẽ thế nào và liệu gương mặt bà ấy có khơi dậy kỉ niệm nào trong cô hay không. Một tiếng sau thì họ tới Izmit, sau đó bắt taxi lên khu cổ nhất thành phố nằm trên đồi cao.
Ngôi nhà của bà Yilmaz còn nhiều tuổi hơn cả người chủ sở hữu. Được xây bằng gỗ, nó nghiêng sang bên đến lạ thường và trông như sắp sập đến nơi. Lớp vữa trát mặt tiền chỉ còn được giữ lại nhờ những chiếc đinh mất mũ cũ kĩ, cửa sổ đã bị muối ăn mòn, gỉ sét nhiều năm bám chặt vào khung. Alice và Can gõ vào cánh cửa căn nhà sắp sập ấy. Trong lúc người mà cô cho là con trai bà Yilmaz dẫn họ vào phòng khách, Alice ngửi thấy mùi nhựa cây tỏa ra từ lò sưởi, mùi sách cũ ngai ngái như sữa đông, mùi đất thanh dịu, mùi mưa còn lưu lại trên đôi bốt da cũ.
- Bà ấy ở trên nhà, người đàn ông vừa nói vừa chỉ lên lầu, tôi chưa nói gì với bà ấy, cứ coi như có người đến thăm thôi.
Rồi khi bước lên những bậc thang đu đưa, Alice ngửi thấy mùi oải hương từ rèm cửa, mùi dầu lanh đánh bóng tay vịn, mùi bột hồ khăn trải giường, còn trong phòng của bà Yilmaz là mùi băng phiến tỏa ra thứ hương của sự cô đơn.
Bà Yilmaz đang ngồi đọc trên giường. Bà đẩy gọng kính trượt xuống đầu mũi rồi nhìn đôi trai gái vừa gõ cửa phòng.
Bà nhìn chăm chăm vào Alice đang tiến lại gần, nín thở sau đó buông ra một tiếng thở dài, rồi đôi mắt bà ngấn lệ.
Alice chỉ nhìn thấy ngồi trên giường là một bà cụ hoàn toàn xa lạ với cô cho đến khi bà Yilmaz nức nở ôm chầm rồi siết chặt lấy cô…
… vùi mặt vào gáy bà, tôi nhận ra vẻ thân quen tuyệt đối với tuổi thơ mình, tôi tìm lại được những mùi hương của quá khứ, hương thơm của những nụ hôn nhận được trước khi đi ngủ. Từ tuổi thơ ấy, tôi lại nghe thấy tiếng rèm cửa lạo xạo mở ra mỗi sáng cùng lúc là giọng vú nuôi kêu lên với tôi: “Anouche, dậy đi con, có một con tàu tuyệt đẹp ngoài vũng, con phải ra đây mà xem.”
Tôi tìm lại được mùi sữa nóng trong bếp, lại thấy chân chiếc bàn bằng gỗ anh đào mà tôi rất thích trốn dưới đó. Tôi lại nghe thấy tiếng những bậc cầu thang kêu kẽo kẹt dưới bước chân bố tôi, và đột nhiên trên một bức tranh mực đen, tôi lại thấy hai gương mặt mình đã lãng quên.
Tôi có hai bà mẹ, hai ông bố, anh Daldry ạ, và giờ thì không còn ai nữa.
Phải mất một lúc bà Yilmaz mới thôi rơi lệ, bà đưa tay vuốt má tôi và hôn khắp người tôi. Bà không ngừng thì thầm gọi tên tôi: “Anouche, Anouche, Anouche bé bỏng của ta, vầng mặt trời của ta, con đã trở lại thăm bà vú già này.” Và đến lượt tôi, tôi cũng khóc anh Daldry ạ. Hoàn toàn không hay biết gì, tôi khóc vì không biết rằng những người sinh thành ra mình không được nhìn mình khôn lớn, rằng những người tôi yêu thương, những người nuôi nấng tôi để cứu tôi đã nhận tôi làm con nuôi. Tên tôi không phải là Alice mà là Anouche, trước khi mang quốc tịch Anh thì tôi là người Armenia và Pendelbury không phải họ thật của tôi.
Cho tới tận khi lên năm, tôi vẫn là một đứa trẻ câm lặng, một cô bé mà người ta không hiểu tại sao lại không chịu cất tiếng nói. Thế giới của tôi chỉ có các mùi hương, chúng là thứ ngôn ngữ của tôi. Bố tôi là thợ đóng giày và ông có một khu xưởng lớn cùng hai cửa hàng nằm bên hai bờ eo Bosphore. Bà Yilmaz khẳng định với tôi rằng ông là người thợ nổi tiếng nhất Istanbul, người ta từ khắp các vùng ngoại ô thành phố đều tới chỗ ông. Bố tôi phụ trách cửa hàng ở Pe1ra, mẹ tôi quản lý cửa hàng ở Kadikoy, còn bà Yilmaz mỗi sáng đều đưa tôi tới ngôi trường nằm sâu trong con ngõ cụt ở Uskudar. Bố mẹ tôi bận nhiều việc nhưng Chủ nhật nào bố cũng đưa chúng tôi đi dạo trên chiếc xe ngựa mui gập.
Đầu năm 1914, một vị bác sĩ không biết là thứ bao nhiêu đã gợi ý với bố mẹ tôi rằng chứng im lặng của tôi không phải không chữa được, rằng một số loại cây thuốc có thể làm dịu những đêm dài tôi vẫn bị những cơn ác mộng khủng khiếp quấy rối và rằng khi giấc ngủ quay trở lại thì tôi có thể cất tiếng nói. Bố tôi có một khách hàng là một dược sĩ trẻ người Anh vẫn thường giúp đỡ các gia đình khó khăn. Thế là tuần nào bà Yilmaz cũng đưa tôi tới phố Isklital.
Ngay khi nhìn thấy vợ của vị dược sĩ ấy, người ta bảo rằng tôi đã hét tên bà lên bằng một giọng rõ ràng.
Những liều thuốc nước của ông Pendelbury mang lại hiệu quả thật kỳ diệu. Sau sáu tháng điều trị, tôi ngủ ngon như một thiên thần và từng ngày tìm lại được niềm yêu thích với ngôn từ. Cuộc sống hạnh phúc trở lại, cho tới ngày 25 tháng Tư năm 1915.
Ngày hôm ấy ở Istanbul, những người có địa vị, trí thức, nhà báo, bác sĩ, giáo viên và thương nhân người Armenia bị bắt bớ trong một cuộc vây ráp đẫm máu. Đa phần đều bị hành hình mà không hề qua xét xử, những người sống sót bị đày đi Adana và Alep.
Cuối buổi chiều, tin đồn về cuộc tàn sát lan tới tận xưởng của bố tôi. Bạn bè người Thổ tới cảnh báo ông nên đưa gia đình đi ẩn náu càng nhanh càng tốt. Người ta buộc tội người Armenia mưu toan, thông đồng với người Nga, kẻ thù của chế độ. Không có gì là sự thật, nhưng cơn giận điên cuồng của chủ nghĩa dân tộc đã kích động bao khối óc, và bất chấp làn sóng biểu tình phản đối của dân Istanbul, những vụ ám sát vẫn không hề bị trừng phạt.
Bố tôi lao nhanh về gặp chúng tôi, trên đường đi ông gặp một đội tuần tra.
“Bố con là một con người quả cảm, bà Yilmaz nhắc lại với tôi, ông ấy chạy suốt đêm để vể cứu các con. Tới gần bến cảng thì chúng bắt được ông ấy. Bố con cũng là người gan dạ nhất, khi những kẻ man dại điên cuồng kết thúc cái công việc bẩn thỉu của bọn chúng và bỏ mặc cho ông ấy chết thì bố con gượng dậy. Dù bị thương, ông ấy vẫn bước đi và tìm ra cách băng qua eo biển. Cuộc bắt bớ tàn sát chưa kịp lan đến Kadikoy.
“Chúng ta thấy ông ấy về vào lúc nửa đêm, máu me bê bết, mặt mũi sưng vù, trông không còn nhận ra được nữa. Ông ấy ghé vào phòng nơi các con đang ngủ ngon lành, rồi ông ấy xin mẹ con đừng khóc vì sợ các con tỉnh giấc. Ông ấy gọi mẹ con và ta ra phòng khách rồi giải thích cho chúng ta chuyện gì đang diễn ra trong thành phố, những cuộc chém giết, nhà cửa bị thiêu rụi, phụ nữ bị hành hạ. Những điều khủng khiếp mà bọn đàn ông có thể làm khi họ mất nhân tính. Ông ấy bảo bọn ta phải bảo vệ các con bằng mọi giá, rời thành phố ngay lập tức, thắng xe ngựa vào rồi bỏ trốn về vùng quê, chắc chắn ở đó mọi thứ sẽ yên ổn hơn. Bố con cầu xin ta cho các con trú tạm trong gia đình ta, tại đây, trong ngôi nhà ở Izmit này mà sau này các con ở lại vài tháng. Thế rồi mẹ con nước mắt lưng tròng hỏi rằng sao ông không cùng đi, ta vẫn còn nhớ rõ bố con đáp rằng:’Anh sẽ ngồi nghỉ một lát, nhưng chỉ vì anh thấy mệt thôi.’
“Đó là lòng tự tôn ở ông ấy, thứ giúp ta đứng thẳng như một cây giáo sắt, thứ buộc ta phải đứng vững, trong mọi hoàn cảnh.
“Ông ấy ngồi trên ghế, mắt khép lại, mẹ con quỳ gối ngay cạnh, ôm ghì lấy ông. Ông đặt một tay lên má bà, mỉm cười với bà, rồi ông trút một hơi thở dài, đầu nghiêng sang một bên và ông không nói gì nữa. Bố con đã chết với nụ cười trên môi, mắt vẫn nhìn mẹ con, như ông đã từng quyết thế.
“Ta vẫn nhớ khi bố mẹ con cãi vã, bố con thường bảo với ta:’Bà biết đấy, bà Yilmaz ạ, cô ấy vẫn còn giận vì chúng tôi phải làm việc nhiều quá, nhưng khi về già, tôi sẽ mua cho cô ấy một ngôi nhà thật đẹp ở nông thôn, cùng khoảng đất rộng bao quanh, và cô ấy sẽ là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Còn tôi, bà Yilmaz ạ, khi tôi chết trong ngôi nhà là thành quả có được từ bao cố gắng của chúng tôi ấy, ngày mà tôi ra đi, vào giây phút cuối cùng, tôi muốn được nhìn thấy chính đôi mắt vợ tôi.’
“Bố con cao giọng kể với ta như vậy để mẹ con cũng có thể nghe thấy. Thế là bà ấy cứ lẳng lặng vài phút, rồi khi ông ấy mặc áo khoác, mẹ con mới đi ra cửa bảo với ông:’Thứ nhất, không ai đảm bảo được là anh sẽ đi trước em, còn em, ngày mà em chết, vì cái nghề đóng giày đáng ghét của anh rồi sẽ làm em kiệt sức, trong phút giây hoang tưởng cuối cùng em sẽ trông thấy những chiếc đế giày bằng da.’
“Thế rồi mẹ con vừa ôm hôn vừa rủa ông ấy chính là thợ đóng giày khó tính nhất thành phố, nhưng bà ấy cũng không muốn ai đó khác làm chồng mình.
“Chúng ta đã đặt ông ấy vào giường, mẹ con cài màn cho ông ấy, như thể ông ấy đang ngủ. Bà ôm hôn rồi thì thầm với ông những lời yêu thương mà chỉ họ biết với nhau. Bà bảo ta gọi các con dậy rồi tất cả cùng đi vì bố con đã ra lệnh như vậy.
“Trong lúc ta thắng xe ngựa, mẹ con chuẩn bị một chiếc vali, bà để vào đó vài món đồ cùng bức tranh vẽ bố mẹ con mà con trông thấy ở kia, trên tủ mốt, giữa hai khung cửa sổ phòng ta.”
Anh Daldry ạ, tôi đã tiến về phía cửa sổ và cầm lấy khung tranh. Tôi không nhận ra gương mặt của cả hai người nhưng người đàn ông và người phụ nữ vẫn mãi mỉm cười với tôi kia chính là bố mẹ đẻ của tôi.
“Chúng ta chạy xe gần như suốt đêm, bà Yilmaz tiếp tục, và tới Izmit khi trời vừa rạng sáng, ở nơi đó gia đình ta đã chào đón mẹ con các con.
“Mẹ con không thể nào nguôi ngoai được. Hầu như ngày nào bà ấy cũng ngồi suốt dưới gốc cây đoạn cổ thụ mà con có thể thấy từ cửa sổ kia. Khi khá hơn, bà ấy dắt con dạo bộ trên cánh đồng, hái hoa hồng và hoa nhài. Trên đường đi, con kể với chúng ta tất cả các loại mùi mà con ngửi thấy.
“Chúng ta cứ ngỡ là được yên ổn rôi, rằng cơn điên loạn rồ dại đã lắng xuống, rằng những điều khủng khiếp ở Istanbul chỉ diễn ra trong một đêm. Nhưng bọn ta đã nhầm. Lòng hận thù lan khắp cả nước. Tháng Sáu, đứa cháu trai của ta hớt hải chạy về, hét lên rằng người ta đang bắt bớ người Armenia trong các khu thấp ở thành phố. Người ta chẳng hề nể nang dồn họ lại quanh nhà ga rồi lùa họ lên những toa tàu dành cho gia súc, đối xử với họ còn tệ bạc hơn những con vật định đưa đến lò mổ.
“Ta có một bà chị sống trong một ngôi nhà lớn bên bờ eo Bosphore, bà chị ngốc nghếch ấy lại đẹp vô cùng nên đã quyến rũ được một ông có địa vị giàu có, một người đàn ông quyền thế đến mức chỉ khi được mời, người ta mới dám bước vào cửa nhà ông. Hai vợ chồng bà ấy đều có trái tim nhân hậu và hẳn họ sẽ không để bất cứ ai vì bất cứ lý do gì mà động đến sợi tóc của một người hầu gái hoặc một trong những đứa con của họ. Chúng ta đã họp những người đứng đầu trong gia đình và quyết định ngay khi đêm xuống ta sẽ đưa mẹ con các con tới đó. Mười giờ tối, Anouche của ta ạ, ta vẫn nhớ rõ cứ như mọi chuyện mới diễn ra hôm qua thôi, chúng ta xách chiếc vali đen ra đi ẩn núp trong bóng tối của những con hẻm ở Izmit. Đứng trên cầu thang ở đầu con phố nhà ta, có thể nhìn thấy lửa bốc lên ngút trời. Nhà cửa của người Armenia ở gần bến cảng đang rực cháy. Chúng ta luồn lách cố tránh từng đoàn người hung dữ vẫn đi tìm giết cộng đồng người Armenia. Chúng ta ẩn mình trong đống đổ nát của một nhà thờ cổ. Chúng ta cứ ngây thơ tin rằng điều tệ hại nhất đã qua, thế nên chúng ta lại trở ra. Mẹ con dắt tay con rồi đột nhiên chúng ta bị phát hiện.”
Bà Yilmaz ngừng lời, rồi bà khóc nức nở, thế là tôi ôm bà vào lòng an ủi. Bà lấy khăn mùi soa lau mặt rồi lại tiếp tục câu chuyện nặng nề của mình.
“Tha lỗi cho ta, Anouche, đã hơn ba mươi lăm năm rồi nhưng lần nào nhắc đến chuyện này ta cũng không cầm được nước mắt. Mẹ con quỳ gối xuống trước mặt con, bà ấy bảo rằng con là sự sống của bà ấy, là điều kỳ diệu của bà ấy, rằng bằng mọi giá con phải sống sót, rằng dù có xảy ra chuyện gì bà ấy cũng vẫn luôn dõi theo con, và rằng con sẽ mãi mãi ở trong tim bà ấy dù con có ở bất cứ đâu.Bà ấy bảo rằng phải để con lại nhưng sẽ không bao giờ rời xa con. Bà ấy lại gần ta, nắm lấy tay ta rồi đẩy tất cả vào khoảng bóng tối của một chiếc cổng xe vào. Bà ấy ôm ta cùng các con vào lòng và cầu xin ta hãy che chở các con. Rồi bà ra đi một mình, đón lấy một quân đoàn những kẻ man dã phía trước. Để chúng không đi tới chỗ chúng ta, để chúng không thấy chúng ta, chính bà ấy đã đi về phía chúng.
“Sau khi chúng đưa mẹ con đi rồi, ta dẫn các con xuống đồi men theo những con đường mòn vốn đã quen thuộc với ta. Anh họ ta đợi chúng ta trong một vũng nhỏ, trên con thuyền câu được neo vào bến nổi. Chúng ta ra khơi và cập bến trước khi trời sáng. Sau khi tiếp tục đi bộ, cuối cùng tất cả cũng tới được nhà chị gái ta.”
Tôi hỏi bà Yilmaz xem chuyện gì xảy đến với mẹ tôi.
“Chúng ta không bao giờ biết được chính xác, bà đáp. Chỉ riêng ở Izmit đã có bốn nghìn người Armenia bị đày ải, còn trên cả nước, trong mùa hè bi thảm ấy, người ta đã giết hại hàng trăm nghìn người. Giờ đây không một ai còn nói đến chuyện đó nữa, tất cả đều câm lặng. Số người sống sót được và dám đứng ra làm chứng vô cùng ít ỏi. Người ta không muốn nghe họ nói. Phải rất hạ mình và can đảm mới dám cầu xin sự tha thứ. Người ta nói đến chuyện di dân, nhưng con cứ tin ta đi, thực tế hoàn toàn không phải vậy. Ta nghe được người ta rỉ tai nhau rằng có hàng đoàn phụ nữ, đàn ông và trẻ con, những đoàn người dài đến hàng cây số, đi xuôi về phía Nam. Những người không được xếp lên các toa tàu dành cho súc vật mà cuốc bộ dọc theo đường ray, không nước, không đồ ăn. Những ai không thể cất bước nổi nữa đều bị kết liễu trong một cái hố với viên đạn găm vào đầu. Những người khác bị dẫn ra giữa sa mạc rồi bị bỏ lại cho đến chết vì kiệt sức, vì đói khát.
“Khi giữ con ở nhà chị gái ta suốt mùa hè năm ấy, ta không hề hay biết gì, dù cho ta đã e sợ điều tệ hại nhất. Ta đã thấy mẹ con ra đi và ta đoán rằng bà ấy sẽ không trở lại nữa. Ta lo sợ cho con.
“Sau hôm diễn ra thảm kịch, con trở lại với thế giới câm lặng của mình, con không còn muốn cất tiếng nói nữa.
“Một tháng sau, khi chị gái ta cùng chồng chị ấy đảm bảo rằng Istanbul đã yên bình trở lại, ta dẫn con đến chỗ ông dược sĩ ở phố Isklital. Khi con trông thấy vợ ông ấy, con lại mỉm cười, con đã dang rộng vòng tay chạy về phía bà ấy. Ta kể cho họ nghe chuyện xảy đến với con.
“Con phải hiểu cho ta, Anouche, đó là một quyết định khủng khiếp, ta chấp nhận chính là để bảo vệ con.
“Bà vợ ông dược sĩ rất quý mến con, và con cũng vậy. Với bà ấy, con còn chịu nói vài lời. Thỉnh thoảng bà ấy tới gặp ta ở vườn Taskim, nơi ta thường đưa con tới chơi, bà ấy để con ngửi cỏ cây hoa lá rồi dạy con cách nói tên chúng; con như hồi sinh khi ở bên bà ấy. Một tối lúc ta tới lấy thuốc cho con, vị dược sĩ bảo với ta là vợ chồng họ sắp về nước, ông ấy gợi ý dẫn con theo cùng. Ông ấy hứa với ta là ở đó, ở nước Anh, con sẽ không bao giờ phải lo sợ điều gì, vợ chồng họ sẽ dành cho con cuộc sống mà họ vẫn ước mơ được trao cho đứa con không bao giờ họ tự có được. Họ đoán chắc với ta rằng ở bên họ, con sẽ không còn là đứa trẻ mồ côi nữa, con sẽ không thiếu thốn thứ gì, đặc biệt là tình thương.
“Để con đi khiến ta đau xé lòng, nhưng ta chỉ là một bà vú nuôi, chị gái ta không thể giữ hai con lâu hơn nữa và ta cũng chẳng làm cách nào mà nuôi nấng được cà hai con. Con là đứa yếu ớt hơn, còn nó thì còn quá nhỏ ột hành trình như vậy, vậy nên ta muốn cứu chính con, con gái yêu ạ.”
Daldry thân mến, sau khi nghe xong câu chuyện ấy, tôi cứ tưởng rằng mình đã khóc hết nước mắt, ấy vậy mà nước mắt tôi vẫn chưa cạn, anh có tin không.
Tôi hỏi bà Yilmaz rằng sao bà luôn nhắc tới “các con” và bà định nói tới ai khi bảo rằng trong hai đứa, tôi là đứa yếu ớt hơn.
Bà đưa hai tay ôm lấy khuôn mặt tôi rồi xin tôi tha thứ. Tha thứ vì đã chia cắt tôi và người em trai.
Năm năm sau khi tôi tới Luân Đôn cùng gia đình mới, quân đội Hoàng Gia Anh đã chiếm đóng Izmit khi Đế quốc bại trận, như vậy thật chẳng trớ trêu sao?
Năm 1923, khi cách mạng chuẩn bị nổ ra, ông anh rể của bà Yilmaz mất dần các đặc quyền và sau đó ít lâu thì qua đời.
Như bao người khác, bà vợ bỏ trốn trước cảnh Đế quốc thất thế nhường chỗ cho nền cộng hòa mới ra đời. Bà ấy nhập cư vào Anh và với gia sản chỉ có vài món trang sức, bà chuyển đến sống ở vùng ven biển Brighton.
Bà thầy bói đã nói đúng cả. Tôi được sinh ra ở Istanbul chứ không phải Holborn. Tôi đã được gặp từng người hẳn sẽ dẫn tôi tới với người đàn ông quan trọng nhất đời tôi.
Tôi sẽ bắt đầu tìm kiếm bởi giờ tôi đã biết người ấy có tồn tại.
Tôi có một người em trai đang sống ở đâu đó và em tôi tên là Rafael.
Ôm hôn anh.
Alice
Alice ở lại cả ngày với bà Yilmaz.
Cô dìu bà xuống thang rồi sau bữa trưa dưới vòm cây cùng Can và người cháu trai của bà Yilmaz, cả hai người đã tới ngồi dưới gốc đoạn cổ thụ.
Chiều hôm ấy, bà vú già đã kể cô nghe những câu chuyện của quá khứ, thời bố Anouche còn là thợ đóng giày ở Istanbul và mẹ cô bé là một người phụ nữ hạnh phúc có hai đứa con xinh đẹp.
Lúc họ chia tay, Alice hứa sẽ thường xuyên tới thăm bà.
Cô bảo Can đưa cô về bằng đường biển; lúc con tàu đưa họ về Istanbul cập bến, cô đưa mắt nhìn khắp các dinh thự bên bờ biển và chợt thấy cảm xúc dâng trào.
Tối hôm sau, cô xuống phố giữa lúc nửa đêm để tới bưu điện gửi thư cho Daldry. Một tuần sau thì anh nhận được thư và không bao giờ tiết lộ với Alice rằng mình cũng đã khóc trong lúc đọc thư.
14.
Quay lại Istanbul, trong đầu Alice chỉ nung nấu một ý định duy nhất, tìm lại người em trai. Bà Yilmaz từng bảo với cô rằng năm mười bảy tuổi, cậu chàng đã rời nhà, tới thử vận may ở Istanbul. Mỗi năm cậu về thăm bà một lần và thỉnh thoảng thì gửi bưu thiếp. Cậu đã thành ngư dân và phần lớn thời gian là lênh đênh trên những con tàu khổng lồ đánh cá ngừ ngoài khơi.
Suốt cả mùa hè, Chủ nhật nào Alice cũng dạo khắp các bến cảng dọc eo Bosphore. Mỗi khi một con đánh cá cập cảng, cô lại lao tới bến và hỏi những người thủy thủ vừa xuống thuyền xem họ có biết ai đó tên Rafael Kachadorian không.
Tháng Bảy, tháng Tám rồi tháng Chín trôi qua.
Nhân một tối chủ nhật mùa thu dịu mát, Can mời Alice tới ăn tối tại một quán ăn nhỏ mà trước kia Daldry từng vô cùng yêu thích. Vào mùa hè này, các dãy bàn được kê ngoài hiên, dọc theo con đê chắn sóng.
Đang giữa lúc trò chuyện, Can đột nhiên ngừng bặt. Anh khẽ khàng cầm lấy tay Alice.
- Có một điều mà tôi đã nhầm, nhưng cũng có một điều khác tôi vần luôn đúng, anh tiếp tục.
- Tôi nghe anh đây, Alice vui vẻ nói.
- Có thể tồn tại một tình bạn thực sự giữa hai người khác giới, điều này trước kia tôi đã nhầm, cô đã trở thành bạn của tôi, Alice Anouche Pendelbury ạ.
- Thế còn điều gì anh vẫn luôn đúng? Alice hỏi, nụ cười trên môi.
- Tôi đúng là hướng dẫn viên xuất sắc nhất Istanbul, Can đáp rồi phá lên cười.
- Tôi chưa bao giờ nghi ngờ điều ấy! Alice thốt lên lúc cả cô cũng không nín được cười nữa, nhưng sao anh lại nói thế vào lúc này?
- Vì nếu đúng là cô có em trai, thì cậu ta đang ngồi ngay sau cô hai bàn.
Alice thôi không cười nữa, nín thở quay lại.
Phía sau lưng cô một người đàn ông trẻ hơn cô một chút đang ngồi ăn tối cùng một người phụ nữ.
Alice đẩy ghế đứng dậy. Khoảng cách có vài mét mà tưởng như vô tận. Khi tới trước mặt họ, cô xin lỗi vì cắt ngang cuộc trò chuyện và hỏi anh ta có phải tên là Rafael không.
Người đàn ông sững lại khi phát hiện ra trong ánh sáng lờ mờ của những cây đèn lồng gương mặt cô gái nước ngoài vừa cất tiếng hỏi.
Anh đứng dậy nhìn sâu vào mắt Alice.
- Chị nghĩ chị là chị của em, cô run rẩy nói. Chị là Anouche, chị đã tìm em khắp nơi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui